Giải trừ quân đội và đội ngũ công chức nhà nước
Sau mỗi cuộc chiến lớn, khi có đề xuất phải giải trừ quân đội, nhiều người luôn sợ rằng sẽ không có đủ việc làm cho những người này và kết cục là quân nhân sẽ bị thất nghiệp. Đúng là khi bất thình lình hàng triệu người được giải ngũ, các ngành sản xuất trong khu vực tư nhân sẽ phải mất một thời gian mới nhận hết họ vào làm việc, mặc dù trong quá khứ, điều này thường được làm nhanh hơn là chúng ta trông đợi. Nỗi lo sợ thất nghiệp xuất hiện bởi người ta chỉ nhìn vào một phía của vấn đề.
Họ nhìn thấy những người lính bị dư thừa trên thị trường lao động. Ta sẽ lấy đâu ra lượng “sức mua” cần thiết để có thể tạo việc làm cho hết những người này? Trong trường hợp công quỹ của nhà nước đang ở tình trạng cân bằng, câu trả lời rất đơn giản. Chính phủ sẽ ngừng trả lương cho quân đội. Những người nộp thuế sẽ được giữ lại khoản tiền mà trước đây bị thu để trả lương cho quân đội trong thời chiến. Khi đó, họ sẽ có thêm tiền để mua hàng hóa. Nhu cầu dân sự sẽ tăng và tạo ra việc làm cho những người lính đã giải ngũ.
Trường hợp này sẽ khác đi nếu các người lính trước đây được trả lương bằng một công quỹ không cân bằng, nghĩa là thông qua những khoản nợ của chính phủ và các hình thức vay bù chi khác của các cơ quan chính phủ. Nhưng điều này sẽ dẫn đến một câu hỏi khác; chúng ta sẽ xem xét các tác động của các khoản vay bù chi của chính phủ trong một chương sau. Tại đây, chúng ta chỉ cần khẳng định một điều: các khoản vay bù chi của chính phủ không liên quan gì đến kết luận chúng ta vừa đưa ra, vì nếu cho rằng sự thiếu hụt ngân sách có đem lại ích lợi gì đó, chúng ta có thể duy trì sự thiếu hụt ngân sách trong thời bình đơn giản bằng cách giảm thuế tương đương với lượng tiền được dùng để chi trả cho quân đội trong thời chiến.
Nhưng việc giải trừ quân đội sẽ thay đổi tình hình kinh tế của chúng ta. Những người lính trước đây được trả lương bởi những người dân sẽ không trở thành những người dân thường được tiếp tục trả lương bởi những người dân thường khác. Họ sẽ phải tự kiếm sống để nuôi bản thân mình. Nếu chúng ta giả định rằng những người đáng lẽ đã được giữ lại trong quân ngũ giờ không còn cần thiết đối với công tác quốc phòng nữa, thì việc giữ họ lại sẽ không có lợi ích gì. Những người đóng thuế sẽ không nhận được gì nếu tiếp tục trả lương cho họ. Nhưng hiện giờ, những người đóng thuế dành phần vốn này của họ cho những người dân thường khác để đổi lấy một giá trị hàng hóa và dịch vụ tương đương. Tổng sản phẩm quốc dân, hay mức tài sản của mọi người, vì vậy sẽ cao hơn.
Điều này cũng đúng đối với những viên chức của nhà nước khi đội ngũ của họ quá đông đảo và họ không thực hiện các chức năng có giá trị tương đương với lượng tiền họ được trả. Thế nhưng bất kỳ khi nào có người cố gắng giảm bớt những vị trí dư thừa này, sẽ có rất nhiều ý kiến phản đối cho rằng hành động đó sẽ dẫn đến “giảm phát”: Bạn muốn lấy đi “sức mua” của những viên chức này à? Bạn muốn gây tổn hại cho những doanh nghiệp và người cho thuê nhà đang kinh doanh dựa trên lượng sức mua đó ư? Bạn đang làm giảm thu nhập quốc dân và gây ra, hoặc làm trầm trọng hơn, khủng hoảng kinh tế.
Một lần nữa, một luận chứng sai lầm lại xuất hiện do việc chỉ xem xét tác động của hành động đối với những viên chức nhà nước bị cho nghỉ việc và những doanh nghiệp phụ thuộc vào họ. Một lần nữa, luận chứng này lại quên mất rằng nếu những viên chức đó ngừng làm việc, những người nộp thuế sẽ được giữ lại khoản tiền mà trước đây bị thu để trả lương cho viên chức. Một lần nữa, người ta lại quên mất rằng thu nhập và sức mua của những người nộp thuế sẽ tăng ít nhất bằng lượng giảm trong thu nhập và sức mua của những công chức bị nghỉ việc. Những doanh nghiệp khác sẽ được tăng thêm ít nhất một lượng hoạt động kinh doanh tương đương với những gì những doanh nghiệp phụ thuộc vào các công chức bị mất đi. Washington sẽ bớt giàu có hơn và sẽ có ít cửa hàng hơn, song những thành phố khác sẽ có nhiều hơn.
Một lần nữa, vấn đề không dừng ở đây. Khi những viên chức dư thừa được cho nghỉ việc, quốc gia không chỉ không nghèo đi mà còn trở nên giàu có hơn, bởi những viên chức đó giờ đây sẽ phải kiếm các công việc tư nhân hoặc bắt đầu công việc kinh doanh riêng của mình. Sức mua được tăng thêm của những người nộp thuế, giống như trường hợp những người lính giải ngũ, sẽ thúc đẩy điều này. Những viên chức nhà nước chỉ có thể làm các công việc tư nhân khi họ có thể cung cấp những dịch vụ tương xứng với những gì họ được nhận từ người thuê họ, hoặc chính xác hơn là từ khách hàng của những người thuê họ. Họ không còn là một lực lượng ăn bám như trước đây nữa; họ trở thành những người đóng góp cho xã hội.
Tôi phải nhắc lại rằng trong phần này, tôi hoàn toàn không nói đến những viên chức nhà nước cung cấp những dịch vụ thực sự cần thiết. Những viên chức như công an, lính cứu hỏa, nhân viên môi trường đô thị, nhân viên y tế, thẩm phán, những người làm luật, các giám đốc điều hành, v.v… cung cấp những dịch vụ cũng quan trọng đối với xã hội như bất kỳ một doanh nghiệp tư nhân nào khác. Họ giúp cho khu vực kinh tế tư nhân có thể hoạt động trong một môi trường có luật pháp, trật tự, tự do và ổn định. Nhưng điều khiến sự tồn tại của họ trở nên cần thiết là tính ích lợi của các dịch vụ mà họ cung cấp, chứ không phải do “sức mua” mà họ có được thông qua khoản lương được nhận từ công quỹ.
Nếu xem xét kỹ, ta sẽ thấy luận chứng về “sức mua” này thật tuyệt vời. Nó có thể được áp dụng thậm chí đối với cả một kẻ trộm hay một tên ma cô cướp tiền của bạn. Sau khi cướp được tiền, hắn sẽ có thêm “sức mua” mà hắn sẽ dùng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các quán bar, các nhà hàng, các hộp đêm, thợ may quần áo, và có thể cả người sản xuất xe hơi nữa. Thế nhưng, mỗi việc làm được tạo ra thông qua những khoản chi của hắn cũng là một việc làm bị mất đi thông qua khoản chi bị giảm của bạn. Cũng tương tự như vậy, với mỗi việc làm được tạo ra bởi tiền của các viên chức nhà nước, một việc làm sẽ bị mất đi thông qua khoản chi bị giảm của những người nộp thuế. Khi tiền của bạn bị một tên trộm lấy mất, bạn chẳng nhận lại được gì. Khi tiền của bạn bị thu thông qua thuế để trả lương cho những viên chức vô dụng, bạn cũng sẽ chẳng nhận lại được gì. Thực ra, chúng ta vẫn còn may nếu những viên chức ấy chỉ là những kẻ ăn bám lười biếng, bởi ngày nay, nhiều người trong số họ lại là những nhà cải tổ tích cực luôn bận rộn với việc gây cản trở và khó khăn cho các hoạt động kinh tế.
Nếu lý do duy nhất để giữ một nhóm cán bộ nhà nước trong vị trí của họ là để không mất đi sức mua của họ, đó là dấu hiệu cho thấy đã đến lúc chúng ta phải cho họ nghỉ việc.
Nguồn: Henry Hazlitt, Kinh tế học trong một bài học (Economics in One Lesson), Chương 9