Tính toán xã hội chủ nghĩa II: Hiện trạng cuộc tranh luận (1935) (Phần 3)

Tính toán xã hội chủ nghĩa II: Hiện trạng cuộc tranh luận (1935) (Phần 3)

5

Có thể dễ dàng hiểu được vì sao, trong những hoàn cảnh này, giải pháp cấp tiến mà tiến sĩ Dobb đề xuất đã không được nhiều người đi theo, và nhiều nhà xã hội chủ nghĩa trẻ tuổi lại tìm kiếm một giải pháp theo hướng ngược lại hoàn toàn. Trong khi tiến sĩ Dobb mong muốn diệt trừ những tàn dư của sự tự do hay sự cạnh tranh vốn vẫn được thừa nhận trong các đề án xã hội chủ nghĩa truyền thống, thì phần lớn những thảo luận gần đây lại hướng đến việc đưa yếu tố cạnh tranh trở lại đầy đủ. Tại Đức, các đề xuất như vậy đã thực sự được công bố và thảo luận. Nhưng tại Anh, những tư tưởng theo hướng này vẫn còn trong giai đoạn phôi thai. Những đề xuất của ông Dickinson là một bước tiến nhỏ theo hướng này. Nhưng chúng ta biết rằng một số nhà kinh tế trẻ, những người đã đưa ra suy nghĩ về các vấn đề này, đã đi xa hơn; họ đã sẵn sàng làm đến nơi đến chốn để khôi phục lại yếu tố cạnh tranh một cách đầy đủ, ít nhất tới chừng mực điều này, theo quan điểm của họ, còn tương thích với việc nhà nước nắm quyền sở hữu tất cả phương tiện sản xuất vật chất. Mặc dù chưa thể tham chiếu tới các tác phẩm đã được công bố đi theo hướng này, nhưng với những gì chúng ta đã biết về chúng qua các cuộc trò chuyện và trao đổi thì có lẽ việc xem xét nội dung của chúng sẽ mang lại những giá trị hữu ích nhất định1.

Ở nhiều khía cạnh, các đề xuất này rất thú vị. Ý tưởng chung cơ bản là, cần có các thị trường và sự cạnh tranh giữa những nghiệp chủ hay những nhà quản lí độc lập của các doanh nghiệp đơn lẻ, và do đó, cũng như trong xã hội hiện nay, cần phải có giá cả tính bằng tiền cho mọi hàng hóa, dù là trung gian hay cuối cùng, nhưng những nghiệp chủ này sẽ không phải là người sở hữu chính các phương tiện sản xuất mà họ sử dụng, mà là các công chức ăn lương của nhà nước, hoạt động dưới sự chỉ đạo và sản xuất của nhà nước, không vì lợi nhuận, nhưng đủ để có thể bán được sản phẩm ở mức giá chỉ bao gồm các chi phí.

Chỉ có những kẻ rỗi hơi mới đặt câu hỏi liệu một đề án như vậy có nên tiếp tục được xếp vào nhóm thường được gọi là chủ nghĩa xã hội hay không. Về tổng thể, nó vẫn nên được gộp chung vào nhóm này. Câu hỏi nghiêm túc hơn là, liệu nó vẫn xứng đáng với tên gọi kế hoạch hóa hay không. Dường như mối quan hệ của nó với công việc kế hoạch hoá không nhiều hơn là mấy so với mối quan hệ của nó với việc xây dựng một khuôn khổ pháp lí hợp lí cho chủ nghĩa tư bản. Nếu có thể hiện thực hoá nó dưới một hình thức thuần khiết, tại đó sự chỉ đạo các hoạt động kinh tế được phó mặc hoàn toàn cho sự cạnh tranh, thì việc kế hoạch hóa cũng sẽ được khoanh vùng vào việc cung cấp một khung khổ ổn định lâu dài, mà ở đó các hành động cụ thể sẽ được để mặc cho cá nhân chủ động sáng tạo. Và sẽ hoàn toàn vắng mặt loại kế hoạch hóa hay sự tổ chức sản xuất tập trung, vốn được xem là sẽ mang đến sự tổ chức các hoạt động của con người một cách hợp lí hơn sự cạnh tranh "hỗn loạn". Nhưng, tất nhiên, việc hiện thực hoá đề xuất này chính xác đến mức nào phụ thuộc vào mức độ mà sự cạnh tranh được đưa trở lại - nói cách khác là phụ thuộc vào vấn đề cốt yếu trong mọi khía cạnh ở đây, cụ thể là vấn đề đâu là đơn vị độc lập, đâu là yếu tố có thể mua và bán trên thị trường.

Thoạt nhìn thì có hai dạng thức chính của các hệ thống như vậy có vẻ như khả thi. Chúng ta có thể giả định, hoặc (i) sẽ chỉ có sự cạnh tranh giữa các ngành công nghiệp, và mỗi ngành công nghiệp được đại diện bởi một doanh nghiệp, hoặc (ii) trong mỗi ngành công nghiệp có rất nhiều doanh nghiệp độc lập cạnh tranh với nhau. Chỉ ở dạng thức thứ hai, đề xuất này mới thực sự tránh được hầu hết các phê phán đối với kế hoạch hóa tập trung như đã biết, và thực sự làm nảy sinh những vấn đề của riêng nó. Đây là những vấn đề có bản chất cực kỳ thú vị. Trong hình thức thuần khiết của mình, chúng đặt ra nghi vấn về tính hợp lí của sở hữu tư nhân, ở khía cạnh chung nhất và cơ bản nhất. Sau đó, câu hỏi không phải là liệu mọi vấn đề về sản xuất và phân phối có thể được quyết định một cách hợp lí bởi một cơ quan trung ương hay không, mà là liệu có thể thành công trong việc giao lại quyền quyết định và trách nhiệm cho các cá nhân cạnh tranh hay không, những người không phải là chủ sở hữu, hay đúng hơn không có lợi ích trực tiếp đối với các phương tiện sản xuất do mình phụ trách. Liệu có lí do rõ ràng nào để giải thích tại sao trách nhiệm sử dụng bất kỳ phần thiết bị sản xuất hiện hành nào phải luôn song hành với lợi ích cá nhân dưới dạng lỗ-lãi liên quan đến chúng hay không, hay thực sự đó chỉ là câu hỏi rằng liệu các nhà quản lí riêng lẻ, những người đại diện cho cộng đồng trong việc thực thi quyền sở hữu theo đề xuất đang xem xét, có phục vụ các mục đích chung một cách trung thành và với hết khả năng của mình?

6

Chúng ta có thể thảo luận câu hỏi này tốt nhất khi phân tích các đề xuất một cách chi tiết. Tuy nhiên trước khi chúng ta có thể thực hiện điều này, cần phải chỉ ra tại sao khi sự cạnh tranh vận hành một cách thỏa đáng thì lại cần phải đi đến tận cùng và không được dừng lại ở việc đưa yếu tố cạnh tranh trở lại ở mức độ nửa vời. Do đó, trường hợp tiếp theo mà chúng ta phải xem xét chính là những ngành công nghiệp được liên hợp hoàn toàn, chịu sự chỉ đạo tập trung, nhưng lại cạnh tranh với những ngành công nghiệp khác về khách hàng và về các yếu tố sản xuất. Trường hợp này có tầm quan trọng vượt ra ngoài các vấn đề của chủ nghĩa xã hội mà ở đây chúng ta chủ yếu quan tâm tới, vì bằng cách tạo ra sự độc quyền như vậy đối với các sản phẩm cụ thể, những người ủng hộ kế hoạch hóa trong khuôn khổ chủ nghĩa tư bản hy vọng "hợp lí hóa" cái gọi là "sự hỗn loạn" của sự cạnh tranh tự do. Điều này đặt ra một câu hỏi tổng quát, đó là liệu có bao giờ việc lập kế hoạch hay việc hợp lí hóa các ngành công nghiệp riêng lẻ là vì mục đích chung hay không, khi mà điều này chỉ khả thi thông qua việc tạo ra sự độc quyền, hay trái lại, phải chăng chúng ta sẽ không được phép giả định rằng điều này sẽ dẫn tới việc sử dụng các nguồn lực một cách phi kinh tế, và rằng từ quan điểm của xã hội, những điều được cho là có tính kinh tế như vậy thực sự lại phi kinh tế.

Có một luận điểm lí thuyết hiện được chấp nhận tương đối rộng rãi. Đó là, dưới các điều kiện có sự độc quyền rộng khắp, không tồn tại vị trí cân bằng xác định, và vì thế, không có cơ sở để cho rằng các nguồn lực sẽ được sử dụng theo cách có lợi nhất dưới những điều kiện như thế. Có lẽ không hẳn là không thích hợp khi mở ra cuộc thảo luận về những gì điều này muốn nói đến trong thực tế thông qua một trích dẫn từ tác phẩm của một học giả vĩ đại, người chịu trách nhiệm chính cho việc đưa ra luận điểm đó.

"Người ta đã đề xuất một lí tưởng kinh tế rằng mỗi nhánh thương mại và công nghiệp cần được lập thành một liên minh riêng biệt. Hình ảnh này có đôi chỗ hấp dẫn. Thoạt nhìn, nó không đáng ghê tởm về mặt đạo đức; vì ở đâu tất cả mọi người đều là những kẻ độc quyền, thì sẽ không ai là nạn nhân của độc quyền. Nhưng nếu suy xét cẩn thận, ta sẽ nhìn thấy một tình tiết rất nguy hại cho ngành công nghiệp - tính không ổn định về giá trị của tất cả mặt hàng mà có cầu bị ảnh hưởng bởi các mức giá của những mặt hàng khác, và số mặt hàng thuộc nhóm này có lẽ là rất nhiều.

"Trong số những người chịu thiệt hại vì chế độ mới, sẽ có một nhóm vốn là độc giả thường xuyên của tạp chí này, cụ thể, đó là các nhà kinh tế lí thuyết, những người có thể bị tước mất nghề nghiệp của họ, nghề nghiên cứu về các điều kiện quyết định giá trị. Chỉ trường phái kinh nghiệm mới có thể sống sót, phất lên trong sự hỗn loạn gắn với não trạng của họ"2.

Giờ đây, việc các nhà kinh tế lí thuyết bị tước mất nghề nghiệp có lẽ chỉ là câu chuyện làm hài lòng hầu hết những người ủng hộ việc kế hoạch hóa; còn nếu không phải vậy, thì cái trật tự mà họ nghiên cứu cũng sẽ ngừng tồn tại. Tính không ổn định của các giá trị, như Edgeworth tuyên bố, hay tính không xác định của trạng thái cân bằng, như được diễn tả bằng những thuật ngữ tổng quát hơn cho hiện tượng tương tự, tuyệt nhiên không phải là khả năng duy nhất khiến các nhà kinh tế lí thuyết bất an. Điều này thực ra hàm ý rằng, trong một hệ thống như vậy, không hề có xu hướng sử dụng các yếu tố sản xuất sẵn có cho lợi ích lớn nhất, và cũng không có xu hướng gộp chúng vào trong mọi ngành công nghiệp theo cách mà sự đóng góp do mọi yếu tố sản xuất tạo ra không nhỏ hơn đáng kể so với sự đóng góp mà nó có thể tạo ra khi được sử dụng ở một nơi nào khác. Xu hướng thực tế đang thịnh hành là việc điều chỉnh sản lượng theo cách, không phải là nhằm thu lại nhiều nhất từ mọi loại nguồn lực sẵn có, mà là nhằm tối đa hóa mức độ chênh lệch giữa giá trị của các yếu tố sản xuất, vốn có thể được sử dụng ở nơi khác, và giá trị của sản phẩm. Sự tập trung vào lợi nhuận độc quyền tối đa hơn là vào việc sử dụng tốt nhất các yếu tố sản xuất có sẵn là hệ quả tất yếu của việc biến cái quyền sản xuất hàng hóa trở thành một "yếu số sản xuất khan hiếm". Trong một thế giới độc quyền như vậy, điều này không dẫn đến việc cắt giảm sản xuất toàn diện theo nghĩa một số yếu tố sản xuất không còn được sử dụng nữa, nhưng chắc chắn nó sẽ tác động tới việc cắt giảm sản lượng bằng cách gây ra sự phân phối phi kinh tế những yếu tố sản xuất giữa các ngành công nghiệp. Điều này vẫn sẽ đúng ngay cả khi tính không ổn định mà Edgeworth lo sợ chỉ ở một mức độ thấp. Trạng thái cân bằng có thể đạt được là một trạng thái mà tại đó chỉ còn duy nhất một "yếu tố" khan hiếm được sử dụng tốt nhất: khả năng bóc lột người tiêu dùng.

7

Đây không phải là bất lợi duy nhất đối với việc tái tổ chức toàn bộ ngành công nghiệp theo hướng độc quyền. Cái gọi là "tính kinh tế", mà người ta khẳng định là sẽ được tạo ra nếu ngành công nghiệp được "tái tổ chức" theo hướng độc quyền, tỏ ra là sự lãng phí tuyệt đối khi được khảo sát kỹ lưỡng. Thực tế, trong tất cả trường hợp mà việc kế hoạch hóa các ngành công nghiệp riêng biệt hiện nay được ủng hộ, thì mục đích là để đối phó với những tác động của sự tiến bộ kỹ thuật3. Đôi khi người ta tuyên bố rằng sự cạnh tranh khiến cho việc đưa ra sự đổi mới kỹ thuật đáng mong muốn mất tính khả thi. Thi thoảng, người ta phản đối chống lại sự cạnh tranh, rằng nó gây ra lãng phí do tạo ra áp lực phải chấp nhận các máy móc mới, v.v., trong khi nhà sản xuất muốn tiếp tục sử dụng những cái cũ. Nhưng trong cả hai trường hợp, có thể dễ dàng thấy rằng, việc kế hoạch hóa, vốn nhằm ngăn chặn những gì sẽ xảy ra dưới sự cạnh tranh, lại dẫn đến sự lãng phí cho xã hội.

Một khi thiết bị sản xuất, dù thuộc bất cứ loại nào, vẫn còn đang tồn tại, thì điều đáng mong muốn là, nó nên tiếp tục được sử dụng cho tới chừng nào mà chi phí sử dụng ("các chi phí trực tiếp" (prime costs)4) thấp hơn tổng chi phí cung cấp các dịch vụ tương tự theo một cách khác. Nếu sự tồn tại của nó cản trở việc đưa ra những thiết bị hiện đại hơn, điều này có nghĩa là các nguồn lực, vốn cần thiết để sản xuất sản phẩm tương tự bằng những phương pháp hiện đại hơn, có thể được sử dụng hứa hẹn mang lại lợi ích lớn hơn ở một nơi khác. Nếu các nhà máy cũ kĩ và hiện đại tồn tại bên cạnh nhau, và những doanh nghiệp hiện đại bị đe dọa bởi sự "cạnh tranh khốc liệt" của các nhà xưởng lỗi thời, thì điều này có thể hàm ý theo một trong hai nghĩa. Hoặc phương pháp mới hơn không thực sự tốt hơn, tức là, việc đưa nó ra là dựa trên sự tính toán sai lầm và có lẽ không nên triển khai. Trong trường hợp như vậy, nơi đâu chi phí vận hành theo phương pháp mới thực sự cao hơn so với phương pháp cũ, thì tất nhiên phải đóng cửa nhà máy mới, ngay cả khi nó tốt hơn "về mặt kỹ thuật" theo một nghĩa nào đó. Hoặc, và đây là trường hợp chắc chắn hơn - tình huống sẽ là, trong khi chi phí hoạt động theo phương pháp mới thấp hơn so với phương pháp cũ, thì chúng lại không đủ thấp để cho phép đưa ra một mức giá sao cho chênh cao hơn chi phí hoạt động của nhà máy cũ một khoảng đủ để trả lãi và khấu hao cho nhà máy mới. Trong trường hợp này, việc tính toán sai lầm lại xảy ra. Nhà máy mới không bao giờ nên được xây dựng. Nhưng, một khi nó tồn tại, cách duy nhất để công chúng ít nhất có thể nhận được lợi ích từ nguồn vốn bị sử dụng sai là cho phép hạ mức giá bán sản phẩm xuống mức cạnh tranh, và gạch bỏ một phần giá trị vốn đầu tư vào các doanh nghiệp mới. Để duy trì giá trị vốn đầu tư của nhà máy mới theo cách nhân tạo bằng cách bắt buộc đóng cửa nhà máy cũ, thì điều này đơn giản có nghĩa là đánh thuế người tiêu dùng vì lợi ích của chủ sở hữu của nhà máy mới, mà không hề có bất kỳ sự đền bù lợi ích nào dưới dạng gia tăng sản xuất hoặc cải tiến sản phẩm.

Tất cả điều này thậm chí còn rõ ràng hơn trong một trường hợp không quá hiếm hoi, ở đó nhà máy mới thực sự ưu việt, theo nghĩa nếu nó vẫn chưa được xây dựng thì việc xây dựng nó ngay bây giờ là có lợi; nhưng, khi các doanh nghiệp sử dụng nó đang gặp khó khăn tài chính vì đã dựng nó lên tại thời điểm giá trị bị lạm phát, thì kết quả là họ phải gánh chịu một khoản nợ quá lớn. Những trường hợp như thế, tức các doanh nghiệp hiệu quả nhất về phương diện kỹ thuật lại đồng thời có vấn đề nhất về phương diện tài chính, được xem là không hiếm hoi trong một số ngành công nghiệp ở Anh. Nhưng một lần nữa, ở đây bất kỳ nỗ lực nào nhằm bảo tồn giá trị vốn đầu tư, bằng cách đè nén sự cạnh tranh từ những doanh nghiệp ít hiện đại hơn, đều có thể chỉ giúp cho các nhà sản xuất giữ mức giá bán sản phẩm cao hơn mức lẽ ra phải là; tức, đấy là nỗ lực chỉ vì lợi ích của những trái chủ. Giải pháp đúng đắn từ quan điểm xã hội là xoá bớt lượng vốn đầu tư bị lạm phát xuống mức thích hợp hơn, và do đó, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp ít hiện đại hơn sẽ tác động có lợi tới việc giảm giá xuống mức thích hợp với chi phí sản xuất hiện tại. Những nhà tư bản đã đầu tư tại thời điểm không may mắn có thể không thích điều này, nhưng rõ ràng đây là vì lợi ích xã hội.

Có lẽ tác động của việc dùng kế hoạch hóa nhằm duy trì giá trị vốn đầu tư thậm chí còn gây hại nhiều hơn khi nó ở dạng làm chậm lại sự ra đời của những phát minh mới. Với việc cho rằng cơ quan kế hoạch hóa có khả năng nhìn thấy trước xa hơn và có năng lực tốt hơn so với các nghiệp chủ riêng lẻ trong việc đánh giá khả năng tiến bộ kỹ thuật [nghĩa là khả năng nhìn thấy trước của nghiệp chủ là vừa phải - ND], thì rõ ràng chúng ta có thể, và có lẽ có quyền, suy luận ra là bất kỳ nỗ lực nào theo hướng này đều dẫn đến tình trạng tưởng là loại trừ sự lãng phí nhưng trên thực tế lại gây ra lãng phí. Với khả năng nhìn thấy trước vừa phải của nghiệp chủ, một phát minh mới sẽ chỉ được đưa ra áp dụng khi nó có thể cung cấp các dịch vụ tương tự như đã có trước đó, với một lượng phí tổn những nguồn lực hiện tại nhỏ hơn (tức là, ít lỗ hơn so với việc sử dụng những nguồn lực này theo các cách khả thi khác), hoặc cung cấp những dịch vụ tốt hơn với lượng phí tổn không lớn hơn một cách tương xứng. Sự sụt giảm giá trị vốn đầu tư của các công cụ hiện hành, mà chắc chắn sẽ diễn ra, không hề là một tổn thất xã hội. Nếu chúng có thể được sử dụng cho các mục đích khác, thì sự sụt giảm giá trị sử dụng hiện thời của chúng xuống thấp hơn mức mà chúng đạt được ở nơi khác, là một dấu hiệu rõ ràng rằng chúng nên được chuyển giao. Nếu chúng không có cách sử dụng nào khác ngoài cách sử dụng hiện tại, thì giá trị trước đây của chúng chỉ nên được xem như là một biểu hiện về mức độ mà chi phí sản xuất sẽ phải bị hạ thấp xuống bởi sự xuất hiện của những phát minh mới, trước khi người ta thấy hợp lí khi loại bỏ chúng hoàn toàn. Những người duy nhất quan tâm đến việc duy trì giá trị của lượng vốn đã đầu tư chính là những người chủ sở hữu của nó. Nhưng trong những hoàn cảnh này, cách duy nhất để thực hiện điều này chính là tước bỏ những lợi ích của các phát minh mới khỏi tay những thành viên khác của xã hội.

8

Có lẽ ai đó sẽ phản đối, rằng những chỉ trích này có thể đúng đối với sự độc quyền tư bản chủ nghĩa nhằm tối đa hóa lợi nhuận nhưng chắc chắn không đúng với các ngành công nghiệp liên hợp trong nhà nước xã hội chủ nghĩa, ở đó những người quản lí sẽ nhận được các chỉ dẫn để định giá sao cho chỉ bao gồm các chi phí. Quả thực, về cơ bản, phần trước đã lạc đề vào vấn đề kế hoạch hóa trong chủ nghĩa tư bản. Nhưng nó cho phép chúng ta không chỉ xem xét một số lợi điểm vốn thường được cho là gắn với bất cứ hình thức kế hoạch hóa nào, mà còn chỉ ra những vấn đề tất yếu đi cùng với sự kế hoạch hóa trong chủ nghĩa xã hội. Chúng ta sẽ gặp lại một số vấn đề này ở phần sau. Tuy nhiên, tạm thời chúng ta một lần nữa phải tập trung vào trường hợp các ngành công nghiệp độc quyền được chỉ đạo để không hướng đến việc tối đa hoá lợi nhuận, mà là nỗ lực khiến cho nó vận hành như thể sự cạnh tranh đang tồn tại. Liệu việc chỉ dẫn chúng nên hướng đến các mức giá mà chỉ cần bao gồm chi phí (cận biên) có thực sự đưa ra một tiêu chí hành động rõ ràng hay không?

Liên quan đến nội dung này, có vẻ như thể sự bận tâm quá mức đối với những giả định về một trạng thái cân bằng tĩnh tại mang tính giả thuyết đã khiến các nhà kinh tế hiện đại nói chung, và đặc biệt là những người đề xuất giải pháp cụ thể này, đi tới chỗ gán cho khái niệm về chi phí nói chung thuộc tính chính xác và thuộc tính rõ ràng với mức độ lớn hơn nhiều so với những gì có thể được gán cho bất kỳ hiện tượng chi phí nào trong thực tế. Trong điều kiện cạnh tranh rộng khắp, thuật ngữ "chi phí sản xuất" thực sự có một ý nghĩa rất khác. Nhưng ngay khi chúng ta rời khỏi địa hạt của sự cạnh tranh rộng khắp và của một trạng thái tĩnh tại, và xem xét thế giới nơi hầu hết các phương tiện sản xuất hiện có là sản phẩm của những quá trình đặc thù mà chắc hẳn không bao giờ còn được lặp lại; nơi giá trị của hầu hết các công cụ sản xuất lâu bền gần như không có quan hệ gì với chi phí phát sinh từ việc sản xuất của chúng, do hậu quả của sự thay đổi không ngừng, mà chỉ phụ thuộc vào những dịch vụ mà người ta trông đợi chúng sẽ đem lại trong tương lai, thì, câu hỏi rằng đâu mới chính xác là chi phí sản xuất của một sản phẩm nhất định, là một câu hỏi cực kỳ khó, vốn không thể trả lời một cách chắc chắn trên cơ sở của bất cứ quá trình nào diễn ra bên trong mỗi doanh nghiệp hoặc ngành riêng biệt. Ta không thể trả lời được câu hỏi này nếu trước tiên không đưa ra một số giả định liên quan đến giá cả của các sản phẩm được sản xuất từ những công cụ như nhau. Phần lớn những gì được gọi là "chi phí sản xuất" không hẳn là yếu tố chi phí được đưa ra một cách độc lập với giá của sản phẩm, mà là một thứ tiền tô giả (quasi-rent), hoặc là một mức khấu hao nhất định được tính trên giá trị vốn hoá của tiền tô giả được kỳ vọng, và do đó phụ thuộc vào các mức giá được dự kiến trong tương lai.

Đối với mỗi doanh nghiệp riêng lẻ trong một ngành công nghiệp cạnh tranh, những mức tiền tô giả này, mặc dù phụ thuộc vào giá cả, là một chỉ dẫn không hẳn không đáng tin cậy hay ít cần thiết hơn so với chi phí thực trong việc xác định sản lượng thích hợp. Ngược lại, chỉ đi theo cách này ta mới có thể lưu tâm đến một số mục đích khác vốn bị tác động bởi quá trình ra quyết định. Xét trường hợp của một công cụ sản xuất độc nhất nào đó, vốn không bao giờ bị thay thế và không thể được sử dụng bên ngoài ngành công nghiệp độc quyền, và do đó, không có giá thị trường. Việc sử dụng nó không gây ra bất kỳ thứ chi phí nào mà ta có thể xác định được một cách tách rời khỏi giá sản phẩm của nó. Dù vậy, nếu nó là thứ công cụ lâu bền, nhưng được đưa vào sử dụng hết kiệt một cách tương đối nhanh chóng, thì sự hao mòn của nó phải được cân nhắc như là một khoản chi phí thực sự để xác định một cách duy lí sản lượng sản xuất thích hợp tại một thời điểm nào đó. Điều này là đúng không chỉ bởi các dịch vụ khả dĩ của công cụ đó trong tương lai phải được so sánh với những kết quả có được từ việc sử dụng với cường độ cao hơn ở thời điểm hiện tại, mà còn bởi, khi nó tồn tại, nó tiết kiệm các dịch vụ của yếu tố sản xuất nào khác lẽ ra cần để thay thế nó, và nhờ đó, nó có thể được sử dụng cho các mục đích khác. Ở đây, giá trị của các dịch vụ cung cấp bởi công cụ này được xác định bởi việc phải từ bỏ cách thức sử dụng tốt nhì để sản xuất ra cùng loại sản phẩm; và do vậy, các dịch vụ này phải được kinh tế hoá bởi có một số sự hy sinh những phương án khác phụ thuộc vào chúng một cách gián tiếp. Nhưng giá trị của chúng có thể được xác định chỉ khi cho phép sự cạnh tranh thực sự hoặc tiềm năng giữa các phương pháp khả dĩ để sản xuất ra cùng loại sản phẩm ảnh hưởng đến giá cả của nó.

Vấn đề phát sinh ở đây được biết đến rộng rãi từ lĩnh vực điều tiết ngành dịch vụ công cộng. Trong tình trạng không có sự cạnh tranh thực sự, vấn đề làm thế nào để mô phỏng các tác động của sự cạnh tranh, và làm thế nào để các cơ sở độc quyền đưa ra những mức giá tương đương với các mức giá cạnh tranh, đã được thảo luận rộng rãi. Nhưng tất cả những nỗ lực hướng đến giải pháp đều đã thất bại, và như R. F. Fowler gần đây đã chứng minh12, chúng nhất định thất bại vì các nhà máy cố định bị khai thác quá mức, và vì một trong những yếu tố chi phí quan trọng nhất, tiền lãi và mức khấu hao đối với nhà máy đó, chỉ có thể xác định sau khi biết được mức giá áp cho sản phẩm trong tương lai.

Người ta lại có thể phản đối rằng cân nhắc này có lẽ liên quan đến xã hội tư bản, nhưng bởi ngay cả trong xã hội tư bản các chi phí cố định cũng bị bỏ qua khi xác định sản lượng ngắn hạn, nên càng có nhiều lí do để bỏ qua chúng trong xã hội xã hội chủ nghĩa. Nhưng không phải vậy. Nếu người ta nỗ lực đưa vào sử dụng hợp lí những nguồn lực, và đặc biệt nếu các quyết định dạng này được để mặc cho những nhà quản lí của ngành công nghiệp riêng biệt, thì hẳn sẽ phải thay thế phần vốn đầu tư không đạt mức hoa lợi gộp của ngành, và mức lợi nhuận từ vốn tái đầu tư này ít nhất cần phải cao như lợi nhuận từ một nơi nào khác. Sẽ là một sai lầm trong chủ nghĩa xã hội, cũng như trong xã hội tư bản, khi xác định giá trị vốn đầu tư là khoản phải được hoàn lại dựa trên nền tảng lịch sử nào đó như những chi phí sản xuất trong quá khứ của các công cụ liên quan. Giá trị của bất cứ công cụ cụ thể nào, và do đó giá trị của các dịch vụ của nó, thứ mà phải được xem như là chi phí, phải được xác định từ việc xem xét lợi nhuận kỳ vọng, trên cơ sở xem xét đến tất cả những phương án khác mà có thể thu được các kết quả tương tự, cũng như đến tất cả những cách sử dụng khác mà nó có thể được đưa vào sử dụng. Tất cả những câu hỏi về sự lỗi thời do sự tiến bộ kỹ thuật hay sự thay đổi nhu cầu gây ra, đã được thảo luận trong Phần 7, sẽ góp phần tạo thành vấn đề ở đây. Không thể khiến một nhà độc quyền định giá tuân theo sự cạnh tranh hoặc định một mức giá bằng với chi phí cần thiết, vì ta không thể biết được chi phí cạnh tranh hay chi phí cần thiết nếu không có sự cạnh tranh. Điều này không có nghĩa là nhà quản lí của ngành công nghiệp độc quyền trong chủ nghĩa xã hội sẽ tiếp tục theo đuổi việc tạo ra lợi nhuận độc quyền đi ngược lại với các chỉ dẫn được truyền đến cho anh ta. Mà nó có nghĩa là, bởi không có cách nào để kiểm tra những lợi thế kinh tế của một phương pháp sản xuất khi so sánh với phương pháp khác, nên lợi nhuận độc quyền sẽ bị nhường chỗ cho sự lãng phí phi kinh tế.

Ngoài ra còn câu hỏi khác là, phải chăng, dưới những điều kiện động, các mức lợi nhuận không phát huy được chức năng thiết yếu của chúng, và phải chăng chúng không phải là động lực chính tạo ra sự cân bằng, vốn mang đến sự thích nghi với bất kỳ thay đổi nào. Chắc chắn, khi có sự cạnh tranh bên trong ngành công nghiệp, thì câu hỏi về việc liệu có thích hợp để khởi tạo một doanh nghiệp mới hay không có thể được quyết định chỉ cần dựa trên cơ sở lợi nhuận của các ngành công nghiệp hiện có. Chí ít, trong trường hợp có sự cạnh tranh hoàn chỉnh hơn, tình huống mà chúng ta sẽ còn phải thảo luận, thì không thể bỏ qua những lợi nhuận tạo động lực khuyến khích cho sự thay đổi. Nhưng ta phải hiểu rằng, ở đâu một sản phẩm bất kỳ nào đó được sản xuất chỉ bởi duy nhất một tổ hợp doanh nghiệp, thì tổ hợp đó sẽ làm cho khối lượng đầu ra thích ứng được với nhu cầu mà không cần phải thay đổi giá sản phẩm, trừ phi chi phí thay đổi. Nhưng vậy thì phải làm thế nào để quyết định ai sẽ là người nhận được sản phẩm trước khi cung bắt kịp cầu đang gia tăng? Thậm chí quan trọng hơn, làm thế nào để tổ hợp doanh nghiệp quyết định liệu có lí do chính đáng để bỏ ra chi phí ban đầu cho việc đưa thêm các yếu tố sản xuất vào nơi sản xuất hay không? Đa phần các chi phí dịch chuyển hoặc chuyển nhượng lao động và những yếu tố sản xuất khác đều mang bản chất của khoản vốn đầu tư bất thường, và chúng chỉ được biện minh nếu có thể thu hồi được tiền lãi ổn định ở mức lãi suất thị trường trên tổng số chi phí bỏ ra. Tiền lãi trên các khoản đầu tư phi hữu hình như vậy gắn với sự thiết lập hoặc mở rộng một nhà máy ("danh tiếng" không chỉ là yếu tố cần phải cân nhắc liên quan đến tính phổ biến đối với người mua, mà còn là yếu tố liên quan đến việc tập hợp tất cả các yếu tố sản xuất cần thiết tại nơi thích hợp) chắc chắn là yếu tố thiết yếu trong các tính toán như vậy. Nhưng một khi các khoản đầu tư này đã được thực hiện, thì tiền lãi theo bất kỳ nghĩa nào cũng không thể bị xem là chi phí, mà sẽ xuất hiện như là lợi nhuận để cho thấy rằng khoản đầu tư ban đầu đã được biện minh.

Đây không phải là tất cả những khó khăn phát sinh gắn với ý tưởng về việc tổ chức sản xuất theo hướng độc quyền nhà nước. Chúng ta vẫn chưa đề cập gì về vấn đề phân chia ranh giới giữa các ngành công nghiệp riêng rẽ, về vấn đề liên quan đến vai trò của một doanh nghiệp cung cấp thiết bị cần cho nhiều hướng sản xuất khác nhau, hay về tiêu chí đánh giá sự thành công hay thất bại của bất kỳ nhà quản lí nào. Liệu một "ngành công nghiệp" có bao gồm tất cả các quá trình tạo ra bất kỳ sản phẩm cuối cùng nào, hay liệu nó phải bao gồm tất cả các nhà máy sản xuất ra cùng các loại sản phẩm trung gian, bất kể nó được sử dụng trong quá trình nào khác? Trong trường hợp nào thì quyết định cũng sẽ kéo theo một quyết định về phương thức sản xuất được áp dụng. Cho dù mọi ngành công nghiệp sản xuất các công cụ của riêng nó, hay dù nó phải mua chúng từ ngành công nghiệp khác vốn sản xuất những công cụ này ở quy mô lớn, về cơ bản cũng sẽ ảnh hưởng đến câu hỏi liệu có được chút lợi ích gì không khi sử dụng một công cụ đặc thù. Nhưng những vấn đề này, hoặc các vấn đề tương tự, sẽ phải được thảo luận một cách chi tiết liên quan đến những đề xuất cho việc tái thừa nhận sự cạnh tranh trong một dạng thức hoàn chỉnh hơn. Tuy nhiên, điều đã trình bày ở đây dường như là đủ để cho thấy rằng nếu muốn duy trì sự cạnh tranh trong nhà nước xã hội chủ nghĩa nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, thì thực sự, nó sẽ không giúp đưa ra giải pháp thỏa đáng dù chỉ nửa chừng. Chỉ khi sự cạnh tranh tồn tại không chỉ giữa các ngành công nghiệp khác nhau, mà còn bên trong chúng, thì chúng ta mới có thể trông đợi cạnh tranh phục vụ các mục đích của nó. Việc khảo sát hệ thống cạnh tranh hoàn chỉnh hơn như vậy chính là nhiệm vụ mà giờ chúng ta thực hiện.

(còn nữa)

Chú thích:

(1) Đối với hai thảo luận về hai tác phẩm xuất bản gần đây hơn về chủ đề này xin xem chương tiếp theo.

(2) F. Y. Edgeworth, Collected Papers, I, 138.

(3) Và các vấn đề này, tham khảo A. C. Pigou, Economics of Welfare (ấn bản thứ 4, 1932), tr. 188, và bài luận hiện tại của tác giả "The Trend of Economic Thinking", Economica, 5, 1933, tr. 132.

(4) Bao gồm chi phí nguyên vật liệu và chi phí nhân công tham gia vào quá trình sản xuất (ND).

Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 8, NXB Tri thức, 2016