Việt Nam có rơi vào bẫy thanh khoản?
SGTT.VN (11.06.2012) - Tại kỳ họp Quốc hội tháng 6.2012, thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, trong thời gian vừa qua, NHNN đã đưa một lượng tiền “khủng khiếp” ra thị trường bao gồm 180.000 tỉ đồng để mua vào 9 tỉ USD, 60.000 tỉ đồng để phục vụ các chương trình nông nghiệp – nông thôn trong tháng 2 và khoảng 30.000 tỉ đồng để cứu các ngân hàng mất khả năng thanh khoản vào cuối năm 2011. Tuy vậy, khối lượng tiền này vẫn chỉ quanh quẩn trong hệ thống ngân hàng mà không thể đưa ra được nền kinh tế. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng năm tháng đầu năm của toàn hệ thống vẫn âm.
Thực trạng này khiến nhiều chuyên gia cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang rơi vào tình trạng bẫy thanh khoản (liquidity trap) tương tự các nước phương Tây hiện nay và đề nghị Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư công cũng như hạ lãi suất chính sách mạnh hơn nữa để cứu nền kinh tế. Liệu có phải vậy?
Nguồn: GSO
Sự tương đồng giữa Việt Nam và các nước phương Tây
Các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ và Eurozone hiện nay và Nhật Bản trước đây được nhiều nhà kinh tế cho rằng bị rơi vào tình trạng bẫy thanh khoản. Do tổng cầu suy giảm và hệ thống tín dụng suy sụp do suy thoái, ECB và FED đã bơm hàng ngàn tỉ EUR và USD vào hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) với mức lãi suất xấp xỉ 0% nhưng tăng trưởng tín dụng tại các quốc gia này hầu như không được cải thiện. Kể từ suy thoái năm 2008, tín dụng tiêu dùng của Mỹ vẫn ở quanh mức 2,5 ngàn tỉ USD. Lạm phát tại các quốc gia này vẫn ở mức thấp, chỉ trên 2% trong hai năm trở lại đây, bất chấp lượng cung tiền cơ sở tăng khủng khiếp.
Để giải quyết vấn đề bẫy thanh khoản, chính quyền Obama đã thực hiện các gói kích cầu hàng ngàn tỉ USD trong các năm vừa qua. Các nước thuộc Eurozone không thể làm điều này do tình trạng nợ công tăng cao. Nhưng ngay cả khi có điều kiện như Mỹ thì tình hình vẫn không thực sự được cải thiện. Tỷ lệ thất nghiệp của nước này vẫn ở mức cao, 8,2% tính cho tháng 5.2012.
Tại Việt Nam, để giải quyết tình trạng mất thanh khoản của hệ thống trong giai đoạn cuối 2011, NHNN đã bơm lượng tiền khổng lồ vào hệ thống. Tuy nhiên, tín dụng vẫn trong tình trạng đóng băng, lãi suất cho vay không hạ ngay cả khi lãi suất liên ngân hàng, lãi suất huy động và lãi suất chính sách giảm mạnh. NHNN đã phải dùng các biện pháp hành chính để ép các NHTM giảm lãi suất cho vay, nhưng tình hình vẫn chưa có những biến chuyển rõ rệt.
Điểm khác biệt của Việt Nam
Nhìn diễn biến bề ngoài thì có vẻ Việt Nam cũng rơi vào tình trạng bẫy thanh khoản như của các nước phương Tây. Tuy nhiên, tình trạng ứ đọng tín dụng của Việt Nam và các nước phương Tây khác nhau hoàn toàn. Các nước phương Tây rơi vào tình trạng bẫy thanh khoản là do tiêu dùng của khu vực tư nhân bị giảm mạnh, khiến cho năng lực sản xuất bị dư thừa. Bất chấp gói kích cầu khổng lồ của chính quyền Obama, người dân Mỹ vẫn chi tiêu dè sẻn. Doanh số bán lẻ của Mỹ vẫn tăng chậm ở mức 0,1% tại thời điểm 15.5.2012.
Bẫy thanh khoản (liquidity trap) là hiện tượng tiền do ngân hàng Trung ương bơm vào hệ thống NHTM không chảy ra được khỏi hệ thống để hạ mặt bằng lãi suất và qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Các tác nhân trong nền kinh tế có xu hướng giữ tiền mặt vì lo sợ giảm phát. Một biểu hiện rõ nét của hiện tượng bẫy thanh khoản ở các nước phát triển trong thời gian vừa qua là các mức lãi suất ngắn hạn bị kéo xuống gần 0%. Và bất chấp lượng tiền cơ sở tăng mạnh, các mức giá cả chung không tăng. |
Vấn đề của Việt Nam chủ yếu lại nằm ở khu vực sản xuất, với đặc trưng là khu vực doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công kém hiệu quả, không tạo ra được hàng hoá có mức giá cạnh tranh. Chi tiêu của người dân trong thời gian vừa qua giảm chủ yếu là do lãi suất cao, khiến người dân có xu hướng gửi tiết kiệm nhiều hơn. Tuy nhiên, khi lãi suất huy động có xu hướng giảm thì tốc độ tiêu dùng đã tăng trở lại. Tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm tháng đầu năm 2012 tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước (tăng 22,5%), nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 6,6% (năm trước tăng 6,4%).
Tiêu dùng của Việt Nam đang trở lại xu hướng tăng cho thấy tiềm năng tiêu dùng của Việt Nam rất lớn. Việt Nam có một thị trường tín dụng đen rộng lớn và tỷ lệ sử dụng tiền mặt cao, khoảng 12 – 13% so với tổng huy động. Ngoài ra, nguồn vàng và USD ngoài hệ thống luôn là một ẩn số. Vì thế, nếu như bị kích thích, tiêu dùng có thể bật tăng mạnh bất cứ lúc nào.
Khi lãi suất tiết kiệm hạ nhanh, sức hút với việc sinh lời từ tiết kiệm không còn, một phần tiền tiết kiệm sẽ nhiều khả năng dành cho các cơ hội chi tiêu khác.
Đặc biệt, các NHTM Việt Nam do khó khăn trong việc đẩy mạnh cho vay vào lĩnh vực sản xuất đang tìm giải pháp ở phía người tiêu dùng, thậm chí còn khuếch đại sức mua mạnh hơn. Có thể thấy rất nhiều các sản phẩm cho vay tiêu dùng đang được thiết kế để thu hút khách hàng. ACB đang triển khai chương trình “Gắn bó dài lâu” dành cho khách hàng cá nhân sử dụng các bó sản phẩm tín dụng “Hỗ trợ an cư trọn gói” hoặc “Hỗ trợ kinh doanh trọn gói”. Eximbank đẩy mạnh hoạt động thẻ tín dụng Master card ngập tràn ưu đãi. Hay VP với sản phẩm thấu chi tiêu dùng…
Với những đặc điểm trên, các biểu hiện của nền kinh tế Việt Nam rõ ràng không phải là một quốc gia rơi vào tình trạng bẫy thanh khoản.
Lạm phát có thể đột ngột quay trở lại
Nếu như các chính sách của Chính phủ trong thời gian tới quay trở lại các chương trình kích thích chi tiêu công thì tiêu dùng chắc chắn sẽ tăng mạnh. Trong bối cảnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế vẫn chưa có tiến triển mà tiêu dùng tăng trở lại, thì lạm phát quay trở lại là điều khó tránh khỏi.
Một nguy cơ khác là do tiêu dùng tăng mạnh trong khi năng suất của nền sản xuất nội địa vẫn chưa được cải thiện, ắt sẽ dẫn đến nhập khẩu tăng. Tỷ giá sẽ bị tác động. Đây là điều mà các nhà làm chính sách cần phải tính đến trong giai đoạn cuối năm 2012 trở đi.
Nguồn: Báo SGTT ngày 11.06.2012