[Luật pháp]- Phần 8
Thái độ ngạo mạn của kẻ độc tài
Robespierre đã tự cho rằng mình đứng trên đỉnh cao chót vót so với toàn thể loài người! Xin chú ý tới thái độ ngạo mạn trong lời nói của ông ta. Ông ta không thỏa mãn với việc cầu nguyện cho một sự thức tỉnh vĩ đại về tinh thần của con người. Ông ta cũng không hi vọng rằng chính phủ được quản lí một cách nghiêm chỉnh có thể đem lại kết quả như thế. Không, ông sẽ tự mình cải tạo nhân loại, bằng khủng bố.
Một loạt những lời tuyên bố đáng ghét và mâu thuẫn nhau này được trích dẫn từ một tiểu luận của Robespierre, với mục đích là giải thích những nguyên tắc đạo đức mà chính quyền cách mạng phải theo. Xin nhớ rằng Robespierre đòi hỏi phải có chế độ độc tài không phải chỉ với mục đích là đẩy lùi cuộc xâm lăng của nước ngoài hoặc dẹp tan các nhóm đối lập. Ông ta cần chế độ độc tài để có thể dùng khủng bố buộc đất nước chấp nhận nguyên tắc của chính mình về đạo đức. Ông nói rằng hành động này chỉ là biện pháp tạm thời, trước khi có hiến pháp mới. Nhưng trên thực tế, ông muốn sử dụng khủng bố để tiêu trừ tính ích kỉ, danh dự, phong tục, tập quán, thói phong lưu đài các, phù hoa, hám tiền, tình bạn, âm mưu, sự hài hước, ưa khoái lạc và nghèo đói ở nước Pháp. Robespierre chỉ cho pháp luật hoạt động trở lại sau khi ông ta thực hiện xong những điều kì diệu đó - ông gọi những điều đó như thế.
Ở đây, trong bản tiếng Pháp, Bastiat tạm ngừng và nói với tất cả những nhà cải cách hăng say và những người muốn trở thành những nhà cầm quyền “Ôi, quý vị là những người khốn khổ! Quý vị nghĩ rằng mình là người vĩ đại đến mức như thế ư! Quý vị đánh giá nhân loại thấp như vậy ư! Quý vị muốn cải cách tất cả mọi thứ! Tại sao quý vị không tự cải cách chính mình? Nhiệm vụ này cũng quá đủ rồi” (Ghi chú của bản tiếng Anh).
Con đường quanh co dẫn tới chế độ chuyên quyền
Nhưng thường thì những người này - các nhà cải cách, các nhà lập pháp, và những người chuyên viết về các vấn đề xã hội - không muốn áp đặt chế độ chuyên quyền trực tiếp lên đầu lên cổ nhân dân. Không, họ là những người vừa ôn hòa và nhân từ, họ không thể có hành động trực tiếp như thế. Thay vào đó, họ quay sang sử dụng luật pháp nhằm áp đặt chế độ chuyên quyền, chế độ chuyên chế, chế độ can thiệp vào mọi thứ. Họ chỉ muốn làm ra luật pháp mà thôi.
Để chứng tỏ ý tưởng lạ lùng này đã giữ thế thượng phong ở Pháp, tôi cần dẫn ra không chỉ toàn bộ tác phẩm của Mably, của Raynal, của Rousseau và Fenelon - cộng với những trích dẫn dài từ các tác phẩm của Bossuet và Montesquieu - mà còn phải trưng ra toàn bộ thủ tục tố tụng của Quốc ước. Tôi sẽ không làm điều đó, xin mời độc giả tự đọc những tác phẩm này.
Napoleon muốn có một nhân loại thụ động
Tất nhiên, không có gì ngạc nhiên khi Napoleon rất thích ý tưởng này. Ông ta nhiệt tình tuân theo nó và hăng say sử dụng nó. Tương tự một nhà hóa học, Napoleon coi toàn bộ châu Âu là vật liệu cho cuộc thí nghiệm của mình. Nhưng, trong quá trình thực hiện, vật liệu này đã phản ứng chống lại ông.
Trên đảo St. Helena, Napoleon - lúc bấy giờ đã rất thất vọng - dường như đã công nhận một số sáng kiến của nhân dân. Sau khi nhận ra như thế, ông có thái độ ít thù địch với tự do hơn trước. Tuy nhiên, điều này đã không làm ông chùn tay, trong di chúc, ông để lại bài học cho con trai như sau: “Cai trị là làm gia tăng và lan tỏa đạo đức, học vấn và hạnh phúc”.
Sau khi đã dẫn ra tất cả các chứng cớ như thế, có lẽ không cần trích dẫn những ý kiến tương tự của Morelly, của Babeuf, của Owen, của Saint-Simon và Fourier nữa. Tuy nhiên, cũng xin đưa ra một trích dẫn từ tác phẩm của Louis Blanc về tổ chức lao động: “Trong kế hoạch của chúng tôi, xã hội nhận được động lực từ chính quyền”.
Bây giờ xin xem xét vấn đề sau: Xung lực đằng sau động lực này là do kế hoạch của Louis Blanc tạo ra, kế hoạch của ông ta sẽ được áp đặt cho xã hội; xã hội mà ta nói tới ở đây là loài người. Do đó, loài người phải nhận được động lực từ Louis Blanc.
Sau đó người ta sẽ nói rằng nhân dân được tự do chấp nhận hoặc bác bỏ kế hoạch này. Đúng là, nhân dân được tự do chấp nhận hoặc bác bỏ lời khuyên của bất cứ người nào mà họ muốn. Nhưng Louis Blanc không hiểu vấn đề theo cách này. Ông ta hi vọng rằng kế hoạch của mình sẽ trở thành luật, và do đó phải được áp đặt cho nhân dân bằng sức mạnh của luật pháp:
Trong kế hoạch của chúng tôi, nhà nước chỉ phải thông qua luật lao động (không có gì khác?), sự tiến bộ của công nghiệp có thể và phải diễn ra một cách hoàn toàn tự do bằng những phương tiện của bộ luật đó. Nhà nước chỉ đơn giản là đưa xã hội lên một mặt nghiêng (tất cả chỉ có thế thôi ư?). Lúc đó xã hội sẽ trượt dốc bởi lực do các sự vật tự sinh ra và bởi sự vận hành tự nhiên của cơ chế đã được thiết lập.
Nhưng mặt nghiêng mà Louis Blanc nói tới là cái gì? Nó có dẫn đến vực thẳm không? (Không, nó sẽ dẫn đến hạnh phúc). Nếu đúng như thế thì tại sao xã hội không đi đến đó theo lựa chọn của chính nó? (Bởi vì xã hội không biết nó muốn gì, cần phải thúc đẩy nó). Cái gì phải thúc đẩy nó? (Chính quyền). Và ai là người tạo ra lực đẩy chính quyền này? (Tại sao?, xin hỏi người phát minh ra cỗ máy - trong trường hợp này là Louis Blanc).
Cái vòng luẩn quẩn của chủ nghĩa xã hội
Chúng ta sẽ không bao giờ thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn sau đây: ý tưởng về loài người thụ động và sức mạnh của luật pháp mà con người vĩ đại sử dụng nhằm thúc đẩy dân chúng.
Một khi xã hội đã được đặt trên mặt phẳng nghiêng này, xã hội còn được hưởng một số quyền tự do nữa không? (chắc chắn rồi). Tự do là gì vậy, thưa ông Louis Blanc?
Dứt khoát là, tự do không chỉ là quyền được tạo hóa ban cho người ta; nó còn là sức mạnh được ban cho cá nhân để người ta sử dụng và phát triển những khả năng của mình trong vương quốc của công lí và dưới sự bảo vệ của luật pháp.
Và đây không phải là đặc điểm vô nghĩa, ý nghĩa của nó rất sâu sắc và khó mà đánh giá hết hậu quả của nó. Vì, một khi ta đã đồng ý rằng một người, để trở thành người tự do thực sự thì phải có quyền sử dụng và phát triển các khả năng của mình thì nghĩa là mỗi người đều có quyền đòi hỏi xã hội cung cấp cho mình học vấn nhằm tạo điều kiện cho anh ta phát triển bản thân. Cũng có nghĩa là mỗi người đều có thể đòi hỏi xã hội cung cấp cho mình công cụ sản xuất, thiếu công cụ thì hoạt động của con người không thể đạt hiệu quả đầy đủ được. Nhưng nếu không sử dụng những hành động của nhà nước thì làm sao xã hội có thể cung cấp cho mọi người học vấn và công cụ sản xuất mà họ cần?
Như vậy, một lần nữa, tự do là quyền lực. Quyền lực này bao gồm những gì? (Bao gồm những người được giáo dục và những người được trang bị công cụ sản xuất). Ai là người cung cấp nền giáo dục và công cụ sản xuất? (Xã hội phải cung cấp cho tất cả mọi người). Xã hội cung cấp công cụ sản xuất cho những người không có công cụ bằng những hành động nào? (Lại còn hỏi, bằng những hành động của nhà nước). Nhà nước lấy những công cụ đó ở đâu?
Hãy để người đọc trả lời câu hỏi đó. Hãy để người đọc nhận ra phương hướng mà cách làm này sẽ đưa chúng ta tới.
Học thuyết của những người dân chủ
Hiện tượng kì lạ của thời đại chúng ta - có thể làm cho con cháu chúng ta ngạc nhiên - là học thuyết dựa trên ba giả thuyết sau đây: nhân loại cực kì thụ động, sự toàn năng của luật pháp và đã là nhà lập pháp thì không thể sai. Ba tư tưởng này tạo ra biểu tượng thiêng liêng của những người tự xưng là hoàn toàn dân chủ.
Những người ủng hộ học thuyết này còn tuyên bố là nó có tính xã hội. Vì vậy, khi là những người dân chủ, họ có niềm tin không giới hạn vào nhân loại. Nhưng khi hướng vào xã hội thì họ lại coi nhân loại chẳng khác gì cục đất. Xin xem xét mâu thuẫn này một cách chi tiết hơn.
Những người dân chủ có thái độ như thế nào khi thảo luận về các quyền chính trị? Họ coi nhân dân như thế nào khi cần chọn nhà lập pháp? À, lúc đó người ta tuyên bố rằng nhân dân có trí tuệ bẩm sinh, nhân dân được phú cho nhận thức cực kì tinh tế, ý chí của họ bao giờ cũng đúng, ý chí chung là không thể sai, bầu cử không thể bao gồm tất cả mọi người.
Khi bầu cử, rõ ràng là không cần đề nghị cử tri đưa ra bất cứ sự bảo đảm nào về trí tuệ của họ. Ý chí và năng lực lựa chọn một cách khôn ngoan của cử tri được cho là đương nhiên. Người dân có thể bị lầm lẫn ư? Chúng ta chả đang sống trong thời đại khai sáng hay sao? Cái gì? Chẳng phải là nhân dân bao giờ cũng bị trói buộc hay sao? Họ chẳng giành được quyền của mình bằng những nỗ lực và hi sinh cực kì to lớn hay sao? Họ chẳng đã từng thể hiện biết bao nhiêu bằng chứng về trí thông minh và trí tuệ của mình hay sao? Họ không phải là người trưởng thành ư? Họ không có khả năng tự đánh giá ư? Họ không biết cái gì là tốt nhất cho mình hay sao? Có giai cấp hay người nào dám đứng trên nhân dân và phán xét cũng như làm thay cho họ? Không, không, nhân dân đang và phải được tự do. Họ muốn quản lí công việc của chính mình và họ phải làm như thế.
Nhưng, cuối cùng, khi các nhà lập pháp được bầu xong - thì giọng lưỡi của họ thay đổi hẳn. Nhân dân lại trở thành những người thụ động, trơ lì và thiếu ý thức, còn các nhà lập pháp thì trở thành những kẻ biết tuốt. Đấy là lúc nhà lập pháp đưa ra sáng kiến, chỉ đạo, thúc đẩy và tổ chức. Nhân loại chỉ việc tuân theo, thời khắc của chế độ chuyên chế đã điểm. Xin xem xét tư tưởng chết người sau đây: Nhân dân, trong khi bầu cử là những người rất khôn ngoan, rất đức hạnh và rất hoàn hảo, nhưng bây giờ chẳng có bất cứ khuynh hướng gì; hoặc nếu có thì đấy là những khuynh hướng dẫn đến thoái hóa.
Khái niệm của những người xã hội chủ nghĩa về tự do
Nhưng có cần cho nhân dân một chút tự do hay không?
Nhưng ông Considerant khẳng định với chúng ta rằng tự do chắc chắn sẽ dẫn tới độc quyền!
Chúng ta hiểu rằng tự do nghĩa là cạnh tranh. Nhưng theo ông Louis Blanc, cạnh tranh là hệ thống phá hoại các doanh nhân và hủy diệt dân chúng. Chính vì vậy mà các dân tộc tự do đang bị phá sản và hủy diệt tương đương với mức độ tự do của họ (Có thể ông Louis Blanc phải quan sát các kết quả của cạnh tranh, ví dụ, ở Thụy Sĩ, Hà Lan, Anh và Mĩ).
Ông Louis Blanc còn nói với chúng ta rằng sự cạnh tranh dẫn đến độc quyền. Và với cùng cách tư duy như thế, ông cho chúng ta biết rằng giá thấp dẫn đến giá cao, cạnh tranh đưa sản xuất đến hoạt động phá hoại, cạnh tranh làm cạn kiệt sức mua, cạnh tranh làm cho sản xuất gia tăng đồng thời lại làm giảm tiêu thụ. Từ đó chúng ta thấy rằng những người tự do sản xuất không phải để tiêu thụ, tự do có nghĩa là áp bức và sự điên rồ trong dân chúng, và rằng ông Louis Blanc phải chú ý đến vấn đề này.
Những người xã hội chủ nghĩa sợ tất cả các quyền tự do
Thế thì tự do giáo dục? (Nhưng, phụ huynh sẽ trả tiền cho các thầy giáo để họ dạy trẻ em vô đạo đức và những quan niệm sai lầm, ngoài ra, theo ông Thiers, nếu giáo dục được xây dựng trên cơ sở tự do dân tộc thì nó sẽ không còn tính dân tộc nữa và chúng ta sẽ dạy con em chúng ta những tư tưởng của người Thổ Nhĩ Kì hay người Ấn Độ, trong khi đó, nhờ chế độ chuyên chế hợp pháp này đối với giáo dục mà trẻ em của chúng ta hiện giờ vẫn có may mắn là được dạy những ý tưởng cao quý của người La Mã).
Thế thì tự do lao động? (Nhưng điều đó lại có nghĩa là cạnh tranh, đến lượt nó, lại làm cho sản phẩm không được tiêu thụ, làm cho các doanh nhân phá sản và hủy hoại nhân dân).
Hay là tự do thương mại? (Nhưng, như mọi người đều biết - và những người ủng hộ thuế xuất nhập khẩu mang tính bảo hộ đã nhiều lần chứng minh rằng tự do thương mại làm cho tất cả những người tham gia đều phá sản và muốn thịnh vượng thì cần ngăn chặn tự do thương mại).
Hay là tự do lập hội? (Nhưng, theo học thuyết xã hội chủ nghĩa thì tự do thực sự và hiệp hội tự nguyện là mâu thuẫn với nhau, và mục đích của chủ nghĩa xã hội là đè nén quyền tự do lập hội chính là để buộc người ta liên kết với nhau trong sự tự do đích thực).
Rõ ràng là, lương tâm của các nhà dân chủ-xã hội không thể cho người ta bất kì quyền tự do nào, vì họ tin rằng bản chất của con người là bao giờ cũng hướng tới đủ mọi hình thức suy đồi và tai họa. Do đó, đương nhiên là, các nhà lập pháp phải lập kế hoạch cho người dân nhằm cứu họ khỏi chính mình.
Cách lập luận như thế đưa chúng ta đến một câu hỏi đầy thách thức: Nếu nhân dân không có khả năng, vô đạo đức và dốt nát như các chính trị gia đã chỉ ra, thì tại sao quyền bầu cử của chính những người dân đó lại được bảo vệ với sự nhiệt tình đến như vậy?
(Đón đọc kì sau)
Dịch theo bản tiếng Anh The Law do Dean Russell dịch, Foundation for Economic Education, Irvington-on-Hudson, New York; tham khảo bản dịch tiếng Nga của S. A. Nikolaev.
Nguồn bản dịch: https://phamnguyentruong.blogspot.com/2017/08/luat-phap-frederic-bastiat-10.html