[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 38 - Opa
Mặc dù Hayek không dành nhiều thời gian cho con cái khi họ lớn lên và đặc biệt ở tuổi thanh niên của họ, ông vẫn trở nên gần gũi với họ, nhất là người con trai, trong giai đoạn tuổi già kéo dài của mình. Năm 1978, khi được phỏng vấn về gia đình, ông trả lời, “Một con trai và một con gái. Con trai tôi đã kết hôn; là bác sỹ, hay đúng hơn giờ đã trở thành nhà vi khuẩn học. Cậu ấy đang sống ở Devoni, trong những điều kiện lý tưởng, với ba đứa con – vợ là người Anh. Còn con gái là nhà côn trùng học tại Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên Anh (British Museum of Natural History) ở London.”
Con trai Hayek là Larry, con dâu là Esca, cùng ba người con của họ (hai gái và một trai) sống ở miền Nam nước Anh. Những năm 1970 và đầu 1980, Hayek đều đặn đến thăm họ, khoảng một hay hai lần mỗi năm. Lúc này điều kiện tài chính đã dễ dàng hơn sau khi ông được trao Giải Nobel. Ông đến Anh một mình trong các chuyến đi ấy. Chuyến đi thông thường kéo dài khoảng một tuần. Ông thường dành vài ngày ở London, nói chuyện với nhà xuất bản của mình, thăm IEA (Viện Nghiên cứu các Vấn đề Kinh tế), ghé vào Reform Club (Câu lạc bộ Cải cách), và có lẽ thì thầm vào tai một hai chính khách nào đấy. Sau đó ông đến Devon một số ngày, nơi gia đình con trai ông có một ngôi nhà xinh xắn nằm ở ngoại vi vùng nông thôn. Esca Hayek còn nhớ bố chồng là một “con người của gia đình – ông yêu gia đình và rất quý các cháu.”Ông được gọi là “Opa,” tên gọi ông nội thân mật của người Áo. Ông đọc chuyện cho các cháu nghe và thích đưa cả nhà đi ăn nhà hàng. Esca Hayek kể, “ông rất thích đến đây, dạo bước trên phố High Street. Ông thường nói, ‘Tôi chỉ mong sao bạn bè có thể nhìn thấy tôi bây giờ!’ Chúng tôi chính là bí mật của ông.”
Những người con của ông còn nhớ, “cuộc đời” ông là “công việc.”Gia đình có lần tặng ông một chiếc đồng hồ tự động, nhưng ông không thể sử dụng được bởi ông vận động không đủ để cho nó tự lên dây. Ông đeo một chiếc nhẫn trên đó có khắc huy hiệu gia đình – kiểu hải quân – và hiện được sử dụng như biểu tượng trên các trang tiêu đề và trang bìa của bộ F.A. Hayek toàn tập (The Collected Works of F. A. Hayek). Ông thường ngồi trên chiếc ghế bành ở nhà người con trai, đối diện với lò sưởi, với con mèo trên đùi. Gia đình đến thăm ông ở Đức khi ông bước vào cuối độ tuổi bát tuần và bắt đầu không thể đi lại được nữa. Mấy đứa cháu yêu quý ông của chúng, như ông yêu quý chúng vậy.
Lionel (bấy giờ đã là Lord) Robbins từng một lần dành thời gian tới Devon với Hayek. Năm 1978, Hayek nhận xét là khi ông đặt chân đến nước Anh lần đầu tiên năm 1931, Robbins đã trở thành “người bạn gần gũi nhất, và nay vẫn còn thế, dù giờ đây chúng tôi rất hiếm khi gặp nhau.”Robbins thích thú đãi đằng gia đình Hayek với những câu chuyện nội bộ về những diễn biến hàng ngày nóng hổi nhất cùng những chuyện tầm phào ở Thượng viện (House of Lords). Trong một cuộc phỏng vấn năm 1983, Hayek kể lại lần gặp gỡ cuối cùng với người bạn già của mình, người mà ông vừa mới gặp. Khi được hỏi về Robbins, ông đáp, “Không thật tốt, tình hình đang ảm đảm. Trên một số phương diện, ông khá tồi tệ hơn so với lần đầu tiên tôi gặp ông sau khi bị đột quỵ. Về mặt tinh thần, những gì ông nói ra, với nỗ lực lớn, là hoàn toàn dễ hiểu, nhưng rõ ràng ông phải nỗ lực ghê gớm để tập trung khi nói. Ông tạo ấn tượng một người về hưu đã kiệt sức, và điều khiến tôi bị sốc hơn cả là sự thay đổi trong cách biểu cảm trên gương mặt ông. Đối với tôi điều này thật buồn bã đáng sợ.”
Cuộc gặp vui vẻ sau này với Robbins diễn ra vào ngày 27 tháng 1 năm 1981 (trước khi Robbins bị đột quỵ), khi Hayek trình bày bài thuyết trình cuối cùng của mình tại LSE, “Dòng hàng hoá và dịch vụ” (The Flow of Goods and Services), năm mươi năm sau ngày ông trình bày bài thuyết trình đầu tiên ở trường. Robbins ngồi trên ghế chủ toạ, như nửa thế kỷ trước. Căn phòng chật kín người, có cả các thành viên gia đình Hayek đến dự. Bill Letwin, học trò cũ của ông, còn nhớ là “thật sung sướng dù chỉ được nghe Hayek thuyết trình thêm một lần nữa.”Số người muốn tham dự nhiều hơn so với sức chứa của căn phòng. Trong lời dẫn bài nói chuyện, Hayek phát biểu rằng các bài thuyết trình tại LSE năm 1931 là lần đầu tiên ông sử dụng khái niệm về sau trở thành ý tưởng dẫn dắt trong nhiều công trình sau này của ông – chức năng tín hiệu của giá cả.
Những năm tháng ở Vienna sau này, ông cũng theo Helene đến thăm gia đình con trai của bà. Các chuyến thăm viếng thường diễn ra vào mùa hè hàng năm, kéo dài khoảng một tuần. Ông cũng tìm thấy ở đây sự mãn nguyện gia đình, với tư cách “Onkel Fritz” – “Bác Fritz.” Con trai vợ ông, một giáo sư vật lý tại Đại học Vienna, còn nhớ ông là một người “lôi cuốn,” “người đàn ông thực sự nhất” mà mình từng gặp, và là một người biết lắng nghe, ông kể về những gì mà ông đang viết. Tư tưởng của ông phát triển qua từng năm, và thật lý thú khi lần theo những bước tiến trong các công trình của ông. Đối với cả hai bên gia đình, ông đều tạo ra ấn tượng một nhà khoa học, người tự coi mình chỉ là một công cụ tìm kiếm chân lý. Bản thân ông thì không quan trọng. Chân lý mới là quan trọng. Charlotte Cubitt còn nhớ Hayek và Helene là những người rất hay nói chuyện.
Cuối những năm 1970 và đầu 1980, Hayek tham dự nhiều cuộc hội nghị và hội thảo trên thế giới, tại những địa danh lạ lẫm như Iceland, Bồ Đào Nha, Nam Mỹ (bao gồm Argentina, Venezuela, Peru, và Brazil), Hàn Quốc, và Hồng Kông, cùng với những chuyến thăm viếng thường xuyên hơn tới Tây Đức, Áo, Anh, và Mỹ. Ông đến Nam Phi năm 1978. Đây là lần đầu tiên ông tới đất nước này kể từ năm 1963. Những gì diễn ra ở đây cho phép hình dung lịch trình của ông vào giai đoạn ấy. Ông lưu lại 28 ngày, trình bày 11 bài thuyết trình, tham gia hai cuộc hội thảo, và phát biểu ngắn gọn trong một số cuộc gặp chính thức khác. Trong báo cáo của Quỹ Thị trường Tự do Nam Phi (South Africa Free Market Foundation) về chuyến thăm của ông, giám đốc điều hành Quỹ, Leon Louw, viết rằng Hayek là “khách mời danh dự tại 21 bữa tiệc trưa, tiệc chiều, đại tiệc hay các cuộc đón tiếp, với sự có mặt của khoảng 480 người Nam Phi, gồm đa số các nhà lãnh đạo kinh doanh xuất chúng nhất, các quan chức chính phủ, các nhà khoa học hàn lâm, các nhà biên tập và nhà báo tài chính.” Hai cuộc phỏng vấn truyền hình, hai cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh, hai cuộc họp báo, và một số cuộc phỏng vấn được công bố khác đã diễn ra với ông. Trong bức thư gửi một Hayek 79 tuổi sau chuyến thăm, Louw viết, “Cám ơn ngài rất, rất nhiều vì đã đến Nam Phi bất chấp kế hoạch làm việc dày đặc của ngài,” và “Cuối cùng, tôi xin phép nhắc lại là tất cả mọi người đều hết sức ấn tượng về vợ chồng ngài, về năng lực của ngài – tinh thần và thể chất – và hiểu biết sâu sắc cũng như tri thức uyên bác của ngài ở rất nhiều chuyên ngành. Chắc chắn là ngài đều nhận thấy phản ứng đó ở bất cứ nơi nào mà ngài đến.” Tóm tắt ý kiến của Hayek về tình hình chính trị Nam Phi, Louw viết, “mặc dù cá nhân ông không tán thành với nhiều chính sách của Nam Phi, ông vẫn coi những tiêu chuẩn hai mặt (double standard), thái độ thù địch và sự can thiệp của cộng đồng quốc tế là ‘tai tiếng.’ Không ngạc nhiên là để phản ứng lại, nhiều người dân Nam Phi đã tập hợp sau lưng chính phủ trong khi họ có thể không hành động như thế ở hoàn cảnh khác.”Ngay trước khi đến Nam Phi, Hayek đã tới Nhật Bản để toạ đàm với thủ tướng và bộ trưởng kinh tế Nhật. Gần thời gian ấy ông cũng được các chính phủ Tây Đức và Chile tham khảo ý kiến.
Một số bài thuyết trình của Hayek đem lại thu nhập thích đáng. Năm 1981, ông diễn thuyết tại Hội nghị Thường niên của ngân hàng Visa International với đề tài “Đơn vị tương lai của giá trị” (The Future Unit of Value). Visa liên hệ với ông về vấn đề phát hành tiền bởi các tổ chức tư nhân. Ông nhận được khoản thù lao 15.000USD, cùng với chi phí đi lại và ăn ở cho ông và Helene.
Hayek đưa ra những nhận xét sau đây khi tham dự một diễn đàn ở Venezuela năm 1981 về “Kinh tế, Chính trị và Xã hội.” Ông nhận thấy “sự hồi sinh của chủ nghĩa tự do với giới trẻ. Không phải thứ mà phần lớn mọi người gọi là chủ nghĩa tự do (liberalism); đó là thứ chủ nghĩa xã hội (socialism). Mà là chủ nghĩa tự do cá nhân (libertarianism).”Ông bắt đầu thực sự lạc quan hơn về triển vọng của kiểu xã hội mà ông tin tưởng. Năm 1985, trong lời giới thiệu cho một công trình, ông viết, “từ đầu những năm 1970, đối với tôi dường như khó có thể có ai đấy đang nghe theo luận điểm ủng hộ chủ nghĩa tự do. Tuy nhiên, trong năm hay mười năm qua tôi đã nhìn thấy sự thay đổi mà tôi vốn không bao giờ nghĩ là nó sẽ đến.”Khi được một nhà báo Venezuela hỏi về các chế độ “toàn trị” (totalitarian) ở Châu Mỹ Latin, ông đáp, “Đừng nhầm lẫn chế độ toàn trị (totalitarianism) với chế độ độc đoán (authoritarianism). Tôi không biết đến chính phủ toàn trị nào ở Châu Mỹ Latin. Duy nhất là ở Chile dưới thời [cựu tổng thống mácxít Salvador] Allende. Chile giờ đây là một thành công vĩ đại. Thế giới sẽ đến lúc đánh giá sự phục hồi của Chile như một trong những kỳ tích kinh tế trong thời đại chúng ta.”
Tháng 1 năm 1980, trong bức thư gửi tạp chí Times ở London, công bố dưới tiêu đề “Giải phóng con tin ở Tehran,” ông đã bày tỏ các quan điểm về chính sách ngoại giao. Ông viết, ông “thực sự khó hiểu trước thái độ kiềm chế của Mỹ trong tình huống khẩn cấp gần đây. Đối với tôi, dường như tương lai của các mối quan hệ quốc tế hoà bình và sự an toàn của những người ở nước ngoài hẳn sẽ được phụng sự tốt hơn nếu chính phủ Mỹ ngay lập tức gửi tối hậu thư tuyên bố: nếu bất kỳ một nhân viên đại sứ quán nào không được trao trả bình yên vô sự cho đại diện chính phủ Mỹ trong vòng 48 giờ, thì bom sẽ rơi với cường độ mỗi lúc một tăng ngay tại vị trí của chính phủ Iran.”
Năm 1983, ông bị chỉ trích ở Argentina vì lá thư gửi tạp chí Times trong cuộc chiến tranh Falklands, “Argentina có lẽ phải được nhắc nhở rằng không có quy định nào trong luật quốc tế cho phép việc đáp trả một cuộc tấn công khác vào nơi từng 150 năm nằm dưới quyền kiểm soát của Anh bằng một cuộc phản kích nào đấy vào nguồn gốc địa lý của hành động hiếu chiến như vậy. Đây rất có thể là cách bảo vệ hữu hiệu hơn so với việc biến Falklands thành một pháo đài.”Ông hy vọng bức thư sẽ dẫn đến cuộc thảo luận công khai, tuy nhiên sự phản ứng đã khiến ông thất vọng.
Đầu năm 1983, ông bày tỏ quan điểm về học thuyết kinh tế của Reagan (Reaganomics) và chính sách quốc phòng:
Hỏi: Nền kinh tế thế giới đang trải qua hiện tượng suy thoái kéo dài nhất kể từ thời điểm kết thúc Thế chiến II. Chúng ta có các mô hình kinh tế thị trường để vượt qua cuộc suy thoái đó, và chúng ta có các mô hình xã hội chủ nghĩa. Ngài nghĩ gì về mô hình kinh tế thị trường của tổng thống Reagan?
Đáp: Tổng thống Mỹ đang đi theo hướng hoàn toàn đúng đắn. Vậy thì tại sao tình hình lại diễn ra chậm chạp ở Mỹ? Tôi thực sự nghi ngờ cái lý thuyết nổi tiếng theo đó các bạn có thể tăng nguồn thu thuế thông qua cắt giảm thuế. Ở mức độ nào đó, chắc chắn các bạn có thể; tuy nhiên, nhân tố định lượng lại rất đáng đặt dấu hỏi. Tôi đang tự hỏi liệu những trông đợi dựa trên tuyên bố của Reagan là ông ta đang chuẩn bị cân bằng được ngân sách của mình bằng biện pháp cắt giảm thuế có phải là không quá lạc quan ngay từ đầu hay không.
Hỏi: Chi tiêu quốc phòng cao không phải là một nhân tố ở đây hay sao?
Đáp: Tôi tin là Reagan đã đúng khi không giảm chi tiêu vũ trang. Hoà bình thế giới phụ thuộc vào việc nước Mỹ tiếp tục hùng mạnh. Thực chất vấn đề là liệu chúng ta có đưa mình vào một tình huống mà ở đó Liên bang Xôviết có thể hăm doạ chúng ta tới mức chúng ta nhượng bộ hoàn toàn. Phương Tây phải tiếp tục hùng mạnh chí ít là như Liên bang Xôviết. Tôi không tin bất kỳ người Nga nào cũng điên khùng đến mức khởi sự chiến tranh hạt nhân. Nhưng nếu bao giờ Liên bang Xôviết ở vị thế đe doạ được chúng ta với ưu thế quân sự thì họ sẽ không ngần ngại làm bất cứ điều gì mà họ muốn.
Ông hết sức quan tâm đến tình trạng thâm hụt ngân sách liên bang ở Mỹ. Trong một bức thư gửi tạp chí Times, ông viết “Thưa ngài, ngài sẽ làm một việc phụng sự công chúng nếu ngài cho đăng dưới dạng chữ in hoa cái chân lý cơ bản là NẾU CHÍNH PHỦ MỸ VAY MỘT LƯỢNG LỚN TIẾT KIỆM CỦA THẾ GIỚI ĐỂ TÀI TRỢ CHO CHI TIÊU HIỆN HÀNH, THÌ LƯỢNG TƯ BẢN SẴN CÓ CHO MỤC ĐÍCH ĐẦU TƯ BẤT CỨ Ở ĐÂU CŨNG ẮT SẼ TRỞ NÊN HIẾM HOI VÀ ĐẮT ĐỎ.” Đây không phải là lần đầu tiên ông viết thư cho một tờ báo đề nghị sử dụng chữ in hoa. Năm 1978, ông viết thư gửi ban biên tập tờ Wall Street Journal, “Các bạn có thể đăng trên trang nhất của mọi số báo dưới dạng chữ tiêu đề cái chân lý giản đơn: LẠM PHÁT LÀ DO CHÍNH PHỦ VÀ CÁC CƠ QUAN CỦA NÓ GÂY RA – KHÔNG AI KHÁC CÓ THỂ MẢY MAY LÀM ĐƯỢC GÌ VỀ ĐIỀU ĐÓ. Việc này có thể đem lại lợi ích cho một số nhóm nào đấy!” Tuy nhiên, ông chép trong cuốn sổ cắt dán của mình là bức thư chỉ được công bố một lần và dưới dạng chữ thường.
Năm 1983, Hayek được tạp chí Economist đề nghị tham gia loạt bài phê bình nhân 100 năm ngày sinh Keynes. Những lời cuối cùng của ông về về người bạn cũ ở Cambridge được đăng trên số ra ngày 11 tháng 6. Ở đây ông viết, ông “cho rằng có lẽ nhân vật với trí tuệ ấn tượng nhất mà tôi từng gặp và là người mà tôi thừa nhận ngay sự vượt trội trí tuệ nói chung đã hoàn toàn sai lầm ở công trình khoa học mà ông chủ yếu được biết tới.”Trong bài phỏng vấn báo chí trước đó ông đã tỏ ra thiện chí hơn chút ít, khi trả lời câu hỏi “Giữa lý thuyết kinh tế của ông và của Keynes có sự tương đồng nào không?” “Không. Theo tôi về cơ bản Keynes cũng là người ủng hộ tự do thương mại và kinh tế. Nhưng với nhiều dè dặt và hạn chế. Ông ta chưa bao giờ hoàn toàn nhất quán. Chúng tôi là bạn bè nhưng chúng tôi hiếm khi đồng thuận về kinh tế học.”
Tháng 12 năm 1980, Hayek là một trong mười hai nhà khoa học Thiên Chúa giáo đoạt Giải Nobel được gặp tân Giáo hoàng John Paul II để đàm luận, bàn thảo về quan điểm của họ trong các lĩnh vực của mình, trao đổi về mối quan hệ giữa Cơ đốc giáo và khoa học, và “hướng Giáo hoàng chú ý đến những vấn đề mà những người từng đoạt Giải Nobel, trong lĩnh vực nghiên cứu tương ứng của mình, coi là cấp thiết nhất đối với con người đương thời.”Hayek ra một tuyên bố liên quan đến cuộc gặp, ông tin tưởng “đóng góp vĩ đại nhất” có thể của các nhà khoa học đoạt Giải Nobel dành cho nhân loại là sự cảnh báo về “quá trình huỷ hoại dần dần những giá trị con người thông qua những sai lầm trong khoa học. Dường như đối với tôi nghĩa vụ đạo đức khẩn thiết nhất hiện đang đặt trên vai các nhà khoa học, những người mà nhân loại đã tạo cho sự ưu tú đặc biệt, là hãy nói với những người bạn của chúng ta rằng khoa học không phải là toàn năng, rằng những gì mà chúng ta đạt được là nhờ sự phục tùng những giới hạn luân lý đối với ham muốn của chúng ta, những thứ vốn không bao giờ được tạo ra nhằm mục đích phục vụ cho sự thoả mãn những khoái lạc đã biết của chúng ta, mà là nhằm hiện thực hoá quá trình hình thành nên một trật tự trong đó diễn ra hoạt động của con người, với quy mô rộng lớn hơn mức độ mà bất kỳ bộ óc nào của con người có thể nắm bắt được đầy đủ.”
Giữa những năm 1980 huy hoàng của Thatcher và Reagan, ánh hào quang chiếu rọi vào Hayek khó có thể còn rực rỡ hơn được nữa. Năm 1982, trong một bài luận về tiểu sử, nhà báo Henry Allen từng viết, Hayek là “tất cả những gì mà bạn có thể mong muốn ở nhà kinh tế học bảo thủ 83 tuổi xuất thân từ Vienna. Cao và thiếu gọn gàng. Một chiếc kẹp đính ngọc trai trên cà vạt. Một dây xích đồng hồ vắt chéo chiếc áo vest, mặc dù ông đeo một chiếc đồng hồ kỹ thuật số ở tay. Một giọng nói lẫn chữ Z trong tiếng Đức với chữ O trong tiếng Anh.”
Năm 1985, Gitta Sereny, con riêng của vợ Mises, miêu tả ông trong một câu chuyện đăng trên tạp chí Times ở London nhân dịp sinh nhật lần thứ 86 của ông:
Trên tường phòng nghiên cứu trong căn hộ cũ xinh xắn của Hayek ở Freiburg, Black Forest, có treo hai bức biếm hoạ đáng yêu mà ông từng nhận được, cách nhau 50 năm, từ Trường Kinh tế London. Bức thứ nhất cho thấy một Hayek dáng thẳng đứng và sôi nổi, với chú thích: “Tại sao anh ta dang chân qua được cái thế giới nhỏ hẹp giống như một người khổng lồ, còn chúng ta những người nhỏ bé… “ Bức thứ hai, ông loạng choạng, yếu ớt, với sức nặng của nội các Đảng Bảo thủ trên đôi vai. Ông mỉm cười khi khoát tay vào các bức tranh, chỉ tiêu biểu dành cho ông, bổ sung ngay: “Tất nhiên, không phải là tôi cố vấn cho bà Thatcher.”…
Một người cao, tao nhã, nay hơi mảnh dẻ, ông bị điếc một tai. “Nó có cái hay của nó,” ông dí dỏm, chỉ tay vào thiết bị trợ thính. “Bây giờ tôi có thể bật và tắt cái loa của mọi người.”…
[Về Giải Nobel] “Một sự ngạc nhiên hoàn toàn đối với tôi. Tôi không tán thành Giải Nobel cho các nhà kinh tế học – cho đến khi người ta trao nó cho tôi, tất nhiên!” Ông cười. “Cố nhiên, sự nổi tiếng có ưu thế rất lớn: Mọi người đột nhiên lắng nghe bạn.” Ông liến láu, với sự thích thú, hết giai thoại này đến giai thoại khác, thực sự thường là tự chế nhạo mình, nhưng không bao giờ giễu cợt người khác.
Những năm tháng sau này Hayek vẫn thích đùa là trong khi Marx bị điếc tai phải thì ông lại điếc tai trái.
Ông dùng thuốc lá dạng bột trong những năm về sau. Sau đây là một cuộc trao đổi của ông:
Hỏi: Tôi không thể cưỡng lại việc muốn hỏi ngài thêm về thuốc lá bột. Ngài nói là ở London có cửa hàng này?
Đáp: Đúng thế, một loại bột thuốc lá rất đặc biệt. Đây là cửa hàng rất cũ, Fribourg & Treyer, giống một cửa hàng Anh, vẫn cái tên mà nó từng sử dụng từ thế kỷ 18. Tôi hiện đã khám phá và thử ba mươi sáu loại bột của anh ta. Loại mà tôi quyết định hầu như là tốt nhất có cái tên đẹp, Dr. James Robertson Justice’s Mixture.
Hỏi: Nghe có vẻ tốt đấy.
Đáp: Và nó rất tốt.
Hỏi: Tại sao ngài dùng thuốc lá bột?
Đáp: Ồ, tôi bị bác sỹ ngăn không cho hút thuốc và chịu khổ sở một thời gian dài. Tôi từng là người nghiện thuốc tẩu nặng. Tôi thử một ít thuốc bột và nhận thấy sự thèm muốn chấm dứt ngay lập tức. Vì thế tôi bắt đầu dùng và tôi trở nên nghiện. Nó cũng là một thứ hình thành thói quen, và người ta có được đủ lượng nicotine mình muốn; nhưng điều tồi tệ nhất của việc hút thuốc, tất nhiên là nhựa thuốc, là thứ mà người ta không gặp phải. Vì thế tôi tìm thấy niềm vui của mình mà không gặp nguy hiểm thực sự.
Ông nói về những vui thú trần tục như sau:
Hỏi: Ngài được biết về rượu vang ở đâu?
Đáp: Bên kia vùng Burgundies 1, tôi chưa từng là người thực sự sành sỏi. Tôi thích các loại vang Burgundy rất sớm và tôi tận dụng mọi cơ hội để thưởng thức chúng.
Hỏi: Bố mẹ ngài có dùng rượu vang vào mỗi tối hay bữa chiều không?
Đáp: Không. Mỗi khi họ uống thì đấy là bia chứ không phải rượu vang. Tôi không đặc biệt thích các loại rượu vang Vienna. Nói chung, cho đến gần đây sở thích của tôi là vang đỏ. Chỉ hiện nay, ở vùng Freiburg may mắn này, nơi khắp mọi chốn người ta đều sản xuất loại vang trắng thượng hạng, rất nhẹ, tôi mới bắt đầu quan tâm thực sự đến rượu vang.
Ông nhận xét về những thói quen làm việc sau này của mình là dù trong phần lớn cuộc đời ông có thể làm việc từ sáng cho đến hết tối, nhưng hiện ông không còn làm việc được với những tài liệu có tính sáng tạo vào buổi tối – ông chỉ có thể đọc vào buổi tối. Buổi sáng, sinh lực của ông kéo dài khoảng hai tiếng đồng hồ. “Thông thường, nếu không bị quấy rầy, thì ngay sau khi đọc xong báo là tôi ngồi xuống bàn làm việc.” Đôi khi một tách cà phê giúp ông làm việc lâu hơn chút ít, “nhưng không lâu hơn nhiều.”
Hỏi: Khi ngài làm việc, ngài ngồi viết cạnh bàn, hay ngài vừa bước vừa nghĩ, hay cách nào thì hiệu quả?
Đáp: Ngồi trên ghế bành, ngả ra sau và viết trên đầu gối. Tôi cần phải nói là tôi có những giai đoạn đọc và giai đoạn viết. Khi thực sự muốn đọc nhiều, tôi không thể viết đồng thời. Đôi khi có khả năng là trong hai hay ba tháng tôi chỉ đọc thôi, hầu như thế. Tôi luôn ghi chép, nhưng không cố gắng theo đuổi có hệ thống một dòng tư tưởng nào. Trong khi đó, một khi tôi ngồi xuống viết, tôi tham khảo sách, chứ không còn đọc có hệ thống nữa, ít nhất là về chủ đề ấy. Buổi tối tôi sẽ đọc một thứ gì đấy khác.
Phương pháp sáng tác đặc trưng của ông bắt đầu với các tờ giấy khổ nhỏ mà ông viết các ý tưởng lên đó, và sau đó là “viết và viết và viết.” Ông bắt đầu với các tờ giấy khổ nhỏ; ông luôn mang chúng theo người để có thể viết ra ý tưởng của mình. “Tất cả các ý tưởng của tôi đầu tiên đều được viết dưới hình thức ấy. Sau đấy tôi vẫn còn khai triển từ các tờ giấy khổ nhỏ này theo lối viết tay thông thường, và đây là quá trình lâu hơn cả. Sau đó tôi tiếp tục tự mình đánh máy sang thành bản thảo sạch, tôi nghĩ thế. Và tiếp theo lại bắt đầu quá trình chỉnh sửa, đưa cho người đánh máy, rồi lại chỉnh sửa; vì thế theo tôi mọi thứ quan trọng mà tôi từng thủ bút thì đều ở dưới dạng được viết ra đầy đủ ba hoặc bốn lần.”
Về sức khoẻ của mình, Hayek nhận xét là nhìn chung ông khoẻ mạnh suốt đời, không kể một số tình tiết sức khoẻ sau này. Phần lớn cuộc đời, ông là người khoẻ mạnh.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 1978, khi được hỏi rằng liệu cuộc đời ông có thể đã khác đi như thế nào, điều gì mà lẽ ra ông đã thay đổi, ông đáp, “Tôi không biết. Tôi chưa bao giờ nghĩ tới chuyện ấy. Bất chấp tuổi tác của mình, tôi vẫn nghĩ tới tương lai rất nhiều hơn so với nghĩ về quá khứ. Rất khó biết được những kết quả thực sự từ những hành động cụ thể, và bởi toàn bộ quá trình tiến hoá chủ yếu là sản phẩm của những sự tình cờ, nên tôi sẽ rất khó nói những quyết định cụ thể nào của mình đã đem lại những kết quả cụ thể. Quan niệm chung của tôi về cuộc sống là chúng ta đang chơi trò may rủi, và nhìn chung tôi là người may mắn trong cuộc chơi này.”
Năm 1984, ông được Nữ hoàng Elizabeth II trao tặng huân chương Order of the Companions of Honour 2 theo đề nghị của thủ tướng Thatcher vì “những đóng góp vào nghiên cứu kinh tế học” của ông. Charlotte Cubitt, thư ký của ông, còn nhớ thỉnh thoảng ông hy vọng mình có thể nhận được tước tòng nam tước (baronetcy). Những người từng được nhận huân chương Order of the Companions of Honour có Churchill, Attlee, và Robbins. Sau khi nhận được vinh dự này, ông gửi thư cho bạn bè đề nghị được gọi theo tên tiếng Anh của Friedrich, “Frederick,” tuy nhiên ít người thể theo yêu cầu ấy.
Trong số các giải thưởng của mình, ông đặc biệt xúc động khi được trao tặng huân chương Order of the Companions of Honour, trong đó có hai mươi phút diện kiến nữ hoàng. Gia đình ông thuật lại, khi ông đến diện kiến nữ hoàng, ông không chờ đợi là điều này đặc biệt có ý nghĩa. Ông từng gặp nhiều vị nguyên thủ quốc gia. Nhưng sau khi ông bước ra, sự thể đã hoàn toàn khác. Theo Esca Hayek, ông “hoàn toàn sững sờ”trước nữ hoàng. Ông coi bà là một trong những người thanh nhã, am hiểu, và có kiến thức nhất mà mình từng gặp. Sau đó một năm ông nhận xét, “Bà khiến tôi sửng sốt. Sự thư thái và khéo léo ấy, cứ như thể bà đã biết toàn bộ cuộc đời tôi.”
Tiếp theo cuộc diện kiến là bữa tiệc chiều với gia đình và bạn bè tại Viện Nghiên cứu các Vấn đề Kinh tế (IEA). Sau đấy vào buổi tối, khi người con dâu thả ông xuống cạnh Câu lạc bộ Cải cách (Reform Club), bà vẫn còn nhớ ông đội mũ chỏm cao, tay chống ô, với nụ cười rạng rỡ trên mặt, ông nói, “Ta vừa mới trải qua ngày hạnh phúc nhất trong đời.”
Chú thích:
(1) Vùng nằm ở miền Đông nước Pháp. (N.D.)
(2) Huân chương của Anh và Khối Thịnh Vượng Chung (Commonwealth), do vua George V lập ra tháng 6 năm 1917, là phần thưởng dành cho những thành tựu xuất chúng trong các lĩnh vực nghệ thuật, văn học, âm nhạc, chính trị, khoa học, công nghiệp và tôn giáo. (N.D.)
Nguồn: Alan Ebenstein, Friedrich Hayek - Cuộc đời và sự nghiệp, Phần VI, Chương 38, Nhà xuất bản Tri Thức 2007