Động lực cho xuất khẩu
Điều duy nhất lớn hơn sự thèm khát vô cớ đối với xuất khẩu; đó là sự sợ hãi vô cớ đối nhập khẩu. Xét về logic, không có gì bất hợp lý hơn hai điều này. Về lâu dài, xuất khẩu và nhập khẩu luôn phải cân bằng nhau (ở đây, ta đang xét đến xuất và nhập khẩu theo nghĩa rộng, bao gồm cả những sản phẩm vô hình như chi tiêu của khách du lịch, cước phí vận chuyển đường biển và các khoản khác trong “cán cân thanh toán”). Xuất khẩu được dùng để chi trả cho nhập khẩu và ngược lại. Nếu chúng ta muốn được thanh toán cho các khoản xuất khẩu của mình, càng xuất khẩu nhiều thì ta càng phải nhập khẩu nhiều. Nhập khẩu càng ít thì xuất khẩu cũng càng ít. Nếu không nhập khẩu, ta sẽ không có xuất khẩu, bởi các quốc gia khác sẽ không có tiền để mua hàng hóa của chúng ta. Khi quyết định cắt giảm nhập khẩu, chúng ta trên thực tế cũng đang quyết định cắt giảm xuất khẩu. Khi quyết định tăng xuất khẩu, chúng ta trên thực tế cũng đang quyết định tăng nhập khẩu.
Lý do của điều này rất đơn giản. Một nhà xuất khẩu Mỹ bán hàng hóa của mình cho một nhà nhập khẩu Anh và được trả tiền bằng bảng Anh. Nhưng ông ta không thể dùng bảng Anh để trả lương cho những người lao động của mình, để mua quần áo cho vợ hay mua vé đi xem kịch. Để làm những việc này, ông ta cần có đôla Mỹ. Chính vì thế, những đồng bảng Anh này sẽ không có giá trị gì với ông ta trừ khi ông ta tự mình dùng chúng để mua hàng từ Anh hoặc bán chúng (thông qua ngân hàng của mình hay các đại lý khác) cho những nhà nhập khẩu Mỹ muốn có bảng Anh để nhập hàng từ Anh. Cho dù ông ta có làm điều nào đi nữa, giao dịch này sẽ không được hoàn tất cho đến khi lượng xuất khẩu hàng hóa Mỹ được thanh toán bằng một lượng nhập khẩu tương đương.
Mọi việc cũng sẽ xảy ra tương tự nếu giao dịch được thực hiện bằng đôla Mỹ thay vì bằng bảng Anh. Nhà nhập khẩu Anh không thể có đôla Mỹ để trả cho nhà xuất khẩu Mỹ trừ khi một số nhà xuất khẩu Anh đã có những khoản thu đôla từ những giao dịch trước đó với chúng ta. Nói tóm lại, nếu xem xét từ nước Mỹ, giao dịch ngoại tệ là một giao dịch nhằm bù đắp những khoản nợ đôla của người nước ngoài bằng những khoản thu đôla của họ. Nếu xét từ nước Anh, các khoản nợ bảng Anh của người nước ngoài sẽ được bù đắp bởi những khoản thu bảng Anh của họ.
Chúng ta không cần thiết phải đi sâu vào những chi tiết mang tính kỹ thuật của các giao dịch này, bởi chúng có thể được tìm thấy trong bất kỳ một giáo trình tốt nào về giao dịch ngoại tệ. Song điều chúng ta cần chỉ ra tại đây là mặc dù luôn có vẻ bí hiểm và khó hiểu, các giao dịch ngoại tệ không có gì quá phức tạp. Chúng thực sự không khác biệt nhiều so với những gì xảy ra trong nội thương. Mỗi người trong chúng ta đều phải bán một thứ gì đó (mặc dù đối với phần lớn trong chúng ta, thứ ta bán là dịch vụ thay vì hàng hóa) để có thể có được sức mua để mua những gì ta muốn. Thương mại nội địa cũng được thực hiện phần lớn thông qua việc bù trừ các khoản thu và chi tại các ngân hàng hoặc sở hối đoái.
Theo kim bản vị quốc tế, các khoản chênh lệch trong cán cân xuất nhập đôi khi được bù đắp bằng vàng. Tuy nhiên, chúng cũng có thể được bù đắp bằng các hàng hóa như bông, thép, rượu mạnh, nước hoa, v.v… Sự khác biệt chủ yếu là khi chuẩn vàng tồn tại, nhu cầu đối với vàng có thể được coi là vô hạn (một phần bởi vàng được coi và chấp nhận như “phương tiện thanh toán” quốc tế cuối cùng chứ không chỉ là một hàng hóa đơn thuần), và các quốc gia không tạo nên các hàng rào nhằm ngăn cản việc nhập vàng như cách họ ngăn chặn việc nhập hầu hết các hàng hóa khác. (Mặt khác, trong những năm gần đây, họ bắt đầu tạo ra nhiều rào cản nhằm ngăn chặn việc xuất khẩu vàng hơn đối với bất kỳ mặt hàng xuất khẩu nào khác. Tuy nhiên, đây là một vấn đề khác.)
Chính những người luôn tỉnh táo và khôn ngoan trong các vấn đề thuộc về nội thương có thể trở nên hết sức nhầm lẫn trong lĩnh vực ngoại thương. Trong ngoại thương, họ sẵn sàng ủng hộ và chấp nhận những nguyên tắc mà bản thân họ sẽ coi là điên rồ nếu áp dụng vào nội thương. Một ví dụ điển hình là việc nhiều người tin rằng chính phủ nên cho các nước khác vay những khoản tiền lớn nhằm tăng xuất khẩu, cho dù những nước này có khả năng hoàn trả hay không.
Tất nhiên, các công dân Mỹ nên được phép cho vay vốn riêng của mình ra nước ngoài và tự gánh chịu mọi rủi ro có thể xảy ra. Chính phủ không nên tự ý đặt ra những hàng rào ngăn cản việc cho vay của tư nhân với những quốc gia có quan hệ hòa bình với chúng ta. Mỗi cá nhân chúng ta cũng nên đóng góp một cách rộng rãi cho các mục đích nhân đạo nhằm giúp những người đang có nguy cơ chết đói hoặc đang gánh chịu những khó khăn lớn. Nhưng chúng ta phải luôn biết rõ việc mình làm. Sẽ là thiếu khôn ngoan nếu chúng ta giúp người dân nước khác những những khoản viện trợ nhân đạo lớn với ý nghĩ rằng mình đang thực hiện những giao dịch kinh tế khôn ngoan nhằm phục vụ cho lợi ích riêng của mình. Điều này sẽ chỉ dẫn đến những hiểu lầm và quan hệ không tốt đẹp sau này.
Trong số những lập luận được đưa ra để ủng hộ việc cho các nước khác vay các khoản tiền lớn, một luận chứng sai lầm thường xuất hiện ở vị trí trung tâm: ngay cả nếu cuối cùng một nửa (hoặc toàn bộ) số tiền chúng ta cho các nước khác vay không được hoàn trả, quốc gia của chúng ta vẫn sẽ giàu có hơn vì đã cho vay, bởi các khoản vay đó sẽ là những động lực lớn thúc đẩy xuất khẩu của chúng ta.
Song chúng ta phải nhận ra một điều hiển nhiên là nếu khoản tiền ta cho các nước khác vay để họ có thể mua hàng hóa của ta cuối cùng không được hoàn trả, chúng ta trên thực tế đang cho không hàng hóa của mình. Một quốc gia chỉ có thể nghèo đi chứ không thể không thể trở nên giàu có hơn bằng cách cho không hàng hóa.
Không ai nghi ngờ hay phản đối điều này khi nó được áp dụng vào một công ty tư nhân. Nếu một công ty sản xuất xe hơi cho một người vay $5.000 để mua một chiếc xe có giá bằng khoản tiền này và nếu người đó không có khả năng hoàn trả khoản tiền đó, công ty xe hơi sẽ không trở nên giàu có hơn bởi nó đã “bán” được chiếc xe hơi. Nó đã mất đi số tiền tương đương với chi phí sản xuất ra chiếc xe hơi đó. Nếu chi phí sản xuất chiếc xe hơi là $4.000 và người được cho vay chỉ hoàn trả được một nửa khoản cho vay, công ty sản xuất xe hơi sẽ mất $4.000 trừ đi $2.500, nghĩa là $1.500. Việc bán được chiếc xe không thể bù đắp lại lượng tiền công ty mất vì khoản cho vay không được hoàn trả đó.
Nếu luận chứng này đơn giản đến vậy khi áp dụng với một công ty tư nhân, tại sao nhiều người lại trở nên nhầm lẫn khi áp dụng nó cho một quốc gia? Lý do là vì khi áp dụng cho một quốc gia, giao dịch này phải được theo dõi thông qua nhiều bước hơn. Một nhóm cá thể nào đó có thể thực sự được hưởng lợi trong khi những người còn lại bị thiệt hại.
Đúng là những người chỉ tham gia vào hoặc tham gia chủ yếu vào các ngành sản xuất hàng xuất khẩu có thể sẽ được lợi nhờ những khoản cho vay không được hoàn trả của chính phủ với các nước khác. Thiệt hại của toàn bộ nền kinh tế là điều chắc chắn, nhưng ta khó có thể theo dõi xem thiệt hại này được phân bổ như thế nào. Những người cho vay tiền tư nhân sẽ phải trực tiếp chịu các khoản thiệt hại khi tiền họ cho vay không được hoàn trả. Còn các khoản thiệt hại do tiền cho vay của chính phủ không được hoàn trả cuối cùng sẽ được bù đắp thông qua việc tăng thuế. Song những thiệt hại trực tiếp này cũng sẽ đem lại nhiều thiệt hại gián tiếp khác trên nền kinh tế.
Xét về lâu dài, những khoản cho vay nước ngoài không được hoàn trả không những không hỗ trợ mà còn làm tổn hại hoạt động sản xuất kinh doanh và việc tuyển lao động ở Mỹ. Với mỗi đôla mà người nước ngoài có được thông qua những khoản cho vay này để mua hàng hóa Mỹ, những người mua hàng trong nước sẽ bị mất đi một đôla. Các ngành kinh doanh sản xuất dựa vào nội thương về lâu dài sẽ bị thua thiệt tương đương với phần lợi nhuận mà các ngành sản xuất phục vụ cho xuất khẩu thu được. Nhiều người thậm chí cho rằng, nếu tính trên tổng quan, ngay cả các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu cũng sẽ bị thua thiệt. Các công ty sản xuất xe hơi của Mỹ vào năm 1975 bán khoảng 15% sản phẩm của mình ra các thị trường nước ngoài. Nếu nhờ các khoản cho vay nước ngoài không được hoàn trả mà các công ty này tăng được 5% sản phẩm của mình ra thị trường nước ngoài (tương đương 20% sản phẩm), song tại thị trường nội địa lại bị giảm 10% do người dân phải đóng thuế nhiều hơn để bù đắp lại các khoản cho vay không được hoàn trả này, các công ty đó sẽ không có lợi ích gì về kinh tế.
Tất cả những điều này, tôi xin được nhắc lại, không có nghĩa là các nhà đầu tư tư nhân không nên cho vay ra nước ngoài. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là ta không thể trở nên giàu có hơn thông qua các khoản cho vay không được hoàn trả.
Chính vì lý do này, việc kích thích xuất khẩu một cách giả tạo thông qua các khoản cho vay với khả năng hoàn trả thấp hoặc các khoản viện trợ không hoàn lại cho các nước khác là điều xuẩn ngốc. Hỗ trợ xuất khẩu là một ví dụ điển hình cho việc tặng không hàng hóa của mình cho các nước khác bằng cách bán cho họ các hàng hóa với giá thấp hơn cả chi phí sản xuất. Đây là một ví dụ minh họa cho việc cố gắng làm giàu bằng cách tặng bớt của cải đi.
Mặc dù vậy, nhiều năm qua, chính phủ Mỹ đã thực hiện chương trình “hỗ trợ kinh tế nước ngoài”, phần lớn là các khoản viện trợ không hoàn lại trị giá hàng tỷ đôla giữa các chính phủ. Tại đây, chúng ta chỉ thảo luận về một khía cạnh của chương trình này: nhiều người tham gia tài trợ với niềm tin thơ ngây rằng đây là một cách khôn ngoan, thậm chí là cần thiết, để “tăng xuất khẩu của chúng ta” và nhờ đó duy trì được việc làm cho lao động trong nước và sự vững mạnh của nền kinh tế. Đây là một dạng khác của ảo tưởng rằng một quốc gia có thể trở nên giàu có hơn khi cho bớt của cải của mình đi. Điều khiến nhiều người không nhìn ra sự thật là thứ được cho đi không phải là các hàng hóa xuất khẩu mà là tiền để mua chúng. Chính vì thế, nhiều nhà xuất khẩu vẫn có thể thu lợi trong khi toàn bộ nền kinh tế bị thiệt hại - điều này sẽ xảy ra trong trường hợp thu nhập của họ từ xuất khẩu lớn hơn phần đóng góp của họ thông qua thuế để chi trả cho chương trình hỗ trợ kinh tế nước ngoài này.
Tại đây, chúng ta có một ví dụ minh họa nữa về việc chỉ nhìn vào những tác động tức thời của một chính sách đối với một nhóm cá thể đặc biệt nào đó mà không có đủ sự kiên nhẫn hay khôn ngoan để xem xét những tác động dài hạn trên toàn xã hội.
Nếu chúng ta thực sự xem xét những tác động dài hạn trên toàn xã hội, chúng ta sẽ đi đến một kết luận nữa hoàn toàn trái ngược với luận chứng được phần lớn viên chức chính phủ tin theo và sử dụng trong nhiều thế kỷ qua. Như John Stuart Mill đã chỉ ra một cách rõ ràng, lợi ích thực sự của ngoại thương đối với bất kỳ quốc gia nào không nằm trong xuất khẩu mà trong nhập khẩu. Những người tiêu dùng của quốc gia này hoặc sẽ có thể mua được từ nước ngoài các hàng hóa với giá thấp hơn so với giá mà họ sẽ phải trả nếu các hàng hóa đó được sản xuất trong nước, hoặc sẽ có thể mua được từ nước ngoài các sản phẩm mà trong nước hoàn toàn không sản xuất. Những ví dụ điển hình cho điều này là cà phê và trà. Nếu ta xem xét một cách tổng quan, lý do thực sự khiến một nước cần phải xuất khẩu hàng hóa là để có thể chi trả cho hàng hóa nhập khẩu của mình.
Nguồn: Henry Hazlitt, Kinh tế học trong một bài học (Economics in One Lesson), Chương 12