[Luật pháp] - Phần 9
Ý tưởng về siêu nhân
Những lời tuyên bố của các nhà tổ chức nhân loại làm bật ra câu hỏi khác mà tôi thường hỏi họ và cho đến nay, như tôi biết, họ không bao giờ trả lời: Nếu những khuynh hướng tự nhiên của nhân loại là xấu đến mức cho rằng người dân được tự do là không an toàn thì làm sao các khuynh hướng của những người tổ chức lại luôn là tốt? Chả lẽ các nhà lập pháp và những người đại diện cho họ không thuộc về nhân loại hay sao? Hay họ tin rằng mình được làm từ loại đất sét mịn hơn phần còn lại của nhân quần? Các nhà tổ chức khẳng định rằng xã hội, nếu không được lãnh đạo, sẽ lao vào sự hủy diệt không thể tránh khỏi vì bản năng của dân chúng là lầm lạc. Các nhà lập pháp tuyên bố sẽ ngăn chặn quá trình tự hủy diệt này và đưa nhân loại vào xu hướng lành mạnh hơn. Như vậy, rõ ràng là, các nhà lập pháp và những người tổ chức đã được Trời ban cho trí thông minh và đức hạnh, đặt họ ở bên ngoài và bên trên nhân loại; nếu như thế, hãy để họ chứng tỏ tư cách vượt trội của mình.
Họ sẽ là những người chăn chiên, còn chúng ta là con chiên của họ. Chắc chắn là sự sắp xếp này hàm ý rằng họ là những người có ưu thế bẩm sinh so với tất cả những người khác. Và chắc chắn là chúng ta hoàn toàn có quyền yêu cầu các nhà lập pháp và những người tổ chức chứng minh ưu thế bẩm sinh của họ.
Những người xã hội chủ nghĩa bác bỏ quyền tự do lựa chọn
Xin hiểu rằng tôi không bàn cãi về quyền của họ trong việc phát minh ra các liên kết xã hội, để quảng cáo cho mình, bảo vệ mình và thử nghiệm với chính mình, tự chịu chi phí và rủi ro. Mà tôi tranh cãi về quyền của họ trong việc áp đặt những kế hoạch này đối với chúng ta bằng luật pháp - tức là bằng vũ lực - và bắt chúng ta đóng thuế để trả lương cho họ.
Tôi không yêu cầu những người ủng hộ của các trường phái tư tưởng khác nhau này – những người theo Proudhon, theo Cabet, theo Fourier, những người Universitarists, và những người theo phái bảo hộ - từ bỏ các tư tưởng khác nhau của họ. Tôi chỉ yêu cầu họ từ bỏ một ý tưởng chung của tất cả các trường phái này: Họ chỉ cần từ bỏ ý tưởng buộc chúng ta phải chấp nhận các nhóm của họ, chấp nhận các dự án xã hội hóa của họ, chấp nhận các ngân hàng cung cấp tín dụng miễn phí của họ, từ bỏ khái niệm đạo đức theo kiểu Hi Lạp-La Mã của họ và những biện pháp quản lí thương mại của họ. Tôi chỉ yêu cầu là chúng ta được tự mình quyết định về những kế hoạch này, chúng ta không bị buộc phải chấp nhận chúng, dù trực tiếp hay gián tiếp, nếu cho rằng chúng trái với những lợi ích căn bản của chúng ta hoặc trái với lương tâm của chúng ta.
Nhưng các nhà tổ chức muốn tiếp cận với những khoản thuế và sức mạnh của luật pháp nhằm thực hiện kế hoạch của họ. Ngoài việc bị áp bức và bất công, ước muốn này còn bao hàm giả định tai hại là các nhà tổ chức đó là những người không thể sai lầm, còn nhân dân là những người không có năng lực. Nhưng, một lần nữa, nếu nhân dân là những người không đủ năng lực đánh giá chính mình, thì nói về phổ thông đầu phiếu để làm gì?
Nguyên nhân của cách mạng Pháp
Mâu thuẫn trong tư tưởng, thật đáng tiếc nhưng hoàn toàn hợp lí, được phản ánh trong các sự kiện ở Pháp. Ví dụ, người Pháp đã dẫn dắt tất cả những dân tộc châu Âu khác đến với cuộc đấu tranh vì các quyền của mình - hay nói chính xác hơn, đến những đòi hỏi về chính trị của họ. Tuy nhiên, sự kiện này đã không làm cho chúng ta thoát khỏi cảnh là những người bị cai trị nhiều nhất, bị nhiều quy định nhất, bị áp đặt nhất, bị trói buộc nhất và bị bóc lột nhất ở châu Âu. Pháp cũng dẫn dắt tất cả dân tộc khác đến nơi mà bao giờ người ta cũng cảm thấy cách mạng đang sắp xảy ra. Trong những hoàn cảnh như thế, đấy là việc đương nhiên.
Và sẽ vẫn như thế khi mà các chính trị gia của chúng ta tiếp tục chấp nhận ý tưởng được Louis Blanc thể hiện một cách rõ ràng như sau: “Xã hội nhận động lực từ chính quyền”. Sẽ vẫn như thế khi con người có tình cảm tiếp tục là những người thụ động, khi họ tiếp tục tự coi mình là không có khả năng làm cho mình thịnh vượng hơn và hạnh phúc hơn bằng trí thông minh và năng lực của chính mình, khi họ còn chờ đợi pháp luật làm mọi thứ cho họ; tóm lại, khi họ còn nghĩ quan hệ của họ với nhà nước cũng chẳng khác gì quan hệ của bầy cừu với người chăn cừu.
Sức mạnh vô cùng to lớn của chính phủ
Chừng nào những tư tưởng này còn giữ thế thượng phong thì rõ ràng trách nhiệm của chính phủ là rất lớn. May và rủi, giàu sang và nghèo túng, bình đẳng và bất bình đẳng, đạo đức và vô đạo - tất cả đều phụ thuộc vào chính quyền. Chính quyền cáng đáng tất cả mọi thứ, nhận tất cả mọi thứ, làm tất cả mọi thứ; do đó, chính quyền cũng chịu trách nhiệm về tất cả mọi thứ.
Nếu chúng ta gặp may, chính phủ đòi chúng ta tỏ lòng biết ơn; nhưng nếu chúng ta không may thì chính phủ phải chịu trách nhiệm. Vì có phải là cả con người lẫn tài sản của chúng ta đều nằm trong tay chính phủ hay không? Luật pháp không phải là toàn trí toàn năng hay sao?
Nắm độc quyền trong lĩnh vực giáo dục thì chính phủ phải đáp ứng những hi vọng của các bậc phụ huynh, những người vì lí do đó mà bị tước mất tự do; và nếu những hi vọng này tan thành mây khói thì lỗi tại ai? Nhận quản lí ngành công nghiệp là chính phủ nhận trách nhiệm làm cho nó thịnh vượng, nếu không thì tước đoạt quyền tự do của nó là việc làm vô lí. Và nếu công nghiệp bị suy thoái thì lỗi tại ai?
Can thiệp vào cán cân thương mại bằng cách thay đổi thuế xuất nhập khẩu là các chính phủ cam kết làm cho thương mại phát triển thịnh vượng, nhưng nếu không thịnh vượng mà sụp đổ thì là lỗi tại ai?
Bảo hộ các ngành trong lĩnh vực hàng hải để họ từ bỏ quyền tự do của mình là chính phủ đã cam kết làm cho những ngành này có lời, nhưng nếu chúng trở thành gánh nặng cho những người đóng thuế thì lỗi tại ai?
Như vậy, không có sự bất bình nào ở trong nước mà chính phủ không tự nguyện nhận trách trách nhiệm. Có còn ngạc nhiên không khi mà ở Pháp mỗi thất bại lại làm gia tăng mối đe dọa của một cuộc cách mạng nữa?
Người ta đã đề xuất những biện pháp khắc phục nào? Mở rộng đến vô cùng lĩnh vực hoạt động của luật pháp, nghĩa là tăng thêm trách nhiệm của chính phủ.
Tuy nhiên, nếu chính phủ nhận trách nhiệm kiểm soát và tăng lương, nhưng không thể làm được việc đó; nếu chính phủ cam kết chăm sóc tất cả những người có thể rơi vào hoàn cảnh khốn khó, nhưng không thể làm việc đó; nếu chính phủ cam kết hỗ trợ tất cả những người lao động thất nghiệp, nhưng không thể làm việc đó; nếu chính phủ cam kết cho tất cả những người cần tiền được vay mà không phải trả lãi suất, nhưng không thể làm việc đó; nếu sử dụng những từ ngữ mà đáng tiếc là lại tuôn ra từ ngọn bút của ông de Lamartine: “Nhà nước cho rằng mục đích của nó là khai hóa, phát triển, mở rộng, củng cố, trao linh hồn và thần thánh hóa tâm hồn của nhân dân” - nhưng nếu chính phủ không thể làm được tất cả những việc đó thì sao? Chả lẽ không chắc chắn là sau mỗi thất bại của chính phủ - than ôi! thất bại có xác suất khá cao - sẽ là một cuộc cách mạng không thể tránh khỏi hay sao?
Chính trị và kinh tế học
Bây giờ xin trở lại với chủ đề đã được thảo luận qua trong những trang đầu của tiểu luận này: quan hệ giữa kinh tế và chính trị-kinh tế chính trị học.
Khoa kinh tế học phải phát triển trước khi khoa học chính trị học có thể được hình thành bằng luận lí. Về nguyên tắc, kinh tế học là khoa học nghiên cứu xem các lợi ích của con người hài hòa hay đối kháng với nhau. Phải biết việc này trước khi lập ra khoa chính trị học nhằm xác định những chức năng thích hợp của chính phủ.
Ngay sau khi kinh tế học phát triển và tại thời điểm khởi đầu việc hình thành khoa chính trị học, sẽ xuất hiện câu hỏi hết sức quan trọng cần được trả lời: Luật pháp là gì? Luật pháp phải như thế nào? Phạm vi và giới hạn của nó? Về mặt logic, quyền lực chính đáng của các nhà lập pháp phải chấm dứt ở chỗ nào?
Tôi xin trả lời ngay như sau: Luật pháp là lực lượng chung được tổ chức nhằm ngăn chặn bất công. Tóm lại, luật pháp là công lí.
Chức năng thích hợp của lập pháp
Nhà lập pháp có quyền lực tuyệt đối đối với con người và tài sản của chúng ta là không đúng. Con người và tài sản có trước các nhà lập pháp, chức năng của ông ta chỉ là đảm bảo an toàn cho con người và tài sản mà thôi.
Chức năng của luật pháp là kiểm soát lương tâm của chúng ta, tư tưởng của chúng ta, ý chí của chúng ta, nền giáo dục của chúng ta, ý kiến của chúng ta, việc làm của chúng ta, việc buôn bán của chúng ta, tài năng của chúng ta hay thú vui của chúng ta là không đúng. Chức năng của luật pháp là bảo vệ quyền tự do thể hiện những quyền này và ngăn chặn sự can thiệp vào quyền tự do thể hiện những quyền như thế của bất kì người nào khác.
Vì luật cần phải có sự hỗ trợ của vũ lực cho nên nó chỉ hợp pháp trong những khu vực cần phải sử dụng vũ lực. Đây là công lí.
Mỗi người đều có quyền sử dụng vũ lực để tự vệ hợp pháp. Chính vì lí do này mà lực lượng tập thể - sự kết hợp có tổ chức của các lực lượng cá nhân - có thể được sử dụng một cách hợp pháp cho những mục đích tương tự; và không thể được sử dụng một cách hợp pháp cho bất kì mục đích nào khác.
Luật chỉ là tổ chức của quyền tự vệ của các cá nhân, mà quyền tự vệ của các cá nhân thì có trước khi luật pháp được thông qua. Luật pháp là công lí.
Luật pháp và từ thiện không phải là một
Sứ mệnh của luật pháp không phải là đàn áp con người và cướp bóc tài sản của họ, mặc dù luật có thể hoạt động trong tinh thần nhân đạo. Sứ mệnh của nó là bảo vệ con người và tài sản.
Hơn nữa, không được nói rằng luật pháp có thể nhân từ, nếu trong quá trình hoạt động, nó cố tránh đàn áp con người và cướp bóc tài sản của họ; nói thế là mâu thuẫn. Luật pháp nhất định sẽ gây ảnh hưởng tới con người và tài sản; và nếu luật pháp làm bất cứ việc gì ngoài việc bảo vệ con người và tài sản thì hành động của luật pháp nhất định sẽ vi phạm quyền tự do của con người và quyền sở hữu tài sản.
Luật pháp là công lí - đơn giản và rõ ràng, chính xác và chặt chẽ. Mọi con mắt đều có thể nhìn thấy nó, mọi đầu óc đều có thể hiểu được nó; vì công lí có thể đo lường được, bất biến và không bao giờ thay đổi. Công lí là như thế, không nhiều hơn cũng không ít hơn. Vượt quá giới hạn hợp lí này - nếu bạn tìm cách làm cho luật pháp có tính tôn giáo, có tình huynh đệ, cào bằng, nhân từ, có tính ngành nghề, có tính văn chương hay nghệ thuật - thì bạn sẽ bị lạc trong vùng đất chưa được thám hiểm, trong sự mơ hồ và không chắc chắn, trong xã hội không tưởng cưỡng ép hoặc thậm chí còn tồi tệ hơn, lạc trong vô số những điều không tưởng, mỗi điều không tưởng đó đều tìm cách giành lấy luật pháp và áp đặt cho bạn. Đúng như thế, vì tình huynh đệ và lòng bác ái, khác với công lí, không có giới hạn chính xác. Một khi đã bắt đầu rồi, bạn sẽ dừng lại ở đâu? Và luật pháp sẽ tự dừng lại ở đâu?
Xa lộ dẫn tới chủ nghĩa cộng sản
Ông de Saint-Cricq chỉ đề nghị mở rộng lòng từ bi của ông ta tới một số ngành, ông yêu cầu luật pháp kiểm soát người tiêu dùng nhằm làm lợi cho người sản xuất.
Ông Considerant sẽ tài trợ cho sự nghiệp của các nhóm lao động; ông ta sẽ sử dụng luật pháp nhằm bảo đảm cho họ quần áo, nhà ở, lương thực thực phẩm tối thiểu và tất cả các nhu yếu phẩm khác.
Ông Louis Blanc tuyên bố - và có đầy đủ lí do - rằng những sự bảo đảm tối thiểu này chỉ là khởi đầu của tình huynh đệ trọn vẹn mà thôi, ông ta nói rằng luật pháp phải cung cấp công cụ sản xuất và giáo dục miễn phí cho tất cả người lao động.
Một người nào đó sẽ nhận xét rằng như thế là vẫn còn chỗ cho bất bình đẳng, ông ta sẽ tuyên bố rằng luật pháp phải cung cấp cho tất cả mọi người - ngay cả những người ở những xóm nhỏ cực kì hẻo lánh - xa xỉ phẩm, văn học và nghệ thuật. Tất cả những đề nghị như thế chính là xa lộ dẫn tới chủ nghĩa cộng sản; lập pháp lúc đó sẽ là - trên thực tế, đã là - bãi chiến trường cho trí tưởng tượng và lòng tham lam của tất cả mọi người.
(Đón đọc kì sau)
Dịch theo bản tiếng Anh The Law do Dean Russell dịch, Foundation for Economic Education, Irvington-on-Hudson, New York; tham khảo bản dịch tiếng Nga của S. A. Nikolaev.
Nguồn bản dịch: https://phamnguyentruong.blogspot.com/2017/08/luat-phap-frederic-bastiat-11.html