Làm thế nào bạn biết? Kiến thức và tiền đề của tự do

Làm thế nào bạn biết? Kiến thức và tiền đề của tự do

Bằng cách nào mà tri thức nằm trong hàng triệu bộ óc riêng rẽ lại có thể trở nên hữu dụng với những người khác? Về khía cạnh này thì các xã hội tự do có những lợi thế nào so với các xã hội độc tài hay bị kiểm soát? Làm thế nào mà các quy định pháp luật, quyền sở hữu, trao đổi tự nguyện và giá cả có thể giải quyết những vấn đề mà chương trình kế hoạch hóa tập trung mang tính chất cưỡng chế không thể giải quyết? Maarten Wegge đã từng nghiên cứu về khoa học chính trị tại ETH Zurich và tại Đại học Antwerp, nơi ông nhận tấm bằng thạc sỹ của mình, đồng thời ông cũng từng là chính trị viên của Liberral Vlaams Studenten Verbond (LVSV, Tổ chức Sinh viên Tự do Cổ điển Flemish). Ông hiện là Giám đốc học thuật của Viện Murray Rothbard ở Bỉ. Lode Cossaer nhận bằng thạc sỹ triết học tại Đại học Antwerp và Đại học Công giáo Leuven và hiện đang làm luận án Tiến sỹ. Ông dạy kinh tế ở Brussels. Như Maarten Wegge, Cossaer cũng đã từng là một chính trị viên của LVSV. Ông là thành viên ban điều hành của tổ chức Sinh Viên Châu Âu Vì Tự Do (European Students For Liberty) và chủ tịch của Viện Murray Rothbard ở Bỉ.

Giả sử bạn được yêu cầu đưa ra các quyết định cho bố mẹ hoặc anh chị em trong gia đình bạn thì liệu bạn có làm điều đó không? Giả sử bạn được yêu cầu làm điều tương tự với bạn bè và những người họ hàng, liệu bạn có cho rằng mình có thể làm điều đó hay không? Giả sử bạn phải đưa ra các quyết định hàng ngày cho hàng tỷ con người xa lạ, cả những người còn sống hôm nay và những người sẽ sống trong tương lai. Đó quả là một yêu cầu thách thức phải không nào?

Bạn không chỉ phải nắm rõ được các dữ kiện thực tế, mà còn phải biết được cả các mục tiêu. Những mục tiêu nào bạn nên tìm kiếm? Và sau khi lựa chọn các mục tiêu, làm thế nào để bạn đạt được chúng? F. A. Hayek1 gọi tập hợp những vấn đề liên quan như vậy là “vấn đề tri thức”, mà ông mô tả là “vấn đề về việc làm thế nào để đảm bảo việc sử dụng tốt nhất những nguồn lực được biết đến bởi tất cả các thành viên trong xã hội, vì những mục đích có tầm quan trọng tương đối mà chỉ các cá nhân này biết.”2 

Để làm rõ vấn đề tri thức này là gì, chúng ta có thể chia thành ba câu hỏi:

Thứ nhất, bằng cách nào một xã hội có thể tối ưu hóa việc sử dụng tri thức?

Thứ hai, làm thế nào chúng ta có thể khuyến khích việc sử dụng tri thức theo cách truyền cảm hứng để mọi người chia sẻ kiến thức của mình cho những người khác?

Thứ ba, bằng cách nào chúng ta có thể tạo ra những tri thức cần thiết để mọi người phối hợp hành động với nhau, và tạo ra sự tiến bộ về kinh tế cũng như xã hội?

Ba câu hỏi trên dẫn đến một câu hỏi khác, đó là những quá trình xã hội nào phù hợp nhất để tạo ra tri thức, tối ưu hóa và khuyến khích sử dụng tri thức? Câu trả lời được đưa ra bởi những người theo chủ nghĩa tự do (hay còn gọi là các nhà tự do cổ điển hoặc tự do cá nhân, tùy thuộc vào truyền thống ngôn ngữ hoặc quốc gia nơi bạn đến) là những gì mà Adam Smith3 gọi là “hệ thống đơn giản và rõ ràng về quyền tự do tự nhiên”4. Những yếu tố trung tâm của hệ thống này bao gồm “tài sản riêng biệt” (đôi khi còn được gọi là “tài sản tư”), chúng được xác định rõ ràng, bảo vệ hợp pháp, và có thể chuyển nhượng; tự do trao đổi; và các quy định pháp luật để xác định, bảo vệ, và tạo điều kiện cho những trao đổi tự do này.

Những vấn đề này không chỉ đơn thuần liên quan đến cách thức tổ chức xã hội hiệu quả nhất. Chúng còn bắt rễ sâu vào nền tảng luân lý cũng như đạo đức. Tự do liệu có còn quan trọng không nếu tất cả chúng ta đều có kiến thức hoàn hảo về những gì mà mỗi người trong chúng ta mong muốn hoặc cần đến, hay về tất cả mọi điều mà những người khác đều biết? Nếu dạng kiến thức này tồn tại, thì lý lẽ cho một xã hội kế hoạch tập trung sẽ hợp lý hơn, tất nhiên với giả định rằng các nhà lập kế hoạch là những người rộng lượng và có tinh thần công chúng. Tuy nhiên, sự thật giản đơn đó là không ai trong chúng ta là toàn trí cả, ngay cả khi tất cả chúng ta đều rộng lượng và có tinh thần công chúng.

Bạn có muốn người khác quyết định mọi thứ thay cho mình không? Có lẽ là không. Mỗi người chúng ta đều có kiến thức sâu sắc về các mục tiêu cá nhân cũng như những phương tiện để đạt được chúng. Trong khi những người khác sẽ phải mất một khoảng thời gian khó khăn hơn rất nhiều mới có thể nắm bắt được những kiến thức cụ thể đó. Người ngoài hiếm khi hiểu rõ hoàn cảnh của bạn bằng chính bạn. Và bạn cũng khó có thể hiểu được cuộc sống của người khác bằng chính họ. Có một sự “bất đối xứng” cơ bản khi nói đến tri thức. Tính bất đối xứng này là một lý do tốt để chứng thực giả định về tự do. Một trong những lập luận mạnh mẽ nhất về tự do dựa trên sự hiểu biết về vấn đề tri thức

Chúng ta hãy đi sâu vào ý nghĩa của những hiểu biết này đối với sự xuất hiện và tính bền vững của trật tự xã hội. Trật tự xã hội ở đây được hiểu là một xã hội mà chúng ta có thể phối hợp hành động của mọi người vì những lợi ích chung, cho dù là để vui chơi, tạo ra của cải, hay vì những mục đích khác. Những gì mà trật tự xã hội đòi hỏi là những gì mà Hayek gọi là “một trật tự của những hành động.” Như Hayek đã chỉ ra,

“Điều kiện để các hành động đơn lẻ của các cá nhân hướng tới một trật tự chung không chỉ là việc họ không được phép có những can thiệp không cần thiết vào công việc của người khác, mà còn là phải có cơ hội tốt để sự phối hợp ăn khớp giữa các hành động của các cá nhân có thể xảy ra – đây là điều cần phải tính đến để đảm bảo cho hành động của các cá nhân thành công".5

Mặt khác, mất trật tự  xã hội ám chỉ một dạng tương tác của loài người đặc trưng bởi tình trạng tội phạm, gian lận, trộm cắp, hành hung, giết người, hoặc thậm chí chiến tranh tràn lan khắp nơi. Trật tự xã hội cho phép chúng ta theo đuổi mục tiêu của bản thân một cách hòa bình thông qua hợp tác tự nguyện với những người khác, do đó chúng ta có thể cống hiến nguồn lực của mình, không chỉ để tồn tại (đặc biệt trong cuộc chiến chống lại những kẻ đang cố gắng lấy đi cuộc sống, tự do, hoặc hàng hóa của chúng ta), mà còn cho nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống, như tình bạn, tình yêu, nghệ thuật, thể thao, đối thoại, sự sáng tạo, khám phá, phát minh, và vô số những mục đích khác của những người tự do.

Các định chế giúp quan hệ hợp tác này tồn tại. Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách phân biệt các định chế kinh tế, chính trị và pháp lý. 

Các định chế thị trường: giao dịch và giá

Loại hình trật tự pháp lý và kinh tế nào xử lý hiệu quả nhất vấn đề tri thức? Hệ thống quy tắc nào tối ưu hóa việc sử dụng tri thức? Hệ thống nào khuyến khích mọi người chia sẻ kiến thức hữu ích của họ cho những người khác? Và những động cơ nào dẫn đến sự gia tăng tri thức, thay vì hao mòn đi?

Hệ thống tự do tự nhiên vốn được hình thành dựa trên quyền sở hữu và tự do hợp đồng nuôi dưỡng đồng thời hai yếu tố tưởng chừng không tương thích: đó là cạnh tranh và hợp tác xã hội. Chúng ta dùng từ “tưởng chừng” bởi hai yếu tố này không nhất thiết đi cùng với nhau. Trong một thị trường, các doanh nhân, các thương nhân, và các hãng cạnh tranh với nhau để giành được “mối hàng” (hay “thương vụ”) với các khách hàng của họ, tức là tìm kiếm cơ hội hợp tác với họ. Quyền buôn bán cũng có nghĩa là quyền được lựa chọn hay từ chối giao dịch với người khác. 

Quyền sở hữu thiết lập nên các lằn ranh giới; khi bạn tham gia vào một giao dịch cũng là lúc bạn trao đổi các quyền của bạn, còn nếu không tức là bạn tiếp tục nắm giữ các quyền của mình, bởi vậy bất kỳ trao đổi tự nguyện nào cũng là một bước tiến vượt ra ngoài lằn ranh giới đó. Các quyền sở hữu cũng xác định rõ ai là người có quyền tự do quyết định hành vi đối với một nguồn lực, miễn là hành vi đó tuân theo các quy tắc thông thường chống lại ảnh hưởng tiêu cực đến tự do hay làm tổn hại đến quyền của người khác.

Khi một người có quyền tự do quyết định hành vi đối với một nguồn lực cũng là người thu hoạch thành quả và có quyền bán các thành quả này, hoặc hưởng lợi từ các dịch vụ sinh ra từ thành quả này, hay được quyền bán chính nguồn lực này, thì người đó sẽ có động cơ để suy ngẫm cân nhắc xem những người khác muốn gì hay có thể làm gì đối với nguồn lực đó, bởi họ có thể giao dịch với anh ta. Điều đó không có nghĩa là mọi người không phạm phải sai lầm trong tính toán, song khả năng gặt hái được phần thưởng là sự gia tăng giá trị của nguồn lực khan hiếm sẽ khuyến khích các chủ sở hữu nguồn lực tham gia vào các hoạt động kinh tế tạo ra các hàng hóa và dịch vụ mà người tiêu dùng có nhu cầu cao trên thị trường. Và giá vốn (giá bán nguồn lực) tạo cho người sở hữu (và những khách hàng tiềm năng) động cơ suy tính về tương lai, bởi dòng lợi nhuận tương lai sẽ được “vốn hóa” vào giá hiện tại. (Về mặt kỹ thuật, giá của một ngôi nhà sẽ ngang với tổng các khoản tiền cho thuê trong tương lai mà ngôi nhà mang lại, chiều khấu bởi lãi suất, nghe thì có vẻ hấp dẫn khi mà hàng hóa trong tương lai đã có giá trị ngay từ bây giờ. Tuy nhiên, nếu giá vốn không thể được xác lập thông qua trao đổi tự nguyện, bởi tài sản và hoạt động trao đổi không được cho phép, thì các hàng hóa trong tương lai sẽ không có giá trị hiện tại và sẽ có rất ít hoặc thậm chí là không có động cơ nào để nắm giữ cả; đây chính là trường hợp được gọi là “bi kịch của tài sản công” trong sinh thái học”.6)

Các hành động mua và bán đơn thuần trên thị trường tạo ra giá cả. Giá cả truyền đạt một thông tin quan trọng: nó là dấu hiệu cho thấy ai đó, ở nơi nào đó đã từng sẵn sàng trả mức giá cụ thể đó. Nó có tác dụng “đại diện” cho các cách thức sử dụng và định giá khác nhau của nguồn lực khan hiếm. Nếu tôi đang quyết định làm cái gì đó, tôi có thể so sánh giá của các loại yếu tố đầu vào khác nhau có khả năng sử dụng để làm ra nó và các mức giá cho tôi biết giá trị mà những người khác đặt ra cho chúng vì những mục đích sử dụng khác. Tôi cần tạo ra nhiều giá trị hơn so với những giá trị khác đó để có thể thu được lợi nhuận khi bán món hàng; nếu tôi chỉ có thể bán nó thấp hơn tổng các giá trị đầu vào này, tôi sẽ bị thua lỗ, đây là một cách khá hiệu quả để biết rằng tôi không nên tiếp tục sản xuất mặt hàng đó nữa.

Giá cả hình thành từ các hành vi mua và bán phi tập trung – “chào giá và trả giá” – tạo nên đặc trưng của các thị trường. Chúng xuất hiện như là sản phẩm phụ của các hành vi trao đổi và chúng truyền tải thông tin rất hiệu quả theo một hình thức phổ biến và dễ hiểu dưới dạng con số cho toàn bộ những người mua và người bán – thực tế lần tiềm năng – của các mặt hàng. Đó là lý do tại sao không cần một cơ quan kế hoạch tập trung để tổng hợp thông tin trong một nền kinh tế dựa trên cơ chế thị trường. Tất cả mọi người trong xã hội góp phần vào quá trình này đều là một ốc đảo kiến thức nhỏ bé, song hành vi của họ góp phần tạo ra các dấu hiệu chỉ dẫn hành động cho những người khác. Giá cả phối hợp vô số các kế hoạch và hành động cá nhân; bằng cách tìm kiếm lợi nhuận của riêng họ, các lợi ích chung được tạo ra và hàng triệu người (mỗi người có khả năng tiếp cận một lượng thông tin hữu hạn và theo đuổi nhiều mục tiêu khác nhau) có thể hợp tác một cách hòa bình, cung cấp thông tin của họ cho những người khác, không chỉ về các mục tiêu của họ, mà về cả những yếu tố khách quan, công nghệ, khả năng sẵn sàng của nguồn lực cùng nhiều thứ khác. Điều đó chỉ xảy ra nếu khả năng theo đuổi lợi ích cá nhân của họ bị giới hạn bởi quyền sở hữu của những người khác mà vốn dĩ được pháp luật bảo vệ. Khi lợi ích cá nhân được kết hợp với quyền lực cưỡng chế người khác, thì nó sẽ dẫn đến hành vi trộm cắp, xung đột bạo lực, và tình trạng thiếu phối hợp cũng như rối loạn toàn bộ.

Đó là lý do tại sao cạnh tranh và hợp tác xã hội là hai quá trình, chứ không phải điều kiện hoàn hảo của thị trường và xã hội. Quyền sở hữu, giao dịch, và giá cả cung cấp động lực cho chúng ta tiết lộ thông tin cho người khác theo một cách hữu dụng và giúp chúng ta phối hợp hành vi của mình mà không cần đến sự ép buộc hay mệnh lệnh. Chắc chắn là hầu hết (nhưng không phải tất cả) chủ sở hữu của các hãng đều cạnh tranh gay gắt với các đối thủ, song cũng chính những người này sẽ rất thích thú khi thấy những người khác cạnh tranh với nhau để có được mối bạn hàng với mình. Chúng ta thường thích mua đồ với giá rẻ hơn và bán hàng với giá cao hơn, vì vậy chúng ta thích cuộc cạnh tranh giữa những người sản xuất và bán hàng cho chúng ta, và có thái độ cay cú với những người cạnh tranh với mình trong lĩnh vực mà mình kinh doanh. Tuy nhiên, nhìn chung tất cả các bên sẽ đều tốt hơn khi tự do cạnh tranh và tự do trao đổi trở thành luật. (Nỗ lực bảo vệ tình trạng độc quyền, chính sách trợ cấp và các ưu đãi đặc biệt khác thông qua sức mạnh cưỡng chế của nhà nước được các nhà kinh tế gọi với cái tên khá khó hiểu là “hành vi tìm kiếm tô kinh tế,”7 (rent seeking) và đã có rất nhiều nghiên cứu về các chính sách can thiệp phục vụ lợi ích đặc quyền được thực hiện bởi các nhà kinh tế và các nhà khoa học chính trị trường phái “lựa chọn công””.8)

Tương tác thị trường tự do tạo ra giá trị cho con người, chứ không phải đơn thuần là “tối đa hóa lợi nhuận.”9 Lợi nhuận kinh tế nói cho chúng ta biết một công ty có thực sự tạo ra giá trị gia tăng hay không. Lợi nhuận là phần chênh lệch giữa mức giá sản phẩm được bán ra và chi phí để tạo ra sản phẩm, các chi phí được thể hiện bằng giá tiền nói cho chúng ta biết giá trị của những lựa chọn thay thế mà nguồn lực hữu hạn có thể sử dụng. Và tình trạng lỗ, xảy ra khi hàng hóa chỉ có thể bán được với mức giá giá thấp hơn chi phí để sản xuất ra nó, gửi đi một tín hiệu khá hiệu quả rằng, thay vì tạo ra giá trị, một hãng hay một doanh nghiệp đang phá hủy giá trị. Lợi nhuận và thua lỗ cung cấp cả thông tin và động cơ giúp phối hợp hành vi một cách tự nguyện và định hướng những người tham gia thị trường dịch chuyển các nguồn lực để chúng có giá trị sử dụng cao nhất.

Các định chế chính trị

Các tương tác chính trị khác biệt như thế nào khi so sánh với các tương tác thị trường tự do? Hành động của nhà nước có ưu và nhược điểm gì trong việc giải quyết các vấn đề tri thức được mô tả trong phần giới thiệu? Có cơ chế nào mà theo đó các định chế chính trị - cho dù mang tính chất độc tài hay dân chủ, gia trưởng hay hiến định, hạn quyền hay không hạn quyền – có thể tối ưu hóa giải quyết vấn đề tri thức hoặc khuyến khích người dân tạo ra tri thức hoặc chia sẻ cho người khác những điều họ biết? Có những mô hình nào tương tự như cơ chế lợi nhuận và thua lỗ trong lĩnh vực chính trị mà cho phép chúng ta đánh giá các tương tác chính trị là thành công hay thất bại, giống như chúng ta dựa vào lợi nhuận và thua lỗ trong lĩnh vực kinh tế vậy? Liệu tương tác chính trị - giữa các chính trị gia, quan chức và công chúng có quyền biểu quyết – có cho chúng ta biết mong muốn và nhu cầu của các thành phần còn lại, đồng thời cung cấp cho chúng ta động lực để đáp ứng những nhu cầu và mong muốn này hay không?

Điểm tách biệt chính trị với các lĩnh vực tương tác khác của loài người đó là các tương tác chính trị dựa trên sự ép buộc chứ không phải hợp tác tự nguyện. Các đạo luật thông qua bởi đa số phiếu trong quốc hội được áp dụng cho tất cả chúng ta, bất kể chúng ta có đồng ý với họ hay không. Bạn có nghĩa vụ nộp thuế cho dù bạn muốn hay không; nếu không tuân thủ bạn có thể bị thu giữ tài sản, mất quyền tự do và bị tống giam, thậm chí tệ hơn thế. Bạn phải “mua” những gì được đưa ra, cho dù bạn có muốn hay không. Và bạn sẽ nhận được nguyên gói – chính sách đối ngoại, chính sách thuế, các đạo luật về thuốc, đạo luật hôn nhân, trường học, hệ thống chăm sóc sức khỏe, và còn nhiều chính sách khác nữa. Bạn không thể chọn nhiều hơn hay ít hơn, như cách bạn vẫn thường làm trong các giao dịch thị trường tự do.

Nó giống như việc bạn phải chấp nhận trọn gói trong một giao dịch khổng lồ kiểu đồng-ý-hoặc-cuốn-xéo bao gồm cả ngôi nhà, cả xà phòng tắm, cả các hàng tạp hóa, lẫn điện thoại, kính mắt hoặc kính áp tròng của bạn (ngay cả khi bạn không cần hoặc không muốn chúng), vật nuôi của bạn (ngay cả khi bạn dị ứng với chúng), bít tất, rồi tuyển tập âm nhạc của bạn, trong khi bạn không thể mua bất kỳ đồ gì trong đống này từ người khác, các nhà cung cấp cạnh tranh, hoặc chỉ đơn thuần là trốn tránh việc mua chúng. Và bởi vì đây không phải là giao dịch tự nguyện, rất nhiều giao dịch trong số này không mang lại lợi ích chung cho tất cả những người tham gia, trong khi một giao thương trên thị trường diễn ra giữa các bên trên cơ sở tự nguyện, và những người không tham gia được bảo vệ bởi các quy định về quyền sở hữu để đề phòng những người khác có ý muốn xâm phạm các quyền của họ.

Mặc dù người dân ngày càng có nhiều tiếng nói trong công việc điều hành của chính phủ, do ngày càng có nhiều quốc gia được xem là có nền dân chủ, song liệu các cử tri có thể truyền đạt bao nhiêu tới các chính trị gia về điều họ muốn hay thứ họ cần? Hay nói cách khác, liệu chúng ta có thể chuyển tải bao nhiêu thông tin về nhu cầu và mong muốn của chúng ta thông qua thùng phiếu? Khi chúng ta xuống đường bỏ phiếu, chúng ta được yêu cầu đồng loạt nói lên quan điểm của mình về rất nhiều thứ, thật khó cho bất kỳ ai để có thể hiểu được tại sao người này hay người kia lại bầu chọn cách này hay cách khác, hay nắm bắt được điều họ mong muốn ở người đại diện của họ. Các chính trị gia ngày nay đưa ra quyết định về thuế, quan hệ ngoại giao và quân sự, môi trường, giáo dục, chi tiêu cho phúc lợi, nhập cư, các vấn đề sức khỏe, sản phẩm nào có thể hay không thể được mua và bán, nhà ở, hôn nhân – bất kể vấn đề nào bạn gọi tên, nó cũng đang được bỏ phiếu ở một nơi nào đó.

Một cử tri có thể ủng hộ một ứng viên nào đó bởi anh ta đồng ý với ứng viên về tất cả các vấn đề nêu trên, hoặc anh ta quan tâm đến một trong số các vấn đề này và đồng tình với ứng viên về vấn đề đặc biệt đó. Các cử tri cũng có thể chọn ứng viên mà họ thấy đáng tin cậy, hiểu biết, thân thiện, hay thậm chí bởi vẻ bề ngoài. Gần như không có cách nào để biết được động cơ của các cử tri. Và ngay cả khi họ nói với những người thăm dò dư luận, “Tôi bỏ phiếu cho ứng viên X vì X có vẻ thông minh” (hay “đồng tình với tôi về cắt giảm [hoặc gia tăng] thuế,” hay “đã đưa ra một đường lối cứng rắn chống tội phạm”), thật khó để biết được cử tri sẽ ủng hộ hay phản đối những vị trí hay đặc điểm nào của ứng viên. Bỏ phiếu cho các ứng viên không phải là một cách hiệu quả để phát hiện điều mà các cử tri nghĩ. (Và phương án này sẽ còn tệ hơn khi bạn nhận ra rằng điều mà các cử tri quyết định là liệu những người khác có được phép bày tỏ ý thích của bản thân hay được sống cuộc đời như họ mong muốn; đó là lý do tại sao chế độ dân chủ không hạn quyền đôi khi được mô tả như cảnh hai con sói và một con cừu bỏ phiếu xem sẽ ăn gì vào bữa tối.)

Nếu một doanh nghiệp sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ mà người dân không thấy có giá trị, hoặc quá đắt đối với túi tiền của họ, doanh nghiệp đó sẽ thua lỗ và bị đào thải ra khỏi ngành. Trái lại, các chính phủ có thể ép buộc chúng ta trả tiền cho các sản phẩm và dịch vụ không tốt, vì họ có thể sử dụng vũ lực. Bạn có thể không thích những gì chính phủ sản xuất, nhưng dù gì thì bạn vẫn phải mua nó. Trong một thị trường tự do, các khách hàng có thể mua những sản phẩm hoặc dịch vụ mà người khác không muốn, thậm chí còn thấy chúng khủng khiếp hay khó chịu. Trong các thị trường tự do, người mua có thể bày tỏ sở thích khác thường của họ, miễn là họ không làm hại người khác. Khi chính phủ cung cấp các hàng hóa hay dịch vụ, người dân thường phải sử dụng một sản phẩm thuộc loại một-cỡ-vừa-cho-tất-cả. Bạn không thể nói bạn muốn hoạt động này của chính phủ ít hơn một chút và hoạt động này của chính phủ nhiều hơn một chút. Bạn nhận được một hợp đồng trọn gói. Chúng ta thường không được lựa chọn khi tương tác về mặt chính trị để mua sản phẩm khác hay chuyển sang nhà cung cấp dịch vụ khác. Chúng ta không thể bày tỏ sở thích của mình về các đánh đổi và những lựa chọn “cận biên.”10

Pháp trị

Các quy định là điều cần thiết cho sự tồn tại của việc hợp tác hòa bình. Các thị trường, không kém gì các chính phủ (và xét theo nhiều cách thì thậm chí còn vượt xa các chính phủ) được điều chỉnh bởi các quy định. Như John Locke11 lập luận, “Nơi nào không có luật, nơi đó không có tự do.” 12

Chúng ta không thể chỉ đơn giản yêu cầu mọi người không vi phạm hợp đồng, trộm cắp, gây sự với những người khác, hay nói chung là vi phạm các quyền. Nhưng các quy định cũng không nhất thiết phải phức tạp hay khó hiểu mới có tác dụng, hay để làm bệ đỡ cho trật tự của một xã hội tự do. Những quy định khá đơn giản về tài sản và hợp đồng tạo ra giá cả giúp phối hợp các hình thức vô cùng phức tạp của trật tự xã hội13. Từ nghiên cứu sinh thái học cho đến nghiên cứu về các bầy chim và đàn cá, trong những năm gần đây các nhà khoa học đã hiểu rõ hơn về cách thức các nguyên tắc (hay quy định) đơn giản có thể tạo ra những mô hình vô cùng phức tạp. Điều đó cũng đúng với trật tự của loài người: những quy định đơn giản của các xã hội tự do tạo ra tình trạng trật tự hơn và giúp đạt được sự thịnh vượng hơn so với các biện pháp can thiệp phức tạp của các nhà hoạch định xã hội chủ nghĩa. 

Để một trật tự xã hội đủ tiêu chuẩn là một kết cấu “tự do” hoặc “tự do cá nhân”, những đặc điểm nhất định (được gọi chung là “quy định pháp luật”) sau đây là cần thiết: ít nhất, các quy định phải rõ ràng và dễ hiểu; chúng phải được áp dụng một cách vô tư; và chúng phải phân định ranh giới cho các lĩnh vực thuộc quyết định cá nhân mà tại đó một người được tự do sử dụng quyền năng theo ý riêng của mình14. Cả ba điều trên đều cực kỳ quan trọng. Giả sử các quy tắc trong xã hội không rõ ràng, tức là chúng không thể (hoặc quá khó khăn) để có thể hiểu nổi, hoặc lỗi thời, hay thậm chí mâu thuẫn. Điều đó có nghĩa là mọi người sẽ không biết trước điều gì là hợp pháp hay điều gì bất hợp pháp – điều gì sẽ bị pháp luật trừng phạt và điều gì không. Trong số các lỗi khác, tính không chắc chắn đến từ chế độ đó sẽ làm lung lay kế hoạch, và do đó cũng làm suy yếu sự phối hợp tự nguyện giữa các kế hoạch. Trật tự pháp lý cần truyền đạt được kiến thức về pháp luật và nếu nó không làm được điều đó, thì nó hoàn toàn không xứng đáng là một trật tự pháp lý.

Thậm chí, những đạo luật rõ ràng cũng yêu cầu những vị thẩm phán trung lập. Nếu một thẩm phán áp dụng các quy định theo một cách đối với các thành viên trong gia đình này và cách khác đối với các thành viên trong một gia đình khác, đó không còn là quy tắc nữa. Hay khi thẩm phán ban hành những phán quyết sau khi đã ăn hối lộ, hay vì áp lực chính trị (hiện tượng này ở một số nước được gọi là “công lý qua điện thoại,” ám chỉ việc thẩm phán nhận cuộc gọi từ “Bộ Tư pháp” nói rằng vị thẩm phán cần đưa ra phán quyết như thế nào), hoặc vì chủng tộc, tôn giáo, dân tộc, ngôn ngữ, hoặc một lý do nào khác chứ không căn cứ vào pháp luật và các tình tiết của vụ án, thì khi đó các quy định pháp luật đã không được thực thi. (Điều đó không có nghĩa là chức năng tư pháp bị cho là cứng nhắc; vẫn có chỗ để sự thông thái dựa trên tình huống thực phát huy tác dụng, hay theo tiếng Latinh gọi là prudentia và theo tiếng Hy Lạp là phronesis, tuy nhiên sự thông thái thực tế đó không được tùy tiện hay trái với các quy định như trong các trường hợp hối lộ, phân biệt chủng tộc, hay chủ nghĩa thân hữu.) Tính rõ ràng của các quy định kết hợp với một sự chắc chắn tương đối về việc các quy định sẽ được thực thi một cách vô tư, về lâu về dài sẽ tạo ra khuôn khổ cho một xã hội công bằng. 

Tuy nhiên, trật tự pháp lý của một xã hội tự do không chỉ đòi hỏi các quy định rõ ràng được áp dụng một cách công bằng. Nó còn đòi hỏi các đạo luật xác định và bảo vệ những lĩnh vực thuộc về ý muốn cá nhân. Khi thụ hưởng cuộc sống, tự do hay tài sản của mình, một người tự do đáng lẽ ra không nên “bị ảnh hưởng bởi ý chí gia trưởng của người khác, mà phải được tự do làm theo ý chí của bản thân,” như Locke đã lập luận.15 Mọi người đều cần điều mà Hayek gọi là một “lãnh thổ được bảo vệ,” trong đó bản thân họ có thể đưa ra các quyết định. Không có lãnh thổ này, con người ta sẽ không có hoặc có rất ít tinh thần tạo mới, điều đó đồng nghĩa với việc có rất ít hay không có sự sản xuất ra tri thức. Tự do quan trọng không phải chỉ bởi vì bạn được làm những gì bạn muốn làm; mà có lẽ nó quan trọng hơn bởi những người khác có thể làm những gì họ muốn làm. Như Hayek đã giải thích,

“Điều quan trọng không phải loại tự do mà cá nhân tôi thích sử dụng mà là loại tự do mà một ai đó cần để có thể làm những việc mang lại lợi ích cho xã hội. Chúng ta chỉ có thể đảm bảo quyền tự do này cho một người vô danh bằng cách trao nó cho tất cả mọi người.” 16

Vấn đề tri thức cũng chạy xuyên suốt toàn bộ những vấn đề về pháp luật mà chúng ta thảo luận trên đây. Không phải lúc nào nếu không muốn nói là không một ai trong chúng ta từng chắc chắn được rằng quy định thế nào mới là đúng, hay có thể hiểu đúng hoặc áp dụng đúng các quy định này. Đây là những vấn đề quan trọng và phức tạp. Đó là lý do tại sao các nhà tư tưởng thuộc dòng tự do cổ điển đã biện hộ cho các cơ chế tản quyền để xác định các quy định tốt và các quy trình công khai và minh bạch về việc đưa ra các phán quyết. Các cơ chế tản quyền bao gồm các cơ chế như chính quyền tự trị địa phương, chủ nghĩa liên bang, và cả các quyền hạn xét xử cạnh tranh và chồng chéo, nhờ vậy mà những sai lầm đó có thể được sửa chữa và các thông lệ tốt hơn được phát hiện; các quy trình xét xử bao gồm các phiên tòa xét xử công khai, công bố các thủ tục pháp lý, những cuộc thảo luận quốc hội mở, tự do báo chí, và nhiều hình thức khác để đảm bảo tính minh bạch, từ đó hé lộ các vụ tham nhũng, phát hiện những thủ tục tố tụng thiếu công bằng, hay lật tẩy những đặc quyền đặc lợi. Một bộ các cơ chế thích hợp cho một xã hội tự do và công bằng cần có khả năng vận hành ngay cả khi có sự xâm nhập của những người xấu với những động cơ tiêu cực; nó không nên phụ thuộc vào tính trong sạch của các động cơ hay tính vô tư của chủ thể hành động, mà cần tồn tại không chỉ trong các trường hợp tốt nhất (tức là các nhà điều hành khách quan, có động cơ tốt, và thông tin hợp lý đầy đủ), mà trong cả những trường hợp xấu nhất (tức là các nhà điều hành vụ lợi, thèm khát quyền lực, và thông tin nghèo nàn). Đây là điều kiện cần để cơ chế trở nên “mạnh mẽ”17. Các cơ chế này cũng cần có khả năng thích nghi với hoàn cảnh, chứ không đơn thuần là kháng cự lại hoàn cảnh; chúng cần được rút kinh nghiệm từ những sai lầm, như điều các thị trường đã làm (nhớ rằng cạnh tranh thị trường chỉ xoay quanh vấn đề “thử sai”, và mắc sai lầm là một phần của quá trình học hỏi diễn ra trên các thị trường tự do). Điều này gần đây được gọi là “chống lại sự mong manh” (antifragile).18

Kết luận

Hãy quay trở lại với những câu hỏi mở đầu của chúng ta:

Thứ nhất, làm thế nào một xã hội có thể tối ưu hóa việc sử dụng tri thức?

Thứ hai, làm thế nào chúng ta có thể khuyến khích mọi người chia sẻ kiến thức của họ cho người khác?

Thứ ba, làm thế nào chúng ta có thể tạo ra những tri thức cần thiết cho mọi người để phối hợp hành động giữa họ và tạo ra sự tiến bộ về kinh tế và xã hội?

Cả bản chất của vấn đề và kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy các hệ thống ra-lệnh–và-kiểm-soát có tính cưỡng chê từ trên xuống dưới – giấc mơ của những người theo chủ nghĩa xã hội, phát xít, chủ nghĩa Xã hội Quốc gia, chủ nghĩa Xã hội Quốc tế, và tất cả các hình thức chủ nghĩa tập thể khác - đều không hoạt động hiệu quả. Không ai và không ủy ban nào có được thông tin cần thiết để phối hợp hàng triệu (hay hàng tỷ) con người với nhiều mục tiêu khác nhau và sở hữu những tri thức rời rạc. Đó là lý do tại sao tự do và pháp trị là điều vô cùng quan trọng. Chúng đảm đương được nhiệm vụ mà hệ thống kế hoạch tập trung không làm được. 

Chú thích:

(1) F. A. Hayek: là một nhà kinh tế học và nhà khoa học chính trị người Anh gốc Áo, ông được biết đến qua lập luận ủng hộ cho chủ nghĩa tư bản trên thị trường tự do để chống lại các tư tưởng xã hội chủ nghĩa đang phát triển trong thế kỷ XX. Ông nhận giải Nobel Kinh tế năm 1974. (ND)

(2) Friedrich A. Hayek “The Use of Knowledge in Society.” American Economic Review. XXXV, số 4 trang 519-30. Hiệp hội Kinh tế Mỹ. 1945. Thư viện Kinh tế và Tự do [Online] có thể truy cập tại địa chỉ: www.econlib.org/library/Essays/hykKnw1; truy cập ngày 12/05/2013. Hoặc cũng có thể xem cuốn Knowledge and Decisions của Thomas Sowell (New York: Basic Books, 1996).

(3) Adam Smith: là nhà kinh tế chính trị học và triết gia đạo đức học lớn người Scotland, là người mở đường cho phát triển lý luận kinh tế. (ND)

(4) Adam Smith, An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations.. Edwin Cannan chủ biên. London: Công ty TNHH Methuen, xuất bản năm 1904. Thư viện Kinh tế và Tự do [Online] có thể truy cập tại địa chỉ: www.econlib.org/library/Smith/smWN19.html; truy cập ngày 12/05/2013. 

(5) F. A. Hayek, Law, Legislation, and Liberty: Volume I, Rules and Order (Chicago: Đại học Chicago ấn hành, 1973), trang 98-99.

(6) www.econlib.org/library/Enc/TragedyoftheCommons.html

(7) www.econlib.org/library/Enc/RentSeeking.html

(8) www.econlib.org/library/Enc/PublicChoice.html

(9) Tham khảo thêm giải thích và bằng chứng tại các bài luận trong cuốn The Morality of Capitalism (được xuất bản ở VN với tựa: Đạo đức và Thị trường), do Tom G. Palmer chủ biên (Ottawa, IL: Jameson Books, 2011), đặc biệt là bài “Phỏng vấn một Doanh nhân” (phỏng vấn John Mackey, nhà đồng sáng lập Tập đoàn Whole Foods Market) và “Nghịch lý của đạo đức,”, của học giả tự do chủ nghĩa Trung Quốc Mao Yushi.

(10) Những cuốn sách nhập môn tốt cho người nghiên cứu khoa học về sự lựa chọn trong chính trị, tham khảo cuốn Public Choice: A Primer, của Eamonn Butler (London: Viện Nghiên cứu Kinh tế, 2012) và Government Failure: A Primer in Public Choice (, của Gordon Tullock, Gordon Brady, và Arthur Seldon (Washington, DC: Học viện Cato, 2002).

(11) John Locke: là nhà triết học, nhà hoạt động chính trị người Anh. Ông cũng phát triển lý thuyết về khế ước xã hội, vai trò của nó tới chức năng và nguồn gốc nhà nước. Qua các tác phẩm của mình, ông luôn đấu tranh chống lại chủ nghĩa chuyên chế và đóng góp lớn đối với chủ nghĩa tự do cả về mặt cá nhân và thể chế.

(12) John Locke, Second Treatise of Government, chương VI, mục 57.

(13) Xem cuốn Simple Rules for a Complex World của Richard Epstein (Cambridge, MA: Đại học Harvard ấn hành, 1995).

(14) Học giả tự do cổ điển, luật gia Lon Fuller, đã chỉ rõ 8 cách mà một người có thể thất bại khi làm luật trong cuốn sách của ông The Morality of Law (New Haven: Đại học Yale ấn hành, 1939), trang 33-37. Hayek đã phát triển thêm: “Luật sẽ bao gồm những quy tắc ảnh hưởng đến hành vi giữa các cá nhân với nhau; đó là những qui tắc độc lập hoàn toàn với mục đích, nhằm áp dụng cho vô số trường hợp chưa xác định; và bằng cách xác lập miền bảo vệ của mỗi người, chúng cho phép hình thành một trật tự của những hành động một cách tự nhiên, tại đó những cá nhân có thể thực hiện khả thi những kế hoạch của riêng mình.” F. A. Hayek, Law, Legislation, and Liberty: Volume I, Rules and Order (Chicago: Đại học Chicago ấn hành, 1973), trang 85-86.

(15) John Locke, Second Treatise of Government, chương VI, mục 57.

(16) F. A. Hayek, The Constitution of Liberty, Ronald Hamowy chủ biên (Chicago: Đại học Chicago ấn hành, 2011).

(17) Xem những cuộc tranh luận về tính tin cậy trong cuốn sách của P. J. Boettke và P. T. Leeson, “Liberalism, Socialism, and Robust Political Economy,” trong Journal of Markets & Morality (2004), 7:1, tr. 99–111 và Mark Pennington, Robust Political Economy: Classical Liberalism and the Future of Public Policy (Cheltenham: Edward Elgar Publishing, 2011).

(18) Xem cuốn sách của Nessim Nicholas Taleb, Antifragile: Things that Gain from Disorder (New York: Nhà xuất bản Random, 2012)

Nguồn: Why Liberty: Your Life, Your Choices, Your Future, edited by Tom G. Palmer, Jameson Books; 1st edition, 2013

Dịch giả:
Phan Huy Đạt
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Palmer, Tom G.