Bi kịch của nhà nước phúc lợi

Bi kịch của nhà nước phúc lợi

Có nhiều cách tiếp cận về nhà nước phúc lợi chỉ quan tâm duy nhất vào ý định của những người ủng hộ nó, hoặc chỉ đơn thuần đưa ra những mô tả về các chương trình phân phối lại thu nhập hiện hành. Bài luận này dựa vào kinh tế học về tài nguyên chung để xem xét nhà nước phúc lợi như một hệ thống động và tiến hoá, theo đó “bi kịch tài nguyên chung” đã tạo nên những động lực dẫn đến sự kiệt quệ của chính nó.

*

Nhà nước phúc lợi có nét gì đó giống như việc đánh bắt cá. Nếu không ai sở hữu và chịu trách nhiệm về số cá trong hồ, nhưng mỗi người lại được sở hữu tất cả những con cá mà mình bắt được từ hồ, thì mọi người sẽ cố bắt càng nhiều cá càng tốt. Họ lý luận rằng “Tôi mà không bắt thì người khác cũng bắt mất”. Mỗi người trong chúng ta đều biết nếu bắt nhiều cá bây giờ nghĩa là hồ sẽ hết cá, nhưng kèm với đó là suy nghĩ: những người khác cũng sẽ bắt mặc kệ tôi không bắt; chẳng ai trong chúng ta có động lực để hạn chế việc bắt cá và để cho số lượng cá kịp tự tái sinh.1 Cá bị bắt nhanh hơn cá đẻ được; hồ sẽ hết cá; và cuối cùng thì mọi người đều thiệt.

Các nhà môi trường, các kinh tế gia và các nhà khoa học chính trị gọi đó là “bi kịch tài nguyên chung”. Đây là một vấn đề nghiêm trọng và là căn nguyên gây ra những cuộc khủng hoảng môi trường đang thách thức thế giới hiện nay, từ nguồn thuỷ sản đại dương cạn kiệt cho đến ô nhiễm không khí và nguồn nước cùng nhiều vấn đề khác. Nhưng bi kịch này không chỉ giới hạn trong những vấn đề về môi trường. Nhà nước phúc lợi hoạt động cũng như một thứ tài nguyên chung, và tấn bi kịch đang mở dần ra khi bạn đọc bài này. Trong các nhà nước phúc lợi hiện đại, mỗi người đều có động lực để hành động như những ngư phủ vô trách nhiệm chuyên bắt cá từ hồ, chỉ khác mỗi điểm rằng nguồn tài nguyên chúng ta đang vơ vét chính là từ những người khác. Mỗi người tìm cách lấy nhiều nhất có thể từ những người hàng xóm của mình, nhưng cùng lúc đó những người hàng xóm cũng đang cố sức để lấy nhiều nhất có thể từ anh ta. Nhà nước phúc lợi thể chế hoá cái mà kinh tế gia người Pháp Frederic Bastiat gọi là “tước đoạt lẫn nhau”.

Bởi chúng ta có thể tước đoạt lẫn nhau nên chúng ta lập luận “Nếu tôi không nhận khoản trợ cấp đấy từ chính phủ thì người khác cũng lấy mất”, và mỗi người đều có động lực để khai thác nguồn lực chung đó đến mức kiệt quệ. Họ biện minh cho việc nhận tiền từ ngân quỹ của chính phủ về nhà mình là họ “chỉ lấy lại những khoản họ đã đóng thuế”, ngay cả khi có một số người còn nhận  nhiều hơn những gì bị lấy đi. Mỗi người đều có động lực để chiếm đoạt. Bi kịch này có một khía cạnh không có trong trường hợp nguồn thuỷ sản cạn kiệt: bởi vì chúng ta vơ vét lẫn nhau, chúng ta không chỉ tiêu tốn nguồn lực để vơ vét những người hàng xóm mà chúng ta còn tiêu tốn cả nguồn lực để tránh bị vơ vét lại từ chính những người hàng xóm đấy, điều này khiến cho tất cả chúng ta đều thiệt đi theo nghĩa đó. Chúng ta không chỉ bị tước đoạt, mà chúng ta còn bị tước đoạt vượt trên tất cả các mức giới hạn cho phép. Kết cục là sự kiệt quệ. Đó chính là nơi mà chúng ta đang tiến đến cùng với những nhà nước phúc lợi:

♦ Các chính phủ đã hứa hẹn vô vàn lợi ích với rất nhiều nhóm cử tri, bằng cái giá mà các nhóm khác mất đi. Đó là lý do,khiến các hệ thống như thế không bền vững, nhưng không ai trong số những hưởng lợi này lại muốn từ bỏ lợi ích của họ. Chúng ta có thể cũng từ bỏ nếu được hưởng thuế thấp hơn, nhưng chúng ta thậm chí còn không có lựa chọn đó. Các chính phủ có thể vay tiền và lùi việc thu thuế lại muộn hơn đến sau kì bầu cử kế tiếp, lúc đó họ thậm chí còn hứa nhiều hơn để tạo nguồn ngân sách bằng việc vay tiền nhiều hơn.

♦ Người hưởng trợ cấp hưu trí yêu cầu tăng khoản trợ cấp từ nhà nước và thậm chí còn lập luận rằng đấy chỉ là trả lại những gì đã được góp vào. Những khoản trợ cấp hưu trí này được chu cấp dựa trên nền tảng “PAYGO” (“Pay-As-You-Go”), nghĩa là các khoản thuế lấy từ những người lao động hiện tại dùng để trả cho những người hưởng trợ cấp hiện tại. Bất kỳ khoản thặng dư thuế nào vượt trên mức chi tiêu đều được “đầu tư” vào trái phiếu chính phủ, nghĩa là hứa hẹn sẽ không đụng gì đến những khoản thuế tương lai. Đó cũng chính là bản chất của “Quỹ Tín thác An sinh Xã hội” của chính phủ Mỹ: một “phiếu ghi nợ” (IOU) khủng “được nhét vào ngăn kéo cuối cùng trong kho văn thư không ai biết đến của chính phủ.”3 Thực sự là không có “Quỹ Tín thác” nào hết. Đó là một cái bẫy khổng lồ. Ngày nay những người trẻ bị buộc phải chi trả cho khoản hưu trí của ông bà họ, của bố mẹ họ, và nếu như họ còn sót lại chút tiền nào, họ cũng phải tạo nguồn cho khoản hưu trí của chính họ. Mô hình trợ cấp hưu trí của nhà nước không khác gì về cấu trúc so với ”mô hình kim tự tháp” kinh điển, thường được biết đến như là “mô hình Ponzi” hoặc “Chain Letter” [viết thư dây chuyền – ND], thường yêu cầu cơ số những người trả tiền càng ngày càng nhiều hơn; khi quá trình này ngừng lại, kim tự tháp sẽ sụp đổ. Các chính phủ có thể trì hoãn kết cục không thể tránh khỏi này bằng cách in thêm tiền hoặc vay thêm tiền, nhưng suy cho cùng vẫn chỉ là một sự trì hoãn mà thôi, và với với mỗi lần trì hoãn thì tình hình ngày càng xấu đi. Giờ đây bạn có thể nghe thấy tiếng lạo xạo của sự sụp đổ rồi đấy.

♦ Người nông dân yêu cầu một khoản hỗ trợ cho các vụ mùa của anh ta, dẫn đến phí tổn từ thuế của người công nhân xe hơi; các hãng xe hơi và công nhân xe hơi yêu cầu “bảo hộ” trước những mặt hàng nhập khẩu hợp túi tiền hơn, cũng như những khoản cứu trợ cho các hãng thua lỗ. Những hạn chế thương mại làm tăng giá mua xe của người nông dân và những khoản cứu trợ cho các hãng xe hơi thua lỗ làm tăng thuế mà người nông dân phải trả. Công nhân xe hơi bị tước đoạt vì lợi ích của người nông dân và người nông dân bị tước đoạt vì lợi ích của công nhân xe hơi. Vòng tròn của sự tước đoạt lẫn nhau này cứ xoay vòng, theo đó phần lớn những “người thắng” trở thành “kẻ thua” sau khi vòng quay hoàn tất. (Dĩ nhiên, một số người chuyên thao túng hệ thống chính trị và có điều kiện thương lượng với nhóm “quí tộc cánh hẩu” (auristocracy of pull)4 – theo cách gọi của Ayn Rand – sẽ kiếm chác được nhiều hơn. Những hãng có quan hệ chính trị ở phố Wall như Goldman Sachs, những hãng nông sản khổng lồ như Archer Daniels Midland, và các hãng khác sẽ kiếm được lợi nhuận một cách sạch sẽ từ nhóm “quí tộc cánh hẩu”.)

♦ Chúng ta bị nhầm hệ thống thuế thành hệ thống “bảo hiểm” y tế (Ở Mỹ các khoản trả cho bảo hiểm tư nhân được trích từ tiền lương, trong khi các khoản thuế tiền lương tạo nguồn cho chương trình “Chăm sóc y tế” (Medicare), và ở Châu Âu các khoản bảo hiểm tư nhân này trích từ thuế và trong một số trường hợp là trích từ các nhà cung cấp bảo hiểm tư nhân); kiểu “gây quỹ cho bên thứ ba” này ảnh hưởng đến số lựa chọn khả dĩ của chúng ta. Do những “kiểu bảo hiểm” trả trước như vậy chuyên để trả cho chăm sóc định kì, cũng như các trường hợp nghiêm trọng (ví dụ như chấn thương do tai nạn xe hơi, bị chẩn đoán ung thư hoặc ốm nặng), chúng ta phải xin phép nhà cung cấp bảo hiểm, dù là tư nhân hay nhà nước, trước khi chúng ta được chữa trị. Thông thường thì cụm tử "bảo hiếm sức khoẻ" không mang nghĩa "bảo hiểm” mặc dù nó được gọi như vậy; thực chất nó là dịch vụ chăm sóc y tế trả trước, và điều này kích thích người tiêu dùng lạm dụng nó, và cũng khuyến khích các chính phủ và các công ty bảo hiểm giám sát người tiêu dùng để đánh giá xem liệu chúng ta có đạt yêu cầu để nhận được hỗ trợ hay không. Trong vai người tiêu dùng nhưng chúng ta không thể áp dụng những lựa chọn tương tự như với các mặt hàng quan trọng khác, vì thế chúng ta buộc phải hành động như những người được nhận hỗ trợ hơn là những khách hàng thực sự, và càng ngày việc chăm sóc y tế càng được phân phát bởi những nhà quản lý hơn là được mua bán bởi khách hàng.

Lợi ích dành cho các nhóm thì cụ thể và mang tính tập trung, còn chi phí thì lại được trải rộng trên một số lượng rất lớn người đóng thuế và người tiêu dùng. Điều này khuyến khích những người thụ hưởng tìm cách được nhận thêm nhiều hơn, trong khi những người bị tước loại lại có rất ít động lực để bảo vệ ích lợi của họ. Mọi người đều nghĩ là mình may mắn khi nhận được một phần lợi ích mà quên đi chi phí mà mình đã đặt lên vai những người khác; khi mỗi người đều hành hành động theo kiểu này, chi phí trở nên khổng lồ. Người nghèo rơi vào cảnh cùng quẫn bởi vì  lợi ích rơi xuống họ chẳng khác nào nhựng giọt bố thí, trong khi sự nghèo đói cùng cực của họ là do nhà nước phúc lợi kéo dài ra mãi và bị đào sâu thêm bởi sự chuyển dịch ngầm của cải từ kẻ yếu hèn sang cho kẻ có quyền thế nhờ các chính sách bảo hộ, cấp phép, và chính sách hạn chế tự do lao động; những đặc quyền đặc lợi mà nhóm quyền thế, có học vấn, có tiếng nói tạo ra cho chính mình chính là sự bòn rút từ người nghèo hèn, ít học vấn, không có tiếng nói và quyền lực trong xã hội.

Hình ảnh người nhập cư bị bêu xấu một cách có hệ thống vì “họ ở đấy để lấy đi lợi ích phúc lợi của chúng ta”. Thay vì chào đón người mới đến để tạo thịnh vượng, các đối tượng của nhà nước phúc lợi hành động để bảo vệ “lợi ích phúc lợi” của mình bằng cách loại trừ những người nhập cư tiềm năng và bêu xấu họ như thể đám châu chấu và bọn cướp ngày.5 Cùng lúc đó, giới chóp bu chính trị lớn tiếng tuyên bố rằng họ đang giúp những người nghèo ở nước ngoài bằng cách lấy tiền từ những người đóng thuế để cấp vốn cho “ngành công nghiệp viện trợ” quốc tế mang tính ăn bám, bằng cách phá giá một khối lượng khổng lồ thặng dư nông nghiệp được tạo ra từ các chính sách phúc lợi (như trợ cấp cho nông dân bằng cách đảm bảo giá sàn cho sản phẩm của họ), và bằng cách cấp bổng lộc phi pháp cho các chính phủ chuyên chế: tóm lại là bằng cách quốc tế hoá nhà nước phúc lợi. Toàn bộ quá trình này là một thảm hoạ; nó làm sói mòn trách nhiệm giải trình dân chủ ở các quốc gia đang phát triển bởi  những nhà lãnh đạo chính trị hiểu rằng họ cần giải đáp những mối quan tâm của chủ nhân các khoản viện trợ nước ngoài thay vì công dân trong nước và người nộp thuế; nó tiếp tục dung dưỡng bạo chúa (warlordism) và nội chiến; cũng như phá hoại các thể chế hữu năng (productive institutions) bản địa.6

Trong một hệ thống tước đoạt lẫn nhau (và chống lại tước đoạt) với qui mô khổng lồ, mọi công dân bị kích thích chống lại nhau và chống lại người nhập cư, còn các cơ quan công quyền thì mở rộng lãnh địa kiểm soát của mình, vừa sảnh sinh vừa dung dưỡng những nhóm lợi ích chính trị duy trì sự tồn tại của mình.

Nhưng tước đoạt lẫn nhau không chỉ là đặc tính nổi bật của nhà nước phúc lợi hiện đại. Nó còn gây ra hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác, mỗi cuộc khủng hoảng là một hậu quả không lường trước của những chính sách ngu ngốc được thông qua nhờ các biện minh chính trị của các chính trị gia vốn không phải gánh chịu hậu quả cho các chính sách của mình. Hai cuộc khủng hoảng [tài chính và nợ công - ND] đang bóp nghẹt thế giới khi tôi viết những dòng này.

Khủng hoảng tài chính và nhà nước phúc lợi

Cuộc khủng hoảng tài chính nổi lên ở giao điểm giữa các động cơ của con người và các động lực tồi. Những động lực tồi này được tạo nên bởi các chính sách ngu ngốc, tất cả chúng đều có thể truy nguồn từ cái triết lý rằng mục đích của chính phủ là kiểm soát hành vi của chúng ta, để lấy từ Peter và đưa cho Paul, và để dành lấy phần trách nhiệm của chính cuộc sống chúng ta.7 Những mầm mống của cuộc khủng hoảng hiện nay được gieo từ năm 1994 khi bộ máy hành chính Mỹ thông báo về một chương trình đồ sộ nhằm tăng tỷ lệ sở hữu nhà riêng của Mỹ từ 64% lên tới 70% dân số, thông qua “Quan hệ đối tác quốc gia trong sở hữu nhà riêng” (National Partnership in Homeownership), một mối quan hệ đối tác giữa chính phủ liên bang với ngân hàng, nhà xây dựng, nhân viên tài chính, nhân viên địa ốc và những nhóm có lợi ích đặc biệt. Như Gretchen Morgenson và Joshua Rosner ghi lại trong Reckless Endangerment: How Outsized Ambition, Greed, and Corruption Lead to Economic Armageddon [Sự đe doạ nguy hiểm: Làm cách nào mà những Tham vọng Quá mức, Lòng tham và Tham nhũng dẫn đến Ngày tận thế Kinh tế], “Mối quan hệ đối tác đạt được mục tiêu của nó bằng cách “khiến cho sở hữu nhà riêng dễ dàng hơn, mở rộng hình thức cấp vốn sáng tạo, đơn giản hoá quy trình mua nhà, giảm chi phí giao dịch, sử dụng những phương pháp thiết kế tiện lợi và xây dựng những ngôi nhà bớt đắt đỏ hơn, cùng với nhiều phương thức khác”.8 Sự mở rộng này của nhà nước phúc lợi nghe chừng như rất hợp lý với nhiều người. Tại sao nhân dân lại không nên sở hữu nhà riêng của chính họ chỉ vì họ không tiết kiệm đủ cho khoản đặt cọc? Hoặc không có hồ sơ tín dụng tốt? Hoặc không có công việc?

Tại sao không làm cho việc sở hữu nhà trở nên “dễ dàng hơn” bằng việc “cấp vốn sáng tạo”? Các đại diện của chính phủ, ví dụ như Uỷ ban nhà ở Liên bang và “các doanh nghiệp được chính phủ tài trợ” như Hiệp hội tài sản thế chấp quốc gia Liên bang (Federal National Mortgage Association –“Fannie Mae”) được chỉ đạo để biến những người đi thuê thành những người sở hữu bằng cách giảm tỷ lệ đặt cọc, giảm mạnh tiêu chuẩn cho vay của các ngân hàng, tăng khối lượng tiền chảy vào thị trường nhà ở bằng cách mua và “chứng khoán hoá” nhiều bất động sản hơn; cũng như đóng vai trò khởi xướng cho nhiều biện pháp khác nữa. Đây là một nỗ lực lưỡng đảng (bipartisan effort – có sự ủng hộ của cả hai đảng- ND) trong việc kiến dựng xã hội. Uỷ ban nhà ở Liên bang dưới sự điều hành của chính quyền Bush đề xuất những món bảo hiểm tiền vay cho các khoản thế chấp bất động sản với tỷ lệ đặt cọc 0%. Như Alphonso Jackson, quyền thư ký của Cục nhà ở và phát triển đô thị đã mạnh miệng quả quyết vào năm 2004: “Đề xuất của Hiệp hội bất động sản quốc gia Liên bang về tài sản thế chấp không cần tiền đặt cọc sẽ mở ra cánh cửa cho việc sở hữu nhà của hàng trăm nghìn gia đình Mỹ, đặc biệt là các nhóm thiểu số”. Ông cũng bổ sung rằng “Chúng tôi không áp thêm bất kì chi phí nào cho những người đóng thuế”.9

Chính phủ Mỹ đã chủ ý làm suy yếu có hệ thống những tiêu chuẩn ngân hàng truyền thống và khuyến khích – mà thực ra là – yêu cầu tăng thêm các khoản vay rủi ro. Các khoản rủi ro nào tốt lên thì sẽ trở thành lợi nhuận cá nhân, còn các khoản rủi ro nào xấu đi thì sẽ rơi xuống đầu những người đóng thuế, bởi vì “một nhà băng đối mặt với những yêu cầu lỏng lẻo này có thể sẽ trút bỏ bất kỳ khoản cho vay mạo hiểm nào xuống các doanh nghiệp được chính phủ tài trợ chịu trách nhiệm cho việc tạo nguồn tài chính cho tài sản thế chấp nhà ở cho hàng triệu người Mỹ”.10 Lợi nhuận mang tính cá nhân và các khoản lỗ được xã hội hoá chính là đặc trưng cho sự giao thoa giữa chủ nghĩa nhà nước phúc lợi và chủ nghĩa thân hữu (cronyism).

Giá nhà cứ tăng lên, lên mãi, khi ngày càng nhiều tiền được bơm vào địa ốc. Nó kiểu như một bữa tiệc. Mỗi người đều cảm thấy giàu hơn vì giá nhà ở của họ tăng nhanh như tên lửa. Người dân lấy các “bất động sản thế chấp được điều chỉnh lãi suất” ra để mua những căn nhà lớn hơn khả năng chi trả của họ, vì họ kì vọng sẽ bán được chúng trước khi lãi suất tăng thêm lần nữa. Tín dụng trở nên dễ dãi và người Mỹ lại thế chấp bất động sản thứ hai của họ để lấy tiền chi cho các kì nghỉ và mua du thuyền. Nhiều và nhiều căn nhà được xây với kì vọng rằng giá cả sẽ tăng mãi. Kết quả là một bong bóng địa ốc với qui mô khổng lồ. Người dân mua nhà để “bơm” (flip) nó lên và bán lại cho người mua sau. Trong khi đó, các nhà quản lý tài chính của chính phủ toàn cầu[i] đều xếp hạng rủi ro thấp cho các khoản vay thực chất là có rủi ro rất cao, bao gồm cả nợ chính phủ lẫn các chứng khoán bảo đảm bằng tài sản thế chấp (mortgage-backed securities).11 Ngân hàng Đức mua lại nợ chính phủ của Hy Lạp và ngân hàng ở Mỹ cũng như ngân hàng trên toàn thế giới mua chứng khoán bảo đảm bằng tài sản thế chấp mà họ bị định hướng để tin là chúng được bảo đảm bởi chính phủ Mỹ.

Các chính sách can thiệp của chính phủ Mỹ làm cho việc sở hữu nhà riêng trở nên dễ chi trả hơn, mở rộng hình thức “cấp nguồn sáng tạo”, phá huỷ các nghiệp vụ ngân hàng lành mạnh kèm theo sự ngạo mạn của các nhà quản lý tài chính của chính phủ toàn cầu, những người tự tin cho rằng họ biết kích cỡ thực của rủi ro – còn những người tham gia thị trường với tiền túi của mình thì chẳng biết gì. Kết quả là hệ thống tài chính toàn cầu bị đầu độc bởi những khoản cho vay rủi ro, các khoản nợ xấu và các tài sản độc hại, với một kết cục thảm hoạ. Số các khoản nợ có tài sản thế chấp mất khả năng chi trả (mortgage defaults) bắt đầu tăng khi lãi suất tăng, và các chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp có “rủi ro thấp” mà các định chế được khuyến khích mua rốt cục có rủi ro không thấp chút nào. Các khoản tiết kiệm bị xoá sạch, các chủ nhà nhận ra tự họ không đủ khả năng thanh toán tài sản thế chấp, các định chế tài chính sụp đổ, còn sản lượng kinh tế thì sa sút. Hàng loạt sự bóp méo động lực (gây ra bởi cả hệ thống của sự can thiệp)[ii] trong cả địa ốc và thị trường tài chính bị đem ra đổ lỗi, tuy nhiên nếu không có chính sách của nhà nước phúc lợi Mỹ đối với việc “làm cho nhà ở trở nên dễ chi trả hơn” và “cấp vốn sáng tạo” thì khủng hoảng tài chính có lẽ đã không xảy ra. Cú lật nhào của đoàn tàu tài chính toàn cầu là kết quả của một chính sách tồi dựa trên một chính sách tồi khác; một cú lật nhào được tạo nên từ lực đẩy của nhà nước phúc lợi.12

Khủng hoảng nợ và nhà nước phúc lợi

Trong khi chính phủ Mỹ và một số nước châu Âu đã điên cuồng bơm nên một quả bong bóng địa ốc khổng lồ, sự bùng nổ chi tiêu của các chương trình nhà nước phúc lợi cho trợ cấp hưu trí, chăm sóc y tế cũng như nhiều chương trình khác đã nhấn chìm các chính phủ trên thế giới vào một cuộc khủng hoảng nợ. Rất nhiều sự chú ý được tập trung vào mức tăng khổng lồ của nợ chính phủ, hiển nhiên là nó đang trong giai đoạn lảo đảo. Cùng lúc đó, những con số trên vẫn còn nhỏ khi so với những ngọn núi các khoản nợ không có nguồn chi trả, nghĩa là, những lời hứa hẹn được dành tặng cho các công dân và họ đang dựa vào đó, không có nguồn vốn chi trả tương ứng. Nếu một hãng tư nhân chẳng may định hướng nhầm cho công chúng và những người chủ của mình về qui mô các nghĩa vụ của hãng, giống như các chính phủ vẫn thường làm một cách có hệ thống, thì các nhân viên của hãng đó sẽ bị bỏ tù về tội lừa đảo. Các chính phủ điều hành nhằm tự miễn bản thân họ khỏi những nghiệp vụ ngân hàng lành mạnh, định hướng lệch lạc một cách có chủ ý và có hệ thống cho công chúng về các nghĩa vụ mà họ đang trút lên vai của những người đóng thuế trong tương lai. Các chính phủ nhận thấy thật dễ dàng khi hứa trong hôm nay là sẽ trả tiền trong ngày mai. Nhưng mà tương lai thì đang đến rất nhanh.

Kinh tế gia Jagadeesh Gokhale và Kent Smetters đã tính toán một cách khá thận trọng trong năm 2006 rằng tổng mất cân bằng ngân sách liên bang của chính phủ Mỹ năm 2012 sẽ vào khoảng 80 nghìn tỷ đô la. Mất cân bằng ngân sách (budgetary imbalance) được định nghĩa là “sự khác biệt theo giá trị hiện tại giữa những thứ mà chính phủ dự báo sẽ chi theo luật hiện hành cho tất cả các lĩnh vực chi tiêu – khánh tiết, quốc phòng, đường xá và tất cả những thứ khác – và những thứ được dự báo sẽ thu về dưới dạng các loại thuế trong tất cả các tài khoản doanh thu”.13 Đấy là trong năm 2006; Gokhale hiện giờ đang cập nhật các con số mà ông dự báo sẽ còn cao hơn. Như Gokhale đã viết: “Bổ sung thêm chi phí trông-giống-như chăm sóc sức khoẻ kèm theo luật chăm sóc sức khoẻ mới thì con số này có lẽ là quá lạc quan, nhưng chúng ta không biết cho đến khi dự báo của chúng ta hoàn chỉnh. Với châu Âu, tôi ước lượng một sự mất cân bằng  ngân sách chung của khu vực vào khoảng 53,1 nghìn tỷ euro vào năm 2010. Tức là 434% của GDP hàng năm của 27 nước EU, tức khoảng 12,2 nghìn tỷ euro. Thật ra đây cũng là một sự ước lượng dưới mức vì các dự báo chỉ được thiết lập cho đến năm 2050 (không như các dự báo Mỹ thường vươn đến vô chừng)”.14

Điều này có nghĩa là những lời hứa hẹn này không thể được thực hiện và sẽ không được thực hiện. Các loại thuế dù có tăng đến mức không tưởng cũng chỉ đủ tài trợ một phần nhỏ cho những lời hứa hiện hành. Các chính phủ thậm chí còn trượt xa hơn, không chỉ quịt trả các khoản nợ công khai của họ (các trái phiếu nắm giữ bởi các chủ nợ) mà còn cự tuyệt luôn các khoản trợ cấp, chăm sóc sức khoẻ cũng như các lợi ích khác của công dân. Họ đã lừa dối các công dân của mình hàng năm trời về tình hình tài chính, và những lời nói dối chỉ bị phơi bày khi mà những lời hứa hẹn sụp đổ bởi vì chúng không thể được thực hiện, như chúng ta đang thấy câu chuyện rõ ràng hiện nay ở Hy Lạp. Một cách để cự tuyệt những lời hứa hẹn của mình là cho bật máy in lên và thanh toán cho họ bằng những cột toàn tiền giấy, với thật nhiều chữ số 0 trên mỗi tờ giấy mà nói thẳng ra là những đơn vị tiền tệ ở đó những hứa phiếu được chi trả sẽ mất giá một cách nhanh chóng. (Lạm phát đặc biệt có hại khi bị xem như một phương tiện để xử lý với nợ vì vừa bóp méo hành vi vừa đổ gánh nặng không tương xứng cho những người nghèo và những người không bảo vệ được bản thân mình.) Các nhà nước phúc lợi mà chúng ta biết có thể bị sụp đổ ở tốc độ chậm ở một số nước, nhanh hơn ở một số nước khác nhưng tất cả chúng đều đang trên đà sụp đổ, và như thường lệ gánh nặng phần lớn sẽ trút lên những người không có quan hệ chính trị và không đủ sự khôn ngoan để tránh hậu quả.

Rất nhiều người phản ứng dữ dội trước những sự thật này bằng cách liệt kê lại những ý định của nhà nước phúc lợi (mà không tính đến trước hậu quả). “Mục tiêu của chúng tôi là giúp đỡ nhân dân; chúng tôi không cố ý hướng đến việc phá hỏng hệ thống tài chính thế giới khi cố làm cho địa ốc dễ chi trả hơn và hạ thấp tiêu chuẩn ngân hàng; cũng thế, chúng tôi không có ý làm đất nước chúng ta phá sản."15 Họ nói vậy đấy. Như nhà triết gia Daniel Shapiro đã nhận xét rất tinh tế rằng: “không thể thỏa đáng khi đặc trưng các định chế bằng các mục tiêu của chúng”. Các mục tiêu tốt đẹp nhất trên thế giới, nếu kết hợp với động lực tồi thông qua các thể chế sai lầm, có thể tạo ra những kết quả tồi tệ.16 Các ý định nhằm biện hộ cho nhà nước phúc lợi không liên quan đến kết quả các chính sách của họ.17

Phần lớn các “triết lý chính trị”, theo cách khái niệm này thường xuyên được áp dụng, là về việc so sánh một thể chế là đúng hay sai với một thể chế khác. Điều này, thẳng thắn mà nói, là rất không hữu ích cho nhiệm vụ kiến tạo các thể chế thực sự hoạt động, bền vững, mà cũng chỉ cần thế mà thôi. Để đạt được điều này chúng ta cần làm nhiều hơn việc chỉ đơn thuần so sánh các thể chế; chúng ta cần lịch sử, kinh tế học, xã hội học và khoa học chính trị chứ không phải đơn thuần lý thuyết đạo đức đã xa rời thực tiễn.

Tương Lai đang lâm nguy, nhưng chưa mất hẳn

Các nhà nước phúc lợi hiện nay chịu trách nhiệm trực tiếp cho hai cuộc khủng hoảng kinh tế lớn đang xiết chặt thế giới: cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước trên thế giới về mức âm ở nhiều quốc gia và quét sạch hàng ngàn tỷ đô la giá trị tài sản, và khủng hoảng nợ đang làm rung chuyển châu Âu và đe doạ sẽ làm suy sụp một vài trong số các chính phủ quyền lực nhất thế giới, một số đồng tiền và các hệ thống tài chính. Thậm chí kể cả những điều tốt đẹp nhất trong các ý định cũng có thể tạo ra hậu quả tệ hại khi được triển khai qua những động lực và thể chế sai lầm.

Dù sao thì câu chuyện cũng không toàn là suy tàn và ảm đạm. Chúng ta có thể thoát ra khỏi sự ảnh hưởng của nhà nước phúc lợi và những khoản nợ rên xiết, thói quan liêu đáng xấu hổ cũng như sự tước đoạt quay vòng. Sẽ chẳng dễ dàng gì và nó có nghĩa rằng phải tập hợp lòng can đảm để đứng lên chống lại các lợi ích riêng và các chính trị gia thao túng. Những người tuyên bố trên đường phố rằng họ chống lại “cắt giảm ngân sách” (thường là các biện pháp cắt giảm đơn thuần trong tốc độ tăng chi tiêu) thực ra là đang tuyên bố chống lại số học. Bạn không thể cứ cộng những con số âm với những con số âm mà lại ra được một tổng dương; những con số không tự nhiên sinh ra thêm. Chúng ta cần những tuyên bố trên đường phố dựa trên lý trí, dựa trên trách nhiệm tài khoá, dựa trên sự chấn hưng nhà nước, dựa trên sự giải phóng và trao quyền cho nhân dân để họ tự quyết định tương lai của chính mình. Chúng ta cần thu hẹp lại quyền lực nhà nước cho đến khi nó chỉ hạn chế trong việc bảo vệ quyền lợi của chúng ta, thay vì ra sức "chăm sóc" chúng ta. Chúng ta cần những quyết định sáng suốt về năng lực của nhà nước. Chúng ta cần chấm dứt nhà nước phúc lợi.  

Nguồn: The Tragedy of the Welfare State trong cuốn After the Welfare State, edited by Tom G. Palmer, Jameson Books, Inc., 2016

Chú thích của người dịch:

[i] Chính phủ toàn cầu ở đây được hiểu là chính phủ Mỹ, tác giả gọi với hàm ý châm biếm về sự tự tin của chính phủ Mỹ.

[ii] Người dịch chủ động thêm dấu ngoặc kép để bản dịch được sát nghĩa hơn.

Chú thích của tác giả:

(1) “Nếu đất đai không được sở hữu bởi bất kỳ ai, dù rằng về mặt hình thức pháp lý có thể gọi đó là tài sản công cộng, nó vẫn được sử dụng nhưng sẽ không có những cân nhắc đến những kết quả tiêu cực. Những người ở vị thế này khai thác đất đai để mang lại lợi ích cho riêng họ – từ gỗ và thịt thú rừng, cá của những vùng có nước hay các mỏ khoáng sản ở lớp đất mặt – mà không bận tâm đến những hiệu ứng sau đó từ cách khai thác của họ. Đối với họ, sự xói mòn đất, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên khan hiếm và các sự suy giảm khác đối với lợi ích mai sau đều là những chi phí ngoại biên không đưa vào trong tính toán về đầu vào và đầu ra. Họ đốn hạ cây xanh mà không quan tâm đến những chồi non mới mọc hay sự suy thoái rừng. Trong săn bắn và đánh bắt cá, họ không loại bớt các phương thức khai thác gây hại cho sự tái sinh sản của sinh vật trên các vùng săn bắn và đánh bắt.” Ludwig von Mises, Human Action: A Treatise on Economics [Hành động con người: Một khảo luận về Kinh tế học], 4 quyển  biên tập bởi Bettina Bien Greaves (Indianapolis: Liberty Fund, 2007). Quyển 2, chương 6: The Limits of Property Rights and the Problems of External Cost and External Economies [Các giới hạn về quyền tài sản và các vấn đề về chi phí ngoại biên và tính kinh tế ngoại biên]. Truy cập từ oll.libertyfund.org/title/1894/110599 , ngày 23/04/ 2012.

(2) Frederic Bastiat, Selected Essays on Political Economy [Những bài luận tuyển chọn về Kinh tế chính trị], dịch bởi Seymour Cain và biên tập bởi George B. de Huszar, lời giới thiệu của F.A.Hayek (Irvington-on-Hudson: Foundation for Economic Education, 1995). Chương 5: The State [Nhà nước]. Truy cập từ oll.libertyfund.org/title/956/35453 ngày 02/04/2012.

(3) “Quỹ tín thác An sinh xã hội nằm trong tủ đựng hồ sơ ở West Verginia”, USA Today, 28 Tháng Hai năm 2005, www.usatoday.com/news/washington/2005-02-28-trust-fund_x.htm.

(4) Ayn Rand, Atlas Shrugged [Thần Atlas nhún vai] (New York: Signet, 1985), trang 381- 382.

(5) Rất nhiều các tuyên bố về những người nhập cư thực tế là không chính xác, ví dụ như những người nhập cư ở Mỹ, ít nhất là những người điển hình trả cho các nhà nước phúc lợi dưới dạng thuế nhiều hơn những lợi ích họ nhận được và trong quá khứ đã từng đóng góp rất nhiều cho sự năng động của nền kinh tế và sự thịnh vượng của các xã hội mà họ di cư đến thông qua việc kiến tạo nên những doanh nghiệp mới. Những vấn đề này được bàn đến trong chương ba của cuốn sách Jason L.Riley, Let Them In: The Case for Open Borders [Hãy để họ vào: Trường hợp của những biên giới mở] (New York: Gotham Books, 2008), trang 91 đến trang 125.

(6) Tầm ảnh hưởng quốc tế của nhà nước phúc lợi cũng gây ra những hậu quả khủng khiếp, đã được ghi chép lại trong một loạt nghiên cứu, bao gồm của Dambisa Moyo, Dead Aid: Why Aid Is Not Working and How There is Anthoer Way for Africa [ Viện trợ chết: Tại sao viện trợ lại không hoạt động và Làm cách nào mà vẫn có một con đường khác cho Châu Phi] (London: Allen Lane, 2009); Graham Hancock, Lords of Poverty: The Power, Prestige, and Corruption of the International Aid Business [Những vị chúa tể của nghèo đói: Quyền lực, uy tín và tham nhũng trong ngành kinh doanh viện trợ quốc tế] (New York: Atlantic Monthly Press, 1989); và Michael Maren, The Road to Hell: The Devastating Effects of Foregin Aid and International Charity [Đường xuống địa ngục: Hiệu ứng huỷ diệt của viện trợ nước ngoài và từ thiện quốc tế](New York: The Free Press, 1997) trong số rất nhiều các công trình quan trọng. Một nghiên cứu tiên phong trong tác động của viện trợ quốc tế là P.T.Bauer, Dissent of Development [Sự bất đồng trong phát triển] (Cambridge, MA: Havard University Press, 1976).

(7) Xem thêm những cuộc tranh luận về trách nhiệm và quyền lực nhà nước trong David Schmidz và Robert E.Goodin, Social Welfare and Individual Responsibility: For and Against [Phúc lợi xã hội và Trách nhiệm cá nhân: Ủng hộ và Phản đối] (Cambridge: Cambridge University Press, 1998).

(8) Gretchen Morgenson và Joshua Rosner, Recless Endagerment: How Outsized Ambition, Greed and Corruption Led to Economic Armegeddon [Sự đe doạ liều lĩnh: Làm thế nào mà những tham vọng quá mức, Lòng tham và Tham nhũng dẫn đến Ngày tận thế Kinh tế] (New York: Times Books, Henry Holt và đồng sự, 2011), trang 2-3.

(9) Lew Sichelman, “Bush to Offer Zero Down FHA Loan”, Realty Times, 20 tháng Một, 2004, http: //realtytimes.com/rt-pages/20040120_zerodown.htm.

(10) Gretchen Morgenson và Joshua Rosner, Recless Endagerment: How Outsized Ambition, Greed and Corruption Led to Economic Armegeddon [Sự đe doạ liều lĩnh: Làm thế nào mà những tham vọng quá mức, lòng tham và tham nhũng dẫn đến ngày tận thế kinh tế], trang 38.

(11) “Bất kì một khoản thế chấp nào mà một GSE [Doanh nghiệp được chính phủ hỗ trợ - Government Sponsored Enterprise] chứng khoán hoá, dưới quy tắc Basel [những luật lệ toàn cầu được thông qua bởi các chính phủ], đều tạo lợi nhuận cho các ngân hàng Mỹ đã tạo nên nó – và cũng tạo lợi nhuận cho họ để mua lại như một phần của chứng khoán”. Jeffrey Friedman, “A Crisis of Politics, Not Economics: Complexity, Ignorance, and Policy Failure” [Một cuộc khủng hoảng chính trị chứ không phải kinh tế: Sự phức tạp, Sự thờ ơ và thất bại chính trị], Critical Review, Tập 21, Nos. 2-3 (2009), trang 127-183, trang 144.

(12) Để biết thêm chi tiết hơn về sự kết hợp của các chính sách của Quỹ dự trữ liên bang [Federal Reverse] để hạ thấp mức lãi suất, sự “chứng khoán hoá” với các tài sản thế chấp được chính phủ chống lưng, và các quy định tài chính quốc tế xếp hạng các khoản nợ chính phủ và các chứng khoán được thế chấp chống lưng là “rủi ro thấp”, xem thêm Johan Norberg, Financial Fiasco: How America’s Infatuation with Home Ownership and Easy Money Created the Economic Crisis [Làm cách nào mà ảo mộng của nước Mỹ kết hợp với Sở hữu nhà riêng và Tiền dễ dãi tạo nên cuộc khủng hoảng kinh tế ](Washington, DC: Cato Institute, 2009). Xem thêm Critical Review, “Special Issue: Causes of the Crisis” [Vấn đề đặc biệt: Các nguyên nhân của Khủng hoảng] biên tập bởi Jeffrey Friedman, Tập 21, Nos,. 2-3 (2009) và Jeffrey Friedman và Wladimir Kraus, Engineering the Financial Crisis: Systematic Risk and the Failure of the Regulation [Thiết kế cuộc khủng hoảng tài chính: Rủi ro có hệ thống và sự thất bại của quy định] (Philadelphia: University of Pennysylvania Press, 2011).

(13) Jagadeesh Gockhale và Kent Smetters, “Do the Markets Care About the $ 2.4 Trillion U.S Deficit?” [Liệu các thị trường có quan tâm đến 2.4 nghìn tỷ USD thâm hụt ngân sách Mỹ], Financial Analyst Journal, Tập 63, Số 3, 2007.

(14) Cuộc trò chuyện riêng với tác giả, 26 Tháng Ba, 2012.

(15) Daniel Shapiro, Is the Welfare State Justified? [Biện hộ cho nhà nước phúc lợi??] (Cambridge: Cambridge University Press, 2007), trang 5, sách của Shapiro đề xuất một sự so sánh công tâm (fair-minded comparison) cho những tuyên bố biện hộ thay mặt cho nhà nước phúc lợi với bằng chứng về kết quả của họ.

(16) Ví dụ, nhà tranh đấu cho nhà nước phúc lợi, James P.Sterba, quả quyết rằng việc các công dân cần mẫn bị đe dọa giết chết bởi nạn đói có chủ đích là lí do thích đáng đề khiến họ (các công dân) sản xuất nhiều hơn, giúp nhà nước có thể sung công và phân phối lại kết quả từ những nỗ lực sản xuất của họ. Sterba lập luận rằng quyền được hưởng phúc lợi là một “quyền thụ động” (negative right) nhưng nhất quán với sự tự do của tất cả mọi người và các đề xuất - về cơ bản là theo hướng những trực giác của ông mách bảo – có tính đe doạ sung công “những nguồn lực phi thặng dư” của những người dân cần mẫn, nghĩa là, không chỉ thặng dư vượt quá (surplus over) mức cần thiết để tồn tại mà còn cả lương thực cần thiết để nuôi dưỡng cơ thể, từ đó khiến những người cần mẫn sản xuất nhiều hơn cho nhà nước để phân phối lại. Vị giáo sư triết học này tin rằng nó nhất quán với sự tôn trọng tự do của những người cần mẫn khi đối mặt với nạn đói có chủ đích, vì “nhà sản xuất của chúng ta có thể phản ứng bằng việc không làm gì. Những người nghèo [trên thực tế, hiển nhiên nhà nước phúc lợi hành động nhân danh những người nghèo – Tom G. Palmer] khi đó có thể chiếm đoạt những nguồn lực phi thặng dư của người sản xuất, và rồi do không sản xuất nữa nên người sản xuất sẽ phung phí dần (just waste away) vì anh ta/cô ta không còn mong muốn sản xuất thêm nữa”. “Sẽ phung phí dần” là lối nói tránh của Sterba cho hiện tượng dị hoá, phù nề, suy nội tạng và các triệu chứng khác của cái chết vì đói. James P.Sterba, “Equality is compatible with and required by liberty” [Bình đẳng là tương thích và cần thiết cho tự do] trong Jan Narveson và James P. Sterba, Are Liberty and Equality Compatible?: For and Against [Liệu tự do và bình đẳng có tương thích? Ủng hộ và chống đối] (Cambridge: Cambridge University Press, 2010), trang 23. Về các mô tả lạnh gáy đối với những lời đề xuất của Sterba được triển khai trong thực tế, xem thêm Timothy Snyder, Bloodlands: Europe Between Hitler and Stalin [Những mảnh đất máu: Châu Âu ở giữa Hitler và Stalin] (New York: Basic Books, 2010) và Frank Dikotter, Mao’s Great Famine: The History of China’s Most Devastating Catastrophe, 1958 – 1962 [ Nạn đói vĩ đại thời Mao: Lịch sử của thảm kịch tàn khốc nhất của Trung Quốc, 1958 – 1962] (New York: Walker Publishing Co,. 2010). Những lời đề xuất mang tính cách mạng dựa thuần tuý trên trực giác về đạo đức và công lý không được kiểm chứng này chống lại mọi tri thức của kinh tế học, xã hội học hay lịch sử nhìn chung đã dẫn đến thảm hoạ và, nói giảm đến mức thấp nhất, trở nên vô trách nhiệm về mặt đạo đức.

(17) Có rất nhiều tài liệu về những lập luận dựa trên yếu tố đạo đức về nhà nước phúc lợi, chủ yếu bắt đầu với các ý định và kết thúc với các ý định. Tôi trình bày một số tài liệu tham khảo về chủ đề này trong bài luận của tôi “Saving Rights Theory from Its Friends” [Bảo vệ các lý thuyết về các quyền khỏi những người bạn của chính nó], lần đầu xuất hiện trong Individual Rights Reconsidered, biên tập bởi Tibor Machan (Stanford: Hoover Institution Press, 2001). Phiên bản đó có thể được tải về ở http://tomgpalmer.com/wp-content/uploads/papers/palmer-individualrightreconsidered-chapter2.pdf. Nó đã được in lại trong Tom G.Palmer, Realizing Freedom: Libertarian Theory, History, and Practice [Nhận ra sự tự do: Lý thuyết của những người tự do, lịch sử và thực tiễn] (Washington, DC: Cato Institue, 2009), trang 41-83.