[Nền kinh tế tự do] Chương 9: Phát triển thị trường

[Nền kinh tế tự do] Chương 9: Phát triển thị trường

THÀNH TÍCH KINH TẾ HIỆN THỰC

Vừa ra khỏi ga tàu điện ngầm là tôi đã ở trong thị trường rồi. Các bà già bán những tờ tạp chí để trong mấy cái sọt. Nhiều người khác đứng cạnh bức tường, tay cầm những món hàng nghèo nàn - một chiếc áo len hay vài cái khăn quàng cổ - đấy là cách họ bù đắp khoản lương hưu mà biến động kinh tế đã cướp mất.

Đám đông tràn lên và tôi bị cuốn vào quảng trường lớn với cổng chào hoành tráng xây bằng đá, bên trên là tượng chiếc máy kéo và cô thôn nữ đang nâng những bông lúa bằng đồng. Băng qua quảng trường, tôi bước vào một đại lộ cực kì rộng. Trước mặt tôi là Vòi Phun Nước Hữu Nghị - không còn phun nước nữa, nhưng vẫn tạo được cảm hứng khá mạnh, nó nhắc nhở rằng chúng ta có hòa bình và ấm no là nhờ chủ nghĩa xã hội. Đằng kia là Ngôi Nhà Nga - một dãy dài những gian triển lãm, được xây dựng hai bên đại lộ này, mỗi gian đều có phong cách riêng, theo khu vực, từ Armenia tới Bắc Cực, từ Baltic tới biển Baring.

Hình Lenin trên bức tường đã bong tróc đang nhìn xuống

 những quầy hàng bán đủ mọi thứ hàng hóa.

Đấy là Trung Tâm Triển Lãm Toàn Nga ở Moskva. Chính quyền Xô Viết đã xây dựng khu vực này thành Trung Tâm Triển Lãm Thành Tựu Kinh Tế Quốc Dân.

Còn hiện nay? Khu vực này đã trở thành nơi giải trí, chỗ ăn chơi và chợ. Đi vào bất cứ gian triển lãm nào bạn cũng bị choáng ngợp trước những đống hàng hóa đủ mọi loại đang được bày bán. Hình Lenin xung quanh là những nông trang viên tươi cười trên bức tường đã bong tróc nhìn xuống những quầy hàng bày bán đủ mọi hàng hóa - mỹ phẩm, điện thoại di động, đồ trang sức, vải, máy ghi âm, len, máy ảnh, đồng hồ, thắt lưng, áo khoác, giày dép, ống nhòm, áo lông thú, đồ sứ, sách vở, kính râm, đồ chơi, xe đạp, đồ lưu niệm...

CHIẾN THẮNG CỦA THỊ TRƯỜNG?

Không hoàn toàn. Những đứa trẻ trượt trên những đôi patinh xung quanh tượng Lenin phải tránh những người cầm bảng quảng cáo khuyên bạn nên ghé gian hàng nào nếu muốn mua máy ảnh, quần áo hay mỹ phẩm tốt nhất. Vì không có họ thì bạn không thể nào biết được cần đi theo hướng nào. Trong những thị trường đã ổn định, những người bán máy ảnh tập trung tại một khu, những người bán quần áo tập trung thành một khu, còn những người bán mỹ phẩm thì tập trung tại một khu khác. Mẫu hình như thế xuất hiện sau cả chục năm, đấy là khi người bán nhận thức được lợi ích của việc giúp khách hàng không phải đi từ chỗ này sang chỗ khác để tìm món hàng mà họ cần và so sánh chất lượng cũng như giá cả.

Đúng thế, ở đây ít nhất cũng có một gian chỉ dành riêng cho một món hàng - một phòng lớn, có mái vòm, in câu danh ngôn của Lenin trên một bức tường, còn bức tường bên kia là tấm áp phích lớn vẽ bông hoa hướng dương, che khuôn mặt người anh hùng thời Xô Viết. Ở đây chỉ có những gian hàng bán cây con, hạt giống, củ làm giống, máy cắt, chậu hoa, bình tưới nước và tất cả dụng cụ làm vườn. Những gian hàng lớn nhất nằm gần ngay cửa ra vào, bên trong là những quầy hàng nhỏ hơn, và, tương tự như ở Lan Châu, bạn sẽ thấy có cả những người ngồi ngay dưới đất bày bán ít rau quả. Nhưng ngay cả trong gian này cũng có một một nhóm người bán TV.

Người Nga vẫn chưa hoàn toàn quen với thị trường.

Tất cả những hiện tượng như thế làm cho chúng ta nghĩ rằng người Nga vẫn chưa hoàn toàn quen với thị trường. Có thể đây không phải là điều đáng ngạc nhiên: Thị trường là thiết chế của con người, và tương tự như tất cả các mối quan hệ khác, nó cần thời gian để phát triển. Năm 1992, cùng với việc Bức tường Berlin sụp đổ, người Nga cũng bất ngờ rời bỏ hệ thống giá cả thời Xô Viết cũ. Họ gọi là liệu pháp sốc, và hy vọng rằng những thị trường phù hợp sẽ nhanh chóng xuất hiện. Nhưng cú sốc này hóa ra quá mạnh. Giá cả nhu yếu phẩm - bị những biện pháp kiểm soát kiềm chế trong thời gian dài - gia tăng đột biến, gây nhiều đau khổ cho những người về hưu và người nghèo. Quan hệ buôn bán truyền thống bị xé nát. Nước Nga đã có hệ thống giá cả, nhưng niềm tin giữa các đối tác kinh tế đã không còn. Và quyền sở hữu tài sản cũng như nguyên tắc pháp quyền đã không được thiết lập một cách phù hợp, những mối quan hệ mới không thể hình thành và thị trường không thể phát triển được.

Quá trình tư nhân hóa doanh nghiệp lớn của nhà nước cũng có một số vấn đề. Giấy biên nhận (voucher) về tư nhân hóa đã được phân phối cho dân chúng, nhưng ít người hiểu rõ cổ phần có nghĩa là gì và phần lớn đều coi các công ty quốc doanh là vô giá trị. Các công ty được tư nhân hóa, nhưng sự độc quyền của họ thì vẫn y nguyên - và “những ông trùm” mua được các voucher với giá rẻ mạt đã nắm được khối lượng tài sản và quyền lực rất lớn trên thương trường.

TẤN CÔNG NHÀ NƯỚC BẰNG HẦU BAO

Trong những năm 1980, Margaret Thatcher đã thu được thành công hơn hẳn trong việc tư nhân hóa các xí nghiệp quốc doanh ở Anh, chủ yếu là do bà đã đồng thời khởi động cạnh tranh và dân chúng Anh hiểu rõ quyền sở hữu tài sản và những luật lệ góp phần làm cho thị trường hoạt động.

Khó khăn ở Anh không lớn bằng khó khăn ở Nga, nhưng lúc đó nhà nước vẫn kiểm soát “những đỉnh cao chỉ huy” của nền kinh tế. Gần một phần ba dân Anh sống trong những ngôi nhà của nhà nước. Lúc đó, mỗi sáng chúng ta đều thức dậy cùng với tiếng loa phát thanh của nhà nước, bật đèn (điện do nhà nước cung cấp), có thể bật bếp ga (ga do nhà nước cấp) với những cái nồi do nhà nước sản xuất và luộc trứng được nhà nước điều tiết giá cả trong mấy lít nước cũng do nhà nước cung cấp. Sau đó bạn sẽ đi ô to buýt do nhà nước quản lý hay đi xe con do nhà nước sản xuất tới ga tàu điện ngầm do nhà nước quản lý, bạn có thể bị kẹt đằng sau chiếc xe tải của một công ty quốc doanh đang đậu bên ngoài ngân hàng nhà nước. Lúc đó bạn chỉ muốn nhấc ngay chiếc điện thoại của nhà nước và đặt vé bay của hãng hàng không quốc gia (bay từ sân bay của nhà nước, tất nhiên rồi) để đến một nơi nào đó đầy nắng.

Tất cả những ngành này đều đã được tư nhân hóa (trừ BBC, nhưng hiện nay cũng bị cạnh tranh ráo riết). Nhưng muốn phát triển, các thị trường mới này cần phải được thiết kế một cách cẩn thận. Nhiều doanh nghiệp nhà nước quá lớn, không thể bán cho một người duy nhất: Phải chia thành các cổ phần và bán rộng rãi ra công chúng. Nhưng, thậm chí ngay cả trong nền kinh tế chủ yếu là thị trường như nước Anh cũng ít người biết cổ phần có nghĩa là gì và phải tiến hành chiến dịch giáo dục rộng khắp trước khi tiến hành tư nhân hóa đợt đầu tiên.

Tất cả những ngành này đều đã được tư nhân hóa, trừ BBC.

Còn có những động cơ thúc đẩy người ta giữ cổ phiếu chứ không bán ngay khi vừa có khả năng được lời, nhằm tạo ra ý thức thực sự về quyền sở hữu và phát triển các thị trường phù hợp. Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ được nhiều quyền lực độc quyền, nhưng cạnh tranh đã được áp dụng ở tất cả những khu vực có điều kiện, tạo ra những biến động lớn trong cơ cấu của những công ty này sau khi đã được tư nhân hóa.

Vương quốc Anh gặp may, theo nghĩa người dân ở đây nói chung hiểu được cách thức hoạt động của thị trường và tôn trọng luật lệ của nó. Phần lớn các nước Đông Âu cũng chuyển đổi tương đối thành công sang kinh tế thị trường; vì những ý tưởng cũ về thị trường vẫn chưa bị xóa sổ. Trong khi Nga tiến thẳng từ nền kinh tế nông nghiệp sang kinh tế xã hội chủ nghĩa, quá trình chuyển đổi khó khăn hơn, vì người ta chưa biết cách hành xử theo quy luật của thị trường.

Thị trường, tương tự như tình bạn, không hình thành ngay lập tức chỉ vì bạn muốn như thế. Cần bỏ công sức và phải có những điều kiện phù hợp. Muốn phát triển thị trường, bạn phải chắc chắn rằng những điều kiện căn bản như thế đã được thiết lập.

ĐIỀU KIỆN ĐỂ THỊ TRƯỜNG THÀNH CÔNG

Điều kiện căn bản trước hết đương nhiên là trao đổi tự nguyện - người ta phải có quyền tự do thỏa thuận với những người khác. Nếu bạn bắt buộc người ta trao đổi thì đấy không phải là thị trường. Các chính phủ thường ngăn chặn trao đổi tự do - những biện pháp cấm đoán trên cơ sở đạo đức hay quyền lợi của xã hội (Luật cấm rượu), hạn chế (cấm bán hàng trong ngày chủ nhật), xâm nhập thị trường nhằm thu lợi ích riêng.

Trao đổi đương nhiên hàm ý chuyên môn hóa, người ta chuyên tâm sản xuất một số hàng hóa nhất định và sau đó có thể trao đổi số sản phẩm thặng dư. Chuyên môn hóa càng diễn ra trên diện rộng thì thị trường càng hoạt động hiệu quả hơn. Điều tiết (ví dụ, giấy phép hành nghề) có thể hạn chế chuyên môn hóa, nhưng trong các nước nghèo, chuyên môn hóa còn chưa cao vì người ta chưa có đủ tư bản, tạo điều kiện cho họ chuyên môn hóa và ở những vùng sâu, vùng xa, nơi cư dân sống phân tán và người ta phải tự làm nhiều việc. Ở Scotland, quê hương tôi, hầu như người nào cũng phải làm mấy công việc. Bảng quảng cáo treo trước phân xưởng gần nhà chúng tôi: “P.MacArhur - Lắp kính, Dịch vụ tang lễ”. Không có đủ nhu cầu để có thể chuyên làm một trong hai việc này. Nhưng ở thành phố chính Glasgow có đến hơn một trăm công ty tang lễ và hơn tám mươi công ty chuyên lắp kính.

Điều kiện căn bản thứ hai là hệ thống giá cả. Giá cả phải đủ tự do để phản ứng trước hiện tượng dư thừa hay thiếu hụt hàng hóa và tạo động lực để chuyển từ sản xuất mặt hàng này sang sản xuất mặt hàng khác. Nếu chính phủ tìm cách kiểm soát giá cả - có thể vì e ngại giá cả tăng sẽ làm mất lòng cử tri - thì thị trường không thể phát triển phù hợp. Và như nước Nga đã cho thấy, một khi đã ban hành các biện pháp kiểm soát thì sẽ khó điều chỉnh.

Điều kiện căn bản thứ ba là thông tin phải được phổ biến rộng rãi. Thông tin càng rộng rãi thì thị trường càng hoạt động hữu hiệu. Tuy nhiên, do bản chất của thông tin - có tính cá nhân và khu vực - đây là việc khó. Thường thì chi phí để có thông tin thị trường quá cao so với lợi ích thu được - ở cửa hàng nào đó có thể có mẫu TV này rẻ hơn một chút, nhưng có đáng đi khắp các cửa hàng để khảo giá hay không?

Thiết lập hệ thống quyền sở hữu từ con số không là việc khó.

Điều kiện căn bản thứ tư là sở hữu và những quyền đi kèm với nó - nắm giữ, hưởng thụ sản phẩm, không cho người khác tham gia, mua và bán theo lựa chọn của mình. Luật lệ về sở hữu khá rắc rối - ví dụ, ở Anh, bạn có thể chặt cành cây của nhà hàng xóm vươn qua sân nhà bạn, với điều kiện là bạn trả họ khúc gỗ đã chặt - vì phải mất nhiều thế kỷ mới có thể tạo ra được hệ thống mà tất cả mọi người đều hài lòng. Như nước Nga đã cho thấy, thiết lập hệ thống quyền sở hữu từ con số không là việc khó.

Điều kiện căn bản thứ năm để thị trường hoạt động hiệu quả là cạnh tranh. Thị trường hoạt động tốt nhất khi khách hàng có thể lựa chọn người cung cấp. Cạnh tranh khuyến khích đổi mới và đa dạng hóa và giúp khách hàng tìm được đúng món hàng mà họ cần.

Cạnh tranh còn đòi hỏi rằng người ta phải được tương đối tự do cạnh tranh với nhau trước những người cung cấp hiện có (hoặc, tham gia thị trường như những khách hàng mới). Một lần nữa, cạnh tranh trong những khu vực dân cư thưa thớt sẽ không khốc liệt, hoặc nếu chính phủ áp đặt những quy định tốn kém, những công ty nhỏ và mới không thể nào vượt qua được.

Không thể có thị trường phát đạt nếu

một số người tham gia thị trường đứng trên pháp luật.

Tất cả những điều vừa nói ngụ ý rằng cần phải thực thi luật pháp một cách phù hợp. Muốn cho thị trường hoạt động thì phải bảo vệ sở hữu, không để cho người ta xâm phạm hoặc ăn cắp, ép buộc và tham nhũng phải bị loại trừ và hợp đồng phải được tôn trọng. Việc thực thi pháp luật phải được áp dụng một cách bình đẳng đối với tất cả mọi người: Không thể có thị trường phát đạt nếu một số người tham gia thị trường đứng trên pháp luật hoặc uốn cong luật pháp nhằm thu lợi riêng.

Nhưng, viện tới luật pháp là biện pháp chẳng đặng đừng và đôi khi khá tốn kém. Nếu người ta muốn trao đổi mỗi ngày, thì phải có điều kiện căn bản thứ sáu: niềm tin vào quá trình và tin vào những người mà họ buôn bán với. Thị trường có cách tạo ra nền tảng cho sự tin tưởng; nhưng, một lần nữa, phải mất nhiều năm mới phát triển được.

Tôi xin nói rằng, muốn cho thị trường hoạt động hiệu quả thì cần phải có điều kiện căn bản thứ bảy, đấy là văn hóa. Trong các nền kinh tế tự do, người dân tham gia sâu vào hoạt động của thị trường đến mức thị trường thân quen như là ngôn ngữ của họ. Họ tạo ra và thông hiểu luật lệ của thị trường, như hiểu tiếng mẹ đẻ mà không cần ai giảng dạy - thậm chí không thể lý giải đấy là những luật lệ nào. Họ nói năng lưu loát trong thời gian ngắn, trong khi người ngoại quốc phải mất nhiều năm. Và, thông thạo một ngôn ngữ là việc khó, thông thạo trên thị trường cũng khó tương tự.

PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

Nếu có tất cả những thành tố vừa nói, bạn có thể phát triển thị trường ở những nơi khó tưởng tượng nhất. Ví dụ, trên không gian mạng.

Công ty eBay, được thành lập năm 1995, đã làm cho các ông chủ của nó, Pierre Omidyar và Jeff Skoll trở thành tỷ phú. Bạn có thể mua và bán bất cứ thứ gì trên eBay (một người Úc thích đùa có lần đã rao bán New Zealand với giá 3.000 USD trước khi eBay ngăn chặn vụ mua bán này). Hiện nay đây là thị trường khá lớn. Nhưng, cũng như trên các thị trường khác, những món hàng giống nhau được đưa chung vào một nhóm, bạn sẽ không phải rà soát hàng ngàn món đồ cổ, sách, thảm, đồng xu, điện thoại, con dấu hay Búp Bê Bắp Cải, để tìm chiếc xe Ford Edsel muốn mua.

Những người tham gia có thể bán món hàng với giá cố định (sau khi nghe tin chồng tán tỉnh một người phụ nữ khác, một bà vợ đã bán chiếc xe Lotus Elise của ông này với giá chỉ 1 USD), nhưng nó được mọi người biết tới như là hệ thống đấu giá trên mạng. Lợi thế lớn của nó so với đấu giá bình thường là thời gian và địa điểm không còn là rào cản lớn, bạn có thể giao dịch vào lúc nửa đêm với những người ở phía bên kia quả địa cầu.

Thị trường càng mở rộng thì càng hữu ích và càng hiệu quả; và thị trường trên mạng đang phát triển. Nghề bán tranh cổ trước đây giờ đã trở thành thú vui của tôi. Trước đây muốn thu thập tranh cổ, tôi phải dạo khắp các cửa tiệm đồ cũ, với hy vọng sẽ bắt gặp một món đồ cần tìm. Còn hiện nay, tôi có thể tìm kiếm ở hàng ngàn người bán hàng trên mạng mà không cần rời bàn phím.

VẤN ĐỀ NIỀM TIN TRÊN KHÔNG GIAN ẢO

Khi toàn bộ không gian ảo trở thành người mua và người bán tiềm năng, làm sao những người tham gia trên thị trường này có thể thiết lập được niềm tin cần thiết để nó có thể hoạt động? Làm sao tôi biết được rằng bức tranh tôi mua vẫn còn tốt - hay tôi có nhận được nó hay không? Làm sao người bán biết chắc rằng tôi sẽ trả tiền?

Trên thực tế, eBay đã xây dựng được nhiều cơ chế để đảm bảo rằng người ta cảm thấy an toàn khi tham gia vào thị trường này. Cả người mua lẫn người bán đều phải ký tuân thủ luật lệ của eBay. Quyền của họ được đưa lên mạng. Thanh công cụ cảnh giác người sử dụng về khả năng xảy ra lừa đảo. Các phòng thảo luận bàn về tất cả những lo lắng có thể xảy ra. Người bán có thể đưa hình chụp món hàng lên mạng, tạo điều kiện cho người mua, như tôi, tức là những người quan tâm tới hình thức của bức tranh cổ, kiểm tra.

Đặc điểm quan trọng nhất của quá trình xây dựng niềm tin

 là hệ thống phản hồi trên không gian mạng.

Đặc điểm quan trọng nhất của quá trình xây dựng niềm tin của eBay là hệ thống phản hồi trên không gian mạng; người mua và người bán có thể xếp hạng nhau, cho điểm về độ đáng tin. Mua hàng của người bán được nhiều khách hàng đánh giá tích cực và bạn có thể tin tưởng rằng mình sẽ không bị lừa. Đối với người bán, dù là ở đâu, phản hồi tích cực của khách hàng bao giờ cũng là thông tin quan trọng vì nó khuyến khích những người khác mua hàng của họ; trên không gian mạng, nơi người mua không có thông tin trực tiếp, mặt đối mặt, thì phản hồi tích cực là quan trọng sống còn.

Thị trường trên mạng thành công một phần là vì nó vui - trả giá theo kiểu mèo vờn chuột vào phút chót, trước khi sàn đấu giá đóng cửa thú vị chẳng khác gì đánh bạc - nhưng còn hơn thế vì nó là hiện thân của tất cả những điều kiện căn bản của thị trường. Ở đây có sự cạnh tranh trên toàn cầu giữa người mua lẫn giữa người bán, tự nguyện, củng cố và thúc đẩy luật lệ nhằm bảo vệ sở hữu của những người tham gia, tìm được cách thúc đẩy niềm tin. Dường như nó đã phát triển được văn hóa thị trường trên không gian mạng.

THỊ TRƯỜNG PHÁT TRIỂN CHẬM CHẠP Ở TRUNG QUỐC

Chúng ta cần những điều kiện phù hợp để cho thị trường phát triển nhanh và lan tỏa lợi ích của trao đổi tự do tới tất cả những người liên quan. Tham nhũng, bạo lực, các cơ sở độc quyền, ngăn chặn không cho người mới tham gia, thông tin nghèo nàn - tất cả những hiện tượng này đều làm cho thị trường khó phát triển. Nhưng, tương tự như ngọn cỏ mọc xuyên qua nền nhà bằng bê tông, thị trường dường như có thể bén rễ và phát triển ở tất cả mọi nơi.

Điều đó đưa tôi trở lại Trung Quốc.

Trung Quốc dường như có thể không phải là mảnh đất màu mỡ để thị trường phát triển. Tương tự như nước Nga, Trung Quốc đã trải qua hàng chục năm phát triển theo xã hội chủ nghĩa, gần như thay thế cho kinh tế nông nghiệp. Nhưng, khác với Nga, Trung Quốc vẫn tự gọi mình là xã hội chủ nghĩa. Nếu thị trường có thể sống sót được ở đây thì nó có thể sống sót ở bất kỳ nơi nào khác.

Trung Quốc cũng đang tiến dần vào nền kinh tế thị trường - chậm hơn Nga, nhưng có thể chắc chắn hơn. Những cuộc cải cách ở đây diễn ra từng bước. Họ bắt đầu bằng hệ thống trách nhiệm gia đình, thay thế cho các nông trang tập thể. Về mặt kỹ thuật, đất đai vẫn là của chung, nhưng mỗi gia đình tự thu hoạch mùa màng mà họ gieo cấy, hơi khác với quyền sở hữu tư nhân. Không có gì ngạc nhiên là sản phẩm gia tăng rất nhanh.

Giá cả cũng đã được tự do hóa, từng bước một, cách làm này giúp hạn chế những vụ đổ vỡ. Sản xuất cũng được tự do hóa, nhưng, các công ty được tái cấu trúc và được động viên hoàn thành tốt công việc chứ không bán trọn gói một lần. Nhà nước vẫn giao chỉ tiêu, nhưng công nhân được phép giữ lại lợi nhuận từ sản phẩm làm thêm. Không có gì ngạc nhiên là ở đây sản phẩm cũng gia tăng nhanh chóng.

Trong khi đó, các doanh nghiệp địa phương cũng được thành lập - các xí nghiệp hương trấn chẳng bao lâu sẽ thống lĩnh nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng tiến từng bước một tạo điều kiện cho những mối quan hệ kinh tế cũ và niềm tin tiếp tục đứng vững, trong khi những mối quan hệ mới xuất hiện. Và với những luật lệ hà khắc của Trung Quốc, người ta có thể tin tưởng vào sự an toàn của trao đổi hơn là người Nga.

CHỈ CÓ MỘT CON ĐƯỜNG DẪN TỚI THỊNH VƯỢNG

Trung Quốc đang phát triển. Trung Quốc chưa giàu, nhưng bằng cách nuôi dưỡng cẩn thận nền kinh tế thị trường, họ đang tìm cách trở thành giàu có. Ở đây, nhà nước vẫn kiểm soát quá nhiều và quá nhiều áp bức; nhưng giá cả đang bắt đầu tiếp quản công việc của những người lập kế hoạch ở trung ương, hiện nay các cá nhân có thể hưởng thụ thành quả lao động và kinh doanh của mình, người dân đang tích lũy tư bản, tham nhũng bị ngăn chặn và những quan hệ buôn bán mới đang phát triển. Và tất cả những điều này đang xảy ra trong đất nước (mệnh danh) là xã hội chủ nghĩa.

Tôi thường nghĩ về cô thợ may tóc đen ở Lan Châu, tôi mường tượng rằng trước đây cô đã làm việc nhiều giờ trong công xưởng với đồng lương thấp nhằm kiếm được khoản tiền mà cô thực sự cần - để tự mình kinh doanh. Tôi muốn tin rằng bây giờ cô đã kiếm được đủ tiền để mua một cái máy khâu và có thể nhận một người lao động. Có thể một ngày nào đó cô sẽ có một nhà máy may, và ở bên kia quả địa cầu, tôi sẽ mua sản phẩm của cô. Nếu thế, có thể tôi sẽ không biết đấy là quần áo do nhà máy của cô may, vì, mặc dù thị trường tạo điều kiện cho chúng ta hợp tác vì lợi ích chung của chúng ta, tôi thậm chí không biết ngôn ngữ của cô để có thể tìm được tên cô.

Nhưng dù cô có làm ăn ra sao, tôi tin rằng cả tái phân phối thu nhập lẫn chủ nghĩa xã hội trong quá khứ đều không đưa được cô cũng như hàng trăm triệu người như cô thoát khỏi nghèo khổ. Chỉ có lao động cần cù, phục vụ khách hàng, động cơ, tham vọng và kinh doanh mới làm cho người ta thoát khỏi nghèo đói mà thôi.

Đấy là thị trường.

Nguồn: Nền kinh tế tự do,  Eamonn Butler. Nhà xuất bản tri thức, 2023

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường