[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương I: Rất gần nhau mà rất khác nhau (Phần 3)
CÂU CHUYỆN VỀ HAI BẢN HIẾN PHÁP
Bây giờ phải là rõ ràng, rằng không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà Hoa Kỳ, chứ không phải Mexico, đã thông qua và thực thi một hiến pháp tán thành các nguyên tắc dân chủ, tạo ra các hạn chế về việc sử dụng quyền lực chính trị, và phân phối quyền lực đó một cách rộng rãi trong xã hội. Văn kiện mà các đại biểu đã ngồi xuống để viết ở Philadelphia năm 1787 đã là kết quả của một quá trình dài được khởi đầu bằng sự hình thành của Đại Hội đồng ở Jamestown năm 1619.
Sự tương phản giữa quá trình lập hiến xảy ra vào thời độc lập của Hoa Kỳ và quá trình xảy ra sau đó một chút ở Mexico lộ rõ hẳn ra. Trong tháng Hai 1808, quân đội Pháp của Napoleon Bonaparte đã xâm lăng Tây Ban Nha. Vào tháng Năm họ đã lấy được Madrid, thủ đô Tây Ban Nha. Vào tháng Chín vua Tây Ban Nha Ferdinal đã bị bắt và đã thoái vị. Một junta (hội đồng hành chính) quốc gia, Junta Trung ương, đã thế chỗ ông, cầm ngọn đuốc trong cuộc chiến đấu chống Pháp. Junta họp lần đầu tiên tại Aranjuez, nhưng đã rút lui xuống phía nam trước quân đội Pháp. Cuối cùng nó đã đến cảng Cádiz, mà, tuy bị các lực lượng Napoleonic bao vây, vẫn đã đứng vững. Ở đây Junta đã thành lập một quốc hội, được gọi là Cortes. Năm 1812 Cortes đã tạo ra cái được biết đến như Hiến pháp Cádiz, mà nó kêu gọi việc lập ra một nền quân chủ lập hiến dựa trên những quan niệm của chủ quyền nhân dân. Nó cũng đã kêu gọi chấm dứt các đặc quyền và đưa vào sự bình đẳng trước pháp luật. Elite của Nam Mỹ, những người vẫn cai trị trong một môi trường, do encomienda, lao động cưỡng bức, và quyền lực tuyệt đối được ban cho họ và nhà nước thuộc địa định hình, đã ghét cay ghét đắng những đòi hỏi này.
Sự sụp đổ của nhà nước Tây Ban Nha với sự xâm lược Napoleon đã tạo ra một khủng hoảng hiến pháp trên khắp Mỹ Latin thuộc địa. Đã có tranh luận nhiều về liệu có thừa nhận thẩm quyền của Junta Trung ương hay không, và đáp lại, nhiều người Mỹ Latin đã bắt đầu thành lập các junta riêng của họ. Đã chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi họ bắt đầu ý thức được khả năng trở thành thực sự độc lập với Tây Ban Nha. Tuyên bố độc lập đầu tiên đã xảy ra ở La Paz, Bolivia, năm 1809, tuy nó đã nhanh chóng bị nghiền nát bởi binh lính Tây Ban Nha được gửi từ Peru sang. Tại Mexico thái độ chính trị của elite đã được định hình bởi cuộc Nổi loạn Hidalgo năm 1810, được lãnh đạo bởi một linh mục, Cha Miguel Hidalgo. Khi quân đội của Hidalgo cướp phá Guanajuato ngày 23 tháng Chín, họ đã giết quản đốc, quan chức thuộc địa cấp cao, và sau đó đã bắt đầu giết những người gia trắng một cách không phân biệt. Nó đã giống một cuộc chiến tranh giai cấp hay sắc tộc hơn là một phong trào độc lập, và nó đã hiệp nhất tất cả elite trong phe đối lập. Nếu sự độc lập cho phép sự tham gia của nhân dân vào chính trị, elite địa phương, không chỉ những người Tây Ban Nha, đã chống lại nó. Hệ quả là, elite Mexico đã xem xét Hiến pháp Cádiz, mà đã mở đường cho sự tham gia của nhân dân, với sự ngờ vực cực kỳ; họ sẽ chẳng bao giờ công nhận tính hợp pháp của nó.
Năm 1815, khi đế chế Âu châu của Napoleon sụp đổ, Vua Ferdinand VII quay lại nắm quyền và Hiến pháp Cádiz đã bị bãi bỏ. Khi Quốc Vương Tây Ban Nha bắt đầu thử đòi lại các thuộc địa Mỹ của nó, nó đã không gặp khó khăn với Mexico trung thành. Thế nhưng, năm 1820, một đội quân Tây Ban Nha đã tụ tập ở Cádiz để đi tàu sang châu Mỹ giúp khôi phục lại thẩm quyền Tây Ban Nha đã nổi loạn chống Ferdinand VII. Các lực lượng quân đội khắp nước đã gia nhập với họ, và Ferdinand đã buộc phải khôi phục Hiến pháp Cádiz và triệu tập lại Cortes. Cortes này thậm chí còn cấp tiến hơn Cortes đã soạn ra Hiến pháp Cádiz, và nó đã đề xuất xóa bỏ mọi hình thức cưỡng bức lao động. Nó cũng đã tấn công các đặc quyền đặc biệt – thí dụ, quyền của quân đội để được xử các tội hình sự tại các tòa án riêng của họ. Đối mặt cuối cùng với sự áp đặt văn kiện này ở Mexico, elite ở đó đã quyết định rằng tốt hơn nếu nó đi một mình và tuyên bố độc lập.
Phong trào độc lập này đã được lãnh đạo bởi Augustín de Iturbide, người đã là một sỹ quan trong quân đội Tây Ban Nha. Ngày 24-2-1821, ông công bố Plan de Iguala (Kế hoạch Iguala), tầm nhìn của ông cho một Mexico độc lập. Kế hoạch đã đề cao một nền quân chủ lập hiến với một hoàng đế Mexic, và đã loại bỏ các quy định của Hiến pháp Cádiz mà elite Mexic thấy rất đe dọa đến địa vị và các đặc quyền của họ. Nó đã nhận được sự ủng hộ tức thời, và Tây Ban Nha đã nhanh chóng nhận ra rằng nó không thể ngăn cái không thể tránh khỏi. Nhưng Iturbide đã không chỉ tổ chức sự ly khai Mexic. Nhận ra chân không quyền lực, ông đã nhanh chóng tận dụng sự ủng hộ của quân đội, ông đã tự tuyên bố mình là hoàng đế, một vị trí mà nhà lãnh đạo vĩ đại của nền độc lập Nam Mỹ, Simón Bolivar, đã mô tả như “nhờ ân sủng của Chúa và của lưỡi lê”. Iturbide đã không bị ràng buộc bởi cùng các thể chế chính trị mà các tổng thống Hoa Kỳ bị hạn chế; ông đã nhanh chóng biến mình thành một kẻ độc tài, và vào tháng Mười 1822, ông đã giải tán quốc hội được phê chuẩn một cách hợp hiến và đã thay thế nó bằng một junta do ông chọn. Tuy [triều đại] Iturbide đã không kéo dài, nhưng hình mẫu này của các sự kiện đã lặp đi lặp lại ở Mexico thế kỷ thứ mười chín.
Hiến pháp Hoa Kỳ đã không tạo ra một nền dân chủ theo các tiêu chuẩn hiện đại. Ai có thể bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử đã được để cho từng bang quyết định. Trong khi các bang miền bắc đã nhanh chóng thừa nhận quyền bỏ phiếu của tất cả những đàn ông da trắng bất kể họ nhận được bao nhiêu thu nhập hay có bao nhiêu tài sản, còn các bang miền nam đã chỉ làm vậy một cách từ từ. Không bang nào đã trao quyền bầu cử cho phụ nữ hay các nô lệ, và khi những hạn chế về tài sản và của cải đã được bãi bỏ đối với đàn ông gia trắng, việc tước quyền bầu cử của các đàn ông da đen đã được đưa vào một cách tường minh. Chế độ nô lệ, tất nhiên, đã được coi là hợp hiến khi Hiến pháp Hoa Kỳ được soạn ở Philadelphia, và sự thương lượng đê tiện nhất đã liên quan đến việc phân chia các ghế trong Hạ viện giữa các bang. Các ghế này được phân bổ trên cơ sở dân số của mỗi bang, nhưng các đại biểu quốc hội của các bang miền nam khi đó đã đòi hỏi rằng các nô lệ phải được tính. Những người miền bắc đã phản đối. Sự thỏa hiệp đã là trong chia phần các ghế Hạ viện, một nô lệ sẽ được tính như ba phần năm của một người tự do. Các xung đột giữa miền Bắc và miền Nam của Hoa Kỳ đã được kiềm chế trong quá trình lập hiến vì quy tắc ba phần năm và những thỏa hiệp khác đã được nghĩ ra. Những sang sửa mới được thêm vào theo thời gian – thí dụ, Thỏa hiệp Missouri, một dàn xếp nơi một bang ủng hộ chế độ nô lệ và một bang phản đối chế độ nô lệ đã luôn luôn được cộng thêm vào toàn liên bang, để giữ sự cân bằng trong Thượng viện gữa các bang ủng hộ và chống đối chế độ nô lệ. Những chuyện vớ vẩn này đã giữ các thể chế chính trị của Hoa Kỳ hoạt động một cách yên bình cho đến khi Nội Chiến cuối cùng đã giải quyết các xung đột theo cách có lợi cho miền Bắc.
Nội Chiến đã đẫm máu và tàn phá. Nhưng cả trước và sau chiến tranh đã có nhiều cơ hội kinh tế cho một phần lớn dân số, đặc biệt ở miền bắc và miền tây Hoa Kỳ. Tình hình ở Mexico đã rất khác. Nếu Hoa Kỳ đã trải qua năm năm bất ổn chính trị giữa 1860 và 1865, thì Mexico đã trải nghiệm sự bất ổn hầu như không ngừng suốt năm mươi năm đầu của sự độc lập. Việc này được minh họa khéo nhất qua sự nghiệp của Antonio Lospez de Santa Ana.
Santa Ana, con của một quan chức thuộc địa ở Veracruz, trở nên nổi bật như một người lính chiến đấu cho Tây Ban Nha trong các cuộc chiến tranh độc lập. Năm 1821, ông đã chuyển sang phía Iturbide và đã không bao giờ nhìn lại. Ông đã trở thành tổng thống Mexico lần đầu tiên vào tháng Năm 1833, tuy ông thực hiện quyền lực ít hơn một tháng, thích để cho Valentín Gómez Farías hành động với tư cách tổng thống hơn. Nhiệm kỳ tổng thống của Gómez Farías kéo dài mười lăm ngày, sau đó Santa Ana nắm lại quyền lực. Tuy nhiên, đấy đã ngắn như phiên đầu tiên của ông, và ông đã lại bị Gómez Farías thay thế, vào đầu tháng Bảy. Santa Ana và Gómez Farías đã tiếp tục điệu nhảy này cho đến giữa 1835, khi Santa Ana bị Miguel Barragán thay thế. Nhưng Santa Ana đã không là một kẻ bỏ cuộc. Ông đã quay lại làm tổng thống trong các năm 1839, 1841, 1844, 1847, và, cuối cùng, giữa 1853 và 1855. Tổng cộng, ông đã là tổng thống mười một lần, trong đó ông đã chịu trách nhiệm về việc để mất Alamo và Texas và chiến tranh Mexic-Mỹ tai hại, mà đã dẫn đến việc để mất cái trở thành New Mexico và Arizona. Giữa 1824 và 1867 đã có năm mươi hai tổng thống ở Mexico, vài trong số đó đã nắm quyền theo thủ tục đã được phê chuẩn một cách hợp hiến.
Hậu quả của sự bất ổn chính trị chưa từng có này đối với các thể chế và các khuyến khích kinh tế phải là rõ ràng. Sự bất ổn như vậy đã dẫn đến các quyền tài sản hết sức không chắc chắn. Nó cũng đã dẫn đến một sự suy yếu nghiêm trọng của nhà nước Mexic, mà bây giờ đã có ít thẩm quyền và ít khả năng để thu thuế hay cung cấp các dịch vụ công. Thực vậy, mặc dù Santa Ana đã là tổng thống ở Mexico, nhiều phần rộng lớn của nước này đã không nằm dưới sự kiểm soát của ông, mà đã cho phép việc sáp nhập Texas bởi Hoa Kỳ. Ngoài ra, như chúng ta vừa thấy, động cơ nằm đằng sau sự tuyên bố độc lập Mexic đã là để bảo vệ tập các thể chế kinh tế đã được phát triển trong thời kỳ thuộc địa, mà đã biến Mexico, theo lời của nhà khám phá và nhà địa lý Đức vĩ đại về Mỹ Latin, Alexander von Humbolt, trở thành “nước của sự bất bình đẳng”. Các thể chế này, do đặt cơ sở xã hội trên sự khai thác người dân bản địa và tạo ra các độc quyền, đã ngăn chặn các khuyến khích kinh tế và các sáng kiến của quảng đại quần chúng nhân dân. Trong khi Hoa Kỳ đã bắt đầu trải nghiệm Cách mạng Công nghiệp trong nửa đầu của thế kỷ thứ mười chín, thì Mexico đã trở nên nghèo hơn.
Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)