[Giải phẫu Nhà nước] Lịch sử như là cuộc đua tranh giữa quyền lực Nhà nước và quyền lực xã hội

[Giải phẫu Nhà nước] Lịch sử như là cuộc đua tranh giữa quyền lực Nhà nước và quyền lực xã hội

Như vậy, có hai mối quan hệ đan xen cơ bản giữa người với người nhưng có tính loại trừ nhau, đó là: hợp tác trong hoà bình hay bóc lột cưỡng bức, sản xuất hay sống ký sinh. Vì thế, lịch sử loài người, cụ thể là lịch sử kinh tế của loài người, có thể được xem như là sự ganh đua giữa hai nguyên lý này. Một mặt, tồn tại hoạt động sản xuất sáng tạo, trao đổi và hợp tác hoà bình; mặt khác, có sự hiện diện của quyền lực cưỡng bức và sống ký sinh vào những mối quan hệ kia. Albert Jay Nock đặt tên những lực lượng đua tranh này là: “quyền lực xã hội” và “quyền lực Nhà nước”1. Quyền lực xã hội là quyền lực của con người tác động lên tự nhiên, là sự cải tạo nguồn lực tự nhiên dựa trên sự hợp tác cũng như sự hiểu biết của con người về các quy luật tự nhiên vì lợi ích của tất cả các cá nhân tham gia. Quyền lực xã hội là quyền lực tác động lên tự nhiên, giúp con người đạt được các tiêu chuẩn sống thông qua trao đổi lẫn nhau. Quyền lực Nhà nước, như chúng ta đã biết, là sự tước đoạt bằng hình thức cưỡng bức và sống ký sinh trên hoạt động tạo ra của cải vật chất này – sự bòn rút thành quả xã hội vì lợi ích của những kẻ cai trị không tạo ra của cải vật chất (đúng ra là chống lại quá trình tạo ra của cải vật chất). Trong khi quyền lực xã hội là quyền lực tác động lên tự nhiên, quyền lực Nhà nước lại là thứ quyền lực áp đặt lên con người. Xuyên suốt lịch sử, các lực lượng tạo ra của cải vật chất và sáng tạo của loài người hết lần này đến lần khác đã đem đến những cách thức mới để cải tạo tự nhiên vì lợi ích của con người. Đã có những thời điểm quyền lực xã hội vượt lên trên quyền lực Nhà nước, và mức độ Nhà nước xâm lấn vào xã hội được xem là nhẹ nhàng.  Nhưng luôn là, sau một khoảng thời gian tụt lại phía sau, ngắn dài tuỳ thuộc, Nhà nước lại tiến vào những lĩnh vực mới, để một lần nữa làm tê liệt hoặc bóp nghẹt quyền lực xã hội.2 Nếu như từ thế kỷ 17 xuyên suốt đến thế kỷ 19 là khoảng thời gian ở nhiều nước Phương Tây, quyền lực xã hội đã phát triển mạnh mẽ, và hệ quả là, tự do, hoà bình và phúc lợi vật chất cũng gia tăng theo, thì đa phần thế kỷ 20 lại là khoảng thời gian mà quyền lực Nhà nước đã bắt kịp – và hệ quả là làm đảo ngược tiến trình, dẫn đến sự nô dịch hoá, chiến tranh, và tàn phá.3

Trong thế kỷ này, loài người một lần nữa đối mặt với thời đại trị vì đầy tang thương của Nhà nước – Nhà nước giờ đây được trang bị bằng những thành tựu do những lực lượng sáng tạo của loài người mang lại, qua quá trình tước đoạt và chuyển mục đích sử dụng những thành tựu này để đáp ứng những mục đích của nó. Những thế kỷ vừa qua chứng kiến việc loài người đã nỗ lực thiết lập những chốt chặn hiến định cũng như những chốt chặn khác lên Nhà nước, nhưng những chốt chặn này cũng như nhiều nỗ lực khác rốt cục vẫn thất bại. Nhiều mô hình nhà nước đã được thử nghiệm qua hết thể kỷ này đến thế kỷ khác, nhiều ý tưởng và thể chế đã được đưa vào áp dụng trong thực tiễn, nhưng việc kiểm soát nhà nước vẫn không thành. Nan đề Nhà nước rõ ràng là chẳng có giải pháp nào hết. Có lẽ, nếu muốn tìm ra giải pháp thành công, vĩnh viễn cho nan đề Nhà nước, chúng ta cần phải khám phá những con đường khác.4

(Hết)

Chú thích:

(1) Về khái niệm quyền lực Nhà nước và quyền lực xã hội, xem Albert J. Nock, Our Enemy the State (Caldwell, Idaho: Caxton Printers, 1946). Cũng xem Nock, Memoirs of a Superfluous Man (New York: Harpers, 1943), và Frank Chodorov, The Rise and Fall of Society (New York: Devin-Adair, 1959).

(2) Trong tiến trình mở rộng và thu hẹp không ngừng nghỉ, Nhà nước luôn tìm cách chiếm giữ bằng được những “đỉnh chỉ huy” của nền kinh tế và xã hội. Trong số những đỉnh chỉ huy này là sự độc quyền về bạo lực, độc quyền về tư pháp, chiếm giữ những kênh thông tin-truyền thông và vận tải (bưu điện, đường xá, sông ngòi, đường không), hệ thống thuỷ lợi (của các đế chế Phương đông), và giáo dục – để định hướng ý kiến, quan điểm của những thế hệ công dân tương lai. Ở thời hiện đại, tiền tệ trở thành một đỉnh chỉ huy mới.

(3) Quá trình “băt kịp” mang tính ký sinh này đã từng được Karl Marx tuyên bố gần như công khai; ông đã thừa nhận rằng chủ nghĩa xã hội phải được xây dựng qua quá trình tước đoạt tư bản tích luỹ trong quá khứ của chủ nghĩa tư bản.

(4) Dĩ nhiên, một phần không thể thiếu của một giải pháp như thế là phải bẻ gãy liên minh giữa trí thức và Nhà nước, qua việc hình thành những trung tâm nghiên cứu và giáo dục độc lập với quyền lực Nhà nước. Christopher Dawson lưu ý rằng những trào lưu trí tuệ lớn của thời kỳ Phục hưng và Khai sáng đã được hình thành và đạt được những thành tựu khi
Dịch giả:
Đinh Tuấn Minh