[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XIV: Phá khuôn (Phần 2)

[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XIV: Phá khuôn (Phần 2)

SỰ SỤP ĐỔ CỦA THỂ CHẾ CHIẾM ĐOẠT Ở MIỀN NAM

Ngày 1/12/1955. Thành phố Montgomery, Alabama, một lệnh bắt giữ ghi lại thời gian vi phạm là 6 giờ 6 phút tối. Tài xế xe buýt James Drake gọi cho cảnh sát, và sĩ quan Day và Mixon xuất hiện. Họ tường trình lại như sau:

Chúng tôi nhận được cuộc gọi của tài xế xe buýt báo rằng có một người phụ nữ da màu ngồi ở khu vực người da trắng và không chịu dời đi. Chúng tôi… cũng thấy cô ta. Tài xế đã ký lệnh bắt giữ. Rosa Parks (tham chiếu…) vi phạm điều 11 chương 6 trong quy định của thành phố Montgomery.

Hành động ngồi vào khu vực dành cho người da trắng trên tuyến xe buýt đi qua đại lộ Cleveland của Rosa Parks được xem là vi phạm luật Jim Crow của thành phố Alabama. Rosa bị phạt mười đô-la cộng với bốn đô-la án phí. Rosa Parks không phải là một hành khách ngẫu nhiên. Lúc này cô đã là thư ký của Hiệp hội Quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP) chi nhánh Montgomery, tổ chức lâu đời đấu tranh để thay đổi Hiến pháp miền Nam nước Mỹ. Việc cô bị bắt giữ đã châm ngòi cho một phong trào lớn do Martin Luther King, Jr. lãnh đạo, đó là đợt tẩy chay xe buýt ở Montgomery. Ngày 3/12, King và các vị lãnh tụ da đen khác đã phối hợp để tổ chức tẩy chay xe buýt, thuyết phục tất cả người da đen ngưng sử dụng xe buýt. Phong trào tẩy chay đã thành công và kéo dài đến ngày 20/12/1956. Sự việc này đã khởi đầu cho một quá trình mà kết quả cuối cùng là tòa án tối cao Hoa Kỳ đưa ra phán quyết rằng luật tách riêng khu vực da trắng - da màu trên xe buýt ở Alabama và Montgomery là vi hiến.

Cuộc tẩy chay xe buýt ở Montgomery là một cột mốc quan trọng cho phong trào nhân quyền ở miền Nam Hoa Kỳ. Phong trào này là một phần của một chuỗi các sự kiện và những thay đổi đã phá vỡ khuôn mẫu ở miền Nam và dẫn tới sự thay đổi cơ bản về thể chế. Như ta đã thấy ở chương 12, sau cuộc Nội chiến, các địa chủ miền Nam đã thành công trong việc tái thiết thể chế kinh tế chiếm đoạt. Miền Nam nghèo hơn hẳn so với những phần còn lại của Hoa Kỳ.

Bắt đầu từ những năm 1950 trở đi, thể chế miền Nam dần chuyển sang giai đoạn phát triển nhanh hơn. Thể chế chiếm đoạt bị loại bỏ ở miền Nam Hoa Kỳ cũng khác với thể chế thuộc địa của Botswana thời kỳ tiền độc lập. Thời điểm quyết định mở đầu quá trình sụp đổ của những thể chế này tuy có những điểm khác biệt nhưng vẫn có một số điểm tương đồng. Đầu những năm 1940, những nạn nhân của nạn phân biệt đối xử và thể chế chiếm đoạt như Rosa Parks đã có tính kế hoạch hơn trong quá trình đấu tranh của mình. Cùng lúc đó, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ và chính quyền liên bang bắt đầu có những hành động can thiệp mang tính hệ thống nhằm cải tạo thể chế chiếm đoạt ở miền Nam. Như vậy, một nhân tố chính giúp tạo nên thời điểm quyết định dẫn đến sự thay đổi ở miền Nam là vận động sức mạnh của người da đen địa phương và việc chấm dứt sự thống trị mặc nhiên của tầng lớp quý tộc miền Nam.

Thể chế chính trị miền Nam, trước và sau cuộc Nội chiến, có một lôgic kinh tế rõ ràng và không khác mấy so với chế độ Apartheid ở Nam Phi: tìm nguồn lao động rẻ cho các đồn điền. Nhưng đến những năm 1950, lôgic này đã không còn hấp dẫn như trước. Thứ nhất, người da đen ở miền Nam di cư ồ ạt, một hệ quả của cuộc Đại Suy thoái và Thế chiến thứ hai. Trong những năm 1940 và 1950, con số di cư này trung bình lên đến một trăm nghìn người một năm. Trong khi đó, những tiến bộ về công nghệ được áp dụng dần vào sản xuất nông nghiệp, hạn chế sự phụ thuộc của chủ đồn điền vào lao động rẻ tiền. Công việc lao động chủ yếu trong đồn điền là hái bông. Năm 1950 hầu hết tất cả bông ở miền Nam đều được hái bằng tay. Và quá trình cơ giới hóa việc hái bông đã giảm đi nhu cầu về loại lao động này. Đến năm 1960, ở những bang quan trọng là Alabama, Louisiana và Mississippi, gần một nửa quy trình sản xuất đã được cơ giới hóa. Không chỉ việc giữ chân người da đen ở lại miền Nam trở nên khó hơn, mà bản thân chủ đồn điền cũng không còn cần đến họ nhiều như trước. Vì thế, tầng lớp quý tộc không còn nhiều lý do để đấu tranh nhằm giữ lại thể chế kinh tế chiếm đoạt. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là họ sẵn sàng chấp nhận các thay đổi trong hiến pháp. Thay vào đó, mâu thuẫn kéo dài đã diễn ra. Liên minh lạ thường giữa những người da đen miền Nam và thể chế dung hợp liên bang của Hoa Kỳ đã tạo nên một thế lực để chống lại thể chế chiếm đoạt miền Nam và tiến tới sự bình đẳng về nhân quyền và quyền chính trị cho người da đen, cũng như phá bỏ những rào cản phát triển kinh tế ở miền Nam Hoa Kỳ.

Động lực thay đổi quan trọng nhất vẫn là phong trào nhân quyền. Sự kiện dẫn đường là tập hợp sức mạnh của người da đen miền Nam thông qua việc chống đối thể chế chiếm đoạt, yêu cầu quyền của mình, biểu tình và vận động cho các quyền này, như sự kiện ở Montgomery. Người da đen đã không đơn độc bởi miền Nam không phải là một quốc gia riêng biệt, và những yếu nhân ở đây không có quyền lực tự do như ở những nơi như Guatemala. Là một phần của Hoa Kỳ, miền Nam phải tuân theo Hiến pháp Hoa Kỳ và luật pháp liên bang. Mong muốn cải cách miền Nam cuối cùng cũng nhận được sự ủng hộ của cơ quan lập pháp, hành pháp và Tòa án Tối cao Mỹ một phần là do tiếng tăm của phong trào nhân quyền đã vươn ra khỏi miền Nam, nhờ đó huy động được sự hỗ trợ của chính quyền liên bang.

Sự can thiệp của chính quyền liên bang trong việc cải cách thể chế bắt đầu với quyết định của Tòa án Tối cao vào năm 1944 rằng việc chỉ cho phép người da trắng bầu cử là vi hiến. Người da đen đã bị tước quyền bầu cử từ những năm 1890 thông qua việc sử dụng thuế bầu cử và những bài kiểm tra trình độ học vấn. Những bài kiểm tra này thường xuyên bị thao túng theo hướng phân biệt đối xử đối với người da đen, trong khi vẫn cho phép người nghèo và người mù chữ da trắng đi bầu cử. Một ví dụ nổi tiếng là đầu những năm 1960, một cử tri da trắng ở Louisiana được đánh giá là biết chữ dù đưa ra câu trả lời “FRDUM FOOF SPETGH” cho câu hỏi về thể chế bang (mà lẽ ra phải là “FREEDOM OF SPEECH” – ND). Quyết định của Tòa án Tối cao năm 1944 là sự động viên mở đầu cho một trận chiến kéo dài nhằm mang lại quyền lợi chính trị cho người da đen. Tòa án cũng hiểu được tầm quan trọng của việc nới lỏng quyền kiểm soát của người da trắng đối với các đảng chính trị.

Quyết định đó được nối tiếp bởi vụ kiện giữa Brown và Bộ Giáo dục năm 1954, khi Tòa án Tối cao cho rằng việc bang bắt buộc có những trường học và các khu vực công cộng khác dành riêng cho người da trắng là vi hiến. Năm 1962, Tòa án Tối cao lại hạ gục một trụ cột khác của độc quyền chính trị của giới quyền thế da trắng: sự bất cân xứng giữa giữa tỷ lệ số đại biểu và tỷ lệ dân số mà các đại biểu này đại diện trong hệ thống lập pháp (legislative malapportionment). Một ủy ban lập pháp bị thiếu cân bằng về tỷ lệ đại biểu - cũng như những “quận rỗng” ở Anh trước khi có Đạo luật cải cách thứ nhất - khi một số vùng có nhiều đại diện hơn mức cho phép so với số dân của vùng đó. Sự thiếu công bằng ở miền Nam thể hiện ở việc khu vực nông thôn - hang ổ của các chủ đồn điền quyền thế miền Nam - có số lượng đại diện vượt trội so với thành thị. Tòa án Tối cao đã chấm dứt việc này vào năm 1962 thông qua quyết định trong vụ kiện Baker và Carr, đưa ra tiêu chuẩn “mỗi người một phiếu”.

Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực quản lý của Tòa án Tối cao sẽ không thể có ảnh hưởng rộng lớn nếu chúng không được áp dụng. Trong thập niên cuối của thế kỷ 19, điều luật liên quan tới việc thả tự do cho những người da đen ở miền Nam đã không được thực hiện, bởi việc hành pháp địa phương nằm trong tay giới quyền thế miền Nam và Đảng Dân chủ, và bản thân chính quyền liên bang cũng không có vấn đề gì với tình trạng này. Nhưng khi người da đen bắt đầu nổi dậy chống lại giới quyền thế, pháo đài ủng hộ Jim Crow cũng phải sụp đổ, và Đảng Dân chủ được dẫn dắt bởi những thành phần không phải từ miền Nam cũng quay sang chống lại sự phân biệt chủng tộc. Những thành viên vẫn còn ủng hộ tệ phân biệt chủng tộc của Đảng Dân chủ đã lập nên một đảng mới mang tên Đảng Dân chủ về Quyền của Bang (States’ Rights Democratic Party) và tham gia tranh cử ở lượt bầu cử tổng thống năm 1948. Strom Thurmond, ứng cử viên của họ, thắng ở bốn bang và giành được 39 phiếu đại cử tri. Tất nhiên, vẫn còn một khoảng cách quá xa giữa kết quả này với quyền lực mà Đảng Dân chủ đã hợp nhất được trong lĩnh vực chính trị toàn quốc và sự thao túng của giới quyền thế đối với đảng này ở miền Nam. Thế nhưng, mục tiêu trọng tâm trong chiến dịch của Strom Thurmond là thách thức khả năng của chính quyền liên bang trong việc can thiệp vào thể chế miền Nam. Ông phát biểu mạnh mẽ về vị thế này của mình: “Kính thưa quý ông, quý bà, tôi muốn nói với quý ông, quý bà rằng chúng ta sẽ không có đủ quân đội để buộc người dân miền Nam phải từ bỏ sự phân biệt chủng tộc và thừa nhận bọn da đen, chấp nhận chúng trong nhà hát, hồ bơi, trong nhà thờ và trong chính ngôi nhà của chúng ta”.

Thực tế chứng minh Thurmond đã sai. Sự cai trị của Tòa án Tối cao đồng nghĩa với việc các cơ sở giáo dục ở miền Nam, kể cả Đại học Mississipi ở thành phố Oxford, phải phục vụ cho mọi người và mọi sắc tộc. Năm 1962, sau một thời gian kiện tụng kéo dài, tòa án liên bang đã quyết định trường Đại học Mississipi ở thành phố Oxford phải tiếp nhận James Meredith, một cựu chiến sĩ không quân trẻ da đen. Sự chống đối đối với việc thực hiện quyết định trên được điều khiển bởi những nhóm người thường được gọi là Hội đồng Công dân, vốn được thành lập để chống lại việc kết thúc phân biệt chủng tộc ở miền Nam (trong số này, hội đồng đầu tiên được thành lập tại Indianola thuộc bang Mississippi vào năm 1954). Ngày 13/9, thống đốc bang Ross Barnett đã công khai bác bỏ quyết định mang tính chống phân biệt chủng tộc này của Tòa án Tối cao trên truyền hình và tuyên bố rằng các trường đại học của bang thà đóng cửa còn hơn đồng ý không phân biệt chủng tộc. Cuối cùng, sau rất nhiều thương lượng giữa Barnett với Tổng thống John Kennedy và Tổng chưởng lý Robert Kennedy tại Washington, chính quyền liên bang đã can thiệp mạnh mẽ để phán quyết trên của Tòa án Tối cao được thực hiện. Đích thân cảnh sát Hoa Kỳ sẽ đưa Meredith đến Oxford vào một ngày ấn định trước. Đúng như dự đoán, những người ủng hộ thuyết người da trắng ưu việt bắt đầu tập hợp lại. Ngày 30/9, một ngày trước khi Meredith được đưa vào trường đại học, cảnh sát Hoa Kỳ đã xâm nhập khuôn viên trường và bao vây tòa nhà chính. Khoảng 2.500 người đã tụ tập để biểu tình, và bạo động đã diễn ra. Cảnh sát phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông quá khích nhưng không thành công và xung đột giữa hai bên nhanh chóng xảy ra. Đến 10 giờ tối, quân đội liên bang được lệnh điều động đến thành phố này để tái thiết trật tự. Chẳng bao lâu sau đã có khoảng 20 nghìn binh sĩ và 11 nghìn vệ binh quốc gia xuất hiện ở Oxford. Tổng cộng 300 người đã bị bắt giữ. Meredith quyết định ở lại trường và dưới sự bảo vệ của cảnh sát tòa án liên bang (U.S marshals) và 300 binh sĩ, anh cuối cùng đã tốt nghiệp Đại học Mississipi của thành phố Oxford.

Luật pháp liên bang đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành lại bộ máy nhà nước ở miền Nam. Trong quá trình thông qua Đạo luật đầu tiên về Quyền Dân sự vào năm 1957, Strom Thurmond, lúc đó là thượng nghị sĩ, đã diễn thuyết không ngừng nghỉ trong vòng 24 giờ 18 phút để ngăn chặn, hoặc ít nhất là làm trì hoãn, việc thông qua đạo luật này. Trong bài diễn thuyết của mình, ông đã trích dẫn mọi thứ, từ Bản Tuyên ngôn Độc lập cho đến những cuốn danh bạ điện thoại, nhưng đều vô hiệu. Đạo luật năm 1957 đã được chỉnh sửa và nâng cao thành Đạo luật về Quyền Dân sự năm 1964 nghiêm cấm tất cả mọi điều luật và hủ tục có tính phân biệt chủng tộc ở các bang. Đạo luật về Quyền bầu cử năm 1965 tuyên bố mọi bài kiểm tra học vấn và các loại thuế bắt buộc khi tham gia bầu cử cũng như bất cứ phương pháp nào khác được áp dụng để tước đi quyền bầu cử của người da đen đều bất hợp pháp. Điều này cũng giúp tăng cường sự giám sát của liên bang đối với việc bầu cử ở từng bang.

Tất cả các sự kiện trên đã tác động rất nhiều đến sự thay đổi của nền kinh tế và bộ máy chính trị của miền Nam. Cụ thể, ở bang Mississipi vào năm 1960, chỉ khoảng 5% người da đen có quyền bầu cử. Đến năm 1970 con số này đã tăng lên thành 50%. Tại Alabama và Nam Carolina, con số này cũng tăng dần từ khoảng 10% trong năm 1960 thành 50% vào 1970. Khuynh hướng này đã biến đổi bản chất của bầu cử, ở cả cấp độ địa phương và quốc gia. Quan trọng hơn, sự ủng hộ chính trị của Đảng Dân chủ, đảng chiếm ưu thế, đối với những thể chế chiếm đoạt phân biệt chủng tộc dần bị mai một. Một chuỗi những thay đổi trong thể chế kinh tế đã được rộng lối để tiến hành. Trước khi có sự cải cách thể chế vào những năm 1960, hầu hết người da đen không được phép làm việc trong các nhà máy dệt. Năm 1960, chỉ có khoảng 5% người lao động trong các nhà máy dệt ở miền Nam là người da đen. Đạo luật về Quyền Dân sự đã ngăn chặn sự phân biệt đối xử này. Đến năm 1970, tỷ lệ trên tăng lên 15%; đến năm 1990 là 25%. Phân biệt đối xử về kinh tế giảm dần, cơ hội học hành tăng lên đáng kể và thị trường lao động miền Nam đã ngày càng cạnh tranh hơn. Cùng với thể chế dung hợp là những tiến bộ vượt bậc về kinh tế ở miền Nam. Năm 1940, thu nhập bình quân đầu người ở các bang miền Nam chỉ bằng 50% so với toàn nước Mỹ. Điều này bắt đầu thay đổi vào những năm cuối thập niên 1940 và 1950. Đến năm 1990, khoảng cách trên về cơ bản đã không còn.

Cũng như ở Botswana, điều quan trọng ở miền Nam Hoa Kỳ là sự phát triển song hành của thể chế kinh tế và chính trị dung hợp. Cơ sở của điều này chính là sự xuất hiện song song giữa tình trạng bất mãn ngày càng tăng của người da đen dưới thể chế chiếm đoạt miền Nam với sự lung lay của chế độ độc đảng của Đảng Dân chủ ở đây. Một lần nữa, chúng ta thấy chính thể chế hiện hành giúp hình thành con đường thay đổi. Trong trường hợp này, điều then chốt là thể chế của miền Nam đã xuất hiện trong bối cảnh thể chế dung hợp đã hình thành ở nhiều bang khác của Mỹ. Điều này cho phép người da đen ở miền Nam có thể vận động chính quyền và thể chế liên bang hỗ trợ cho mục đích của mình. Toàn bộ quá trình này còn được tạo điều kiện thuận lợi bởi một thực tế là các thế lực ở miền Nam không sẵn sàng gây hấn thêm nữa khi tình hình kinh tế lúc bấy giờ, với sự di cư ào ạt của cộng đồng da đen và sự cơ giới hóa quy trình sản xuất sợi bông, đã có nhiều thay đổi.

Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)

Dịch giả:
Trần Thị Kim Chi
Hiệu đính:
Vũ Thành Tự Anh