[Luật Pháp] - Lời giới thiệu
Lời giới thiệu (Walter E. Williams)
Phải đến năm bốn mươi tuổi tôi mới đọc tác phẩm kinh điển Luật Pháp của Frederic Bastiat. Tôi mãi mãi mang ơn, một người mà tôi không biết tên, đã gửi cho tôi cuốn sách này. Sau khi đọc, tôi tin rằng chưa đọc Bastiat thì hiểu về tự do vẫn còn chưa thể nói là trọn vẹn. Đọc Bastiat khiến tôi nhận thức sâu sắc về khoảng thời gian lãng phí, cùng những thất vọng về quá trình lạc lối giữa những con đường không lối thoát khi đi tìm triết lí cho cuộc đời mình. Đối với tôi, tác phẩm Luật Pháp không tạo ra sự chuyển biến về mặt triết học nhiều như nó từng tạo lập trật tự trong suy nghĩ của tôi về tự do và cách hành xử đúng đắn của con người.
Nhiều nhà triết học đã có những đóng góp quan trọng vào cuộc thảo luận về tự do, Bastiat nằm trong số đó. Nhưng đóng góp lớn nhất của ông là đã đưa cuộc thảo luận ra khỏi tháp ngà và làm cho tư tưởng về tự do trở nên rõ ràng đến mức ngay cả những người không biết chữ cũng có thể hiểu, còn những người sùng bái nhà nước thì không thể che giấu được. Rõ ràng, việc thuyết phục nhân dân về tính ưu việt trên phương diện đạo đức của tự do cá nhân là công việc cực kì quan trọng.
Giống như nhiều người, Bastiat cho rằng chính phủ là mối đe doạ lớn nhất đối với tự do. Xin lưu ý sự mạch lạc trong ngôn ngữ của ông, nó giúp chúng ta nhận ra và hiểu những hành động xấu xa của chính phủ được hợp pháp hóa. Bastiat viết: “Chỉ cần xem luật pháp có lấy những cái thuộc về một số người nào đó và đem cho những người mà chúng không thuộc về. Chỉ cần xem luật pháp có làm lợi cho công dân này mà công dân khác phải trả giá bằng cách làm cái điều mà tự người công dân kia không thể làm mà không phạm tội”. Với cách mô tả chính xác như thế về hành động xấu xa được hợp pháp hóa, chúng ta không thể không kết luận rằng hầu hết các hoạt động của chính phủ, trong đó có chính phủ của chúng ta, là cướp bóc được hợp pháp hóa, hoặc dùng ngôn ngữ hiện đại là ăn cắp được hợp pháp hóa.
Frederic Bastiat có thể dễ trở thành người đồng hành với những người đã ký tên vào bản Tuyên ngôn Độc lập của nước ta. Quan điểm về tự do và vai trò thích hợp của chính phủ của những người đã ký vào bản Tuyên ngôn Độc lập thể hiện rõ trong câu nói bất hủ: “Chúng tôi khẳng định một chân lí hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng Tạo hóa đã ban cho họ một số quyền bất khả tương nhượng, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Rằng các chính phủ được lập ra là để đảm bảo cho những quyền này…”. Bastiat chia sẻ quan điểm hệt như thế khi viết: “Đời sống, năng lực, sản xuất - nói cách khác, cá tính, tự do, tài sản - chính là con người. Và bất chấp sự xảo quyệt của các nhà lãnh đạo chính trị khéo léo, ba món quà của Chúa vẫn có trước và đứng trên luật lệ do con người đặt ra”.
Bastiat gán cho chính phủ những lí do tương tự như các Nhà Lập quốc Mĩ, khi viết: “Cuộc sống, quyền tự do và tài sản tồn tại trên đời không phải vì con người đã làm ra luật pháp. Ngược lại, sự kiện là cuộc sống, quyền tự do và tài sản đã có từ trước, và điều đó buộc người ta phải coi luật pháp là tối thượng”. Không có lời tuyên bố nào về những quyền tự nhiên được Chúa ban cho hay hơn là những lời lẽ trong Tuyên ngôn Độc lập của Mĩ và trong tác phẩm Luật Pháp của Bastiat.
Bastiat gắn hi vọng về tự do vào nước Mĩ khi ông viết: “...Hãy nhìn vào nước Mĩ. Không có quốc gia nào trên thế giới mà luật pháp lại được thể hiện khuôn khổ thích hợp đến như thế: Bảo vệ quyền tự do và tài sản của mỗi người. Kết quả là, dường như không có quốc gia nào trên thế giới mà trật tự xã hội lại được xây dựng trên nền tảng vững chắc đến như thế”. Năm 1850, Bastiat nhận xét rằng có hai vấn đề mà Mĩ còn thiếu sót: “Nô lệ là vi phạm - bằng luật pháp luật - quyền tự do. Thuế xuất nhập khẩu có tính bảo hộ là vi phạm - bằng luật pháp - quyền sở hữu tài sản”.
Nếu Bastiat còn sống đến ngày hôm nay thì hẳn là ông sẽ thất vọng trước việc chúng ta không thể giữ luật pháp trong khuôn khổ thích hợp của nó. Trong suốt hơn một thế kỉ rưỡi vừa qua, chúng ta đã tạo ra hơn 50.000 bộ luật. Hầu hết trong số đó cho phép nhà nước sử dụng bạo lực chống lại những người chưa từng sử dụng bạo lực để chống lại những người khác. Đấy là những bộ luật như cấm hút thuốc lá ở các cơ sở tư nhân và “đóng góp” cho an sinh xã hội đến luật về môn bài và luật lương tối thiểu. Trong mỗi trường hợp, người kiên quyết đòi hỏi và bảo vệ quyền do Chúa ban cho mình là được ở một mình cuối cùng có thể bị chết dưới bàn tay của chính phủ của chúng ta1
Bastiat giải thích việc đòi hỏi phải có những đạo luật hạn chế việc trao đổi một cách hòa bình, tự nguyện và trừng phạt những người mong muốn được ở một mình bằng cách nói rằng những người xã hội chủ nghĩa muốn đóng vai trò của Chúa. Những người xã hội chủ nghĩa coi nhân dân là nguyên liệu thô phải được đưa vào các liên kết xã hội. Đối với họ - những kẻ ăn trên ngồi trốc - “các mối quan hệ giữa dân chúng và các nhà lập pháp cũng chẳng khác gì quan hệ giữa cục đất sét và người thợ gốm”. Và đối với những người có quan niệm như thế, Bastiat đã tỏ ra tức giận, tôi nhận thấy điều này trong tác phẩm Luật Pháp khi ông chỉ trích những nhà cải cách hăng say và những người sẽ cai trị nhân loại: “Ôi, quý vị là những người khốn khổ! Quý vị nghĩ rằng mình là người vĩ đại đến mức như thế ư! Quý vị đánh giá nhân loại thấp như vậy ư! Quý vị muốn cải cách tất cả mọi thứ! Tại sao quý vị không tự cải cách chính mình? Nhiệm vụ này cũng quá đủ rồi”.
Bastiat là một người lạc quan, ông cho rằng lập luận hùng hồn nhằm bảo vệ tự do có thể cứu được bàn thua trông thấy, nhưng lịch sử không đứng về phía ông. Lịch sử nhân loại là quá trình kiểm soát và lạm dụng một cách tùy tiện và có hệ thống bởi những tầng lớp ăn trên ngồi trốc tự tung tự tác, thông qua nhà thờ, nhưng chủ yếu là thông qua chính phủ. Đây là lịch sử đầy bi kịch, hàng trăm triệu linh hồn bất hạnh đã bị tàn sát, chủ yếu là bởi chính phủ của họ. Một nhà sử học hai trăm hoặc ba trăm năm sau có thể coi các quyền tự do dành cho một phần rất nhỏ nhân loại, chủ yếu là ở các nước phương Tây, trong thời gian rất nhỏ của lịch sử, một hoặc hai thế kỉ vừa qua, như là một sự kì quặc của lịch sử, không thể giải thích nổi. Nhà sử học đó cũng có thể nhận xét rằng sự kì quặc chỉ là hiện tượng tạm thời và nhân loại đã quay trở lại với cách làm truyền thống - kiểm soát và lạm dụng một cách tùy tiện.
Hi vọng rằng lịch sử sẽ chứng minh rằng đánh giá bi quan như thế là sai. Tư tưởng của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản bị mất giá trên bình diện toàn cầu cho ta hi vọng. Một dấu hiệu hi vọng nữa là sáng tạo, đổi mới về mặt công nghệ làm cho chính phủ khó thu thập thông tin về công dân của mình và kiểm soát họ. Những cách tân, như khả năng tiếp cận thông tin, thông tin liên lạc và các giao dịch tiền tệ điện tử sẽ làm cho những nỗ lực của chính phủ trong việc kiểm soát trở thành tốn kém hơn và khó có khả năng xảy ra hơn. Những cách tân về công nghệ như thế sẽ làm cho các công dân thế giới ngày càng có điều kiện giao tiếp và trao đổi với nhau mà không cần kiến thức, sự chấp thuận hoặc cho phép của chính phủ.
Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản và những sáng tạo, đổi mới về công nghệ, cùng với những tổ chức thị trường tự do mạnh mẽ, đang thúc đẩy những tư tưởng của Bastiat, là những sự kiện lạc quan nhất mà tôi có thể nói về tương lai của tự do ở Mĩ. Người Mĩ chia sẻ gánh nặng khó khăn và trách nhiệm đạo đức. Nếu tự do ở Mĩ chết, thì chắc chắn là nó sẽ chết ở tất cả những nơi khác. Làm quen với những tư tưởng rõ ràng của Bastiat về tự do sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc nhen nhóm lại lòng tôn trọng, tình yêu và tạo điều kiện cho sự hồi sinh tinh thần tự do trong những người đồng bào của chúng ta.
Walter E. Williams là Giáo sư kinh tế học tại George Mason University, Fairfax, Virginia, Mĩ.
Chú thích:
(1) Tử hình không phải là hình phạt được nói rõ vì tội bất tuân; nhưng người không chấp hành hình phạt vì tội bất tuân chính phủ có thể bị tử hình
Dịch theo bản tiếng Anh The Law do Dean Russell dịch, Foundation for Economic Education, Irvington-on-Hudson, New York; tham khảo bản dịch tiếng Nga của S. A. Nikolaev.
Nguồn bản dịch: Claude – Frédéric Bastiat. Luật pháp. NXB Tri Thức, 2018. Link khác: https://phamnguyentruong.blogspot.com/2017/08/luat-phap-frederic-bastiat-1.html