Ý nghĩa của cạnh tranh (Phần 1/2)

Ý nghĩa của cạnh tranh (Phần 1/2)

1

Có dấu hiệu cho thấy, càng ngày các nhà kinh tế học càng nhận ra rằng điều mà họ thảo luận trong những năm gần đây dưới tên gọi “cạnh tranh” không phải là cái được gọi trong ngôn ngữ đời thường. Đã có một số nỗ lực đầy dũng cảm nhằm đưa cuộc thảo luận trở về mặt đất và hướng sự chú ý đến những vấn đề của đời thường, đáng chú ý là những cố gắng của J. M. Clark và F. Machlup2. Nhưng dù thế thì mọi người dường như vẫn coi khái niệm cạnh tranh do các nhà kinh tế học đang sử dụng là đúng đắn, còn quan niệm của các doanh nhân là sai lầm. Dường như mọi người đều cho rằng cái gọi là lí thuyết về “cạnh tranh hoàn hảo” cung cấp cho người ta mô hình thích hợp để đánh giá hiệu quả của cạnh tranh trong cuộc đời thực, và rằng việc cạnh tranh trong thực tế lệch khỏi mô hình này là điều không đáng mong muốn và thậm chí là có hại.

Theo tôi, quan điểm như vậy thật khó chấp nhận được. Tôi sẽ cố gắng chỉ ra rằng cái mà lí thuyết về cạnh tranh hoàn hảo thảo luận có rất ít quyền để có thể được gọi là “cạnh tranh” và kết luận mà nó đưa ra hầu như chẳng có mấy tác dụng trong việc định hướng chính sách. Lý do của điều này theo tôi là, ở đâu lí thuyết này cũng giả định rằng cái trạng thái cạnh tranh [hoàn hảo] đó đã tồn tại, trong khi, theo quan điểm đúng đắn hơn của lí thuyết cũ hơn, thì đó là trạng thái mà quá trình cạnh tranh đang hướng tới; một lý do khác là, nếu trạng thái mà lí thuyết cạnh tranh hoàn hảo giả định đã luôn tồn tại, thì điều này không chỉ làm ngưng trệ mọi hoạt động mà động từ “cạnh tranh” mô tả, mà hơn thế, còn khiến cho những hoạt động này gần như là bất khả.

Nếu tất cả chuyện này chỉ liên quan đến việc sử dụng từ “cạnh tranh” thì sẽ chẳng có gì đáng bàn. Nhưng có vẻ như là, do cách sử dụng ngôn ngữ đặc thù này, các nhà kinh tế học đang tự dối mình để tin rằng khi thảo luận về “cạnh tranh”, họ đang nói về bản chất và ý nghĩa của quá trình tạo ra trạng thái mà họ đơn giản giả định rằng đã tồn tại. Trên thực tế, quá trình vận động của đời sống kinh tế này hầu như không được thảo luận một chút nào.

Ở đây tôi không muốn thảo luận thêm về những lý do đã dẫn lí thuyết về cạnh tranh đến tình trạng kỳ quặc này. Như đã gợi ý trong những chương khác của cuốn sách này3, phương pháp hằng đúng (tautological method), vồn dĩ phù hợp và không thể thay thế trong việc phân tích những hành động của cá nhân, dường như trong trường hợp này đã được áp dụng một cách không hợp lệ cho những vấn đề mà chúng ta gặp phải với tiến trình xã hội, tại đó các quyết định của nhiều cá nhân ảnh hưởng lẫn nhau và nhất thiết là phải diễn ra lần lượt theo thời gian. Mô hình toán giải tích kinh tế (hay Logic thuần túy về Lựa chọn) giải quyết những vấn đề thuộc loại thứ nhất, bao gồm cơ chế phân loại các thái độ của con người và cung cấp cho chúng ta kỹ thuật nhằm mô tả những tương tác của các bộ phận khác nhau của một bản kế hoạch. Kết luận của nó ngầm ẩn trong những giả định của nó: các ước muốn và các kiến thức về các sự kiện - những thứ được giả định là đồng thời xuất hiện trước một bộ óc duy nhất - xác lập một đáp số duy nhất. Những mối quan hệ được thảo luận trong phân tích kiểu này là những quan hệ logic, chỉ liên quan tới các kết luận rút ra từ những tiền đề đã cho nhằm phục vụ bộ óc của cá nhân lập kế hoạch.

Nhưng khi gặp tình huống có nhiều người đang tìm cách xây dựng kế hoạch riêng của mình, chúng ta không thể tiếp tục giả định được rằng dữ liệu là như nhau cho tất cả những bộ óc đang lập kế hoạch nữa. Vấn bây giờ là làm sao điều chỉnh được những “dữ liệu” mà các cá nhân khác nhau dựa vào để lập kế hoạch của mình cho phù hợp với những sự kiện khách quan của môi trường của họ (trong đó có các hành động của những người khác). Để đưa ra được lời giải cho những vấn đề kiểu này, dù rằng chúng ta vẫn phải sử dụng các kỹ thuật chuyên ngành để nhanh chóng tìm ra các ngụ ý từ tập hợp những dữ liệu đã cho, thì bây giờ chúng ta phải xử lí không chỉ một số tập dữ liệu riêng biệt của những người khác nhau, mà còn - và điều này thậm chí còn quan trọng hơn - phải xử lí quá trình chắc chắn là liên quan đến những thay đổi liên tục trong dữ liệu của những cá nhân khác nhau. Như tôi đã gợi ý bên trên, yếu tố nhân quả chỉ tham gia [vào quá trình phân tích] dưới dạng các cá nhân khác nhau tiếp nhận thêm tri thức mới hay dưới dạng xuất hiện sự thay đổi về dữ liệu của họ khi các cá nhân tiếp xúc với nhau.

Mối liên hệ giữa điều này với vấn đề mà tôi quan tâm ở đây sẽ trở nên rõ ràng khi ta nhớ lại rằng lí thuyết hiện đại về cạnh tranh gần như chỉ giải quyết cái trạng thái được gọi là “cân bằng cạnh tranh”, trong đó giả định rằng các dữ liệu của những cá nhân khác nhau hoàn toàn tương hợp với nhau, trong khi vấn đề cần giải thích là bản chất của quá trình làm cho những dữ liệu đó tương hợp với nhau. Nói cách khác, mô hình về trạng thái cân bằng cạnh tranh thậm chí còn không cho biết nếu chúng ta có những điều kiện như thế này, và như thế này thì các kết quả sẽ như thế này và như thế này; nó giới hạn bản thân vào việc xác định những điều kiện theo đó kết luận đã được ngầm ẩn; đó là những điều kiện mà ta có thể phát hiện ra là tồn tại, nhưng mô hình không cho ta biết bằng cách nào chúng xuất hiện. Hay, kết luận chính mà chúng ta sẽ rút ra có thể đúc kết bằng một câu ngắn gọn như sau: cạnh tranh về bản chất là quá trình động, nhưng các đặc điểm cốt lõi của nó đã bị những giả định trong mô hình phân tích tĩnh loại bỏ.

2

Lí thuyết hiện đại về trạng thái cân bằng cạnh tranh giả định tồn tại trạng thái như thế, trong khi đó phải là kết quả được hình thành từ quá trình cạnh tranh mà lẽ ra một lí giải đúng đắn phải xem xét; ta có thể thấy rõ điều này bằng cách kiểm tra những điều kiện quen thuộc được liệt kê trong bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào. Hầu hết những điều kiện này không chỉ vô tình được ngầm định trong phân tích về cạnh tranh “hoàn hảo”, mà cũng được người ta giả định trong các cuộc thảo luận về những thị trường “không hoàn hảo” hay thị trường “độc quyền”; dù là về loại thị trường nào, thì đó cũng là những giả định về “sự hoàn hảo” phi thực tế4. Nhưng với mục tiêu trước mắt của chúng ta, lí thuyết về cạnh tranh hoàn hảo sẽ là trường hợp chứa nhiều bài học, đáng khảo sát.

Dù rằng các tác giả khác nhau có thể lập ra danh sách những điều kiện thiết yếu khác nhau của cạnh tranh hoàn hảo, thì danh sách dưới đây có lẽ là quá đủ đối với mục đích của chúng ta, vì, như chúng ta sẽ thấy, những điều kiện này không thực sự độc lập với nhau. Theo quan niệm chung được nhiều người chấp nhận, cạnh tranh hoàn hảo bao gồm:

1. Một loại hàng hóa đồng nhất, được cung cấp và được yêu cầu cung ứng tương ứng bởi nhiều người bán hàng và nhiều người mua hàng có quy mô tương đối nhỏ, không ai trong số người bán cũng như người mua kỳ vọng có thể tác động một cách chủ ý vào giá cả.

2. Tự do tham gia thị trường và không có những hạn chế khác đối với sự biến động của giá cả cũng như nguồn lực.

3. Tất cả những người tham gia thị trường đều có kiến thức đầy đủ về những yếu tố liên quan.

Ở giai đoạn này chúng ta sẽ không đặt câu hỏi những điều kiện này thực ra là để làm gì hay nếu chúng được coi là những điều kiện cho trước thì hàm ý ở đây là gì. Thay vào đó, chúng ta phải tìm hiểu thêm một chút về ý nghĩa của chúng, và về khía cạnh này, điều kiện thứ ba là điều kiện có tính quyết định, nhưng mơ hồ. Việc cho rằng tất cả mọi người tham gia thị trường đều có kiến ​​thức hoàn hảo về tất cả những tác nhân ảnh hưởng đến thị trường rõ ràng không thể là tiêu chí chuẩn mực được rồi. Tôi sẽ không đi vào nghịch lí mà mọi người đều biết về việc tri thức và khả năng tiên đoán hoàn hảo có thể làm tê liệt tất cả mọi hành động5. Rõ ràng là không thể giải quyết được bất cứ vấn đề gì nếu chúng ta giả định rằng tất cả mọi người đều biết tất cả mọi thứ; vấn đề thực sự là làm sao sử dụng một cách tối đa những tri thức sẵn có. Vấn đề đặt ra cho xã hội cạnh tranh không phải là làm sao “tìm” được những người biết nhiều hơn tất cả những người khác, mà là làm thế nào để có được các thiết chế đảm bảo rằng những người mà chúng ta chưa biết nhưng có tri ​​thức đặc biệt phù hợp với một nhiệm vụ cụ thể nào đó sẽ có cơ hội cao nhất được đưa tới để giải quyết nhiệm vụ đó. Nhưng chúng ta phải tìm hiểu thêm một chút về việc đâu là loại kiến thức được giả định là được các bên tham gia thị trường sở hữu.

Hãy xem xét thị trường hàng tiêu dùng và bắt đầu từ vị trí của người sản xuất hay người bán loại hàng hoá đó, chúng ta sẽ thấy, thứ nhất, họ được ngầm định là những người biết chi phí thấp nhất để sản xuất ra các hàng hóa đó. Tuy nhiên, kiến ​​thức này, vốn được giả định là có sẵn để khởi đầu quá trình phân tích, là một trong những thứ quan trọng theo đó chỉ thông qua quá trình cạnh tranh thì mới được khám phá ra. Tôi cho rằng đây là một trong những điểm quan trọng nhất mà ngay từ đầu lí thuyết về cân bằng cạnh tranh đã đưa ra các giả định loại bỏ nó, nhưng đó lại là nhiệm vụ chính yếu mà chỉ có quá trình cạnh tranh mới có thể giải quyết được. Điểm này gần giống với điểm thứ hai, tức là các nhà sản xuất được giả định là có đầy đủ thông tin về mong muốn và nguyện vọng của người tiêu dùng, trong đó có thông tin về những hàng hóa và dịch vụ mà người tiêu dùng cần và các mức giá mà họ sẵn sàng trả. Những thông tin này, đúng ra, không thể được coi là các sự kiện có sẵn mà phải được coi là những vấn đề phải được giải quyết thông qua quá trình cạnh tranh.

Về phía người tiêu dùng hay phía người mua, tình hình cũng tương tự. Một lần nữa, không thể giả định rằng trong trạng thái cân bằng cạnh tranh, họ đã có đầy đủ ngay kiến thức trước khi quá trình cạnh tranh được khởi động. Kiến thức về những phương án lựa chọn mà họ có là kết quả của những sự kiện xảy ra trên thị trường, như quảng cáo v.v.; và toàn bộ tổ chức của thị trường chủ yếu là để phục vụ nhu cầu truyền bá thông tin để giúp người mua hành động.

Tính chất kỳ dị của những giả định dùng để khởi dựng các lí thuyết về cân bằng tính cạnh tranh sẽ trở nên rõ ràng khi ta đặt câu hỏi những loại hoạt động nào thông thường được gắn với động từ “cạnh tranh” vẫn còn khả thi nếu như tất cả những điều kiện nói trên đều được thỏa mãn. Có lẽ cần nhắc lại rằng, theo tiến sĩ Johnson, cạnh tranh là “hành động nhằm giành được điều mà cùng lúc đó người khác cũng đang nỗ lực để giành lấy”. Thế thì trong cuộc sống thường ngày, trên thị trường mà “cạnh tranh hoàn hảo” giữ thế thượng phong, còn lại bao nhiêu phương tiện mà người bán có thể sử dụng để cho mục tiêu cạnh tranh đó? Tôi tin rằng câu trả lời sau là chính xác: Chẳng còn gì. Theo định nghĩa này thì các hoạt động như quảng cáo, giảm giá và cải tiến (“đa dạng hóa”) hàng hóa hay dịch vụ bị loại bỏ hoàn toàn - cạnh tranh “hoàn hảo” thực ra có nghĩa là không còn hoạt động cạnh tranh nào hết.

Đáng lưu ý ở đây là, lí thuyết về cạnh tranh hoàn hảo đã loại bỏ một cách dứt khoát và hoàn toàn tất cả những mối quan hệ giữa các bên tham gia thị trường6. Trong đời sống thực, kiến thức chưa đầy đủ của chúng ta về các loại hàng hay dịch vụ hiện có được bù đắp bởi kinh nghiệm của chúng ta khi tương tác với những người hoặc công ty cung cấp hàng hóa hay dịch vụ đó - không nghi ngờ gì, đấy là cạnh tranh về uy tín hoặc thái độ phục vụ, và thực tế này là một trong những thực tế quan trọng nhất giúp chúng ta giải quyết các vấn đề thường nhật của mình. Các chức năng của cạnh tranh ở đây chính xác là cho chúng ta biết ai là người phục vụ chúng ta một cách tốt nhất: chúng ta có thể hi vọng người bán hàng tạp hóa nào hay công ty du lịch nào, cửa hàng bách hóa nào hay khách sạn nào, bác sĩ hay luật sư nào có thể cung cấp giải pháp thỏa đáng nhất cho bất cứ vấn đề riêng tư đặc biệt nào mà chúng ta có thể gặp. Rõ ràng là, trong tất cả những lĩnh vực này, cạnh tranh có thể rất dữ dội, vì các dịch vụ của những người hoặc công ty khác nhau sẽ không bao giờ hoàn toàn giống nhau, và chính là nhờ cạnh tranh mà chúng ta được phục vụ tốt như hiện nay. Những lý do khiến cho cạnh tranh trong lĩnh vực này được mô tả là không hoàn hảo thực ra chẳng liên quan gì với tính chất cạnh tranh của các hoạt động của những người này; nó nằm trong bản chất của các loại hàng hóa hay dịch vụ đó. Nếu không tồn tại hai bác sĩ hoàn toàn giống nhau, thì không có nghĩa là sự cạnh tranh giữa họ là ít dữ dội mà chỉ có nghĩa là dù cạnh tranh giữa họ có như thế nào thì cũng sẽ không tạo ra các kết quả hoàn toàn giống nhau, như trong trường hợp, giả dụ, dịch vụ của họ giống hệt nhau. Đây không phải là lời nói suông. Nhiều khi chúng ta bàn về những khiếm khuyết hay bàn về cạnh tranh, nhưng kỳ thực chúng ta đang nói về những khác biệt chắc chắn phải có giữa các hàng hóa và dịch vụ, và điều này khiến cho sự nhầm lẫn đích thực bị che giấu và đôi khi dẫn tới những kết luận vô lý.

Mặc dù thoạt nhìn thì giả định liên quan đến tri thức hoàn hảo mà các bên tham gia thị trường sở hữu có lẽ là giả định đáng ngạc nhiên nhất và nhân tạo nhất trong tất cả những giả định để khởi dựng lí thuyết về cạnh tranh hoàn hảo, nhưng trên thực tế, nó có thể chỉ là hệ quả của và thậm chí một phần được biện minh bởi, một tiền giả định khác của lí thuyết này. Thực ra thì, nếu chúng ta bắt đầu từ giả định rằng có nhiều người sản xuất cùng một loại hàng hóa và cùng sở hữu, xét một cách khách quan, những phương tiện giống nhau và có cơ hội như nhau để làm việc đó, thì quả thật có khả năng là, sau một thời gian, tất cả mọi người sẽ nắm được hầu hết các sự kiện có liên quan đến việc đánh giá thị trường của mặt hàng đó (mặc dù, theo tôi biết, chưa có ai thử tiếp cận theo hướng giải thích này). Mỗi người sản xuất, bằng kinh nghiệm của mình, không chỉ sẽ học hỏi và nắm bắt được những sự kiện mà những người khác nắm được, mà còn biết người khác biết cái gì và sau đó là biết được sự co dãn của cầu đối với sản phẩm của anh ta. Điều kiện theo đó những người sản xuất khác nhau làm ra các sản phẩm giống hệt nhau trong những điều kiện giống nhau trên thực tế là điều kiện thuận lợi nhất để đưa kiến thức của họ tới trạng thái mà cạnh tranh hoàn hảo đòi hỏi. Có lẽ điều này có nghĩa không gì khác hơn là, ta chỉ có thể coi những mặt hàng là giống hệt nhau từ góc độ nhận thức về hành động con người chỉ khi mọi người có quan điểm giống hệt nhau về những mặt hàng đó, mặc dù chúng ta cũng có thể đưa ra một tập hợp các điều kiện vật lí thuận lợi để sao cho tất cả những người quan tâm đến một tập hợp các hoạt động có liên quan chặt chẽ với nhau có thể đều học hỏi để nắm bắt được những sự kiện có liên quan đến các quyết định của mình.

Dù thế nào thì rõ ràng là, khi có nhiều người đồng thời có khả năng sản xuất cùng một loại hàng hóa, thì các sự kiện không phải lúc nào cũng thuận lợi để tạo ra kết quả này như chúng thường là. Quan niệm cho rằng hệ thống kinh tế có khả năng phân chia được thành những thị trường riêng biệt cho những hàng hóa riêng biệt, nói cho cùng, là sản phẩm của trí tưởng tượng của các nhà kinh tế học, và chắc chắn không phải là điều thường thấy trong lĩnh vực sản xuất cũng như lĩnh vực dịch vụ cá nhân mà người ta thường nhắc tới trong những cuộc thảo luận về cạnh tranh. Trên thực tế, ai cũng biết rằng, chưa từng bao giờ có các sản phẩm được sản xuất bởi hai nhà sản xuất khác nhau lại giống nhau hoàn toàn, ngay cả khi lý do chỉ là vì khi sản phẩm ra khỏi nhà máy, chúng phải được đưa đến những nơi khác nhau. Các khác biệt này là một phần của những thực tế tạo ra các vấn đề kinh tế của chúng ta, và giả định rằng không có những khác biệt như thế sẽ chẳng giúp được gì trong việc giải quyết các vấn đề đó.

Vì tin vào các lợi thế của cạnh tranh hoàn hảo, những người nhiệt tình ủng hộ nó thậm chí còn khẳng định rằng các nguồn lực sẽ được sử dụng một cách hiệu quả hơn nếu có thể giảm bớt mức độ đa dạng sản phẩm đang hiện hữu bằng cách áp dụng những tiêu chuẩn bắt buộc. Chắc chắn là trong nhiều lĩnh vực, việc ủng hộ tiêu chuẩn hóa trên cơ sở các tiêu chuẩn hay khuyến nghị được đồng thuận là cần thiết để tránh phải đưa ra nhiều yêu cầu khác nhau trong những hợp đồng mua bán. Nhưng đây là vấn đề khác hẳn so với đòi hỏi của những người tin rằng cần bỏ qua sự đa dạng trong thị hiếu của dân chúng cũng như phải giảm bớt các cuộc thử nghiệm thường xuyên nhằm cải tiến sản phẩm để khai thác được những lợi thế của cạnh tranh hoàn hảo. Rõ ràng là sẽ chẳng có sự cải tiến nào nếu tất cả các ngôi nhà đều được xây hoàn toàn giống nhau nhằm tạo ra một thị trường hoàn hảo về nhà ở, và điều đó cũng đúng cho hầu hết những lĩnh vực khác, nơi mà sự khác biệt giữa các sản phẩm riêng lẻ ngăn cản không cho cạnh tranh trở nên hoàn hảo.

(còn nữa)

Chú thích:

(1) Tiểu luận này là nội dung chính của bài giảng tưởng nhớ Stafford Little được trình bày ở Đại học Princeton ngày 20, tháng 5, 1946.

(2) J. M. Clark, "Toward a Concept of Workable Competition”, American Economic Review, Vol. XXX (tháng 6, 1940). F. Machlup, "Competition, Pliopoly, and Profit", Economica, Vol. IX (new ser.; tháng 2 và tháng 5, 1942).

(3) Xem Chương II và Chương IV.

(4) Cụ thể đó là các giả định cho rằng ở mọi thời điểm một loại hàng hóa có trên thị trường luôn có một mức giá thống nhất, và rằng người bán hàng biết hình dạng của đường cầu.

(5) Xin đọc O. Morgenstern, "Vollkommene Voraussicht und wirtschaftliches Gleichgewicht", Zeitschrift fur Nationalokonomie, Vol. VI (1935).

(6) So sánh: G. J. Stigler, The Theory of Price (1946), tr. 24: “Các mối quan hệ kinh tế không bao giờ là cạnh tranh hoàn hảo nếu chúng liên quan đến bất kỳ quan hệ cá nhân nào khác giữa những đơn vị kinh tế” (xem thêm sdd., tr. 226).

Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 5, NXB Tri thức, 2016

Tác giả liên quan