Tính toán xã hội chủ nghĩa I: Bản chất và lịch sử của vấn đề (Phần 1/5)
1
Cuối cùng, có lí do để tin rằng, chúng ta cũng bước vào thời đại thảo luận dựa trên lí lẽ về điều từ lâu đã được mặc nhiên thừa nhận, đó là sự tái xây dựng xã hội theo các hướng duy lí. Trong hơn nửa thế kỷ qua, người ta tin rằng việc tổ chức tất cả các vấn đề xã hội theo cách có chủ ý chắc chắn thành công hơn là để cho sự tương tác có vẻ như ngẫu nhiên giữa các cá nhân độc lập; niềm tin này đã liên tục giành được chỗ đứng tới mức mà ngày nay hầu như không có một nhóm chính trị nào ở bất cứ đâu trên thế giới lại không muốn sự chỉ đạo tập trung cho hầu hết các hoạt động của con người nhằm phục vụ mục đích này hay mục đích khác. Có vẻ như rất dễ để cải tiến các thể chế của một xã hội tự do vốn ngày càng được coi là kết quả của sự ngẫu nhiên đơn thuần, là sản phẩm của một sự phát triển có tính đặc thù về mặt lịch sử, mà hoàn toàn có thể đi theo một ngã rẽ khác. Lập lại trật tự cho sự hỗn loạn như vậy, áp dụng lí trí vào việc tổ chức xã hội, và định hình nó một cách có chủ ý đến từng chi tiết theo những mong muốn của con người và theo các ý tưởng về công bằng, tất cả dường như là định hướng hành động duy nhất xứng đáng với một sinh vật duy lí.
Nhưng hiện tại, rõ ràng là - điều mà có lẽ tất cả các bên đều thừa nhận - trong hầu hết quãng thời gian mà niềm tin này gia tăng, những vấn đề nghiêm trọng nhất của công cuộc tái xây dựng này vẫn chưa hề được nhận biết, lời giải đáp cho chúng thì lại càng không. Trong nhiều năm, thảo luận về chủ nghĩa xã hội - và trong phần lớn giai đoạn này, chủ nghĩa xã hội chính là cội nguồn tư tưởng của phong trào này - hầu như tập trung hoàn toàn vào các vấn đề đạo đức và tâm lí. Một mặt, có một câu hỏi chung là liệu công bằng có đòi hỏi phải tái tổ chức xã hội theo hướng xã hội chủ nghĩa hay không, và những nguyên tắc phân phối thu nhập nào được coi là công bằng. Mặt khác, người ta đặt ra nghi vấn là liệu có thể đặt niềm tin vào con người nói chung, rằng anh ta có những phẩm chất đạo đức và tâm lí mà có vẻ được xem như là thiết yếu để một hệ thống xã hội chủ nghĩa đi vào hoạt động. Mặc dù câu hỏi thứ hai nêu lên những trở ngại thực tế, nhưng nó không thực sự chạm vào cốt lõi của vấn đề. Cái mà người ta nghi vấn chỉ là các cơ quan chính quyền của một nhà nước mới liệu có khả năng khiến người dân thực thi những kế hoạch của họ một cách chuẩn xác hay không. Tức là người ta mới chỉ nghi vấn về khả năng thực tế của việc thực thi các kế hoạch, chứ không phải liệu kế hoạch, ngay cả trong điều kiện lí tưởng khi mà những trở ngại này không tồn tại, có đạt được mục đích mong muốn hay không. Do đó, vấn đề dường như chỉ là vấn đề về tâm lí hay giáo dục, từ "chỉ" hàm ý rằng chắc chắn người ta sẽ vượt qua được những trở ngại này sau những khó khăn ban đầu.
Nếu điều này là đúng, thì các nhà kinh tế học sẽ chẳng còn gì để bàn về tính khả thi của những đề xuất như vậy, và ngay cả khả năng có bất kỳ cuộc thảo luận khoa học nào về giá trị đích thực của chúng cũng không chắc chắn. Đối với các vấn đề về đạo đức, hay đúng hơn, về sự đánh giá mang tính cá nhân đối với các giá trị, thì tùy vào mỗi người mà có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng không có chỗ cho các lập luận duy lí. Một số vấn đề có thể để lại cho các nhà tâm lí học giải quyết, nếu anh ta thực sự có các phương pháp để tuyên bố rằng con người sẽ như thế nào khi ở những hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau. Ngoài điều này ra, không nhà khoa học nào, và cũng chẳng có nhà kinh tế học nào, có bất cứ điều gì để nói về các vấn đề của chủ nghĩa xã hội. Nhiều người vẫn nghĩ rằng đề án này là khả thi, và đó là những người tin rằng kiến thức của các nhà kinh tế học chỉ có thể áp dụng cho các vấn đề của xã hội tư bản (tức là, các vấn đề nảy sinh từ những thể chế đặc thù của xã hội loài người mà sẽ biến mất trong một thế giới được tổ chức theo những cách khác).
2
Liệu niềm tin phổ biến này có dựa trên một xác tín rõ ràng, rằng không tồn tại các vấn đề kinh tế trong thế giới xã hội chủ nghĩa, hay liệu nó chỉ đơn thuần chứng tỏ rằng những ai giữ niềm tin đó không hề biết các vấn đề kinh tế là gì. Chúng ta luôn không chắc ý nào đúng, nhưng có lẽ thường là ý sau. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên cả. Những vấn đề kinh tế lớn mà nhà kinh tế học nhìn thấy, và cho rằng cũng sẽ phải giải quyết trong một xã hội tập thể, không phải là những vấn đề mà hiện nay được ai đó chú tâm giải quyết theo nghĩa giống như các vấn đề kinh tế của một hộ gia đình được giải quyết. Trong một xã hội cạnh tranh đơn thuần, không ai bận tâm về bất kì điều gì khác ngoài các vấn đề kinh tế của riêng mình. Vì thế, không có lí do gì khiến cho những người khác phải biết đến sự tồn tại của các vấn đề kinh tế theo nghĩa của thuật ngữ mà các nhà kinh tế học sử dụng. Nhưng việc phân phối các nguồn lực sẵn có giữa những cách sử dụng khác nhau, vốn là một vấn đề kinh tế, là một vấn đề đối với xã hội không kém so với đối với cá nhân, và mặc dù sự quyết định không được thực hiện một cách có chủ ý bởi bất cứ ai, song cơ chế cạnh tranh tự mang đến một số dạng giải pháp.
Không còn nghi ngờ gì nữa, mọi người sẵn sàng thừa nhận sự tồn tại của một vấn đề như vậy khi người ta hiểu nó theo cách khái quát này. Nhưng ít người nhận ra rằng nó khác biệt một cách cơ bản so với các vấn đề kỹ thuật (engineering), không chỉ về độ khó mà còn về đặc điểm. Mối bận tâm ngày càng tăng của thế giới hiện đại với các vấn đề mang đặc điểm kỹ thuật có xu hướng che mắt người ta khỏi những đặc điểm hoàn toàn khác của vấn đề kinh tế, và mối bận tâm này có lẽ là nguyên nhân chính giải thích tại sao người ta càng ngày càng ít hiểu được bản chất của vấn đề kia. Đồng thời, hằng ngày các thuật ngữ được sử dụng để thảo luận bất kể loại vấn đề nào cũng làm gia tăng sự nhầm lẫn. Cụm từ quen thuộc “cố gắng để đạt được những kết quả tốt nhất từ các phương tiện sẵn có" bao hàm cả hai loại vấn đề. Nhà luyện kim tìm kiếm một phương pháp cho phép anh ta chiết xuất một lượng kim loại lớn nhất từ một khối lượng quặng nhất định, người kỹ sư quân sự cố gắng xây dựng một cây cầu với số lượng nhân lực nhất định trong thời gian ngắn nhất, người làm kính nỗ lực lắp đặt một chiếc kính thiên văn cho phép nhà thiên văn học nhìn thấu vào những ngôi sao xa hơn nữa - tất cả họ chỉ quan tâm đến các vấn đề kỹ thuật. Đặc điểm chung của các vấn đề này được xác định bởi tính đơn nhất của mục đích của chúng trong mọi trường hợp, cái mục đích có bản chất hoàn toàn được xác định để hướng các phương tiện sẵn có tới đó. Nếu như phương tiện sẵn có cho một mục đích nhất định là một lượng tiền cố định được chi cho các yếu tố sản xuất với những mức giá cụ thể, thì điều này cũng không thay đổi đặc tính cơ bản của vấn đề. Từ quan điểm này, các kỹ sư công nghiệp, người quyết định phương pháp sản xuất tốt nhất cho một hàng hóa cụ thể dựa vào những mức giá cụ thể, chỉ quan tâm tới các vấn đề kỹ thuật, mặc dù anh ta có thể tuyên bố về những nỗ lực của anh ta trong việc tìm kiếm phương pháp kinh tế nhất. Nhưng yếu tố duy nhất khiến cho quyết định của anh ta thể hiện trong thực tế như là một quyết định kinh tế lại không phải là bất cứ một phần nào trong tính toán của anh ta, mà là từ thực tế là anh ta sử dụng các mức giá cả mà anh ta tìm thấy trên thị trường để làm cơ sở cho những tính toán này.
Những vấn đề mà người chỉ huy đối với tất cả các hoạt động kinh tế của một cộng đồng phải đối mặt sẽ tương tự những vấn đề mà người kỹ sư phải giải quyết với điều kiện là thứ tự về tầm quan trọng của các nhu cầu khác nhau của cộng đồng được cố định trong một khung xác định và không đổi để sao cho nguồn cung ứng một cái gì đó luôn được chu cấp đầy đủ bất kể chi phí như thế nào. Nếu trước tiên anh ta có thể quyết định lựa chọn cách tốt nhất để cung ứng đủ thực phẩm, vì đó là nhu cầu quan trọng nhất, như thể đó là nhu cầu duy nhất, và sẽ chỉ nghĩ về việc cung ứng quần áo sau khi nhu cầu về thực phẩm được đáp ứng đầy đủ và vẫn còn sót lại một số phương tiện, thì khi đó sẽ không có vấn đề kinh tế nào, vì trong trường hợp như vậy sẽ không có thứ gì bị sót lại, ngoại trừ những gì không thể sử dụng được cho mục đích đầu tiên, hoặc bởi chúng không thể chuyển đổi được thành thực phẩm hoặc bởi nhu cầu thực phẩm đã đủ. Tiêu chí đơn giản chỉ là liệu công suất tối đa khả dụng để sản xuất thực phẩm đã đạt được hay chưa, hay phải chăng việc áp dụng các phương pháp khác sẽ không mang lại một sản lượng lớn hơn. Nhưng nhiệm vụ sẽ không còn đơn thuần mang tính kỹ thuật và sẽ mang một bản chất hoàn toàn khác nếu ta đòi hỏi phải để lại nhiều nguồn lực nhất có thể cho các mục đích khác. Khi đó sẽ nảy sinh câu hỏi: đâu là những nguồn lực phải để lại lượng lớn hơn. Nếu một người kỹ sư đề xuất một phương pháp sao cho có rất nhiều đất đai nhưng rất ít lao động được để lại cho mục đích khác, trong khi một phương pháp khác sẽ để lại nhiều lao động và ít đất đai, thì làm thế nào để xác định đâu là nguồn lực phải để lại số lượng lớn hơn khi không có bất cứ một tiêu chuẩn giá trị nào. Nếu chỉ có một yếu tố sản xuất, điều này có thể được quyết định trên cơ sở kỹ thuật đơn thuần mà không gây tranh cãi gì cả, vì vấn đề chính trong mỗi dây chuyền sản xuất sẽ được quy giản về bài toán làm sao để đạt được sản lượng sản phẩm tối đa từ bất cứ lượng nhất định nào của cùng loại nguồn lực. Trong trường hợp này, vấn đề kinh tế còn lại về việc sản xuất bao nhiêu trong mỗi dây chuyền sẽ chỉ còn là bài toán có bản chất rất đơn giản và hầu như không tốn công sức để giải. Tuy nhiên, ngay khi xuất hiện hai hoặc nhiều yếu tố (sản xuất) hơn, thì khả năng này không tồn tại.
Do đó các vấn đề kinh tế phát sinh ngay khi xuất hiện sự cạnh tranh lẫn nhau giữa những mục đích khác nhau để giành các nguồn lực sẵn có. Tiêu chí cho việc lựa chọn một mục đích nào đó là phải xem xét các chi phí liên quan. Chi phí ở đây, cũng như ở bất cứ nơi đâu, mang nghĩa không gì khác hơn là những lợi ích có được từ việc sử dụng những nguồn lực có sẵn cho các mục đích khác. Dù điều này chỉ đơn giản là việc sử dụng một phần thời gian của ngày làm việc khả hữu để thư giãn giải trí, hay việc sử dụng các nguồn nguyên liệu vào trong một dây chuyền sản xuất khác, thì cũng không có mấy khác biệt. Rõ ràng là người ta phải đưa ra các quyết định dạng này trong bất kỳ loại hệ thống kinh tế mà ta có thể hình dung nào, bất cứ nơi nào người ta cũng đều phải lựa chọn giữa những cách sử dụng khác nhau cho các nguồn lực có sẵn. Nhưng chúng ta không thể ra các quyết định một cách dứt khoát giữa hai phương án sử dụng khác nhau, vốn khả dĩ như trong ví dụ trước. Ngay cả khi người chỉ huy của hệ thống kinh tế hoàn toàn nhận thức rõ ràng rằng thực phẩm của người này luôn quan trọng hơn quần áo của người khác, thì điều đó không nhất thiết hàm ý rằng nó cũng quan trọng hơn quần áo của hai hay mười người khác. Vấn đề trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta nhìn vào những mong muốn ít thiết yếu hơn. Chắc hẳn là, dù nhu cầu có thêm một bác sĩ lớn hơn nhu cầu có thêm một giáo viên, nhưng trong điều kiện chi phí đào tạo một bác sĩ gấp ba lần chi phí đào tạo một giáo viên, thì việc có thêm ba giáo viên có vẻ đáng được mong muốn hơn có thêm một bác sĩ.
Như đã nói từ trước, trong bối cảnh thế giới hiện tại, những vấn đề kinh tế như vậy không thể giải quyết được bởi quyết định có chủ ý của bất cứ ai, và thực tế này khiến cho mọi người không ý thức được sự tồn tại của các vấn đề như vậy. Những quyết định như có sản xuất hay không và sản xuất bao nhiêu là các quyết định kinh tế theo nghĩa này. Nhưng việc ra một quyết định kiểu như vậy bởi một cá nhân đơn lẻ chỉ là một phần của giải pháp đối với các vấn đề kinh tế có liên quan. Một người ra quyết định như vậy dựa trên các mức giá cho sẵn. Thông qua quyết định này, anh ta tác động đến các mức giá cả này ở một mức độ nhất định, có thể là rất nhỏ, nhưng điều này không hề ảnh hưởng đến lựa chọn của anh ta. Phần còn lại của vấn đề được giải quyết bằng sự vận hành của hệ thống giá cả. Nhưng chỉ với một nghiên cứu có hệ thống về sự vận hành của hệ thống này thì mới khám phá được cách giải quyết. Đã có gợi ý rằng, để hệ thống này vận hành, thì không nhất thiết mọi người đều phải hiểu nó. Nhưng người ta thường có khuynh hướng không để mặc nó vận hành khi họ không hiểu nó.
Về khía cạnh này, các đánh giá đại chúng về những phẩm chất tương đối của giới nghiên cứu kinh tế học và giới kĩ sư đã được phản ánh đúng trong thực tế. Chắc chắn không quá khi nói rằng đối với hầu hết mọi người, kỹ sư là người thực sự làm việc, còn nhà kinh tế học chỉ là một cá nhân đáng ghét ngồi tựa lưng trên ghế bành và đi giải thích tại sao những nỗ lực có chủ ý tốt của người kỹ sư lại không thể thành công. Theo một nghĩa nào đó, điều này không hẳn là không đúng. Nhưng thật vô ý khi cho rằng không cần phải để tâm đến các lực lượng mà nhà kinh tế học nghiên cứu song người kỹ sư có xu hướng bỏ qua, vì cho rằng chúng không quan trọng. Cần phải có chuyên môn đào tạo đặc biệt của những nhà kinh tế học để thấy rằng chính các lực lượng tự phát, vốn ngăn cản những tham vọng của giới kĩ sư, lại tạo ra giải pháp cho một vấn đề mà nếu không có chúng thì sẽ phải được giải quyết bằng quyết định có chủ ý.
(còn nữa)
Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 7, NXB Tri thức, 2016