[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương cuối: Tương lai của chủ nghĩa tự do cá nhân (Phần 2)
Thời đại thông tin
Một lý do quan trọng làm cho tương lai thuộc về chủ nghĩa tự do cá nhân là sự xuất hiện của thời đại thông tin. Thông tin đang ngày càng rẻ hơn và do đó, được phổ biến rộng rãi hơn; vấn đề của chúng ta không phải là khan hiếm mà là ngày càng dư thừa thông tin hơn. Thời đại thông tin là tin xấu cho bộ máy quản lý quan liêu tập quyền. Thứ nhất, khi thông tin trở thành rẻ hơn và truyền bá rộng rãi hơn, người ta sẽ ít cần đến quyết định của các chuyên gia và chính quyền. Điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ không tham khảo ý kiến các chuyên gia - trong thế giới phức tạp, không ai trong chúng ta có thể biết tất cả mọi thứ - nhưng điều đó có nghĩa là chúng ta có thể lựa chọn các chuyên gia của chính mình và tự mình đưa ra quyết định. Chính phủ các nước sẽ khó bịt tai, bịt mắt công dân của mình trước những vấn đề của thế giới và trước những hành động phi pháp của chính phủ. Thứ hai, khi thông tin và thương mại diễn ra nhanh chóng hơn, những chính phủ chậm chạp sẽ ngày càng khó bắt kịp hơn. Tác dụng chính của những quy định về truyền thông và dịch vụ tài chính là làm giảm tốc độ của thay đổi và giữ không cho người tiêu dùng nhận được toàn bộ lợi ích mà các công ty đang tìm cách cung cấp cho chúng ta. Thứ ba, dễ dàng giữ các bí mật cá nhân hơn. Chính phủ sẽ tìm cách ngăn chặn công nghệ mã hóa thông tin và đòi hỏi mỗi máy tính đều phải có chìa khóa (Clipper Chip), nhưng những nỗ lực như thế sẽ thất bại. Chính phủ sẽ ngày càng khó nhúng mũi vào đời sống kinh tế của người dân. Cuối cùng, như doanh nhân Bill Frezza nói: “không thể đưa lực lượng cưỡng chế lên mạng”. Khi những đơn vị của bộ nhớ máy tính trở thành có giá trị hơn các mỏ than và nhà máy thì các chính phủ sẽ khó kiểm soát hơn.
Một số người lo lắng rằng chi phí cho máy tính và truy cập Internet sẽ tạo ra một sự phân chia mới giữa người giàu và người nghèo, nhưng trên thực tế, một máy tính được sử dụng một cách phù hợp và truy cập Internet trong một năm có thể cũng chỉ có chi phí bằng đặt mua thường xuyên tờ New York Times mà thôi – và chưa thấy ai lo lắng về báo cho người nghèo. Dù sao mặc lòng, chi phí cho máy tính đang giảm và sẽ còn tiếp tục giảm, tương tự như điện thoại và TV, tức là những thứ đã từng là những món đồ chơi của người giàu. Giữa năm 1996, các doanh nhân đã cung cấp e-mail miễn phí cho bất kỳ khách hàng nào chấp nhận có quảng cáo trên màn hình máy tính. Sẽ không còn người giàu và người nghèo, Louis Rossetto, biên tập viên trang Wired – kinh thánh của chủ nghĩa tự do cá nhân trong thời đại thông tin – nói: “Tốt hơn nên nghĩ về người giàu và người sẽ giàu. Và có thể người giàu đang ở trong những hoàn cảnh thực sự khó khăn, vì họ là những con chuột thí nghiệm của công nghệ mới, họ phải trả những khoản tiền rất lớn cho những thứ mà chỉ vài năm sau sẽ trở thành phổ biến với giá chỉ bằng một phần nhỏ giá ban đầu”. Tìm cách buộc các công ty cung cấp công nghệ của họ cho tất cả mọi người cùng một lúc hay với giá thấp hơn giá thị trường sẽ đơn giản là làm giảm động cơ của các doanh nhân trong việc làm ra sản phẩm mới và do đó làm chậm tốc độ thay đổi.
Giá trị của những sản phẩm do đầu óc của chúng ta nghĩ ra càng được đưa vào các đơn vị của bộ nhớ của máy tình thì những nguồn tài nguyên thiên nhiên truyền thống sẽ càng trở nên ít giá trị hơn. Để tạo ra của cải, cơ cấu của các thiết chế và vốn con người sẽ trở nên quan trọng hơn hẳn so với dầu mỏ hoặc quặng sắt. Khi con người và của cải dễ dàng vượt qua biên giới hơn, thì nhà nước sẽ khó điều tiết nguồn vốn và tinh thần kinh doanh hơn. Các nước sẽ thịnh vượng bằng cách giảm thuế và giảm các quy định nhằm giữ nhà sáng chế và các nhà đầu tư trong nước và thu hút các nhà sáng chế và các nhà đầu tư từ nước ngoài.
Một số nhà tiên tri của thời đại thông tin đã thổi phồng sự khác biệt của nó với thời đại công nghiệp. Nhiều nước trong số 17 nước giàu có nhất trong thế kỷ XX - Hà Lan, Thụy Sĩ, Anh, Nhật Bản, Singapore – là những nước đặc biệt khan hiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Họ trở thành giàu có bằng con đường cũ - thực ra là mới, bằng con đường phát triển tư bản chủ nghĩa – chế độ pháp quyền, tự do kinh tế, tích cực làm việc và dân chúng có trình độ.
Tuy nhiên, trong nền kinh tế cởi mở hơn, khuyến khích người dân tham gia nhiều hơn – do không gian mạng tạo ra – tầm quan trọng của thị trường tự do và nỗ lực cá nhân sẽ còn gia tăng hơn nữa. Peter Pitsch của Viện Hudson (Hudson Institute) viết: “Hayek và Schumpeter là những nhà tiên tri của Thời đại Đổi mới”, ông ta gọi nền kinh tế mới như thế. Trong thời đại của những cơ hội vô cùng to lớn và thay đổi cực kỳ nhanh chóng như hiện nay, phân tích của Hayek về trật tự tự phát và những mối nguy hiểm to lớn do cưỡng chế gây ra, cũng như cơ chế hoạt động phức tạp của lực lượng cưỡng chế càng tỏ ra phù hợp hơn bao giờ hết. Và các doanh nhân đã cay đắng nhận ra và còn tiếp tục nhận ra rằng quan điểm của Schumpeter về “hủy diệt sáng tạo là bản chất của chủ nghĩa tư bản” càng đúng đắn hơn bao giờ hết. Việc máy tính cá nhân đã thay thế máy tính lớn, làm cho IBM mất 70% giá trị thị trường trong vòng có năm năm, là ví dụ ấn tượng về hủy diệt sáng tạo. Liệu máy tính cá nhân có bị mạng Iternet thay thế hay không? Vị trí của Microsoft có bị rung chuyển như IBM đã từng bị hay không? Nếu có thể, Hayek và Schumpeter sẽ nói với chúng ta: Không ai biết.
Người ta thường khó nhìn thấy trật tự trong thị trường dường như hỗn loạn. Ngay cả khi hệ thống giá cả liên tục đưa các nguồn lực đến nơi chúng được sử dụng một cách tốt nhất, thì mới nhìn, thị trường dường như là hoàn toàn trái ngược với trật tự - các doanh nghiệp đổ vỡ, người dân mất việc làm, mức độ thịnh vượng của mỗi người không giống nhau, các khoản tiền đầu tư bị mất trắng. Thời đại Cách tân nhanh chóng hiện nay dường như thậm chí còn hỗn loạn hơn, những doanh nghiệp lớn ngoi lên và sụp đổ nhanh hơn bao giờ hết, và chẳng mấy người có công ăn việc làm ổn định. Nhưng hiệu quả cao của ngành giao thông vận tải, của thông tin liên lạc và thị trường vốn, trên thực tế, sẽ có nghĩa là sẽ có nhiều trật tự hơn so với trật tự mà thị trường đã làm được trong thời đại công nghiệp. Vấn đề là không sử dụng lực lượng cưỡng chế của chính phủ nhằm “là phẳng những sự quá lạm” và “hướng” thị trường vào kết quả theo ý của một người nào đó. Hãy để thị trường hoạt động - để cho hàng tỷ người tìm kiếm hạnh phúc theo cách của họ - lần xuất bản thứ hai của cuốn sách này có lẽ sẽ được thực hiện bằng công nghệ mà năm 1997 chẳng ai dám nghĩ tới.
Khuôn khổ cho chế độ không tưởng
Rất nhiều phong trào chính trị đã hứa mang lại chế độ không tưởng: Chỉ cần thực hiện cương lĩnh chúng tôi là các bạn sẽ có thế giới lý tưởng. Những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân đưa ra đề xuất khiêm tốn hơn, đồng thời lại căn cơ hơn: Khuôn khổ cho chế độ không tưởng, như Robert Nozick từng nói.
Cộng đồng lý tưởng của tôi có thể sẽ không phải là chế độ không tưởng của bạn.
Những nỗ lực nhằm xây dựng thiên đường trên cõi thế chắc chắn sẽ thất bại, bởi vì mỗi người chúng ta đều có những ý tưởng khác nhau về thiên đàng. Khi xã hội càng trở nên đa dạng hơn, thì khả năng đồng thuận về một kế hoạch cho cả dân tộc càng trở nên xa vời hơn. Và dù thế nào, chúng ta cũng không thể dự đoán được những thay đổi mà tiến bộ sẽ mang lại. Kế hoạch không tưởng luôn luôn là một tầm nhìn tĩnh và cứng nhắc về cộng đồng lý tưởng, tức làm tầm nhìn không thể bao quát được thế giới năng động. Chúng ta không thể tưởng tượng được sau đây một thế kỷ nền văn minh sẽ như thế nào, chẳng khác gì những người sống vào năm 1900 tưởng tượng về nền văn minh ngày nay của chúng ta. Chúng ta không cần xã hội không tưởng, mà cần xã hội tự do, trong đó, mọi người có thể thiết kế các cộng đồng của chính mình.
Xã hội theo chủ nghĩa tự do cá nhân chỉ là khuôn khổ cho chế độ không tưởng. Trong xã hội như thế, chính phủ sẽ tôn trọng quyền của người dân trong việc lựa chọn, phù hợp với những kiến thức mà họ có. Khi còn tôn trọng quyền của người khác thì người đó sẽ được tự do sống theo lựa chọn của mình. Kể cả việc người đó tự nguyện đồng ý sống trong một cộng đồng đặc biệt nào đó. Các cá nhân có thể cùng nhau xây dựng những cộng đồng, trong đó họ sẽ cùng nhau tuân thủ một số quy tắc nhất định, tức là những quy tắc có thể cấm hoặc buộc phải làm những hành động cụ thể nào đó. Vì là từng người và tự nguyện đồng ý với những quy định như vậy, cho nên họ không từ bỏ các quyền của mình mà chỉ đơn giản là đồng ý với những quy tắc của cộng đồng, họ có thể tự do ra khỏi những cộng đồng như thế. Tất nhiên là chúng ta đã có một khuôn khổ như vậy; trên thương trường chúng ta có thể lựa chọn nhiều mặt hàng và dịch vụ khác nhau, và nhiều người đã chọn sống trong những cộng đồng cụ thể nào đó. Xã hội theo chủ nghĩa tự do cá nhân sẽ tạo cho người ta phạm vi lựa chọn rộng lớn hơn, bởi vì nó để cho các cá nhân và cộng đồng lựa chọn hầu hết các quyết định trong việc sắp xếp đời sống, chứ không phải chính phủ áp đặt tất cả mọi thứ, từ thuế suất cắt cổ đến những quy định về thực hành tôn giáo và chăm sóc sức khỏe.
Khuôn khổ đó có thể đưa ra hàng ngàn phiên bản của chế độ không tưởng, đủ sức hấp dẫn với những người khác nhau. Một cộng đồng có thể cung cấp dịch vụ và tiện nghi chất lượng cao với giá và phí cao. Cộng đồng khác có thể sống khắc khổ hơn, dành cho những người muốn tiết kiệm. Cộng đồng thứ ba có thể được tổ chức trên cơ sở nghi lễ tôn giáo đặc biệt nào đó. Những người tham gia cộng đồng có thể phải từ bỏ rượu, từ bỏ thuốc lá, không được quan hệ tình dục ngoài hôn nhân và không được xem phim ảnh khiêu dâm. Một số người có thể thích cộng đồng thương tự như thành phố tự do Christiana ở Copenhagen, nơi ô tô, súng và các loại ma túy hiệu lực cao đều bị cấm, nhưng lại chấp nhận các loại ma túy hiệu lực thấp và tất cả các quyết định đều được quyết định tại các cuộc họp toàn thể, ít nhất về mặt lý thuyết là như thế.
Một trong những khác biệt giữa chủ nghĩa tự do cá nhân và chủ nghĩa xã hội là xã hội xã hội chủ nghĩa không dung thứ những nhóm người thực hành quyền tự do, còn xã hội theo chủ nghĩa tự do cá nhân có thể dễ dàng cho phép người dân tự nguyện chọn chủ nghĩa xã hội. Nếu một nhóm người, thậm chí một nhóm rất lớn muốn mua đất và biến nó thành sở hữu chung thì họ sẽ được tự do làm như thế. Trật tự pháp lý của chủ nghĩa tự do cá nhân chỉ đòi hỏi rằng không người nào bị ép buộc tham gia cộng đồng hay cống hiến tài sản của mình cho cộng đồng. Nhiều người có thể chọn một “xã hội không tưởng”, tương tự như các thị trấn nhỏ, các khu ngoại ô hoặc khu trung tâm thành phố, nhưng tất cả chúng ta sẽ được lợi nếu có cơ hội lựa chọn những giải pháp thay thế khác, cũng như quan sát và sao chép những sáng kiến có giá trị.
Trong xã hội như thế, chính phủ sẽ có thái độ khoan dung, như Leonard Read nói, với “tất cả những biểu hiện có tính hòa bình”. Các cộng đồng tự nguyện có thể đưa ra những quy định chặt chẽ hơn, nhưng trật tự pháp lý của toàn xã hội sẽ chỉ trừng phạt những hành vi vi phạm quyền của người khác mà thôi. Bằng cách thu hẹp một cách triệt để quy mô và phi tập trung hóa chính quyền - bằng cách tôn trọng tất cả các quyền của mỗi cá nhân - chúng ta có thể kiến tạo được xã hội dựa trên quyền tự do cá nhân, với những đặc điểm là hòa bình, khoan dung, cộng đồng, thịnh vượng, trách nhiệm, và tiến bộ.
Có thể xây dựng được thế giới như vậy hay không? Khó mà dự đoán được sự tiến hóa của xã hội trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, thế giới sẽ nhận ra bản chất đàn áp và lạc hậu của sự ép buộc và những khả năng không giới hạn mà tự do có thể mở ra. Sự phát triển của thương mại, công nghiệp và thông tin đã làm xói mòn những biện pháp xưa cũ mà các chính phủ đã từng sử dụng nhằm giữ mãi dân chúng trong vòng nô lệ và còn đang tiếp tục giải phóng nhân loại khỏi những hình thức ép buộc và kiểm soát mới, do các chính phủ nghĩ ra trong suốt thế kỷ XX.
Khi bước vào thế kỷ mới và thiên niên kỷ mới, chúng ta thấy thế giới với những khả năng vô cùng vô tận. Chủ nghĩa tự do cá nhân chính là tiền đề cho thị trường toàn cầu và các công nghệ mới. Cả chủ nghĩa xã hội đầy mâu thuẫn lẫn chủ nghĩa bảo thủ cứng nhắc đều không thể tạo ra được xã hội tự do, với nền công nghệ tiên tiến mà chúng ta tin là sẽ xuất hiện trong thế kỷ XXI. Nếu chúng ta muốn có một thế giới năng động, thịnh vượng và có nhiều cơ hội thì chúng ta phải làm cho nó trở thành thế giới của chủ nghĩa tự do cá nhân. Những nguyên tắc đơn giản và còn mãi với thời gian của cuộc Cách mạng Mỹ - tự do cá nhân, chính phủ hạn chế và thị trường tự do – thậm chí còn trở thành mạnh mẽ hơn trong thế giới ngày nay, tức là thế giới của thông tin tức thời, thị trường toàn cầu và khả năng truy cập thông tin chưa từng có, Jefferson hoặc Madison không thể nào tưởng tượng được. Chủ nghĩa tự do cá nhân không chỉ là khuôn khổ cho xã hội không tưởng, nó chính là khuôn khổ thiết yếu cho tương lai.
(Còn nữa)
Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.