[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XIII: Tại sao các quốc gia ngày nay thất bại (Phần 5)

[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XIII: Tại sao các quốc gia ngày nay thất bại (Phần 5)

CHỦ NGHĨA CHUYÊN CHẾ MỚI

Tháng 11/2009, chính phủ Bắc Triều Tiên thực hiện một chính sách mà các nhà kinh tế học gọi là cải cách tiền tệ. Các đợt lạm phát nghiêm trọng thường là nguyên nhân của những cuộc cải cách này. Ở Pháp vào tháng 1/1960, chính sách cải cách tiền tệ đã dẫn đến việc lưu hành một đồng franc mới bằng 100 đồng franc cũ. Đồng franc cũ vẫn tiếp tục lưu thông và dân chúng thậm chí vẫn niêm yết giá bằng đồng franc cũ khi việc đổi sang đồng tiền mới đang được tiến hành dần dần. Cuối cùng, đồng franc cũ không còn là phương tiện thanh toán hợp pháp vào tháng 1/2002, khi nước Pháp sử dụng đồng euro. Cải cách của Bắc Triều Tiên nhìn bề ngoài cũng tương tự như vậy. Cũng như nước Pháp năm 1960, chính phủ Bắc Triều Tiên quyết định bỏ bớt hai con số không trong tiền tệ. 100 đồng won cũ, đơn vị tiền tệ của Bắc Triều Tiên, sẽ có giá trị bằng 1 đồng won mới. Các cá nhân được phép đổi tiền cũ lấy tiền mới, nhưng phải thực hiện trong vòng một tuần, chứ không phải trong 42 năm như ở Pháp. Và đây mới là cái bẫy: chính phủ tuyên bố rằng không ai được phép đổi hơn 100 nghìn won, nhưng về sau tăng lên đến 500 nghìn won. 100 nghìn won là vào khoảng 40 USD theo tỷ giá thị trường chợ đen. Chỉ trong khoảnh khắc, chính phủ đã quét sạch một tỷ lệ của cải tư nhân khổng lồ của người dân Bắc Triều Tiên; chúng ta không biết chính xác là bao nhiêu, nhưng có lẽ nhiều hơn so với mức chiếm đoạt của chính phủ Argentina vào năm 2002.

Chính phủ Bắc Triều Tiên là một chính phủ cộng sản chuyên chính, phản đối sở hữu tư nhân và thị trường. Nhưng thật khó kiểm soát thị trường chợ đen, nơi thực hiện các giao dịch bằng tiền mặt. Lẽ dĩ nhiên, các giao dịch cũng liên quan đến một ít ngoại tệ, đặc biệt là đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, nhưng nhiều giao dịch sử dụng đồng won. Cải cách tiền tệ được soạn thảo nhằm trừng phạt những người sử dụng các thị trường này, và cụ thể hơn, nhằm bảo đảm rằng họ sẽ không trở nên quá giàu có hay đủ hùng mạnh để đe dọa chế độ. Duy trì sự nghèo khó của họ sẽ an toàn hơn. Câu chuyện không chỉ về thị trường chợ đen. Người dân Bắc Triều Tiên cũng giữ tiền tiết kiệm bằng đồng won vì ở Bắc Triều Tiên chỉ có vài ngân hàng, và tất cả đều thuộc sở hữu nhà nước. Thực chất, chính phủ sử dụng cải cách tiền tệ để chiếm đoạt phần lớn tiền tiết kiệm của dân chúng.

Mặc dù chính phủ nói họ xem các thị trường là xấu xa, giới quyền thế Bắc Triều Tiên lại thích những gì thị trường sản xuất ra cho họ. Nhà lãnh đạo Kim Jong-Il có một dinh thự giải trí cao bảy tầng, trong đó trang bị một phòng uống rượu, dàn máy karaoke và một nhà hát mini. Tầng trệt có một hồ bơi khổng lồ với máy tạo sóng, ở đó Kim thích sử dụng một tấm ván nằm lướt sóng có lắp một động cơ nhỏ. Năm 2006 khi Hoa Kỳ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên, họ biết cách làm thế nào để tác động vào đúng chỗ đau nhất. Hoa Kỳ cấm xuất khẩu hơn 60 mặt hàng xa xỉ vào Bắc Triều Tiên, trong đó có thuyền buồm, ca-nô lướt sóng, xe ô-tô đua, xe máy, đầu máy DVD và truyền hình lớn hơn 29 inch. Sẽ không còn khăn quàng lụa, bút máy thiết kế riêng, áo lông thú hay hàng da. Đây chính xác là những mặt hàng mà Kim và giới quyền thế sưu tập. Một học giả sử dụng số liệu bán hàng từ công ty Pháp Hennessy đã ước lượng rằng ngân sách chi tiêu cho rượu cognac hàng năm của Kim trước khi có lệnh trừng phạt vào khoảng 800 nghìn USD một năm.

Không thể hiểu được nhiều vùng nghèo nhất trên thế giới vào cuối thế kỷ 20 nếu như không hiểu về chủ nghĩa chuyên chính vô sản của thế kỷ 20. Tầm nhìn của Marx là tầm nhìn về một hệ thống tạo ra thịnh vượng trong bối cảnh nhân văn hơn và không có cách biệt giàu nghèo. Lênin và đảng của ông đã lấy cảm hứng từ Marx, nhưng thực tiễn quá khác biệt so với lý thuyết. Và sự cách biệt giàu nghèo vẫn tồn tại, vì việc đầu tiên mà Lênin và các đồng chí của ông làm là tạo ra một giới quyền thế mới - chính họ, những lãnh đạo của đảng Bôn-sê-vích. Khi làm thế, họ thanh trừng và giết hại không chỉ các thành phần ngoài đảng, mà bất kỳ ai có thể đe dọa quyền lực của họ. Nhưng đó vẫn chưa phải là tấn bi kịch thực sự: bi kịch đầu tiên là với cuộc nội chiến, rồi sau đó là dưới thời hợp tác hóa của Stalin và những đợt thanh trừng quá thường xuyên của ông, có lẽ đã giết hại tới 40 triệu người. Các hậu quả kinh tế và nỗi thống khổ của con người cũng đã xảy ra ở những nơi khác như Campuchia vào thập niên 1970 dưới thời Khmer Đỏ, ở Trung Quốc và ở Bắc Triều Tiên. Chế độ độc tài và lạm dụng nhân quyền ở các nước này không chỉ tạo ra nỗi thống khổ và giết chóc mà còn thiết lập ra các loại thể chế chiếm đoạt khác nhau. Các thể chế kinh tế, dù có hay không có thị trường, đều được thiết kế để chiếm đoạt nguồn lực từ dân chúng, và do căm ghét sở hữu tư nhân, họ thường gây ra nghèo đói chứ không phải thịnh vượng. Trong trường hợp Xô viết, như ta đã thấy trong chương 5, hệ thống kinh tế thoạt đầu mang lại sự tăng trưởng nhanh chóng, nhưng sau đó loạng choạng và dẫn đến đình trệ. Hậu quả còn nặng nề hơn nhiều ở Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông, ở Campuchia dưới thời Khmer Đỏ, và ở Bắc Triều Tiên, nơi các thể chế kinh tế dẫn đến sụp đổ kinh tế và nạn đói.

Các thể chế kinh tế này được nâng đỡ bởi các thể chế chính trị chiếm đoạt, trong đó toàn bộ quyền lực chính trị được tập trung và không có giới hạn đối với việc sử dụng quyền lực. Mặc dù khác nhau về hình thức, các thể chế chiếm đoạt này đã tác động đến phương kế mưu sinh của dân chúng cũng tương tự như tác động của các thể chế chiếm đoạt ở Zimbabwe và Sierra Leone.

Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)

Dịch giả:
Trần Thị Kim Chi
Hiệu đính:
Vũ Thành Tự Anh