[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 10: Những vấn đề của thời đại (Phần 3)
Y tế
Kể từ khi Clinton được bầu làm tổng thống vào năm 1992, lĩnh vực y tế đã trở thành trung tâm của những cuộc tranh luận về chính sách ở Mỹ. Báo chí đã nói về nhiều vấn đề của hệ thống y tế hiện nay: chi tiêu trong lĩnh vực y tế tăng gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế; tăng từ 6% GNP vào năm 1965 lên 14% vào năm 1993; trong khi đó, khoảng 35 triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế. Nhưng kì lạ là, mặc dù đã có tất cả các bằng chứng về sự thất bại của hệ thống ép buộc và quan liêu, những “giải pháp” được đưa ra lại là quản lý chặt hơn, chính phủ chi nhiều hơn, hoặc quốc hữu hóa nhanh chóng ngành y tế.
Nhưng nếu nhìn vào nguồn gốc thực sự của vấn đề y tế, chúng ta có thể tìm thấy giải pháp tốt hơn. Trước hết, chúng ta phải ghi nhận rằng, trên thực tế, Mỹ có một hệ thống y tế tuyệt vời và có mặt khắp nơi. Bằng cách này hay cách khác, phần đông người nghèo và người không có bảo hiểm y tế vẫn được chữa bệnh. Thứ hai, chúng ta phải công nhận rằng, những tiến bộ công nghệ vượt bậc trong ngành y, ví dụ như quét CAT, cấy ghép nội tạng và những cách tân khác, là những khoản rất đắt tiền; điều trị tốt hơn thường tốn nhiều tiền hơn. Thứ ba, chúng ta phải nhận thức được rằng tăng tuổi thọ là tuyệt vời, nhưng dân số già đi sẽ chi nhiều hơn cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Thứ tư, có thể nghĩ rằng người dân giàu có hơn sẽ chi nhiều hơn cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Tỷ lệ GNP dành cho những nhu cầu căn bản như thực phẩm và quần áo ngày càng ít đi. Số tiền còn lại đi đâu? Dành cho những nhu cầu khác: du lịch, vui chơi giải trí và chăm sóc sức khỏe với chất lượng cao hơn.
Tuy nhiên, hệ thống y tế của chúng ta còn tồn tại một vấn đề nghiêm trọng, gây ra nhiều tốn kém. Vấn đề cơ bản trong hệ thống y tế Mỹ hiện nay là người tiêu dùng không được quyết định. Thị trường cạnh tranh tạo ra những hàng hóa tốt hơn với chi phí thấp hơn vì mỗi người tham gia đều tìm cách đáp ứng nhu cầu của mình với chi phí thấp nhất. Nhưng bệnh nhân trong hệ thống y tế Mỹ không thanh toán trực tiếp cho việc chữa bệnh của mình. Mỗi USD tiền thuốc và viện phí có 76 cent do người khác chứ không phải bệnh nhân trả - đấy là tiền của chính phủ, của các công ty bảo hiểm, hay người sử dụng lao động. Vì vậy, hầu hết bệnh nhân không được hưởng lợi từ việc chi tiêu một cách khôn ngoan hoặc không phải trả giá cho việc chi tiêu một cách thiếu khôn ngoan.
Tại sao người tiêu dùng không trả tiền chữa bệnh cho mình? Câu trả lời dẫn chúng ta đến một ví dụ tuyệt vời của vòng tròn can thiệp luẩn quẩn của chính phủ, quy định này tạo ra những vấn đề, cần phải có thêm quy định để giải quyết; quy định sau lại đẻ ra vấn đề, cần có quy định nữa… Trong Thế chiến II, nhằm che dấu nạn làm phát do phát hành quá nhiều tiền gây ra, chính phủ liên bang liền áp dụng biện kiểm soát tiền lương và giá cả. Kiểm soát tiền lương làm cho việc giữ nhân viên tốt hay lôi kéo những người mới trở thành khó khăn hơn. Các công ty liền nghĩ đến việc cung cấp bảo hiểm y tế cho nhân viên, vì chính sách kiểm soát tiền lương không cấm các khoản trợ cấp cho nhân viên. Sau chiến tranh, khoản trợ cấp này đã được nhiều công ty áp dụng, đến mức quốc hội quyết định không coi bảo hiểm y tế là khoản thu nhập chịu thuế của người lao động, thế là các công ty khác cũng bắt đầu cung cấp bảo hiểm cho người lao động vì cả người lao động lẫn người sử dụng lao động đều được lợi khi loại bảo hiểm y tế ra khỏi phần thu nhập chịu thuế.
Bởi vì người sử dụng lao động chi trả bảo hiểm y tế và bảo hiểm thanh toán hầu hết các chi phí chữa bệnh, cho nên bệnh nhân không còn quan tâm đến chi phí nữa. Việc gì bạn phải lo khi bác sĩ đòi bạn 20 hay 40 USD, vì đằng nào bạn cũng có phải trả đâu? Năm 1965, bệnh nhân phải chi trả 17% viện phí (hiện nay, khoảng 5%), do đó viện phí tăng cực kỳ nhanh. Chi phí còn gia tăng hơn nữa vì các chính khách đòi bảo hiểm phải thanh toán cho việc chữa trị nhiều loại bệnh hơn – từ cai nghiện rượu và ma túy, đến thụ tinh trong ống nghiệm, châm cứu, thụ tinh nhân tạo và thử chữa bệnh AIDS – thay vì để cho các công ty bảo hiểm và người sử dụng lao động đề xuất những phương án bảo hiểm y tế khác nhau. Việc tăng chi phí cuối cùng đã làm cho người sử dụng lao động, tức là người phải thanh toán các hóa đơn, bắt đầu áp dụng những biện pháp kiểm soát chi phí. Mỗi ngày, mỗi người trong chúng ta đều kiểm soát những khoản chi của mình, chúng ta kiểm soát khi quyết định mua cái gì và phải trả bao nhiêu tiền. Mỗi quyết định chi tiêu đều được tính toán: Ta có thực sự cần cái áo sơ mi mới không? Ta có muốn một vại bia lớn không, nếu đắt hơn vại nhỏ 25% thì sao? Có cần lắp thêm vào ô tô một cái phanh thủy lực và một cửa sổ trời không? Mỗi người có lựa chọn riêng của mình, chẳng ai giống ai. Nhưng bên thứ ba, ví dụ như chuyên gia về bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động, không thể biết sở thích của chúng ta bằng chúng ta. Cho nên, khi cắt giảm chi phí, họ không thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu của mỗi người. Điều đó có nghĩa là người lao động phản đối các biện pháp kiểm soát chi phí và ủng hộ tư tưởng quản lý của chính phủ.
Các chính trị gia liền cấm cắt giảm một số khoản; ví dụ, họ thông qua điều luật nó rằng sau khi sinh, các bà mẹ được ở lại hai đêm trong bệnh viện. Nghe có vẻ hay, nhưng có phải người mẹ nào cũng đòi ở trong bệnh viện hai đêm, nếu bà ta phải tự thanh toán viện phí? Trong khi đó, vì người tiêu dùng không mua trực tiếp bảo hiểm y tế, họ không thể có những khoản bảo hiểm mà họ muốn; họ chỉ được nhận những khoản mà tất cả mọi người trong công ty đều được mà thôi. Nếu người tiêu dùng mua tự mua bảo hiểm sức khỏe cho mình, một số có thể muốn bảo hiểm thai sản, bảo hiểm sức khỏe tâm thần, tư vấn hôn nhân, châm cứu..v.v... Những người khác có thể lựa chọn hợp đồng bảo hiểm rẻ hơn (Ngày càng có nhiều người sử dụng hợp đồng bảo hiểm linh hoạt hay còn gọi là “cafeteria”, tức là những hợp đồng dành cho người lao động một số lựa chọn, nhưng nói chung, vẫn là nhận trợ cấp khi ốm đau chứ không phải nhận tiền mặt; nhưng ngay cả hợp đồng bảo hiểm kiểu cafeteria cũng phải bị điều tiết của hơn một ngàn đạo luật của các bang, buộc phải đưa một số dạng bảo hiểm cụ thể vào hợp đồng). Vì người tiêu dùng không phải trả tiền bảo hiểm, cho nên bao giờ họ cũng muốn có hợp đồng đầy đủ nhất và vì vậy mà nhiều người quay sang đề nghị chính phủ buộc phải đưa những khoản bảo hiểm đó vào hợp đồng. Tất nhiên, mỗi yêu cầu mới đều làm cho bảo hiểm y tế trở thành đắt tiền hơn và buộc người sử dụng lao động phải nghĩ đến việc bỏ toàn bộ bảo hiểm y tế hoặc áp dụng “chăm sóc sức khỏe có kiểm soát” hay những biện pháp cắt giảm chi phí khác.
Sư bất mãn của người tiêu dùng với các hợp đồng bảo hiểm “chăm sóc sức khỏe có kiểm soát” hay những những hợp đồng tương tự có thể dẫn đến đòi hỏi củng cố hệ thống bảo hiểm y tế của chính phủ, nhưng xin chớ lầm lẫn: ở tất cả các nước trên thế giới, bảo hiểm y tế của chính phủ có nghĩa là sự phân bổ của bộ máy quan liêu, xa rời người tiêu dùng còn hơn cả hợp đồng bảo hiểm theo kiểu “chăm sóc sức khỏe có kiểm soát” của các công ty. Ở Anh, bệnh nhân trên 55 tuổi thường bị từ chối chạy thận nhân tạo, còn Hệ thống dịch vụ y tế quốc gia thì đề nghị không chữa cho những người hút thuốc khi họ mắc những bệnh phải điều trị bằng những loại thuốc đắt tiền. Ở Canada, sau khi được bác sĩ đa khoa giới thiệu, phải chờ trung bình 5 tuần mới được chuyên gia thăm khám, sau đó còn phải chờ khá lâu mới được phẫu thuật theo đề nghị của vị chuyên gia kia. Thời gian chờ đợi từ khi bác sĩ đa khoa giới thiệu cho đến khi được điều trị, ở Ontario là khoảng 11,5 tuần; còn ở đảo Prince Edward là 21 tuần. Hệ thống bảo hiểm của Canada tiết kiệm bằng cách cắt giảm các thiết bị phức tạp: tiểu bang Washington (4,6 triệu người) có nhiều máy MRI hơn Canada (26 triệu người); tính trên đầu người, số máy xạ trị ở Mỹ nhiều hơn Canada đến 7 lần. Ở Thụy Điển, muốn chụp X-quang tim, bệnh nhân phải chờ hơn 11 tháng. Năm 1996, Pháp áp dụng các biện pháp giám sát chi phí của mỗi bệnh nhân, và phạt các bác sĩ nếu chi phí vượt quá ngân sách do chính phủ quy định.
Làm sao thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn này? Quan trọng là trả việc chăm sóc sức khỏe về cho bệnh nhân. Mỗi người tiêu dùng phải tự quyết định họ cần bỏ ra bao nhiều tiền cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe hay bảo hiểm y tế. Một trong những biện pháp nhằm chuyển sang hướng đó là khoản tiết kiệm chữa bệnh, được trình bày trong tác phẩm Quyền lực của nệnh nhân: Giải quyết khủng hoảng y tế ở Mỹ (Patient Power: Solving America's Health Care Crisis) của John C. Goodman và Gerald L. Musgrave. Theo kế hoạch Quyền của bệnh nhân (Patient plan), mỗi năm mỗi người đều được phép gửi một số tiền nhất định vào tài khoản tiết kiệm y tế (MSA) mà không phải đóng thuế, họ có thể sử dụng tài khoản này để thanh toán cho việc chữa bệnh. Chi tiêu tiền trong tài khoản MSA hợp lý là dùng một phần để mua bảo hiểm “thảm họa” với mức miễn thường có khấu trừ cao1, ví dụ 3.000 USD. Số tiền còn lại trong MSA sẽ được sử dụng để thanh toán cho những khoản chi phí thường xuyên, còn bảo hiểm thảm họa thì được dùng trong trường hợp tai nạn hay bệnh tật nghiêm trọng.
Kế hoạch này sẽ tạo điều kiện quay về với mục đích thực sự của bảo hiểm – đề phòng những thảm họa ít khi xảy ra. Dùng “bảo hiểm y tế” để thanh toán cho việc khám và chữa những căn bệnh nhẹ thì có khác gì dùng bảo hiểm ô tô để trả tiền mua xăng và bảo dưỡng xe. Bảo hiểm y tế, tương tự như bảo hiểm xe hơi, nên được mua để đề phòng những trường hợp, khi mà bạn không thể nào thanh toán nổi.
Hiện nay, trong thành phố có mức sống trung bình, mỗi năm người sử dụng lao động phải trả khoảng 5.200 USD tiền bảo hiểm y tế cho người lao động và gia đình của họ. Các hợp đồng bảo hiểm này thường có mức khấu trừ thấp, khoảng 100 hoặc 250 USD, nghĩa là nếu chi phí chữa bệnh trong năm của nhân viên vượt qua mức đó thì bảo hiểm sẽ phải thanh toán. Ngược lại, phí bảo hiểm cho hợp đồng thảm họa 3.000 USD, khấu trừ chỉ khoảng 2.200 USD một năm. Vì vậy, theo Patient Plant, người sử dụng lao động có thể cung cấp cho người lao động hợp đồng thảm họa rồi nhập vào tài khoản MSA của người lao động 3.000 USD. Chi phí của người sử dụng lao động vẫn giữ nguyên. Người lao động sẽ được lợi vì nếu chi phí chữa bệnh trong năm của một người lao động nào đó ít hơn 3.000 USD – là mức mà khoảng 94% các gia đình người Mỹ vẫn chi – người đó sẽ được giữ số tiền này trong tài khoản MSA của mình hoặc chuyển sang tài khoản hưu trí (IRA). Cá nhân kiểm soát chi phí cho việc chăm sóc sức khỏe sẽ khuyến khích lối sống lành mạnh, vì tiền tiết kiệm sẽ được chuyển vào túi người tiêu dùng.
Mặc dù vậy, lợi ích thực sự của Patient Plan là trả lại quyền lựa chọn cho người tiêu dùng và khôi phục quyền kiểm soát của người tiêu dùng đối với chi phí trong ngành y tế. Người tiêu dùng sẽ thấy cần phải hỏi giá chữa trị là bao nhiêu, có cần thiết không, bác sĩ khác có lấy rẻ hơn không - những câu mà chúng ta hỏi khi mua tất cả những món hàng khác - vì khoản tiền tiết kiệm được sẽ thuộc về họ. Cuộc kiểm nghiệm kế hoạch này do Công ty Rand (Rand Corporation) tiến hành vào năm 1976 cho thấy những người được chữa bệnh miễn phí chi hơn những người phải thanh toán 95% viện phí – trừ trường hợp bị thảm họa – tới 45%. Trong khi hai nhóm có sức khỏe như nhau.
Cùng với việc đưa y tế trở lại với thị trường cạnh tranh, những người theo phái tự do cá nhân còn đề nghị bãi bỏ việc kiểm soát của chính phủ đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe. Một lý do nữa làm cho chi phí chữa bệnh đắt đỏ là việc cấp môn bài, hạn chế số lượng bác sĩ (xin nhớ, cung ít thì giá phải cao) và buộc bệnh nhân phải được các bác sĩ có bằng cấp chứ không được để cho những người chỉ có bằng trung cấp điều trị, ngay cả khi những người có bằng cấp thấp hơn có thể điều trị được, với chi phí thấp hơn. Nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số nhân viên y tế có tay nghề, nhưng không có bằng - bà đỡ, y tá và những người chữa bệnh bằng phương pháp nắn khớp xương (chiropractors) - có thể cung cấp nhiều dịch vụ chăm sóc y tế mà các bác sĩ thường làm, với chất lượng tương đương, nhưng chi phí lại thấp hơn. Song, luật môn bài và những quy định liên bang lại giới hạn phạm vi hành nghề của họ và hạn chế việc tiếp xúc với các dịch vụ của họ.
Tóm lại, chúng ta phải quyết định: chúng ta muốn ngành y hoạt động theo cơ chế thị trường hay ngành y do chính phủ quản lý. Phân tích kinh tế và kinh nghiệm tiếp xúc với thị trường và các chính phủ chỉ ra rằng, thị trường cung cấp cho chúng ta hàng hóa và dịch vụ tốt hơn với chi phí thấp hơn, linh hoạt hơn và thường xuyên đổi mới, hơn là bộ máy quản lý hành chính quan liêu.
Làm giảm căng thẳng sắc tộc
Có lẽ bạn đọc đồng ý với tôi rằng thị trường thường hoạt động tốt hơn là bộ máy quản lý hành chính quan liêu và chính phủ nhỏ làm cho kinh tế tăng trưởng nhanh hơn. Còn những vấn đề xã hội thì sao? Những vấn đề nhức nhối có liên quan với nhau như căng thẳng sắc tộc, nạn nghèo đói, tội phạm, và những tầng lớp ở dưới đáy của xã hội? Hàng triệu người Mỹ sợ ra khỏi nhà vào ban đêm, hàng triệu người Mỹ (một số cũng là những người sợ ra khỏi nhà vào ban đêm) cảm thấy bị tách ra khỏi xã hội, căng thẳng giữa các sắc tộc và thậm chí lòng hận thù giữa các sắc tộc gia tăng đúng vào lúc tưởng chừng như đã không còn. Xin bắt đầu với vấn đề xã hội nóng bỏng nhất: sắc tộc.
Ở Mỹ, quan hệ của người da trắng với người da đen đã trải qua ba thời kì: chế độ nô lệ, kéo dài gần 250 năm; sau đó, sau một giai đoạn bình đẳng ngắn ngủi là đến chế độ phân biệt đối xử với người da đen (the Jim Crow system), kéo dài từ cuối thế kỷ XIX cho đến khoảng 1960; và giai đoạn hiện nay, với những chính sách đặc trưng như quyền bầu cử bình đẳng, nhà nước phúc lợi, và cử tuyển (dịch thoát ý cụm từ Affirmative Action2 - ND).
Ba giai đoạn này có gì chung? Bóc lột? Không hoàn toàn. Phân biệt đối xử? Không phải theo nghĩa thông thường. Cả ba giai đoạn đều có điểm chung là phủ nhận tính người và cá tính của người Mỹ gốc Phi. Từ năm 1619 cho đến năm 1865, hệ thống do người da trắng lập ra phủ nhận các quyền cá nhân cơ bản của người da đen. Chế độ nô lệ như một hệ thống – chính là nỗ lực nhằm buộc một số người phải thực hiện ý chí của một số người khác, như thể họ là những con vật hoặc những cỗ máy. Những người đòi bãi bỏ chế độ nô lệ có tư tưởng tự do cá nhân, tức là những người coi đấy là nỗ lực nhằm ăn cắp chính cái tôi của con người, gọi hệ thống đó là “ăn cắp tính người”.
Sau đó, nhằm bảo vệ người da trắng, không để người da đen cạnh tranh với họ và nhằm hạn chế khả năng tham gia thị trường lao động tự do của người da đen, người ta đã thông qua đạo luật kì thị người da đen (Luật Jim Crow). Chính sách kì thị tước đoạt của người da đen cơ hội đạt đến thành công cao nhất mà khả năng thiên phú của họ cho phép.
Sau khi luật Jim Crow đã bị hủy bỏ vào cuối năm những 1950 và đầu những năm 1960, dường như cuối cùng người da đen ở Mỹ cũng có thể được đối xử một cách bình đẳng. Martin Luther King, Jr. đã thể hiện niềm hy vọng đó khi ông mơ về “một quốc gia, nơi người ta đánh giá [người dân] không qua màu da, mà qua tính cách của họ” và gọi Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp là “Lời hứa rằng tất cả mọi người, cả da đen lẫn da trắng, đều được đảm bảo những quyền bất khả xâm phạm là quyền sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Nhưng, đáng lẽ chỉ đơn giản là thực hiện những bảo đảm của Hiến pháp, thì chính phủ liên bang, với những ý định tốt đẹp nhất, lại tiến hành cuộc chiến chống đói nghèo và cử tuyển (affirmative action). Cả chính sách phúc lợi lẫn những ưu tiên ưu đãi về mặt sắc tộc đều coi người Mỹ da đen là những người mà nếu không có sự trợ giúp thì họ chẳng thể nào thành công trong xã hội Mỹ. Giới tinh hoa da trắng, những người đem ra áp dụng những chính sách cho rằng nếu chỉ dựa vào sức mình thì người da đen không thể vào được đại học hay được người ta thuê làm việc, họ cần sự giúp đỡ của chính phủ liên bang. Những chính sách này đối xử với người da đen như thể họ không phải là các cá nhân mà là thành viên của một nhóm người; một lần nữa chính phủ lại bác bỏ nhân tính của người Mỹ gốc Phi. Hai học giả Glenn C. Loury và Shelby Steele làm việc cho Trung tâm vì kỹ năng lãnh đạo cho người da đen (Center for New Black Leadership) chỉ ra rằng cứ mỗi lần người da đen nhận được tiền hoặc được ưu đãi vì lý do sắc tộc là “một phần số phận của người đó đã tuột khỏi tay mình”.
Hiện nay, mặc dù đã có luật về quyền dân sự, cử tuyển (affirmative action) và bằng chứng rõ ràng về sự tiến bộ kinh tế của người đen, quan hệ sắc tộc ở Mỹ dường như đang gay gắt hơn hơn bao giờ hết. Trong các trường đại học, sinh viên da trắng bôi những biểu tượng phân biệt chủng tộc lên cửa phòng của sinh viên da đen và sinh viên châu Á, những bài hát có tính phân biệt chủng tộc và bài Do Thái do các nghệ sĩ da đen biểu diễn được nhiều người tán thưởng, nhà thờ của người da đen ở miền Nam và cửa hàng của người da trắng ở Los Angeles bị thiêu rụi; thù hận vẫn tích tụ, mặc dù các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người da đen và người da trắng tha thiết muốn hòa giải. Cả người da đen lẫn người da trắng đều nói rằng khi giao tiếp với nhau, họ đều cảm thấy như là người đại diện cho sắc tộc của mình, họ phải cân nhắc từng lời nói một cách cẩn thận nhằm giữ cho được sự cân bằng về ngoại giao.
Dường như nhà nước phúc lợi và chế độ cử tuyển đã gây ra những hậu quả không lường trước được. Nhà nước phúc lợi cùng với cuộc chiến chống ma túy là nguyên nhân của những vụ bạo lực kinh hoàng trong các thành phố và làm cho cư dân các khu ổ chuột ngờ rằng đang có âm mưu tiêu diệt họ và người da trắng trung lưu thì nghĩ rằng người da đen là bọn vô luật pháp. Hình thức cử tuyển, mang tính cưỡng chế, do chính phủ uỷ quyền (cùng với những hậu quả như ưu tiên nhận một tỷ lệ nhất định người da đen và dành hợp đồng cho những công ty của người da đen) thể hiện khía cạnh tồi tệ nhất của chủ nghĩa tự do phúc lợi: cảm giác tội lỗi của người da trắng kết hợp với niềm tin không thể hiện thành lời rằng trong xã hội cạnh tranh, không có sự trợ giúp và ưu tiên ưu đãi trên cơ sở sắc tộc chứ không dựa vào khả năng như thế thì người da đen không thành công. Ưu tiên ưu đãi sắc tộc làm được rất ít hoặc chẳng làm được gì cho những người da đen nghèo ít học, nhưng lại làm cho những người da trắng bực tức, những người này lo ngại rằng họ bị tước mất cơ hội vào đại học và cơ hội có công ăn việc làm mà họ xứng đáng được hưởng.
Một vấn đề nữa là chính phủ ngày càng phình ra. Chính phủ càng kiểm soát nhiều lĩnh vực của xã hội thì những người lãnh đạo chính phủ càng trở nên quan trọng hơn. Nếu chính phủ Mỹ thu một nửa thu nhập của chúng ta, quản lý trường học của chúng ta, điều phối các doanh nghiệp của chúng ta, đặt ra chỉ tiêu tuyển sinh đại học và công ăn việc làm, trợ cấp cho văn học và nghệ thuật và can thiệp vào cuộc sống cá nhân của chúng ta, thì nhu cầu khẳng định rằng “chúng tôi” kiểm soát chính phủ trở thành vấn đề quan trọng sống còn. Đấu tranh chính trị là một trong những nguyên nhân gây các cuộc chiến tranh văn hóa ở Mỹ và cuộc chiến tranh thực sự với chính phủ trung ương tập quyền ở Ireland, ở Nam Phi, ở Nam Tư cũ và ở những quốc gia đa chủng tộc khác. Chúng ta có thể làm giảm căng thẳng sắc tộc bằng cách rút nhiều hơn nữa những vấn đề của đời sống khỏi vũ đài chính trị, để cho người dân làm việc cùng nhau – làm việc riêng rẽ - một cách hòa bình trong vòng quay của thị trường.
Giải pháp của chủ nghĩa tự do cá nhân là khởi động lại những nỗ lực của chúng ta nhằm xây dựng xã hội dựa trên cơ sở của quyền lựa chọn, trách nhiệm và sự tôn trọng chính bản thân mình và tôn trọng tha nhân. Khi giới tinh hoa da trắng cố gắng nâng cao lòng tự trọng của người dân tộc thiểu số và người nghèo bằng cách thuyết phục họ rằng họ không phải chịu trách nhiệm về hoàn cảnh của mình (ví dụ năm 1994, chủ tịch trường Đại học Rutgers (Rutgers University) đã bảo vệ ưu tiên ưu đãi về mặt sắc tộc trong tuyển sinh đại học bằng cách nói rằng người da đen “là giống người lạc hậu, về mặt di truyền họ không có khả năng giành được điểm cao”) – là đang tước đi lòng tự trọng của người ta. Thành tích cá nhân chính là cội nguồn của lòng tự trọng. Ít nhất chính phủ cũng phải để cho tất cả mọi người, không phân biệt màu da, càng nhiều cơ hội cho sự lựa chọn và tự chịu trách nhiệm - trong việc học hành, nhà ở, khu dân cư..v.v.. - càng tốt, và xã hội dành cho tất cả mọi người vinh dự tự chịu trách nhiệm về hậu quả của tất cả những hành động của họ.
Chủ nghĩa tự do cá nhân là triết lý chính trị, chứ không phải là tập hợp toàn bộ các quy tắc đạo đức. Nó chỉ đưa những quy tắc tối thiểu giúp người ta sống chung với nhau trong xã hội hòa bình, hiệu quả - quyền sở hữu tài sản, hợp đồng, và tự do – còn những lời dạy khác về đạo đức thì dành cho xã hội dân sự. Nhưng về vấn đề này, cần phải giải thích một vài quan niệm đạo đức chứ không chỉ mô tả chính sách của chủ nghĩa tự do cá nhân. Mặc dù chúng ta đã có những bước tiến lớn về phía xã hội, trong đó, phẩm giá của tất cả mọi người đều được tôn trọng như nhau; người Mỹ, không phân biệt sắc tộc, đều phải khẳng định cam kết từ bỏ mọi thành kiến về mặt sắc tộc. Chúng ta phải bác bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc công khai và đáng ghét, dù kẻ tuyên truyền cho nó có là David Duke hay Al Sharpton thì cũng thế. Chúng ta phải nghiêm khắc lên án những hành động bạo lực xuất phát từ tệ phân biệt chủng tộc, đấy có thể là vụ sát hại người thanh niên ở Kentucky với lá cờ Liên bang miền Nam trên chiếc xe tải của mình, hay vụ sát hại một người đen liều mạng vào khu Bensonhurst gần Brooklyn, đến vụ hai người công nhân nhà máy ô tô thất nghiệp ở Detroit sát hại một người Mỹ gốc Trung Quốc vì cho rằng nạn nhân là người Nhật Bản.
Hiện nay, trách nhiệm đặc biệt đang đặt trên vai người da trắng. Người ta thường tỏ ra nghi ngờ lời cam kết của họ với xã hội không còn phân biệt màu da. Trước đây, những người bảo thủ, trong đó có Strom Thurmond và Jesse Helms, không bao giờ phản đối việc đưa xe trẻ em da đen đi ngang qua trường dành cho trẻ em da trắng để đến những trường dành cho trẻ em da đen, nằm cách xa hơn, hoặc khi quyền bầu cử và công việc tốt được giữ lại cho người da trắng, cho nên những lời tố cáo hiện tại của họ về xe đưa đón học sinh và ưu tiên ưu đãi về mặt sắc tội nghe có vẻ giả tạo.
Ở Mỹ, ý thức về chủng tộc đang từng bước suy tàn. Chúng ta có thể thấy, ngay trong một gia đình, giữa các thế hệ khác nhau đã có thái độ khác hẳn nhau trước những vấn đề về chủng tộc. Các trường đại học thông báo rằng ngày càng có nhiều thí sinh từ chối ghi “sắc tộc” vào hồ sơ tuyển sinh, hiện tượng này có thể phản ánh cả tâm lý sợ bị “phân biệt đối xử ngược” của một số sinh viên cũng như không chấp nhận ý thức về sắc tộc của một số người khác. Số cuộc hôn nhân giữa những người thuộc các chủng tộc khác nhau đang gia tăng, đây là một trong những chỉ dấu rõ ràng nhất cho thấy thành kiến đang giảm đi - nhưng nó lại làm cho những chính khách sống dựa vào ý thức sắc tộc lo lắng. Khi được hỏi về việc đưa thêm khoản “đa sắc tộc” vào mẫu điều tra dân số, người đại diện của Hiệp hội quốc gia trợ giúp người da màu (NAACP), Wade Henderson trả lời: “Nếu người ta được phân loại hay tự phân loại mình không theo các tiêu chí đã được quy định, làm sao chúng ta có thể bảo đảm được việc thực thi đúng đắn luật pháp?” Dường như đối với một số người, giữ lại hệ thống phức tạp những ưu tiên ưu đãi trên cơ sở chủng tộc còn quan trọng hơn việc bài trừ nạn phân biệt chủng tộc.
Những người chống chế độ phân biệt chủng tộc nên tin tưởng những người theo phái tự do cá nhân hơn là những nhóm chính trị khác, vì nguyên tắc trung lập của chính phủ mà những người theo phái tự do cá nhân bảo vệ còn cao hơn vấn đề sắc tộc. Những người theo phái tự do cá nhân bác bỏ tất cả đặc quyền đặc lợi và ưu tiên ưu đãi do chính phủ tạo ra và đòi nhà nước là phải hoàn toàn trung lập trong việc thúc đẩy các quyền cá nhân. Họ là những người có khả năng giữ lời hứa hơn là những người sùng bái nhà nước, tức là những người hứa với chúng ta rằng sẽ sử dụng quyền lực nhà nước cho những mục đích tốt đẹp nhất.
Người Mỹ da trắng đã từng phủ nhận cá tính của người Mỹ da đen và đối xử với họ như một giai cấp đặc biệt trong suốt 380 năm. Đã đến lúc công nhận phẩm giá cá nhân, quyền cá nhân và trách nhiệm cá nhân của tất cả người dân Mỹ.
(Còn nữa)
Chú thích
(1) Mức miễn thường có khấu trừ là số tiền của khiếu nại không được bảo hiểm trong đơn bảo hiểm. Mức miễn thường này được áp dụng phổ biến trong bảo hiểm xe. Một lý do tế nhị là để tránh mối nguy đạo đức (moral hazard). Một số người được bảo hiểm thường chủ quan rằng mình mua bảo hiểm xe rồi thì không cần quan tâm đến an toàn, cứ va quẹt thoải mái vì trước sau cũng được bồi thường.
(2) Affirmative Action (Hành Động Khẳng Định) thực chất là một cố gắng cân nhắc công bình hơn cho các thành phần khác nhau trong xã hội. Theo nguyên tắc này, những thành phần kém lợi thế về lợi tức hoặc thiếu hiện diện trong những ngành nghề hoặc giáo dục sẽ được ưu đãi hơn để hỗ trợ tiến triển tương lai của họ và cộng đồng của họ. Ví dụ là những người nghèo, cộng đồng kém về kinh tế xã hội, hoặc phụ nữ trong ngành khoa học.
Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.