Con đường tạo uy tín cho VND
[SGTT - Tháng 1, 2010] Sau khi điều chỉnh mạnh tỷ giá vào cuối tháng 11 và trước diễn biến lạm phát không thuận lợi trong tháng 11 và 12-2009, chính phủ đã có những động thái chính sách kinh tế vĩ mô mạnh khác như tăng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8%, chấm dứt chính sách hỗ trợ lãi suất 4%, yêu cầu 7 tập đoàn và tổng công ty nhà nước lớn bán ngoại tệ cho các ngân hàng, và sắp tới, đóng cửa các sàn vàng. Những chính sách này đều nhằm trấn an niềm tin của người dân vào đồng nội tệ VND. Nhưng có vẻ niềm tin chưa dễ quay trở lại. Hầu hết các ngân hàng thương mại đều gặp phải khó khăn trong việc huy động vốn ngay cả khi hầu hết các mức lãi suất đã được đẩy lên sát kịch trần 10,5%; tỷ giá trên thị trường tự do vẫn được duy trì ở mức cao khoảng 19.400 VND/USD; và giá vàng trong nước luôn cao hơn khá nhiều so với giá vàng thế giới.
Bài viết này cho rằng việc tạo uy tín cho VND là một nhiệm vụ không thể không làm để Việt Nam có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Nhưng đây không phải là một công việc ngày một ngày hai. Việt Nam cần phải có một chính sách nhất quán và dài hạn về vấn đề này càng sớm càng tốt.
Tác hại kinh tế của việc đồng bản tệ không được tín nhiệm
Trước hết ta cần lưu ý rằng một quốc gia có thể phát triển mà không cần đồng bản tệ. Các nước thuộc khối cộng đồng chung châu Âu đã từ bỏ đồng bản tệ của mình để cùng sử dụng một đồng tiền chung. Một số nước nhỏ như Panama, El Salvador, Equador, và gần đây Zimbabwe đã từ bỏ đồng bản tệ. Họ sử dụng USD làm phương tiện thanh toán.
Nhưng một khi đồng bản tệ trở thành đồng tiền bắt buộc trong các giao dịch chính thức của một quốc gia thì việc nó không được tín nhiệm sẽ gây cản trở cho sự phát triển của quốc gia đó. Khi đồng bản tệ không được tín nhiệm nó sẽ không đáp ứng được đồng thời cả ba chức năng: phương tiện thanh toán, dự trữ giá trị và đơn vị tính toán. Một mặt, theo qui định của pháp luật, mọi người buộc phải sử dụng đồng bản tiền làm phương tiện thanh toán. Nhưng mặt khác, xuất phát từ lợi ích kinh tế, người dân sẽ có xu hướng sử dụng các đồng tiền khác làm phương tiện dự trữ giá trị và đơn vị tính toán cho một phần tài sản hoặc một số các dự án kinh tế của mình.
Khi người dân sử dụng những đồng tiền khác để tiết kiệm thay vì đồng bản tệ, lãi suất huy động đồng bản tệ của các ngân hàng thương mại buộc phải duy trì ở mức cao, dẫn đến lãi suất huy động vốn của các doanh nghiệp cũng phải cao tương ứng. Chẳng hạn, trong khi hoạt động kinh doanh trên toàn thế giới vẫn còn đang rất khó khăn, thì lãi suất cơ bản của Việt Nam được thiết lập ở mức 8%, so sánh với mức lãi suất ‘benchmark’ của hai nước láng giềng Thái Lan là 1,25% và Malaysia là 2%. Với mức lãi suất cao như vậy doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp của các quốc gia khác nơi lãi suất hy động thấp.
Thiệt hại cũng đến với cả người dân khi phải sử dụng phương tiện khác để tiết kiệm như ngoại tệ mạnh hoặc vàng. Lãi suất của những phương tiện này đều thấp. Hơn nữa, người dân lại còn phải trả các chi phí chuyển đổi khi phải chuyển qua lại giữa VND với các phương tiện dự trữ giá trị đó.
Việc đồng bản tệ không được tín nhiệm còn khiến các đơn vị kinh doanh dễ gặp phải sai lầm khi tính toán và xây dựng các kế hoạch kinh doanh. Khi đồng bản tệ không được sử dụng làm đơn vị tính toán, trong khi vẫn phải dùng làm phương tiện thanh toán, các chủ thể kinh tế sẽ liên tục phải điều chỉnh giá cả đầu vào và đầu ra mỗi khi tỷ giá biến động để đảm bảo mức lợi nhuận kỳ vọng theo kế hoạch của mình. Thật khó có thể tránh được sai lầm khi ta phải làm công việc này liên tục, giống như người kỹ sư sẽ khó có thể tránh được sai lầm nếu như anh ta sử dụng cả hệ đơn vị mét và đơn vị inch cùng một lúc trong thiết kế.
Ngoài ra, đồng bản tệ không được tín nhiệm còn dẫn đến bất bình đẳng kinh tế. Khi giá trị đồng bản tệ luôn trong tình trạng mất giá, một bộ phận nhỏ dân chúng có khả năng tiếp cận nhanh chóng với các cơ hội đầu tư cũng như phương tiện dự trữ giá trị khác sẽ không những tránh được các tổn thất mà còn thu được lợi nhuận cao. Trong khi đó, bộ phận dân chúng lớn hơn, như những người làm công ăn lương, công nhân và nông dân, sẽ có ít cơ hội hoặc luôn chậm chân hơn so với các bộ phận dân chúng kia trong việc chuyển đổi tài sản tích lũy của mình. Kết quả là nhóm người này sẽ ngày càng trở nên nghèo đi do tài sản của họ bị mất giá nhiều hơn so với tài sản của nhóm người kia.
Nguyên nhân dẫn đến VND không được tín nhiệm
Một quá khứ xấu về lạm phát và tỷ giá có thể khiến cho đồng bản tệ của một quốc gia không được tín nhiệm ngay cả khi các chính sách hiện tại là tốt đẹp. VND rơi vào trường hợp như vậy.
Lạm phát luôn là một nỗi ám ảnh trong tâm trí của người Việt. Trong khi các nước tiêu biểu hay ‘tấm gương’ trong khu vực (Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan) liên tục duy trì được CPI xấp xỉ 5% trong một khoảng thời gian rất dài thì Việt Nam chỉ có duy nhất vài năm 1989-2003 duy trì được CPI dưới 5%. Trong những năm khác, CPI thường xuyên ở mức 8%-9% (Hình 1). Quá khứ lạm phát trên 2 con số, thậm chí 3 con số, vẫn còn khá gần.
Hình 1 - Chỉ số giá tiêu dùng của một số nước và Việt Nam giai đoạn 1980-2009
Nguồn: http://www.indexmundi.com/
VND cũng mất giá nhiều so với các đồng tiền khác, thể hiện qua việc tỷ giá danh nghĩa USD/VND thường xuyên tăng. Nếu loại trừ giai đoạn đặc biệt 1980-1985, khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất USD lên rất cao để kiềm chế lạm phát dẫn đến USD tăng giá so với hầu hết các đồng tiền khác trên thế giới, và loại trừ giai đoạn khủng hoảng tiền tệ khu vực năm 1997-1998, thì 4 nước trong khu vực mà ta đang so sánh đã duy trì được tỷ giá tương đối ổn định đồng bản tệ so với USD trong suốt lịch sử phát triển của mình (xem Hình 2). Đặc biệt, sau giai đoạn khủng hoảng tài chính, các quốc gia đó đã có những thay đổi căn bản về chính sách tiền tệ, giúp đồng bản tệ của họ không những ổn định trở lại mà còn có xu hướng tăng giá trong những năm sau đó. Trong khi đó, tuy VND không bị mất giá nhiều khi khủng hoảng tài chính trong khu vực xảy ra, nhưng lại liên tục bị giảm giá kể từ năm 1996. Trong gian đoạn 1996-2008, VND bị mất giá khoảng 45% so với USD, trong khi các đồng tiền khác chỉ mất giá trong khoảng từ 18% đến 27% so với USD bất chấp một số trong số chúng đã có lúc mất giá đến gần 100% trong giai đoạn khủng hoảng.
Hình 2 - Tỷ giá đồng bản tệ so với USD của một số nước và Việt Nam giai đoạn 1980-2008 (1991=100)
Nguồn: Số liệu được tính toán bởi tác giả từ các nguồn sau:
- Số liệu các nước từ 1990-2008 là tỷ giá trung bình trong tháng 1 hàng năm tại http://www.x-rates.com
- Số liệu các nước trong hai năm 1980 và 1985 là tỷ giá trung bình năm được lấy từ http://www.wikipedia.org.
- Số liệu của Việt Nam từ 1990-2003 là tỷ giá trung bình trong tháng 12 được lấy từ Ohno, K. (2003) “Exchange Rate Management of Vietnam: Re-examinations of Policy Goals and Modality”.
- Số liệu của Việt Nam từ 2004-2008 là tỷ giá chuyển khoản ngày 1/1 hàng năm được lấy từ www.vietcombank.com.vn.
Làm thế nào để tạo uy tín cho VND?
Để tạo được uy tín cho VND, chính phủ không có một cách nào khác ngoài việc theo đuổi một số chính sách nhất quán sao cho lạm phát được kiềm chế ở mức thấp (theo kinh nghiệm thế giới nên dưới 5%) và đồng nội tệ liên tục tăng giá ở mức hợp lý so với các đồng tiền mạnh khác.
Đây là một nhiệm vụ tưởng chừng khó nhưng hoàn toàn khả thi đối với một nước đang phát triển. Kinh nghiệm của các nước đi trước như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Úc, New Zealand v.v. đã chứng tỏ điều này. Tuy nhiên để theo đuổi mục tiêu này có hai quan niệm sai lầm cần phải vượt qua.
Quan niệm sai lầm thứ nhất là về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Một số người vẫn có quan niệm cho rằng để đạt tăng trưởng kinh tế cao thì chúng ta buộc phải chấp nhận lạm phát cao. Theo tôi, đây là một quan niệm sai lầm trên cả phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn.
Trên phương diện lý thuyết, sự phát triển không ngừng của công nghệ và năng suất lao động bù đắp được sự khan hiếm tài nguyên cũng như sự gia tăng của cầu, khiến cho giá cả của rất nhiều loại hàng hóa tiêu dùng giảm hoặc tăng không đáng kể theo thời gian. Hay nói cách khác, một quốc gia có thể duy trì được tốc độ phát triển cao mà không phải đối mặt với sự tăng giá nếu nó liên tục cải thiện được năng suất lao động. Trong khi đó, nếu để lạm phát xảy ra, những tổn thất kinh tế như trình bày ở trên sẽ cản trở phát triển.
Trên phương diện thực tiễn, 4 nước trong khu vực trong minh họa của chúng ta đã duy trì được mức tăng trưởng rất cao trong thập kỷ 1980 và đầu thập kỷ 1990 với mức CPI thấp, chỉ khoảng xấp xỉ hoặc dưới 5%. Cụ thể, Hàn quốc đạt được tốc độ tăng trưởng GDP rất cao ở mức 8%-11% trong giai đoạn 1986-1990; Đài Loan ở mức trung bình 8% trong thập kỷ 1980 và 7% trong nửa thập kỷ 1990; Thái Lan đạt khoảng 8%-13% trong giai đoạn 1987-1995; và Malaysia tăng trưởng liên tục ở mức 9% trong giai đoạn 1988-1996.
Việt Nam chưa từng khi nào đạt được mức tăng trưởng ổn định cao như những nước tấm gương trong khu vực. Thời kỳ đạt tăng trưởng cao lâu nhất là giai đoạn 1992-1997 và gần đây nhất là giai đoạn 2005-2007, với mức tăng trên 8%. Trong giai đoạn tăng trưởng 1992-1997, đã có vài năm Việt Nam duy trì được CPI ở mức thấp. Nguyên do chính của hiện tượng này là trong thời gian nửa thập kỷ 1990, Việt Nam đã có những cải cách mạnh mẽ trong khu vực doanh nghiệp, dẫn đến năng suất lao động được cải thiện đáng kể. Tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2005-2007 gắn với CPI tăng ở mức cao từ 7,5% đến 8.4%, và năm 2008 CPI là 23% thể hiện tăng trưởng trong giai đoạn này không phải là do sự gia tăng năng suất lao động. Nó là kết quả của chính sách tín dụng dễ dãi.
Quan niệm sai lầm thứ hai là về ổn định tỷ giá. Tỷ giá ổn định, hay chính xác hơn, dao động trong một biên độ vừa phải là điều cần thiết cho việc xây dựng các kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, đối với một nước đang phát triển, để duy trì tỷ giá ổn định thì nhà nước cần phải can thiệp mạnh vào thị trường ngoại hối bao gồm quản lý nguồn cung, quản lý nguồn cầu và quản lý cả cách thức cung-cầu gặp nhau.
Thực ra điều này không cần thiết nếu không muốn nói là luôn tạo ra bất ổn tiềm tàng cho nền kinh tế. Trên nguyên tắc một nước đang phát triển thường có tốc độ phát triển cao hơn các nước đã phát triển, chẳng hạn Mỹ. Nên nếu quốc gia đang phát triển này duy trì được CPI ở mức thấp thì giá trị đồng tiền của quốc gia này sẽ luôn có xu hướng tăng giá so với USD. Nếu để cho dân chúng và các doanh nghiệp được tự do tham gia vào thị trường ngoại hối thì người dân nước đang phát triển sẽ có xu hướng tin tưởng vào đồng tiền của họ hơn là ngoại tệ. Họ chỉ giữ ngoại tệ khi thực sự cần, như nhập khẩu hàng hóa, đầu tư hoặc đi du lịch ra nước ngoài. Chính phủ chỉ cần thực hiện một số các chính sách kiểm soát dòng vốn ra vào quốc gia sao cho tránh được các cú sốc lớn về cung và cầu là đủ để tạo ra một tỷ giá có xu hướng ổn định.
Thực tế chứng minh điều này, các quốc gia trong khu vực sau khủng hoảng tài chính 1997-1998 đều chuyển sang chế độ tỷ giá thả nổi (trừ Malaysia chính thức thả nổi có kiểm soát từ 2006). Họ không những duy trì được tỷ giá ổn định mà còn tạo ra được đồng bản tệ có giá trị tăng dần so với USD. Và để ngăn chặn đồng tiền cuả họ tăng giá quá nhanh so với USD, ngân hàng trung ương của các quốc gia này đã phải liên tục mua vào ngoại tệ. Kết quả là họ đều đã tích lũy được một lượng ngoại tệ khổng lồ để đối phó với các bất ổn.
Xây dựng đồng bản tệ có uy tín là một công việc trong tầm tay của Việt Nam. Công việc này đòi hỏi phải vượt qua một số những trở ngại trong một thời gian dài. Một ngân hàng trung ương độc lập cam kết duy trì lạm phát thấp, chấp nhận chế độ tỷ giá thả nổi (có kiểm soát) và một chính phủ quyết tâm phát triển kinh tế bằng cải thiện năng suất lao động là những điều kiện cần để tạo uy tín thực sự cho VND.
Nguồn: SGTT, tháng 1, 2010. Link khác: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/con-duong-tao-uy-tin-cho-dong-viet-nam-1265368391.htm