Tính toán xã hội chủ nghĩa III: Giải pháp cạnh tranh (Phần 3)

Tính toán xã hội chủ nghĩa III: Giải pháp cạnh tranh (Phần 3)

7

Hãy để chúng tôi xem xét một cách ngắn gọn một vài vấn đề phát sinh từ mối quan hệ giữa “những nhà quản lí sản xuất xã hội chủ nghĩa” (bất kể của một nhà máy hay của cả một ngành) và S.E.C. Như chúng ta đã thấy, nhiệm vụ của nhà quản lí là tổ chức sản xuất theo cách sao cho chi phí cận biên là thấp nhất có thể và bằng với giá bán sản phẩm. Anh ta sẽ tiến hành nó như thế nào và bằng cách nào để chứng tỏ anh ta thành công? Anh ta phải chấp nhận giá cả như là có sẵn. Điều này sẽ biến anh ta thành một thứ mà gần đây được gọi là “người điều chỉnh số lượng” đơn thuần, nghĩa là, quyết định của anh ta bị giới hạn chỉ liên quan đến số lượng những yếu tố sản xuất và cách thức kết hợp các yếu tố mà anh ta sử dụng. Nhưng vì anh ta không có phương tiện gì để khuyến khích các nhà cung cấp cung cấp nhiều hơn (hoặc để khuyến khích những người mua mua nhiều hơn) mức họ muốn ở mức giá được định sẵn, nên thường thì anh ta đơn giản sẽ không làm theo chỉ dẫn; hoặc chí ít là, nếu anh ta không thể nhận được nhiều hơn một nguyên liệu cần thiết ở mức giá định sẵn, thì cách duy nhất để anh ấy, chẳng hạn như, mở rộng sản xuất nhằm làm cho chi phí của mình bằng với giá bán sản phẩm là sẽ sử dụng một nguyên liệu thay thế kém chất lượng hoặc sử dụng những phương pháp phi kinh tế khác; và khi anh ta không thể bán sản phẩm với mức giá định sẵn và cho đến khi có chỉ thị giảm giá, thì anh ta sẽ phải dừng sản xuất trong khi đáng lí ra anh ta có thể tự giảm giá của mình trong môi trường có sự cạnh tranh thực sự.

Một khó khăn lớn khác bắt nguồn từ những thay đổi giá cả định kỳ bởi sắc lệnh là vấn đề dự đoán những chuyển động giá cả trong tương lai. Lange, với tinh thần quả cảm hơi thái quá, đã giải quyết nhanh chóng vấn đề hóc búa này bằng tuyên bố: “vì mục đích hạch toán, các mức giá phải được coi như là bất biến giống như cách chúng được xử lí bởi những chủ doanh nghiệp trong thị trường cạnh tranh” (!). Phải chăng điều này có nghĩa là, những nhà quản lí, dù biết chắc giá một mặt hàng cụ thể cần phải được nâng lên hay hạ xuống, vẫn phải hành động như thể họ không hề biết gì? Rõ ràng không phải vậy. Nhưng nếu họ được tự do hành động với những biến động giá cả kỳ vọng bằng việc tiên liệu trước, thì liệu họ có được phép tận dụng những trì hoãn hành chính trong việc làm cho những thay đổi giá cả trở lên hiệu lực? Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những thua lỗ gây ra bởi việc chọn thời điểm không đúng hoặc định hướng sự thay đổi giá cả sai lầm?

Liên quan chặt chẽ đến vấn đề này là một câu hỏi khác mà chúng ta không có câu trả lời. Cả hai tác giả đều nói về “chi phí cận biên” như thể nó độc lập với giai đoạn mà nhà quản lí sản xuất có thể hoạch định. Rõ ràng, trong nhiều tình huống, chi phí thực tế phụ thuộc vào bất cứ thứ gì, vào việc mua đúng thời điểm. Chi phí trong bất cứ giai đoạn nào không thể được cho rằng chỉ phụ thuộc vào mỗi giá cả của giai đoạn đó. Nó phụ thuộc cả vào việc liệu giá cả có thể được dự đoán đúng hay không cũng như phụ thuộc vào các quan điểm về giá cả tương lai. Ngay cả trong một giai đoạn rất ngắn, chi phí sẽ phụ thuộc vào những hiệu ứng của các quyết định hiện tại tác động đến năng suất trong tương lai. Liệu có phải việc vận hành một cỗ máy đến hết kiệt và quên đi việc bảo dưỡng là kinh tế, liệu có nên tiến hành các điều chỉnh lớn cho những thay đổi đã biết theo yêu cầu, hay vẫn tiếp tục vận hành tới mức có thể trong khuôn khổ tổ chức ngành hiện tại - trên thực tế, hầu hết các quyết định về việc sản xuất như thế nào - đều phụ thuộc ít nhiều vào những quan điểm về tương lai. Nhưng, trong khi nhà quản lí sản xuất rõ ràng phải có các quan điểm cụ thể về những vấn đề trên, anh ta hầu như không phải gánh trách nhiệm gì về việc tiên đoán đúng các thay đổi trong tương lai vì những thay đổi này phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, thành công của nhà quản lí sản xuất đơn lẻ phụ thuộc tương đối nhiều vào hành động của cơ quan kế hoạch hóa; không chỉ vậy, anh ta cũng phải làm hài lòng cơ quan đó rằng anh ta đã làm tốt nhất có thể. Hoặc trước khi triển khai, hoặc được nhìn lại sau này, tất cả tính toán của anh ta phải được kiểm tra và phê duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền. Đây không phải là sự kiểm toán mang tính hình thức nhằm xác định liệu chi phí có thực sự như anh ta đã nói. Cơ quan này phải chắc chắn được rằng nó ở mức thấp nhất có thể. Điều này có nghĩa việc kiểm soát phải xem xét không chỉ nhà quản lí sản xuất đã thực sự làm gì mà còn cả việc anh ta lẽ ra đã phải làm gì và buộc phải làm gì. Từ quan điểm của nhà quản lí sản xuất, anh ta cần phải luôn chứng tỏ được, trong phạm vi kiến thức của mình, quyết định mà anh ta đưa ra trên thực tế là đúng đắn, và điều này quan trọng hơn rất nhiều so với việc chứng tỏ anh ta đúng vào cuối giai đoạn kế hoạch. Nếu điều này không dẫn đến những hình thức quan liêu tồi tệ nhất thì tôi cũng không biết điều gì sẽ xảy ra nữa.

Điều này dẫn chúng ta đến câu hỏi khái quát về trách nhiệm của các nhà quản lí sản xuất. Dickinson rõ ràng nhận ra rằng “trên thực tế, trách nhiệm đồng nghĩa với trách nhiệm tài chính” và nếu nhà quản lí sản xuất không “chịu trách nhiệm cho những thua lỗ cũng như lợi nhuận, anh ta sẽ bị lôi cuốn vào các cuộc thử nghiệm liều lĩnh mà chỉ một trong số đó có cơ hội thành công”1. Đây là một vấn đề khó đối với các nhà quản lí sản xuất không có tài sản riêng. Dickinson hy vọng sẽ giải quyết vấn đề này bằng một hệ thống tiền thưởng. Việc này quả thực là đủ để ngăn cản các nhà quản lí khỏi những hành động quá liều lĩnh. Nhưng phải chăng vấn đề ngược lại không phải là vấn đề thực sự - nhà quản lí sẽ sợ chấp nhận rủi ro nếu, khi hoạt động mạo hiểm (venture) cho kết quả không như mong đợi, một ai đó khác sau đó sẽ quyết định liệu rằng việc anh ta theo đuổi hoạt động mạo hiểm đó là có cơ sở xác đáng? Như Dickinson tự chỉ ra rằng, nguyên tắc sẽ là “mặc dù tạo ra lợi nhuận không nhất thiết là một dấu hiệu thành công nhưng thua lỗ lại là dấu hiệu của thất bại”2. Liệu có cần phải nói thêm gì nữa về những hệ quả của một hệ thống như thế đối với tất cả hoạt động có liên quan đến rủi ro? Thật khó để mường tượng được rằng, trong hoàn cảnh như vậy, làm thế nào để có thể phó thác các hoạt động liên quan đến gánh chịu rủi ro cho sự chủ động sáng tạo của người quản lí sản xuất. Nhưng nếu lựa chọn theo phương án khác thì họ buộc phải quay trở lại một hệ thống kế hoạch hóa tập trung nghiêm ngặt để tránh được kết cục mà toàn bộ hệ thống đang hướng đến.

8

Tất cả những điều này thậm chí còn đúng hơn khi chúng ta chuyển sang các vấn đề về đầu tư mới, nghĩa là tất cả các câu hỏi liên quan đến những sự thay đổi trong quy mô (nghĩa là, vốn đầu tư) của các đơn vị quản lí, liệu chúng có bao gồm những sự thay đổi ròng trong tổng nguồn cung vốn hay không. Đã tới thời điểm cần phải chia tách vấn đề này thành hai phần - những quyết định về phân bổ nguồn cung vốn sẵn có và những quyết định về tỉ lệ tích lũy vốn - mặc dù đây là một việc làm nguy hiểm khi đưa việc phân tách này đi quá xa, bởi lẽ một quyết định tích lũy bao nhiêu cũng sẽ là một quyết định về việc sử dụng vốn để đáp ứng cho những nhu cầu này chứ không phải cho những nhu cầu khác. Cả hai tác giả của chúng ta đều đồng ý rằng, đối với vấn đề phân bổ vốn đầu tư giữa các ngành và giữa các nhà máy, thì cơ chế tiền lãi nên được duy trì ở mức nhiều nhất có thể; nhưng đối với việc quyết định tích lũy bao nhiêu và đầu tư bao nhiêu, thì không nhất thiết phải bó buộc3.

Dù mong muốn dựa vào cơ chế tiền lãi để phân bổ vốn đầu tư có lớn đến đâu thì khá hiển nhiên là thị trường vốn không thể là một thị trường tự do theo bất kỳ nghĩa nào. Trong khi, đối với Lange, mức lãi suất cũng “được quyết định một cách đơn giản bởi các điều kiện theo đó nhu cầu vốn ngang bằng với lượng vốn sẵn có”4, thì tiến sĩ Dickinson lại nỗ lực hết mình để chỉ ra bằng cách nào S.E.C, dựa trên cơ sở của những phương án kế hoạch hoạt động được rút ra từ các hoạt động kinh doanh khác nhau, có thể xây dựng được một biểu cầu gộp về vốn để cho phép cơ quan này quyết định mức lãi suất tại đó cầu về vốn sẽ ngang bằng với nguồn cung. Tài khéo léo trong việc biến những nhiệm vụ thuộc loại rắc rối nhất trở nên khả thi trong thực tiễn, và niềm tin tưởng đáng ngạc nhiên vào khả năng đó, đã được Dickinson trình diễn, và điều này có thể minh hoạ bằng một phát biểu của ông: trong những trường hợp nhất định, “việc thiết lập một mức lãi suất tạm định là cần thiết, để sau đó cho phép các bộ phận khác nhau của nền kinh tế tập thể tái thoả thuận với nhau trên cơ sở mức lãi suất tạm định này, và từ đó hình thành nên biểu cầu cuối cùng về vốn”5.

Tuy nhiên tất cả điều này đều không giải quyết được khó khăn chính. Nếu quả thực có thể chấp nhận mà không cần kiểm tra lại những tuyên bố của tất cả các nhà quản lí sản xuất đơn lẻ (hoặc những nhà quản lí sản xuất giả lập (would-be managers) đơn lẻ) về số lượng vốn họ có thể dùng một cách hiệu quả ở những mức lãi suất khác nhau, thì một đề xuất như vậy sẽ có khả năng trở nên khả thi. Tuy nhiên, không cần phải nhắc đi nhắc lại mãi rằng chúng ta không thể hình dung “một cách giản đơn cơ quan trung ương này giống như một loại siêu ngân hàng, dùng quỹ sẵn có để cho người trả giá cao nhất vay. Thực chất, nó sẽ cho những người không có tài sản vay tiền. Do đó, nó sẽ chịu mọi rủi ro và không có quyền đối với một lượng tiền nhất định giống như ngân hàng. Nó chỉ đơn giản có quyền sở hữu tất cả các nguồn lực thực tế. Các quyết định của nó cũng không chỉ giới hạn trong phạm vi tái phân phối nguồn vốn nhàn rỗi dưới dạng tiền và có thể cả dưới dạng đất đai. Cơ quan này cũng phải quyết định liệu một nhà máy hoặc một phần máy móc cụ thể có nên được giao lại cho người nghiệp chủ, người trước kia đã sử dụng nó, để anh ta tự đưa ra quyết định của mình, hay liệu nó nên được chuyển giao cho một người khác mà hứa hẹn đem lại lợi nhuận cao hơn từ nó”.

Những câu trên được rút ra từ bài luận của tôi viết cách đây năm năm, bàn về “tính khả thể của cạnh tranh thực sự dưới hệ thống xã hội chủ nghĩa”6. Tại thời điểm đó, những hệ thống như vậy chỉ được bàn đến một cách mập mờ, và người ta có thể hy vọng tìm ra một đáp án trong giai đoạn khởi động những cuộc thảo luận mang tính hệ thống về các ý tưởng. Tuy nhiên thật đáng thất vọng khi không tìm được câu trả lời nào cho những vấn đề nêu trên trong cả hai cuốn sách được bàn tới ở đây. Trong khi những khẳng định về việc kiểm soát hoạt động đầu tư sẽ có lợi như thế nào được nêu ra xuyên suốt cả hai cuốn sách, thì không hề có một chỉ dấu nào về việc sự kiểm soát này sẽ được áp dụng như thế nào và trách nhiệm sẽ được phân chia ra sao giữa những cơ quan kế hoạch hoá và những nhà quản lí của các đơn vị ngành “cạnh tranh”. Những khẳng định như chúng ta thấy, ví dụ như, “vì những nhà quản lí ngành trong hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa sẽ bị khống chế vào một số lựa chọn theo định hướng được cơ quan kế hoạch hoá đề ra, nên suy ra rằng không phải là họ sẽ không có bất kỳ sự lựa chọn nào”7, là hoàn toàn vô bổ. Điều duy nhất tương đối rõ ràng là: cơ quan kế hoạch hoá sẽ có khả năng thực hiện được chức năng kiểm soát và định hướng đầu tư của mình chỉ khi nó ở vị thế rà soát và lặp lại toàn bộ các tính toán của nghiệp chủ.

Dường như ở đây cả hai tác giả đã bị dẫn dắt một cách vô thức để quay trở lại với những niềm tin trước đây về tính siêu việt của một hệ thống chỉ đạo tập trung so với một hệ thống cạnh tranh, cũng như tự an ủi mình với hy vọng rằng “cơ quan thông tuệ và hiện diện ở khắp nơi của nền kinh tế tập thể”8 sẽ chí ít sở hữu nhiều tri thức như các nghiệp chủ riêng rẽ, và do đó, sẽ ở một vị thế để đưa ra các quyết định ít nhất là tốt bằng, nếu không muốn nói là tốt hơn, các quyết định do những nghiệp chủ hiện tại đưa ra. Như tôi đã cố gắng trình bày ở một nơi khác, lợi ích cốt lõi của cạnh tranh thực sự là, thông qua nó, tính hữu ích được tạo nên bởi khối tri thức được phân chia giữa nhiều người, nếu giả dụ được sử dụng trong một nền kinh tế chỉ đạo tập trung, thì tất cả sẽ được đưa vào một kế hoạch đơn nhất9. Đối với tôi, việc giả định rằng tất cả khối tri thức này tự động sẽ được cơ quan kế hoạch hoá sở hữu dường như là lạc đề. Cũng không rõ ràng là liệu có phải Lange khẳng định cơ quan kế hoạch hoá sẽ có tất cả thông tin hay không khi ông nói “những người quản trị nền kinh tế xã hội chủ nghĩa sẽ có chính xác cùng lượng tri thức, hoặc cùng thiếu tri thức, về các hàm sản xuất giống như các nghiệp chủ tư bản chủ nghĩa”10. Nếu “những người quản trị nền kinh tế xã hội chủ nghĩa” ở đây đơn thuần là tất cả các nhà quản lí của các đơn vị cũng như của cơ quan trung ương hợp lại thì câu nói của Lange tất nhiên có thể được chấp nhận dễ dàng, tuy nhiên điều này vẫn không hề giải quyết được vấn đề. Nhưng, nếu câu nói này là nhằm truyền đạt ý tưởng rằng tất cả tri thức có thể được sử dụng một cách hiệu quả bởi cơ quan kế hoạch hóa trong việc đặt ra kế hoạch thì nó chỉ đơn giản là né tránh toàn bộ vấn đề và dường như là được dựa trên “lỗi ngụy biện về sự tổng hợp”11.

Xét trên toàn bộ câu hỏi cực kỳ quan trọng về sự định hướng đầu tư mới và tất cả những gì liên quan, thì cả hai nghiên cứu đều không đưa ra bất kỳ thông tin mới nào. Vấn đề vẫn y nguyên như năm năm trước đây, và tôi có thể giới hạn mình ở điểm này bằng cách nhắc lại những gì tôi đã nói sau đó: “Quyết định về lượng vốn được trao cho một nghiệp chủ doanh nghiệp riêng lẻ, và do đó, quyết định liên quan đến độ lớn của doanh nghiệp riêng lẻ nằm dưới sự kiểm soát của một cơ quan duy nhất, trên thực tế, là những quyết định về sự kết hợp các nguồn lực thích hợp nhất. Nó sẽ tùy thuộc vào cơ quan trung ương trong việc quyết định liệu một nhà máy đặt tại một nơi nào đó có nên được mở rộng thay vì xây dựng một nhà máy khác nằm ở nơi khác. Tất cả điều này liên quan đến trách nhiệm lập kế hoạch của phía cơ quan trung ương ở mức độ tương tự như thể nó đang thực sự điều hành doanh nghiệp. Trong khi nghiệp chủ riêng lẻ chắc chắn phải được bổ nhiệm chức vụ theo điều khoản hợp đồng nhất định để quản lí nhà máy mà anh ta được giao phó, thì cơ quan trung ương nhất thiết sẽ phải quyết định tất cả các hoạt động đầu tư mới. Sự phân công trách nhiệm trong việc quản lí các nguồn lực như vậy sẽ gây ra hậu quả là cả nghiệp chủ lẫn cơ quan trung ương đều không thực sự ở vị thế lập kế hoạch, và không rõ ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho những sai lầm. Thật là ảo tưởng khi giả định rằng chúng ta có thể thiết lập các điều kiện cho cạnh tranh đầy đủ mà không cần buộc những người chịu trách nhiệm ra các quyết định phải trả giá cho các sai lầm của họ. Hoạ may lắm thì mới tạo ra được một hệ thống tựa như cạnh tranh, ở đó người thực sự chịu trách nhiệm sẽ không phải là nghiệp chủ mà là quan chức phê duyệt các quyết định cho anh ta, và hệ quả là, tất cả khó khăn lại dồn về tính chủ động sáng tạo và khả năng xác định trách nhiệm của bộ máy quan liêu”12.

(Còn nữa)

Chú thích:

(1) D, tr. 214.

(2) D, tr. 219.

(3) LT, tr. 85; D, tr. 80 và 205.

(4) LT, tr. 84.

(5) D, tr. 83, chú thích.

(6) Collectivist Economic Planning (1935), tr. 232-37; xem ở trên, tr. 172-76.

(7) D, tr. 217.

(8) D, tr. 191.

(9) Xem bài tiểu luận "Kinh tế học và Tri thức", in lại ở trên, tức Chương II.

(10) LT, tr. 61.

(11) Một thí dụ khác, và thậm chí tồi tệ hơn, về lỗi nguỵ biện này xuất hiện trong lời giới thiệu của Giáo sư Lippincott cho các tiểu luận của các Giáo sư Lange và Taylor, khi ông khẳng định rằng "không nghi ngờ gì về việc Ủy ban kế hoạch hóa trung ương sẽ thi hành một quyền lực to lớn, nhưng liệu nó có lớn hơn khi được thực hành theo cách tập thể bởi các ban giám đốc tư nhân? Vì những quyết định của các ủy ban tư nhân được đưa ra ở mỗi chỗ một chút, nhưng điều này không có nghĩa là người tiêu dùng không cảm thấy ảnh hưởng tập thể của nó, dù vậy có thể phải cần đến một cuộc suy giảm [kinh tế] thì anh ta mới có ý thức về nó".

(12) Collectivist Economic Planning, tr. 237; Xem ở trên, tr. 175-76.

Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 8, NXB Tri thức, 2016