[Chế độ dân chủ -  Một dẫn nhập] Chương 6: Những lợi ích của chế độ dân chủ

[Chế độ dân chủ - Một dẫn nhập] Chương 6: Những lợi ích của chế độ dân chủ

Ngăn chặn việc thâu tóm quyền lực

Có lẽ lợi ích lớn nhất của chế độ dân chủ tự do là nó tạo điều kiện cho công chúng thay đổi người lãnh đạo một cách hòa bình mà không cần sử dụng bạo lực. Đối với các chế độ chuyên chế, đe dọa nổi loạn và cách mạng bao giờ cũng là nguy cơ to lớn và họ thường phải nuôi những đội quân đông người nhằm ngăn chặn những vụ việc này. Nhưng sức mạnh quân sự lớn mạnh như thế cũng có thể được sử dụng nhằm ngăn chặn những lời chỉ trích và củng cố quyền lực. Ngược lại, những thay đổi thường xuyên trong hàng ngũ lãnh đạo giúp ngăn cản, không cho các nhà lãnh đạo hoặc phe phái chính trị thâu tóm và củng cố quyền lực.

Ngay cả khi chính phủ không còn được lòng dân, nó vẫn ít có khả năng xây dựng lực lượng đàn áp vì nguy cơ xảy ra cách mạng bạo lực sẽ thấp hơn nếu các cuộc bầu cử được tiến hành thường xuyên. Khi hòa bình giữ thế thượng phong, nỗ lực và sự chú ý của con người có thể được chuyển sang các hoạt động hiệu quả và làm cho đời sống phong phú hơn.

Hấp thụ thay đổi

Chế độ dân chủ tự do là chế độ có khả năng thích ứng. Chế độ này có thể điều chỉnh khi các sự kiện và thái độ của công chúng thay đổi. Chế độ này có thể uyển chuyển hơn hầu hết các hệ thống khác, vì không bị ràng buộc bởi một quan điểm hay hệ tư tưởng hay một tập hợp những định kiến về việc xã hội nên vận hành như thế nào. Hệ tư tưởng và định kiến thúc đẩy một cách làm nhất định và chống lại bất kỳ sự thay đổi hoặc sai lệch nào so với cách làm đó; nhưng chế độ dân chủ tự do đón nhận thay đổi và sử dụng nó một cách hiệu quả. Ví dụ, chế độ dân chủ chấp nhận nhiều tư tưởng và lối sống khác nhau. Vì vậy, khi hoàn cảnh thay đổi, chúng ta có nhiều lựa chọn thực tế, có thể giúp chúng ta vượt qua, tiếp thu, chuyển hướng hoặc sử dụng những thay đổi này theo hướng có lợi cho mình. Và cùng với thời gian, quan điểm của công chúng về nhiều vấn đề quan trọng có thể thay đổi – ví dụ như nhập cư, phúc lợi, nhu cầu can thiệp của quân đội hoặc quyền của người chuyển giới; các cuộc tranh luận và quyết định theo tinh thần dân chủ chỉ đơn giản là thay đổi cùng với những phong trào này. Dân chủ là hệ thống dành cho tất cả các hình thức xã hội.

Với thái độ khoan dung, cởi mở, đa dạng và khả năng thỏa hiệp, mới nhìn thì thấy so với các chế độ độc tài, các chế độ dân chủ tự do dường như yếu hơn hẳn và khó tập trung nỗ lực vào mục tiêu khi đứng trước những đe dọa và biến động lớn như thiên tai hay chiến tranh. Nhưng những phẩm chất này cũng mang tới cho họ sự dẻo dai và sức mạnh đang ngạc nhiên – trong quá khứ những nhà lãnh đạo phát xít và độc tài khác đã phát hiện được sự kiện này.

Phản ảnh giá trị của chúng ta

Một lợi ích khác mà nhiều nhà bình luận nhìn thấy trong chế độ dân chủ tự do là nó hàm chứa và xiển dương những giá trị quan trọng của con người, ví dụ như quyền bình đẳng về chính trị của từng cá nhân. Cho dù người ta có thể khác nhau rất nhiều về những phương diện khác, chẳng hạn như thu nhập hay của cải, nhưng tất cả các công dân đều có thể tham gia vào tiến trình bầu cử. Họ được tự do đi bầu, tự do trở thành thành viên của chính đảng nào đó, trở thành ứng cử viên hoặc nhà vận động bầu cử mà không sợ bị phân biệt đối xử hay đàn áp. Giàu hay nghèo, có tay nghề hay không có tay nghề, người thành thị hay người nông thôn, sinh ra cao sang hay thấp hèn, hay sắc tộc, tôn giáo, màu da, giai cấp, gia đình hay quan điểm chính trị đều không phải là vấn đề. Về mặt chính trị, quan điểm của họ được coi là bình đẳng.

Những người quan sát khác ca ngợi sự kiện là dân chủ có thể khuyến khích người dân tham gia vào công việc xã hội - hoặc ít nhất, nó không ngăn cản bất kỳ người nào tham gia chính trị chỉ vì một số người trong chính phủ tin rằng những người đó không đủ tư cách, không xứng đáng, gây rối hoặc phản nghịch. Dân chúng trong chế độ dân chủ cũng không được chia thành những người được cho là xứng đáng là người cai trị và những người được coi là chỉ xứng đáng làm người bị cai trị – đây là định kiến khá phổ biến trong các chế độ khác. Trong chế độ dân chủ tự do, mọi người đều được tự do trở thành công dân tích cực và ứng cử, và quần chúng sẽ quyết định ai là ứng viên tốt nhất.

Những người ủng hộ chế độ dân chủ tự do cho rằng, việc nhiều người dân tham gia giải quyết vào các vấn đề xã hội cũng thúc đẩy quá trình phát triển trí tuệ, đạo đức và nhận thức chính trị của công dân. Nó mang lại cho người ta cả cơ hội lẫn động lực để suy nghĩ và tranh luận về những lựa chọn chính trị và đạo đức khác nhau, cũng như những chính sách nào có thể giải quyết những vấn đề này một cách tốt nhất.

Thúc đẩy chính sách trung thực

Dân chủ tự do có nghĩa là chúng ta sống dưới quyền cai trị của chính phủ và luật pháp do chúng ta tự lựa chọn - ít nhất cũng ở mức độ nào đó – chứ không phải dưới quyền của những người lãnh đạo mà chúng ta phải chấp nhận. Chính phủ dân chủ làm giảm khả năng sử dụng vũ lực và nhu cầu ép buộc người dân chấp nhận các quyết định của chính thể chuyên chế. Đó là biện pháp thay đổi về chính trị theo lối đồng thuận hơn và an bình hơn.

Những cuộc bầu cử công bằng, tự do và chính phủ cởi mở, đấy là một phần của chế độ dân chủ tự do, nó cũng thúc đẩy trách nhiệm giải trình và sự minh bạch của các ứng cử viên hoặc người đã được bầu. Khi các chính trị gia cạnh tranh với nhau để giành được sự chấp thuận của công chúng trong các cuộc bầu cử, lý lịch, khả năng và tính cách của họ đều được giám sát chặt chẽ. H. L. Mencken (1956), một người Mỹ, đã nói: “Trong chế độ dân chủ, một đảng luôn luôn dành toàn bộ sức lực của nó để tìm cách chứng minh rằng đảng kia không thích hợp với vai trò cai trị – và cả hai thường thành công và đều đúng”. Nhưng bên cạnh việc ganh đua giữa các đảng phái, cử tri cũng xem xét kỹ lưỡng các ứng cử viên; người ta dễ dàng chỉ ra thiếu sót của họ; ứng viên sẽ phải đối mặt với các cuộc thăm dò dư luận của giới truyền thông và mạng xã hội; và các nhóm lợi ích sẽ giải quyết theo quan điểm của mình.

Không trung thực còn bị trừng phạt. Nếu công dân tin rằng những người mà họ bầu lên suy thoái, không đủ năng lực hoặc ban hành những quyết định sai trái, họ có thể bỏ phiếu để bãi nhiệm những người đó – hoặc là trong kỳ bầu cử tiếp theo hoặc, ở một số nước, bằng kiến nghị bãi nhiệm. Ngược lại, trong các hệ thống chuyên quyền, không dễ bãi nhiệm các nhà lãnh đạo tồi dở; và những người nắm quyền thường bám chặt vào nó, và bám  vào các chính sách của mình, ngay cả khi những chính sách này đã thất bại.

Phê phán và tiến bộ

Khoan dung là một trong những nguyên tắc then chốt của chế độ dân chủ tự do, nó tạo điều kiện người dân công khai chỉ trích giới lãnh đạo đất nước – đấy không phải lúc nào cũng là hành động khôn ngoan và thậm chí là bất khả thi trong các chế độ chuyên chế. Không bị chỉ trích, những nhà cầm quyền chuyên chế có thể che giấu các vụ bê bối và đảm bảo rằng sai lầm của họ được giấu kín hoặc lờ đi. Người ta thường nói rằng nghị viện chỉ đơn giản là chỗ tán gẫu, nhưng được nói một cách tự do trên một diễn đàn cởi mở như thế là rất quan trọng, người ta có thể đặt câu hỏi về các nhà lãnh đạo và ý tưởng của họ. Cuộc tranh luận công khai như thế sẽ thông báo cho cử tri để họ buộc các nhà lãnh đạo phải chịu trách nhiệm trong kỳ bầu cử tiếp theo.

Đó cũng là yếu tố quan trọng trong quá trình vươn lên của con người. Nếu các đề xuất về chính sách công – và thực tế là bất kỳ ý tưởng nào về bất kỳ chủ đề nào – có thể được kiểm nghiệm trong các cuộc tranh luận cởi mở, mọi người có thể chỉ ra điểm mạnh và điểm yếu của những đề xuất này, thì đấy rõ ràng là lợi thế rồi. Những cuộc thảo luận cởi mở tạo điều kiện cho người ta hòan thiện những ý tưởng tốt, còn những ý tưởng chưa tốt thì được hoàn thiện hoặc loại bỏ trước khi chúng gây ra thiệt hại. Những người ủng hộ chế độ dân chủ nói rằng, lợi dụng “trí tuệ của đám đông” chế độ này có thể đưa ra các quyết sách tốt hơn hẳn so với những hệ thống mà quyết định của chính quyền không bị thách thức và kiểm nghiệm trong các cuộc tranh luận cởi mở.

Bảo vệ các quyền cá nhân

Bruce Bueno de Mesquita và các đồng nghiệp của ông (2003) phát hiện được rằng những nước có các thiết chế dân chủ chất lượng cao cũng là những nước có thành tích cao về mặt bảo vệ nhân quyền. Có thể không phải là chế độ dân chủ tự động tạo ra những lợi ích này; có thể những nước coi trọng những quyền này hơn hẳn những nước khác đều tin rằng chế độ dân chủ là chế độ bảo vệ quyền con người tốt nhất. Dù có nói gì đi nữa, thì chế độ dân chủ tự do là chế độ có những biện pháp bảo vệ quyền sống, quyền tự do, quyền sở hữu tài sản, quyền tự do lập hội, quyền tự do ngôn luận và quyền tham gia bình đẳng vào tiến trình chính trị mạnh mẽ nhất.

Mặc dù các hệ thống dân chủ và việc tôn trọng các quyền con người thường song hành với nhau, nhưng giữa ý chí của đa số và quyền của cá nhân vẫn có những căng thẳng nhất định. Đa số và các chính trị gia được họ bầu lên có thể tin rằng có những lý do chính đáng để hạn chế quyền của người dân. Ví dụ, họ có thể quyết định rằng, để công chúng không bị đe dọa khủng bố, thì cảnh sát và cơ quan an ninh phải được trao quyền bắt giữ một số người đáng ngờ trong một thời gian dài, tiến hành khám xét ngẫu nhiên trên đường phố và nhà ở, đồng thời ngăn chặn, không cho công bố những quan điểm chính trị cực đoan. Hoặc để chiến thắng đại dịch, họ có thể ban hành quyết định đóng cửa các cơ sở kinh doanh và buộc người dân phải ở trong nhà. Thật không may là, không có ranh giới rõ ràng giữa việc bảo vệ một cách hợp pháp tính mạng, tài sản và an ninh của công dân với việc đàn áp công dân một cách phi pháp nhân danh chính quyền dân chủ. Do đó, tất cả những đề xuất nhằm hạn chế các quyền công dân đều cần phải được xem xét một cách kỹ lưỡng và đánh giá một cách cẩn thận nhất.

Hóa bình và thịnh vượng

Người ta thường nói rằng các chế độ dân chủ không gây chiến tranh với nhau. Không hoàn toàn đúng: những chế độ này đôi khi cũng từng đánh nhau. Tuy nhiên, có nhiều lý do giải thích vì sao các hệ thống dân chủ có thể cùng tồn tại trong hòa bình hơn là những hình thức chính quyền khác. Nói chung, cử tri không nhiệt tình với xung đột vũ trang như các nhà độc tài quân sự; nói cho cùng, cử tri có nhiều thứ để mất, còn chính phủ dân chủ thì không thể đơn giản mà lờ đi tính mạng, sự an toàn và tài sản của các công dân của mình.

Người ta có thể nói rằng, chế độ dân chủ tự do cũng thịnh vượng hơn. Quản trị tốt và thịnh vượng đã song hành với nhau trong suốt hai trăm năm qua. Nhưng chế độ dân chủ làm cho đất nước thịnh vượng hơn thì không rõ ràng như thế. Nhiều nước, trong đó có Vương quốc Anh, đã là những giàu có trong giai đoạn kéo dài trước khi dân chúng có quyền phổ thông đầu phiếu hoặc tổ chức được những cuộc bầu cử công bằng và trung thực. Vì vậy, chế độ dân chủ chưa chắc đã tạo ra của cải ở những nước này. Nếu chỉ nói đến một yếu tố duy nhất thúc đẩy sự thịnh vượng, thì đó không phải là dân chủ mà là tôn trọng các quyền cá nhân, ví dụ như cho phép mọi người làm việc, sản xuất và buôn bán theo những điều kiện mà họ lựa chọn. Nhưng nếu nói như thế thì các chế độ dân chủ dường như là tôn trọng những quyền đó hơn những hình thức cai trị khác.

Mặc dù chế độ dân chủ mạnh mẽ đến mức làm người ta phải ngạc nhiên, nhưng nó có khả năng ngăn cản động cơ tự do và thịnh vượng vừa nói. Sức mạnh về mặt đạo đức của sự kiện là họ nắm được đa số trong các cuộc bầu cử có thể mang lại cho chính phủ thái độ tự tin trong việc bóc lột những người làm ra của cải. Bóc lột người làm ra của cải chỉ làm giảm khoản tưởng thưởng mà doanh nghiệp có thể nhận và không khuyến khích người ta phát minh, đầu tư và làm việc chăm chỉ, đồng thời khuyến khích người ta rong chơi và chi tiêu. Khó có thể là công thức giúp cho xã hội thịnh vượng.

Kết luận

Chế độ dân chủ tự do có thể có những lợi ích thực sự, ít nhất là so với một số hệ thống khác - đặc biệt là khả năng thích ứng với thay đổi và thay thế các nhà lãnh đạo và chính sách một cách hòa bình. Nó có thể thúc đẩy quá trình hình thành những chính sách tốt hơn, bảo vệ các quyền cá nhân, giúp xã hội thịnh vượng và khuyến khích hòa bình. Nhưng nhiều lợi ích mà người ta nghĩ là do chế độ dân chủ tạo ra lại không rõ ràng như chúng ta tưởng tượng. Vì thế, chế độ dân chủ không phải là không có người phê phán.

Nguồn: Eamonn Butler, Chế độ dân chủ - Một dẫn nhập, Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên gốc: Eamonn Butler (2020), Introduction to Democracy, London Publishing Partnership.

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường