Về một đồng tiền được bảo đảm bằng hàng hóa (Phần 2/2)

Về một đồng tiền được bảo đảm bằng hàng hóa (Phần 2/2)

5

Vì những lí do sẽ được đưa ra ngay sau đây, đề xuất này sẽ cực kì dễ dàng được đưa vào hoạt động khi xuất hiện đe dọa về giảm cầu. Trong những giai đoạn như thế, có thể vận hành ngay tức thì đề xuất này bằng cách định trước giá mua một đơn vị hàng hóa thấp hơn một chút so với giá thị trường phổ biến tại thời điểm đó. Ngay khi cầu đối với các mặt hàng nguyên liệu thô bắt đầu yếu đi và giá của chúng cũng rơi vào trạng thái giảm, các cơ quan quản lí tiền tệ của các nước tham gia mua sẽ được chào mua ở mức giá cố định bất kỳ đơn vị hàng hóa nào mà không thể bán được trên thị trường. Những hoạt động mua vào của các cơ quan này sẽ bù đắp cho sự giảm cầu trong lĩnh vực công nghiệp - và mỗi lượng tiền nằm trong tay tư nhân sẽ tương đương với lượng các mặt hàng nguyên liệu thô nằm trong kho. Như vậy là, cầu đối với các mặt hàng nguyên liệu thô về cơ bản được giữ vững - nhưng đấy chỉ là cầu đối với cả rổ hàng hóa, chứ không phải cầu đối với mỗi mặt hàng cụ thể, sản lượng của từng mặt hàng cụ thể có thể quá lớn và cần cắt giảm.

Dễ dàng nhận ra rằng cách thức hoạt động của đề xuất này sẽ dẫn đến ổn định cầu đối với các mặt hàng nguyên liệu thô. Nếu trong quá khứ, ngành khai thác vàng từng là ngành duy nhất thường xuyên thịnh vượng trong giai đoạn suy thoái, thì nay, theo đề xuất này, những nhà sản xuất các mặt hàng nguyên liệu thô cũng được hưởng lợi ích trong hoàn cảnh tương tự, thậm chí là thịnh vượng hơn một chút vì họ còn có thể trao đổi sản phẩm của mình lấy các hàng hóa chế biến với những điều khoản thuận lợi hơn. Nhưng, trong khi khai thác vàng là ngành công nghiệp quá nhỏ bé nên sự thịnh vượng của nó không có ảnh hưởng đáng kể đối với bên ngoài, thì thu nhập ổn định của các nhà sản xuất nguyên liệu thô sẽ góp phần làm ổn định cầu đối với những loại hàng hóa chế biến và ngăn chặn không để suy thoái trở thành nghiêm trọng. Trên thực tế, không chỉ những nhà sản xuất các mặt hàng nằm trong đơn vị hàng hóa được lợi. Ngay cả quốc gia không sản xuất bất kỳ mặt hàng nào trong số đó cũng được lợi chẳng kém gì những người khác. Khi quốc gia đó sẵn sàng mua các đơn vị hàng hóa với giá cố định bằng tiền của quốc gia mình, những lượng tiền được giao cho các nhà sản xuất những mặt hàng nguyên liệu thô sẽ chẳng có giá trị sử dụng nếu chúng không được dùng để mua sản phẩm của đất nước mà các nhà sản xuất đã bán nguyên vật liệu thô của mình cho quốc gia đó.

6

Thoạt nhìn, việc thực hiện đề xuất này có thể tạo ra nguy cơ làm lạm phát gia tăng nghiêm trọng. Nhưng xem xét kỹ thì thấy rằng nó không thể tạo ra lạm phát thực sự theo bất kỳ nghĩa nghiêm túc nào của từ này. Dù có làm cho cung tiền mở rộng đến bao nhiêu, nó cũng khó có thể dẫn đến sự tăng giá nói chung hay dẫn đến khan hiếm hàng hóa tiêu dùng, mà đấy chính là tác động tai hại nhất của lạm phát. Trên thực tế, đó chính là một trong những ưu điểm lớn nhất của đề xuất này, tức là bảo đảm ngăn chặn một cách tự động bất kỳ sự mở rộng nào, trước khi nó có thể trở thành nguy hiểm. Trước hết, chúng ta đã xem xét hoạt động của nó trong giai đoạn suy thoái, bởi vì hiệu quả của nó trong giai đoạn bùng nổ phụ thuộc vào sự tích lũy trước đó của kho hàng hóa, tức là quá trình diễn ra trong giai đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh cầm chừng. Khi triển vọng chung được cải thiện, hoạt động của đề xuất này sẽ dẫn đến việc rút lượng tiền mặt nhàn rỗi ra khỏi lưu thông, và đây là cơ chế không kém phần quan trọng.

Giá gộp của những mặt hàng nguyên liệu thô cấu thành đơn vị hàng hóa không thể tăng khi mà các cơ quan quản lí tiền tệ có thể bán từ kho dự trữ của họ theo giá cố định. Thay vì làm tăng giá cả và hệ quả là tăng sản lượng khi cầu tăng, dẫn đến đưa lượng tiền tích trữ vào trong lưu thông, thì các hàng hóa nguyên liệu thô sẽ được đưa ra khỏi kho và thu tiền về để cất giữ. Các khoản tiết kiệm của cá nhân bằng tiền mặt trong thời kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh cầm chừng sẽ không bị sử dụng một cách lãng phí, mà nằm chờ đợi dưới dạng những mặt hàng nguyên liệu thô sẵn sàng được đưa vào sử dụng. Kết quả là, sự phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ không tạo ra khuyến khích sản xuất quá mức những mặt hàng này - chúng sẽ tiếp tục được giữ ở mức ổn định. Có lí do để coi những kích thích tạm thời cho việc mở rộng sản xuất quá mức các hàng hóa nguyên liệu thô - thường là do sự tăng giá quá nhanh những mặt hàng này trong giai đoạn bùng nổ - là một trong những nguyên nhân nghiêm trọng nhất dẫn đến bất ổn chung. Đề xuất này có thể giúp tránh được hoàn toàn chuyện này - ít nhất tới chừng nào các cơ quan quản lí tiền tệ vẫn còn kho hàng dự trữ để bán. Nhưng vì những cơ quan này tất yếu có đủ dự trữ để hút tất cả lượng tiền dư thừa được tích lũy trong giai đoạn sản xuất kinh doanh cầm chừng (và thậm chí là lớn hơn đáng kể nếu kho hàng hóa do chính phủ quản lí tại thời điểm bắt đầu thực hiện đề xuất này được bán ra), sự bùng nổ gần như chắc chắn sẽ được kìm hãm bằng cách thu hẹp lượng tiền lưu thông trước khi các kho dự trữ cạn hẳn.

7

Như đã nói bên trên, đề xuất này nghe có vẻ phức tạp, nhưng trên thực tế lại cực kỳ đơn giản khi hoạt động. Cụ thể là các cơ quan quản lí tiền tệ hay chính quyền không cần đưa quá nhiều mặt hàng tham gia vào đơn vị hàng hoá. Cả việc thu gom những loại hàng hóa nằm trong đơn vị hàng hoá lẫn việc lưu kho các mặt hàng này đều có thể giao cho tư nhân đảm nhiệm mà không cần phải lo lắng gì hết. Các chuyên gia môi giới sẽ sẵn sàng quan tâm đến việc thu gom và cung cấp các mặt hàng đó ngay khi mức giá gộp của chúng trên thị trường thấp hơn một chút so với mức giá chuẩn và sẽ lấy chúng ra khỏi kho, rồi tái phân phối chúng cho những thị trường khác nhau khi mức giá gộp của chúng cao hơn giá chuẩn. Về mặt này, hoạt động của các cơ quan quản lí tiền tệ cũng sẽ có tính tự động như hoạt động mua và bán vàng trong thời kỳ bản vị vàng mà thôi.

Không có nghĩa là đề xuất này không làm phát sinh nhiều vấn đề, và bản phác thảo ngắn này sẽ không thể thảo luận kỹ lưỡng được. Ít nhất là trong những công trình vừa được tham chiếu, các tác giả đã xem xét và đưa ra những giải pháp thực tiễn cho những vấn đề quan trọng nhất. Chỉ xin nêu ra một số điểm: chi phí lưu trữ hàng hóa có thể được bù đắp nhờ khoản chênh lệch giữa giá mà các cơ quan quản lí tiền tệ mua và bán những đơn vị hàng hóa (Cần lưu ý rằng chi phí lưu trữ sẽ không bao gồm chi phí tiền lãi, bởi vì các chủ sở hữu khoản tiền được phát hành để làm đối trọng cho những mặt hàng này sẽ tự nguyện chấp nhận khoản phí tổn đó). Các vấn đề phát sinh liên quan đến thành phần của đơn vị hàng hóa và những thay đổi thành phần theo định kỳ - đó là các thay đổi cần thiết - cũng có thể được giải quyết bằng cách áp dụng nguyên lí khách quan làm cho nó thoát ra khỏi lĩnh vực của những tranh chấp chính trị. Tương tự, các vấn đề liên quan đến sự khác biệt về chất lượng và nơi trữ hàng v.v. không phải là những khó khăn không thể giải quyết được. Liên quan đến khía cạnh này, chỉ cần nhớ rằng, vì mục đích của đề xuất này, thì việc đưa những sản phẩm khác nhau của cùng một loại mặt hàng vào đơn vị hàng hóa sẽ có ảnh hưởng tương tự đối với giá cả của các sản phẩm thay thế gần gũi với nó như thể chính chúng cũng được đưa vào đơn vị hàng hóa.

Tuy nhiên, ngay trong bài khảo luận ngắn này cũng phải nhắc đến hai điểm đặc biệt sau đây. Thứ nhất, đặc điểm quan trọng của đề xuất này là, chỉ trong những trường hợp đã được quy định rõ, các cơ quan quản lí tiền tệ mới được quyền chấp nhận những hợp đồng giao hàng trong tương lai của bất kỳ loại hàng hóa nào để thế chỗ cho (hay thay thế cho) những lượng hàng hóa làm tài sản đảm bảo đã được đưa vào kho lưu trữ. Cách làm này sẽ giải quyết được những khó khăn mà nếu không thì sẽ xảy ra do sự thiếu hụt tạm thời của bất cứ mặt hàng nào trong đơn vị hàng hoá; và nó cũng làm cho việc sử dụng các hàng hóa dự trữ để ổn định ở mức độ nào đó giả cả của ngay cả từng mặt hàng riêng rẽ trở nên khả thi. Có thể làm được như thế, ví dụ, bằng cách thay thế những mặt hàng hiện tại bằng các hợp đồng tương lai (futures) bất cứ khi nào giá hiện tại tăng cao hơn giá “tương lai” một tỉ lệ phần trăm nào đó.

Thứ hai, nếu muốn bảo tồn giá trị của vàng hoặc ngăn chặn không để vàng giảm giá quá nhanh, thì không khó để tạo lập liên kết giá trị của vàng với rổ hàng hóa như đề xuất sao cho, dù rằng vàng sẽ không có tác động đáng kể đến giá trị của đồng tiền, giá trị của vàng sẽ được ổn định cùng lúc với giá trị của đồng tiền. Quan điểm của nhiều quốc gia về việc giữ giá trị của vàng có đáng mong muốn hay không và có cần duy trì vô thời hạn mức sản xuất vàng như hiện nay hay không, hay tốt hơn hết là giảm một cách từ từ, nhưng có thể dự đoán được, những nguồn lực dành cho việc khai thác vàng, là vấn đề chính trị mà chúng ta không cần xem xét ở đây. Quan trọng là, nếu muốn thì sẽ có rất nhiều cách để liên kết vàng với đề xuất mà không làm giảm đi những ưu điểm của đề xuất này.

Có lẽ đúng khi nói rằng tất cả luận cứ hợp lí có thể đưa ra nhằm ủng hộ bản vị vàng đều có thể được áp dụng, thậm chí còn hợp lí hơn, cho đề xuất này; không những vậy, đề xuất này lại còn loại bỏ được hầu hết những khiếm khuyết của bản vị vàng. Tuy nhiên, khi đánh giá tính khả thi của đề xuất này cần phải coi nó không đơn thuần là đề án cải cách tiền tệ. Cần nhớ rằng, tích lũy dự trữ hàng hóa chắc chắn phải là một phần của chính sách quốc gia, và rằng, những cân nhắc về mặt chính trị khó có thể để cho các thị trường hàng hóa nguyên liệu thô tự do hoạt động (đấy là nói trong tương lai, còn hiện nay chúng có thể lập kế hoạch cho tương lai đó). Tuy nhiên, tất cả các kế hoạch nhằm kiểm soát trực tiếp giá cả các mặt hàng cụ thể sẽ gặp phải những sự phản đối gay gắt nhất và chắc chắn sẽ gây ra những  khó khăn nghiêm trọng về kinh tế và chính trị. Ngoài những cân nhắc tiền tệ này ra, vẫn có một nhu cầu rất lớn về một hệ thống để buộc các hoạt động kiểm soát như thế phải tuân thủ những nguyên tắc có tính tự động và có thể dự đoán được, tức là, các việc kiểm soát này đến từ những cơ quan riêng rẽ có quyền làm bất cứ gì ngoại trừ hành động theo kiểu tùy tiện và không thể dự đoán được. Nếu có thể kết hợp với việc cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế, để một lần nữa bảo đảm mang đến cho thế giới các mối quan hệ tiền tệ quốc tế ổn định hơn và cho phép các hàng hóa nguyên liệu thô được vận chuyển tự do hơn, thì đấy sẽ là một bước tiến lớn nhằm tiến tới một nền kinh tế toàn cầu thịnh vượng hơn và ổn định hơn.

Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 10, NXB Tri thức, 2016