Kinh tế học và Tri thức (Phần 4/4)

Kinh tế học và Tri thức (Phần 4/4)

8

Bây giờ tôi quay trở lại câu hỏi: đâu là các giả thuyết cụ thể về các điều kiện và quá trình mà mọi người được cho là tiếp thu tri thức liên quan? Nếu giả dụ chúng ta biết chút gì đó về các giả thuyết thuộc loại này, chúng ta sẽ phải rà soát chúng trên hai khía cạnh: phải xem xét liệu chúng có phải là các điều kiện cần và đủ để giải thích một chuyển động hướng tới cân bằng và phải chỉ ra ở mức độ nào chúng được xác nhận bằng thực tế. Nhưng tôi e rằng tôi đang tiến tới một nấc thang cực kỳ khó khăn để diễn tả chính xác nội dung của các giả thiết mà chúng ta căn cứ vào đó để nhận định rằng sẽ có một xu hướng hướng tới cân bằng và để khẳng định phân tích của chúng ta có ứng dụng đối với thế giới thực. Tôi không thể giả bộ là đã có câu trả lời rõ ràng về vấn đề này. Do vậy, tất cả cái tôi có thể làm là đưa ra một số câu hỏi mà chúng ta buộc phải có lời giải đáp nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa của luận điểm của chúng ta.

Để hình thành trạng thái cân bằng điều kiện cần duy nhất mà các nhà kinh tế đã khá đồng thuận là tính “không đổi của dữ liệu”. Nhưng sau những phân tích về sự mơ hồ của khái niệm “dữ liệu” chúng ta sẽ nghi ngờ rằng điều này sẽ không giúp chúng ta đi xa hơn - và quả đúng như vậy. Ngay cả khi chúng ta giả thiết - vì có thể chúng ta phải làm như vậy - thuật ngữ này được sử dụng ở đây theo nghĩa khách quan (cần lưu ý bao gồm các sở thích những cá nhân khác nhau) thì vẫn hoàn toàn chưa làm rõ được rằng đây hoặc là điều kiện cần hoặc là điều kiện đủ để mọi người sẽ thực sự tiếp thu được tri thức cần thiết, hay là giả định này đã được ngụ ý như là một mệnh đề nói về các điều kiện theo đó mọi người sẽ tiếp thu được tri thức cần thiết. Một điều đáng nói là có một số tác giả1 trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cảm thấy cần thiết phải thêm yếu tố “tri thức hoàn hảo” như là một điều kiện bổ trợ riêng rẽ. Và thực ra, chúng ta sẽ thấy rằng sự không thay đổi của dữ liệu khách quan chẳng phải là một điều kiện cần hay là một điều kiện đủ. Điều khiến nó không thể là một điều kiện đủ được suy ra từ thực tế: thứ nhất, không ai muốn cắt nghĩa nó theo nghĩa tuyệt đối là không có bất cứ điều gì nảy sinh trên thế giới, và thứ hai, như chúng ta đã thấy, ngay khi chúng ta muốn đưa vào các thay đổi xảy ra định kỳ hoặc có lẽ ngay cả các thay đổi xảy ra với một tỉ lệ không đổi, cách duy nhất giúp chúng ta có thể định nghĩa sự không đổi là đề cập tới các kỳ vọng. Điều kiện này rốt cuộc đi tới chỗ cho rằng phải có cái gì đó xuất hiện đều đặn dễ nhận thấy trên thế giới khiến ta có thể dự đoán các sự kiện một cách chính xác. Nhưng, trong khi đây rõ ràng không phải là điều kiện đủ để chứng tỏ rằng mọi người sẽ học hỏi để dự báo các sự kiện một cách chính xác, thì cũng rất rõ ràng rằng đây cũng không phải là điều kiện đủ để đảm bảo tính không đổi của dữ liệu theo nghĩa tuyệt đối. Với bất kỳ một cá nhân nào, sự không đổi của dữ liệu không hề hàm ý sự không đổi của tất cả các sự kiện độc lập với anh ta, vì tất nhiên chúng ta chỉ có thể giả định các sở thích chứ không phải các hành động của những người khác là không đổi theo nghĩa này. Và do tất cả những người khác này sẽ thay đổi các quyết định của họ khi họ có thêm kinh nghiệm về các sự kiện bên ngoài và về hành động của những người khác, nên không có lí do gì khiến cho những quá trình thay đổi kế tiếp nhau này phải luôn luôn tiến về cùng một đích. Chúng ta đã biết rõ những khó khăn này2 và việc tôi đề cập chúng ở đây chỉ để nhắc lại cho các bạn một thực tế là chúng ta biết ít ỏi như thế nào về các điều kiện để có được trạng thái cân bằng. Nhưng tôi không có ý định tiếp tục cách tiếp cận này thêm nữa, dù là không phải bởi vì chúng ta không có những vấn đề lí thú chưa được giải quyết liên quan đến khả năng tiếp thu tri thức trong thực tế của mọi người (nghĩa là, để dữ liệu chủ quan trở nên tương ứng lẫn nhau và tương ứng với các sự kiện khách quan). Có lẽ với tôi lí do thực ra là có một cách tiếp cận khác và hiệu quả hơn tới vấn đề trung tâm của bài luận.

9

Câu hỏi mà tôi vừa mới bàn luận liên quan tới các điều kiện và quá trình mọi người tiếp thu tri thức cần thiết chí ít đã được quan tâm ở một mức độ nhất định trong các nghiên cứu trước đây. Nhưng có lẽ với tôi vẫn còn một câu hỏi nữa cũng quan trọng không kém nhưng lại không được chú ý tới là các cá nhân khác nhau phải sở hữu bao nhiêu tri thức và loại tri thức nào để chúng ta có thể nói về cân bằng. Rõ ràng là, nếu muốn khái niệm cân bằng phải có một ý nghĩa thực nghiệm nào đó thì chúng ta không thể giả định trước rằng mọi người biết mọi thứ. Tôi đã phải dùng đến thuật ngữ chưa được định nghĩa “tri thức liên quan” (relevant knowledge), tức tri thức gắn với một người cụ thể nào đó. Nhưng tri thức liên quan này là gì? Hầu như nó không thể mang nghĩa đơn giản là tri thức mà thực sự đã ảnh hưởng đến các hành động của anh ta, bởi vì các quyết định của anh ta có thể đã khác nếu như, ví dụ, tri thức anh ta sở hữu là đúng thay vì không đúng, hoặc nếu như anh ta sở hữu tri thức về những lĩnh vực hoàn toàn khác nhau.

Rõ ràng ở đây có một vấn đề về sự Phân hữu Tri thức (division of knowledge) mà hoàn toàn tương tự và ít nhất cũng quan trọng như vấn đề phân công lao động. Nhưng, trong khi vấn đề sau đã là một trong những chủ đề chính của các nghiên cứu ngay từ khi bắt đầu ngành kinh tế học, thì vấn đề trước hoàn toàn bị bỏ qua, mặc dù với tôi nó dường như là vấn đề hết sức trọng tâm của kinh tế học với tư cách là một ngành khoa học xã hội3. Vấn đề thách thức chúng ta phải giải quyết là bằng cách nào các tương tác tự phát của một số người, trong đó mỗi người chỉ sở hữu một mảnh nhỏ tri thức, đem đến một trạng thái mà tại đó các mức giá tương ứng với chi phí, v.v., và trạng thái này giống như trạng thái có thể được tạo ra bằng định hướng có chủ ý chỉ bởi một số người sở hữu tri thức tổng hợp của mọi cá nhân kia. Và kinh nghiệm cho thấy một số tình huống thuộc loại này thực sự xảy ra, vì quan sát thực nghiệm về xu hướng tương ứng của các mức giá so với chi phí đã là điểm khởi đầu của ngành kinh tế học. Nhưng trong phân tích cân bằng của chúng ta, thay vì chỉ ra được phần thông tin mà những người khác nhau phải sở hữu nhằm mang lại kết quả đó, thì chúng ta trên thực tế lại rơi ngược trở lại về giả thiết mọi người biết mọi thứ và vì thế lảng tránh giải pháp thực sự cho vấn đề.

Tuy nhiên trước khi có thể tiếp tục xem xét sự phân hữu tri thức giữa những người khác nhau, tôi cần phải nói rõ về loại tri thức mà có liên quan đến phân tích của chúng ta ở đây. Việc chỉ nhấn mạnh đến vai trò của tri thức về giá cả đã trở thành thói quen giữa các nhà kinh tế hiển nhiên bởi vì, như là một hậu quả của những nhầm lẫn giữa dữ liệu khách quan và chủ quan, tri thức đầy đủ về các thực tế khách quan đã được coi là được cho sẵn. Trong thời gian gần đây ngay cả tri thức về các mức giá hiện tại cũng đã lại bị coi là đã có sẵn đến nỗi loại phân tích duy nhất trong đó còn chứa đựng câu hỏi về tri thức chỉ là sự phỏng đoán các mức giá trong tương lai. Nhưng, như tôi đã chỉ ra ở phần đầu bài viết này, các kỳ vọng giá cả, và thậm chí tri thức về các mức giá hiện tại, chỉ là một phần rất nhỏ của vấn đề tri thức theo nhìn nhận của tôi. Mảng rộng hơn của vấn đề tri thức tôi quan tâm là tri thức về một hiện tượng hết sức cơ bản: bằng cách nào có thể có được và sử dụng được các hàng hóa khác nhau4, và ở những điều kiện nào thì thực sự có được và sử dụng được chúng, nghĩa là, câu hỏi tổng quát tại sao dữ liệu chủ quan với những người khác nhau lại tương ứng với các sự kiện khách quan. Vấn đề tri thức của chúng ta ở đây chính xác là về sự tồn tại của mối quan hệ tương ứng này. Đáng tiếc, trong phần lớn những nghiên cứu cân bằng gần đây mối quan hệ này đơn giản được giả định là đã tồn tại. Tuy nhiên, chúng ta buộc phải giải thích mối quan hệ tương ứng này nếu muốn chỉ ra tại sao các định đề, mà tất yếu đúng khi nói về thái độ của một cá nhân đối với những sự vật mà anh ta tin là có những thuộc tính nhất định, lại cũng trở nên đúng khi nói về các hành động của xã hội liên quan đến những sự vật mà hoặc có những thuộc tính này hoặc, vì một vài lí do mà chúng ta sẽ phải giải thích, được các thành viên của xã hội nói chung tin là có những thuộc tính này5.

Nhưng, quay trở lại vấn đề đặc biệt tôi vẫn đang bàn, lượng tri thức mà các cá nhân khác nhau phải sở hữu để có thể xuất hiện sự cân bằng (hay tri thức “liên quan” họ phải sở hữu), chúng ta sẽ tiến gần hơn tới câu trả lời nếu nhớ lại cách thức làm sáng tỏ nhận định hoặc sự cân bằng chưa từng tồn tại hoặc nó đã bị nhiễu loạn. Chúng ta thấy rằng các kết nối cân bằng sẽ bị nguy hại nếu một người nào đó thay đổi kế hoạch, hoặc bởi vì các thị hiếu của anh ta thay đổi (mà chúng ta sẽ không bàn đến đến ở đây) hoặc bởi vì các sự kiện mới anh ta vừa biết. Nhưng hiển nhiên có hai cách khác nhau giúp anh ta có thể có thông tin về sự kiện mới dẫn đến sự thay đổi kế hoạch, mà trong các mục đích nghiên cứu của chúng ta, có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Anh ta có thể biết các sự kiện mới một cách tình cờ, nghĩa là, không phải là kết quả tất yếu của việc anh ta cố gắng thực hiện kế hoạch ban đầu, hoặc một điều không thể tránh khỏi là trong quá trình cố gắng anh ta phát hiện ra rằng các sự kiện khác với mong đợi. Rõ ràng là, để anh ta có thể thực hiện đúng theo kế hoạch, tri thức của anh ta cần phải chuẩn xác chỉ tại những thời điểm mà chắc chắn nó sẽ được xác nhận hay được hiệu chỉnh trong quá trình thực thi kế hoạch. Nhưng anh ta có thể vẫn không có tri thức về những cái mà, giả sử nếu như có nó, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch của anh ta.

Do vậy, kết luận chúng ta rút ra được là tri thức liên quan mà anh ta phải sở hữu để có thể hình thành trạng thái cân bằng là tri thức mà anh ta chắc chắn có được về kế hoạch ban đầu và về các bước triển khai kế hoạch sau đó. Nếu giả sử anh ta tiếp thu chúng một cách tình cờ thì rõ ràng không phải mọi tri thức sẽ hữu dụng với anh ta, khiến anh ta phải tiến hành một thay đổi nào đó trong kế hoạch của mình. Và do vậy chúng ta có thể có một trạng thái cân bằng rất tốt chỉ bởi vì một số người không có cơ hội biết về các sự kiện mà, nếu như họ biết chúng, sẽ khiến họ thay đổi kế hoạch. Hay, nói một cách khác, điều kiện về tri thức mà một người cần có trong quá trình thực hiện kế hoạch ban đầu và các thay đổi tiếp theo để có thể đem đến một trạng thái cân bằng chỉ có tính chất tương đối.

Trên một phương diện nào đó, trong khi một vị trí như thế thể hiện một trạng thái cân bằng, thì rõ ràng nó không phải là một trạng thái cân bằng theo nghĩa đặc biệt theo đó cân bằng được xem như là một loại vị trí tối ưu. Để việc kết hợp các mảnh nhỏ tri thức đơn lẻ tạo ra kết quả có khả năng so sánh với các kết quả mà một nhà độc tài thông tuệ định hướng thì các điều kiện khác nữa rõ ràng phải được đưa vào6. Và trong khi dường như hiển nhiên là chúng ta có thể xác định được lượng tri thức mà các cá nhân phải sở hữu để đạt được kết quả này, thì tôi biết không có một cố gắng nghiên cứu thực sự nào đi theo hướng này. Một điều kiện có lẽ cần phải đưa thêm vào là: mỗi phương án sử dụng khác nhau của bất kỳ loại nguồn lực nào cần được biết đến bởi chủ sở hữu của một số những nguồn lực đang thực sự được sử dụng cho một mục đích khác. Với điều kiện này thì tất cả phương án sử dụng khác nhau của những nguồn lực này được gắn kết, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, với nhau7. Nhưng tôi đề cập đến điều kiện này chỉ nhằm minh họa cho việc vì sao trong hầu hết các trường hợp đây lại là điều kiện đủ để đảm bảo rằng trong mỗi ngành luôn tồn tại một số lượng người nhất định cùng nhau sở hữu tất cả các tri thức liên quan. Chi tiết hóa nội dung này thêm nữa có lẽ là một công việc rất thú vị và quan trọng nhưng lại là một nhiệm vụ vượt quá xa phạm vi của bài viết này.

Mặc dù tới thời điểm này phần lớn điều tôi đề cập được thể hiện dưới dạng phê phán, nhưng tôi không muốn tỏ ra quá nản lòng về cái chúng ta đã đạt được trong lĩnh vực kinh tế học. Ngay cả nếu chúng ta đã bỏ qua một mắt xích quan trọng nào đó trong quá trình lập luận, tôi vẫn tin rằng kinh tế học, nhờ phương pháp tiếp cận tuy vẫn còn ẩn dụ của mình, đã tiến tới gần hơn bất kỳ ngành xã hội học nào trong việc trả lời câu hỏi trung tâm của mọi ngành khoa học xã hội, đó là bằng cách nào sự kết hợp các mảnh tri thức tồn tại trong những bộ óc khác nhau có thể đưa đến những kết quả mà, nếu như chúng được hình thành một cách có chủ ý, sẽ đòi hỏi một thứ tri thức thuộc về loại trí tuệ chỉ huy mà không một cá nhân nào có thể sở hữu. Theo nghĩa này thì theo tôi việc chỉ ra rằng, dưới những điều kiện mà chúng ta có thể xác định các hành động tự phát của các cá nhân sẽ đem đến một sự phân bổ các nguồn lực mà có thể được hiểu cứ như thể nó đã được thực hiện theo một kế hoạch duy nhất mặc dù không ai hoạch định nó, thực chất là một câu trả lời cho vấn đề đôi khi được ngụ ý dưới dạng “trí tuệ xã hội” (social mind). Nhưng chúng ta phải không được ngạc nhiên là những khẳng định như thế về phía chúng ta thường bị các nhà xã hội học bác bỏ bởi chúng ta đã không xây dựng chúng trên những nền tảng đúng đắn.

Tới thời điểm này tôi chỉ muốn nói thêm một điểm nữa. Đó là, nếu xu hướng hướng tới cân bằng, mà chúng ta có lí do để tin là tồn tại trên các nền tảng thực nghiệm, chỉ hướng tới một trạng thái cân bằng tương ứng với loại tri thức mà mọi người sẽ có được trong quá trình hoạt động kinh tế, và nếu bất kỳ sự thay đổi tri thức nào khác cần phải được nhìn nhận như là một “sự thay đổi dữ liệu” theo nghĩa thông thường của thuật ngữ này, nhưng lại nằm ngoài phạm vi phân tích cân bằng, thì điều này sẽ có nghĩa là phân tích cân bằng thực sự không thể cho chúng ta biết gì về vai trò của những thay đổi tri thức như thế. Và điều này cũng sẽ cho phép lí giải một thực tế là công việc phân tích cân bằng thuần tuý dường như có quá ít cái để nói về các thể chế, ví dụ như hệ thống báo chí, mà mục đích của chúng là để truyền đạt tri thức. Thậm chí nó cũng cho phép lí giải tại sao thái độ thiên lệch hẳn về phân tích cân bằng thuần tuý lại thường tạo ra sự mù quáng kì quái về vai trò mà các loại thể chế, ví dụ như quảng cáo, đóng góp trong đời sống thực.

10

Với những nhận xét có phần hơi rời rạc này về những chủ đề đáng ra phải được xem xét cẩn thận hơn nữa, tôi xin kết thúc khảo cứu của tôi về những vấn đề này ở đây. Chỉ còn một hoặc hai lưu ý nữa tôi muốn bổ sung thêm.

Một là, dù nhấn mạnh đến bản chất của các định đề thực nghiệm mà chúng ta phải sử dụng nếu muốn dùng hệ thống hình thức của phân tích cân bằng để giải thích thế giới thực, và dù nhấn mạnh rằng các định đề về cách thức mọi người học hỏi (thuộc phạm vi nghiên cứu kinh tế) thuộc về một bản chất hoàn toàn khác với những cái của phân tích hình thức, thì tôi không có ý đề xuất rằng cái đó mở ra một không gian rộng lớn cho nghiên cứu kinh tế thực nghiệm. Tôi rất nghi ngờ liệu hướng nghiên cứu như thế sẽ cho chúng ta biết thêm điều gì mới. Điểm quan trọng thực ra là chúng ta nên phân biệt rõ ràng đâu là những nghi vấn về sự kiện chi phối khả năng ứng dụng luận điểm của chúng ta đối với thế giới thực, hay nói một cách khác, tại thời điểm nào luận điểm của chúng ta, khi được áp dụng cho các hiện tượng của thế giới thực, trở nên phụ thuộc vào sự kiểm chứng.

Hai là, tôi không hề định nói rằng các loại vấn đề tôi đã đề cập là xa lạ so với hệ thống phân tích của các nhà kinh tế thuộc những thế hệ trước. Điều duy nhất tôi có thể đưa ra để phản bác lại họ là họ đã quá lẫn lộn giữa hai loại định đề, tiên nghiệm và thực nghiệm, mà mọi nhà kinh tế thực dụng dùng tràn lan, đến nỗi chúng ta thường không thể nào biết họ đã đưa ra loại căn cứ gì để đảm bảo tính hợp lệ cho một mệnh đề cụ thể. Những công trình gần đây hơn đã tránh được lỗi này - nhưng lại phải trả cái giá là tính hữu dụng của các luận điểm để giải thích các hiện tượng của thế giới thực ngày càng trở nên mù mịt. Tất cả những gì tôi đã cố gắng thực hiện là giúp cho phân tích của chúng ta trở lại với đời thường, điều mà tôi e rằng chúng ta có thể sẽ đánh mất khi mà phân tích của chúng ta ngày càng trở nên quá chuyên sâu. Bạn thậm chí có thể cảm thấy hầu hết những điều tôi vừa trình bày là có tính đại chúng. Song có lẽ đôi khi chúng ta cần phải tách mình ra khỏi các lập luận bằng ngôn ngữ kỹ thuật chuyên sâu và đặt một câu hỏi hoàn toàn chất phác là các lập luận này nhằm mục đích gì. Nếu tôi chỉ làm sáng tỏ được một điều duy nhất là, trong một số khía cạnh, câu trả lời cho câu hỏi ấy không những không hiển nhiên mà có đôi lúc chúng ta thậm chí còn không biết, thì có nghĩa tôi đã đạt được mục đích đặt ra.

Chú thích:

(1) Xem N. Kaldor, "A Classificatory Note on the Determinateness of Equilibrium”, Review of Economic Studies, 1, No. 2 (1934), 123.

(2) Về tất cả điều này, xem N. Kaldor trong tác phẩm ở chú thích trước, nhiều đoạn.

(3) Tôi không chắc lắm, nhưng tôi hi vọng là sự phân biệt giữa Logic Thuần túy về Lựa chọn và kinh tế học như là một bộ môn khoa học xã hội về bản chất tương tự cái mà A. Ammon muốn nói khi ông nhắc đi nhắc lại là một "Theorie des Wirtschaftens" [lí thuyết kinh tế cá thể] không bao giờ là một "Theorie der Volkswirtschaft" [lí thuyết kinh tế quốc dân].

(4) Tri thức theo nghĩa này rộng hơn cái thường được mô tả như kĩ năng, và sự phân hữu tri thức mà chúng ta bàn ở đây rộng hơn khái niệm theo nghĩa của phân công lao động. Nói ngắn gọn, "kĩ năng" chỉ đề cập tới tri thức mà một người sử dụng trong công việc, trong khi loại tri thức khác mà chúng ta phải biết ít nhiều để có thể nói cái gì đó về các quá trình trong xã hội là tri thức về các khả năng hành động khác nhau mà anh ta không trực tiếp thực hiện. Có thể nói thêm là tri thức, theo nghĩa mà thuật ngữ được sử dụng ở đây, đồng nhất với khả năng tiên đoán (foresight) chỉ với nghĩa theo đó toàn bộ tri thức là khả năng dự tính.

(5) Nguồn gốc của mọi loại khó khăn và nhầm lẫn, cụ thể trong mối quan hệ với vấn đề "cho phép kiểm chứng", là việc tất cả các định đề lí thuyết kinh tế đề cập tới những vật thể được định nghĩa theo nghĩa thái độ của con người hướng tới chúng, nghĩa là, ví dụ "đường ăn" mà lí thuyết kinh tế hay nói đến được định nghĩa không phải bởi những thuộc tính "khách quan" của nó mà bởi thực tế là mọi người tin rằng nó sẽ mang đến cho họ những nhu cầu nhất định theo một cách nhất định. Với sự phân biệt này, sự đối nghịch giữa khoa học xã hội về nhận thức luận (verstehende social science) và phương pháp của các nhà hành vi luận (behaviorist) trở nên quá rõ ràng. Tôi không biết rõ các nhà hành vi luận trong khoa học xã hội thực sự nhận thức được việc họ nên từ bỏ bao nhiêu phần của phương pháp truyền thống nếu giả sử họ muốn có sự nhất quán hay họ vẫn muốn trung thành một cách nhất quán với phương pháp truyền thống nếu giả sử họ đã nhận thức được điều này. Ví dụ, hành vi luận có lẽ sẽ cho rằng các định đề về lí thuyết tiền tệ nên phải dứt khoát đề cập tới, chẳng hạn, "các mảnh tròn bằng kim loại được đóng dấu", hay một vài vật thể hay nhóm vật thể được xác định một cách tương tự.

(6) Các điều kiện này thường được mô tả như là sự thiếu vắng "ma sát". Trong một bài báo công bố gần đây ("Quantity of Capital and the Rate of Interest”, Journal of Political Economy, XLIV, Vol. XLIV/ 5, 1936, 638), Frank H. Knight hoàn toàn đúng khi chỉ ra rằng “sai phạm” là nghĩa thông dụng của ma sát trong bàn luận về kinh tế học".

(7) Đây có lẽ là một điều kiện, nhưng có lẽ không phải là điều kiện đủ, để đảm bảo rằng, với một trạng thái về cầu cho sẵn, năng suất cận biên của các yếu tố sản xuất khác nhau trong các ứng dụng khác nhau sẽ bằng nhau và rằng theo nghĩa này sẽ mang lại một trạng thái cân bằng trong quá trình sản xuất. Không cần thiết phải giả thiết là, như một ai đó có lẽ nghĩ, mọi phương án sử dụng khả thể khác nhau của bất kì loại nguồn lực nào nên được ít nhất một trong số các chủ sở hữu của mỗi nhóm các nguồn lực đã được dùng đó biết đến cho một mục đích cụ thể, đó là bởi vì các phương án được biết với người chủ sở hữu nguồn lực trong một sử dụng cụ thể được phản ánh vào trong giá cả của nguồn lực này. Theo cách này một sự phân bố tri thức cho các phương án sử dụng, m, n, o, . . . y, z, của một loại hàng hoá có thể đủ, nếu A, người mà sử dụng các loại nguồn lực thuộc sở hữu của anh ta theo phương án m biết phương án n, và B, người mà sử dụng nguồn lực của anh ta theo phương án n, biết phương án m, trong khi C, người mà sử dụng nguồn lực của anh ta theo phương án o, biết phương án n, v.v., cho tới khi chúng ta tiến tới L, người mà sử dụng nguồn lực của anh ta theo z, nhưng chỉ biết phương án y. Để bổ sung cho điều này tôi không biết rõ ở mức độ nào một sự phân bố tri thức cụ thể thành các tỉ lệ khác nhau cần phải có để có thể tổng hợp các yếu tố khác nhau trong quá trình sản xuất bất kỳ một loại hàng hoá nào. Để có sự cân bằng hoàn chỉnh cần thêm các giả thiết về tri thức mà người tiêu dùng sở hữu liên quan tới những khả năng dịch vụ của các loại hàng hóa đáp ứng nhu cầu thỏa mãn của họ.

Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 2, NXB Tri thức, 2016

 

Dịch giả:
Đinh Tuấn Minh