Kinh doanh “tự do” và trật tự cạnh tranh (Phần 2/2)

Kinh doanh “tự do” và trật tự cạnh tranh (Phần 2/2)

3

Nếu tôi không nhầm thì những đề mục chính tham chiếu đến các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo trật tự cạnh tranh có hiệu quả là: luật pháp về sở hữu và hợp đồng, luật về doanh nghiệp và hiệp hội, trong đó đặc biệt là luật về công đoàn; các chính sách về những cơ sở độc quyền hoặc bán-độc quyền vẫn hiện diện trong khung khổ còn gây tranh cãi; những vấn đề về thuế khóa, và những vấn đề về thương mại quốc tế, đặc biệt trong thời đại của chúng ta là về quan hệ giữa các nền kinh tế tự do và kế hoạch hóa.

Liên quan đến những lĩnh vực lớn là luật pháp về sở hữu và hợp đồng, chúng ta phải, như tôi đã nhấn mạnh, trước hết, nhận thức được sai lầm khi cho rằng những công thức “sở hữu tư nhân” và “tự do hợp đồng” sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề của chúng ta. Những công thức này không thể đưa ra câu trả lời thỏa đáng bởi vì chúng có ý nghĩa không rõ ràng. Vấn đề của chúng ta thực sự nảy sinh khi chúng ta đặt ra những câu hỏi: nội dung của quyền sở hữu là gì, những hợp đồng nào phải được thực thi và các hợp đồng phải được giải thích như thế nào, hay thậm chí, phải áp dụng những mẫu hợp đồng nào cho các thỏa thuận phi hình thức trong những giao dịch hằng ngày.

Liên quan đến luật pháp về sở hữu, không khó để thấy rằng những quy tắc đơn giản, vốn phù hợp cho những “đồ vật” có khả năng di dời thông dụng, tức những “động sản”, không thể mở rộng áp dụng cho tất cả các trường hợp. Chỉ cần nhìn vào các vấn đề phát sinh từ đất đai, đặc biệt là đất đai ở những thành phố lớn, hiện đại, chúng ta dễ nhận ra rằng quan niệm về tài sản dựa trên giả định cho rằng việc sử dụng một đối tượng sở hữu cụ thể nào đó chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ sở hữu của nó là không đúng. Không nghi ngờ rằng có rất nhiều vấn đề, chí ít là các vấn đề mà những người lập quy hoạch đô thị hiện đại lo lắng, chính là những vấn đề mà các chính phủ hoặc chính quyền địa phương phải có trách nhiệm quan tâm. Nếu trong những lĩnh vực tương tự như lĩnh vực này, chúng ta không thể đưa ra một số chỉ dẫn về những hoạt động hợp lệ và cần thiết mà chính phủ phải thực hiện, và giới hạn của những hoạt động này là gì, thì đừng nên kêu ca phàn nàn nếu như quan điểm của chúng ta không được coi trọng khi chúng ta phản đối những kiểu “kế hoạch hóa” ít có cơ sở biện minh hơn.

Vấn đề phòng chống độc quyền và bảo đảm cạnh tranh nổi lên một cách gay gắt hơn hẳn trong một số lĩnh vực khác, tức là những lĩnh vực mà khái niệm về sở hữu mới chỉ lan sang trong thời gian gần đây. Tôi muốn nói đến việc áp dụng khái niệm về sở hữu cho những quyền và đặc quyền như bằng sáng chế, bản quyền, nhãn hiệu hàng hóa v.v. Tôi nghĩ, không nghi ngờ gì, rằng việc áp dụng một cách mù quáng khái niệm sở hữu trong những lĩnh vực này, như nó đã được soạn thảo cho những hàng hoá vật chất, là nhân tố đáng kể trong việc thúc đẩy độc quyền, và cần phải có những cải cách mạnh mẽ trong lĩnh vực này, nếu muốn cho cạnh tranh hoạt động. Trong lĩnh vực sáng chế công nghiệp nói riêng, chúng ta cần xem xét một cách nghiêm túc liệu có phải việc trao độc quyền sản xuất là hình thức tưởng thưởng thích hợp nhất và hiệu quả nhất để bù đắp lại những rủi ro liên quan đến các khoản đầu tư trong nghiên cứu khoa học.

Đối với chúng ta, bằng sáng chế là ví dụ rõ ràng về việc trong những trường hợp như vậy không cần áp dụng các công thức có sẵn, mà phải quay lại với căn cứ duy lí của hệ thống thị trường, và quyết định cho mỗi nhóm bằng sáng chế những quyền mà chính phủ phải bảo vệ. Đây là nhiệm vụ dành cho cả các nhà kinh tế học lẫn các luật sư. Hi vọng rằng tôi không làm mất thì giờ của quý vị nếu tôi minh họa những điều mình nghĩ bằng cách trích dẫn một quyết định khá nổi tiếng, trong đó một vị thẩm phán người Mỹ khẳng định: “trước cáo buộc ​​cho rằng các đối thủ cạnh tranh đã không được phép sử dụng bằng sáng chế, chúng tôi trả lời rằng việc không được phép sử dụng bằng sáng chế, có thể nói, chính là bản chất của quyền mà người ta trao cho người nắm giữ bằng sáng chế” và nói thêm: “sử dụng hay không sử dụng bằng sáng chế là đặc quyền của người chủ sở hữu tài sản, không liên quan đến vấn đề động cơ”1. Tôi cho rằng tuyên bố cuối cùng này chính là cái mốc quan trọng trên con đường mở rộng máy móc khái niệm về quyền sở hữu bởi các luật sư, và điều này đã tạo ra rất nhiều đặc quyền đặc lợi có hại, không đáng mong muốn.

4

Việc mở rộng một cách máy móc khái niệm giản đơn về sở hữu tư nhân cũng đã tạo ra những kết quả không đáng mong muốn trong một lĩnh vực khác, đó là lĩnh vực nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn thương mại. Bản thân tôi không hề nghi ngờ về việc luật pháp có vai trò quan trọng trong lĩnh vực này, và việc bảo đảm thông tin phù hợp và trung thực liên quan tới nguồn gốc của bất kỳ sản phẩm nào là một khía cạnh, nhưng lại là duy nhất, trong lĩnh vực này. Nhưng với việc tập trung hoàn toàn vào việc mô tả nhà sản xuất và phớt lờ những quy định tương tự liên quan đến đặc điểm và chất lượng của hàng hoá, ở mức độ nào đó, đã giúp tạo ra các điều kiện độc quyền bởi nhãn hiệu hàng hóa lẽ ra phải được sử dụng như là phương tiện để mô tả loại hàng hóa, thì hoá ra lại được dùng để mô tả chủ sở hữu của nhãn hiệu hàng hóa đó (“Kodak”, “Coca-Cola”). Khó khăn này có thể vượt qua nếu, chẳng hạn, chúng ta chỉ bảo vệ việc sử dụng các nhãn hiệu hàng hóa gắn với những cái tên mang tính mô tả mà tất cả mọi người đều có thể tự do sử dụng.

Tình huống cũng rất giống với lĩnh vực hợp đồng. Chúng ta không thể coi “tự do ký kết hợp đồng” là câu trả lời thực sự cho những vấn đề của chúng ta nếu ta biết rằng không phải tất cả các hợp đồng đều phải được bảo đảm thực thi bằng các biện pháp pháp lí, và trên thực tế, chúng ta buộc phải thừa nhận rằng các loại thoả thuận “hạn chế thương mại” không được phép thực hiện. Ngay khi chúng ta mở rộng quyền ký kết hợp đồng từ các cá nhân sang các tổ chức v.v. thì không phải hợp đồng mà là luật pháp sẽ quyết định ai là người chịu trách nhiệm, cách thức xác định và bảo vệ tài sản như thế nào, khi trách nhiệm của công ty là hữu hạn.

“Tự do hợp đồng” trên thực tế không phải là giải pháp vì trong xã hội phức tạp như xã hội của chúng ta không hợp đồng nào có thể đưa ra đầy đủ các điều khoản rõ ràng để phòng ngừa tất cả các tình huống không thể lường trước được, và vì tòa án và cơ quan lập pháp đưa ra những hợp đồng mẫu dành cho nhiều mục đích khác nhau, những hợp đồng mẫu này dường như rất dễ áp dụng và dễ hiểu, chúng quyết định cách giải thích tất cả các hợp đồng có thể được ký kết, và được sử dụng để “trám vào” những chỗ còn thiếu sót của những hợp đồng thực. Chưa bao giờ và có lẽ cũng không bao giờ tồn tại một hệ thống pháp luật nào lại giao phó việc xác định những nghĩa vụ của hợp đồng, vốn là chỗ dựa cho trật tự xã hội, cho các bên ký kết hợp đồng tự quyết định. Ở đây, cũng như trong lĩnh vực sở hữu, nội dung chính xác của khuôn khổ pháp luật lâu dài, những quy định của luật dân sự, là tối quan trọng đối với cách thức mà thị trường cạnh tranh sẽ hoạt động. Mức độ phát triển của luật dân sự, dù là từ án lệ (judge-made law) hay từ các sửa đổi của cơ quan lập pháp, có thể quyết định sự phát triển theo hướng hệ thống cạnh tranh hay xa rời hệ thống đó, và mức độ thay đổi của luật dân sự được quyết định bởi ý tưởng giữ thế thượng phong về trật tự xã hội nào là đáng mong muốn; ta có thể minh họa những điều này khá rõ bằng quá trình phát triển trong năm mươi năm vừa qua của luật pháp và phán quyết của tòa án về các-ten (cartel), về cơ sở độc quyền, và hạn chế thương mại nói chung. Tôi nghĩ, không nghi ngờ gì rằng sự phát triển như thế, thậm chí ở cả những nơi nguyên tắc “tự do hợp đồng” vẫn được giữ vững, và một phần có lẽ bởi vì như thế, đã trở thành nhân tố quan trọng làm cho cạnh tranh suy giảm. Nhưng vẫn chưa có nhiều nỗ lực về mặt trí tuệ nhằm sửa đổi khung pháp lí này theo hướng giúp cho cạnh tranh trở nên hiệu quả hơn.

Luật công ty, và đặc biệt phần liên quan đến hình thức trách nhiệm hữu hạn, là lĩnh vực chính mà những vấn đề đó phát sinh và là lĩnh vực mà tôi có thể minh họa quan điểm của mình một cách tốt nhất. Tôi không nghĩ vẫn còn có ai nghi ngờ về vai trò của pháp lí trong việc đưa ra hình thức cụ thể của doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã giúp rất nhiều cho sự phát triển của các cơ sở độc quyền, hay còn nghi ngờ việc nhờ những bộ luật đặc biệt đã trao các quyền đặc biệt, nên quy mô của doanh nghiệp mới trở thành lợi thế vượt xa quy mô mà yếu tố công nghệ có thể biện minh. Tôi nghĩ rằng, nói chung, không bao giờ được mở rộng quyền tự do cá nhân đến mức trao tất cả những quyền đó cho các nhóm có tổ chức, và thậm chí, đôi khi bổn phận của chính phủ là bảo vệ cá nhân trong cuộc đấu tranh chống lại các nhóm có tổ chức. Tôi cảm thấy rằng trong lĩnh vực pháp luật về công ty, chúng ta từng có tình huống khá tương đồng với tình huống trong lĩnh vực luật pháp về sở hữu mà tôi đã nói đến bên trên. Trong lĩnh vực luật pháp về sở hữu, các điều luật được soạn thảo cho động sản thông dụng được mở rộng áp dụng cho tất cả những quyền mới mà không có sự xem xét kỹ càng cũng như không có những sửa đổi cho phù hợp; do đó, việc công nhận các công ty là những thể nhân tưởng tượng hay pháp nhân là đã tự động chuyển tất cả quyền của cá nhân cho các công ty. Hoàn toàn hợp lí khi đưa ra những luận cứ ủng hộ việc xây dựng luật công ty nhằm ngăn chặn sự phát triển vô hạn của các công ty riêng lẻ; và việc đưa ra những giải pháp cho vấn đề này mà không cần thiết lập bất kỳ giới hạn cứng nhắc nào hoặc phải trao cho chính phủ các quyền hạn can thiệp trực tiếp không đáng muốn nào là một trong những chủ đề thực sự thú vị mà chúng ta có thể thảo luận.

5

Cho đến thời điểm này, tôi đã chủ tâm bàn về các điều kiện cần để cho cạnh tranh trở nên hiệu quả từ phía người sử dụng lao động; đó không phải là vì tôi coi vấn đề này có tầm quan trọng đặc biệt mà là vì tôi thực sự tin rằng chừng nào những người sử dụng lao động còn chưa tin tưởng vào cạnh tranh và chứng minh rằng họ sẵn sàng sắp xếp lại chính ngôi nhà của mình thì, xét về mặt chính trị, sẽ không có cơ hội để làm bất cứ chuyện gì với những người lao động, tức là những người ở phía bên kia. Nhưng, chúng ta không được tự lãng quên rằng trong nhiều khía cạnh, phần quan trọng nhất, khó khăn nhất, và cũng tinh tế nhất trong nhiệm vụ của chúng ta là xây dựng một chương trình phù hợp về chính sách lao động hay công đoàn. Tôi tin rằng, không có khía cạnh nào khác mà ngay trong hàng ngũ của những người theo phái tự do đích thực hiện nay, sự phát triển của quan điểm tự do lại thiếu nhất quán, hay không thành công hoặc không chắc chắn và tù mù đến như thế. Về mặt lịch sử, chủ nghĩa tự do, trước hết, đã giữ quá lâu quan điểm bài xích một cách phi lí công đoàn, để rồi đến đầu thế kỷ này đã bị thất bại hoàn toàn, và đã phải chấp nhận cho phép công đoàn không phải tuân thủ luật pháp thông thường trong hầu hết các hoạt động, và thậm chí là cả hợp thức hóa bạo lực, cưỡng bức và hăm dọa. Nếu chúng ta còn hy vọng trở lại với nền kinh tế tự do thì câu hỏi làm sao phân định được quyền lực của công đoàn cả trong luật pháp cũng như trên thực tế là một trong những câu hỏi quan trọng nhất mà chúng ta phải quan tâm. Trong bản đề dẫn này đã nhiều lần tôi muốn giới thiệu với quý vị những tác phẩm của Henry Simons đã quá cố, nhưng bây giờ tôi đặc biệt muốn hướng sự chú ý của quý vị tới bài luận “Some Reflections on Syndicalism“ [Suy tư về chủ nghĩa nghiệp đoàn] bàn về vấn đề này với sự thẳng thắn và sáng suốt hiếm có2.

Dĩ nhiên là vấn đề này gần đây đã trở nên nóng bỏng hơn bởi một thực tế là hầu hết các chính phủ đã tự nhận về mình trách nhiệm cho cái được gọi là “toàn dụng lao động” bất chấp tất cả những hậu quả của nó. Giờ đây, tôi không thấy làm sao chúng ta có thể, đấy là nói khi chúng ta xem xét những vấn đề này, tách chúng khỏi những vấn đề tổng quát hơn của chính sách tiền tệ mà tôi vẫn luôn đề nghị mỗi khi có thể là nên xem xét chúng một cách riêng rẽ. Một loạt những vấn đề lớn, mà tôi chỉ có thể đề cập một cách ngắn gọn, cũng có tình trạng tương tự, đấy là thương mại quốc tế, thuế quan và kiểm soát ngoại hối v.v. Trong khi chúng ta không được phép có chút nghi ngờ nào về quan điểm dài hạn của mình về tất cả các vấn đề này, thì dĩ nhiên, trong tương lai gần, chúng sẽ làm nảy sinh một số vấn đề thật sự, nhưng dù thế thì, có lẽ tốt nhất, chúng ta vẫn cứ nên gạt chúng sang một bên, coi đấy là các vấn đề thuộc phạm vi của chính sách ngắn hạn chứ không phải là những nguyên tắc trong dài hạn. Tôi cũng e rằng chúng ta có lẽ cũng không cần phải để tâm đến một vấn đề mà tôi đã nhắc tới - vấn đề quan hệ giữa nền kinh tế tự do và nền kinh tế kế hoạch hóa.

6

Vì tôi được quyền tự nêu ra những vấn đề chính cần trình bày, nên giờ đây tôi phải nhanh chóng đưa ra kết luận và chỉ đề cập thêm một lĩnh vực lớn nữa, đấy là thuế khóa. Tất nhiên, bản thân vấn đề này đã là rất lớn. Tôi chỉ muốn nêu ra hai khía cạnh. Một là, ảnh hưởng của thuế thu nhập lũy tiến, dù ở mức nào, thì bây giờ đã được sử dụng cho mục đích cào bằng một cách cực đoan. Tôi cho rằng nó gây ra hai hậu quả nghiêm trọng nhất sau đây, một mặt, hệ thống thuế khóa như thế làm cho xã hội ngày càng trở nên bất động, bởi vì nó làm cho những người thành công không thể vươn lên thông qua quá trình tích lũy tài sản, và mặt khác, nó gần như giết chết yếu tố quan trọng nhất trong bất kỳ xã hội tự do nào - đó là con người độc lập về của cải tiền bạc, một nhân vật đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì quan điểm tự do cũng như duy trì bầu không khí độc lập nói chung khỏi sự kiểm soát của chính phủ, và chúng ta chỉ nhận ra vai trò của nhân vật này khi anh ta đang dần biến mất. Có thể nói tương tự về thuế đánh vào các khoản thừa kế và đặc biệt là thuế đánh vào những khoản thừa kế bất động sản ở Anh. Nhưng, khi nhắc đến vấn đề này, tôi phải nói thêm ngay rằng, tất nhiên, có thể làm cho thuế đánh vào những khoản thừa kế trở thành công cụ thúc đẩy sự chuyển động của xã hội nhanh hơn cũng như khuếch tán tài sản ở quy mô rộng lớn hơn, và do đó, có thể phải được coi là công cụ quan trọng của chính sách thực sự tự do, và ta không nên lên án nó vì có những lạm dụng trong lĩnh vực này.

Có rất nhiều vấn đề quan trọng khác mà tôi vẫn chưa đề cập tới. Nhưng tôi hi vọng rằng những điều tôi đã trình bày sẽ là đủ để xác định phạm vi mà tôi nghĩ chúng ta nên thảo luận liên quan đến chủ đề tôi đưa ra. Đó là một chủ đề quá rộng lớn, khó mà có thể xem xét đầy đủ toàn bộ các khía cạnh, ngay cả khi chúng ta có nhiều thời gian hơn. Nhưng, như tôi đã nói, tôi hi vọng rằng cuộc thảo luận của chúng ta sẽ chỉ là khởi đầu và việc chúng ta bắt đầu từ đâu không phải là quá quan trọng.

Chú thích:

(1) Continental Bag Co. v. Eastern Bag Co., 210 u.s. 405 (1909).

(2) Henry C. Simons, "Some Reflections on Syndicalism”, Journal of Political Economy, LII (tháng Ba, 1944), 1-25; in lại trong tác phẩm của ông, Economic Policy for a Free Society (Chicago: University of Chicago Press, 1948), tr. 121-58.

Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 6, NXB Tri thức, 2016

 

 

Dịch giả:
Đinh Tuấn Minh

Tác giả liên quan