Sự thất bại của nền giáo dục công lập qua một đồ thị
Chi tiêu cho trường công đã trở thành một thất bại đắt giá
Mặc dù tôi rất thích một số hình minh họa tôi làm được trong các năm qua (đặc biệt là đồ thị “hai chiếc xe thồ” và “thu hoạch táo”), nhưng tôi phải thú nhận rằng không có hình minh hoạ nào của tôi được rõ ràng và thuyết phục như biểu đồ mẫu mực của Andrew Coulson về chi tiêu và kết quả của giáo dục.
Xu hướng phát triển của các trường công ở Mỹ từ 1970. Đồ thị màu xanh dương chỉ chi phí tổng thể, màu hồng chỉ số lượng người làm.
Tôi không thể tưởng tượng được liệu có ai khi nhìn vào biểu đồ này mà không lập tức nhận ra rằng bạn sẽ không có kết quả tốt hơn bằng cách đổ nhiều tiền hơn vào nền giáo dục độc quyền nhà nước.
Tuy vậy, giới vận động hành lang ngành giáo dục vẫn hành động như thể không cần biết tới các bằng chứng. Ở cấp quốc gia, cấp bang và cấp địa phương, vẫn là những tiếng kèn trống y chang: Nếu yêu thương bọn trẻ thì hãy nộp nhiều tiền hơn cho chúng tôi.
Vậy nên chúng ta hãy dựa vào biểu đồ của Coulson để thấy rằng tại sao các công đoàn giáo viên và các nhóm lợi ích khác đã sai.
Gerard Robinson của Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (American Enterprise Institute) và Giáo sư Benjamin Scafidi từ Đại học Kennesaw State đã phân tích kỹ vấn đề này như sau.
... Giáo dục có tầm quan trọng với nền kinh tế và phúc lợi xã hội của nước ta, đó là lý do tại sao nó là khoản mục đứng đầu trong ngân sách của 41 bang... Các trường học cần thêm ngân sách để hỗ trợ những học sinh gặp khó khăn, hoặc theo suy nghĩ lâu năm của các nhà cải cách giáo dục truyền thống, họ tin rằng việc thiếu các nguồn lực như giáo viên, cố vấn, lao công, công nghệ, sách vở, đồ dùng học tập - chính là vấn đề… ... Khi soi xét lại quá trình thực hiện tại các trường học có kết quả thấp dựa theo cách ứng phó truyền thống của các nhà cải cách giáo dục– tức là chỉ rót thêm nhiều tiền hơn cho các trường đó – chúng ta sẽ thấy rất rằng cách tiếp cận này là một thất bại đắt giá. |
Và các tác giả đã không hề phóng đại khi nói rằng đó là một “thất bại đắt giá”.
Từ Thế chiến thứ 2, chi tiêu trên mỗi học sinh sau điều chỉnh lạm phát tại các trường công Mỹ đã tăng tới 663%. Tất cả số tiền đó đã đi đâu? Một phần là để thuê thêm nhân sự. Từ 1950 đến 2009, số lượng học sinh tại các trường công tại Mỹ đã tăng 96%. Trong cùng khoảng thời gian đó, số lao động tại các trường công tăng 386% - gấp 4 lần mức tăng học sinh. Số giáo viên tăng 252%, gấp hơn 2,5 lần mức tăng số học sinh. Số lượng ban giám hiệu và các nhân viên khác tăng hơn 7 lần mức tăng số học sinh. ... Sự lạm phát nhân viên này vẫn còn tiếp diễn đến nay. Từ 1992 đến 2014 – năm có dữ liệu mới nhất- các trường công tại Mỹ có số học sinh tăng 19% và số nhân viên tăng 36%. Sự gia tăng nhân sự kéo dài hàng thập kỷ tại các trường công của Mỹ đã gây tốn kém khủng khiếp cho những người nộp thuế, dù không hề tạo ra những thay đổi đáng kể trong thành tích của học sinh. Ví dụ như mức điểm toàn quốc môn toán của học sinh 17 tuổi tại các trường công không thay đổi (và mức điểm toàn quốc của môn đọc giảm nhẹ) kể từ năm 1992. |
Bên cạnh đó, thất bại của các trường công ảnh hưởng tới mọi người không giống nhau.
Các bậc phụ huynh có điều kiện kinh tế (như các chính trị gia nổi danh) có thể gửi con cái tới các trường tư hoặc di cư tới nơi mà các trường công vẫn còn chất lượng.
Nhưng với các hộ gia đình có thu nhập thấp, lựa chọn là rất hạn chế. Thiểu số phải chịu thiệt thòi một cách không cân xứng như Juan Williams đã giải thích trên tờ Wall Street Journal:
40% người Mỹ da trắng ở độ tuổi 25-29 có bằng cử nhân trong năm 2013, trong khi chỉ có 15% người gốc Latinh và 20% người Mỹ da đen đạt được điều đó. ... Gốc rễ của vấn đề này đơn giản là hàng triệu học sinh da đen hay có gốc Latinh ở các trường học tại Mỹ không được dạy đọc đủ tốt để thăng tiến trong học tập. ... theo một báo cáo tháng ba của Child Trend, dựa theo số liệu năm 2015 trong Báo cáo đánh giá quốc gia về tiến bộ giáo dục (NAEP), chỉ 21% học sinh lớp 4 gốc La-Tinh được coi là đọc “thông thạo”. Đây quả là một tin xấu. Trình độ đọc của học sinh lớp 4 là một chỉ số quan trọng để đánh giá liệu học sinh đó có thể tốt nghiệp cấp 3 hay không. Tình hình còn tồi tệ hơn với người Mỹ gốc Phi, chỉ 18% được coi là đọc “thành thạo” ở lớp 4. |
Tuy nhiên Juan chỉ ra rằng vấn đề không giới hạn ở các cộng đồng thiểu số. Hoa Kỳ còn có một vấn đề giáo dục ở cấp quốc gia.
Vấn đề không chỉ giới hạn ở các học sinh thiểu số. Vào năm 2015, chỉ 46% học sinh da trắng lớp 4 và 35% học sinh lớp 4 nói chung được đánh giá là có thể đọc “thông thạo”. Nhìn chung, học sinh Mỹ thua kém học sinh nước ngoài. Theo Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế gần đây nhất (một loạt các bài kiểm tra toán, khoa học và đọc dành cho học sinh 15 tuổi trên khắp thế giới), Hoa Kỳ đứng thứ 17 trong số 34 quốc gia của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về môn đọc. Đây là một tin đáng lo ngại, đặc biệt khi ta biết rằng Mỹ chi cho giáo dục- tính theo đầu học sinh nhiều hơn bất kì quốc gia nào. |
Dưới đây là bảng minh hoạ cho lập luận của Juan. Dù không đơn giản như biểu đồ của Andrew Coulson, nhưng nếu ta nhìn vào các con số này, thật khó mà có thể có nhận định nào khác với kết luận chúng ta đã chi tiêu quá nhiều nhưng kết quả nhận lại quá xoàng.
Chỉ số PISA trung bình năm 2015.
Juan kết luận phân tích của mình với đề xuất cải cách hướng tới sự đa dạng, đổi mới và cạnh tranh.
Hy vọng tốt nhất cho những học sinh gốc Latinh và học sinh da đen đã bị tụt hậu ngay từ khi còn nhỏ là mọi tiểu bang phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tất cả học sinh điểm kém và hỗ trợ những học sinh này ngay lập tức, bất kể tỷ lệ nghèo của học sinh thiểu số ở các bang đó. Điều này có nghĩa là cần phải hành động giống như trong tình trạng khẩn cấp khi giải cứu việc học của trẻ. Cụ thể hơn, việc này yêu cầu các thành phố và tiểu bang cần bỏ qua bất kỳ quy tắc công đoàn nào bảo vệ những trường học kém hiệu quả và các giáo viên yếu kém. Hành động khẩn cấp cũng bao hàm việc gia tăng lựa chọn cho các phụ huynh, từ các trường năng khiếu cho đến trường bán công. Tăng cường cạnh tranh giữa các loại trường là cần thiết để giảm bớt sự tự mãn thái quá dù chỉ có vài chỉ số tích cực. Giáo dục hệ 12 năm tại Mỹ rõ ràng đang gặp vấn đề, đặc biệt với nhóm trẻ em thiểu số, và sự thờ ơ kéo dài hiện nay là một scandal. |
Tác giả đã đúng, nhưng tác giả nên dành sự chỉ trích cho những người bạn và đồng nghiệp cánh tả. Họ (gồm cả NAACP - Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu), là những người “đứng chặn cửa trường trong sự kiện ai cũng biết"[1] và đang ngăn chặn các cải cách giáo dục đúng đắn.
Nguồn: Corey DeAngelis,The Failure of Public Schooling in One Chart, Foundation for Economic Education, 21/12/2016
Chú thích:
(1) Ý nói đến sự kiện Chặn cửa trường tại Đại học Alabama vào tháng 6 năm 1963, khi thị trưởng George Wallace đã chặn cửa không cho hai sinh viên da màu nhập học vào trường.