[Chế độ dân chủ -  Một dẫn nhập] Chương 8: Dân chủ được nói vống lên?

[Chế độ dân chủ - Một dẫn nhập] Chương 8: Dân chủ được nói vống lên?

“Dân chủ” đã giành được vị thế gần như huyền thoại trong vai trò là chế độ mang lại hòa bình, thịnh vượng, công bằng và tự do. Đó là lý do vì sao các nhà lãnh đạo rất muốn gắn từ này vào chính phủ của họ, ngay cả khi trên trên thực tế đấy là những chế độ chuyên chế. Đó cũng là lý do vì sao những người sống trong các chế độ dân chủ tự do thường nói quá lên khả năng của chế độ dân chủ. Chúng ta cần xem xét sự phóng đại và xét xem thực tại cách xa lời nói đến mức nào.

Dân chủ là hệ thống tốt đẹp nhất

Người ta thường nói rằng dân chủ là hệ thống chính trị tốt đẹp nhất – hoặc chí ít là hệ thống chính trị ít tệ hại nhất. Thật không may là, chúng ta cần phải thử tất cả các hệ thống có thể tưởng tượng được khác để biết chắc chắn rằng nó đúng là như thế. Thậm chí sau đó, chúng ta phải đánh giá hệ thống chính trị theo những tiêu chuẩn nào? Ví dụ, dân chủ rất giỏi trong việc thu hút người dân tham gia vào các vấn đề công cộng, nhưng nó có thể chậm chạp và thiếu quyết đoán khi xảy ra khủng hoảng. Dân chủ có thể là chế độ tham nhũng, nhưng dường như tốt hơn hầu hết những hình thức cai trị khác trong việc thúc đẩy phúc lợi, thịnh vượng và tự do. Thật vậy, cuộc khảo sát do các nhà kinh tế học Mỹ, Robert Lawson, Ryan Murphy và Benjamin Powell tiến hành (2020) phát hiện được rằng dân chủ gắn chặt với tự do kinh tế. Nhưng nó có được đánh giá là hệ thống “tốt đẹp nhất” hay không, đấy vẫn là phán xét mang tính cá nhân.

Không có người nào giả vờ rằng chế độ dân chủ là hoàn hảo hay hoàn toàn sáng suốt. Thực ra, người ta đã nói rằng dân chủ là hình thức chính phủ tồi tệ nhất, nếu không tính đến tất cả những hình thức khác đã được thử nghiệm nhiều lần. - Sir Winston Churchill (1947), Hansard, ngày 11 tháng 11

Do dân

Dân chủ thường được gọi là “do nhân dân cai trị”. Sai. Trong các chế độ dân chủ hiện đại, nhân dân không cai trị; họ chọn người cai trị mình. Họ không quyết định luật pháp; những người đại diện của họ quyết định cho họ.

Hơn nữa, “dân nhân” không phải là người ra quyết định đơn lẻ mà là hàng triệu những cá nhân có quan điểm khác nhau - và thường cạnh tranh với nhau - về các vấn đề công cộng. Họ không đồng ý với nhau về mục tiêu của chính sách công, cũng như biện pháp để đạt được những mục tiêu đó. Họ không thể và không đồng ý với nhau về phương pháp “cai trị”. Dân chủ không tạo ra sự đồng thuận cao quý và lâu dài: ý kiến của nhóm nào được nhiều phiếu hơn các nhóm khác là ý kiến giữ thế thượng phong. Nhũng người phê phán khẳng định rằng, đây không phải là “do nhân dân cai trị” mà giống như cuộc chiến giữa các băng đảng.

Quản trị bằng đồng thuận

Người ta nói rằng dân chủ là “quản trị bằng đồng thuận”. Đúng ở khía cạnh nào đó. Nhưng những người phê phán khẳng định rằng thực tại của chế độ dân chủ là các quyết định mang tính lập pháp là do giới tinh hoa chính trị ban hành. “Sự đồng ý” duy nhất từ công chúng là sự đồng ý đôi khi mới được đưa ra bởi đa số những người đi bỏ phiếu trong các kỳ bầu cử thường cách nhau khá xa.

Hơn nữa, bạn không thể nói là “đồng ý” nếu người khác đưa ra quyết định mà bạn phải tuân theo. Nhưng đó là hiện tượng đang diễn ra trong chế độ dân chủ. Đa số quyết định chính sách, còn những người khác thì phải chấp nhận hoặc bị pháp luật trừng phạt bằng cách phạt tiền hay bỏ tù. Ngay cả khi bạn bỏ phiếu chống lại họ, thì đa số vẫn thống trị cuộc đời của bạn và cướp giật tiền của bạn, chẳng khác gì các chế độ chuyên chế.

Cái mà người ta cho là “sự đồng ý” của cử tri cũng không phải là duy lý và có hiểu biết. Cử tri không chỉ thiếu hiểu biết về các vấn đề chi tiết. Không cử tri nào có thể dự đoán được tương lai. Vì vậy, họ không thể dự đoán chính xác ứng viên sẽ thể hiện như thế nào, cũng như không thể dự đoán được những ảnh hưởng rộng hơn (tốt hay xấu) trong chính sách của ứng viên. Những người phê phán nói rằng, phiếu bầu của họ chẳng có cơ sở duy lý nào hết.

Bryan Caplan (2007) khẳng định rằng mọi chuyện thậm chí còn tồi tệ hơn. Ông nói, cử tri có thành kiến và thiếu lý trí một cách có hệ thống. Họ nghĩ mọi thứ đang trở nên tệ hại hơn trong khi thực tế không phải như thế; họ tin rằng tạo ra công ăn việc làm quan trọng hơn tạo ra giá trị; họ có thành kiến với người nước ngoài và ủng hộ những biện pháp bảo hộ các ngành công nghiệp trong nước; và những sự kiện mới diễn ra trong thời gian gần đây, nhưng không liên quan, ví dụ như việc dành được huy chương trong lĩnh vực thể thao, có thể gây tác động quá mức tới tâm lý của họ. Tất cả những thành kiến này dẫn đến những quyết định chính sách không hợp lý, bị bóp méo và có hại một cách có hệ thống.

Mọi người đều có tiếng nói

Người ta khẳng định rằng, chế độ dân chủ “cho mọi người đều có tiếng nói như nhau” về chính sách công. Nhưng không phải “tất cả mọi người” đều được phép bầu cử. Vì trong phần lớn lịch sử nhân loại, ngay cả những quốc gia tự do nhất cũng không cho phụ nữ, cũng như những người không có tài sản và người dân tộc thiểu số quyền bầu cử. Và những cử tri quyết định không đi bầu – thường là một nửa hoặc hơn số cử tri có quyền bầu cử – sẽ hoàn toàn không có ảnh hưởng gì tới kết quả. Nhưng, ngay cả khi bạn đi bầu, nếu đấy là nước đông dân thì cơ hội mà lá phiếu của bạn quyết định kết quả của cuộc bầu cử là một trên một chục (thậm chí hàng trăm) triệu.

Dân chủ là lý thuyết nói rằng người dân thường biết họ muốn gì và xứng đáng đạt được điều đó một cách tốt đẹp và khó khăn. — H. L. Mencken (1915), A Few Pages of Notes (Một vài trang ghi chú).

Phiếu bầu của mọi người cũng không có giá trị như nhau. Phiếu bầu của những người sống trong khu vực bầu cử “an toàn” – tức là khu vực mà một đảng luôn giành chiến thắng – có giá trị ít hơn hẳn so với phiếu bầu của những người ở khu vực “biên”. Và vì những lý do thực tế về nhân khẩu học, một số khu vực bỏ phiếu có thể có nhiều cử tri hơn những khu vực khác. Vì vậy, nếu mỗi quận chỉ bầu một đại diện thì phiếu bầu của những người sống ở quận nhỏ hơn sẽ có trọng lượng hơn hẳn.

Nhưng, vì lý do chính trị, người ta cũng có thể thao túng quyền đại diện. Ví dụ, Liên Xô thời kỳ đầu đã trao quyền đại diện cho cư dân thành thị nhiều gấp năm lần dân nông thôn, đấy là nhằm khắc phục chủ nghĩa bảo thủ của nông dân. Các chính trị gia Mỹ cũng có lịch sử lâu dài trong việc tạo ra những khu vực bầu cử có hình dạng kỳ lạ nhằm giữ chúng “an toàn” cho các đồng nghiệp đương nhiệm. (Bản đồ của một quận như vậy, được tạo ra vào năm 1812 dưới thời Thống đốc Massachusetts Elbridge Gerry, trông giống như một con kỳ nhông – đấy là lý do ngày nay chúng ta có thuật ngữ “gerrymander”.)

Dân chủ thúc đẩy bình đẳng

Các hệ thống dân chủ thường được người ta ca ngợi vì nó khẳng định quyền bình đẳng về chính trị (hoặc “dân sự”) và phẩm giá của các cá nhân. Nhưng các hệ thống khác cũng có thể có bình đẳng về chính trị; và chúng ta vẫn có thể tôn trọng phẩm giá của mọi người, ngay cả khi chúng ta không cho họ quyền bầu cử.

Người ta còn tuyên bố rằng, sự tham gia theo lối dân chủ sẽ thúc đẩy lòng tự trọng và tự thể hiện. Nhưng sẽ là kỳ quặc nếu xây dựng hệ thống bỏ phiếu chỉ dành cho những mục đích này. Chẳng hạn, chúng ta có thể không muốn trao phiếu bầu cho các tù nhân mắc bệnh rối loạn nhân cách chống đối xã hội chỉ với hy vọng là nâng cao lòng tự trọng của họ. Và có nhiều cách nâng cao lòng tự trọng và thể hiện bản thân tốt hơn hẳn bầu cử.

Tương tự như vậy, người ta cũng nói rằng dân chủ tạo ra công bằng và bình đẳng, đồng thời ngăn chặn sự thống trị về chính trị và xã hội của những nhóm ít người. Tuy nhiên, có đầy đủ lý do để tin rằng những nhóm giầu có hơn vẫn có ảnh hưởng lớn hơn những nhóm người nghèo hơn. Các vị bộ trưởng cao cấp và quan chức chính phủ thường giàu có hơn mức trung bình và trong hàng ngũ của họ có nhiều người tốt nghiệp từ các trường và trường đại học với học phí khá cao. Ngoài ra, tầng lớp trung lưu ăn nói lưu loát thực sự dường như được hưởng lợi từ các dịch vụ của nhà nước, ví dụ như lương hưu, trường học và y tế hơn là người nghèo; nhưng họ lại giữ thế thượng phong trong các cuộc tranh luận chính trị, nó cũng giúp họ đảm bảo được các quyết định chính trị có lợi cho mình. Ảnh hưởng của họ có thể là một trong những lý do vì sao ở nhiều nước, khu vực nhà nước phát triển quá lớn - lớn hơn hẳn mức cần thiết, đấy là nói nếu mục đích duy nhất của khu vực này là cung cấp tiền và dịch vụ cho một số ít người thực sự phụ thuộc vào chúng.

Dân chủ tạo ra ý thức cộng đồng

Một luận cứ khác là dân chủ mang lại cho người ta “ý thức cộng đồng” và tạo ra “sự hài hòa”. Nhưng ý thức cộng đồng hoặc cảm giác là mình thuộc về một cộng đồng nào đó có nhiều khả năng xuất phát từ việc người ta tham gia vào các câu lạc bộ, tổ chức từ thiện, nhà thờ, nhóm hỗ trợ và tất cả các tổ chức khác của xã hội dân sự. Và mặc dù chính phủ đại diện dân cử chắc chắn giúp ban hành các quyết định tập thể một cách hòa bình, nhưng nó khó tạo ra hài hòa. Các cuộc bầu cử và tranh luận trong cơ quan lập pháp là cuộc cạnh tranh giữa các nhóm lợi ích khác nhau và đối lập nhau. Có thể trở nên rất cay đắng vì người thắng có quyền áp đặt quan điểm của mình lên người thua.

Trong thị trường kinh tế, người ta lựa chọn hàng hóa và dịch vụ cho mình chứ không phải cho người khác. Những người khác nhau có thể đưa ra bất kỳ lựa chọn cá nhân nào mà họ thích – Apple hoặc Android, trà hoặc cà phê, đỏ hoặc xanh – và những lựa chọn của họ không ảnh hưởng tới những người khác. Tuy nhiên, lựa chọn chính trị là lựa chọn cho tất cả mọi người. Khi đa số bầu cho một nhóm ứng cử viên cụ thể, thì mọi người đều phải chấp nhận kết quả. Khi đảng cầm quyền quyết định chính sách nào đó – ví dụ như xây dựng một con đường hay sân bay mới – mọi người đều phải chấp nhận, kể cả những người mà nhà cửa và sinh kế của mình sẽ bị phá hủy.

Bản chất ràng buộc của các quyết định chính trị và thực tế là đa số có thể đưa ra những quyết định trên phạm vi rộng về rất nhiều thứ, có nghĩa là lựa chọn mà người khác đưa ra có thể có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống và phúc lợi của chính bạn. Như triết gia người Mỹ Jason Brennan (2016) đã nhận xét trong tác phẩm Against Democracy (Chống Dân chủ), chính trị biến người hàng xóm của bạn thành kẻ thù tiềm năng, chứ không phải là bạn bè. Hoàn toàn trái ngược với “ý thức cộng đồng”.

Dân chu bảo vệ chúng ta khỏi những nhà cầm quyền tồi dở

Trong phần lớn lịch sử loài người, tất cả chúng ta đều nằm dưới quyền cai trị của những kẻ chuyên chế - lãnh chúa, vua, sa hoàng, hoàng đế, tù trưởng, quý tộc, độc tài và những người khác. Thường thì, những kẻ cai trị này có quyền cho chúng ta sống thì chúng ta sống, bắt chúng ta chết thì chúng ta chết. Chắc chắn là, các hệ thống dân chủ có thể làm cho các nhà lãnh đạo khó thâu tóm quyền lực hoặc sử dụng quyền lực một cách độc ác và tùy tiện. Nhưng các chính trị gia và quan chức vẫn có những lợi ích cá nhân của riêng mình – chẳng hạn như nâng cao địa vị và tiền lương, hoặc chuyển công quỹ cho những người ủng hộ họ. Tiến trình dân chủ mang lại cho họ quyền lực và tính chính danh rõ ràng nhằm thỏa mãn những lợi ích đó, ngay cả khi lợi ích của người khác bị tổn hại. Nó thậm chí có thể thu hút những kẻ cai trị xấu xa chứ không giúp chúng ta thoát khỏi họ

Chúng ta cũng không thể luôn dựa vào việc chế độ dân chủ cung cấp công lý nhằm cứu chúng ta. Nó có thể giúp chúng ta thoát khỏi những hành động tồi tệ và độc đoán nhất của các nhà lãnh đạo. Nhưng tương tự như tất cả các công ty độc quyền, nó có thể diễn ra một cách chậm chạp và tốn kém. Và trong khi công lý là một phần của nhà nước, nó có thể bị bóp méo nhằm phục vụ lợi ích của những người có quyền hành trong cơ quan nhà nước. Cuối cùng, biện pháp bảo vệ chắc chắn nhất tính mạng, tài sản, quyền tự do ngôn luận và các quyền cơ bản khác của chúng ta không phải là chế độ dân chủ hay tòa án, mà là thái độ tôn trọng của công chúng dành cho những giá trị tự do. Nếu quyền của chúng ta là sống và chế độ dân chủ mang lại những lợi ích tối ưu cho tất cả chúng ta, thì những người theo chủ nghĩa tự do và dân chủ cần phải giải thích những giá trị đó và thúc đẩy để công chúng cùng đánh giá cao những giá trị này. Và chúng ta phải luôn nhận thức một cách sâu sắc về những sai sót trong chính quá trình ra quyết định theo lối dân chủ.

Nguồn: Eamonn Butler, Chế độ dân chủ - Một dẫn nhập, Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên gốc: Eamonn Butler (2020), Introduction to Democracy, London Publishing Partnership.

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường