![[Lược khảo Ludwig von Mises] Chương V: Nền kinh tế năng động](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k25001.1_(1).jpg)
[Lược khảo Ludwig von Mises] Chương V: Nền kinh tế năng động
Mises cho rằng những mô hình trong sách giáo khoa mô tả nền kinh tế trong trạng thái cân bằng hoàn hảo, với giá cả được quyết định bởi những lực lượng phi nhân tính, đã tước đoạt tinh thần và sức sống của môn kinh tế học. Cơ sở của môn kinh tế học là hành động con người, mà hành động con người hàm ý sự thay đổi - thay trạng thái này bằng trạng thái khác.1
Thay đổi là thuộc tính không thể gạt bỏ trong kinh tế học
Chúng ta sống trong một thế giới đang đổi thay. Hiện tượng và điều kiện của tự nhiên thay đổi: mùa màng có thể bội thu hay thất bát, nguồn lực mới có thể được phát hiện còn nguồn lực cũ có thể bị cạn kiệt hoặc phung phí hoặc bị hoả hoạn và bão lụt tàn phá. Điều kiện của con người cũng thay đổi: dân số gia tăng hoặc biến chuyển, người trẻ thế chỗ người già, mang đến những tư tưởng mới. Phương pháp sản xuất cũng thay đổi, các quá trình sản xuất mới được phát minh còn các quá trình cũ không được sử dụng nữa.
Một phần là nhờ Mises và những đồng nghiệp của ông trong Trường phái kinh tế học Áo mà, khác với trước đây, các nhà kinh tế học hiện đại đã công nhận tầm quan trọng của sự thay đổi. Nhưng các cuốn sách giáo khoa vẫn chứa đầy các đồ thị, mô hình và phương trình làm cho người ta có cảm tưởng sai lầm rằng nền kinh tế là một cái gì đó tĩnh tại và giậm chân tại chỗ. Ví dụ điển hình của “lí thuyết cân bằng” là ý tưởng cho rằng thị trường sẽ đạt trạng thái cân bằng ở một mức giá nào đó, tức là ở đó số hàng hóa mà người bán muốn cung cấp bằng đúng với số lượng hàng hóa mà người mua muốn mua. Và vì các thị trường có liên quan với nhau - ví dụ như thị trường bột ảnh hưởng đến thị trường bánh mì - cho nên các cuốn sách giáo khoa mới tưởng tượng ra khả năng hình thành trạng thái “cân bằng tổng quát”, trong đó mỗi thị trường đều tiến đến và dừng ở trạng thái cân bằng hoàn hảo nhất.
Nhưng các thị trường không bao giờ nằm yên. Xin hãy nhìn giá cả dao động trên thị trường chứng khoán, Mises nói như thế. Giá cả cứ nhảy lên nhảy xuống chẳng khác gì quả bóng bàn trên đầu vòi phun nước. Một bức ảnh chụp nhanh có thể tạo cảm giác quả bóng đang nằm ở trạng thái hoàn toàn tĩnh, nhưng không phải như thế. Tương tự, một bức ảnh chụp nhanh nền kinh tế - ví dụ như đồ thị trong sách giáo khoa, trong đó các đường cong cung và cầu cắt nhau tại “giá cân bằng" nào đó - tạo cho người ta cảm giác sai lầm về sự ổn định. Mises khẳng định rằng vai trò của nhà kinh tế học không phải là đưa ra những bức ảnh chụp nhanh mà là nhận ra được những lực luôn luôn thay đổi và giữ cho thị trường hoạt động tương tự những lực luôn luôn thay đổi và giữ cho quả bóng bàn nhảy nhót trên không trung vậy.
Ngay cả khi những cuốn sách giáo khoa này có nói về thay đổi thì chúng vẫn làm người ta lầm lạc. Ví dụ như đồ thị kinh điển cho rằng nếu cung và cầu thay đổi thì thị trường sẽ nhảy ngay đến điểm cân bằng mới, với giá cân bằng mới và với số lượng hàng hóa được mua bán khác trước. Nhưng thị trường đơn giản là không hoạt động theo kiểu đó. Chuyển động của thị trường không diễn ra tức thời và cũng chẳng diễn ra một cách êm ả. Trên thực tế, phải sau một thời gian người ta mới nhận ra rằng hàng hóa đang khan hiếm hay dư thừa và mới phản ứng; thông tin của họ có thể không chính xác và phải sau một thời gian thì người ta mới sản xuất và đưa được ra thị trường món hàng cần cung cấp. Tóm lại, không có lí do gì để nghĩ rằng một lúc nào đó có một cái gì đó nằm gần trạng thái cân bằng sẽ giữ thế thượng phong.
Bản chất của thị trường
Như vậy là, thị trường chẳng bao giờ có thể trở thành “hoàn hảo” như mô hình trong các cuốn sách giáo khoa. Người mua và người bán là những người hoàn toàn khác nhau - và là những cá nhân, họ có nhiều động cơ chứ không chỉ đơn giản là tối đa hóa thu nhập về mặt tài chính. Hàng hóa mà họ mang ra trao đổi có chất lượng khác nhau, và thực ra là món hàng duy nhất tại thời điểm và địa điểm mà nó được trao đổi. Thông tin về số lượng hàng hóa và giá cả không được truyền đi một cách đồng đều và ngay lập tức. Công nghệ và sở thích thay đổi. Và, quan trọng nhất là mọi thứ đều cần thời gian.
Không có những cái gọi là “khuyết tật" có thể loại bỏ hoặc cấm đoán: đấy chính là thực tế của thị trường và phải là xuất phát điểm cho những phân tích của chúng ta. Hiện thực này chắc chắn không bao giờ đem đến tình trạng cân bằng tổng quát như người ta tưởng. Nhưng thị trường hoạt động được là bởi có những sự khác biệt để cho người ta khai thác và những nhu cầu chưa được thỏa mãn để người ta đáp ứng. Nếu lúc nào thế giới cũng nằm trong tình trạng cân bằng hoàn hảo thì chẳng ai còn động cơ để làm bất cứ thứ gì và hoạt động kinh tế cũng chấm dứt luôn.
Vì vậy mà mục đích của chính sách không phải là tìm cách làm cho thị trường trở nên hoàn hảo mà là tạo điều kiện cho nó hoạt động một cách hữu hiệu trong khuôn khổ bản chất của chính nó. Và như Mises nhắc nhở, chúng ta không bao giờ được nghĩ rằng một lúc nào đó thị trường có thể hoạt động một cách trơn tru như đường cong trong những mô hình của sách giáo khoa. Thị trường điều chỉnh qua những lựa chọn riêng rẽ của các cá nhân, mỗi người lại có những cách đánh giá riêng và mỗi người đều phải lựa chọn mà không biết người khác lựa chọn như thế nào. Đấy không phải là quá trình mượt mà và có thể dự đoán được, mà là một loạt những cú trồi sụt và không thể nào dự đoán.
Tại sao toán học lại không áp dụng được
Đấy là lí do vì sao các lí thuyết gia về cân bằng chồng chất thêm sai lầm khi họ cố gắng áp dụng toán học vào cái mà họ coi là những sự điều chỉnh mượt mà. Họ đã đưa những con số vào những thứ không hề tồn tại trên thực tế. Cái vỏ toán học đó có thể làm người ta tưởng rằng họ đã phát hiện ra những mối quan hệ mang tính chức năng như các nhà khoa học tự nhiên vẫn thường xử lí nhưng hóa ra đấy không phải là mô tả thế giới hiện thực mà chỉ là trí tưởng tượng của họ mà thôi.
Mises tin rằng dù có bao nhiêu số liệu thống kê cũng không thể nào khắc phục được vấn đề cốt tử là những người khác nhau có những cách đánh giá khác nhau, và phản ứng của một nhóm người đối với những sự kiện của thị trường ngày hôm nay có thể khác với phản ứng của những người khác đối với những sự kiện của thị trường vào ngày mai. Các giá trị đó không thể trở thành đối tượng cho các tính toán toán học, và các số liệu thống kê có thể làm cho ta không nhìn ra những sự kiện quan trọng trong đời sống kinh tế. Đúng là, có thể đưa ra những dự đoán khái quát về các sự kiện kinh tế - ví dụ như nới lỏng tín dụng thì sẽ làm cho nền kinh tế tăng trưởng nóng và sau đó sẽ là một vụ sụp đổ - nhưng chúng ta sẽ không bao giờ dự đoán được nó sẽ bùng ra như thế nào hay chu kì kinh tế sẽ kéo dài bao lâu.
Tiến trình của thị trường
Mises cho rằng nghiên cứu kinh tế là nghiên cứu những lực giữ cho thị trường luôn chuyển động - làm thế nào mà hành động khác nhau của những người khác nhau trên thương trường, mỗi người lại theo đuổi mục tiêu riêng của mình, nhưng khi khớp với nhau lại tạo kết quả như ta thấy. Nói cách khác, kinh tế học phải nghiên cứu quá trình thị trường khiến những người tham gia thị trường phải điều chỉnh hành động cho phù hợp với các sự kiện, trong đó bao gồm cả hành động của những người khác.
Ý tưởng cho rằng thị trường là quá trình thay đổi liên tục mâu thuẫn với khái niệm về sự cần bằng bền vững, vĩnh cửu của sách giáo khoa. Có thể có những lực có xu hướng giữ cho mọi thứ nằm trong tình trạng cân bằng, tương tự lực vạn vật hấp dẫn và áp suất của dòng nước giữ cho quả bóng bàn lơ lửng trong không khí: ví dụ khi xảy ra khan hiếm thì giá có thể lên, người tiêu dùng cắt bớt nhu cầu và người bán thì cung cấp thêm cho đến khi không còn khoảng cách giữa cung và cầu nữa. Nhưng sự tồn tại các lực như thế không có nghĩa là một lúc nào đó sẽ đạt được tình trạng cân bằng hoàn hảo và lâu dài. Thế giới luôn thay đổi, con người thay đổi, sản phẩm và quá trình sản xuất cũng thay đổi. Trên thực tế, thị trường không bao giờ đứng yên, không bao giờ bất biến.
Ý nghĩa then chốt của thời gian
Sách giáo khoa ít khi nhắc đến thời gian, nhưng thời gian là thành phần tối quan trọng của thị trường. Tiếp tục tư tưởng của Eugen von Bohm- Bawerk, một trong những vị tiền bối của Trường phái Áo, Mises chỉ ra rằng mọi hành động đều cần thời gian. Những sự kiện xảy ra trong khi người ta hành động có thể làm người ta thay đổi hành động và cũng có thể ngăn không cho người ta hành động nữa. Trong khi người ta nhận ra và điều chỉnh cho phù hợp với những thay đổi của thị trường thì các sự kiện lại có thể thay đổi. Ví dụ phải mất mấy tháng hay mấy năm mới xây dựng được một nhà máy mới; nhưng trong thời gian đó người tiêu dùng có thể đã quay lưng với sản phẩm của nhà máy đó rồi hoặc một quá trình sản xuất mang tính cách mạng nào đó sản xuất ra nhiều sản phẩm hơn trước làm cho nhà máy mới trở thành thừa.
Mises kết luận rằng khái niệm về sự điều chỉnh mượt mà và tức thời nhằm đạt được cân bằng trong sách giáo khoa đã ngăn không cho chúng ta nhận thức được tầm quan trọng sống còn của thời gian trong tiến trình của thị trường. Nó còn ngăn không cho chúng ta nhận thức được tính bất định, vốn là hiện tượng giữ thế thượng phong trong đời sống kinh tế. Trong các cuốn sách giáo khoa, mọi sự, mọi vật đều rõ ràng và chắc chắn, còn thị trường thì hướng về điểm cân bằng có thể dự đoán được. Trên thực tế, kết quả của những hành động của chúng ta là điều không thể chắc chắn. Một số kế hoạch sẽ thành công trong khi những sự kiện không lường trước được có thể phá hỏng những kế hoạch khác. Chúng ta không thể nào biết một cách chắc chắn rằng sẽ gặp những tình huống nào. Mọi hành động của chúng ta đều mang tính suy đoán - hành động dựa trên dự đoán về tương lai, có thể đúng mà cũng có thể không. Đây là điểm khiến cho các mô hình trong sách giáo khoa trở thành sai, nó cũng cho thấy vai trò của hoạt động đầu cơ và khởi lập nghiệp là những thành tố cực kì quan trọng của môn kinh tế học về thế giới thực.
Chú thích:
(1) Muốn tìm hiểu một cách hệ thống luận cứ này, xin đọc Human Action
Nguồn: Eamonn Butler (2014). Lược khảo Ludwig von Mises. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: Ludwig Von Mises―A Primer (2014). (lưu ý: bản đăng trên thitruongtudo.vn đã được Đinh Tuấn Minh hiệu đính).