[Giải phẫu nhà nước] Nhà nước tự duy trì như thế nào

[Giải phẫu nhà nước] Nhà nước tự duy trì như thế nào

Khi một Nhà nước được thành lập, vấn đề của lực lượng hay “đẳng cấp” cầm quyền là làm thế nào để duy trì sự thống trị của họ.1 Mặc dù bạo lực là phương thức phổ biến nhưng vấn đề cơ bản và lâu dài lại là ý thức hệ. Để tiếp tục nắm quyền, bất kỳ chính phủ nào (không chỉ chính phủ “dân chủ”) cũng phải được đa số dân chúng ủng hộ. Sự ủng hộ này không nhất thiết là sự nhiệt tình chủ động; đó có thể là sự cam chịu bị động giống như việc phải chấp nhận một quy luật tất yếu của tự nhiên vậy. Nhưng sự ủng hộ ở đây cũng có phần mang tính chấp nhận; nếu không, thiểu số những kẻ cầm quyền cuối cùng sẽ bị sức phản kháng chủ động của đa số dân chúng lật nhào. Phải có sản phẩm dư thừa mới bóc lột được, cho nên đúng là giai cấp gây dựng nên Nhà nước - bộ máy quan liêu chuyên nghiệp (và quý tộc) - phải là thiểu số rất nhỏ, mặc dù, tất nhiên là nó có thể mua chuộc đồng minh từ những nhóm quan trọng trong dân chúng. Vì vậy, nhiệm vụ chính của kẻ cầm quyền là luôn tìm cách đảm bảo sự chấp nhận chủ động hoặc cam chịu của đa số công dân.2, 3

Tất nhiên, một trong những biện pháp để đảm bảo sự ủng hộ là tạo ra các nhóm được hưởng đặc quyền kinh tế. Vì vậy, nhà Vua không thể cai trị một mình; ông ta phải có một nhóm đủ lớn - những người được hưởng bổng lộc trước tiên từ sự cai trị - ủng hộ, ví dụ như các thành viên của bộ máy Nhà nước, điển hình là bộ máy quan liêu chuyên nghiệp và quý tộc.4 Nhưng điều này cũng chỉ đảm bảo được một ít những người ủng hộ nhiệt tình mà thôi, và ngay cả việc mua chuộc sự ủng hộ bằng những khoản trợ cấp và đặc quyền khác cũng chưa chắc đã có được đa số tán thành. Để có được sự chấp nhận mang tính sống còn này, phải dùng ý thức hệ đề thuyết phục đa số rằng chính phủ của họ là chính phủ tốt, sáng suốt, và ít nhất là tất yếu và chắc chắn tốt hơn bất kì một lựa chọn thay thế nào khác có thể hình dung được. Quảng bá ý thức hệ này trong nhân dân là nhiệm vụ xã hội quan trọng của “giới trí thức”. Bởi phần đa quần chúng không tạo ra tư tưởng của riêng mình, hay thực sự suy nghĩ thấu đáo một cách độc lập những tư tưởng ấy; họ sẽ tuân theo một cách thụ động những tư tưởng được các nhà trí thức chấp nhận và truyền bá. Vì vậy, trí thức là những những người “tạo ra dư luận” trong xã hội. Và bởi việc tạo ra dư luận chính là thứ mà Nhà nước cần nhất, cho nên nền tảng cho liên minh lâu đời giữa Nhà nước và trí thức là rõ ràng.

Rõ ràng là Nhà nước cần trí thức; nhưng lý do vì sao trí thức lại cần Nhà nước thì không rõ ràng như vậy. Diễn đạt một cách đơn giản, ta có thể nói rằng sinh kế của trí thức trên thị trường tự do không bao giờ được bảo đảm một cách chắc chắn; vì trí thức phụ thuộc vào các giá trị và lựa chọn của quần chúng, mà đặc điểm của quần chúng chính là họ thường không quan tâm đến những vấn đề trí thức. Trong khi đó, Nhà nước sẵn sàng trao cho trí thức một vị trí an toàn, lâu dài trong bộ máy; và theo đó là một khoản thu nhập bền vững và danh tiếng. Do được khen thưởng xứng đáng cho chức năng quan trọng của họ đối với các nhà cầm quyền, cho nên trí thức cũng trở thành một phần của nhóm cai trị.5

Có thể coi mong muốn tha thiết của các giáo sư tại Đại học Berlin thế kỷ 19 về việc hình thành “đội cận vệ trí thức của Gia tộc Hohenzollern” là biểu tượng của Liên minh giữa Nhà nước và trí thức. Ngày nay, chúng ta hãy ghi nhớ nhận xét mang tính phát hiện của một học giả nổi tiếng theo chủ nghĩa Marxist liên quan đến nghiên cứu mang tính phê phán chủ nghĩa chuyên chế phương Đông cổ đại của Giáo sư Wittfogel: “Nền văn minh mà Giáo sư Wittfogel đang công kích quyết liệt chính là nền văn minh có thể biến các nhà thơ và học giả thành quan chức.”6 Trong vô số ví dụ, chúng ta có thể trích dẫn sự phát triển gần đây về “khoa học” chiến lược nhằm phục vụ cho quân đội, lực lượng thực thi bạo lực chính của Nhà nước.7 Thêm vào đó, một thiết chế được trọng vọng nữa là những sử gia chính thống hay sử gia “triều đình”, tận tụy quảng bá quan điểm của những kẻ cai trị và hành động của tiền nhân của những người này.8

Có nhiều lập luận đa dạng mà Nhà nước và các trí thức dùng để lôi kéo nhân dân ủng hộ chế độ cai trị của họ. Về cơ bản, các lập luận ấy có thể được tóm tắt như sau: (a) Những người cai trị Nhà nước là những người vĩ đại và thông thái (họ “cai trị bằng quyền lực thần thánh,” họ là “tầng lớp quý tộc,” họ là “những chuyên gia khoa học,”), vĩ đại và sáng suốt hơn nhiều so với những người dân tốt bụng nhưng khờ dại, và (b) sự cai trị của chính quyền hiện hành là điều đương nhiên, hoàn toàn cần thiết, và tốt đẹp hơn nhiều so với những vấn nạn có thể xảy ra nếu chính quyền sụp đổ. Liên minh giữa Giáo hội và Nhà nước là một trong những công cụ tư tưởng lâu đời và thành công nhất. Người cai trị hoặc được phong vị bởi Thượng đế hoặc, trong trường hợp nắm quyền thống trị tuyệt đối của nhiều chế độ chuyên chế phương Đông, chính là Thượng đế; do đó, bất kỳ sự phản kháng nào đối với sự thống trị ấy đều là phạm thượng. Giới tu sĩ phụng sự Nhà nước đã thực hiện chức năng cơ bản của giới trí thức, đó là tạo ra sự ủng hộ của nhân dân và thậm chí cả sự tôn thờ đối với những kẻ thống trị.9

Một công cụ thành công khác là việc gieo rắc nỗi sợ về bất kì hệ thống chính quyền thay thế nào khác hoặc không có chính quyền. Điệp khúc được nhắc đi nhắc lại là những kẻ cai trị hiện thời cung cấp cho người dân dịch vụ thiết yếu mà họ sẽ vô cùng biết ơn: bảo vệ họ trước bọn tội phạm và lừa đảo thỉnh thoảng gây ra. Đối với Nhà nước, để bảo toàn độc quyền bóc lột, tội phạm đơn lẻ và phi hệ thống phải được giữ ở mức tối thiểu; Nhà nước luôn ghen tị với những kẻ đe doạ khả năng duy trì sự độc quyền đó. Đặc biệt là trong những thế kỷ gần đây, Nhà nước đã thành công trong việc làm cho dân chúng sợ những kẻ cai trị khác. Do đất đai trên toàn cầu đã được phân chia giữa các Nhà nước cụ thể, nên một trong những học thuyết cơ bản của Nhà nước là đồng nhất nó lãnh thổ mà nó cai trị. Do hầu hết người dân đều có xu hướng yêu quê hương, nên sự đồng nhất về đất đai và dân cư với Nhà nước là một phương tiện khiến lòng yêu nước tự nhiên phục vụ cho lợi ích của Nhà nước. Nếu “Ruritania” bị “Walldavia” tấn công, nhiệm vụ đầu tiên của Nhà nước và các trí thức là thuyết phục người dân Ruritania rằng sự tấn công đó đang thực sự nhắm vào họ chứ không chỉ nhắm vào giai cấp cai trị. Theo cách này, cuộc chiến giữa những kẻ cai trị biến thành cuộc chiến giữa các dân tộc, mỗi dân tộc đều đứng lên bảo vệ những kẻ cai trị mình với niềm tin sai lầm rằng những kẻ cai trị đang bảo vệ họ. Công cụ “chủ nghĩa dân tộc” chỉ mới thành công ở nền văn minh phương Tây trong những thế kỷ gần đây; trước đó không lâu, nhiều người dân coi chiến tranh như những trận chiến giữa những nhóm quý tộc khác nhau mà chẳng liên quan gì đến mình.

Có nhiều vũ khí tư tưởng tinh vi được Nhà nước sử dụng qua nhiều thế kỷ. Một vũ khí tuyệt vời chính là truyền thống. Một Nhà nước càng duy trì sự tồn tại lâu dài thì vũ khí này càng mạnh; vì khi đó Triều đại X hay Nhà nước Y dường như có một sức nặng truyền thống hàng thế kỷ.10 Khi đó, việc thờ cúng tổ tiên bị biến dạng thành việc thờ phụng những kẻ cai trị khai quốc. Mối nguy lớn nhất đối với Nhà nước là những lời phê phán của các trí thức độc lập; không có cách nào ngăn chặn những lời phê phán đó tốt hơn là tấn công bất kì tiếng nói độc lập nào, bất kì người khởi xướng nghi ngờ mới nào, coi họ như một kẻ thô lậu xâm phạm sự thông thái của tổ tiên mình. Một vũ khí tư tưởng hiệu nghiệm khác là hạ thấp cá nhân và đề cao tập thể xã hội. Do bất kỳ sự thống trị đã có nào cũng bao hàm sự chấp nhận của đa số nên mối nguy về tư tưởng cũng chỉ có thể bắt đầu từ một hay một vài cá nhân có suy nghĩ độc lập. Tư tưởng mới, chưa kể đến tư tưởng phê phán mới, phải bắt đầu là ý kiến của một nhóm thiểu số; do đó, Nhà nước phải làm thui chột quan điểm này ngay từ lúc còn manh nha bằng cách chế nhạo bất kì quan điểm nào chống lại ý kiến của số đông. Như vậy, “hãy lắng nghe những người anh em” hay “hãy thích nghi theo xã hội” trở thành vũ khí tư tưởng đập tan quan điểm của cá nhân bất đồng.11 Bằng những biện pháp như vậy, số đông sẽ không bao giờ biết rằng bộ trang phục trên người Hoàng đế của họ chẳng bao giờ tồn tại.12 Điều quan trọng nữa là Nhà nước phải làm cho sự cai trị của nó mang vẻ hiển nhiên; ngay cả khi cách cai trị không được tôn sùng thì vẫn nhận được sự cam chịu thụ động, một dẫn chứng chính là sự liên tưởng quen thuộc giữa hai sự thật “chết và thuế.” Một phương pháp nữa là tạo ra chủ nghĩa tất định mang tính lịch sử, đối lập với tự do ý chí của cá nhân. Nếu như Triều đại X cai trị chúng ta, thì đó là do những Quy luật lịch sử bất khả xâm phạm (hoặc Thiên ý, hoặc Đấng tối cao, hoặc những Lực lượng sản xuất vật chất) đã ra lệnh như vậy, và không một cá nhân nào có thể thay đổi sắc lệnh hiển nhiên ấy. Một điều quan trọng nữa là Nhà nước phải khắc sâu vào người dân của nó sự ác cảm đối với bất kỳ “thuyết âm mưu về lịch sử” nào; bởi sự tìm hiểu “thuyết âm mưu” đồng nghĩa với sự tìm hiểu động cơ và quy kết trách nhiệm cho những sai lầm trong lịch sử. Tuy nhiên, nếu bất kì chế độ chuyên chế nào do Nhà nước áp đặt, hoặc sự tàn bạo, hoặc chiến tranh gây hấn không phải do những lãnh đạo Nhà nước gây ra mà do “các lực lượng xã hội” bí ẩn và phức tạp hoặc do tình trạng không hoàn hảo của thế giới, hoặc nếu theo cách nào đó, mọi người đều phải chịu trách nhiệm (có một khẩu hiệu là “Tất cả chúng ta là những kẻ sát nhân”) thì việc người dân phẫn nộ hoặc vùng lên chống lại những hành vi sai trái đó cũng chẳng có ích gì. Hơn nữa, việc công kích “thuyết âm mưu” có nghĩa là người dân sẽ trở nên cả tin hơn trước những lý do “phúc lợi chung” luôn được Nhà nước đưa ra để tham gia vào bất kì hành động chuyên quyền nào của nó. “Thuyết âm mưu” cũng có thể làm xáo trộn hệ thống bằng cách khiến quần chúng nghi ngờ công tác tuyên truyền tư tưởng của Nhà nước.

Một biện pháp đáng tin cậy khác để uốn nắn nhân dân theo ý chí của Nhà nước là kết tội. Bất kì sự gia tăng phúc lợi cá nhân nào cũng có thể bị tấn công là “tham lam vô lương tâm,” “chủ nghĩa vật chất,” hoặc “sung túc quá mức,” việc tạo ra lợi nhuận có thể bị tố cáo là “bóc lột” và “cho vay nặng lãi,” các hoạt động trao đổi đôi bên cùng có lợi bị tố cáo là “ích kỉ,” và bằng cách nào đó kết luận luôn được rút ra theo hướng cần chuyển thêm những nguồn lực từ khu vực tư sang “khu vực công.” Sự quy tội ấy khiến nhân dân càng sẵn sàng theo ý chí của Nhà nước hơn. Do cá nhân có xu hướng “tham lam ích kỷ” nên việc các nhà cầm quyền không tham gia hoạt động trao đổi lại thể hiện sự tận tâm vì những mục đích cao cả hơn - bóc lột ký sinh có vẻ cao cả về mặt đạo đức và thẩm mỹ hơn so với hoạt động sản xuất một cách hoà bình.

Trong thời đại có tính thế tục hơn hiện nay, quyền lực thần thánh của Nhà nước đã được bổ sung bằng một vị thần mới: Khoa học. Chế độ cai trị của Nhà nước giờ đây được tuyên bố là có tính siêu khoa học tuyệt đối, được hình thành và quy hoạch bởi các chuyên gia. Nhưng, mặc dù “lý tính” được viện dẫn nhiều hơn so với những thế kỉ trước, đây không phải là lý tính chân chính của cá nhân và việc thực hiện ý chí tự do của cá nhân; đó vẫn là những người theo chủ nghĩa tập thể và thuyết tất định, vẫn bao hàm sự thao túng cưỡng chế của những kẻ cai trị đối với nhân dân.

Nếu ở trong một thời đại khác đơn giản hơn, hẳn là việc sử dụng thuật ngữ khoa học ngày càng nhiều, cho phép các trí thức của Nhà nước thêu dệt lời biện hộ ngu dân cho sự cai trị của Nhà nước, sẽ chỉ nhận được sự giễu cợt của dân chúng. Một tên cướp biện minh cho hành vi trộm cướp của hắn bằng cách nói rằng hắn thật sự giúp các nạn nhân, rằng hắn thúc đẩy thương mại bán lẻ, sẽ khó mà thuyết phục được mấy ai; nhưng khi lý thuyết này được bao bọc trong những phương trình Keynesian và những viện dẫn ấn tượng về “hiệu ứng cấp số nhân,” thì bất hạnh thay, nó có vẻ dễ thuyết phục hơn. Và do đó, sự chà đạp lên lẽ thường cứ tiếp diễn, mỗi thời đại lại thực hiện nhiệm vụ ấy theo cách riêng của nó.

Theo đó, vì sự ủng hộ về mặt tư tưởng là rất quan trọng đối với Nhà nước, nên nó phải không ngừng cố gắng gây ấn tượng với nhân dân về “tính chính danh” để tách bạch những hoạt động của mình với những hoạt động của bọn cướp đơn thuần. Sự quyết tâm không ngừng của nó trong việc chà đạp lên lẽ thường không phải ngẫu nhiên, bởi như Mencken đã khẳng định một cách sinh động:

“Một người bình thường, bất kể có khiếm khuyết gì đi chăng nữa, thì ít nhất cũng thấy rõ rằng chính quyền là một thứ gì đó nằm ngoài phạm vi của anh ta, và đồng bào của anh ta nói chung; rằng đó là một thứ quyền lực tách biệt, độc lập và không thân thiện, chỉ phần nào nằm trong sự kiểm soát của anh ta, và có khả năng gây tổn hại rất lớn cho anh ta. Chẳng phải có một thực tế bị phớt lờ, đó là việc trộm cướp nhắm đến chính phủ ở đâu cũng được coi là một tội nhẹ hơn việc trộm cướp nhắm đến một cá nhân, hoặc kể cả một doanh nghiệp? ... Tôi tin rằng, đằng sau tất cả những điều này là một thứ có ý nghĩa sâu xa, đấy là sự đối kháng cơ bản giữa chính quyền và người dân mà nó cai trị. Chính quyền không phải một hội đồng những công dân được chọn ra để thực hiện công việc chung của toàn dân, mà là một tập đoàn tách biệt và tự trị, chủ yếu chăm chú vào việc bóc lột người dân vì lợi ích của những thành viên của chính nó… Khi một cá nhân bị trộm cướp, đó là một con người đáng kính bị tước đoạt thành quả từ công việc và tiết kiệm của mình; khi chính phủ bị trộm cướp, điều tồi tệ nhất xảy ra là những kẻ đểu cáng và lười nhác sẽ có ít tiền chơi bời hơn so với trước. Ý niệm cho rằng các thành viên chính quyền làm ra tiền không bao giờ được tán thành; còn đối với hầu hết những người có hiểu biết, đó là một điều lố bịch.13

Chú thích:

(1) Về đặc điểm phân biệt mấu chốt giữa “đẳng cấp”, một nhóm có đặc quyền, đặc lợi hoặc gánh nặng do Nhà nước ban cho hoặc áp đặt một cách cưỡng ép, và khái niệm “giai cấp” trong xã hội theo chủ nghĩa Marxist, xem Ludwig von Mises, Theory and History (Yale University Press, New Haven, Conn.: 1957), từ tr. 112.

(2) Sự chấp nhận như vậy tất nhiên không hàm ý rằng sự cai trị của Nhà nước xuất phát từ sự “tự nguyện”; bởi ngay cả nếu sự ủng hộ của đa số là tích cực và chủ động, sự ủng hộ này vẫn không được mọi cá nhân nhất trí.

(3) Vấn đề mọi chính quyền, bất kể “độc tài” như thế nào đối với các cá nhân, phải giành được sự ủng hộ đó đã được trình bày bởi các nhà lý luận chính trị sắc sảo như Étienne de la Boétie, David Hume, và Ludwig von Mises. Theo đó, tham khảo David Hume, "Of the First Principles of Government" [Về những nguyên tắc đầu tiên của chính quyền]], trong Essays, Literary, Moral and Political (Ward, Locke, and Taylor, London, không ghi ngày tháng), tr. 23; Etienne de la Boétie, Anti-Dictator (Columbia University Press, New York 1942), tr. 8-9; Ludwig von Mises, Human Action (Mises Institute, Auburn, Ala.. 1998), từ tr. 188. Để tìm hiểu thêm về những đóng góp của La Boétie trong phân tích Nhà nước, xem Oscar Jaszi và John D. Lewis, Against the Tyrant (The Free Press, Glencoe, Ill.1957), tr. 55-57.

(4) La Boétie, Anti-Dictator, tr. 43-44.

"Bất cứ khi nào một kẻ cai trị biến mình thành độc tài... tất cả những kẻ bị tha hóa bởi tham vọng cháy bỏng hoặc sự hám lợi đặc biệt, những kẻ này sẽ tụ họp quanh hắn và ủng hộ hắn nhằm có được một phần chiến lợi phẩm và biến chúng thành những tên đầu sỏ tay sai dưới quyền tên bạo chúa lớn."

(5) Điều này không hàm ý rằng tất cả trí thức đều liên minh với Nhà nước. Về góc độ liên minh giữa trí thức và Nhà nước, tham khảo Bertrand de Jouvenel, “The Attitude of the Intellectuals to the Market Society,” The Owl (Tháng 1, 1951): tr.19-27; Bertrand de Jouvenel, “The Treatment of Capitalism by Continental Intellectuals,” trong F.A. Hayek, Capitalism and the Historians (University of Chicago Press, Chicago 1954), tr. 93-123; in lại trong George B. de Huszar, The Intellectuals (The Free Press, Glencoe, Ill.1960), tr. 385-99; và Schumpeter, Imperialism and Social Classes (Meridian Books, New York 1975), tr. 143-55.

(6) Theo Joseph Needham, “Review of Karl A. Wittfogel, Oriental Despotism,” Science and Society (1958): tr. 65. Needham cũng viết rằng “các hoàng đế [Trung Hoa] trong suốt lịch sử đã được phụng sự trong mọi triều đại bởi một đội ngũ lớn các sĩ phu nhân từ và chí công vô tư,” tr. 61. Wittfogel nhận xét rằng học thuyết của Nho giáo mà giai cấp thống trị đặt lên các quan lại có tinh thần sĩ phu quân tử của họ, được mệnh danh là nền cai trị chuyên chính chuyên nghiệp đối với đông đảo dân chúng. Karl A. Wittfogel, Oriental Despotism (Yale University Press, New Haven, Conn.: 1957), tr. 320-321 và những phần khác. Về quan điểm đối lập với Needham, tham khảo John Lukacs, “Intellectual Class or Intellectual Profession” theo De Huszar, The Intellectuals, tr. 521-522.

(7) Theo Jeanne Ribs, “The War Plotters,” Liberation (Tháng 8, 1961): tr.13. “các chiến lược gia khăng khăng rằng nghề nghiệp của họ xứng đáng có được phẩm giá như ngành học thuật trong quân sự.” Xem thêm theo Marcus Raskin, “The Megadeath Intellectuals,” New York Review of Books (14 tháng 11, 1963): tr.6-7.

(8) Theo đó, nhà sử học Conyers Read, trong bài phát biểu nhậm chức Chủ tịch hiệp hội, đã cổ vũ việc che đậy sự thật lịch sử nhằm phục vụ những giá trị “dân chủ” và quốc gia. Read tuyên bố rằng “chiến tranh toàn diện, dù là chiến tranh nóng hay lạnh, đều chiêu mộ tất cả mọi người, và kêu gọi mọi người góp sức. Đối với nghĩa vụ này, một nhà sử học cũng không tự do hơn một nhà vật lý học.” Theo Read, “The Social Responsibilities of the Historian,” American Historical Review (1951): từ tr. 283. Về quan điểm phê phán Read và những khía cạnh khác của lịch sử tòa án, xem Howard K. Beale, “The Professional Historian: His Theory and Practice,” The Pacific Historical Review (Tháng 8, 1953) tr. 227-255. Cũng tham khảo Herbert Butterfield, “Official History: Its Pitfalls and Criteria,” History and Human Relations (Macmillan, New York 1952), tr. 182-224; và Harry Elmer Barnes, The Court Historians Versus Revisionism từ tr. 2.

(9) Tham khảo Wittfogel, Oriental Depositism [Chủ nghĩa chuyên chế phương Đông], tr. 87-100. Về vai trò đối lập của tôn giáo đối với Nhà nước ở Trung Hoa và Nhật Bản cổ đại, xem Norman Jacobs, The Origin of Modern Capitalism and Eastern Asia (Hong Kong University Press, Hong Kong:1958), tr. 161- 194.

(10) Theo De Jouvenel, On Power, tr. 22:

"Lý do cốt yếu cho sự phục tùng là bởi nó đã trở thành thói quen của giống loài... Quyền lực đối với chúng ta là một thực tế tự nhiên. Từ những ngày đầu tiên lịch sử được chép lại, nó đã luôn nắm giữ số phận của con người... những kẻ nắm quyền thống trị [xã hội] thời trước đã không biến mất mà không truyền lại đặc quyền cho những kẻ kế tục cũng như không để lại trong tâm trí người dân những dấu ấn tích lũy về tác động của chúng. Sự tiếp nối của các chính quyền, kéo dài nhiều thế kỷ, cai trị cùng một xã hội có thể được xem như là một chính quyền nắm quyền cai trị liên tục."

(11) Về những cách sử dụng tôn giáo như vậy của Trung Hoa, xem Norman Jacobs.

(12) Theo H.L. Mencken, A Mencken Chrestomathy (Knopf, New York 1949), tr. 145:

"Tất cả những gì mà [chính quyền] có thể nhìn thấy ở một ý tưởng khai nguồn là sự thay đổi tiềm ẩn, và theo đó là một sự xâm phạm những đặc quyền của nó. Người nguy hiểm nhất đối với bất kì một chính quyền nào chính là kẻ có thể tự mình suy nghĩ mọi việc, không quan tâm đến những điều cấm kỵ và tín điều hiện hành. Gần như chắc chắn anh ta sẽ đi đến kết luận rằng chính quyền đang cai trị là không trung thực, điên rồ và không thể dung thứ, và do đó, nếu anh ta có lý tưởng phiêu lưu, anh ta sẽ cố gắng thay đổi nó. Và ngay cả khi cá nhân anh ta không có lý tưởng phiêu lưu, anh ta rất có khả năng lan tỏa sự bất mãn với những kẻ thích phiêu lưu."

(13) Theo H.L. Mencken, A Mencken Chrestomathy (Knopf, New York 1949), tr. 146 - 47.

Nguồn: Murray N. Rothbard, Anatomy of the State, Chương 3, Mises Institute, 2009.

Dịch giả:
Lê Thị Hồng Nhung
Hiệu đính:
Hoàng Văn Trung