[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương VI: Đâu là những lợi thế thực sự mà xã hội Mĩ có được nhờ chính quyền dân trị (Phần 2)

[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương VI: Đâu là những lợi thế thực sự mà xã hội Mĩ có được nhờ chính quyền dân trị (Phần 2)

VỀ TINH THẦN CÔNG CỘNG HOA KÌ

Tình yêu nước bản năng. − Lòng ái quốc chín chắn. − Đặc điểm khác nhau của chúng. − Nhân dân phải dồn hết sức vào loại tình yêu thứ hai khi cái thứ nhất biến đi. − Những nỗ lực của người Mĩ để đi tới một lòng yêu nước chín chắn. − Lợi ích cá nhân gắn liền với lợi ích đất nước.

Có một kiểu ái quốc bắt nguồn từ tình cảm không suy tính, vô tư và không sao xác định nổi, nó gắn liền trái tim con người với nơi chốn con người vào đời. Tình yêu bản năng đó hoà trộn làm một với sự thích thú những tập tục xưa cũ, với lòng kính trọng ông bà tổ tiên và lòng nhớ nhung quá khứ. Những ai có những tình cảm đó thì yêu đất nước mình như người ta yêu ngôi nhà ông bà cha mẹ để lại. Họ yêu cái yên tĩnh được hưởng thụ ở chốn đó. Họ bám lấy những thói quen thanh bình đã nhuốm được ở chốn ấy. Họ gắn bó với những kỉ niệm bắt gặp lại ở đó và còn thấy cuộc đời trôi đi êm ái khi mình sống nơi ông bà cha mẹ bảo gì thì mình nghe nấy. Thường có khi cái lòng yêu đất nước như thế còn được nhiệt tình tín ngưỡng làm bùng thêm lên, và khi đó con người có thể làm được những điều thần kì. Bản thân con người khi ấy là một thứ tôn giáo rồi; nó không suy lí nữa, nó chỉ biết tin, nó cảm nhận, nó hành động.

Những con người gặp gỡ nhau và như thể họ đã nhân cách hoá tổ quốc vào trong nhân cách của vị quân vương. Và họ đã chuyển vào trong con người ông ta những tình cảm có thành phần trong lòng ái quốc. Họ kiêu hãnh vì những thắng lợi của vị quân vương và ưỡn ngực lên vì sức mạnh của ông ta. Có một thời dưới chế độ quân chủ xưa, người Pháp cảm thấy một niềm vui khi được đặt mình dưới quyền lực độc đoán của một vị vua chuyên chế, và họ nói một cách kiêu hãnh: “Chúng ta sống dưới trướng một vị quân vương hùng mạnh nhất thế giới”.

Cũng giống như mọi đam mê không suy tính, tình yêu đất nước ấy đẩy tới những nỗ lực lớn thỉnh thoảng xảy ra chứ không diễn ra liên tục. Sau khi cứu nguy cho nhà nước khỏi thời khủng hoảng, tình yêu đó lại để mặc cho nhà nước lụi tàn trong lòng một thời kì yên bình.

Khi các quốc gia còn giản đơn trong tập tục và vững chắc trong niềm tin, khi xã hội còn an bài trên một trật tự cũ mà tính chính đáng chẳng bị chống đối, khi đó ta thấy có cái thứ tình yêu đất nước mang tính bản năng như thế.

Còn có một thứ tình yêu khác duy lí hơn thứ đó. Cái tình này có thể kém độ lượng, kém nhiệt thành, nhưng lại có thể sung mãn hơn và lâu bền hơn. Cái tình yêu tổ quốc này sinh ra từ trí tuệ sáng láng. Nó phát triển nhờ luật pháp, nó lớn mạnh lên qua việc thực thi các quyền và cuối cùng như thể nó hoà lẫn vào với lợi ích cá nhân con người. Một con người hiểu được ảnh hưởng của đất nước giàu mạnh đối với sự ấm no hạnh phúc của riêng mình. Nó hiểu rằng luật pháp cho phép nó góp phần tạo ra sự ấm no hạnh phúc đó và con người quan tâm đến sự thịnh vượng của đất nước trước hết như một thứ gì có ích và sau đó như là công trình của chính mình.

Nhưng đôi khi trong cuộc sống các quốc gia vẫn xảy ra cái thời điểm khi các tập tục xưa bị đổi thay, các nếp song bị thủ tiêu, các niềm tin bị lung lay, uy quyền của kỉ niệm bị tan vỡ, và khi đó ánh sáng trí tuệ vẫn chưa hoàn toàn đầy đủ và các quyền về chính trị còn ít được bảo đảm hoặc là còn hạn hẹp. Con người khi đó chỉ còn nhìn thấy tổ quốc dưới một ánh sáng yếu ớt và đáng ngờ. Khi đó con người không thấy tổ quốc ở cái mảnh đất mà nay họ chỉ nhìn thấy hòn đất bất động, cũng chẳng thấy tổ quốc trong nếp sống của cha ông tiên tổ mà họ lại được dạy nhìn vào đó như thể xiềng gông, cũng chẳng còn thấy tổ quốc trong các luật lệ không do họ đặt ra và cũng chẳng do những nhà lập pháp giờ đây bị họ e ngại và khinh thị. Con người chẳng còn thấy tổ quốc ở đâu nữa hết, chẳng thấy tổ quốc ở ngay trong những nét riêng của chính mình hoặc ở ai khác, và rồi họ thu mình vào một sự ích kỉ chật chội tối tăm. Những con người ấy tuột ra khỏi các định kiến mà chẳng biết lí trí nằm ở chốn nào. Những người đó chẳng có cái lòng yêu đất nước mang tính bản năng của thời phong kiến, cũng chẳng có lòng yêu nước chín chắn của thời cộng hoà. Họ đã dừng lại ở quãng giữa của hai kiểu yêu nước đó, họ dừng lại giữa nỗi hoang mang và cảnh khốn cùng.

Làm gì trong trạng huống ấy? Có thể lùi. Nhưng các dân tộc chẳng thể nào quay trở lại được với những tình cảm thời thanh xuân giống như những con người ngây thơ quay về được với tuổi ấu thơ xưa. Con người có thể tiếc nuối cái đẹp xưa nhưng chẳng thể làm cho chúng sinh sôi trở lại. Vậy là phải tiến lên thôi và phải mau mau tìm cách gì cho con người nhìn thấy trong mắt mình hoà hợp cả cái lợi ích cá nhân và lợi ích của đất nước, bởi vì cái tình yêu không vụ lợi đối với tổ quốc đã một đi không trở lại nữa rồi.

Chắc chắn là tôi chưa kết luận rằng muốn đạt tới kết quả đó, ta phải ngay lập tức để cho tất cả mọi người được thực thi các quyền chính trị của họ. Nhưng tôi nói rằng phương tiện mạnh mẽ nhất, thậm chí phương tiện duy nhất ta còn có trong tay để làm cho mọi người quan tâm đến tổ quốc mình, đó là để họ tham gia vào việc cầm quyền. Ngày nay, tinh thần thị dân không sao tách rời được khỏi sự thực thi các quyền vô chính trị. Và tôi cũng nghĩ rằng kể từ đây ta sẽ còn thấy ở châu Âu sẽ tăng hoặc giảm số lượng người đi theo cộng hoà hoặc đi theo quân chủ tỉ lệ thuận với việc mở rộng các quyền này.

Vì đâu mà ở Hoa Kì, nơi mọi người mới đến đó chiếm lấy đất ấy và chẳng mang theo cả tập tục lẫn kỉ niệm, nơi mọi người chỉ mới gặp nhau lần đầu mà chẳng biết gì về nhau, nơi nói cho thật gọn cái bản năng yêu nước có lẽ chỉ mới xuất hiện, vì đâu mà mỗi con người ấy lại quan tâm đến mọi công việc của xã mình, của quận mình, và của toàn bang mình như việc nhà mình vậy? Đó là vì mỗi con người, trong phạm vi của mình, đều có phần tham dự tích cực vào công việc cai quản xã hội.

Ở Hoa Kì, con người bình thường đã hiểu được ảnh hưởng của sự thịnh vượng chung đến hạnh phúc của mình, một ý tưởng thật đơn giản vậy mà lại ít được người dân biết đến. Hơn nữa người dân cũng lại đã quen nhìn sự thịnh vượng như là chuyện của riêng mình. Vậy là họ nhìn thấy được cái tài sản chung như tài sản riêng mình, người ta làm việc vì sự tốt đẹp của nhà nước không chỉ vì nghĩa vụ hoặc vì kiêu hãnh, mà tôi dám nói là gần như họ làm việc vì lòng tham.

Ta chẳng cần nghiên cứu các thiết chế cùng lịch sử của Mĩ để nhận ra cái chân lí vừa nói đến, cứ xem lối sống của họ là đủ thấy. Người Mĩ khi tham gia vào những cái gì đang diễn ra trên đất nước đó đều như là quan tâm bảo vệ những cái gì ở đó đang bị phê phán. Bởi vì đó không phải là đất nước họ bị xúc phạm, mà chính cá nhân họ bị xúc phạm. Vì thế mà ta có thể thấy lòng tự hào dân tộc mang vẻ nhân tạo, thậm chí những trò trẻ con phù phiếm của lòng tự phụ cá nhân.

Không có gì phiền toái trong nếp sống hàng ngày hơn là chủ nghĩa ái quốc khó chịu ấy của người Mĩ. Người nước ngoài tới đó hẳn là muốn khen ngợi lắm thứ trên đất nước của họ. Nhưng người nước ngoài cũng muốn người Mĩ để cho họ chê bai đôi điều, song người Mĩ từ chối thẳng thừng điều này.

Nước Mĩ vẫn là một nước tự do, nơi, để không làm cho ai phải phật lòng, người nước ngoài tới đây không nên nói năng tự do về những chuyện riêng tư, về Nhà nước, về người bị cai trị, về nhà cầm quyền, về những công trình công cộng, về những công trình tư nhân. Không nói gì hết về những gì mình bắt gặp ngoài chuyện thời tiết và đất đai. Mà ngay cả trong vụ này thì cũng vẫn có thể gặp những người Mĩ sẵn sàng bênh vực cả thời tiết lẫn đất đai, cứ như thể chính người Mĩ tạo ra thời tiết và đất đai vậy.

Bây giờ đây, ta cần biết cách đứng về phe nào và dám chọn lựa giữa chủ nghĩa yêu nước của mọi người và chính quyền của nhóm thiểu số người, vì ta chẳng thể nào kết hợp được sức mạnh và các hoạt động xã hội do chủ nghĩa yêu nước đem lại với những bảo đảm yên ổn mà đôi khi chính quyền có thể đem lại.

TƯ TƯỞNG HOA KÌ VỀ CÁC QUYỀN

Không khi nào có các dân tộc lớn mà lại không có tư tưởng về các quyền. − Đâu là phương tiện đem lại cho nhân dân tư tưởng về các quyền. − Sự tôn trọng các quyền ở Hoa Kì. − Từ đâu sinh ra sự tôn trọng đó.

Tiếp theo tư tưởng chung về đức hạnh, tôi không thấy có tư tưởng nào đẹp hơn tư tưởng về các quyền, hoặc giả là hai tư tưởng ấy phải hoà làm một với nhau. Tư tưởng về các quyền chẳng là gì khác tư tưởng về đức hạnh được du nhập vào thế giới chính trị.

Chính là nhờ tư tưởng về các quyền mà con người xác định được giữa cho phép và bạo quyền. Được soi sáng bởi tư tưởng đó, mỗi con người có thể tỏ ra độc lập mà không kênh kiệu, và phục tùng mà không hạ thấp mình. Con người tuân phục sự bạo hành thì cúi gập mình lại và tự hạ mình xuống. Nhưng khi con người tuân thủ quyền chỉ huy được họ nhìn nhận ở đồng loại, thì họ tự nâng cao mình ngang tầm chính kẻ đang chỉ huy họ. Không có con người vĩ đại nào lại không có đức hạnh. Nhưng nếu không có lòng tôn trọng luật pháp thì không có một dân tộc vĩ đại. Thậm chí ta còn có thể nói là không có xã hội nữa. Bởi vì ta nên gọi tên là gì cái sự hội tụ của những con người duy lí và thông minh với mối dây liên hệ duy nhất là sức mạnh?

Giờ đây, tôi tự hỏi đâu là phương tiện để dạy cho con người tư tưởng về các quyền và làm cho tư tưởng đó thành cảm nhận của mọi con người. Và tôi chỉ thấy có một phương tiện, ấy là để cho họ thực thi yên lành những quyền nhất định: ta thấy rõ điều đó ở trẻ em, chúng là người lớn khi chúng dùng sức mạnh và tìm đường trải nghiệm. Khi đứa nhỏ bắt đầu vận động giữa các đồ vật thuộc thế giới bên ngoài, bản năng khiến chúng tập dùng những thứ gì rơi vào tay. Chúng không có ý niệm gì về sự sở hữu của kẻ khác, cũng chẳng có ý niệm gì về sự tồn tại của đồ vật. Nhưng chừng nào chúng được biết về giá trị của đồ vật và chúng khám phá thấy người ta có thể tước đoạt của chúng các đồ vật ấy, thì chúng thận trọng hơn lên và cuối cùng thì chúng biết tôn trọng ở đồng loại những gì chúng muốn được đồng loại tôn trọng ở chúng.

Điều gì xảy ra với trẻ nhỏ liên quan đến đồ chơi rồi cũng xảy ra với người lớn đối với mọi đồ vật thuộc về họ. Tại sao ở nước Mĩ, quốc gia dân chủ tuyệt đỉnh, không thấy một ai lên tiếng chống lại tài sản nói chung giống như những lời than phiên thường thấy vang lên ở châu Âu? Có cần giải thích vì sao không? Vì ở nước Mĩ chẳng hề có những người vô sản. Mỗi người do chỗ đều có một tài sản riêng để bảo vệ, thì cũng thừa nhận nguyên tắc quyền có tài sản.

Trong thế giới chính trị thì cũng thế thôi. Ở nước Mĩ, con người bình thường cũng có ý thức cao đối với các quyền chính trị, bởi vì họ có các quyền chính trị. Nó không tiến công các quyền đó của kẻ khác đặng thiên hạ không thể vi phạm các quyền đó của nó. Và trong khi ở châu Âu cũng con người như thế lại tỏ ra bất bình đối với cả cái quyền lực tuyệt đối, thì người Mĩ tuân thủ không một tiếng làu bàu đối với quyền hành nhỏ nhặt nhất của các pháp quan (họ bầu ra).

Chân lí này hiện rõ đến từng chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống của các quốc gia. Ở Pháp, ít có thú vui chỉ dành riêng cho các tầng lớp trên của xã hội. Người nghèo được đặt chân vào những nơi nào người giàu có thể đến. Vì thế mà người nghèo cư xử đàng hoàng đúng đắn và tôn trọng những cái gì dùng cho các thú vui họ được chia sẻ. Ở nước Anh là nơi hễ giàu sang thì được đặc quyền có chỗ chơi vui như là thứ độc quyền của kẻ có quyền lực. Ở đây người ta than phiền là khi người nghèo lẻn được vào những chốn vui chơi dành riêng cho người giàu, họ thích phá phách chẳng để làm gì hết. Ta ngạc nhiên vì chuyện đó sao? Chính vì người ta đã tìm cách dành cho người nghèo cơ hội hành động như vậy vì người nghèo chẳng có gì để mất!

Chính quyền dân trị làm cho ý tưởng về các quyền chính trị xuống được tận từng công dân, hệt như việc phân chia tài sản được tiến hành theo ý tưởng đưa quyền sở hữu đến tận tay từng con người. Tôi thấy đó chính là một trong những giá trị to tát hơn cả của chính quyền dân trị.

Tôi không hề nói rằng việc dạy cho mọi người biết sử dụng các quyền chính trị là điều dễ dàng. Tôi chỉ nói rằng khi có thể làm được điều đó thì những tác động của nó sẽ to lớn.

Và tôi xin nói thêm, nếu có một thế kỉ để cho ta thử công việc đó, thì thế kỉ ấy chính là thế kỉ chúng ta đang sống.

Các bạn chẳng thấy đó sao, các tôn giáo thì đang yếu đi trong khi khái niệm thiêng liêng về các quyền thì đang biến mất? Các bạn chẳng thấy đó ư, tập tục của con người đang thay đổi, và cùng với điều đó thì khái niệm đạo đức của các quyền cũng bị xoá sổ rồi.

Các bạn không thấy đó ư, khắp nơi nơi các tín điều đang thay thế cho sự suy lí, tình cảm thay thế cho phép tính toán? Nếu như giữa những lung lay phổ biến khắp nơi đó mà bạn không tìm cách gắn tư tưởng về các quyền vào với lợi ích cá nhân con người, vấn đề duy nhất có thể thành một điểm cố định trong trái tim con người, thì liệu bạn còn lại những gì đem ra dùng để cai quản thế giới này, nếu không là nỗi sợ hãi?

Vâng, thì người ta có nói với tôi rằng luật pháp thì yếu còn những người dân bị cai trị thì ngỗ ngược; nói rằng đam mê thì cuồng nhiệt và đức hạnh thì chẳng có quyền hành, và trong hoàn cảnh đó thì chẳng nên nghĩ tới chuyện gia tăng các quyền dân chủ. Tôi đã trả lời rằng, chính vì những điều như thế mà tôi tin rằng ta nên tính chuyện tăng quyền dân chủ cho người dân. Và trên thực tế, tôi nghĩ rằng các chính quyền còn lo chuyện đó hơn là xã hội, bởi vì các chính quyền thì bị diệt vong, còn xã hội thì lại không sao chết được. Vả chăng, tôi cũng chẳng muốn lạm dụng chuyện đem nước Mĩ ra làm gương mãi.

Ở Mĩ, nhân dân có được các quyền chính trị vào cái thời con người khó mà đem chúng ra dùng vào việc xấu, vì khi đó số lượng công dân còn ít và tập tục còn giản đơn. Khi lớn mạnh lên, người Mĩ gần như không gia tăng thêm các quyền dân chủ; đúng hơn là họ chỉ mở rộng các lĩnh vực thực hiện thôi.

Không nghi ngờ gì cả, cái thời điểm giao các quyền chính trị cho một nhân dân cho tới khi đó vẫn chưa có các quyền ấy hẳn là một thời điểm khủng hoảng, cái khủng hoảng lắm khi cần thiết nhưng bao giờ thì cũng nguy hiểm.

Đứa trẻ gây ra cái chết khi nó chưa biết gì hết về cái giá của sự sống; đứa trẻ tước đoạt tài sản kẻ khác trước khi nó biết rằng người ta cũng có thể cướp đi tài sản của nó. Con người bình thường, vào thời điểm được giao các quyền chính trị, đứng trước các quyền đó anh ta cũng giống như đứa trẻ đứng trước giới tự nhiên, và thật thích hợp khi gán cho anh ta câu nói nổi tiếng này: Homo puer robustus.

Chân lí đó được thấy ở chính nước Mĩ. Các bang mà ở đó công dân của họ được hưởng các quyền sớm nhất là những bang biết rõ hơn cả cách dùng những quyền ấy.

Khó mà có thể nói gì nhiều hơn: chẳng gì có thể làm sinh sôi thật nhiều điều kì diệu hơn là cái nghệ thuật được sống tự do. Nhưng cũng chẳng có gì gian nan khổ ải hơn là việc học nghề tự do. Học nghề chuyên chế thì không như vậy. Nền chuyên chế lắm khi mang vẻ mặt của kẻ sửa chữa những thứ xấu xa con người từng chịu đựng biết bao lâu. Nó được coi là kẻ trụ đỡ cho công lí, kẻ ủng hộ những người bị áp bức và kẻ xây dựng trật tự. Các quốc gia ngủ vùi trong lòng sự thịnh vượng chốc lát; và rồi khi tỉnh giấc, họ thành những kẻ khốn cùng. Ngược lại, thông thường thì tự do ra đời giữa bão giông, nó đứng lên được một cách chật vật ngay giữa những mâu thuẫn nội bộ công dân, và chỉ khi nó đã già rồi thì con người mới nhận ra hết những điều tốt đẹp có được nhờ tự do.

Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)

Dịch giả:
Phạm Toàn