Đẩy mạnh cải cách thể chế
Ngay từ đầu năm đã thấy rõ tinh thần cải cách thể chế, cải thiện điều kiện, môi trường kinh doanh vẫn tiếp tục mạnh mẽ bởi các nghị quyết của Chính phủ và những chỉ đạo của Thủ tướng.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường theo chiều hướng khá tiêu cực, thành tựu của nền kinh tế Việt Nam 2 năm qua thể hiện dấu ấn khác biệt so với trước đây.
Cải thiện sức chống chịu của nền kinh tế
Trong giai đoạn 2016-2020, nền kinh tế đã đi lên từ thực tế tồn tại nhiều vấn đề khó khăn đến phục hồi được tăng trưởng về mức tương đối cao của thời kỳ trước. Tốc độ tăng trưởng GDP liên tục được cải thiện và tăng lên đáng kể, đặc biệt trong 2 năm gần đây, tăng trưởng đạt mức khởi sắc, trên 7%. Cùng với tăng trưởng, còn tiêu chí khác rất quan trọng cho thấy sự vững chắc của nền kinh tế là tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, nền tảng vĩ mô được củng cố, từ đó sức chống chịu của nền kinh tế được cải thiện.
Nhìn chung, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến động khó lường theo chiều hướng khá tiêu cực, nhất là tác động lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nền kinh tế Việt Nam vẫn có những khởi sắc, có thể coi là những "thành tựu có dấu ấn khác biệt" so với trước đây.
Nguyên nhân sâu xa chính là nhờ việc thông qua chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 1-2011. Theo đó, nền kinh tế được định hướng chuyển từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu; vừa mở rộng quy mô vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững.
Nhiệm kỳ 2016-2020 có điều kiện thuận lợi hơn khi cơ bản kế thừa, duy trì và đẩy mạnh hơn tư tưởng và khung chính sách đã điều chỉnh của nhiệm kỳ trước đó. Đặc biệt trong nhiệm kỳ này, đã có rất nhiều nghị quyết quan trọng được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành để cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trong đó, 4 nghị quyết có dấu ấn: Nghị quyết số 05 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 11 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nghị quyết số 12 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Bên cạnh 4 nghị quyết nêu trên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ cũng đã điều hành rất linh hoạt nền kinh tế vĩ mô, thúc đẩy cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chưa có nhiệm kỳ nào mà Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến "thể chế" và thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh như nhiệm kỳ này.
Với lực thúc đẩy mạnh mẽ từ bên trong, dù tình hình thế giới có biến động thì khu vực kinh tế tư nhân trong nước vẫn đã phát triển rất mạnh mẽ. Đầu tư và xuất khẩu từ khu vực này đều lớn. Một số tập đoàn tư nhân đã đầu tư cả vào lĩnh vực hạ tầng, công nghệ mới… Đó là những điểm rất sáng, một phần nhờ vào cải cách thể chế cũng như điều hành của Chính phủ.
Năm 2020: Tăng trưởng vào nhóm đầu khu vực
Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 với chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%. Nhìn chung, những đánh giá quốc tế và của chuyên gia trong nước đều cho rằng năm 2020, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng tốt, thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng hàng đầu trong khu vực và thế giới. Nhận định này dựa trên nhiều căn cứ thực tế từ động lực trong nước cũng như tình hình kinh tế - chính trị thế giới.
Về thế giới, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có dấu hiệu không gia tăng căng thẳng, kéo theo khả năng giao lưu hàng hóa giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ thuận lợi hơn. Việc này sẽ giảm thiểu những tác động bất lợi từ thương chiến đến các quốc gia liên quan, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, khi chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng dịu lại thì cầu của nền kinh tế thế giới có thể gia tăng, là điểm rất lợi cho xuất khẩu.
Trong nước, ngay từ đầu năm, chúng ta đã nhìn thấy tinh thần cải cách thể chế, cải thiện điều kiện, môi trường kinh doanh vẫn tiếp tục mạnh mẽ bởi các nghị quyết của Chính phủ và những chỉ đạo của Thủ tướng. Đây là những việc đã làm từ các năm trước và hy vọng đà cải cách tích cực này sẽ vẫn tiếp tục mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và cũng đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong điều hành kinh tế vĩ mô từ thời kỳ trước. Do đó, nếu tiếp tục làm rốt ráo, mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong khoảng 7% có thể đạt được.
Tuy nhiên, vẫn cần chú ý một số vấn đề tồn đọng cần giải quyết trong năm 2020 để tránh làm ảnh hưởng đến mục tiêu chung.
Thứ nhất, giải ngân đầu tư công phải được đẩy nhanh hơn và tập trung vào một số dự án lớn, hiệu quả. Đồng thời, hoàn thành sớm các thủ tục cần thiết để khởi công những dự án đầu tư công quan trọng, quy mô lớn như mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, khởi công dự án sân Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam. Trong đó, quan trọng nhất là giải quyết được ở mức độ nào đó điểm nghẽn ách tắc hạ tầng hàng không. Đây là nền tảng cho tăng trưởng nhưng trong nhiệm kỳ này, chúng ta đã thiếu vắng những dự án đầu tư công quy mô lớn quan trọng. Chỉ còn một năm cuối cùng của nhiệm kỳ, cần làm gấp để tạo bệ đỡ vững chắc cho giai đoạn tiếp theo.
Thứ hai, đẩy nhanh hơn và quyết liệt hơn cổ phần hóa, thoái vốn DNNN. Đồng thời, tăng tính tự chủ hoạt động kinh doanh cho DNNN để khơi thông, khơi dậy sáng kiến, sáng tạo và tạo sự năng động hơn cho khối này. Đây là điểm làm chưa tốt trong năm 2019 và cần làm tốt hơn trong năm nay.
Năm 2020 là năm đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc được tổ chức vào đầu năm 2021. Với vai trò là năm chuyển giao quan trọng, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Không nên có tư tưởng năm cuối nhiệm kỳ thì "không làm gì cả"; ngược lại, cần biến thành cơ hội để cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy đầu tư phát triển, khởi công nhiều dự án quan trọng và có hiệu quả để tạo đà tốt hơn cho giai đoạn 2021-2025.
Nguồn: Báo Người Lao Động, 3/2/2020