[Chế độ dân chủ - Một dẫn nhập] Chương 13: Những bài học kinh nghiệm
Chúng ta có thực sự thích dân chủ?
Nhà chính trị học người Canada, C. B. Macpherson (1966), viết: “Dân chủ từng là một từ xấu xa. Mọi người đều biết rằng dân chủ, theo nghĩa ban đầu là chính quyền do dân hoặc chính phủ phù hợp với ý chí của đa số dân chúng, sẽ là hiện tượng xấu xa – sẽ giết chết quyền tự do cá nhân… Sau đó, trong vòng năm mươi năm qua, dân chủ đã trở thành thể chế tốt đẹp”.
Dân chủ có thể là tư tưởng được lòng dân, nhưng nó là hiện tượng khó hiểu và khó thực hiện hơn là hầu hết mọi người vẫn nghĩ. Dân chủ được xây dựng trên nền tảng văn hóa tôn trọng các quyền cá nhân, pháp quyền, thái độ khoan dung và các thiết chế đáng tin cậy – tất cả đều có thể cần phải được xây dựng trong thời gian dài. Đó là lý do vì sao những nỗ lực nhằm đem lại dân chủ cho các nền văn hóa khác (chẳng hạn như các chế độ hậu độc tài ở Bắc Phi, Trung Đông và Châu Á) thường kết thúc bằng thảm họa và chỉ tạo ra một kiểu chính quyền chuyên chế khác – của đa số, của các ý thức hệ, hoặc của các tôn giáo chính thống.
Mọi người thường hình dung dân chủ như một hình thức lý tưởng nào đó của “chính quyền của dân, do dân và vì dân”, như Tổng thống Hoa Kỳ, Abraham Lincoln (1863), đã nói trong Diễn văn Gettysburg của ông. Nhưng chế độ dân chủ hiện đại không phải như thế: người dân chỉ chọn những người đại diện, để những người này ban hành quyết định. Nếu bạn ở bên thua, đó khó có thể là chính phủ “vì” bạn. Và chính xác thì “nhân dân” là ai? Phải mất hàng thế kỷ thì phụ nữ mới có quyền bầu cử; và một số nước còn bị chia rẽ sâu sắc giữa “nhân dân” của những sắc tộc khác nhau. Ngoài ra còn một câu hỏi triết học rộng hơn về quyền mà đa số phải có nhằm “cai trị” thiểu số trong bất cứ trường hợp nào.
Dân chủ có thể thúc đẩy các giá trị hữu ích như bình đẳng và hòa nhập chính trị, công lý, trách nhiệm giải trình và tham gia xã hội. Tiểu thuyết gia người Anh, E. M. Forster (1951), đã đưa ra “hai lời cổ vũ cho chế dộ dân chủ”, “một, vì nó thừa nhận sự đa dạng và hai, vì nó cho phép phê phán”. Nhưng ngay cả khi tự nó, chế độ dân chủ là tốt, thì vẫn chưa đủ. Nó cũng phải mang lại kết quả tốt. Chúng ta chỉ có thể biện minh cho chế độ dân chủ nếu nó hoạt động hiệu quả.
Cái gì biện minh cho chế độ dân chủ?
Như nhà kinh tế chính trị học người Áo thế kỷ XX, Joseph Schumpeter (1942) nhận xét, quần chúng trong thời Trung cổ rất có thể đã từng bỏ phiếu ủng hộ việc thiêu sống các mụ phù thủy. Và thậm chí hiện nay, có những nơi mà đa số tin rằng việc đàn áp những nhóm thiểu số mà họ không ưa là hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, chúng ta không được cho rằng đa số có thẩm quyền không thể nghi ngờ thì có thể cai trị những người khác hoặc các quyết định của đa số tự động là “đúng” và “công bằng”. Sau khi trải nghiệm những lựa chọn thay thế, những người có học, đã khai sáng và tự do hơn hiện nay đã đi đến kết luận rằng, sự cai trị của đa số không phải là giá trị của nhân tính. Bao dung và tôn trọng đời sống của người khác phải có vị trí cao hơn.
Nhưng nếu chế độ dân chủ không trao quyền lực không bị kiểm soát cho đa số, thì chúng ta dùng thước đo nào để đánh giá là nó có hiệu quả hay không? Có rất nhiều khả năng, chẳng hạn, nó có thực sự làm giảm xung đột và tạo điều kiện chuyển giao quyền lực một cách hòa bình hay không, hay các quyết định do nó ban hành có thực sự có tầm nhìn xa trông rộng, tập trung và hiệu quả hay không.
Chế độ dân chủ bền vững trông như thế nào?
Muốn hoạt động hiệu quả và tồn tại được trong thời gian dài, chế dân chủ cần tập trung vào những mục đích cốt lõi của nó – đối với người theo phái tự do, điều đó có nghĩa là bảo vệ các quyền cá nhân, giảm bớt những biện pháp cưỡng ép và quyết định một số việc (và chỉ những việc đó mà thôi) cần phải quyết định, nhưng đấy là những việc chỉ có thể được quyết định theo lối tập thể. Dân chủ phải đặt các quyền cá nhân lên trước và thừa nhận rằng, các quyền cá nhân là biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ con người, không để họ bị cưỡng ép, nhà nước hay cá nhân cưỡng ép thì cũng thế. Nếu không có những phẩm chất như thế, chế độ dân chủ khó có thể tồn tại lâu dài.
Các chế độ dân chủ đã từng là nơi diễn ra hỗn loạn và tranh chấp… và nói chung, những chế độ này không tồn tại được lâu cũng như đã xẩy ra nhiều vũ bạo lực khi nó chết. — James Madison (1787), Federalist, No 10.
Tuy nhiên, có một tập hợp tối thiểu các thiết chế có thể giúp làm cho chế độ dân chủ tồn tại trong thời gian dài. Cần có những quy định ràng buộc, ngõ hầu hạn chế quyền lực của đa số cử tri và những người đại diện của họ. Phải có những cuộc bầu cử tự do, công bằng và có tính cạnh tranh, mục đích là để cử tri có những lựa chọn thực sự. Phải có biện pháp bảo vệ rộng rãi các quyền tự do dân sự, tự do báo chí, tự do ngôn luận và tự do hội họp mà không bị chính quyền đe dọa. Quân đội, nhà vua hay chính thống tôn giáo không có quyền chi phối lựa chọn của công chúng và các nhà lập pháp.
Hiện nay, quyền phổ thông đầu phiếu của người trưởng thành được coi là thiết yếu và không có quyền này thì khó mà xây dựng được chế độ dân chủ hiện đại. Tuy nhiên, chúng ta cần phải chấp nhận rằng, cử tri đôi khi cũng có những quyết định cực kỳ sai lầm – ví dụ, năm 1932, họ đã làm cho Đảng Quốc xã trở thành đảng lớn nhất ở Reichstag của Đức. Và ngay cả ở những nước tự do nhất, các đại cử tri không phải lúc nào cũng bỏ phiếu cho những dự luật mà họ tin là tốt nhất cho đất nước, mà bỏ phiếu cho những dự luật tốt nhất cho chính mình. Nhiều cử tri cũng kiếm sống bằng cách dựa vào nhà nước, chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến lựa chọn của họ trong kỳ bầu cử. Một số cử tri thậm chí có thể không đủ năng lực để có những lựa chọn hợp lý. Jason Brennan (2016) nhận xét: Chúng ta không cho phép các luật sư không có năng lực quyết định quyền tự do của một người nào đó, vậy tại sao lại cho phép những cử tri không có năng lực tước đoạt quyền tự do của mọi người? Nhưng không thể tìm được biện pháp khách quan và không gây tranh cãi nhằm quyết định thẩm quyền của cử tri: chỉ có thể hy vọng rằng chế độ dân chủ đủ sức đứng vững trước những sai lầm của họ.
Tổng thống thứ hai của nước Mỹ, John Adams (1814), từng viết: “Chưa bao giờ có chế độ dân chủ không tự sát”. Tuy nhiên, nghịch lý là, chế độ dân chủ mạnh nhất là chế độ mà mọi người được tự do bỏ nó để ra đi. Bỏ phiếu bằng chân sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ tới chính quyền, mạnh hơn là bỏ phiếu đơn thuần. Nếu chính phủ làm việc vì lợi ích của nhân dân, như Jayme Lemke (2016) đã nói, thì nhiều khả năng họ sẽ ở lại; nếu không, và họ sẽ ra đi, có thể sẽ tạo ra áp lực mạnh hơn trong việc cải cách tình hình. Các hệ thống liên bang có thể mang lại cho người ta lối thoát dễ dàng nhất, vì người ta có thể di chuyển dễ dàng giữa các tỉnh khác nhau với các hệ thống chính quyền khác nhau. Nhưng hiện nay, di cư trên bình diện quốc tế là lựa chọn ngày càng được nhiều người thực hiện.
Các hệ thống dân chủ thay thế
Chế độ dân chủ có thể có những vấn đề khó khăn, nhưng chúng không được giải quyết một cách tự động bằng cách đưa thêm “dân chủ” vào. Việc bỏ phiếu trực tiếp luật pháp trong các cuộc trưng cầu dân ý và các sáng kiến bỏ phiếu khác có thể dẫn đến những kết quả mang tính dân túy và trái ngược nhau, trong khi các hệ thống thảo luận và bỏ phiếu trực tuyến có thể chỉ củng cố thêm những sai lầm đã có. Cũng có những vấn đề thực tế – người bình thường không có thời gian và hứng thú dành cho việc suy nghĩ về chính sách, có nghĩa là những người quan tâm đến việc hoạch định chính sách nhưng không đại diện cho công chúng có thể bị cuốn vào đó. Và bằng cách làm cho việc ban hành quyết định của đa số dường như là chính danh hơn, những cơ chế “tham gia” như thế thậm chí có thể trở thành đe dọa hơn nữa đối với các nhóm thiểu số.
Nhưng lúc đó, chúng ta cần ban hành bao nhiêu quyết định theo lối tập thể? Các xã hội có khả năng đáng kinh ngạc là tự tổ chức mà không cần các quyết định hoặc mệnh lệnh tập thể từ bên trên. Trật tự tự phát, như nhà kinh tế học người Áo F. A. Hayek (1988) nói, tồn tại xung quanh chúng ta: trên thương trường, trong quá trình phát triển ngôn ngữ, trong các thiết chế trực tuyến như Wikipedia và quan trọng nhất là trong thông luật - phát triển tự nhiên thông qua quá trình tương tác giữa người với người. Chỉ cần một vài quy tắc hành động và đạo đức khá đơn giản. Nói một cách đơn giản, đừng làm hại người khác và đừng ăn cắp của họ, như nhà hoạt động chính trị người Mỹ Matt Kibbe (2014) đã viết trong cuốn sách có nhan đề như thế.
Trên cơ sở đạo đức như thế, người dân có thể thành lập cộng đồng của riêng mình – các tổ chức xã hội dân sự hay thậm chí là các đơn vị quản trị không lớn. Việc có nhiều đơn vị quản lý hành chính khác nhau cung cấp cho người ta lựa chọn, cùng với cơ hội thoát ra khỏi bất kỳ đơn vị quản lý hành chính cụ thể nào, nếu họ cảm thấy mình bị lờ đi hoặc bị lợi dụng. Tất nhiên là dưới quyền “chính phủ thế giới” thì đấy là điều bất khả thi. Ngoài ra, các quy tắc làm cho xã hội tự phát hoạt động có thể còn đơn giản hơn và được đồng thuận hơn trong các nhóm nhỏ. Dân chủ là một tập hợp các thiết chế của con người, dựa trên thỏa thuận và hướng tới thỏa thuận. Nó đòi hỏi rằng con người phải với tương tác với nhau: chế độ dân chủ không hoạt động một cách trừu tượng.
Một lần nữa, công nghệ mang lại cho chúng ta nhiều quyền kiểm soát cuộc đời của chính mình mà không cần người khác lập kế hoạch cho đời sống của chúng ta. Công nghệ thông tin tạo điều kiện cho các nhóm nhỏ xác định và hợp tác lại với nhau vì lợi ích chung. Lúc đó ai còn cần chính phủ lớn? Có thể thực hiện các dịch vụ của nhà nước và bảo hiểm xã hội theo những cách mới, phù hợp hơn với từng cá nhân; thương mại và buôn bán có thể được tự do hóa khi các hệ thống giao dịch giữa người với người xuất hiện Internet.
Thực ra, luận cứ cho rằng dân chúng không thể tự quản lý (từng được sử dụng để không cho phụ nữ và nô lệ quyền bầu cử) ngày càng trở nên vô nghĩa. Con người luôn luôn đổi mới. Ngày nay, họ có thể và tự tổ chức – taxi, nơi tạm trú trong kỳ nghỉ lễ, giao hàng, các dịch vụ khác và nhiều hơn thế – một cách hiệu quả và tinh vi bằng cách sử dụng Internet mà không cần toàn bộ xã hội phải đưa ra quyết định theo lối tập thể cho mỗi người.
Dân chủ không phải là tất cả
Những người nhiệt tình ủng hộ dân chủ thường muốn thấy chế độ này lan tỏa rộng rãi hơn – truyền bá tới những nước khác và làm sâu sắc thêm quá trình ban hành quyết định tập thể ở trong nước mình. Nhưng đang lẽ ra họ nên chấp nhận rằng quá trình ban hành quyết định của đa số là không hoàn hảo và quyết định của “nhân dân” (dù chúng ta định nghĩa nhân dân là gì thì cũng thế) không tự động là có tính chính danh – ví dụ, họ đã từng quyết định thiêu sống phù thủy.
Ngược lại, dân chủ chỉ là một thành tố của nền quản trị tốt, cùng với pháp quyền, quyền cá nhân, thái độ khoan dung, tự do ngôn luận và nhiều thứ khác nữa. Muốn hoạt động tốt, chế độ dân chủ phải bị giới hạn trong phạm vi của nó, đấy là những nhiệm vụ cốt lõi của nó, và dành ra không gian riêng tư an toàn, trong đó mỗi người có thể hành động theo ý mình. Và dân chủ phải bị hạn chế trong những hành động như ngăn chặn việc lạm dụng và sử dụng vũ lực và sử dụng quyền lực để chống lại người dân chứ không phải vì nhân dân. Có thể cần có những biện pháp hạn chế mang tính hiến định, cần cân bằng quyền lực và một số quyết định phải được đa số tuyệt đối thông qua thì mới có hiệu lực. Nhưng chế độ dân chủ tự do cũng đòi hỏi nền văn hóa và nhận thức sâu sắc hơn.
Dân chủ có những đòi hỏi. Nó yêu cầu sự hợp tác giữa người với người trên quy mô lớn. Dân chủ đòi hỏi thái độ bình tĩnh, đặc biệt là những người nằm trong nhóm đa số hoặc đang có chức có quyền. Dân chủ đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ lợi thế cá nhân và thỏa mãn ngay lập tức nhằm đạt được điều gì đó lâu dài hơn. Dân chủ đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận sai lầm của mình và sẵn sàng học hỏi và trung thực. Dân chủ không phải là một gói những giải pháp sẵn có, vì phải được điều chỉnh cho phù hợp với môi trường lịch sử và văn hóa mà nó thâm nhập vào. Dân chủ đòi hỏi mọi người cùng chấp nhận tất cả các loại luật lệ, chấp nhận cả thế giới quan tổng thể làm cho nó hoạt động lẫn những quy ước nhỏ hơn (gần giống như “cách cư xử”) giúp nó hoạt động hiệu quả. Dân chủ đòi hỏi xã hội cởi mở - xã hội nhân bản và có thể quản lý được, nhưng sẵn sàng tương tác với những xã hội cởi mở khác trên toàn thế giới.
Các chính trị gia của chúng ta có thể đặt ra mục tiêu là thúc đẩy khả năng tự tổ chức của công dân chứ không phải tìm cách tự mình đưa công dân vào tổ chức. Sự can thiệp về chính trị cần phải giảm tới mức tối thiểu: xã hội quá phức tạp không có cơ quan trung ương nào có thể lập kế hoạch, quản lý hoặc thậm chí hiểu được nó.
Tự do cá nhân không cần phải biện minh: bạn phải nhận hậu quả của những việc mình làm. Nhưng, dân chủ đòi hỏi sự biện minh: bạn làm mà người khác phải nhận hậu quả.
Chúng ta có nên ca ngợi chế độ dân chủ vì nó được biện minh? Dân chủ vẫn là cuộc thí nghiệm đang diễn ra. Dân chủ gắn liền với các giá trị tự do như tôn trọng cá nhân và nhân quyền, cũng như với quyền tự do đi ra khỏi xã hội và thịnh vượng hơn là các hệ thống khác. Một khi được thiết lập, nó tỏ ra ổn định và dẻo dai đến mức làm người ta phải kinh ngạc. Và các thiết chế dân chủ, ngay cả khi chưa hoàn hảo, vẫn cung cấp cho dân chúng diễn đàn, trong đó, những người ủng hộ các giá trị tự do có thể tranh luận về quan điểm của mình và giải thích những lợi ích thực tiễn và đạo đức của chế độ dân chủ tự do chân chính.
Nguồn: Eamonn Butler, Chế độ dân chủ - Một dẫn nhập, Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên gốc: Eamonn Butler (2020), Introduction to Democracy, London Publishing Partnership.