Thái độ tích cực của người Việt về người Mỹ và người giàu
[The National Interest, 22/09/2022] Không có gì khó hiểu nếu như tại Việt Nam có nhiều người có tư tưởng bài xích Mỹ sau cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc (1954 - 1975). Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, điều này không còn chính xác nữa. Không những vậy, đại đa số người Việt còn bày tỏ lòng ngưỡng mộ với nhóm người giàu, và hiếm khi thể hiện lòng ghen tị với đối tượng này.
Cho dù chiến tranh đã kết thúc nhưng tàn dư mà nó để lại vẫn còn hết sức nghiêm trọng. Vũ khí hoá học được quân đội Mỹ đưa vào sử dụng trong cuộc tham chiến, bao gồm cả chất độc da cam, không chỉ nhắm đến mục tiêu tấn công lực lượng Việt Nam Giải phóng quân, mà còn gây ra sát thương lớn đối với người dân. Việc triển khai bom Napalm của quân đội Mỹ được coi là nguyên nhân chính đem đến nhiều nỗi đau thương cho nhân dân Việt Nam. Tính riêng trong mặt trận phía Nam, số thương vong đã lên tới 1,5 triệu người, trong đó ghi nhận 58.200 lính Mỹ và 300.000 người khác bị thương. Theo báo cáo, số người thiệt mạng tại mặt trận miền Bắc thấp hơn nhiều so với tại miền Nam, không tính số binh lính bỏ mạng trên chiến trường.
Một mặt, ở miền Bắc, sau chiến tranh, hầu hết các trung tâm công nghiệp chủ chốt và hạ tầng xã hội đều bị phá huỷ. Phần lớn số nhà máy sản xuất công nghiệp đều trở nên hoang phế và đổ nát. 3 trên tổng số 6 thành phố lớn, 12 trên 29 tỉnh thành trực thuộc trung ương và khoảng 2/3 làng mạc đều bị tàn phá nặng nề. Hệ thống nhà máy điện, ga đường sắt, bến cảng, cầu cống và giao thông đường bộ đều không còn sử dụng được, thậm chí ở nhiều nơi còn bị xoá sổ hoàn toàn. Mặt khác, mặt trận miền Nam ghi nhận gần 2/3 số dân thiệt mạng vì chiến tranh, 5 triệu héc-ta rừng bị đốn hạ và khoảng 20 triệu nông dân chịu cảnh màn trời chiếu đất.
Không còn tư tưởng thù hận Mỹ tại Việt Nam
Với các số liệu về thương vong và nỗi đau khổ mà người Việt phải gánh chịu, tôi sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu như Việt Nam trở thành một ‘điểm nóng’ trong phong trào chống đối Mỹ. Tuy nhiên, đáng lưu ý, số người Việt có tư tưởng bài xích Mỹ lại hoàn toàn ít hơn nhiều so với các quốc gia khác. Trong thực tế, nhóm người có tư tưởng này không chỉ hoạt động mạnh mẽ ở các quốc gia Ả-rập hay Nga, mà còn ở ngay trong nội bộ khối các nước châu Âu như Đức và Pháp.
Vào năm 1998, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam lúc bấy giờ đã quyết định lập kết hôn với một phụ nữ Việt. Vào trước thời điểm bị bắt vào năm 1966, ông từng là một lính không quân rải 60 quả bom xuống mặt trận miền Bắc. Tiếp sau đó, ông đã bị bỏ tù vì tham gia chiến tranh và chịu án trong 7 năm. Do vậy, ngày hôn lễ của ông đã trở thành một cú vang lớn, thu hút nhiều sự quan tâm từ công chúng.
Tôi cũng từng có một mối tình đẹp với một cô gái Việt Nam. Tôi vẫn còn nhớ tôi chưa từng nghe cô ấy và gia đình có bất kỳ định kiến xấu nào về người Mỹ. Trong một cuộc trò chuyện gần đây cùng với học giả Đinh Tuấn Minh tại Hà Nội, anh ấy có chia sẻ với tôi rằng, “người Việt chúng tôi thường hướng nhìn về tương lai, chứ không trông lại quá khứ. Khác với Trung Quốc, Việt Nam chưa từng có bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào với Mỹ. Tôi nghĩ sẽ có rất nhiều người Việt đánh giá cao môi trường làm việc tại các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam, bởi nó tốt hơn bất kỳ các doanh nghiệp khác từ châu Á. Ngoài ra, cũng không thể phủ nhận một thực tế Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của chúng tôi”. Điều này được chứng minh thông qua số liệu trong năm 2020 khi tổng kim ngạch thương mại xuất sang Mỹ ghi nhận giá trị lớn nhất, kế tiếp là Trung Quốc và Nhật Bản.
Tôi còn có dịp gặp gỡ với Xuan Nguyen, một doanh nhân trẻ đến từ thành phố Hồ Chí Minh, và trò chuyện cùng anh về cùng chủ đề này tại Hà Nội. Anh chia sẻ với tôi, “Là người được sinh ra vào năm 1987, ở thời điểm mà cuộc chiến tranh Việt Nam đã khép lại được hơn 12 năm, tôi chưa từng được nghe bố mẹ hay ông bà của mình kể về mức độ tàn khốc mà cuộc chiến gây ra. Thậm chí, tôi cũng chưa từng nghe họ nói xấu về chính quyền hay quân đội Mỹ lúc bấy giờ. Trái lại, tôi chỉ nhận được một lời khuyên, đó là ‘con cần phải học tiếng Anh, học cách ăn cách mặc của người Mỹ, và trên hết, con cần bắt chước lối suy nghĩ của họ. Có vậy, sau này con mới thành công.’”
Thái độ của người Việt Nam về Trung Quốc lại hoàn toàn đối nghịch, khi mà trong suốt chiều dài lịch sử, không ít lần quốc gia này tỏ thái độ gây hấn trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam. Dựa trên kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu PEW (có trụ sở tại Washington DC, Mỹ), có tới 76% người Việt có góc nhìn tích cực về người Mỹ. Thậm chí, ở nhóm trí thức, con số này còn tăng cao lên tới 89%. Đây cũng chính là tỷ lệ phần trăm của nhóm người trẻ trong độ tuổi 18 – 29. Đáng chú ý, tỷ lệ của nhóm người trên 50 tuổi, thế hệ từng trải qua cuộc chiến, vẫn duy trì ở mức cao trên 60%. Trong khi đó, thái độ của công chúng về Trung Quốc lại hoàn toàn trái ngược. Báo cáo này cũng chỉ ra có tới 64% người Việt cho rằng tình hình phát triển kinh tế của Trung Quốc đem lại tác động xấu cho đất nước. Trong mối tương quan với các nước khác trên thế giới, Nhật Bản ghi nhận tỷ lệ 36%, Ôx-trây-li-a 23% và Hàn Quốc 49%. Nổi bật nhất, có khoảng 80% người được hỏi đồng thuận với quan điểm “sự bành trướng của Trung Quốc là một mối nguy hại cho quốc gia”.
Tôi rất ngưỡng mộ những người có tư tưởng hướng về tương lai thay vì nhìn lại quá khứ. Tôi tin những người như họ chắc chắn sẽ thành công, thậm chí còn bỏ xa nhóm người chỉ chăm chăm bới móc quá khứ. Điều này không chỉ áp dụng cho cụ thể một cá nhân nào trong xã hội, mà xa hơn, nó còn đúng với mọi quốc gia trên thế giới.
Từ chính sách “Đổi mới” cho đến lộ trình phát triển kinh tế thị trường
Chiến tranh Việt Nam chính thức đi đến hồi kết vào năm 1975. Sự kiện này góp phần làm sâu sắc hơn lòng tự tôn dân tộc của người Việt, bởi sau cùng, họ cũng đã giành lại độc lập toàn vẹn từ một trong những đế quốc hùng mạnh nhất thế giới trong lịch sử. Nhưng chính lòng tự hào đó lại tiếp tục phải chịu thêm khó khăn thử thách từ chính sách kinh tế bao cấp áp dụng trong suốt giai đoạn 10 năm sau chiến tranh, để lại nhiều tổn hại nặng nề nhất tại các tỉnh phía Nam. Tại thời điểm đó, Việt Nam là quốc gia nghèo nhất trong khu vực châu Á. Trong khi nhiều nước ở khu vực này, ví dụ như Hàn Quốc, Hồng Kông hay Xin-ga-po lựa chọn theo đuổi chủ nghĩa tư bản và đã đạt những thành công bước đầu về tăng trưởng kinh tế - xã hội, phần lớn dân số Việt Nam vẫn phải sống trong cảnh nghèo đói.
Cơ chế tập trung quan liêu bao cấp trong nông nghiệp không đem lại cho Việt Nam nhiều thành công như mong đợi như ở Trung Quốc hay Liên Xô. Vào năm 1980, Việt Nam mới chỉ tự mình sản xuất được 14 triệu tấn gạo, trong khi nhu cầu thực tế trong nước đòi hỏi năng lực đáp ứng khoảng 16 triệu tấn. Trong giai đoạn thực hiện Kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ 2 (1976 – 1980), Việt Nam đã buộc phải nhập khẩu 8 – 9 triệu tấn gạo và lương thực từ bên ngoài. Hoạt động sản xuất trong nước bị ngưng trệ, trong khi sản xuất công nghiệp dưới sự quản lý Nhà nước giảm thấp xuống dưới 10% trong giai đoạn 1976 – 1980. Mãi cho đến năm 1988, một tỷ lệ nhỏ hộ kinh doanh cá thể mới bắt đầu xuất hiện, hoạt động dưới mô hình doanh nghiệp tư nhân, trong khi đại đa số vẫn đang là doanh nghiệp Nhà nước. Đứng trước thực trạng đó, lãnh đạo đất nước dường như đã nhận ra được những khiếm khuyết và bế tắc trong việc triển khai chính sách kinh tế này. Tại cuộc họp Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VI diễn ra vào tháng 12 năm 1986, lãnh đạo cấp cao của Đảng đã thống nhất ban hành một chiến lược cải cách toàn diện với tên gọi “Đổi mới”. So sánh với Trung Quốc, dưới thời lãnh đạo của ông Đặng Tiểu Bình, nền kinh tế tư nhân đã được Nhà nước cấp phép hoạt động, cùng với đó, tập trung huy động mọi nguồn lực để theo đuổi kế hoạch phát triển kinh tế thị trường.
Ngày nay, Việt Nam đã rũ bỏ hoàn toàn quá khứ thông qua việc thực thi nhiều chính sách cải cách toàn diện. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính trên đầu người ước tính tăng gấp 6 lần so với thời điểm trước khi thực hiện chính sách “Đổi mới”, tăng từ 577 (năm 1984) lên 3.694 đô-la Mỹ (số liệu tạm tính cho đến năm 2021, công bố bởi Ngân hàng Thế giới). Việt Nam giờ đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chỉ xếp sau Ấn Độ và gần ngang bằng với Thái Lan. Không dừng lại ở đó, đất nước với quy mô 98 triệu dân còn đứng đầu trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản và dệt may. Sản phẩm điện tử cũng trở thành một ngành xuất khẩu chủ lực, khi tính riêng trong năm 2020, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt gần 111 tỉ đô-la Mỹ. Có thể thấy, trong thời gian áp dụng nền kinh tế bao cấp, phần lớn người dân Việt Nam phải trải qua một nạn đói lớn chưa từng có trong lịch sử. Cho đến năm 1993, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện, khi mà có tới 80% dân số phải chung sống với tình cảnh thiếu thốn lương thực. Đáng lưu ý, trong một thập niên trở lại đây, tình trạng nghèo đói tại Việt Nam đã giảm mạnh một cách nhanh chóng. Tỷ lệ nghèo đói dựa theo chuẩn thu nhập quốc gia thu nhập trung bình thấp (LMIC) của Ngân hàng thế giới (ở mức 3,2 USD một người một ngày theo PPP 2011) đã giảm từ 16,8 xuống 5%, trong khi 10 triệu người Việt Nam đã hoàn toàn thoát nghèo.
Mục tiêu xoá đói giảm nghèo ở Việt Nam không thể nào thực hiện thành công thông qua việc tái phân bổ của cải trong xã hội, mà đến từ chính các nỗ lực theo đuổi nền kinh tế thị trường. Chính sách tái phân bổ thu nhập chưa bao giờ là một công cụ hữu hiệu trong công cuộc giảm nghèo trên khắp thế giới. Theo quan điểm cá nhân của tôi, chỉ những chính sách theo đuổi một nền kinh tế tự do mới giải quyết triệt để vấn đề này. Có lẽ, chính sách áp thuế cao cho nhóm người giàu chỉ có thể thực hiện được tại Đức và New York (Mỹ). Ở Việt Nam, phần trăm áp thuế cao nhất dành cho cá nhân Việt Nam hiện tại là 35%, đồng nghĩa với việc bạn sẽ cần kiếm được gấp 14 lần tổng thu nhập bình quân trong xã hội. Trong thực tế, khái niệm về ganh tị xã hội nhắm tới người giàu vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Kết quả khảo sát mà tôi đã thực hiện trong năm 2020 cho thấy người Việt có một thái độ tích cực về người giàu. Trong tổng số 11 quốc gia mà tôi thực hiện nghiên cứu, chỉ có Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia ghi nhận thái độ tích cực về giới tinh hoa của cải.1
Trong một báo cáo nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Nguyễn Trọng Chuẩn, Nguyễn Minh Luân và Lê Hữu Tầng, xuất bản trong cuốn sách “Đổi mới kinh tế - xã hội tại Việt Nam”, nhóm tác giả đã trình bày quan điểm như sau về tình trạng bất bình đẳng tại khu vực nông thôn: “Những hộ gia đình sở hữu nhiều cơ hội thuận lợi, nhiều kinh nghiệm, có tài làm ăn buôn bán và một sức khoẻ tốt sẽ trở nên giàu có hơn. Do đó, sự phân cực giàu – nghèo không thể hiện sự bất bình đẳng mà là sự công bằng: Những ai làm việc chăm chỉ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, trong khi những ai lười biếng và làm việc kém hiệu quả sẽ được ít tiền hơn”. Giới học giả cũng chỉ trích mạnh mẽ chính sách tái phân bổ, khi họ cho rằng: “Khi vận hành nền kinh tế bao cấp, trong điều kiện hàng hoá được phân bổ dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tình trạng phân cực giàu – nghèo phản ánh sự tái lập công bằng trong xã hội”. Họ lập luận, bất bình đẳng là vấn đề không đáng bị lên án, trong khi quyết tâm làm giàu của người dân là điều cần được khuyến khích, “bản thân sự phân cực giàu – nghèo trở thành một động lực quan trọng đứng đằng sau sự phát triển kinh tế”. Theo kết luận của các nhà xã hội học và triết học Việt Nam, Nhà nước sẽ mắc phải một sai lầm nếu họ không theo đuổi những cải cách về thị trường tự do, bởi khi đó, khoảng cách giàu – nghèo sẽ ngày càng gia tăng. Bạn sẽ khó tìm thấy những nhận định nào như vậy dưới góc nhìn của các nhà xã hội học ở Mỹ hay châu Âu.
Nhìn chung, người Việt không có thái độ ghen tị đối với người giàu. Phần lớn trong số họ đều có mưu cầu trở nên giàu có. Trong nghiên cứu tôi đề cập phía trên ,tôi có đặt ra cho họ một câu hỏi: “Dựa trên thang đánh giá, việc làm giàu đối với bạn quan trọng như thế nào?”. Kết quả khảo sát cho thấy, tại châu Âu và Mỹ, có khoảng 28% người được hỏi cho rằng làm giàu là một mục tiêu quan trọng. Trong khi ở bốn quốc gia châu Á được khảo sát, con số này đạt trên 58%. Đáng lưu ý, tại Việt Nam, phần trăm người đồng ý với quan điểm này đạt cao nhất với 76%. Cho dù Việt Nam luôn coi mình là một nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng lối suy nghĩ của công chúng lại cho thấy một sự hòa hợp hoàn hảo với mô hình nền kinh tế thị trường, thậm chí cao hơn nhiều nước tại châu Âu. Một cách ngẫu nhiên, tỷ lệ chi tiêu công và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở Mỹ đạt 41,2% vào năm 2021, trong khi ở Việt Nam là 21,2%.
Chú thích:
(1) https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/ecaf.12524
Nguồn: The National Interest: Why Vietnam Took a Page Out of America’s Economic Playbook (22/09/2022)