Điểm sách: "Luật, Lập pháp, và Tự do" của F.A. Hayek
Lý thuyết về trật tự tự phát và các hàm ý đối với vai trò của Luật pháp và hoạt động Lập pháp
Giới thiệu
Luật, Lập pháp, và Tự do [Law, Legislation, and Liberty] (Hayek, 1973) được xem là một trong những tác phẩm có đóng góp quan trọng nhất của F.A. Hayek trong lĩnh vực Luật học. Trong tác phẩm này, ông đã áp dụng hệ thống phương pháp luận được phát triển một cách nhất quán trong quá trình nghiên cứu kinh tế học của mình để làm rõ vai trò của Luật pháp và Lập pháp. Bằng cách đó, ông đã đi kết luận rằng Luật pháp và Lập pháp phải được sử dụng như công cụ để bảo vệ tự do cá nhân và duy trì trật tự xã hội, thay vì thể hiện ý chí của người làm ra luật, |
bất kể đó là cơ quan làm luật hay người đứng đầu một quốc gia. Để làm rõ ý tưởng trên của Hayek, bài viết này sẽ tóm tắt lại một cách ngắn gọn lý thuyết về trật tự tự phát trong phần 1: Quy luật và trật tự của tác phẩm, sau đó làm rõ mối tương quan giữa lý thuyết về trật tự tự phát với quan điểm của Hayek về Luật pháp và Lập pháp.
Lý thuyết trật tự tự phát [spontaneous order]
Đầu tiên, Hayek gọi sự xuất hiện của một hiện tượng nào đó là một “trật tự” nếu chúng ta có thể tìm ra các quy luật chi phối sự vận động của các cấu phần hình thành nên hiện tượng đó. Một trật tự có thể được hình thành một cách có chủ ý hoặc không có chủ ý.
Dạng trật tự đầu tiên là các trật tự được tạo ra một cách có chủ ý. Đặc điểm của loại trật tự này là chúng luôn luôn được tạo ra để phục mục đích của người tạo ra chúng. Ví dụ như người giám đốc vận hành một công ty, hoặc người kỹ sư thiết kế một ngôi nhà, một loại máy móc, đồ vật nào đó. Trong trường hợp này, công việc của người giám đốc và người kỹ sư giống nhau ở điểm họ đều phải sắp xếp các cấu phần như bộ phận nhân sự, bộ phận marketing, hay các loại nguyên liệu, thiết bị sản xuất… theo một trật tự nhất định để tạo ra kết quả mà họ mong muốn. Nói cách khác, họ là những người tạo ra các “quy luật” tương tác giữa các cấu phần để kiểm soát sự hình thành của hiện tượng.
Dạng trật tự thứ hai là các trật tự không có chủ ý, hay các trật tự tự phát - những trật tự được tạo ra hoàn toàn không dựa trên chủ ý của con người. Các trật tự này rất phổ biến trong thế giới tự nhiên, ví dụ như sự hình thành của các đám mây, sấm chớp, lực hút giữa hai vật thể mang khối lượng, bão, lũ lụt, hạn hán, động đất… Các cấu phần tạo nên các hiện tượng này tuân theo các quy luật tự nhiên và hoàn toàn không dựa trên chủ ý của con người. Chúng xuất hiện một cách độc lập với khả năng phát hiện ra các quy luật tự nhiên của con người. Sấm chớp và mưa đã tồn tại từ rất lâu trước khi con người được sinh ra, và phải đến hàng ngàn năm sau con người mới phát hiện ra các quy luật vật lý chi phối sự hình thành của các hiện tượng này.
Tuy nhiên, trật tự tự phát không chỉ tồn tại trong thế giới tự nhiên mà còn là một hiện tượng phổ quát trong xã hội. Để nói về trật tự xã hội tự phát, Hayek đã sử dụng định nghĩa của (Ferguson, 1767): đó là “kết quả của hành động con người, nhưng lại không được thiết kế bởi con người” […“result of human action, but not the execution of any human design”]. Để làm rõ khái niệm trật tự tự phát, chúng ta hãy thử xem xét quá trình làm ra một chiếc bánh chưng. Người thợ làm bánh phải thu mua các nguyên liệu đầu vào như lá dong, gạo nếp thơm, đậu đỗ, thịt lợn, gia vị, và lạt buộc, sau đó kết hợp với các dụng cụ sản xuất để làm ra chiếc bánh. Đến lượt mình, người bán lá dong lại đi tìm các khu rừng có nhiều lá để lấy lá hoặc mua lại từ những người đi lấy lá. Tương tự như vậy đối với những nhà cung cấp khác. Chúng ta có thể thấy, bất kể người mua lá dong để làm bánh chưng hay một loại bánh khác đều không quan trọng đối với người bán lá, vì vậy việc bó lá đó sẽ được sử dụng để làm gì tiếp theo hoàn toàn không nằm trong ý định của người bán lá. Đối với người mua lá dong, anh ta chỉ quan tâm tới việc lá có đủ to và xanh để gói bánh chưng hay không và không quan tâm tới quá trình người bán tìm kiếm nguồn lá ở đâu, bằng cách nào. Như vậy, ta có thể thấy mỗi công đoạn trong quá trình sản xuất được thực hiện một cách có chủ ý bởi những người tham gia, nhưng toàn bộ quá trình sản xuất lại không hề được tạo ra một cách có chủ ý bởi bất kỳ một cá nhân nào trong quá trình đó. Mặc dù không được tạo ra một cách có chủ ý, quá trình trên vẫn được coi là một trật tự do các cấu phần hình thành nên trật tự đó – hành động của các cá nhân – đều tuân theo một quy luật chung là không xâm phạm vào quyền tài sản của người khác. Với góc nhìn trên, các quá trình như sự biến động của hệ thống giá cả, phân công lao động, sự tiến hóa của hệ thống luật pháp, ngôn ngữ… đều là các trật tự tự phát bởi đó đều là các hiện tượng có trật tự được hình thành một cách không có chủ ý bởi những người tham gia. Điểm khác biệt duy nhất giữa trật tự tự phát trong tự nhiên và trong xã hội là cái sau là kết quả của sự tương tác giữa các cá nhân hành động có mục tiêu, động cơ, trong khi đó các cấu phần hình thành nên cái trước không nhất thiết phải hành động “có mục đích”. Chúng ta không thể hiểu được mục đích của việc hai vật mang khối lượng hút nhau là gì (mặc dù chúng ta biết rằng hai vật mang khối lượng thì hút nhau), nhưng lại có thể hiểu được mục tiêu và động cơ của những người tham gia vào quá trình sản xuất ra một chiếc bánh chưng.
Các đặc điểm của trật tự xã hội tự phát
Đặc điểm đầu tiên và quan trọng nhất của trật tự tự phát là, so với các trật tự có chủ ý, chúng có khả năng đạt được mức độ phức tạp cao hơn rất nhiều. Sự hình thành của các trật tự có chủ ý bị giới hạn bởi mục tiêu và tri thức của người tạo ra trật tự đó. Ngược lại, các trật tự phát không phụ thuộc vào mục tiêu hay tri thức của chỉ một hay một vài cá nhân đơn lẻ nào. Nhờ đó, trật tự tự phát có khả năng tận dụng tri thức của tất cả cấu phần tham gia thông qua việc cho phép họ tự thích nghi với các điều kiện, hoàn cảnh, môi trường, không gian, thời gian mà tại đó họ thực hiện hành động, miễn là những hành động đó tuân theo một số quy tắc hành xử nhất định. Đặc điểm này của trật tự tự phát lần đầu tiên được Hayek khám phá trong quá trình ông nghiên cứu sự vận hành của nền kinh tế thị trường dựa trên hệ thống giá cả. Trong tiểu luận nổi tiếng Sử dụng tri thức trong xã hội(1) [The use of knowledge in society] (Hayek 1945), ông đã chỉ ra hệ thống giá cả chính là một trật tự tự phát. Trật tự này được tạo nên dựa trên quy tắc ứng xử chung là tôn trọng quyền sở hữu tư nhân. Dựa trên quy tắc đó, tất cả các cá nhân tham gia vào thị trường đều được tự do sử dụng tri thức của họ để đưa ra các quyết định phân bổ nguồn lực tại các hoàn cảnh, thời điểm, không gian nhất định. Điều đó khiến cho các mức giá cả liên tục thay đổi để phản ánh các thay đổi về tri thức và thị hiếu của các cá nhân trong nền kinh tế thị trường. Việc kiểm soát một cách có chủ ý hệ thống giá cả đồng nghĩa với việc từ bỏ lợi ích lớn nhất của hệ thống này, đó là khả năng sử dụng tri thức của toàn bộ xã hội nhờ cho phép các cá nhân ra quyết định một cách phân tán, điều mà không bất kỳ một bộ não chỉ huy đơn lẻ nào có thể đạt được. Hãy thử nghĩ về hàng triệu loại hàng hóa, nguồn lực liên tục được phân bổ và tái phân bổ từng phút từng giây trên khắp thế giới mà không cần chỉ đạo bởi bất kỳ một người đơn lẻ nào. Hoặc dù đơn giản hơn, hãy thử nghĩ về lượng tri thức trên thực tế cần thiết để sản xuất ra một chiếc bánh chưng, tối thiểu sẽ phải bao gồm: biết khi nào và bằng cách nào để sản xuất ra loại gạo nếp thơm, lá dong, thịt lợn, các loại gia vị, biết kỹ thuật gói bánh chưng, biết làm ra than, nồi và các công cụ khác để luộc bánh, biết tạo ra xe đạp và xe máy để vận chuyển bánh, và biết giao bánh vào khi nào, ở đâu, cho ai. Ai cũng có thể thấy, toàn bộ quá trình sản xuất ra một sản phẩm tưởng chừng đơn giản như một chiếc bánh chưng cũng đòi hỏi lượng tri thức vượt quá hiểu biết của bất kỳ một cá nhân nào trong xã hội. Trật tự phát không đòi hỏi con người phải toàn năng toàn trí, nhưng vẫn có thể giúp các cá nhân hành động như thể họ là những người toàn năng toàn trí, nhờ khả năng sử dụng tri thức của những người khác mà không nhất thiết phải nắm giữ chúng.
Thứ hai, cũng giống như các trật tự tự phát trong tự nhiên, các trật tự xã hội tự phát có thể tồn tại mà không cần bất kỳ cá nhân nào biết tới sự tồn tại của chúng, miễn là các cá nhân vẫn hành động theo một số quy tắc ứng xử nhất định. Nền kinh tế thị trường đã bắt đầu xuất hiện khi con người thiết lập các quy tắc trao đổi thương mại nhưng phải đến hàng ngàn năm sau chúng ta mới phát hiện và bắt đầu nghiên cứu nền kinh tế thị trường như một hiện tượng có trật tự. Trước khi có kinh tế học và xã hội học, các hiện tượng xã hội chỉ được xem là một mớ hỗn độn. Tuy nhiên, các trật tự xã hội vẫn luôn tồn tại, bất chấp việc con người có khám phá ra các trật tự đó hay không. Các cá nhân vẫn hàng ngày liên tục khai thác các trật tự tự phát theo hướng có lợi cho mình và tác động vào các quy tắc hành xử hình thành nên trật tự này. Chúng ta vẫn sử dụng ngôn ngữ, tiền, và luật pháp hàng ngày theo hướng có lợi cho mình và liên tục tác động tới chúng. Vì vậy, việc biết tới sự tồn tại của trật tự tự phát không phải điều kiện tiên quyết để hình thành nên trật tự phát. Tuy nhiên, điều này không phủ nhận lợi ích của việc gia tăng hiểu biết của chúng ta về các trật tự tự phát. Hiểu biết về vai trò của hệ thống giá cả giúp chúng ta loại bỏ ảo tưởng về một nền kinh tế tập trung có khả năng đạt được hiệu quả kinh tế ngang bằng với nền kinh tế thị trường.
Thứ ba, do trật tự tự phát không được tạo ra một cách có chủ ý, ta không thể nói trật tự tự phát có bất kỳ “mục đích” nào mà chỉ có thể nói về “vai trò” của chúng. Thông qua việc giữ cho hành động của các cá nhân tuân theo một số quy tắc hành xử nhất định, một trong những vai trò quan trọng nhất của các trật tự tự phát là giúp các cá nhân có thể phối hợp hành động với nhau. Nếu không thể dự đoán được hành động của người khác, việc phối hợp hành động trong xã hội là bất khả. Nói cách khác, chúng ta sẽ không thể tìm thấy bất kỳ một hiện tượng có trật tự nào trong xã hội. Nhờ việc các cá nhân biết trước và cùng chia sẻ các quy tắc hành xử chung mà hợp tác xã hội trở nên khả thi.
Đặc điểm của các quy tắc hành xử giúp tạo nên các trật tự xã hội tự phát
Đầu tiên, Hayek cho rằng các quy tắc hành xử đóng vai trò quyết định đối với kết quả của tương tác giữa các cá nhân. Nếu mỗi người chỉ sống trong một ốc đảo riêng lẻ của mình và không bao giờ tương tác với người khác thì các quy tắc hành xử sẽ trở nên thừa thãi. Tuy nhiên, khi bắt đầu tương tác với người khác, chúng ta chỉ có thể giải thích được hệ quả của tương tác đó dựa trên các quy tắc hành xử mà các cá nhân đã tính đến khi hành động. Chúng ta có thể tổng quát hóa mệnh đề trên như sau: Để người P1 đạt được mục tiêu E1, người đó phải thực hiện hành động A1, và để P2 đạt được mục tiêu E2 người đó sẽ phải thực hiện hành động A2. Khi có tương tác giữa P1 và P2, A1 sẽ phụ thuộc vào A2 và ngược lại. Do đó, khi lên kế hoạch để thực hiện hành động, P1 và P2 sẽ phải tính đến việc người kia sẽ phản ứng lại như thế nào. Như vậy, các hành động cụ thể A1 và A2 là hệ quả của việc P1 và P2 đưa ra các tính toán dựa trên các quy tắc ứng xử giữa họ. Đến lượt mình, hai hành động cụ thể A1 và A2 quyết định hệ quả tương tác giữa P1 và P2. Chúng ta có thể thấy, bất kể một lời giải thích nào về các hiện tượng xã hội – tức các hiện tượng có sự tương tác giữa người với người – đều không thể bỏ qua yếu tố về quy tắc ứng xử, bởi đây là yếu tố mà các cá nhân luôn tính đến trong hành động của mình khi tương tác với người khác.
Thứ hai, để tạo ra các trật tự tự phát, các quy tắc hành xử cần cho phép một khoảng tự do hành động để các cá nhân có thể thích ứng khi đối mặt với các hoàn cảnh cụ thể. Vì vậy, các quy tắc này phải có tính chất trừu tượng, tức chúng chỉ giới hạn một số dạng hành động nhất định, bất kể hành động đó được thực hiện bởi ai, trong thời điểm, hoàn cảnh, môi trường cụ thể nào. Trong xã hội áp dụng quy tắc tôn trọng quyền sở hữu tư nhân, các hành động cụ thể như lấy trộm ví, xe máy, ô tô… bất kể thực hiện bởi ai cũng sẽ đều được xếp vào cùng một nhóm “hành động trộm cắp” và những người thực hiện những hành động này sẽ đều bị xử phạt như nhau. Tuy nhiên trong trường hợp một người lấy xe máy của người khác để chở một người đang trong tình trạng cần cấp cứu khẩn cấp tới bệnh viện, sau đó mang trả lại xe cho người chủ sở hữu, hành động đó có thể sẽ không được xếp vào nhóm hành động trộm cắp trong xã hội tôn trọng quyền sở hữu tư nhân. Đó là do khi phân loại hành động, chúng ta cũng xét đến các dạng hoàn cảnh, tức tất cả các hoàn cảnh cụ thể đáp ứng một số tiêu chí nhất định, để phân loại một hành động cụ thể vào một nhóm hành động nào đó. Như trong trường hợp trên, hành động lấy xe không được xếp vào nhóm hành động trộm cắp mà được xếp vào một nhóm khác là do hoàn cảnh cụ thể mà hành động diễn ra – cứu một người bệnh đang trong tình trạng nguy kịch – thuộc nhóm “tình trạng khẩn cấp”. Việc giới hạn các quy tắc hành xử vào các quy tắc trừu tượng là hệ quả của việc không một cá nhân nào trong xã hội có đủ tri thức cần thiết để chỉ đạo những cá nhân khác phải làm gì, vào lúc nào, và trong hoàn cảnh nào. Do đó các quy tắc này sẽ không thể tồn tại ở dưới dạng liệt kê tất cả các hành động mà từng cá nhân được cho phép thực hiện ở các hoàn cảnh, không-thời gian cụ thể. Ngược lại, các quy tắc ứng xử chỉ có thể đóng vai trò như một trong những yếu tố đầu vào để các cá nhân tự lên kế hoạch cho hành động của mình, thông qua việc nói cho các cá nhân biết những dạng hành động nào sẽ bị ngăn cấm.
Một số hàm ý của lý thuyết trật tự tự phát đối với vai trò của Luật pháp và Lập pháp
Với vai trò là các quy tắc hành xử chung trong xã hội, Hayek cho rằng luật pháp cũng phải có tính trừu tượng, tức luật pháp chỉ ngăn cản một số dạng hành động nhất định, bất kể các hành động cụ thể được xếp trong nhóm bị ngăn cấm được thực hiện bởi ai và trong những hoàn cảnh, không-thời gian cụ thể nào. Vì vậy, có thể nói lý thuyết về trật tự tự phát của Hayek đã đặt cơ sở lý luận cho tinh thần thượng tôn pháp luật, hay pháp quyền (rule of law) và phản đối việc sử dụng luật pháp như một công cụ thể cai trị người dân của giới cai trị, hay pháp trị (rule by law). Tinh thần thượng tôn pháp luật cho rằng tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, rằng pháp luật là các quy tắc hành xử chung trong xã hội mà tất cả mọi người đều phải tuân theo một cách bình đẳng như nhau. Do đó, ở một xã hội thượng tôn pháp luật, các cá nhân có thể tự do theo đuổi các mục tiêu của mình miễn họ không vi phạm luật pháp. Vì vậy, trật tự xã hội mà chế độ pháp quyền tạo ra là trật tự tự phát. Ngược lại, ở một xã hội pháp trị, hành động của các cá nhân sẽ bị hạn chế vào mục tiêu và tri thức của người làm ra luật. Người sử dụng pháp luật do anh ta tạo ra để cai trị xã hội, điều hướng xã hội theo ý mà anh ta mong muốn không khác nhiều so với một người kỹ sư sắp đặt các loại máy móc trong nhà máy để tạo ra một sản phẩm nào đó. Vì vậy trật tự xã hội trong chế độ pháp trị là một trật tự có chủ ý. Việc chỉ ra chế độ pháp quyền tạo ra trật tự tự phát trong khi đó chế độ pháp trị tạo ra trật tự có chủ ý đã cung cấp một lý do thuyết phục để chúng ta khước từ cái sau và ủng hộ cái trước. Đó là trật tự xã hội mà chế độ pháp trị tạo ra không những ngăn cản các cá nhân theo đuổi mục tiêu riêng rẽ của mình mà còn ngăn cản xã hội khai thác lượng tri thức khổng lồ được sở hữu một cách phân tán bởi các cá nhân trong xã hội. Trong khi đó, ở chế độ pháp quyền, luật pháp sẽ được sử dụng như một công cụ để bảo vệ tự do cá nhân, tức cho phép các cá nhân được tự do hành động để theo đuổi các mục tiêu riêng rẽ của mình mà không phải tuân theo mệnh lệnh của bất kỳ một cá nhân, tổ chức, hay đám đông nào. Các hành động của cá nhân khi đó chỉ bị giới hạn bởi các quy tắc hành xử được quy định bởi luật pháp và được áp dụng bình đẳng với tất cả mọi người nhằm duy trì trật tự xã hội.
Một cách logic, vấn đề tổng quát tiếp theo mà Hayek giải quyết là bằng cách nào chúng ta có thể biết được những quy tắc hành xử nào là tốt hơn, hay vấn đề hẹp hơn là làm thế nào để chọn ra được luật pháp tốt hơn, tức vấn đề của lập pháp. Câu trả lời được ông nhắc tới một phần trong cuốn sách này và hệ thống lập luận được phát triển một đầy đủ trong tác phẩm cuối cùng của ông - Sự tự phụ chết người: Những sai lầm của Chủ nghĩa xã hội [The Fatal Conceit: The Errors of Socialism] (Hayek, 1991). Hayek cho rằng, các quy tắc hành xử được chọn lọc thông quá quá trình tiến hóa văn hóa [cultural evolution] dựa trên cơ chế lựa chọn nhóm [group selection]. Các hệ thống quy tắc hành xử cạnh tranh với nhau dựa trên hệ quả của việc các nhóm áp dụng những quy tắc hành xử đó. Những hệ thống quy tắc hành xử tốt sẽ giúp các nhóm áp dụng chúng có khả năng liên tục nhân rộng và mở rộng sức mạnh của mình, trong khi đó các nhóm sử dụng các hệ thống quy tắc hành xử kém hiệu quả sẽ dần suy yếu và thu hẹp lại. Những xã hội cho phép giết người và hợp pháp hóa trộm cắp sẽ càng ngày càng suy yếu do không tạo ra động lực sản xuất và khuyến khích sử dụng bạo lực, trong khi đó xã hội tôn trọng quyền sở hữu tư nhân, hòa bình, và hợp tác tự nguyện ngày càng trở nên giàu có và liên tục mở rộng. Dựa trên cơ chế đó, các nhóm áp dụng những hệ thống quy tắc hành xử ưu việt hơn sẽ được tiến hóa lựa chọn và các hệ thống quy tắc hành xử ưu việt hơn sẽ được lưu tồn bởi chính những nhóm áp dụng những quy tắc đó. Các hệ thống quy tắc hành xử thành công ở thời điểm hiện tại là kết quả của quá trình vô số các hệ thống quy tắc hành xử khác đã được thử sai bởi các nhóm cộng đồng qua hàng ngàn năm. Từ đó, Hayek đi tới kết luận rằng lập pháp cần phải tập trung vào việc khám phá và cải thiện các hệ thống hành xử đã và đang tồn tại trong xã hội, phát biểu các quy tắc đó bằng ngôn ngữ chính xác, dễ hiểu để có khả năng áp dụng rộng khắp trong xã hội.
Tài liệu tham khảo:
Hayek, Friedrich August. Law, legislation and liberty, volume 1: Rules and order. Vol. 1. University of Chicago Press, 1978.
Hayek, Friedrich August. "The use of knowledge in society." The American economic review 35, no. 4 (1945): 519-530.
Hayek, Friedrich August. The fatal conceit: The errors of socialism, 1991. Routledge, 2013.
Ferguson, Adam. An essay on the history of civil society, 1767. Transaction Publishers, 1980.
Nguồn: Hoàng Kim Thực, Bài điểm sách: Law, Legislation, and Liberty - Tập 1: Rules and Order, F-Group’s Working Paper Series, 2 (6/2019), 1-7
Chú thích:
(1) Bản tiếng Việt của tiểu luận được dịch bởi Đinh Tuấn Minh, nằm trong cuốn sách dịch Chủ nghĩa cá nhân và Trật tự kinh tế [Individualism and Economic Order – F.A.Hayek], NXB Tri thức. Bản mềm của tiểu luận tại đây.