Về một đồng tiền được bảo đảm bằng hàng hóa (Phần 1/2)

Về một đồng tiền được bảo đảm bằng hàng hóa (Phần 1/2)

1

Bản vị vàng, như chúng ta biết, chắc chắn có những khiếm khuyết chết người. Nhưng việc lên án nó một cách tràn lan theo mốt như hiện nay có nguy cơ che khuất một thực tế là nó cũng có một số ưu điểm quan trọng mà hầu hết những lựa chọn thay thế khác không có. Hệ thống tiền tệ có quản lí cho toàn thế giới được kiểm soát một cách khôn ngoan và không thiên vị có thể ưu việt hơn bản vị vàng về tất cả các mặt. Nhưng xét về dài hạn, đây không phải là đề xuất có tính thực tiễn. So với nhiều đề án khác về quản lí tiền tệ trên quy mô quốc gia, bản vị vàng có ba lợi thế rất quan trọng: nó tạo ra một đồng tiền quốc tế trên thực tiễn mà không khiến cho chính sách tiền tệ quốc gia phụ thuộc vào quyết định của cơ quan có thẩm quyền quốc tế; nó làm cho chính sách tiền tệ được tự động hoá ở mức độ đáng kể, và do đó, có thể dự đoán được; và làm cho những thay đổi cung tiền cơ sở, vốn dựa trên một cơ chế tin cậy, về tổng thể là đi đúng hướng.

2

Không được đánh giá thấp tầm quan trọng của những lợi thế này. Việc phối hợp có chủ ý các chính sách giữa các quốc gia luôn gặp phải những trở ngại rất lớn, vì rằng lượng kiến ​​thức hiện nay của chúng ta chỉ cung cấp cho chúng ta chỉ dẫn rõ ràng trong một vài tình huống mà thôi; và việc đưa ra những quyết định, trong đó gần như bao giờ cũng có một số quyền lợi phải bị hi sinh vì những quyền lợi khác, sẽ phải dựa vào những đánh giá chủ quan. Tuy nhiên, ảnh hưởng tổng hợp của những chính sách quốc gia không được phối hợp, tức là những chính sách chỉ xuất phát từ lợi ích trước mắt của từng quốc gia, lên từng quốc gia có thể còn tồi tệ hơn cả loại bản vị quốc tế không hoàn thiện nhất. Tương tự, mặc dù hoạt động có tính tự động của bản vị vàng còn lâu mới hoàn hảo, nhưng khi dùng bản vị vàng thì chính sách phải tuân theo những quy tắc đã biết, và kết quả là có thể dự đoán được hành động của chính quyền, và thực tế này có thể đủ để giúp cho bản vị vàng, tuy không hoàn hảo, nhưng gây ra ít xáo trộn hơn là chính sách hợp lí nhưng khó nắm bắt hơn. Nguyên tắc chung, theo đó vàng được khuyến khích sản xuất khi giá trị của nó bắt đầu tăng và không được khuyến khích sản xuất khi giá trị của nó giảm, là nguyên tắc đúng, ít nhất là về phương hướng, nếu không nói là trên thực tế.

Cần ghi nhận rằng không có luận cứ nào trong số những luận cứ ủng hộ bản vị vàng có liên hệ trực tiếp với bất kỳ tính chất vốn có nào của vàng. Bất kỳ bản vị nào dựa trên một loại hàng hoá có giá trị bị chi phối bởi chi phí sản xuất, và được chấp nhận trên bình diện quốc tế, về cơ bản, sẽ có những lợi thế tương tự. Điều trước đây giúp cho vàng là nguyên liệu duy nhất trở thành bản vị quốc tế trên thực tế chủ yếu là do quan niệm phi lí, nhưng không vì thế mà không có thực, về uy tín của nó - hoặc, bạn có thể nói, do quan niệm định kiến có tính dị đoan ủng hộ cho vàng ngự trị, làm cho nó được mọi người chấp nhận một cách rộng rãi hơn những hàng hóa khác. Khi những niềm tin như thế còn giữ thế thượng phong thì có thể duy trì đồng tiền quốc tế dựa vào vàng mà không cần nhiều kế hoạch hoặc tổ chức đặc biệt nhằm hỗ trợ cho nó. Nhưng nếu định kiến ​​đã làm cho vàng trở thành bản vị quốc tế, thì ít nhất là sự hiện hữu của định kiến như thế đã làm cho đồng tiền quốc tế trở nên khả thể trong một giai đoạn khi mà vẫn chưa có bất kỳ cân nhắc nào về hệ thống quốc tế dựa trên thỏa thuận rõ ràng và hợp tác có tính hệ thống.

3

Một sự thay đổi có tính quyết định đã xuất hiện trong thời gian gần đây, và điều này đã làm thay đổi một cách căn bản triển vọng và cơ hội của chúng ta trong lĩnh vực này; đó là thay đổi về tâm lí, định kiến vô thức ủng hộ vàng, làm cho vàng có những lợi thế đặc biệt, đã bị lung lay một cách nghiêm trọng - mặc dù có lẽ không lung lay quá nhiều như nhiều người mường tượng; trong nhiều trường hợp, định kiến này thậm chí còn được thay thế bằng định kiến chống lại vàng cũng mạnh mẽ và vô lí như thế; và nói chung, mọi người đã sẵn sàng hơn trong việc xem xét những phương án thay thế trên tinh thần duy lí. Do đó, điều quan trọng là chúng ta phải xem xét lại một cách nghiêm túc những hệ thống thay thế, tức là các hệ thống giữ được ưu điểm của bản vị quốc tế vận động vô thức nhưng lại loại bỏ được những khiếm khuyết đặc biệt của vàng. Cụ thể là, một trong những phương án thay thế như vậy gần đây đã được những chuyên gia có thẩm quyền trong lĩnh vực tiền tệ soạn thảo một cách chi tiết và có thể làm cho nhiều người từng bảo vệ bản vị vàng phải quan tâm - không phải vì họ coi phương án này là lí tưởng, mà bởi vì dường như họ cho rằng nó ưu việt hơn tất cả những phương án đã từng được đưa ra trong bối cảnh chính trị thực tiễn.

Trước khi mô tả đề xuất mới này, cần phải xem qua những khiếm khuyết thực sự của bản vị vàng mà chúng ta muốn tránh. Nhưng đấy chủ yếu không phải là những khiếm khuyết được mọi người công nhận. Những “thay đổi thất thường” trong sản xuất vàng mà mọi người hay nhắc đến có thể dễ dàng bị phóng đại quá lên. Sự gia tăng quá lớn cung vàng trong quá khứ, trên thực tế, là do khi khan hiếm kéo dài đã tạo ra nhu cầu thực sự đối với vàng. Thực ra, phản đối nghiêm túc nhất chính là sự chậm trễ trong việc điều chỉnh cung trước những thay đổi thực sự của cầu. Việc tăng tạm thời cầu đối với các tài sản có tính thanh khoản cao hay thêm một quốc gia nào đó chấp nhận bản vị vàng chắc chắn sẽ tạo ra những thay đổi rất lớn về giá vàng trong khi nguồn cung chỉ có thể tự điều chỉnh một cách chậm chạp. Do cơ chế phản ứng chậm, nguồn cung thường tăng khi nhu cầu đã không còn. Do đó, những nguồn cung tăng lên này không những không giúp giải quyết mà còn làm cho tình hình trở nên khó khăn hơn; hơn nữa, sau một thời gian ngắn, khi cầu đã không còn thì số vàng gia tăng vẫn còn đó và tạo ra mầm mống cho việc mở rộng tín dụng quá mạnh, ngay khi nhu cầu đã giảm.

Phản biện cuối cùng này có liên hệ mật thiết với một đặc điểm thực sự ngược đời của bản vị vàng: thực tế là, việc mọi người đều cố gắng có nhiều tài sản thanh khoản hơn [sở hữu nhiều vàng hơn - ND] không làm cho xã hội có thanh khoản tốt hơn. Tuy nhiên, có những giai đoạn khi các cá nhân muốn mình có những tài sản có tính thanh khoản cao lại phản ánh nhu cầu thực sự của xã hội. Bao giờ cũng có những giai đoạn tại đó tương lai trở nên bất định hơn, khi đó người ta thường muốn chuyển nhiều tài sản hơn sang các hình thức có thể dễ dàng chuyển đổi thành những nhu cầu chưa xác định được vì không thể dự đoán được tình hình. Một thiết chế hợp lí cho đời sống kinh tế của chúng ta đòi hỏi rằng, ở những thời điểm đó, phải chuyển một phần năng lực sản xuất những mặt hàng có ít người sử dụng hơn sang sản xuất các mặt hàng mà bao giờ cũng cần, ví dụ như những nguyên liệu thô được sử dụng một cách rất rộng rãi. Trớ trêu của bản vị vàng là, dưới sự ngự trị của nó, mong muốn của mọi người về gia tăng thanh khoản sẽ làm gia tăng sản xuất một mặt hàng mà chỉ có thể sử dụng trên thực tiễn cho một mục đích duy nhất là cung cấp dự trữ thanh khoản cho các cá nhân. Hơn nữa, mặt hàng này, ngoài việc có rất ít công dụng, còn có nguồn cung tăng rất chậm, dẫn đến tình trạng khi cầu tăng thì sẽ gây ảnh hưởng tới giá cả nhiều hơn là tới số lượng, hay nói cách khác, làm cho giá các mặt hàng khác giảm. Trong khi, nếu nguồn cung tăng và nhu cầu lại giảm, chỉ có thể hạ bớt dư thừa cung bằng cách hạ giá nó, tức là để cho tất cả các mặt hàng khác tăng giá.

4

Những phương án hợp lí hơn, dựa vào việc sử dụng các loại hàng hóa khác chứ không phải vàng, cũng đã được nhiều người đề xuất, nhưng trong khi mọi người nói chung vẫn còn giữ thiên kiến ủng hộ vàng thì những đề xuất này hầu như không có giá trị thực tế. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, ít nhất là một trong những đề nghị như thế, được hai học giả Mĩ soạn thảo một cách chi tiết, rất đáng quan tâm vì nó kết hợp thành công những ý tưởng quan trọng cả lí thuyết lẫn thực tiễn. Benjamin Graham ở New York và Frank D. Graham ở Princeton, dù không biết nhau, nhưng đã cùng đi đến những ý tưởng rất giống nhau, trong mấy năm gần đây đã soạn thảo một cách chi tiết và đầy đủ đề xuất của họ trong một loạt công bố quan trọng1. Mặc dù, mới nhìn thì đề xuất của họ dường như là kỳ lạ và phức tạp, nhưng trên thực tế lại rất đơn giản và rất thực tiễn.

Ý tưởng cơ bản là tiền chỉ được đưa vào lưu thông khi có những tài sản đảm bảo đối ứng trong kho dưới dạng một rổ cố định các mặt hàng nguyên liệu thô có khả năng lưu trữ và có thể xuất ra lại bằng cùng “đơn vị hàng hóa”. Ví dụ, 100 bảng Anh, đáng lẽ được xác định là bao nhiêu ounces vàng, thì sẽ được xác định là bao nhiêu lúa mì, cộng với bao nhiêu đường, cộng với bao nhiêu đồng, cộng với bao nhiêu cao su v.v. Vì tiền sẽ chỉ được phát hành khi có khoản đối ứng của tập hợp đầy đủ tất cả các mặt hàng nguyên liệu thô với số lượng phù hợp (trong đề xuất của Benjamin Graham có hai mươi bốn mặt hàng khác nhau), và vì tiền cũng sẽ được rút khỏi lưu thông theo cách tương tự, cho nên giá gộp của cả rổ những mặt hàng này sẽ không đổi; nhưng chỉ có giá gộp, chứ không phải là giá từng mặt hàng trong rổ hàng hoá này, là không đổi. Về mặt này, các mặt hàng khác nhau sẽ liên kết với tiền theo cách khác với cách mà vàng và bạc liên kết với nó trong chế độ lưỡng kim (bimetallism), khi một đơn vị tiền tệ đổi được hoặc một lượng cố định vàng hoặc một lượng cố định lượng bạc; cơ chế liên kết ở đây là (theo đề xuất mang tên “bản vị hỗn hợp vàng-bạc“ (symmetallism) do Alfred Marshall đề xuất), giá gộp của một hỗn hợp vàng-bạc, với một tỉ lệ nhất định vàng và một tỉ lệ nhất định bạc, là cố định, nhưng giá từng kim loại thì được phép dao động.

Khi hệ thống này hoạt động, một sự tăng lên của cầu đối với các tài sản có tính thanh khoản cao sẽ dẫn đến tích tụ những mặt hàng nguyên liệu thô được sử dụng một cách rộng rãi nhất. Tích trữ tiền, không những không làm lãng phí các nguồn lực mà còn có tác dụng như thể đấy là mệnh lệnh lưu giữ hàng hóa nguyên liệu thô trên tài khoản của người tích trữ. Khi những đồng tiền đã được tích trữ quay trở lại lưu thông và cầu đối với các mặt hàng đều tăng, những kho hàng này sẽ được giải phóng nhằm đáp ứng nhu cầu mới. Vì tập hợp các mặt hàng này bao giờ cũng có thể được đổi thành tổng số tiền cố định, giá gộp của nó không bao giờ thấp hơn con số đó; và, vì tiền sẽ được rút khỏi lưu thông theo cùng (hoặc chỉ hơi khác) tỉ suất, cho nên giá gộp của những mặt hàng này cũng không bao giờ có thể cao hơn con số đó. Trên khía cạnh này, đề xuất này có cùng mục đích như “bản vị dạng bảng” (tabular standard) hoặc “tiền chỉ số” (index currency) mà có thời người ta đã thảo luận rất nhiều. Nhưng khác với hai đề xuất trên, nó hoạt động trực tiếp và tự động. Ít nhất cũng có nghi ngờ về việc liệu có thể giữ nguyên được mức giá của bất kỳ tập hợp của các mặt hàng nào đó bằng cách điều chỉnh có chủ ý số lượng tiền hay không. Nhưng không có nghi ngờ về việc giá gộp của các mặt hàng nguyên liệu thô được lựa chọn không thể thay đổi khi cơ quan quản lí tiền tệ sẵn sàng bán và mua đơn vị hàng hóa ở mức giá cố định.

Vì đề xuất này được một số người Mỹ đứng tên đằng sau, nên nó được lập ra trước hết là cho nước Mỹ. Nhưng các luận cứ ủng hộ đề xuất này cũng có thể được áp dụng cho những quốc gia khác. Nhưng nếu một số quốc gia áp dụng đề xuất này mà lại dựa trên những rổ hàng hóa khác nhau thì sẽ tạo ra nguy cơ gây bất ổn nghiêm trọng. Thế cho nên, có thể thấy rằng, để đề xuất này có thể đạt được mục đích của nó, nó phải được áp dụng trên bình diện quốc tế - tức là, để cho ra cùng kết quả như nhau trên thực tiễn, thì tất cả các nước lớn phải vận hành theo cùng một nguyên tắc. Tập hợp cụ thể các mặt hàng nguyên liệu thô theo đề xuất của Benjamin Graham (năm loại ngũ cốc, bốn chất béo và dầu thực vật, ba loại thực phẩm khác, bốn kim loại, ba loại sợi vải, thuốc lá, da, cao su, dầu khí) cũng như một số chi tiết khác sẽ cần phải được điều chỉnh; nhưng nguyên tắc này không làm nảy sinh những khó khăn nghiêm trọng cho việc áp dụng trên bình diện quốc tế. Trong phác thảo dưới đây về cách thức mà đề xuất sẽ hoạt động, sẽ giả định rằng những đơn vị hàng hóa với thành phần như nhau được sử dụng làm cơ sở của đồng tiền được lưu hành ít nhất là ở Vương quốc liên hiệp Anh và Mỹ.

Chú thích:

(1) Xem Benjamin Graham, Storage and Stability (New York: McGrawHill Book Co., 1937), và Frank D. Graham, Social Goals and Economic Institutions (Princeton: Princeton University Press, 1942). Đề xuất gần giống hệt như thế đã được nhà kinh tế học Hà Lan, Giáo sư J. Goudrian, đưa ra trước đó, trong tác phẩm How To Stop Deflation (London, 1932), mà tôi không biết khi viết bài luận này. Sau đó Benjamin Graham còn phát triển đề xuất của mình trong tác phẩm World Commodities and World Currency (New York: McGraw-Hill Book Co., 1945).

Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 10, NXB Tri thức, 2016