[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương IX: Đảo ngược sự phát triển (Phần 2)
MỘT THỂ CHẾ HẾT SỨC QUEN THUỘC
Ở khu vực Đông Nam Á, sự bành trướng sức mạnh thương mại và hải quân của châu Âu vào giai đoạn đầu của lịch sử hiện đại đã chặn đứng một giai đoạn thay đổi thể chế và mở rộng kinh tế hứa hẹn nhiều triển vọng cho khu vực. Cũng trong giai đoạn này, trong khi Công ty Đông Ấn Hà Lan đang mở rộng phạm vi hoạt động thì một hình thức thương mại khác đang lớn mạnh ở châu Phi: buôn nô lệ.
Ở Mỹ, chế độ nô lệ ở miền nam thường được biết đến với tên gọi là một “thể chế kỳ quặc”. Nhưng xét trên góc độ lịch sử, như học giả chuyên về giai đoạn lịch sử cổ điển lừng danh Moses Finlay đã từng nêu ra, chế độ nô lệ chẳng có gì là kỳ quặc, nó hiện hữu trong hầu hết mọi xã hội. Như chúng ta đã thấy trong một chương trước, chế độ nô lệ phổ biến ở La Mã cổ đại và châu Phi, vốn từ lâu là một trong những nguồn cung cấp nô lệ cho châu Âu.
Vào thời đại La Mã, nô lệ được lấy từ các dân tộc Slavơ quanh Biển Đen, từ Trung Đông và Bắc Âu. Nhưng cho đến năm 1400, người châu Âu đã ngưng không sử dụng người châu Âu làm nô lệ nữa. Tuy nhiên như chúng ta đã biết ở chương 6, châu Phi lại không trải qua giai đoạn chuyển tiếp từ chế độ nô lệ sang chế độ nông nô như châu Âu thời Trung cổ. Trước thời hiện đại, nạn buôn nô lệ ở Đông Phi rất hưng thịnh, và một lượng lớn nô lệ được vận chuyển ngang qua sa mạc Sahara đến bán đảo Ảrập. Hơn nữa, các quốc gia Đông Phi lớn thời Trung cổ như Mali, Ghana và Songhai sử dụng nhiều nô lệ trong bộ máy chính quyền, quân đội và nông nghiệp - họ áp dụng các mô hình tổ chức xã hội của các quốc gia Hồi giáo ở Bắc Phi mà họ có quan hệ buôn bán.
Chính sự phát triển của các thuộc địa đồn điền mía vùng Caribê vào đầu thế kỷ 17 đã dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ ngành buôn nô lệ trên thế giới và chế độ nô lệ ở châu Phi bỗng nhiên trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Vào thế kỷ 16, có khoảng 300 nghìn nô lệ được buôn bán trong khu vực Đại Tây Dương, chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Phi, với sự tham gia của Kongo và người Bồ Đào Nha có trụ sở ở phía nam Luanda, bây giờ là thủ đô của Angola. Trong giai đoạn này, quy mô buôn bán nô lệ xuyên sa mạc Sahara vẫn còn lớn hơn ngành buôn nô lệ qua Đại Tây Dương, chuyên chở khoảng 550 nghìn nô lệ châu Phi về phía bắc. Vào thế kỷ 17, tình hình được đảo ngược. Vào khoảng 1,35 triệu người châu Phi bị bán làm nô lệ trong hoạt động thương mại xuyên Đại Tây Dương, đại đa số họ giờ đây được vận chuyển đến châu Mỹ. Con số nô lệ được bán qua ngả sa mạc Sahara hầu như vẫn giữ nguyên. Vào thế kỷ 18, số nô lệ được buôn bán gia tăng đáng kể, khoảng 6 triệu nô lệ được chuyên chở bằng tàu qua biển Đại Tây Dương và có lẽ 700 nghìn người khác được bán qua ngả Sahara. Cộng tất cả các con số qua các giai đoạn và các khu vực khác nhau ở châu Phi, tổng cộng có hơn 10 triệu người châu Phi đã bị bán làm nô lệ.
Bản đồ 15: Nô lệ được xuất khẩu từ châu Phi (p. 338)
Bản đồ 15 cho thấy tầm vóc của ngành buôn nô lệ. Sử dụng đường biên giới giữa các quốc gia hiện nay, bản đồ cho thấy mức độ lớn lao của nạn buôn nô lệ trong giai đoạn 1400 và 1900 tính theo phần trăm dân số vào năm 1400. Màu càng đậm cho thấy nạn buôn nô lệ càng dữ dội. Ví dụ ở Angola, Benin, Ghana và Togo, tổng số nô lệ được bán ở các quốc gia vượt quá toàn bộ dân số của quốc gia đó tính vào thời điểm năm 1400.
Sự xuất hiện đột ngột của người châu Âu trên khắp vùng bờ biển Đông và Trung Phi, hăm hở muốn mua nô lệ không tránh khỏi tạo nên một ảnh hưởng lớn làm thay đổi diện mạo xã hội Phi châu. Hầu hết các nô lệ được chuyên chở đến châu Mỹ là những người bị bắt trong chiến tranh và sau đó được đưa đến vùng bờ biển. Sự gia tăng chiến tranh ở châu Phi là kết quả của việc nhập khẩu một số lượng lớn súng ống và đạn dược mà người châu Âu dùng để đổi lấy nô lệ. Tới thời điểm 1730, mỗi năm khoảng 180 nghìn khẩu súng được du nhập vào châu Phi dọc theo vùng bờ biển Đông Phi, và trong giai đoạn từ 1750 đến đầu thế kỷ 19, chỉ riêng người Anh không thôi đã bán khoảng 283-394 nghìn khẩu súng mỗi năm. Từ 1750 đến 1807, người Anh bán 22 nghìn tấn thuốc súng, tức trung bình khoảng 384 nghìn kg mỗi năm, cùng với 91 nghìn kg chì hàng năm. Xa hơn về phía nam, ngành buôn bán vũ khí cũng hoạt động mạnh mẽ một cách tương tự. Dọc vùng bờ biển Loango, phía bắc vương quốc Kongo, mỗi năm người châu Âu bán khoảng 50 nghìn khẩu súng.
Các cuộc chiến tranh và xung đột không chỉ gây ra những tổn thất to lớn về sinh mạng và đau thương mà còn đặt nền tảng cho một xu hướng phát triển thể chế ở châu Phi. Trước thời hiện đại, các xã hội châu Phi ít có các thể chế chính trị tập trung như ở khu vực Âu-Á. Hầu hết các thể chế chính trị đều có phạm vi nhỏ, với các tù trưởng và có lẽ là nhà vua nắm giữ đất đai và nguồn lực. Nhiều thể chế, như chúng tôi đã trình bày qua trường hợp của Somalia, không hề có một cơ chế quyền lực chính trị theo tôn ti trật tự. Việc buôn bán nô lệ đã làm khởi xướng hai quá trình chính trị bất lợi. Thứ nhất, nhiều quốc gia bắt đầu trở nên chuyên chế hơn nhằm đạt được một mục tiêu duy nhất là để bắt và bán nô lệ cho các lái buôn nô lệ châu Âu. Thứ hai, là hậu quả của quá trình trước nhưng cũng rất lạ đời là đi ngược lại với nó, đó là chiến tranh và nạn bắt nô lệ cuối cùng đã phá hủy bất cứ trật tự xã hội và quyền lực nhà nước chính đáng nào tồn tại ở châu Phi hạ Sahara. Ngoài con đường chiến tranh ra, nô lệ còn được bắt cóc thông qua các cuộc càn quét cướp bóc quy mô nhỏ. Luật pháp cũng trở thành một công cụ phục vụ cho việc bắt nô lệ. Cho dù bạn có phạm tội gì đi nữa thì hình phạt cũng là trở thành nô lệ. Thương gia người Anh Francis Moore đã nhận xét về những hậu quả của việc này dọc theo vùng ven biển Senegambia của Tây Phi vào những năm 1730 như sau:
Kể từ lúc việc buôn bán nô lệ này được sử dụng, tất cả mọi hình phạt đều được biến thành phạt làm nô lệ; vì lợi ích thu được từ việc áp dụng hình phạt này mà người ta cố gắng mọi cách để kết tội và bán kẻ phạm tội. Không những kẻ giết người, ăn cắp và ngoại tình bị trừng phạt bằng cách bán làm nô lệ mà tất cả những tội lặt vặt khác cũng bị trừng phạt theo cách thức tương tự.
Các thể chế, ngay cả thể chế tôn giáo, cũng bị biến dạng bởi mong muốn bắt và bán nô lệ. Một ví dụ minh họa là đền thờ nổi tiếng ở Arochukwu, đông Nigeria. Đền thờ này được đông đảo người dân tin tưởng là nơi phát ngôn cho một vị thần tôn giáo uy nghiêm được các bộ tộc chính ở địa phương sùng kính, như bộ tộc Ijaw, Ibibio và Igbo. Người dân thường tìm đến đền thờ để giải quyết mâu thuẫn và bất hòa. Những người đi kiện từ xa đến Arochukwu để đối diện với đền thờ phải đi xuống một hẻm núi cạnh con sông Cross, tại nơi đây đền thờ được đặt trong một hang lớn, phía trước hang đặt hai dãy sọ người. Những thầy tu canh giữ đền sẽ truyền báo quyết định của vị thần. Bằng cách thông đồng với những lái buôn nô lệ người Ảrập, họ thường thông báo cho biết thần quyết định “nuốt chửng” người đi kiện, mà trên thực tế thường có nghĩa là những người đó sau khi đi vào hang sẽ được dẫn xuống con sông Cross, tại đó đã có thuyền của người châu Âu chờ sẵn. Đây là một quá trình cho thấy luật pháp và phong tục bị bóp méo và vi phạm để bắt được nhiều nô lệ, gây ra những ảnh hưởng bất lợi cho quá trình tập trung quyền lực chính trị, mặc dù trong một số trường hợp nó dẫn đến sự xuất hiện của những quốc gia hùng mạnh chỉ tồn tại nhằm mục đích cướp bóc và bắt giữ nô lệ. Vương quốc Kongo có lẽ là nhà nước châu Phi đầu tiên trải qua quá trình chuyển hóa thành một nhà nước bắt giữ nô lệ cho đến khi bị hủy diệt bởi nội chiến. Những nhà nước nô lệ khác cũng xuất hiện, nổi bật nhất là ở Tây Phi, bao gồm Oyo ở Nigeria, Dahomey ở Benin, và sau đó là Asante ở Ghana.
Ví dụ như sự phát triển của nhà nước Oyo vào giữa thế kỷ 17 có liên quan trực tiếp đến sự gia tăng xuất khẩu nô lệ ở vùng ven biển. Quyền lực nhà nước là kết quả của cuộc cách mạng quân sự có liên quan đến việc nhập khẩu ngựa từ phía bắc và thành lập đội kị binh hùng mạnh có thể đánh bại các đội quân chống đối. Khi Oyo mở rộng bờ cõi về phía nam hướng về biển, nó đè bẹp các quốc gia cản đường và bán dân cư của họ làm nô lệ. Trong giai đoạn từ 1690 đến 1740, Oyo giành độc quyền buôn nô lệ ở khu vực nội địa được biết đến với tên gọi là Vùng Bờ Biển Nô Lệ. Ước tính cho thấy 80% đến 90% nô lệ được bán ở vùng ven biển là kết quả của những cuộc chinh phục này. Mối liên hệ đầy ấn tượng giữa chiến tranh và nguồn cung cấp nô lệ cũng xuất hiện ở phía tây vào thế kỷ 18 trên vùng Bờ Biển Vàng (Gold Coast), giờ đây là nước Ghana. Sau năm 1700, quốc gia Asante mở rộng đất đai từ khu vực nội địa theo cùng một cách mà Oyo đã làm trước đó. Trong nửa đầu thế kỷ 18, việc mở rộng lãnh thổ này đã gây ra những cuộc chiến được gọi là Những cuộc chiến Akan, khi Asante đánh bại hết quốc gia độc lập này đến quốc gia độc lập khác. Quốc gia cuối cùng, Gyaman, bị chinh phục vào năm 1747. Một phần lớn trong số 375 nghìn nô lệ được xuất khẩu từ Bờ Biển Vàng trong giai đoạn 1700 và 1750 là những tù binh bị bắt từ những cuộc chiến này.
Có lẽ tác động rõ rệt nhất của việc chiếm đoạt con người này được thể hiện qua đặc điểm dân số. Khó có thể biết được một cách chắc chắn dân số của châu Phi là bao nhiêu trước giai đoạn hiện đại, nhưng các học giả đã đưa ra những ước tính hợp lý về tác động của việc buôn bán nô lệ đối với dân số châu lục này. Nhà sử học Patrick Manning ước lượng rằng dân số của những khu vực cung cấp nô lệ ở Tây và Trung-Tây châu Phi là vào khoảng 22 đến 25 triệu vào đầu thế kỷ 18. Dựa vào một giả định rất dè dặt rằng trong giai đoạn từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19, dân số tại những khu vực trên sẽ tăng 0,5% mỗi năm nếu không có nạn buôn nô lệ, Manning đã ước tính rằng dân số trong vùng vào năm 1850 có lẽ sẽ không dưới 46-53 triệu. Thay vào đó, dân số thực tế của khu vực chỉ bằng một nửa con số ước tính trên.
Sự chênh lệch khổng lồ này không chỉ đơn thuần là do 8 triệu người dân trong khu vực bị bán làm nô lệ trong giai đoạn giữa 1700 và 1850, mà rất có thể còn do hàng triệu người chết do chiến tranh kéo dài liên miên nhằm phục vụ mục đích bắt nô lệ. Chế độ nô lệ và ngành buôn bán nô lệ ở châu Phi còn phá vỡ cấu trúc gia đình và hôn nhân và có thể đã làm giảm tỷ lệ sinh đẻ.
Bắt đầu từ cuối thế kỷ 18, phong trào đòi bãi bỏ chế độ buôn nô lệ bắt đầu lớn mạnh ở Anh dưới sự dẫn dắt của nhân vật có sức lôi cuốn đặc biệt William Wilberforce. Sau nhiều lần thất bại, vào năm 1807 những người chống chế độ nô lệ thuyết phục được Nghị viện Anh thông qua một dự luật coi việc buôn bán nô lệ là bất hợp pháp.
Mỹ noi theo gương Anh bằng một đạo luật tương tự vào năm sau. Tuy nhiên chính phủ Anh còn đi xa hơn thế: họ chủ động triển khai đạo luật trên bằng cách gửi hạm đội tàu Anh đến khu vực Đại Tây Dương để ngăn chặn tàu bè buôn bán nô lệ. Mặc dù phải mất một thời gian trước khi những biện pháp này thật sự có hiệu quả, và mãi đến năm 1834 chế độ nô lệ trên toàn bộ đế chế Anh mới được bãi bỏ, cái thời buôn bán nô lệ trong vùng biển Đại Tây Dương, vốn chiếm một phần lớn trong ngành buôn bán nô lệ trên thế giới, đã chấm dứt.
Mặc dù việc chấm dứt nạn buôn bán nô lệ sau năm 1807 làm giảm nhu cầu nô lệ châu Phi từ bên ngoài, nhưng điều này không có nghĩa là ảnh hưởng của nạn buôn nô lệ đối với xã hội Phi châu và các thể chế của nó sẽ tự nhiên biến mất. Nhiều quốc gia châu Phi xây dựng thể chế chính trị của họ xung quanh việc buôn bán nô lệ và cho dù nước Anh có chấm dứt nạn buôn nô lệ thì điều đó cũng không thay đổi được thực trạng này. Hơn nữa, chế độ nô lệ đã trở nên quá phổ biến ở chính tại châu Phi. Những yếu tố này cuối cùng sẽ quyết định đường hướng phát triển của châu Phi không những trước mà cả sau năm 1807.
“Thương mại hợp pháp” xuất hiện, thay thế cho việc buôn bán nô lệ, nó là một cụm từ được dùng để ám chỉ việc xuất khẩu những mặt hàng mới từ châu Phi không dính líu đến việc buôn bán nô lệ. Những hàng hóa này bao gồm dầu dừa, nhân quả hạch, đậu phụng, ngà, cao su và keo. Khi thu nhập của châu Âu và Bắc Mỹ gia tăng cùng với sự lan rộng của cuộc Cách mạng công nghiệp, nhu cầu mua những sản phẩm nhiệt đới này cũng tăng lên đáng kể. Cũng giống như trước đó, châu Phi đã hăm hở tận dụng những cơ hội kinh tế do việc buôn bán nô lệ mang lại thì giờ đây họ cũng hăm hở tận dụng thời cơ có được từ thương mại hợp pháp. Nhưng họ làm việc này trong một bối cảnh thật kỳ quặc: chế độ nô lệ vẫn còn là một phần của châu Phi mặc dù nhu cầu nô lệ từ thế giới bên ngoài đã bất ngờ chấm dứt. Giờ thì có thể làm gì với tất cả những nô lệ này khi không còn có thể bán họ cho người châu Âu? Câu trả lời rất đơn giản: có thể bắt họ làm việc ở châu Phi để sản xuất những hàng hóa thuộc dạng thương mại hợp pháp.
Một trong những trường hợp có nhiều bằng chứng minh họa nhất là Asante, thuộc nước Ghana hiện nay. Trước năm 1807, đế chế Asante tích cực tham gia vào việc bắt và bán nô lệ, đưa họ xuống vùng ven biển để bán cho những trạm buôn nô lệ lớn ở Bờ biển Cape và Elmina. Sau năm 1807, khi không còn lựa chọn này nữa, giới cầm quyền Asante đã tái tổ chức lại nền kinh tế nước họ. Tuy nhiên, việc bắt bớ nô lệ và chế độ nô lệ không chấm dứt. Thay vào đó, nô lệ được đưa đến các đồn điền lớn, ban đầu nằm xung quanh thủ đô Kumase, nhưng sau đó lan rộng khắp đế chế (tương đương với khu vực nội địa của Ghana hiện nay). Nô lệ được dùng vào việc đào vàng và trồng hạt cô-la để xuất khẩu, trồng thực phẩm và được sử dụng rộng rãi làm phu khuân vác, vì Asante không sử dụng hệ thống chuyên chở bằng xe. Xa hơn về phía đông, một số thay đổi xã hội tương tự cũng xảy ra. Ví dụ như vua xứ Dahomey có những đồn điền lớn khai thác dầu dừa gần các cảng ven biển như Whydah và Porto Novo, tất cả đều dựa vào công sức lao động của nô lệ.
Vì vậy việc bãi bỏ buôn bán lệ không dẫn đến sự tàn lụi của chế độ nô lệ ở châu Phi mà chỉ đưa đến việc tái phân bố nô lệ: thay vì sử dụng họ ở châu Mỹ thì giờ sử dụng họ ngay tại châu Phi. Hơn nữa, nhiều thể chế chính trị được sản sinh từ ngành buôn bán nô lệ trong hai thế kỷ trước vẫn không có gì thay đổi và khuôn mẫu ứng xử vẫn tiếp tục giữ nguyên như trước. Ví dụ như ở Nigeria trong thập niên 1820 và 1830, vương quốc Oyo một thời hùng mạnh sụp đổ vì bị các cuộc nội chiến làm cho suy yếu và do sự trỗi dậy của các thành bang Yoruba ở phía nam, ví dụ như Illorin và Ibadan, đã trực tiếp tham gia vào việc buôn nô lệ. Vào thập niên 1830, thủ phủ của Oyo bị tấn công và tàn phá, và sau đó các thành phố Yoruba tranh giành quyền lực với Dahomey để nắm quyền kiểm soát khu vực. Họ gây chiến với nhau gần như không dứt trong suốt đầu thế kỷ 19, dẫn đến sự xuất hiện một số lượng nô lệ khổng lồ. Song song với nó là các đợt cướp bóc, bắt nô lệ cũng như trò dùng phán quyết của đền thờ. Bắt cóc trở thành một vấn nạn nghiêm trọng ở một số nơi trên Nigeria đến mức cha mẹ không dám cho con cái của họ ra ngoài chơi vì sợ chúng sẽ bị bắt để bán làm nô lệ.
Kết quả là chế độ nô lệ thay vì giảm dường như lại gia tăng ở châu Phi trong suốt thế kỷ 19. Mặc dù khó có được một con số chính xác, một số tư liệu do các du khách và lái buôn viết trong giai đoạn này cho thấy ở vương quốc Asante ở Tây Phi và Dahomey và ở các thành bang Yoruba, hơn một nửa dân số là nô lệ. Những dữ liệu chính xác hơn thu được thông qua các hồ sơ thuộc địa Pháp dành cho vùng tây Sudan, một dải đất rộng lớn phía tây châu Phi kéo dài từ Senegal qua Mali và Burkina Faso, đến Niger và Chad. Trong khu vực này, 30% dân số tại thời điểm năm 1900 là nô lệ.
Cũng giống như sự xuất hiện của thương mại hợp pháp, việc các cường quốc châu Âu chính thức chia nhau xâm chiếm và thuộc địa hóa châu Phi cũng không hủy bỏ được chế độ nô lệ ở châu Phi. Mặc dù trong hầu hết các trường hợp, các cường quốc châu Âu đã biện minh cho sự xâm lăng của họ ở châu Phi là nhằm tấn công và bãi bỏ chế độ nô lệ, nhưng thực tế thì lại hoàn toàn khác. Ở tại nhiều nước thuộc địa châu Phi, chế độ nô lệ tiếp tục kéo dài đến tận thế kỷ 20. Ví dụ như ở Sierra Leone, mãi đến năm 1928 chế độ nô lệ mới được bãi bỏ, cho dù thủ phủ Freetown được thành lập vào cuối thế kỷ 18 với mục đích là bến đỗ cho những nô lệ được gửi trả về châu Phi từ châu Mỹ. Freetown sau đó trở thành căn cứ quan trọng cho hạm đội tàu Anh chống buôn nô lệ và là quê hương mới cho những nô lệ được tàu Anh cứu thoát từ những tàu buôn nô lệ. Ngay cả với ý nghĩa biểu tượng này cũng không giúp xóa bỏ chế độ nô lệ ở Sierra Leone sớm hơn được, nó tồn tại thêm 130 năm nữa. Tương tự như vậy, Liberia nằm về phía nam của Sierra Leone cũng được thành lập để đón nhận các nô lệ Mỹ được giải phóng trong những năm 1840. Nhưng ở đó chế độ nô lệ cũng tiếp tục kéo dài đến tận thế kỷ 20; cho đến tận thập niên 1960, ước tính vẫn có đến 25% lực lượng lao động bị cưỡng bức phải sống và làm việc trong những điều kiện không khác gì nô lệ. Với những thể chế kinh tế và chính trị mang tính chiếm đoạt dựa vào việc buôn bán nô lệ, làn sóng công nghiệp hóa đã không lan sang châu Phi hạ Sahara, nơi đây nền kinh tế trì trệ và thậm chí thụt lùi trong khi những khu vực khác trên thế giới đang thay đổi nền kinh tế của họ.
Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)