[Nhật Bản duy tân 30 năm] - Văn Hóa Đông Tây (Phần 5)

[Nhật Bản duy tân 30 năm] - Văn Hóa Đông Tây (Phần 5)

KINH TẾ LÝ TÀI, CÔNG NGHỆ, THƯƠNG MẠI ĐỀU ÂU HÓA

Mấy việc kinh tế, lý tài, công nghệ, thương mãi, chẳng phải nhờ có ảnh hưởng Thái Tây dội qua Nhật Bản mới có, mới biết đâu. Chỉ có thể nói rằng nhờ ảnh hưởng Thái Tây khiến cho Nhật Bản mở mang sửa đổi những việc ấy trở nên mới mẻ rộng lớn, theo thời đại và theo Thái Tây.

Thật vậy, người Nhật thuở xưa đã từng sinh tồn về công nghệ, ham chuộng ganh đua về công nghệ. Họ có nhiều món công nghệ đặc biệt của họ. Nhất là mấy món đại công nghệ như dệt sơn, chạm, vẽ, họ vốn có căn cơ và đặc sắc lâu đời. Thương mãi cũng vậy.

Thì năm sáu trăm năm trước người Nhật đã vượt biển qua buôn bán ở Ấn Độ, Nam Dương quần đảo, Xiêm La, Việt Nam, các xứ ở quanh phương Đông, không mấy xứ không có dấu cẳng vết chân của chú lái buôn Nhật, ganh đua mạo hiểm và thương lợi với người Tàu. Nước ta, giữa đời nhà Lê, miền Bắc có Phố hiến (thuộc tỉnh Hưng Yên bây giờ) là thành phố buôn bán tụ tập các ngoại thương, bên cạnh những tiệm buôn của người Hồng Mao, người Hòa Lan, người Tàu, có những tiệm buôn của người Nhật. Miền Nam, thuở họ Nguyễn làm chúa, ở Hội An (Faifo, tỉnh lỵ Quảng Nam bây giờ) cũng có người Nhật tới mở tiệm mua bán, nhiều cậu lấy vợ An Nam đẻ con rồi chết chôn ở đó, mồ mả đến nay vẫn còn dấu tích. Có lần một chiếc ghe buôn của họ gặp sóng gió đánh chìm ở hải phận ta, hình như Mạc phủ Nhật Bản lấy nghĩa bang giao tương trợ, viết thơ qua cầu triều đình nước Nam giúp sức đóng giùm cho những người sống sót kia một chiếc ghe để họ về xứ. Họ phải ở lại chầu chực cả năm, quan ta và thợ mộc ta không sao đóng nổi chiếc ghe to lớn để vượt biển khơi như họ được. Nhắc mấy chuyện này lại cho biết xưa kia người Nhật từng chuộng thương mãi và mạo hiểm thông thương ra thế nào rồi.

Cho đến cơ quan lý tài, ta gọi là nhà băng hay ngân hàng, không phải đợi tới giữa thế kỷ XIX, nước Nhật cổ thời đã có những nhà ngân hàng lớn, sắp đặt theo cách cha truyền con nối. Xưa gọi là Tiền trang (銭莊 Sensou), nghĩa là một nơi đổi chác gửi gắm tiền bạc để mua bán, thì chính công việc nhà băng ngày nay.

Nổi tiếng nhứt là Tiền trang nhà Tam Tỉnh 三井 [Mitsui], tổ tiên của nhà triệu triệu phú Tam Tỉnh ở nước Nhật bây giờ, làm chủ không biết bao nhiêu là nhà băng, xưởng tàu, mỏ than và những công ty buôn bán lớn, người ta gọi là ông vua lý tài ở nước Nhật, sản nghiệp có lẽ giàu hơn ông vua dầu hỏa Rockefeller ở Hoa Kỳ nhiều. Đường Chaigneau ở Sài Gòn ta đây, ai đi qua để ý chắc thấy một nhà treo bảng “Tam Tỉnh dương hàng” 三井洋行 [Mitsui Youkou] thì là một chi nhánh của nhà Mitsui, hầu khắp thế giới đều có chi nhánh.

Nhà Tam Tỉnh mở ra công cuộc buôn bán lớn lao ở kinh đô (Kyoto, nơi đóng đô của vua Nhật hồi xưa) từ thế kỷ XVI. Qua đến thế kỷ XVII, nhà này khéo sắp đặt cách thức giao dịch chở chuyên tiền bạc khắp trong nước Nhật. Cuối thế kỷ XVII, Mạc phủ Đức Xuyên phó thác việc kiểm soát lý tài cho nhà Tam Tỉnh. Tục lệ nhà này, cha truyền con nối, trông coi sản nghiệp và càng ngày mở mang thêm giàu thêm lớn ra mãi; sự kinh doanh và giàu lớn đã có trước khi Âu hóa sang Đông. Đến thời kỳ Minh Trị duy tân, nhà Tam Tỉnh sắp đặt sửa sang lại công cuộc kinh doanh đồ sộ của nhà mình theo cách Âu Tây.

Xem sơ như vậy, là độc giả đủ thấy trước hồi Minh Trị duy tân, nước Nhật từng có trí thức riêng và căn cơ thực lực riêng của họ về kinh tế, lý tài, công nghệ, thương mãi rồi đó.

Nhờ có trí thức và căn cơ sẵn sàng đó, thành ra đến lúc Âu châu qua xông đại vô nhà Nhật Bản mà đánh thức họ vùng dậy, quanh quẩn không có bao nhiêu năm, đại công nghệ, đại thương mãi, đại lý tài của xứ họ mở mang xây dựng lên đồ sộ lạ lùng. Thì nền móng có sẵn rồi, họ chỉ có việc xây cao đắp rộng ra bằng vật liệu mới và nhân công mới thôi. Nếu như canh nông và tiểu công nghệ, tiểu thương mãi còn thấy những dấu tích quang cảnh Nhật Bản cổ thời, nhưng kể toàn thể, người ta có thể nói rằng tình hình kinh tế hoạt động ở nước Nhật đã Âu hóa, Mỹ hóa, tân thời hóa một cách sâu xa lắm.

Bởi sự thế không vậy không được; Nhật Bản phải Âu hóa từ kinh tế lý tài cho đến thương mãi công nghệ xứ họ, cũng như họ đã Âu hóa cả những lục quân hải quân, chính trị luật pháp vậy. Ngay lúc mới bắt tay vào cuộc duy tân, họ háo thắng và phấn phát lạ lùng: “Hễ Âu Mỹ có thứ gì thì ta cũng phải có thứ nấy, tổ chức như họ, hùng cường như họ, có thế mình mới tự lập và tranh hành với thiên hạ được”.

Bấy giờ, phần nhiều là các ông phiên vương chư hầu trả đất nạp quyền lại nhà vua nhất thống rồi, đem vốn liếng tiền bạc ra lập những nhà máy nọ, hãng buôn kia, kinh doanh các cuộc thương mãi công nghệ lớn lao. Từ năm 1872 trở đi, nhà băng dựng lên như nấm mọc, để giúp vốn cho người ta mở mang chế tạo buôn bán. Nhưng ban đầu, mọi việc kinh tế lý tài do sức dân và của dân hùa nhau sắp đặt xây dựng mặc lòng, nhà nước vẫn có quyền xem xét, chỉ bảo, dìu dắt, tức là thực hành chính sách “Kinh tế chỉ huy” (Economie dirigée). Bên cạnh Minh Trị Thiên hoàng, có một hội đồng cố vấn làm việc đêm ngày, gồm những người cẩn thận sáng suốt và chuyên môn về các vấn đề kinh tế, ngồi đó suy nghĩ tìm tòi, làm như ngồi cầm lái, để sai khiến cả bộ máy kinh tế trong nước.

Chủ ý nhà nước buổi đầu cốt trông nom chỉ dẫn cho dân, làm việc gì đều nên việc ấy, kẻo sợ có những người hấp tấp nóng nảy quá mà làm hư việc đi, không những hao tốn tài lực của mình đã đành, còn e tổn thương đến công cuộc duy tân của nhà nước nữa. Sau mười lăm năm kinh tế chỉ huy, nhà nước mới để dân tự do kinh doanh hoạt động. Một việc đó đủ chỉ tỏ cho người ta thấy công cuộc Minh Trị duy tân là một công cuộc sắp đặt, tính toán rất kỹ lưỡng chi li, không có một mảy nào bơ thờ quên sót vậy.

Trên kia đã nói Nhật phải nôn nao Âu hóa cả công nghệ thương mãi, là bởi sự thế bắt buộc không vậy không được. Sự thế bắt buộc để tranh hành với thiên hạ, mà cũng bắt buộc vì lẽ trăm công ngàn việc sửa đổi có liên lạc quan hệ với nhau, mà sự cần dùng hơn hết chính là tiền bạc. Thật vậy, cho được thực hành sửa đổi to lớn lạ lùng về quân bị, về chính trị, về giáo dục, như Nhật đã làm thành công kết quả đó, Nhật đã cần phải vung tay trút túi, xài những món tiền hao tốn gớm ghê, tự nhiên họ phải hối hả mở mang ra đại công nghệ và đại thương mãi theo như Âu châu, để có tiền bạc dồi dào làm việc duy tân.

Sự biến hóa cải cách như thế, chính là do nơi ý chí sắt đá của giống người Nhật muốn trở nên hùng cường như người ta cho mau, để mình vẫn được độc lập tự do như xưa vậy.

Nguồn: Đào Trinh Nhất (2012[1937]). Nhật Bản duy tân 30 năm. NXB Lao Động-Xã Hội.