[Chế độ dân chủ - Một dẫn nhập] Chương 12: Dân chủ và biên giới
Vụ sụp đổ Bức tường Berlin năm 1989 đã đặt các chính phủ chuyên quyền vào vị thế phòng thủ. Thực tế nghiệt ngã của Liên Xô được phơi bày, và các chế độ độc tài nói chung bắt đầu đánh mất tính chính danh của mình. Dân chủ dưới một hình thức nào đó dường như là giải pháp thay thế duy nhất. Các phong trào cải cách lan tràn trên khắp Đông Âu, Mỹ Latin, châu Phi (đặc biệt là sự cáo chung của chế độ phân biệt chủng tộc vào năm 1994), Nam Á, Đông Nam Á, thậm chí có một thời gian diễn ra cả ở Trung Quốc. Ngày càng có nhiều nước được coi là là “tự do”, theo các chỉ số quốc tế.
Nhà chính trị học người Mỹ, Francis Fukuyama (1992), thậm chí còn nói đến “sự cáo chung của lịch sử” – thế giới, trong đó, chế độ dân chủ tự do giành chiến thắng ở khắp mọi nơi. Các chính trị gia phương Tây coi nhiệm vụ của họ là biến tầm nhìn đó thành hiện thực bằng cách truyền bá chế độ dân chủ trên toàn cầu. Các nhà độc tài đã bị thách thức. Các thỏa thuận thương mại và viện trợ nước ngoài được ký kết với điều kiện là các nước phải chấm dứt tham nhũng, cải cách chính phủ và áp dụng các thiết chế dân chủ.
Tuy nhiên, tạo dựng và sao chép chế dộ dân chủ tự do là việc không dễ dàng. Như Thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, Anthony Kennedy (1999), nhận xét: “Dân chủ là cái mà mỗi thế hệ đều phải học. Phải được dạy”. Và quả thực, một số chế độ dân chủ hiện đại đầu tiên đã trải qua nhiều thế kỷ đầy xung đột và phải đổ máu mới học được. Ngày nay, với nhiều ví dụ điển hình về chế độ dân chủ đang hiện hữu, các chế độ dân chủ mới có lẽ có thể được xây dựng nhanh chóng hơn và hòa bình hơn.
Tuy nhiên, trở ngại vẫn còn. Muốn phát huy tác dụng và mang lại lợi ích, chế độ dân chủ cần phải có những người công dân chấp nhận nó, hiểu nó, đánh giá cao và tôn trọng nó. Nhưng những người luôn luôn sống dưới chế độ chuyên quyền thường sợ hãi và hiểu sai về dân chủ. Đôi khi, những người cai trị độc tài như Hosni Mubarak của Ai Cập và của các nướcTrung Đông và Bắc Phi khác đã bị thay thế bằng các chế độ “dân chủ”, nhưng về mặt nào đó thậm chí còn ít tự do hơn, vì những nhà cách mạng được dân chúng bầu lên tưởng rằng đa số đã trao cho họ quyền lực tuyệt đối. Bằng cách khoác lên mình những biểu hiện bên ngoài của chế độ dân chủ - dù họ đã lạm dụng những nguyên tắc của nó - họ tuyên bố với thế giới tính chính danh mà thực ra là họ không xứng đáng được hưởng. Ở những nước khác, những nhà độc tài như Josip Tito của Nam Tư đã tìm cách bóp nghẹt những cuộc xung đột giữa các nhóm dân tộc, tôn giáo hoặc sắc tộc ở đất nước mình, chỉ làm cho chiến tranh có khả năng tàn phá nặng nề hơn sau khi họ bị phế truất. Dường như dân chúng sợ quá trình chuyển đổi từ chế độ chuyên quyền sang chế độ dân chủ phần nào đó là có thể biện minh được.
Những sai lầm của phương Tây
Không thể đơn giản là đem chế độ dân chủ trồng trên vùng đất mới và mong chờ nó sẽ tự phát triển. Nó cần phải được nuôi dưỡng và chăm sóc. Dân chủ cũng không thể tự động mang lại thịnh vượng, các quyền, quyền tự do và bình đẳng cho những nước mà người dân chưa biết và còn xa lạ với những quyền này. Đáng buồn là, các chính trị gia phương Tây tin rằng họ có thể làm được tất cả những việc đó và còn làm được hơn thế nữa. Và vì họ nghĩ rằng dân chủ tạo ra tự do và thịnh vượng (trong khi trên thực tế, chính những giá trị tự do mới tạo ra thịnh vượng), họ nghĩ rằng các nước nghèo hơn, một khi thoát khỏi chế độ độc tài, sẽ háo hức tạo ra các thiết chế dân chủ của mình.
Nhưng người phương Tây đã sống với các thiết chế tự do và dân chủ lâu đến mức họ coi là hiển nhiên. Họ cho rằng công lý, pháp quyền, các quyền, lòng tin và trung thực có mặt khắp mọi nơi - hoặc sẽ ngay lập tức bật lên sau khi đàn áp không còn. Họ cho rằng tất cả các nước đều có ý thức chung về tinh thần dân tộc và tầng lớp trung lưu có học thức, theo phái tự do, sẽ hiểu và thúc đẩy những cuộc cải cách dân chủ.
Tuy nhiên, những nước đã sống dưới chế độ chuyên quyền trong nhiều thế kỷ có thể không có những hiện tượng này, cũng như không có bất kỳ khái niệm rõ ràng nào về những thứ đó. Có thể có lòng hận thù sâu sắc và rất ít niềm tin giữa các dân tộc hoặc các nhóm người khác nhau. Dân chúng có thể tin rằng đất nước không thể hoạt động nếu không có ban lãnh đạo chuyên quyền đầy sức mạnh. Họ có thể coi các chế độ dân chủ lâu đời là yếu kém, cồng kềnh và không đoàn kết. Họ có thể tiếp tục coi trọng ổn định hơn tự do, truyền thống hơn thịnh vượng, tôn giáo hơn luật pháp.
Ryan Murphy (2018) đã chỉ ra rằng, nếu xét đến tất cả các yếu tố khác, chế độ chuyên chế trên thực tế không tạo ra kết quả quản trị tốt đẹp hơn. Nhưng thuyết phục thế giới về lợi ích của dân chủ có thể là công việc không hề dễ dàng.
Vấn đề của những chế độ dân chủ mới nổi
Quả thực, khi các nước khoác lên mình chiếc áo dân chủ - bầu cử, nghị viện, tòa án - họ vẫn có thể chưa áp dụng thực tại dân chủ. Có thể không có chế độ pháp quyền. Tòa án có thể tham nhũng. Các quyền có thể không được đảm bảo hoặc chỉ một số ít người được hưởng mà thôi. Tuân theo các nghi lễ tôn giáo có thể bóp nghẹt tự do cá nhân. Bầu cử có thể là giả mạo, không có lựa chọn thực sự các ứng cử viên và phiếu bầu không được kiểm đếm một cách công bằng. Một đảng duy nhất có thể giữ thế thượng phong trong nghị viện. Những người chiến thắng trong cuộc bầu cử có thể sử dụng “quyền dân chủ” của mình để đàn áp đối thủ.
Và có thể hoàn toàn không có tình cảm chung nào về tinh thần dân tộc. Những xung đột sắc tộc, bộ lạc, văn hóa, ý thức hệ hoặc tôn giáo có thể làm cho người ta cảm thấy cay đắng và mất đoàn kết trong những giai đoạn rất dài. Các đảng phái chính trị thù địch nhau có thể tạo ra bộ máy nhà nước yếu kém và rối loạn chức năng. Đôi khi những người duy nhất có uy tín và được dân chúng tôn trọng lại là những lãnh chúa đối lập. Dân chúng có thể coi sức mạnh quân sự là biện pháp duy nhất để ổn định trật tự; hoặc nếu cần thì áp đặt ý thức hệ tôn giáo hoặc chính trị của mình lên những người khác.
Do đó, chính phủ quân sự mạnh có thể nhận được nhiều ủng hộ hơn bất kỳ ý tưởng nào về chính phủ tự do, dân chủ. Đồng thời, những người cuồng tín tôn giáo và chính trị có thể coi đối thủ của họ là những người xấu xa không thể cứu chuộc được, và chế độ dân chủ tự do thù địch với các nguyên tắc của họ vì nó dung túng những lối sống mà người ta có thể lựa chọn. Ở những nơi mà những người quá khích như thế sẵn sàng sử dụng khủng bố hoặc sức mạnh quân sự nhằm thúc đẩy tầm nhìn của mình, thì có thể chẳng bao lâu sau các thiết chế phôi thai của chế độ dân chủ mới nổi sẽ bị người ta chà đạp.
Áp đặt các giá trị dân chủ gặp thất bại
Mặc dù triển vọng thiết lập chế độ dân chủ tự do ở những nơi có những vấn đề như thế không có nhiều hứa hẹn, nhưng nhiều chính phủ phương Tây vẫn muốn thử và tin rằng dân chủ là giải pháp tốt nhất. Tin rằng dân chủ thúc đẩy hòa bình, tự do và thịnh vượng, họ có thể muốn người khác cũng được hưởng những lợi ích này. Họ có thể coi các thiết chế dân chủ, chẳng hạn như bầu cử tự do và quyền phổ thông đầu phiếu, như là biện pháp thúc đẩy cải cách về xã hội và chính trị. Họ thậm chí có thể coi dân chủ tự nó đã là lý tưởng rồi, là thể hiện những nguyên tắc quan trọng như phẩm giá của con người và bình đẳng về chính trị.
Tuy nhiên, những nỗ lực của họ nhằm xuất khẩu dân chủ sang các nước khác chỉ đạt được những thành công hạn chế và thường là khá lạc lõng. Ví dụ, sau Chiến tranh Iraq năm 2003 người ta đã bắt đầu với mục đích hạn chế là xóa bỏ chế độ độc tài chuyên chế. Dường như người ta giả định rằng, một khi chuyện này xảy ra, các tư tưởng, nguyên tắc và thiết chế của chế độ dân chủ tự do sẽ bật dậy theo một cách nào. Nhưng suy nghĩ như thế là quá lạc quan. Và thật đáng buồn là, việc loại bỏ một cách có hệ thống những người trung thành với chế độ làm cho các thiết chế chủ chốt (cảnh sát, tòa án, cơ quan hành chính dân sự) không còn người lãnh đạo - tạo ra hỗn loạn, hủy hoại lòng tin và gây ra nhiều khó khăn cho tiến trình cải cách dân chủ.
Các thiết chế quốc tế
Liệu các thiết chế quốc tế, chẳng hạn như Liên hợp quốc, có thể có hiệu quả hơn trong việc đưa thế giới tới chế độ dân chủ hay không? Có nhiều lý do để tiếp tục hoài nghi về ý tưởng này.
Trước hết, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế thường bị người ta coi là chủ nghĩa thực dân mới - sử dụng của cải của mình nhằm áp đặt quan niệm cụ thể của họ về quản trị lên các nước khác. Ví dụ, họ có thể không viện trợ tài chính cho những nước không đáp ứng được tầm nhìn của họ về trách nhiệm giải trình trước công chúng.
Thứ hai, nhiều tổ chức quốc tế ngả về các cường quốc thế giới lớn hơn hoặc lâu đời hơn. Ví dụ, Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ có quyền phủ quyết bất kỳ nghị quyết quan trọng nào của Liên hợp quốc; tuy nhiên Nhật Bản, Đức và Ấn Độ đều có nền kinh tế lớn hơn Anh và Pháp.
Thứ ba, nhiều người đặt câu hỏi liệu Liên Hợp Quốc có thể trở thành lực lượng đáng tin cậy đối với chế độ dân chủ tự do hay không, khi mà Hội đồng Nhân quyền của chính tổ chức này lại bao gồm những nước như Congo và Eritrea, đấy là những nước có các chỉ số tự do quốc tế khá thấp.
Thứ tư, các thiết chế quốc tế đại diện cho chính phủ chứ không phải đại diện cho người dân. Thông thường, những chính phủ đó bị chính dân chúng của họ hoặc phần lớn dân chúng trong nước coi thường và căm ghét. Tuy nhiên, đại biểu của chính phủ lại muốn phát biểu thay mặt cho cả nước. Những cơ quan được thành lập theo kiểu như thế khó có thể là động lực đáng tin cậy của các cuộc cải cách dân chủ.
Dân chủ thế giới?
Những người theo chủ nghĩa lý tưởng đã mơ ước thành lập chính phủ dân chủ thế giới trong ít nhất một thế kỷ. Nó cũng có những vấn đề khá nghiêm trọng.
Trước hết, chế độ dân chủ khó có thể hoạt động trên bình diện toàn cầu. Làm sao 7 tỷ 800 triệu người có thể thực sự tham gia vào tiến trình bầu cử toàn cầu? Làm sao chúng ta có thể xây dựng chính phủ thế giới đại diện cho tất cả mọi người một cách công bằng - mà các cường quốc kinh tế lớn hoặc đông dân không nắm được quyền kiểm soát? Và với những khác biệt trong suy nghĩ, văn hóa, lịch sử, liên kết thương mại, quan hệ chủng tộc và quan điểm đang có trên thế giới, làm sao mà một người nào đó có thể có ý định đại diện cho “thế giới”?
Ngay cả những nỗ lực khiêm tốn nhất nhằm xây dựng chính phủ siêu quốc gia cũng chứng tỏ là rất khó khăn. Ví dụ, gần ba mươi nước có người đại diện trong Nghị viện Liên minh Châu Âu. Cơ quan này là do dân bầu, nhưng với rất nhiều quốc gia và đảng phái tham gia, cũng như có quá nhiều lợi ích quốc gia khác nhau được đem ra cân nhắc, cho nên cơ quan này có rất ít thẩm quyền hoặc quyền lực. Các quyết định thực sự lại được các cơ quan không do dân cử, đại diện cho các chính phủ, ban hành. Những người phê phán phàn nàn về “thiếu dân chủ” nhưng thật khó tưởng tượng, vượt ra khỏi quốc gia-nhà nước, chế độ dân chủ có thể hoạt động như thế nào.
Thứ hai, các thiết chế càng lớn mạnh thì càng khó làm cho chúng trở thành minh bạch và chịu trách nhiệm giải trình trước những người mà những thiết chế này được cho là đại diện. Với chính phủ thế giới, khoảng cách (cả về mặt vật lý cũng như ẩn dụ) giữa chính phủ và người bị quản lý, cộng với sự đa dạng đến chói tai của ngôn ngữ và quan điểm quốc tế, đơn giản là quá lớn, không thể nào đại diện được, không thể kiểm tra được phiếu bầu hay thậm chí là giao tiếp được. Cử tri thậm chí sẽ xa lánh những cơ quan như thế hơn cả xa lánh chính quyền trong nước của mình.
Cũng nên nhớ rằng, hệ thống pháp luật của các nước khác nhau là khác nhau. Hệ thống pháp luật đã phát triển qua nhiều thế kỷ, chúng đã bám rễ rất sâu, và phản ánh những bối cảnh lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ và xã hội khác nhau. Những bộ luật này được bắt đầu từ những giả định khác nhau và hoạt động theo những nguyên tắc khác nhau. Những bộ luật này thậm chí còn chứa đựng những quan điểm trái ngược nhau về luật pháp và công lý. Phải là người lạc quan mới tin rằng có thể bỏ qua những khác biệt như thế và những hệ thống đa dạng như thế có thể làm cho trở thành hài hòa với nhau. Nhưng chế độ dân chủ chỉ có thể tồn tại trên cơ sở chế độ pháp quyền được mọi người đồng ý.
Hệ thống các nhóm nhỏ?
Dân chủ hoạt động dễ dàng nhất trong các nhóm nhỏ. Ở những nước nhỏ hơn, có nhiều giá trị được mọi người chia sẻ, mạng lưới quan hệ giữa các cá nhân mạnh mẽ hơn, cảm giác thuộc về nhau và lòng tin cũng lớn hơn. Trong những xã hội lớn hơn, có thể có nhiều nhóm khác nhau với những giá trị khác nhau và mọi người không biết rõ về nhau, đạt được lòng tin có thể khó khăn hơn.
Tuy nhiên, có thể có niềm tin trong những xã hội lớn hơn, và chế độ dân chủ cũng được xây dựng dựa trên niềm tin đó – mặc dù, như Vincent Ostrom (1997) giải thích, quá trình này có thể khó khăn và mất nhiều thời gian. Cũng có thể phải có những dàn xếp đặc biệt để cho các thiết chế dân chủ hoạt động. Ví dụ, những nước có những khác biệt lớn, chẳng hạn như sự pha trộn giữa các sắc dân hoặc ngôn ngữ khác nhau, có thể phát triển các hệ thống liên bang nhằm hạn chế số lượng quyết định có thể được đưa ra ở cấp trung ương: Thụy Sĩ và Canada là những ví dụ như thế. Các nước dân chủ lớn nhất, tính theo diện tích đất liền (ví dụ: Canada, Mỹ, Úc và Ấn Độ), có thể áp dụng hệ thống liên bang.
Một lần nữa, trên thế giới có rất nhiều ví dụ về những nước đã xây dựng được chính phủ dân chủ ở những địa điểm với ít hứa hẹn nhất. Những nước đang tìm kiếm lợi ích của dân chủ có rất nhiều lựa chọn để sao chép và sửa đổi theo hoàn cảnh riêng của mình. Có thể không dễ dàng, nhưng (mặc cho tất cả những lời phàn nàn về các chính trị gia) hầu hết những người sống trong các chế độ dân chủ tương đối tự do vẫn khẳng định rằng nỗ lực đó là hoàn toàn xứng đáng.
Nguồn: Eamonn Butler, Chế độ dân chủ - Một dẫn nhập, Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên gốc: Eamonn Butler (2020), Introduction to Democracy, London Publishing Partnership.