[Chế độ dân chủ -  Một dẫn nhập] Chương 10: Chế độ dân chủ đang chịu áp lực

[Chế độ dân chủ - Một dẫn nhập] Chương 10: Chế độ dân chủ đang chịu áp lực

Mặc dù hầu hết mọi người đều tuyên bố yêu thích tư tưởng dân chủ, nhưng nhiều người lại hoài nghi về hoạt động thực tế của nó. Họ yêu dân chủ nhưng ghét chính trị. Họ coi dân chủ là biện pháp công bằng nhằm thu hút sự tham gia của mọi người và tranh luận công khai các vấn đề công cộng, dẫn đến việc thực thi một cách có cân nhắc, công bằng và hòa bình các chính sách đã được mọi người thỏa thuận. Nhưng họ lại coi chính trị và các chính trị gia là dối trá, vị kỷ và tư lợi. Trong các cuộc thăm dò lòng tin của công chúng ở các ngành nghề khác nhau, các chính trị gia luôn luôn ở vị trí gần cuối hoặc cuối bảng.

Đây không phải hoàn toàn là lỗi của các chính trị gia. Chuyển tải những quan điểm đa dạng của hàng triệu người thành một chính sách duy nhất mà mọi người đều có thể ủng hộ là công việc không dễ dàng. Hiện nay việc đó thậm chí còn khó khăn hơn, đấy là do việc đi lại và di cư đã làm cho nhiều nhóm dân cư trở thành đa dạng hơn. Các chính trị gia còn có những quan điểm mạnh mẽ nhưng trái ngược nhau, dẫn đến những tranh cãi lớn – dư luận cho rằng họ quan tâm đến việc chấm điểm hơn là nguyên tắc. Muốn đạt được thỏa thuận, họ thường phải thỏa hiệp – làm cho họ dường như càng bất lương hơn nữa.

Đấy cũng không phải là chỉ xảy ra trong chế độ dân chủ hay là trong chế độ dân chủ thì xấu xa hơn. Ngược lại, dân chủ có thể thúc đẩy sự trung thực và cởi mở trong các cuộc tranh luận công khai. Các chính trị gia trong các chế độ dân chủ tương đối tự do, nói chung, có thể trung thực hơn và ít tham nhũng hơn là các chính trị gia trong các hệ thống khác. Ví dụ, trong số 15 quốc gia được coi là ít tham nhũng nhất, do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (2019) có trụ sở tại Berlin đánh giá, thì 14 quốc gia được Đơn vị Tình báo Kinh tế (2019) đánh giá là “các chế độ dân chủ đầy đủ'. (Ngoại lệ là Singapore, được đánh giá là “chế độ dân chủ có nhiều khiếm khuyết”).

Bác bỏ nền chính trị của giới quyền uy

Nói cách khác, các chính trị gia trong các chế độ dân chủ có thể là những người tương đối tử tế; nhưng trong các chế độ dân chủ, hành động của họ được công chúng thấy rõ hơn và cởi mở hơn trước sự chỉ trích của công chúng. Đấy có thể là lý do vì sao họ thực sự bị chỉ trích nhiều hơn.

Ở nhiều nước, sự chỉ trích của công chúng dẫn đến kết quả là tỷ lệ cử tri đi bầu giảm và làm gia tăng sự ủng hộ đối với cái gọi là (và đôi khi cực đoan) các phong trào và đảng phái dân túy – đến lượt mình, những đảng này lại vui vẻ trước sự thất vọng của các chính trị gia dòng chính. Các nhà lãnh đạo dân túy tự coi mình là những người dân chủ thực sự, cho rằng mình đang bảo vệ lợi ích của những người dân bình thường nhưng không có người đại diện. Họ có thể che đậy những sự phức tạp của các vấn đề như nhập cư hoặc phúc lợi - nhưng công chúng cũng dành rất ít thời gian cho những vấn đề phức tạp như thế.

Tình hình thế giới đang thay đổi

Các cuộc khủng hoảng kinh tế cũng làm cho công chúng vỡ mộng về nền chính trị dân chủ. Chế độ dân chủ tự do thường được người la liên kết với tăng trưởng kinh tế: Acemoglu và Robinson (2012) đã phát hiện được rằng, thành công về kinh tế là do có các thiết chế kinh tế và chính trị đúng đắn. Nhưng sự suy thoái kinh tế của phương Tây sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007–8, sự gián đoạn kinh tế trong đại dịch Covid 2020 và sự bất lực của các chính trị gia trong việc xử lý những cuộc khủng hoảng này, có thể đã làm suy yếu niềm tin của công chúng vào chế độ dân chủ.

Một nguyên nhân khác có thể làm cho người ta vỡ mộng là một số vấn đề toàn cầu đã phát triển quá mức, nền chính trị quốc gia không có khả năng kiểm soát hay quyết định. Ví dụ như biến đổi khí hậu: người ta phàn nàn rằng việc bỏ phiếu nhằm giảm lượng khí thải carbon ở đất nước của mình là vô nghĩa, trừ khi các quốc gia khác cũng làm như vậy. An ninh, khủng bố và di dân cũng có thể cần các giải pháp phối hợp trên bình diện quốc tế.

Các cơ quan quốc tế đang tìm cách lấp đầy khoảng trống trong các vấn đề toàn cầu vừa nói – ví dụ như EU dẫn đầu về chính sách môi trường, các ngân hàng trung ương tìm cách điều phối ổn định kinh tế, còn các tòa án quốc tế thì quan tâm tới vấn đề an ninh và khủng bố. Nhưng những cơ quan này có những giới hạn nghiêm trọng. Họ không có bản sắc văn hóa và ngôn ngữ để cử tri có thể đồng cảm, còn các quốc gia thành viên thì có thể bất đồng sâu sắc về cả mục tiêu lẫn phương pháp. Do đó, dân chúng coi các cơ quan này là xa lạ và không có trách nhiệm giải trình, và thay vào đó, họ kêu gọi quốc gia phải có thái độ quyết đoán hơn – đấy là cái mà các nhà lãnh đạo dân túy rất thích khai thác.

Thay đổi trong hệ thống chính trị

Một thách thức khác là, ngày có nhiều quyết định được ban hành thông qua tiến trình chính trị và những quyết định này cũng ngày càng phức tạp hơn làm cho chính trị trở thành hoạt động chỉ dành cho các chính trị gia chuyên nghiệp. Người công dân bình thường cảm thấy mình có rất ít đóng góp vào tiến trình này. Rất ít người làm gì khác ngoài việc đi đến thùng phiếu. Có rất ít người tham gia các đảng hoặc nhóm vận động bầu cử. Khi các đảng mất dần thành viên, họ sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào hoạt động tiếp thị, người nổi tiếng, lời giới thiệu và những chuyện thêu dệt – nó càng làm cho cử tri nghi ngờ rằng họ đang bị người ta lừa.

Công nghệ truyền thông hiện đại có thể làm cho các chính trị gia trở thành những người nổi tiếng hơn, nhưng các phương tiện truyền thông chủ yếu tập trung vào các nhà lãnh đạo đảng chứ không hướng vào những nghị sĩ bình thường. Các vị bộ trưởng và thủ tướng xuất hiện trong các cuộc tranh luận trên truyền hình đã nâng cao địa vị và quyền lực của mình, cũng như củng cố quyền kiểm soát đối với các đảng. Tức là các phương tiện truyền thông giúp chuyển quyền lực sang phía hành pháp và tước bớt quyền lực của các nghị sĩ, tức là những người có nhiệm vụ kiềm chế nhánh hành pháp.

Trong khi đó, chi phí cho những cuộc bầu cử ngày càng tăng làm cho tiền trở thành quan trọng hơn, và công chúng đặt câu hỏi ai là người tài trợ cho hoạt động chính trị của các nghị sĩ. Họ bầu chọn các chính trị gia, chỉ để chứng kiến họ đóng vai trò được trả lương cao nào đó trong nhóm người muốn khai thác kiến thức của họ về hệ thống chính trị và luật lệ. Tất cả đều thúc đẩy ý tưởng cho rằng các chính trị gia chỉ ở đó vì lợi ích của chính mình. Một lần nữa, không chỉ chế độ dân chủ mới có hiện tượng này; chỉ đơn giản là trong chế độ dân chủ người ta mới nhìn thấy một cách rõ ràng hơn mà thôi.

Chính phủ ngày càng phát triển và phức tạp thêm cũng có nghĩa là ngày càng có nhiều quyết định là do các quan chức và “chuyên gia” chứ không phải do các nghị sĩ dân cử thông qua. Các chính trị gia hiếm khi có thời gian để đọc và hiểu tất cả các đạo luật phức tạp được trình cho họ. Trên thực tế, nhiều đạo luật được thông qua trong các chế độ dân chủ hiện đại là do các công chức soạn thảo và phức tạp đến mức cần phải có các chuyên gia khác giải thích và các cơ quan khác thực thi. Vì vậy, các chính trị gia lại bị lu mờ thêm. Và nhiều hội đồng chuyên gia được thành lập để xem xét luật pháp lại được lựa chọn từ các học giả, thẩm phán hoặc công chức, những người này thậm chí còn xa cách với công chúng hơn cả các chính trị gia.

Thay đổi trong cử tri

Cử tri cũng thay đổi. Của cải ngày càng gia tăng, giáo dục mở rộng hơn và đi lại dễ dàng hơn, các rào cản mang tính giai cấp và đẳng cấp đã bị phá bỏ. Những người xuất thân từ các gia đình nghèo dễ dàng sử dụng tài năng của mình để trở thành giàu có và thậm chí nổi tiếng, góp phần làm thay đổi các chuẩn mực kinh tế và chính trị. Cùng lúc đó, những người trong những lĩnh vực đang suy thoái cảm thấy bị đánh giá thấp và bị cho ra rìa một lần nữa lại khuyến khích chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy.

Công nghệ cũng làm cho chính trị thay đổi. Ví dụ, hiện nay có nhiều người nhận được tin tức từ các mạng xã hội. Phương tiện truyền thông xã hội giúp người thuộc nhóm thiểu số dễ dàng tìm được những người cùng chí hướng - và hỗ trợ lẫn nhau mà không cần đến các chính trị gia. Và nhiều dịch vụ (ví dụ như phát thanh truyền hình, máy tính, điện thoại và vận tải) trước đây chỉ có thể do các cơ quan lớn nằm dưới quyền các chính trị gia kiểm soát cung cấp, giờ đây có thể do các công ty tư nhân nhó bé cung cấp bằng những biện pháp mới, có tính cạnh tranh. Cách làm như thế không chỉ làm cho các chính trị gia ít liên quan hơn tới những người sử dụng các dịch vụ của họ; nó cũng làm cho người ta thắc mắc tại sao họ không thể lựa chọn các dịch vụ công như lựa chọn trường học hay lương hưu, mà để cho các chính trị gia quyết định thay cho mình.

Thay đổi tuổi tác – thế hệ bùng nổ dân số ở phương Tây và gia tăng số người sinh ra sau năm 2000 ở những nước khác – cũng tạo ra ảnh hưởng đến thái độ của cử tri. Thanh niên phàn nàn rằng thế hệ già nua thống trị lĩnh vực chính trị sử dụng quyền lực chính trị của họ nhằm lèo lái mọi thứ theo hướng có lợi cho mình. Vì vậy, thế hệ lớn tuổi đã tự bỏ phiếu cho những phúc lợi hào phóng như lương hưu, bảo hiểm xã hội và chăm sóc sức khỏe miễn phí, một phần được tài trợ bằng những món nợ mà thế hệ trẻ phải trả. Đó là thêm một nguồn gốc nữa cho sự vỡ mộng đối với tiến trình chính trị thông thường.

Kết luận

Vì tất cả những lý do vừa nói, công chúng ngày càng xa lánh các chính trị gia dân chủ. Đấy là lý do làm cho các đảng quá khích xuất hiện. Những người ủng hộ dân chủ lo sợ rằng thái độ khinh bỉ của công chúng đối với tầng lớp chính trị hiện nay có thể làm cho nhiều người hơn nữa mất niềm tin vào chính tiến trình dân chủ. Với những lợi ích to lớn của chế độ dân chủ tự do thì đây có thể là tai họa nghiêm trong. Vì vậy, quan trọng là chúng ta phải hiểu được nguồn gốc của thái độ vỡ mộng hiện nay và tìm cách làm cho nền chính trị dân chủ trở nên phù hợp hơn với công chúng.

Nguồn: Eamonn Butler, Chế độ dân chủ - Một dẫn nhập, Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên gốc: Eamonn Butler (2020), Introduction to Democracy, London Publishing Partnership.

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường