Bitcoin tiếp tục vững bước tiến vào các định chế tài chính chính thống
Tại thời điểm viết bài này (10:00 PM EST1 ngày 10/3/2021), giá trị của Bitcoin là khoảng 53.000 đô la sau khi giảm từ 57.000 đô xuống khoảng 43.000 đô vào gần cuối tháng Hai. Vào năm 2020, tiền mã hoá đã chứng kiến mức tăng siêu tốc từ dưới 6.000 đô vào tháng 3 lên tới giá trị như hiện tại.
Khi Bitcoin đạt mức cao nhất trong lịch sử, khoảng 20.000 đô la vào tháng 12 năm 2020, nhiều nhà đầu tư đã lo ngại đó chỉ đơn thuần là sự lặp lại của năm 2017, khi giá tăng đột ngột và sau đó cũng trượt dốc nhanh không kém. Tuy nhiên, không giống như năm 2017, việc tăng giá của Bitcoin vào năm 2020 không phải do cơn sốt của nhà đầu tư cá nhân mà là do sự quan tâm từ các tổ chức đầu tư quy mô lớn, điều này tạo ra sự bình ổn trong xu hướng tăng giá của Bitcoin. Công nghệ chuỗi khối (blockchain) và tiền mã hoá (cryptocurrencies) cũng đã được thừa nhận rộng rãi hơn kể từ năm 2017.
AIER đã lưu ý về sự khác biệt chủ yếu và quan trọng này vào tháng 12 năm 2020 khi Bitcoin đang nhích gần hơn đến mức giá lịch sử 20.000 đô la. Chúng tôi đã lưu ý rằng với các khoản đầu tư quy mô lớn từ các công ty công nghệ tài chính như Square, PayPal, sự chứng thực từ các ngân hàng như JPMorgan, kết hợp với những lo ngại về lạm phát toàn cầu do nới lỏng định lượng quy mô lớn, thì mức tăng giá của Bitcoin có vẻ hợp lý.
Truyền thông thổi phồng hay đầu tư gia tăng
Một chỉ báo hữu ích để cho thấy những điều kiện hoàn toàn khác biệt xung quanh sự tăng giá của Bitcoin trong năm 2017 so với hiện tại là phân tích mức độ tìm kiếm của Google để đo lường mức độ thổi phồng. Giá tăng do cơn sốt truyền thông thường kém bền vững hơn nhiều so với giá tăng chủ yếu bởi đầu tư của các nhà đầu tư có tổ chức và cam kết cao. Dưới đây là biểu đồ của Google về xu hướng tìm kiếm liên quan tới Bitcoin và GameStop - một cổ phiếu đã tăng vọt về giá trị và thu hút chú ý của truyền thông trước khi sụp đổ giống như Bitcoin vào năm 2017.
Biểu đồ xu hướng Bitcoin của Google
Biểu đồ Xu hướng GameStop của Google
Đồ thị cho thấy, sự quan tâm của truyền thông với Bitcoin gần như chỉ đạt một nửa so với thời điểm giá tăng đột ngột vào năm 2017 trong cơn cuồng loạn của các nhà đầu tư cá nhân. Tiền mã hoá và chuỗi khối là một ý tưởng ngoài lề vào năm 2017 nhưng như vào tháng 12 năm 2020, Nasdaq đã chỉ ra rằng,
“Các ngân hàng truyền thống hiện đang chấp nhận cuộc chơi và tung ra các dịch vụ liên quan đến tiền mã hoá. Sự thay đổi này trùng khớp với việc giá bitcoin đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 12.
Các ngân hàng có thể đã xem xét kỹ lưỡng các tài sản kỹ thuật số trong một thời gian, nhưng lại tỏ ra khó đoán định khi phát ngôn bất cứ điều gì trước công chúng. Hiện tại, họ dường như đang tham gia vào xu hướng chuyển dịch chung về phía tiền mã hoá vào nửa cuối năm 2020, bao gồm gã khổng lồ trong lĩnh vực thanh toán PayPal (PYPL) và các chuyên gia của các quỹ phòng hộ (hedge fund) bao gồm Paul Tudor Jones và Stanley Druckenmiller."
Với việc giá Bitcoin tăng đều từ tháng này qua tháng khác mà không có cơn sốt lớn nào từ phía truyền thông, có lý do để tin rằng giá trị của nó có thể là do sự thừa nhận bền vững từ các tổ chức hơn là do cơn sốt của các nhà đầu tư cá nhân.
Ngày càng được các định chế tài chính chính thống thừa nhận
Trước năm 2020, các nhà đầu tư lớn chắc chắn đã quan tâm đến công nghệ chuỗi khối và Bitcoin ,nhưng bây giờ sự quan tâm đã biến thành hành động. Tháng 2 năm 2021, trang Market Insider đã nhận xét rằng,
“Một báo cáo nghiên cứu từ Bank of America cho thấy các ngân hàng khổng lồ như JPMorgan và Citi đang sử dụng công nghệ chuỗi khối, trong khi các ngân hàng khác đang xem xét cho phép khách hàng thương mại và khách hàng tổ chức giữ tiền mã hoá trong tài khoản của họ.”
Một bài báo từ Coindesk cho biết gần đây nhất vào tháng 1 năm 2021, Goldman Sachs đã thêm Bitcoin vào bảng xếp hạng tài sản toàn cầu của mình. Bài báo viết,
“Goldman Sachs, công ty nổi tiếng ở Phố Wall, đã không đưa Bitcoin vào bảng xếp hạng hàng tuần về lợi nhuận của các nhóm tài sản toàn cầu cho đến tận cuối tháng 1, khi đồng tiền mã hoá lớn nhất lặng lẽ xuất hiện đứng đầu bảng xếp hạng.
Nhưng kể từ đó, khoảng cách dẫn đầu của Bitcoin (BTC, +6,6%) so với các tài sản từ cổ phiếu đến trái phiếu, dầu mỏ, ngân hàng, vàng và cổ phiếu công nghệ và đồng Euro đã nới rộng.
Tính đến ngày 4 tháng 3, lợi nhuận hàng năm của Bitcoin ở mức khoảng 70%, gần gấp đôi so với đối thủ cạnh tranh gần nhất là lĩnh vực năng lượng, vào khoảng 35%, theo báo cáo “US Weekly Kickstart” mới nhất của Goldman Sachs.”
Hơn nữa, theo trang Bitcoin.com,
“Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs đang nhận thấy các tổ chức có nhu cầu lớn đối với bitcoin mà không có dấu hiệu hạ nhiệt. Một cuộc khảo sát đối với các khách hàng tổ chức của Goldman cho thấy 61% mong đợi tăng lượng nắm giữ tiền mã hoá của họ. Trong khi đó, 76% cho rằng giá Bitcoin có thể đạt 100.000 USD trong năm nay.”
Các công ty lớn cũng đang bắt đầu nắm giữ Bitcoin để đa dạng hóa tài sản của họ giống như việc nắm giữ vàng. Một hồ sơ trình Uỷ ban Chứng khoán Mỹ (SEC) của Tesla đã nêu rõ:
“Theo chính sách riêng, chúng tôi có thể đầu tư một phần tiền mặt vào một số tài sản dự trữ thay thế cụ thể. Sau đó, chúng tôi đã đầu tư tổng cộng 1,50 tỷ đô la vào bitcoin theo chính sách này. Hơn nữa, chúng tôi dự kiến sẽ bắt đầu chấp nhận Bitcoin như một hình thức thanh toán cho các sản phẩm của mình trong một tương lai gần, tuân theo pháp luật liên quan và ban đầu áp dụng một cách hạn chế, chúng tôi có thể chấp nhận hoặc không khi nhận được thanh toán.”
Chúng ta có thể mong đợi xu hướng như vậy sẽ tiếp tục khi nhiều công ty và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp dần thoải mái hơn với việc đầu tư vào tiền mã hoá.
Dưới đây là biểu đồ cho thấy các địa chỉ Bitcoin đang hoạt động tăng đều sau mức tăng đột biến vào gần cuối năm 2017, chứng tỏ rằng việc được thừa nhận hàng loạt cũng đang tăng lên cùng với đầu tư tổ chức.
Theo một bài báo được Forbes xuất bản vào tháng 7 năm 2020, khoảng 15% người trả lời khảo sát nói rằng họ đầu tư vào Bitcoin hoặc Ethereum, và khoảng một nửa trong số đó mới bắt đầu đầu tư vào năm 2020. Trong bối cảnh, theo Statista, khoảng 55% dân số Hoa Kỳ đầu tư vào chứng khoán. Những xu hướng này cho thấy sự quan tâm và thoải mái ngày càng tăng đối với Bitcoin trên cả mặt trận nhà đầu tư tổ chức và cá nhân. Điều này cũng cho thấy có thể vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng tại thời điểm này.
Bitcoin giống như một tài sản
Có nhiều cuộc tranh luận về việc liệu Bitcoin có được thừa nhận chính thống như một dạng tiền tệ như đô la Mỹ hay không. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư tiềm năng lo ngại và đặt câu hỏi về giá trị tăng vọt của nó. Motley Fool trích lời Matt Frankel,
“Nó dao động quá mạnh. Chắc bạn không muốn mua một loại tiền tệ có thể tăng giá gấp đôi hoặc giảm còn một nửa trong mỗi một tuần.”
Đây là một yếu tố quan trọng cần lưu ý vì giá có thể dao động dữ dội trong vài giờ và không rõ phần nào là do đầu tư tổ chức dài hạn hay do đầu tư cá nhân. Mặc dù có khả năng giá trị dài hạn của Bitcoin sẽ tiếp tục tăng, nhưng sự thay đổi giá ngắn hạn do đầu tư bán lẻ tạo ra một mức độ bất trắc đáng kể.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, có vẻ như tâm lý chủ đạo là người ta đang coi Bitcoin là một loại hàng hóa có giá trị cao như vàng và bạc, và sẽ không yêu cầu nó phải được chấp nhận như một đồng tiền hợp pháp để định giá.
Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa là Bitcoin không được sử dụng ngày càng phổ biến như một loại tiền tệ. Jim Barth, một thành viên cấp cao tại Viện Milken, đã cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng ông nhận thấy người tiêu dùng ngày càng tăng sử dụng Bitcoin. Động lực chính của sự gia tăng giá hợp lý của Bitcoin xuất phát từ nguồn cung hữu hạn và việc được chấp nhận chính thức là một khoản đầu tư như đã nói trên.
CNBC lưu ý rằng Giám đốc điều hành của ARK Investment Management, Cathie Wood, tin rằng Bitcoin có thể trở thành một khoản mục được khuyến nghị trong danh mục đầu tư theo phân bổ 60-20-20; 60% cổ phiếu, 20% trái phiếu, 20% tiền mã hoá.
Mike McGlone, chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại Bloomberg đã viết tweet sau đây vào ngày 8 tháng 3 năm 2021.
“#Vàng kỹ thuật số gạt vàng sang một bên - Vàng sẽ luôn có một vị trí trong các bộ sưu tập đồ trang sức và tiền xu, nhưng hầu hết các chỉ số đều cho thấy tốc độ ngày càng tăng của #Bitcoin thay thế kim loại để trở thành một kho lưu trữ giá trị trong danh mục đầu tư của nhà đầu tư.”
Mặc dù McGlone đã quá lạc quan về giá Bitcoin trong quá khứ, các cổ phiếu liên quan đến vàng tín dụng của ông ấy như SPDR Gold Trust (GLD) đã giảm giá trị kể từ mùa hè khi giá trị của Bitcoin tiếp tục tăng. Hơn nữa, khi lợi tức trái phiếu tăng đột biến vào đầu tháng 3 năm 2021, các nhà đầu tư rút tiền ra khỏi cổ phiếu công nghệ và các tài sản đầu cơ khác, khiến nhiều cổ phiếu sụt giảm hai con số. Giá của Bitcoin về cơ bản không bị ảnh hưởng và tiếp tục đi lên tại thời điểm viết bài này, điều này có thể phản ánh rằng các nhà đầu tư xem nó như một phương tiện lưu trữ giá trị thay thế chứ không phải là một cổ phiếu đầu cơ.
Tháng 10 năm 2020, Forbes viết:
“Thị trường bitcoin đã trưởng thành kể từ khi giám đốc điều hành JP Morgan Jamie Dimon gọi Bitcoin là “trò lừa đảo” vào tháng 9 năm 2017. Thị trường được hỗ trợ bởi giá Bitcoin (vẫn còn rất biến động) được chấp nhận như một tài sản phòng ngừa lạm phát bên cạnh vàng.
Hiện tại, JP Morgan cho rằng đà tăng trưởng mạnh mẽ của Bitcoin năm 2020 có thể sẽ tiếp tục duy trì, vì giá Bitcoin đã tăng “đáng kể” trong dài hạn vì nó cạnh tranh tốt hơn vàng để trở thành một “loại tiền tệ thay thế".
Khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư và chuyên gia lớn đặt mục tiêu giá trong phạm vi từ 65.000 đến 100.000 đô la Mỹ, cùng với việc nhận được thêm sự chấp thuận và những lo ngại dễ hiểu về lạm phát, thì sự tăng trưởng của Bitcoin có vẻ khá hấp dẫn. Hiện tại, ý tưởng về tiền mã hoá và công nghệ chuỗi khối vẫn là công nghệ mới nổi nhưng có lúc chúng đã bị cho ra rìa. Việc Bitcoin ngày càng nhận được nhiều sự chấp thuận không chỉ hỗ trợ cho sự tăng giá trị của Bitcoin mà còn thể hiện một bước ngoặt thú vị trong thế giới tài chính.
Chú thích:
(1) Múi giờ miền Đông nước Mỹ, tương đương GMT-4
Nguồn: Ethan Yang, Bitcoin Continues Steady Mainstream Adoption, AIER, 10/3/2021