[FA. Hayek: Cuộc đời và sự nghiệp]: Chương 29 - Marx, sự tiến hoá và xã hội không tưởng
Nhận diện các khía cạnh trong tư tưởng kinh tế của Hayek hay trường phái kinh tế học Áo với của Marx là một quan điểm học thuật phổ biến. Tư tưởng kinh tế kỹ thuật của Hayek – trong khi không phải là khuyến dụ kinh tế mang tính thực tiễn của ông – phần nào giống với Marx. Robert Skidelsky nhận xét về nghiên cứu kinh tế học buổi đầu của Hayek, “Hayek kết luận về sự lung lay mạnh mẽ của hệ thống tư bản tín dụng – tiền tệ... [và] không thể làm được gì về điều đó. Người ta có thể hiểu vì sao các học thuyết của Hayek lại có sức lôi cuốn đối với một nhà xã hội chủ nghĩa nhất định: chúng dường như đạt tới những kết luận của Marx.”1
Lord Desai nhận thấy có “nhiều điểm song trùng” giữa Hayek và Marx: “công trình gắn liền cuộc đời họ liên quan đến mô hình hoá chủ nghĩa tư bản, tính chu kỳ của nó, vai trò của tiền tệ và tín dụng, những triển vọng dài hạn của nó... Có nhiều điểm tương đồng trong tư tưởng của Marx với các biến thái tư tưởng của Hayek. Phân tích của họ về động cơ của chủ nghĩa tư bản là giống nhau. Lý thuyết tư bản của Marx và của Hayek cũng có nhiều điểm chung. Và nếu muốn bạn có thể so sánh phần giữa tập 3, quyển 2 bộ Tư bản (Capital) với tác phẩm Lý thuyết thuần túy về tư bản (The Pure Theory of Capital) của Hayek, bạn sẽ khám phá ra một dự tưởng tương tự.”2
Trong một bài thuyết trình buổi đầu ở Trường Kinh tế London, “Lý thuyết trường phái Marx về khủng hoảng” (The Marxian Theory of Crises), Hayek ca ngợi quyển 2 bộ Tư bản của Marx, nhấn mạnh nó trong mục sách khảo cứu và đặt Marx ở vị thế gần như tương đương với Adam Smith trong kinh tế học nói chung. Ca ngợi của Hayek đối với quyển 2 bộ Tư bản là sự tiếp nối Böhm-Bawerk, người trong khi mạnh mẽ chỉ ra những khiếm khuyết ở các phần khác trong hệ thống của Marx, vẫn nhận xét về quyển 2 bộ Tư bản rằng “những phần này của toàn bộ tác phẩm... bằng sự nhất quán logic xuất chúng mãi mãi xác lập vị thế tác giả như một nguồn sức mạnh trí tuệ hàng đầu. Phần nội dung dài này nằm giữa công trình của ông thực sự hầu như không chút tì vết.”4
Kark Kuhne, tác gia về Marx, viết rằng “ý tưởng của Marx có tiếng vang nhất định trong các giới bảo thủ. Nhà bảo thủ vĩ đại von Hayek đã dũng cảm thừa nhận ông chịu ảnh hưởng của Marx qua Tugan-Baranovsky và Spiethoff.” Kuhne tiếp tục, “lý thuyết của Marx và các lý thuyết về tập trung tư bản cao độ chứa đựng lẫn nhau. Kế tục thực thụ của lý thuyết này là một nhân vật bảo thủ kỳ cựu, von Hayek, người từng thừa nhận một cách nghịch lý và trung thực nguồn gốc Marx của mình. Cốt lõi vấn đề không phải sẽ được tìm thấy trong những kết luận bảo thủ của Hayek mà là trong phân tích của ông về nguyên nhân bùng nổ và suy thoái, đây là điểm rất giống với phân tích của Marx.”5
Trong ấn bản tiếng Anh năm 1933 của tác phẩm Lý thuyết tiền tệ và chu kỳ kinh doanh (Monetary Theory and the Trade Cycle), Hayek cho rằng giữa lý thuyết chu kỳ kinh doanh của ông và các lý thuyết phi tiền tệ ít có sự khác biệt hơn so với giữa lý thuyết của ông và những giải thích về tiền tệ khác. Sau khi bình luận về điểm này trong nguyên tác – “Trong lĩnh vực này [lý giải về chu kỳ kinh doanh] hiện không có nhiệm vụ nào quan trọng hơn việc thu hẹp khoảng cách khổng lồ giữa các lý thuyết tiền tệ và phi tiền tệ”6 – ông ghi chú thêm, “Sau khi ấn hành bản tiếng Đức của cuốn sách, tôi bắt đầu nghi ngờ sự khác nhau giữa các cách giải thích tiền tệ và phi tiền tệ là điểm quan trọng nhất trong sự bất đồng của các lý thuyết khác nhau về Chu kỳ Kinh doanh. Tôi thấy dường như trong cùng nhóm giải thích tiền tệ thì sự khác biệt giữa các lý thuyết gia coi hiện tượng bề ngoài của sự thay đổi giá trị đồng tiền là nhân tố quyết định dao động chu kỳ và những người [như chính Hayek] nhấn mạnh những thay đổi thực sự trong cơ cấu sản xuất gây ra bởi các nguyên nhân tiền tệ còn lớn hơn nhiều so với sự khác biệt giữa nhóm sau [có Hayek] với các lý thuyết gia phi tiền tệ như giáo sư Spiethoff và giáo sư Cassel.”7 Nghĩa là, quan điểm của ông gần với các lý thuyết gia phi tiền tệ như Spiethoff và Cassel, và qua đó, với Marx, hơn là với các lý thuyết gia tiền tệ cho rằng nguồn gốc lạm phát hay giảm phát là do chu kỳ kinh doanh.8
Dòng tư tưởng giải thích quan niệm của Hayek về ảnh hưởng tiền tệ đến hoạt động kinh tế gần với Marx hơn so với các lý thuyết gia tiền tệ khác. Trong tác phẩm Lý thuyết thuần túy về tư bản (The Pure Theory of Capital), Hayek nhận xét về dòng tư tưởng của Marx, “trong tất cả những phiên bản khác nhau về chu kỳ [kinh doanh] thì điểm cốt lõi là cuối một giai đoạn bùng nổ, sự khan hiếm tư bản lưu thông và sự gia tăng theo đó của lãi suất dẫn đến hoặc là không thể hoàn tất các dự án đầu tư lớn tư bản cố định hoặc là không thể sử dụng hiệu quả nhà máy do đầu tư tạo ra. Điều này có lẽ sẽ dẫn chúng ta đi quá xa phạm vi thảo luận ở đây về những liên hệ mà các tác gia khác nhau vẫn cho là tồn tại giữa những hiện tượng này với sự tăng trưởng tín dụng. Và cũng không cho phép chúng ta chỉ ra ở đây ảnh hưởng quan trọng của những quan điểm trên đến lý thuyết về khủng hoảng xuất phát từ Marx, qua ông đến M.v. Tougan-Baranovski và qua M.v. Tougan-Baranovski đến các tác gia đương thời như G. Cassel, A. Spiethoff...”9
Trong giáo án bài thuyết trình đầu thập niên 1930, “Lý thuyết trường phái Marx về khủng hoảng” (The Marxian Theory of Crises), Hayek dành 20 trang ghi chép và một mục sách khảo cứu gồm các công trình của Marx, Hilferding, và Spiethoff. Về Tougan-Baranovski (người đã lấy Marx làm xuất phát điểm nghiên cứu), Hayek viết trong bài thuyết trình rằng công trình của Tougan-Baranovski là nguồn ảnh hưởng lớn nhất của lý thuyết chu kỳ kinh doanh hiện đại.10
Hayek nhận xét về lý thuyết chu kỳ kinh doanh của mình trong tác phẩm Các mức giá cả và sản xuất (Prices and Production), “ý tưởng cốt lõi của lý thuyết chu kỳ kinh doanh được trình bày trong bài thuyết trình trước là không hề mới mẻ. Những dao động ngành có bản chất là sự luân phiên mở rộng và co hẹp của cấu trúc hàng hóa tư bản từng thường xuyên được nhấn mạnh... Trong các trước tác ở Đức, những ý tưởng tương tự chủ yếu được giới thiệu qua các tác phẩm của Karl Marx. Công trình của M.v. Tougan-Baranovski dựa trên của Marx và đến lượt nó tạo xuất phát điểm cho những công trình sau đó của giáo sư Spiethoff và giáo sư Cassel. Phạm vi phát triển của lý thuyết này qua các thuyết trình trên đây tương ứng với những thuyết trình của Spiethoff và Cassel, điều này không còn phải bàn cãi.”11
Michael Perelman, nhà phân tích kinh tế học Mácxít, luôn cho rằng Marx đã nhận thấy “tín dụng là nhân tố trung tâm trong những xáo trộn lớn từng xảy ra... Marx đã tích hợp phần phân tích tín dụng vào các lý thuyết kinh tế của mình. Xuyên suốt phân tích trên là khái niệm tư bản ảo”12 – tư bản được tài trợ qua hệ thống tiền tệ mà không có tiết kiệm thực. Perelman đồng thời cũng nêu quan niệm của ông về lý thuyết của Marx, “tư bản ảo càng gây nhiễu tín hiệu giá cả, thông tin quan trọng về nền kinh tế càng biến mất. Các quyết định về sản xuất ngày càng trở nên ít liên hệ với cơ cấu bên trong nó. Áp lực dồn lên nền kinh tế, nhưng chúng không được nhìn thấy.”13
Đây chủ yếu cũng là quan điểm của Hayek. Trong tác phẩm Các mức giá cả và sản xuất (Prices and Production), đề cập đến dòng tư tưởng bao gồm của Marx và Spiethoff, ông nhận xét, “đồng loạt vào đầu nửa thứ hai của thế kỷ trước, các lý thuyết trên khá thịnh hành và các nhà báo tài chính thời bấy giờ thường xuyên sử dụng một thuật ngữ như hàm ý chính luận điểm đang được sử dụng ở đây. Sự sáng tạo ra ‘tư bản ảo’ làm cho không một ý tưởng kinh doanh mới nào có thể tiếp tục hay hoàn thiện, và do đó khiến chúng sụp đổ.”14
Hayek và Marx cùng chung ý nghĩ về những tác động ban đầu của chủ nghĩa tư bản. Trong bản Tuyên ngôn Cộng sản (The Communist Manifesto), Marx và Engels viết, “giai cấp tư sản đã đóng một vai trò cách mạng nhất trong lịch sử.” Lần đầu tiên giai cấp tư sản cho thấy hoạt động của con người đem lại những gì. Nó đã làm nên những kỳ quan vượt xa kim tự tháp Ai Cập, kênh nước La Mã hay những nhà thờ kiến trúc Gothic; tiến hành những cuộc thám hiểm làm lu mờ làn sóng di dân của các dân tộc và các cuộc thập tự chinh... Giai cấp tư sản đã du nhập chủ nghĩa thế giới trong sản xuất và tiêu dùng tới mọi đất nước. Giai cấp tư sản, thông qua cải tạo nhanh chóng tư liệu sản xuất, thông qua các phương tiện giao thông liên lạc đắc lực, đã đưa mọi quốc gia, thậm chí còn ở thời kỳ hoang sơ nhất, đến với văn minh.”15 Hayek hiếm khi có quan điểm khác ở đây.
Chỗ Marx và Hayek bất đồng – cũng là chỗ mà Marx mắc sai lầm – là về sự phát triển tiếp theo của chủ nghĩa tư bản. Khác xa với tập trung, tư bản đã phân tán; khác xa với mức sống của công nhân sa sút, chúng được nâng lên đến kinh ngạc; khác xa với điều kiện vật chất xung quanh thế giới xấu đi, chúng đã được cải thiện đến khó tin; khác xa với sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản, nó đang phồn thịnh hơn bao giờ hết và cho nhiều người hơn bao giờ hết.
Chủ nghĩa xã hội ở Châu Âu lục địa luôn mang trong mình yếu tố vọng tổ (atavistic) mạnh mẽ, như Marx từng chỉ ra trong Tuyên ngôn Cộng sản. Bên cạnh nhận định yếm thế của ông là chủ nghĩa tư bản đã đặt dấu chấm hết cho “mối quan hệ êm đẹp”, thì trong “các biện pháp cách mạng toàn bộ phương thức sản xuất” từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội “có thể áp dụng rộng rãi”, thì biện pháp thứ 9 là đáng được suy xét. “9. Kết hợp nông nghiệp với công nghiệp chế tạo; từng bước xoá bỏ sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn, bằng sự phân bố dân cư điều hoà hơn trong toàn quốc.”16
Ý tưởng về sự phân bố dân cư đồng đều hơn kết hợp với ý tưởng một nền nông nghiệp và công nghiệp tồn tại sát cánh bên nhau cho đến nay mới chỉ khả thi ở những xã hội tương đối sơ khai (3 triệu người đã chết ở Campuchia từ 1975-1979 trong nỗ lực nhằm phần nào thực thi biện pháp trên). Thêm vào đó, sự lên án gay gắt của Marx về “Tự do Thương mại” – “cái tự do riêng lẻ, xấu xa”17 – và về những đổi thay mà chủ nghĩa tư bản đã đem lại ít nhiều cho thấy nỗ lực quay ngược đồng hồ của tiến bộ nhân loại. Chủ nghĩa Marx nhìn lại quá khứ, cũng như, có lẽ, nhìn về tương lai thông qua việc hình thành ý niệm về những thiết chế xã hội lý tưởng.
Chủ nghĩa Marx trên nhiều phương diện cần được coi như một trào lưu bảo thủ, thậm chí phản tiến bộ, là một hệ phái của trào lưu Lãng mạn Châu Âu (European Romanticism) chứ không phải trào lưu Khai sáng Châu Âu (European Enlightenment). Trên thực tế, phê phán lớn nhất của Hayek đối với Marx không phải là ông quá cấp tiến mà là quá phản tiến bộ. Ông đặc biệt nhấn mạnh tính chất phản tiến bộ của ý tưởng xã hội chủ nghĩa cổ điển trong bản thảo cuốn Sự tự phụ chết người (The Fatal Conceit). Trong một tiểu luận về Adam Smith năm 1976, ông nhận xét, “nhu cầu về ‘công bằng xã hội’ đối với sự phân chia của cải vật chất cho con người và những nhóm người khác nhau dựa trên nhu cầu và năng lực của họ, tức nền tảng của toàn bộ chủ nghĩa xã hội, là một sự vọng tổ”18 – trở về với hình thái nguyên thuỷ. Hayek lập luận, ý tưởng cho rằng mọi tri thức có thể quy tụ trong một bộ óc, như trường hợp vị thủ lĩnh bộ tộc nguyên thuỷ, là sai lầm.
Trong bài về Adam Smith nói trên ông cũng viết, “nếu chúng ta cứ kiên trì với tư tưởng vọng tổ (atavism) và, thể theo bản năng bộ tộc truyền lại, nhất quyết đòi áp đặt lên xã hội vĩ đại những nguyên lý vốn đặt ra tiền đề tri thức của toàn bộ những tình huống cụ thể mà trong cái xã hội [nguyên thuỷ] ấy một vị thủ lĩnh có thể biết, thì chúng ta sẽ quay trở về xã hội bộ tộc.”19 Ông nhấn mạnh trong tác phẩm Sự tự phụ chết người, “Karl Marx vì thế đã đúng khi cho rằng ‘chủ nghĩa tư bản’ tạo ra giai cấp vô sản: nó đã và đang đem lại cuộc sống cho họ.”20 Hayek tin rằng Marx đã hiểu nhầm những lực lượng kinh tế thực sự, và nếu cứ theo mô tả của ông thì sẽ đưa hàng tỷ người vào chỗ tuyệt vọng.
Hayek dành nhiều công sức cho tác phẩm Luật, luật pháp và tự do (Law, Legislation and Liberty) hơn bất kỳ công trình nào khác của ông, 16 năm kể từ khi thai nghén vào năm 1962 đến khi hoàn thành năm 1978, với phần lớn công việc được thực hiện trong giai đoạn 1962-1969. Mặc dù ông chưa hoàn toàn hài lòng với hình hài cuối cùng của công trình, thậm chí còn ta thán trong lời tựa và ở chỗ này chỗ khác rằng năm tháng đã làm giảm khả năng làm việc của mình một thời gian, thì nó vẫn là đóng góp sâu sắc hơn so với tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do (The Constitution of Liberty).
Trong tác phẩm Luật, luật pháp và tự do, ông nhấn mạnh là chính “mong muốn tiếp thêm sức mạnh cho chính phủ trung ương trong quan hệ với quốc gia khác đã dẫn đến tình trạng chính phủ trung ương được phó thác những nhiệm vụ mà có thể chính quyền địa phương hay khu vực thực thi hiệu quả hơn. Căn nguyên chủ yếu của tập quyền chính trị tiến bộ luôn là từ hiểm hoạ chiến tranh.”21 Đồng thời, ông cũng làm sáng tỏ sự khác nhau về quan điểm giữa ông và các nhà Darwin xã hội, “ ‘Chủ nghĩa Darwin xã hội’ chú trọng chọn lọc cá thể hơn là chọn lọc những thiết chế, tập tục và chọn lọc bẩm sinh hơn là những năng lực lan truyền trong môi trường văn hoá.”22
Có ba nguồn gốc tiến hoá sinh học chủ yếu: đa dạng cá thể, áp lực chọn lọc môi trường và lan truyền gen ngẫu nhiên. Trong đó, hai nguồn gốc đầu tiên nhìn chung được nhấn mạnh phổ biến. Không có đa dạng cá thể, tiến hoá không thể diễn ra. Khi và chỉ khi tồn tại tính đa dạng, sự tiến hoá gen hay xã hội mới xảy ra. Nếu các cá thể trong một nhóm sinh học hay trong xã hội tĩnh tại và đồng nhất, thì loài đó hay xã hội đó không thể phát triển hơn được nữa.
Bên cạnh sự đa dạng cần thiết cho tiến hoá sinh học và xã hội còn có các nhân tố môi trường. Môi trường khác nhau qua thời gian sinh ra những đặc trưng khác nhau, nếu vẫn tồn tại tính đa dạng giữa các cá thể của một loài hay trong từng cộng đồng và giữa các cộng đồng với nhau. Cả hai đặc tính về điều kiện đa dạng cá thể và môi trường đều phát sinh từ chọn lọc sinh học và xã hội.
Không còn nghi ngờ gì, phòng bị chiến tranh quốc gia là một trong những nhân tố môi trường xã hội lớn nhất tác động đến sự phát triển của các chính phủ suốt thế kỷ 20. Thế chiến I và II cũng như chiến tranh lạnh đã dẫn tới sự gia tăng quyền lực mạnh mẽ trong hoạt động của các chính phủ. Trong chiến tranh, nhiều đầu óc quốc gia chủ nghĩa hơn trở nên đặc trưng cho xã hội và những sắc thái hay thế giới quan đó, cũng như hoạt động thực tiễn của chính phủ, thâm nhập vào mọi phương diện của trật tự xã hội hơn là chỉ thuần tuý quân sự.
Trong tác phẩm Luật, luật pháp và tự do, ngoài phân tích trên Hayek còn nhận xét, “giờ đây, khi ít nhất là ở Tây Âu và Bắc Mỹ chúng ta tin rằng khả năng chiến tranh giữa các quốc gia liên kết đã bị loại trừ và dựa vào một tổ chức đa quốc gia nào đó vì mục đích quốc phòng, chúng ta cần từng bước khám phá ra rằng có thể giảm tập trung chính trị và chấm dứt việc phó thác nhiều nhiệm vụ cho chính phủ quốc gia đơn giản chỉ để biến chính phủ đó hùng mạnh trước kẻ thù bên ngoài.”23
Ông tin rằng ý tưởng về sự tiến hoá xuất hiện đầu tiên trong lĩnh vực xã hội, sau đó mới được vận dụng vào sinh học. Trong tác phẩm Sự tự phụ chết người ông viết, “Darwin đọc Adam Smith ngay khi ông đang thai nghén lý thuyết của mình.”24 Trong tác phẩm Luật, luật pháp và tự do, ông trích dẫn C.S. Pierce là trong Nguồn gốc các loài (The Origin of Species), “Darwin đơn giản chỉ mở rộng quan điểm kinh tế – chính trị về sự tiến bộ sang toàn bộ lĩnh vực đời sống sinh vật và thực vật,” và chính ông cũng bày tỏ ở đây là “một lý thuyết gia xã hội thế kỷ 19 mà cần được Darwin giảng giải cho mình về ý tưởng tiến hoá thì thật đáng hổ thẹn.”25
Tiến hoá xã hội là một chủ đề trung tâm của Hayek. Ý tưởng về tiến hoá xã hội có mối quan hệ hữu cơ với trật tự tự phát. Tiến hoá sinh học diễn ra mà không tồn tại một chủ thể chỉ huy nào và tiến hoá trong phạm vi một xã hội và giữa các xã hội với nhau cũng theo cách như vậy. Tuy nhiên, theo Hayek, trong tiến hoá xã hội, chọn lọc diễn ra chủ yếu qua những đặc trưng, thiết chế và tập quán lan truyền trong môi trường văn hoá chứ không phải qua chọn lọc chức năng (phisiological selection) của các cá thể. Hành vi của các cá thể hay các nhóm thành công được kế tục rộng rãi và qua thời gian những tập quán này sẽ chi phối. Trong tác phẩm Phi quốc gia hoá tiền tệ (Denationalisation of Money), ông nhận xét, “tiến hoá luôn được phôi thai từ những ý tưởng mới của một số tương đối ít cá thể... Những người có ý tưởng tốt hơn sẽ quyết định sự phát triển bởi họ sẽ được mô phỏng.”26
Thị trường là một cơ chế tiến hoá. Những ai thành công hơn về kinh tế thì phát triển, những người không thành công như vậy thì không. Khi chức năng sàng lọc của thị trường bị phá vỡ, tức ngay khi quá trình sàng lọc của chọn lọc vật lý tự phát bị đứt đoạn, thì nền kinh tế ngừng phát triển.
Tiến hoá cũng diễn ra giữa các xã hội với tính cách những tổng thể với nhau. Trong các lý thuyết sau này của mình về tiến hoá xã hội, Hayek lấy chức năng và quá trình tiến hoá của thị trường cạnh tranh và vận dụng vào các cộng đồng tổng thể qua thời gian và phức hợp của chúng về các nguyên tắc, pháp luật, tập tục và luân lý. Những luật lệ và tập tục thành công hơn – và qua đó là những xã hội thành công hơn – sẽ thắng thế qua thời gian. Những xã hội thành công hơn cả là xã hội phát triển nhất về vật chất và công nghệ.
Phần lớn nhất trong luận điểm của Hayek về tự do là nó cho phép sự phát triển thành công diễn ra trong phạm vi một và giữa các xã hội với nhau. “Việc nhất thiết buộc phải tiếp thêm sức mạnh cho chính phủ trung ương vì sứ mệnh quốc phòng trước kẻ thù bên ngoài”27 đã kìm hãm sự tiến hoá rất đáng mong muốn thông qua chủ trương tập quyền hoá chính phủ.
Hayek là một triết gia không tưởng. Năm 1949 ông viết, “Chúng ta cần biến ngôi nhà của xã hội tự do thành một sự phiêu lưu trí tuệ, một hành động dũng cảm thêm lần nữa. Thứ mà chúng ta còn thiếu là một xã hội không tưởng tự do chủ nghĩa, cái cương lĩnh xem ra không phải chỉ để bảo vệ sự sắp đặt vốn có của sự vật hay là một kiểu chủ nghĩa xã hội trung dung mà là chủ nghĩa cấp tiến tự do thực sự. Bài học chủ yếu mà nhà tự do chủ nghĩa phải học tập từ sự thành công của nhà xã hội chủ nghĩa chính là dũng khí đi đến xã hội không tưởng của họ đã đem lại sự cổ vũ từ giới trí thức và qua đó tác động đến công luận, điều chỉ mới gần đây xem ra còn hoàn toàn xa vời thì nay đang ngày một trở nên khả dĩ.”28
Xã hội không tưởng khả dĩ mà Hayek từng nhận thấy rất lâu trước các công trình Luật, luật pháp và tự do và Sự tự phụ chết người cuối những năm 1970 đầu 1980 của ông là xã hội tự do cổ điển, khác biệt với tự do cá nhân, trong đó chính phủ sẽ đóng một vai trò nhỏ hơn nhiều so với hiện nay. Cạnh tranh, với mức độ càng nhiều càng tốt, sẽ là nguyên tắc chung theo đó xã hội được tổ chức trong hoạt động kinh tế của nó cũng như hoạt động cung cấp dịch vụ của chính phủ. Pháp luật, phong tục và luân lý sẽ tạo nên một nền tảng xã hội đề cao tư hữu, hợp đồng và trao đổi. Chi tiêu chính phủ, như một phần trong tổng sản phẩm quốc nội, sẽ giảm từ mức 30-60% phổ biến hiện nay ở phần lớn các nước kinh tế phát triển xuống mức 10-20% hay tương đương so với GDP – một chuẩn mực suốt thế kỷ 19 và những năm trước Thế chiến I của thế kỷ 20. Phúc lợi sẽ do cấp địa phương và (tại Mỹ) cấp bang cung cấp – một cách tự nguyện và nhân đạo – thay vì các chính phủ quốc gia.
Dù vẫn còn tồn tại – đặc biệt ở giai đoạn quá độ – những thứ như hưu trí bắt buộc, thất nghiệp và các chương trình bảo hiểm tàn tật, nhưng chúng sẽ bắt đầu định hướng thị trường nhiều hơn với nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng trong từng chương trình mà họ mong muốn tham gia. Cạnh tranh giữa các thực thể phi chính phủ nhằm cung cấp các dịch vụ này sẽ trở thành chuẩn mực – lấy ví dụ, có thể yêu cầu cá nhân phải có bảo hiểm thất nghiệp, nhưng loại bảo hiểm ấy có thể được cung cấp qua thị trường cạnh tranh bảo hiểm tư nhân thay vì chỉ thông qua một chương trình phổ thông của chính phủ. Việc kiểm soát ô nhiễm sẽ dựa trên cơ sở thị trường nhiều hơn. Học bổng sẽ được thực thi trong giáo dục. Tất cả trên đây là một quãng cách xa so với chủ nghĩa xã hội cổ điển, nhưng đồng thời cũng khác xa so với chủ nghĩa tự do cá nhân lý thuyết thuần tuý.
Hayek đưa ra quan niệm của mình về xã hội không tưởng khả thi, tối ưu cho nhân loại như ông nhìn nhận trong tác phẩm Luật, luật pháp và tự do – “sự biến đổi của các chính quyền địa phương, thậm chí khu vực, thành những tập đoàn mang dáng dấp thương mại cạnh tranh hoạt động phục vụ công dân. Chúng sẽ phải đưa ra tập hợp những lợi thế và chi phí làm cho cuộc sống trong phạm vi lãnh thổ của mình chí ít cũng hấp dẫn như bất cứ đâu… Việc giao lại công tác quản lý phần lớn hoạt động dịch vụ của chính phủ cho những tổ chức nhỏ hơn có thể sẽ đưa đến sự phục hưng của “tinh thần công xã”29 (communal spirit). Trong tác phẩm Hiến pháp về quyền tự do, ông nhận xét về “cạnh tranh giữa các thị thành”30 và trong một cuộc phỏng vấn ông phát biểu, “Tôi thiên về việc trao cho chính quyền địa phương quyền lực mà tôi khước từ chính phủ trung ương, vì người dân có thể tự mình bỏ phiếu để phản đối những gì mà chính quyền địa phương có thể làm.”31
Chủ nghĩa tự do cổ điển mang trong mình yếu tố công xã sâu sắc. Hayek bác bỏ quan niệm theo đó việc chính phủ trung ương cung cấp các dịch vụ phúc lợi thì hoặc là hiệu quả nhất về mặt chi phí hoặc là tốt nhất về mặt luân lý. Thay vì thế, ở đây có một ưu thế lớn – tạo ra ý thức cộng đồng – trong việc cung cấp các dịch vụ phúc lợi ở bình diện địa phương thay vì trên bình diện quốc gia, một cách tự nguyện thay vì bắt buộc.
Hayek nhìn nhận xã hội không tưởng – vốn được ông coi là một chủ đề thích hợp trong nhiều công trình khác của mình – phần lớn không phải là vấn đề đạo đức mà là thực nghiệm. Nó không chỉ là, Điều gì sẽ được mong đợi? Mà là, Điều gì sẽ là khả thi? Hayek cho rằng “một bức tranh xã hội lý tưởng, hay quan niệm dẫn đường về cái trật tự xã hội chung mà người ta hướng tới, không chỉ là điều kiện tiên quyết cần thiết của bất kỳ chính sách duy lý nào mà còn là đóng góp chủ yếu mà khoa học có thể dành cho việc giải quyết những vấn đề chính sách thực tiễn.”32 Xã hội không tưởng có giá trị đối với Hayek chủ yếu không chỉ vì nguồn cảm hứng mà còn vì lý do khái niệm hoá. Mục đích đầu tiên của ông là làm cho trí tuệ toả sáng, chứ không phải hâm nóng bầu nhiệt huyết. Xã hội không tưởng là một lý thuyết thực tế, không đơn thuần là một lý tưởng đạo đức.
Trong tác phẩm Luật, luật pháp và tự do, ông trình bày rõ ràng nhất quan niệm của mình về xã hội không tưởng. Ông viết, “sẽ không thể phủ nhận được rằng ở một mức độ nhất định mô hình chỉ đường cho cái trật tự chung luôn là một xã hội không tưởng, cái thực thể trong tương quan với thực trạng hiện thời chỉ là một phiên bản xa và nhiều người sẽ coi là hoàn toàn phi thực tế. Tuy nhiên, chỉ thông qua việc thường xuyên đề cao quan niệm dẫn đường về một mô hình nhất quán nội tại – bằng cách cùng vận dụng những nguyên lý như nhau – người ta mới có thể đạt được bất kỳ thứ gì đó giống như một nền tảng hữu hiệu cho trật tự tự phát vận hành.”33 Điều mà Hayek nhận thấy như đòi hỏi cấp thiết trong cuộc bàn luận về kinh tế và chính trị đương thời là “sự dũng cảm xem xét xã hội không tưởng.”34 Các xã hội không tưởng sẽ định hướng cho trật tự chính phủ và trật tự xã hội khác thông qua việc thiết kế, mô hình hoá thế giới khả dĩ trong tương lai.
Chú thích:
(1) Skidelsky, Keynes: Savior, 457.
(2) Hayek: Economist and Social Philosopher A Critical Retrorespect, Stephen Frowen biên tập (Great Britain: Macmillan, 1997), 1-6.
(3) Hayek, “The Marxian Theory of Crises” (Charlotte Cubitt giữ).
(4) Ben Seligman, Main Currents in Modern Economics (New Brunswick, New Jersey: Transaction Publishers, 1990), 63.
(5) Karl Kuhne, Economics and Marxism (New York: St. Martin’s Press, 1979); tập I, 44; tập II, 222-223.
(6) MTTC, 41.
(7) Sđd.
(8) Ngoài những chỗ đã chỉ ra trong phần chính văn, những người khác nhận xét về những điểm tương đồng giữa tư tưởng kinh tế của Hayek (hay trường phái Áo) và của Marx còn có: Chri Sciabarra (Marx, Hayek, and Utopia [Albany: State University of New York Press, 1995], 76); Frank Vorhies (“Marx on Money and Crises,” Critical Review [Hè/Thu, 1989], 533, 538, 538-539); Alexander Shand (The Capitalist Alternative, 157); Peter Rosner (“A Note on the Theories of Business Cycle of Hilferding and by Hayek,” History of Political Economy [Hè, 1988], 316-317); Joseph Schumpeter (A History of Economic Analysis [originally 1954], 846).
(9) PTC, 425-426.
(10) Hồ sơ thuộc sở hữu của Charlotte Cubitt.
(11) PP, 101, 103.
(12) Michael Perelman, Marx’s Crises Theory: Scarity, Labor and Finance (New York: Praeger, 1987), 183.
(13) Sđd, 216-217.
(14) PP, 101.
(15) Karl Marx, Communist Manifesto, chương 1.
(16) Sđd.
(17) Sđd.
(18) CW III, 121.
(19) NS, 269.
(20) FC, 124.
(21) LLL III, 54.
(22) LLL I, 23.
(23) LLL III, 132.
(24) FC, 24.
(25) LLL I, 153; sđd, 23.
(26) DN, 132-133.
(27) LLL III, 63-64.
(28) Studies, 194.
(29) LLL III, 146.
(30) CL, 352.
(31) UCLA, 319.
(32) LLL I, 65.
(33) Sđd, 64-65.
(34) Sđd, 62.
Nguồn: Alan Ebenstein, Friedrich Hayek - Cuộc đời và sự nghiệp, Phần V, Chương 29, Nhà xuất bản Tri Thức 2007