Bàn về khái niệm sự thực trong nhóm ngành khoa học xã hội
1
Hiện chưa có một thuật ngữ được tất cả mọi người chấp nhận để mô tả nhóm ngành học mà chúng ta sẽ nói tới trong bài luận này. Thuật ngữ “nhóm ngành khoa học đạo đức”, theo nghĩa mà John Stuart Mill sử dụng, bao trùm gần hết lĩnh vực này, nhưng từ lâu nó không còn thông dụng nữa và bây giờ, nó không còn phù hợp với đa số độc giả. Mặc dù vì lí do đó mà tôi buộc phải sử dụng thuật ngữ quen thuộc “nhóm ngành khoa học xã hội” trong tiêu đề bài tiểu luận, thì tôi vẫn phải lưu ý ngay rằng điều đó không có nghĩa là tất cả các ngành nghiên cứu những hiện tượng của đời sống xã hội đều phải đối mặt với những vấn đề mà chúng ta sẽ thảo luận. Ví dụ, thống kê dân số hoặc nghiên cứu về sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, chắc chắn là có liên quan tới những hiện tượng xã hội, nhưng không gặp phải những vấn đề mà chúng ta sẽ xem xét ở đây. Đấy chính xác là những môn khoa học tự nhiên về xã hội, nếu có thể gọi được như thế, và chúng không có sự khác biệt nhiều so với những môn khoa học tự nhiên khác. Nhưng nghiên cứu về ngôn ngữ, thị trường, hoặc pháp luật và hầu hết các thiết chế khác của con người thì lại khác. Đó chính là nhóm ngành mà tôi đề nghị xem xét và tôi buộc phải sử dụng thuật ngữ “nhóm ngành khoa học xã hội” cho chúng dù rằng có thể gây ra một vài hiểu lầm nho nhỏ.
Bởi tôi sẽ khẳng định rằng vai trò của kinh nghiệm trong nhóm ngành nghiên cứu này khác hẳn với vai trò của nó trong nhóm ngành khoa học tự nhiên, nên có lẽ tốt nhất tôi phải giải thích rằng khởi thủy, chính tôi đã tiếp cận đối tượng nghiên cứu của mình với niềm tin tưởng tuyệt đối vào giá trị phổ quát của những phương pháp nghiên cứu của nhóm ngành khoa học tự nhiên. Vấn đề không chỉ là vì khóa đào tạo chuyên ngành đầu tiên của tôi phần lớn là mang tính khoa học theo nghĩa hẹp của từ này, mà còn là vì việc học hành của tôi (thực ra không được sâu lắm) trong lĩnh vực triết học hay phương pháp khoa học lại nằm hoàn toàn trong trường phái của Ernst Mach và sau này là trường phái thực chứng. Tất cả câu chuyện này thực ra chỉ nhằm thừa nhận một điều vốn dĩ đã liên tục diễn ra theo dòng thời gian (chắc chắn là trong cả lĩnh vực kinh tế học), đó là: tất cả mọi người được xem là có tư duy bình thường đều liên tục vi phạm những quy tắc chính yếu đã được thừa nhận của phương pháp khoa học đúc rút từ hoạt động thực tiễn của nhóm ngành khoa học tự nhiên; thậm chí ngay cả các nhà khoa học tự nhiên, khi bắt tay vào thảo luận những hiện tượng xã hội, thường cũng phạm phải điều này - chí ít là cho tới chừng nào họ còn làm theo cách tư duy thông thường; nhưng trong trường hợp, điều không hẳn là không thường xuyên xảy ra, khi một nhà khoa học tự nhiên tìm cách áp dụng một cách nghiêm túc thói quen tư duy của mình vào những vấn đề xã hội thì gần như chắc chắn sẽ cho ra những kết quả cực kỳ tai hại, nghĩa là dẫn đến những kết quả mà tất cả những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp trong những lĩnh vực xã hội này coi là hoàn toàn vô nghĩa. Nhưng trong khi không khó để chỉ ra sự vô lí của hầu hết những cố gắng cụ thể nhằm biến các ngành khoa học xã hội thành “khoa học”, thì việc đưa ra những luận cứ thuyết phục nhằm bảo vệ những phương pháp đặc trưng của mình lại khó hơn hẳn, vì rằng những phương pháp đó, tuy thỏa mãn hầu hết nhu cầu áp dụng của mọi người trong những trường hợp cụ thể, lại bị người ta phê phán là loại “kiến thức kinh viện thời trung cổ” mà mọi người đều đã nằm lòng.
2
Có lẽ giới thiệu như thế là đủ. Cho tôi đi thẳng vào trọng tâm chủ đề nghiên cứu của mình bằng câu hỏi: loại sự thực (fact) mà chúng ta phải đối mặt trong nhóm ngành khoa học xã hội là loại gì? Câu hỏi này ngay lập tức dẫn đến một câu hỏi khác mà về nhiều mặt là có tính quyết định đối với vấn đề đang được thảo luận: Chúng ta hàm ý điều gì khi sử dụng cụm từ “loại sự thực nhất định”? Chúng xuất hiện trước chúng ta như là những sự thực cùng loại nào đó, hay chúng ta xếp chúng vào thành cùng loại bằng cách nhìn chúng theo cùng một cách nhất định nào đó? Đương nhiên là tất cả tri thức chúng ta có về thế giới bên ngoài đều bắt nguồn từ nhận thức bằng cảm giác (sense perception) và do đó, từ tri thức của chúng ta về các sự thực vật lí. Nhưng phải chăng điều đó có nghĩa là tất cả các tri thức của chúng ta đều chỉ là về các sự thực vật lí? Câu trả lời phụ thuộc vào việc chúng ta hàm ý gì với cụm từ “loại sự thực”.
Phép loại suy từ nhóm các ngành khoa học tự nhiên sẽ làm vấn đề trở thành rõ ràng. Tất cả các đòn bẩy hay con lắc trong hình dung của chúng ta đều có những thuộc tính hóa học và quang học. Nhưng, khi nói về đòn bẩy hay con lắc, chúng ta không nói về những sự thực hóa học hay quang học. Điều làm cho các sự vật đơn lẻ trở thành một loại sự thực nào đó là những thuộc tính mà chúng ta chọn ra để xem xét chúng như là những phần tử của một nhóm. Chuyện này, tất nhiên, chẳng có gì đặc biệt. Điều đó có nghĩa là, dù rằng tất cả các hiện tượng xã hội mà chúng ta có khả năng phải xem xét đều có thể có những thuộc tính vật lí, nhưng đối với mục đích nghiên cứu của chúng ta, chúng không nhất thiết phải là các sự thực vật lí. Việc xếp chúng là sự thực thuộc loại nào tùy thuộc vào việc chúng ta thấy loại đó có phù hợp cho cuộc thảo luận về những vấn đề của chúng ta hay không. Liệu những hành động con người mà chúng ta quan sát được và các đối tượng của những hành động ấy là những thứ cùng loại hay khác loại, vì đối với chúng ta, những người quan sát, chúng xuất hiện giống nhau hay khác nhau về mặt vật lí, hay còn vì lý do nào khác?
Hiện nay, tất cả các ngành khoa học xã hội - không ngoại trừ ngành nào - đều nghiên cứu cách thức con người ứng xử với môi trường xung quanh - với người hay đồ vật; nói chính xác hơn, đấy chính là những yếu tố mà nhóm ngành khoa học xã hội dùng để xây dựng các mô thức quan hệ giữa người với người. Để giải thích hoặc hiểu được hành động con người thì chúng ta phải xác định hoặc phân loại các đối tượng của hành động con người như thế nào? Liệu có phải chúng ta dựa vào các thuộc tính vật lí của các đối tượng - tức những tính chất mà chúng ta có thể phát hiện ra khi nghiên cứu những đối tượng này - để phân loại chúng hay chúng ta sẽ phải dựa vào các yếu tố khác khi muốn tìm cách giải thích con người làm gì với chúng? Xin hãy xem xét một vài ví dụ.
Hãy chọn những nhóm sự vật như công cụ, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, vũ khí, từ ngữ, mệnh đề, giao tiếp và hoạt động sản xuất, hoặc bất cứ trường hợp cụ thể nào trong những nhóm sự vật vừa nêu. Tôi tin rằng đấy là những ví dụ tiêu biểu về các loại đối tượng của hoạt động con người mà ta thường bắt gặp trong nhóm ngành khoa học xã hội. Dễ thấy rằng tất cả các phạm trù này (và điều này cũng đúng cho những trường hợp cụ thể) đều không hàm ý bất kỳ một tính chất khách quan nào mà các sự vật đó chứa đựng hay người quan sát có thể tìm thấy trong chúng - chúng hàm ý quan niệm của một số người trong cuộc về những sự vật này. Thậm chí ta còn không thể định nghĩa được những đối tượng này dưới góc độ vật lí, bởi vì không tồn tại bất kỳ một tính chất vật lí nào buộc thành viên của mỗi nhóm đối tượng phải mang. Những phạm trù này không chỉ đơn thuần là những khái niệm trừu tượng, vốn dĩ có trong tất cả các môn khoa học tự nhiên; chúng còn trừu tượng vượt ra khỏi tất cả các tính chất vật lí của bản thân những sự vật đó. Tất cả đều là ví dụ điển hình về cái mà đôi khi được gọi là “những khái niệm có tính mục đích luận”, có nghĩa là, chúng chỉ có thể được định nghĩa bằng cách nêu ra các mối quan hệ giữa ba thành tố: mục đích, người có mục đích đó, và đối tượng mà người đó nghĩ rằng sẽ là phương tiện thích hợp để đạt được mục đích đặt ra. Nếu muốn, chúng ta có thể nói rằng tất cả những đối tượng này được định nghĩa không phải dựa trên các thuộc tính “có thực” của chúng, mà dựa trên ý kiến của người trong cuộc về những vật đó. Tóm lại, trong nhóm ngành khoa học xã hội, sự vật là cái mà người trong cuộc nghĩ nó là. Tiền là tiền, một từ là một từ, một loại mỹ phẩm là một loại mỹ phẩm, nếu và vì ai đó nghĩ rằng chúng là như thế.
Câu trả lời nghe có vẻ không được rõ ràng lắm là do sự trùng hợp có tính lịch sử: trong thế giới mà chúng ta đang sống, tri thức của hầu hết mọi người cũng gần giống như tri thức của chúng ta. Nó sẽ rõ ràng hơn hẳn khi chúng ta nghĩ về những người có tri thức khác tri thức của chúng ta, ví dụ, những người tin vào ma thuật. Rõ ràng là lá bùa mà người chủ của nó tin là sẽ bảo vệ họ hoặc nghi lễ được coi là sẽ đảm bảo vụ mùa bội thu chỉ có thể được định nghĩa dưới dạng đức tin của con người. Nhưng bản chất logic của những khái niệm mà chúng ta phải sử dụng nhằm giải thích hành vi của những người trong cuộc là như nhau bất kể niềm tin của chúng ta có trùng với niềm tin của họ hay không. Dù thuốc có là thuốc hay không, thì với mục đích tìm hiểu hành động của người đó, câu trả lời chỉ phụ thuộc vào việc liệu người đó có tin rằng nó là thuốc hay không, không phụ thuộc vào chúng ta, những người quan sát, có đồng ý với người đó hay không. Đôi khi cũng hơi khó giữ trong đầu sự khác biệt này. Ví dụ, nhiều khả năng là chúng ta nghĩ về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái như là sự thực “khách quan”. Tuy nhiên, khi sử dụng khái niệm này trong nghiên cứu đời sống gia đình, thì vấn đề không phải là X có phải là con đẻ của Y hay không mà là một trong hai hay cả hai người có tin như thế hay không. Trường hợp X và Y tin rằng giữa họ có mối liên hệ về mặt tinh thần, nhưng chúng ta không tin, thì sự thể vẫn như thế. Có lẽ sự phân biệt được thể hiện mạch lạc nhất dưới dạng mệnh đề phổ quát và tường minh như sau: không tồn tại loại tri thức siêu đẳng nào mà người quan sát có thể có về đối tượng nhưng người hành động lại không có để có thể giúp chúng ta hiểu được động cơ hành động của họ.
Nghĩa là, những đối tượng của hoạt động con người trong nghiên cứu xã hội thuộc cùng loại hay khác loại, thuộc về cùng một nhóm hay thuộc các nhóm khác nhau, không phụ thuộc vào điều mà chúng ta – những quan sát viên – biết về những đối tượng đó, mà phụ thuộc vào điều mà chúng ta nghĩ rằng người bị quan sát biết về nó. Chúng ta, bằng cách nào đó và vì những lý do mà tôi sẽ trình bày ở đây, đã gán kiến thức cho người bị quan sát. Nhưng trước khi đưa ra câu hỏi cái gì là căn cứ cho việc gán kiến thức về đối tượng hành động cho người hành động, điều đó có nghĩa là gì và hậu quả của việc chúng ta định nghĩa đối tượng của hành động con người theo cách như vậy là gì, tôi phải quay lại một chút để xem xét các phần tử thuộc loại hình thứ hai mà chúng ta phải giải quyết trong nhóm ngành khoa học xã hội: đó là bản thân hành động con người chứ không phải môi trường mà con người có hành vi tác động vào. Khi chúng ta xem xét việc phân loại những loại hành động khác nhau - điều mà chúng ta phải làm để thảo luận về hành vi có trí khôn của con người, chúng ta gặp đúng tình trạng như khi chúng ta phân tích quá trình phân loại đối tượng của hành động con người. Trong những ví dụ tôi đã đưa ra trước đây, bốn sự vật cuối cùng nằm trong cùng phạm trù này (từ ngữ, mệnh đề, giao tiếp và hoạt động sản xuất) là những trường hợp cụ thể về hành động con người thuộc về loại hình [thứ hai] này. Nào, cái gì khiến cho hai từ giống nhau hay hai hoạt động sản xuất giống nhau thuộc về cùng một loại - nghĩa là có cùng ý nghĩa đối với chúng ta khi chúng ta thảo luận về hành vi có trí khôn của con người? Chắc chắn là chúng chẳng có tính chất vật lí chung nào. Đấy không phải là vì tôi biết rõ các tính chất vật lí của âm thanh khi phát âm từ “cây sung” bởi những người khác nhau trong các thời điểm khác nhau có những điểm nào chung mà là vì tôi biết rằng X hoặc Y muốn rằng tất cả những âm thanh hay những tín hiệu khác nhau này đều hàm ý cùng một từ hoặc họ hiểu tất cả những âm thanh đó như là một từ, cho nên tôi coi chúng là các trường hợp của cùng một nhóm. Đấy không phải là vì sự tương đồng về mặt vật lí hay khách quan, mà là vì ý định của người hành động (do tôi gán cho người đó), nên tôi coi những cách thức khác nhau mà một người hành động có thể sử dụng để chế tác, chẳng hạn, cái trục, trong những hoàn cảnh khác nhau, là những trường hợp thuộc về cùng một loại hành động sản xuất.
Xin lưu ý rằng, đối với các đối tượng của hoạt động con người cũng như đối với các loại hình hoạt động khác nhau của con người tôi đều không khẳng định rằng tính chất vật lí của chúng không tham gia vào quá trình phân loại. Điều tôi khẳng định là không có tính chất vật lí nào tham gia một cách tường minh vào trong bất kỳ một định nghĩa nào về những nhóm này, vì các phần tử của những nhóm này không cần mang bất kỳ một thuộc tính vật lí chung nào, và chúng ta thậm chí còn không nhận thức được đâu là những tính chất vật lí khác nhau mà đối tượng phải có ít nhất một tính chất nào đó để có thể trở thành thành viên của nhóm. Có thể mô tả luận điểm trên dưới dạng giản đồ như sau. Các đối tượng a, b, c, ..., là những đối tượng hoàn toàn khác nhau về mặt vật lí, và chúng ta có thể không bao giờ liệt kê được hết những đối tượng đó, nhưng chúng ta biết rằng chúng là những đối tượng thuộc cùng nhóm vì X coi tất cả những đối tượng này là như nhau. Nhưng để khẳng định X coi những đối tượng này là như nhau thì một lần nữa ta phải chỉ ra rằng X sẽ phản ứng với chúng bằng một trong những hành động α, β, γ,…, và một lần nữa, những hành động này có thể hoàn toàn khác nhau về mặt vật lí và chúng ta cũng sẽ không bao giờ liệt kê hết được chúng, nhưng chúng ta biết chắc rằng chúng “hàm ý” về cùng một thứ.
Kết quả của cách tư duy như trên về những hoạt động chúng ta đang làm trên thực tế chắc chắn gây ra một chút lo lắng. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng đấy không chỉ là cách thức chúng ta mô tả, trong cả đời thường lẫn trong nhóm ngành khoa học xã hội, khi nói về hành động có ý thức của người khác, mà còn là cách thức duy nhất giúp chúng ta có thể “hiểu” được những việc mà người khác làm; và do vậy, chúng ta phải vận dụng cách lí giải này mỗi khi thảo luận về chủ đề mà tất cả chúng ta đều biết là hoàn toàn thuộc về các hoạt động có tư duy của con người. Tất cả chúng ta đều biết chúng ta định nói gì khi bảo rằng chúng ta nhìn thấy một người “đang chơi” hay“đang làm việc”, một người đang làm việc này hay việc kia “một cách có chủ ý”, hoặc khi chúng ta nói rằng khuôn mặt có vẻ “thân thiện” hay một người “đáng sợ”. Nhưng dù có thể giải thích được vì sao chúng ta nhận biết được từng trường hợp cụ thể thì tôi hoàn toàn tin rằng không ai có thể liệt kê, và không có môn khoa học nào - ít nhất là cho đến nay - có thể nói cho chúng ta biết tất cả những biểu hiện vật lí này khác để giúp chúng ta nhận ra những thứ như thế. Những thuộc tính chung mà các phần tử của bất kỳ nhóm sự vật nào thuộc về hoạt động con người phải có không phải là những thuộc tính vật lí mà phải là một cái gì khác.
Như vậy mỗi khi chúng ta giải thích hành động con người theo nghĩa mang một mục đích hoặc có một ý nghĩa nào đó, dù chúng ta làm như vậy trong cuộc sống bình thường hoặc trong lĩnh vực khoa học xã hội, thì chúng ta vừa phải xác định đối tượng hoạt động của con người lẫn phân loại bản thân hành động con người, không phải dưới góc độ vật lí mà dưới góc độ ý kiến hoặc ý định của người hành động; thực tế này dẫn đến một số hệ quả rất quan trọng, mà cụ thể là, từ các khái niệm về đối tượng, chúng ta có thể rút ra một số kết luận theo phép phân tích về việc những hành động liên quan sẽ diễn tiến như thế nào. Nếu chúng ta định nghĩa đối tượng dưới góc độ thái độ của một người nào đó đối với nó, thì dĩ nhiên định nghĩa về đối tượng truyền tải một mệnh đề về thái độ của người đó đối với đối tượng vừa nói. Khi chúng ta nói rằng một người có thức ăn hoặc có tiền bạc hoặc nói ra một từ, chúng ta ngụ ý rằng người đó biết cái thứ nhất có thể ăn được, cái thứ hai có thể được sử dụng để mua một cái gì đó và cái ba có thể hiểu được - và có lẽ còn nhiều thứ khác nữa. Liệu ngụ ý này thực sự có giá trị hay không, nghĩa là, liệu việc làm cho ngụ ý này trở nên rõ ràng hơn có giúp làm cho kiến thức của chúng ta thực sự giàu thêm hay không, phụ thuộc vào việc khi chúng ta nói với một người rằng cái này hay cái kia là thức ăn hoặc tiền bạc thì liệu chúng ta nêu ra chỉ những sự thực đã quan sát được để từ đó chúng ta có được kiến thức này hay liệu chúng ta còn muốn ngụ ý nhiều hơn thế.
Làm sao chúng ta có thể thực sự biết một người nào đó có những niềm tin nhất định nào đó về môi trường xung quanh mình? Chúng ta muốn ám chỉ điều gì khi nói rằng chúng ta biết người đó có một số niềm tin nhất định nào đó - khi chúng ta nói rằng chúng ta biết người đó sử dụng vật này như là một công cụ hay dùng cử chỉ hoặc âm thanh kia làm phương tiện giao tiếp? Có phải chúng ta chỉ muốn nói cái chúng ta thực sự quan sát được trong những trường hợp cụ thể, chẳng hạn, thấy người đó nhai và nuốt thức ăn, vung cái búa lên, hay tạo ra âm thanh? Hay phải chăng khi chúng ta nói “hiểu” hành động của người đó, khi chúng ta nói “tại sao”người đó đang làm cái này hay cái kia, thì chúng ta thi thoảng gán cho anh ta một cái gì đó ngoài tầm quan sát của chúng ta, hay ít nhất cũng là bên ngoài những thứ chúng ta có thể quan sát được trong các trường hợp cụ thể?
Hãy dừng lại trong chốc lát để xem xét những hình thức đơn giản nhất của hành động, nơi những vấn đề như thế xuất hiện, thì chúng ta sẽ nhanh chóng nhận ra rằng, khi thảo luận cái mà chúng ta coi là hành động có ý thức của những người khác, bao giờ chúng ta cũng giải thích hành động của họ dựa vào phép loại suy của chính tâm trí của chúng ta: đó là, chúng ta sắp xếp các hành động của họ, cũng như các đối tượng của các hành động của họ, thành các nhóm hoặc các phạm trù mà chúng ta biết từ kho tàng kiến thức của chính đầu óc chúng ta. Chúng ta giả định rằng ý niệm về một mục đích hay một công cụ, một vũ khí hay một món ăn, của họ cũng giống như của chúng ta, hệt như khi chúng ta giả định rằng họ có thể thấy sự khác biệt giữa những màu sắc hay hình dạng khác nhau như chúng ta vậy. Như vậy là, chúng ta luôn luôn bổ sung cho những thứ chúng ta thực sự nhìn thấy trong hành động của người khác bằng cách phóng chiếu lên người đó một hệ thống phân loại những đối tượng mà chúng ta biết vào các nhóm do chính tâm trí của chúng ta xây dựng lên chứ không phải từ quan sát những người khác. Ví dụ, khi quan sát một người băng qua một quảng trường đầy xe cộ, thấy người đó né tránh một số xe và dừng lại để cho một số xe khác đi qua, thì những thứ chúng ta biết (hoặc chúng ta tin là mình biết) nhiều hơn hẳn so với những điều chúng ta thực sự nhìn thấy bằng mắt thường. Tình hình cũng đúng như thế nếu chúng ta nhìn thấy một người hành xử trong một môi trường tự nhiên hoàn toàn khác với những môi trường mà chúng ta đã thấy trước đây. Nếu lần đầu tiên tôi nhìn thấy một tảng đá lớn hay một vụ lở tuyết trên sườn núi, phía dưới là một người đang chạy xuống và thấy anh ta chạy thục mạng thì tôi biết ngay ý nghĩa của hành động này bởi vì tôi biết tôi sẽ hoặc có thể phải làm gì trong những tình huống tương tự.
Chắc chắn là tất cả chúng ta đều thường xuyên hành động dựa trên giả định rằng chúng ta có thể giải thích hành động của những người khác bằng cách cho rằng tâm trí của họ cũng tương tự như tâm trí của chính chúng ta và trong đại đa số trường hợp quy trình này cho kết quả mỹ mãn. Vấn đề là không bao giờ chúng ta có thể dám chắc về kết quả như thế. Quan sát một vài động tác hay nghe một vài câu của một người nào đó, ta có thể xác quyết ngay rằng đấy là người bình thường và không phải là người mất trí, và do đó sẽ loại trừ khả năng anh ta sẽ có những hành động “kỳ quặc” mà không ai trong chúng ta có thể liệt kê hết được vì đấy là những hành động không phù hợp với quan niệm của chúng ta về hành vi hợp lí; điều này còn có nghĩa là những hành động “kỳ quặc” đó không thể giải thích được bằng phương pháp loại suy với tâm trí của chúng ta. Vì mục đích sinh hoạt hằng ngày, chúng ta có thể không giải thích chính xác được vì sao chúng ta biết người này có tâm trí bình thường và không phải là người mất trí; chúng ta cũng không thể loại trừ khả năng là chúng ta có thể mắc sai lầm một lần trong một ngàn trường hợp. Tương tự, chỉ cần quan sát một vài hành động là tôi có thể nhanh chóng kết luận rằng một người nào đó đang đưa ra tín hiệu hay đang săn bắn, đang tán tỉnh hay đang trừng phạt một người khác, mặc dù có thể tôi chưa bao giờ quan sát trực tiếp ai đó làm những việc này; và dù thế thì kết luận của tôi về cơ bản là chấp nhận được cho tất cả các mục đích thực tiễn.
Có một câu hỏi quan trọng xuất hiện. Đó là, những khái niệm này - tức là những khái niệm liên quan tới những hiện tượng mà tất cả chúng ta đều biết bằng “trực giác” và chúng ta không ngần ngại sử dụng chúng trong cuộc sống thường ngày, trong tất cả các quan hệ xã hội, và trong tất cả các giao tiếp giữa người với người - có phải là những khái niệm hợp lệ, có thể sử dụng được trong phân tích khoa học hay không? Hay là chúng ta không được phép sử dụng chúng trong khoa học bởi vì chúng ta không thể chỉ ra được bất kỳ điều kiện vật lí nào để dựa vào đó chúng ta có thể đưa ra nhận định một cách chắc chắn rằng điều kiện đó thực sự hiện diện trong một trường hợp cụ thể nào đó; và cũng bởi vì lí do này nên chúng ta không bao giờ có thể khẳng định chắc chắn được rằng một trường hợp cụ thể nào đó có thực sự thuộc về nhóm hay loại mà chúng ta đang bàn luận hay không - mặc dù tất cả chúng ta đều đồng ý rằng trong tuyệt đại đa số các trường hợp, chẩn đoán của chúng ta là đúng. Chúng ta thoạt tiên cảm thấy lưỡng lự về điều này có lẽ là vì việc sử dụng quy trình như thế trong nhóm ngành khoa học xã hội dường như mâu thuẫn với xu hướng phát triển đang thịnh hành của tư duy khoa học trong thời hiện đại. Nhưng thực sự có sự xung đột như thế hay không? Xu hướng mà tôi đề cập tới được mô tả một cách đúng đắn như sau: đó là một quá trình hướng tới việc loại bỏ dần tất cả những cách giải thích theo lối nhân hình (anthropomorphic) trong nhóm ngành khoa học tự nhiên. Nhưng liệu có phải điều đó thực sự hàm ý là chúng ta phải từ bỏ việc nhìn con người theo lối “nhân hình” - hay diễn đạt theo một cách khác, chả lẽ không phải rõ ràng là phép ngoại suy những xu hướng của quá khứ cho kết quả không đáng tin cậy?
Dĩ nhiên là tôi không muốn tiện đây nêu ra tất cả các vấn đề liên quan tới những chương trình nghiên cứu của chủ nghĩa hành vi, mặc dù khảo sát một cách hệ thống hơn đề tài này thì khó có thể tránh được chuyện đó. Thật vậy, câu hỏi mà chúng ta quan tâm ở đây chính là liệu nhóm ngành khoa học xã hội có thể thảo luận những vấn đề mà chúng quan tâm dưới góc độ của chủ nghĩa hành vi thuần túy hay không - hoặc thậm chí là câu hỏi liệu có tồn tại một chủ nghĩa hành vi thực sự nhất quán hay không.
Có lẽ, nhờ vận dụng cách phân biệt (tuy còn gây tranh cãi) giữa ngoại diên và nội hàm của khái niệm, chúng ta có thể chỉ ra mối quan hệ giữa những yếu tố hoàn toàn thực nghiệm và phần mà chúng ta thêm vào từ kho tàng kiến thức có trong tâm trí của chúng ta khi diễn giải hành động của một người khác. Cái mà trong những hoàn cảnh cụ thể, tôi nhận ra là “khuôn mặt thân thiện”, nghĩa là ngoại diên của khái niệm, phần lớn là kết quả của kinh nghiệm. Nhưng không có kinh nghiệm nào, theo nghĩa thông thường của từ này, có thể cho tôi biết tôi định nói gì khi bảo đây là “khuôn mặt thân thiện”. Điều tôi định nói bằng cụm từ “khuôn mặt thân thiện” không phụ thuộc vào tính chất vật lí của những trường hợp cụ thể khác nhau, tức là những thứ mà ta có thể hình dung chẳng có gì chung. Tuy nhiên, tôi học được cách nhận ra rằng chúng là những thành viên của cùng một nhóm - và việc chúng là thành viên của cùng một nhóm không phải bởi vì chúng cũng mang bất kỳ tính chất vật lí chung nào mà là vì ý nghĩa được gán cho chúng.
Tầm quan trọng của sự phân biệt này sẽ tăng lên khi chúng ta bước ra khỏi môi trường quen thuộc. Khi tôi còn loanh quanh giữa những người giống như tôi thì có lẽ tôi sẽ dựa vào tính chất vật lí của tờ giấy bạc hay của khẩu súng lục để kết luận rằng đối với những người đang giữ chúng thì đấy là tiền hay là khẩu súng. Còn khi tôi nhìn thấy một người nguyên thủy cầm một cái vỏ ốc hay một cái ống mỏng, thì tính chất vật lí của những vật đó có thể sẽ chẳng cho tôi biết điều gì. Nhưng những dấu hiệu quan sát gợi ý cho tôi biết đối với người đó, cái vỏ ốc là tiền và cái ống thổi là vũ khí, sẽ cho tôi biết rõ hơn về đối tượng - và những dấu hiệu quan sát này sẽ soi rọi cho tôi nhiều hơn nữa nếu như trước đó tôi chưa hề biết đến khái niệm tiền hay vũ khí. Khi nhận ra những đồ vật như chúng đang là thì đồng thời tôi cũng bắt đầu hiểu được hành vi của những người hành động. Tôi có thể đưa vào giản đồ những hành động “có ý nghĩa” chính là vì tôi coi đấy không phải là một vật với những tính chất vật lí nhất định, mà là loại đồ vật phù hợp với mô thức hành động có mục đích của chính tôi.
Điều chúng ta làm khi nói hiểu được hành động của một người là lắp ghép những điều chúng ta thực sự quan sát được sao cho khớp với mô hình có sẵn trong tâm trí của chúng ta; và nếu đúng như thế thì tất nhiên sẽ là những người càng khác chúng ta thì chúng ta càng hiểu ít hơn. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta không thể hiểu được loại tâm trí khác với tâm trí của chúng ta, và vì thế, việc bàn luận về nó là một việc làm vô nghĩa. Khi luận bàn về tâm trí của người khác, chúng ta hàm ý rằng chúng ta có thể chắp nối được những điều chúng ta quan sát bởi vì những điều chúng ta quan sát được khớp với cách suy nghĩ của chính chúng ta. Nhưng khi khả năng diễn giải dưới góc độ tương tự với tâm trí của chính chúng ta không còn thì chúng ta cũng không còn “hiểu” được nữa, và khi đó bàn luận về tâm trí là hoàn toàn vô nghĩa; lúc đó chỉ còn những sự thực vật lí mà chúng ta có thể sắp xếp và phân loại vào các nhóm dựa theo những tính chất vật lí mà chúng ta quan sát được.
Điểm thú vị ở đây là, khi chúng ta chuyển từ giải thích hành động của những người rất giống chúng ta sang giải thích hành động của những người sống trong một môi trường khác hẳn với môi trường của chúng ta, thì những khái niệm cụ thể nhất lại là những khái niệm đầu tiên trở thành vô ích trong việc giải thích hành động của người hành động còn những khái niệm chung chung nhất hoặc trừu tượng nhất thì lại có giá trị lâu bền nhất. Hiểu biết của tôi về những thứ diễn ra hằng ngày xung quanh tôi, về những cách thức cụ thể dùng để thể hiện ý tưởng hay cảm xúc, sẽ chẳng có mấy tác dụng trong việc giải thích hành vi của những người sống ở Tierra del Fuego. Nhưng hiểu biết của tôi về những cái mà tôi hàm ý là phương tiện để đạt mục tiêu, là thức ăn hay vũ khí, là một từ hoặc một dấu hiệu, và có lẽ thậm chí là một vụ trao đổi hay một món quà, vẫn có ích và thậm chí cực kỳ cần thiết để tôi hiểu được những việc những người đó đang làm.
3
Đến lúc này, thảo luận của chúng ta mới chỉ giới hạn ở câu hỏi về cách chúng ta phân loại những hành động của cá nhân và các đối tượng của hành động khi xem xét các hiện tượng xã hội. Bây giờ tôi phải chuyển sang câu hỏi về mục đích của việc phân loại này. Mặc dù trong nhóm ngành khoa học xã hội, công việc phân loại tiêu tốn rất nhiều năng lượng của chúng ta - nhiều đến mức, ví dụ, trong lĩnh vực kinh tế học, một trong những nhà phê bình lí thuyết nổi tiếng đã mô tả nó là bộ môn khoa học “phân loại” - thì đấy hẳn không phải là đích đến cuối cùng của chúng ta. Giống như tất cả các phương pháp phân loại, đây chỉ đơn thuần là biện pháp thích hợp để sắp xếp các sự thực mà chúng ta có nhằm phục vụ việc giải thích bất cứ thứ gì chúng ta muốn. Nhưng trước khi bàn luận về chuyện này, tôi phải, thứ nhất, loại bỏ một hiểu lầm phổ biến khỏi phương pháp phân loại của chúng ta và, thứ hai, làm rõ một tuyên bố thường gặp nhằm bảo vệ quá trình phân loại này - một tuyên bố nghe có vẻ rất đáng ngờ đối với những người làm trong nhóm ngành khoa học tự nhiên, mặc dù nó xuất phát từ chính bản chất của đối tượng nghiên cứu của chúng ta.
Hiểu lầm ở đây là coi nhiệm vụ của nhóm ngành khoa học xã hội là giải thích hành vi của cá nhân, và đặc biệt là coi quá trình phân loại phức tạp mà chúng ta sử dụng là lời giải thích hoặc phục vụ cho việc giải thích đó. Nhưng trên thực tế, các môn khoa học xã hội không có nhiệm vụ như thế. Nếu hành động có ý thức có thể “giải thích” được thì đây là nhiệm vụ của môn tâm lí học chứ không phải của môn kinh tế học, ngôn ngữ học, luật học hay bất cứ môn khoa học xã hội nào khác. Công việc chúng ta làm chỉ là phân loại những hành vi của cá nhân mà chúng ta có thể hiểu và xử lí việc phân loại - tóm lại là đưa ra sự sắp xếp có trật tự những chất liệu mà chúng ta phải sử dụng trong công việc tiếp theo. Các nhà kinh tế học thường cảm thấy hơi xấu hổ khi phải thừa nhận loại công việc này “chỉ” là một dạng phân tích logic - và ta cũng có thể nói như thế với những môn khoa học xã hội khác. Tôi nghĩ rằng việc họ thẳng thắn công nhận và chấp nhận đối mặt với thực tế này là hành động khôn ngoan.
Tuyên bố mà tôi nói tới là hệ quả trực tiếp rút ra được từ đặc tính của nhiệm vụ thứ nhất của chúng ta: công việc ứng dụng logic học. Thoạt tiên điều này có thể làm cho ai đó giật mình. Đó là, chúng ta có thể rút ra từ kho tàng kiến thức trong tâm trí của chúng ta - bằng phương pháp “tiên nghiệm” hay “diễn dịch” hay “phân tích” (ít nhất là về nguyên tắc) - một hệ thống phân loại chứa đựng hầu hết mọi dạng thức của hành động có trí khôn. Tất cả những lời nhạo báng - tuy ít khi công khai, nhưng luôn luôn ngấm ngầm - nhắm vào các nhà kinh tế học chính là phê phán tuyên bố này, như cáo buộc chúng ta là “vắt” kiến thức từ nhận thức nội tâm của chính mình cũng như gán cho chúng ta những biệt danh không ra gì khác. Nhưng, nếu nhận ra rằng, bất cứ khi nào thảo luận về hành vi có trí khôn là chúng ta thảo luận về các hành động mà chúng ta có thể giải thích dưới góc độ những thứ có trong tâm trí của chúng ta, thì lời khẳng định đó không còn làm người ta giật mình nữa và trên thực tế, nó chính là sự thật hiển nhiên. Nếu chúng ta chỉ có thể hiểu được những thứ tương tự có trong tâm trí của chúng ta, thì chắc chắn sẽ đi đến kết luận là chúng ta phải có khả năng tìm thấy được tất cả những thứ chúng ta có thể hiểu trong chính tâm trí của mình. Tất nhiên, khi tôi nói rằng chúng ta trên nguyên tắc có thể phân loại được hầu hết mọi dạng thức của hành vi có trí khôn, thì điều này không có nghĩa là chúng ta có thể không phát hiện ra được rằng trong khi giải thích hành động con người chúng ta đã sử dụng những quá trình tư duy mà chúng ta chưa hề phân tích hoặc chưa làm cho nó trở nên rõ ràng. Chúng ta thường xuyên làm điều này. Điều tôi muốn nói là khi chúng ta thảo luận về nhóm hành động cụ thể, có trí khôn nào đó, mà chúng ta định nghĩa là các hành động thuộc cùng một loại - theo nghĩa mà tôi sử dụng thuật ngữ này - thì chúng ta có thể đưa ra một hệ thống phân loại hầu như bao quát được mọi dạng thức hoạt động nằm trong nhóm đó. Ví dụ, nếu định nghĩa hành động kinh tế là tất cả những hành động lựa chọn mà chúng ta phải thực hiện trong bối cảnh tồn tại sự khan hiếm những phương tiện sẵn có để đạt được các mục đích của chúng ta , thì chúng ta có thể, từng bước một, phân loại những tình huống có thể xảy ra thành những lựa chọn thay thế sao cho ở mỗi bước đều không tồn tại khả năng lựa chọn thứ ba: mỗi phương tiện sẵn có nhất định có thể hữu ích chỉ cho một mục đích này hoặc nhiều mục đích khác, một mục đích có thể đạt được chỉ bằng một phương tiện này hoặc bằng một số phương tiện khác, các phương tiện khác nhau có thể đáp ứng nhu cầu của một mục đích cho trước, hoặc lần lượt hoặc tất cả cùng lúc v.v.
Nhưng tôi phải ngừng thảo luận vấn đề mà tôi gọi là phần đầu tiên của nhiệm vụ của tôi và quay trở về câu hỏi về tính hữu dụng của quá trình phân loại công phu này trong các môn khoa học xã hội. Câu trả lời ngắn gọn là chúng ta sử dụng những loại hành vi cá nhân khác nhau vốn đã được phân loại thành các phần tử để từ đó xây dựng những mô hình có tính giả thuyết nhằm tái dựng các mô thức của những mối quan hệ xã hội mà chúng ta biết trong thế giới xung quanh. Nhưng vẫn còn đó câu hỏi: Liệu đây có phải là phương pháp đúng để nghiên cứu các hiện tượng xã hội? Trong những mô thức xã hội này, ở tầng sâu nhất có thể chạm tới của chúng, liệu có tồn tại những sự thực xã hội hữu hình mà chúng ta phải quan sát và đánh giá giống như cách chúng ta quan sát và đánh giá những sự thực vật lí? Liệu ở đây chúng ta có phải, ít nhất là, tạo dựng tất cả tri thức của chúng ta bằng cách quan sát và trải nghiệm, chứ không phải bằng cách “xây dựng mô hình” từ những phần tử được tìm thấy trong tư duy của chính chúng ta?
Nhiều người tin rằng, khi chuyển từ quan sát hành động cá nhân sang quan sát các tập thể xã hội là chúng ta chuyển từ lĩnh vực của suy đoán mơ hồ và chủ quan sang lĩnh vực của thực tế khách quan. Đấy chính là niềm tin của tất cả những người nghĩ rằng họ có thể làm cho các môn khoa học xã hội trở thành “khoa học” hơn bằng cách bắt chước mô hình của nhóm ngành khoa học tự nhiên. Nền tảng trí tuệ của nó được Auguste Comte - người sáng lập ra môn “xã hội học” - thể hiện rõ ràng nhất trong một tuyên bố nổi tiếng của ông rằng trong lĩnh vực các hiện tượng xã hội, cũng như trong sinh vật học, “tổng thể đối tượng chắc chắn là được biết rõ hơn và dễ tiếp cận trực tiếp hơn” là những bộ phận cấu thành ra nó1. Phần lớn bộ môn khoa học mà ông tìm cách tạo dựng dựa vào niềm tin này hoặc những niềm tin tương tự.
Tôi cho rằng hoàn toàn ảo tưởng khi coi những tập thể xã hội, như “xã hội” hoặc “nhà nước” hay bất kỳ thiết chế xã hội hay hiện tượng xã hội cụ thể nào đó, theo bất kỳ nghĩa nào của từ này là những sự thực khách quan hơn so với những hành động có trí khôn của cá nhân. Tôi khẳng định rằng những cái mà chúng ta gọi là “sự thực xã hội” hoàn toàn không phải là những sự thực theo nghĩa cụ thể mà thuật ngữ này được sử dụng trong các ngành khoa học tự nhiên, cũng giống như các hành động của cá nhân hay đối tượng của các hành động đó vậy; tôi cũng khẳng định rằng những cái được gọi là “sự thực [xã hội]” thực ra cùng một kiểu mô hình tâm trí được chúng ta xây dựng từ những phần tử mà chúng ta tìm thấy trong chính tâm trí của mình và đó cũng chính là những mô hình mà chúng ta xây dựng được trong nhóm ngành khoa học xã hội lí thuyết; và vì thế, công việc chúng ta làm trong những môn khoa học này, xét về mặt logic, cũng chính là thứ mà chúng ta vẫn luôn làm khi đề cập đến một nhà nước hay một cộng đồng, một ngôn ngữ hay một thị trường - chỉ có khác biệt là trong công việc nghiên cứu khoa học thì chúng ta làm cho những điều mà trong câu chuyện hằng ngày thường bị che giấu và mơ hồ trở nên rõ ràng hơn.
Tôi sẽ không lấy bất kỳ một lí thuyết xã hội nào làm ví dụ để giải thích điều đó ở đây, ngay cả, bộ môn kinh tế học là môn tôi có thẩm quyền hơn cả. Vì để làm như vậy, tôi cần rất nhiều thời gian để trình bày các khía cạnh kỹ thuật. Nhưng để độc giả dễ nắm bắt hơn, tôi sẽ chọn một bộ môn có tính mô tả nhiều hơn - và theo một nghĩa nào đó thì có tính kinh nghiệm chủ nghĩa hơn trong lĩnh vực xã hội, mà cụ thể là môn lịch sử, để làm ví dụ minh hoạ. Xem xét bản chất của “sự thực lịch sử” có lẽ là thích hợp hơn cả, vì những nhà khoa học xã hội muốn làm cho các ngành khoa học xã hội trở thành “khoa học” hơn thường khuyên người ta tìm kiếm các sự thực trong lịch sử và sử dụng “phương pháp lịch sử” để thay thế cho phương pháp thực nghiệm. Thật vậy, hầu hết mọi người nằm bên ngoài nhóm ngành khoa học xã hội (và, đặc biệt là các nhà logic học2) có vẻ đều chấp nhận rằng phương pháp lịch sử là phương pháp hợp lệ nhằm khái quát hóa các hiện tượng xã hội3.
Khi nói một “sự thực” lịch sử thì chúng ta hàm ý điều gì? Là những sự thực hình thành nên lịch sử loài người và có ý nghĩa đối với chúng ta như những sự thực vật lí hay theo nghĩa khác? Trận Waterloo, chính phủ Pháp dưới thời Louis XIV hay chế độ phong kiến là gì? Có lẽ chúng ta sẽ tiến xa thêm nữa nếu, thay vì trả lời ngay câu hỏi này, chúng ta đặt câu hỏi: cơ sở nào giúp chúng ta quyết định liệu một thông tin cụ thế nào đó có tham gia vào cấu thành một phần “sự thực” “Trận Waterloo” hay không. Người đàn ông cày ruộng ngay đằng sau cánh quân ngoài cùng của đội cận vệ của Napoleon có phải là một phần của Trận Waterloo hay không? Hay người kị sĩ đánh rơi hộp thuốc lá khi nghe tin về cuộc tấn công ngục Bastille có phải là một phần của Cuộc cách mạng Pháp hay không? Đi sâu vào câu hỏi loại này sẽ chỉ ra ít nhất một điều: chúng ta không thể xác định được sự thực lịch sử bằng hệ trục toạ độ không gian-thời gian. Không phải là tất cả mọi thứ diễn ra tại một thời điểm và một địa điểm đều trở thành một phần của cùng một sự thực lịch sử, cũng không phải tất cả các cấu phần của một sự thực lịch sử đều diễn ra tại một thời điểm và ở cùng địa điểm. Ngôn ngữ Hy Lạp cổ đại hay hệ thống tổ chức các quân đoàn La Mã, nền thương mại ở khu vực Baltic thế kỉ XVIII hay sự tiến hóa của thông luật, hoặc bất kỳ cuộc di chuyển của bất kỳ đội quân nào - tất cả đều là những sự thực lịch sử, nhưng không có tiêu chí vật lí nào có thể cho chúng ta biết đâu là cấu phần của sự thực và chúng liên kết với nhau như thế nào. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm xác định chúng đều phải diễn ra dưới hình thức tái tạo trong tâm trí, dưới hình thức của một mô hình, và các phần tử của mô hình chính là biểu hiện có trí khôn của cá nhân. Không nghi ngờ gì rằng trong hầu hết các trường hợp, mô hình này sẽ rất đơn giản, có thể nhìn thấy ngay liên kết giữa các bộ phận của nó; và do đó, có rất ít lí do để gọi mô hình này là “lí thuyết”. Nhưng, nếu sự thực lịch sử của chúng ta là một cái gì đó phức tạp như một ngôn ngữ hay một thị trường, một hệ thống xã hội hay một phương pháp canh tác, thì cái mà chúng ta gọi là sự thực chính là hoặc một quá trình diễn ra thường xuyên hoặc một mô thức phức tạp của những mối quan hệ lâu bền - đó là những thứ không “có sẵn” để chúng ta quan sát, nhưng chúng ta có thể kiên trì tái dựng chúng, và chúng ta có thể làm được điều này chỉ bởi vì các thành phần của chúng (những mối quan hệ mà từ đó chúng ta tạo dựng thành cấu trúc) là những thứ quen thuộc và dễ hiểu đối với chúng ta. Nói một cách ngược đời là những cái mà chúng ta gọi là sự thực lịch sử thực ra, dưới góc độ phương pháp luận, là những lí thuyết có đặc điểm giống như những mô hình có tính trừu tượng hay tổng quát hơn mà các bộ môn khoa học xã hội lí thuyết xây dựng. Tình huống không phải là đầu tiên chúng ta nghiên cứu những sự thực lịch sử “có sẵn” và sau đó mới khái quát hoá chúng. Thay vào đó, chúng ta thường vận dụng lí thuyết để lựa chọn từ kho tàng kiến thức của chúng ta về một giai đoạn nào đó những kiến thức nhất định có quan hệ với nhau trên bình diện tư duy để tạo thành những phần của cùng sự thực lịch sử đó. Chúng ta chưa từng bao giờ quan sát được nhà nước hay chính phủ, những trận đánh hay những hoạt động thương mại, hoặc nhân dân như một tổng thể. Khi sử dụng một trong những thuật ngữ này, bao giờ chúng ta cũng nghĩ đến một sơ đồ liên kết các hoạt động cá nhân bằng những mối quan hệ có sự hiện hữu của trí khôn; nghĩa là, chúng ta sử dụng lí thuyết để cho chúng ta biết cái gì là và cái gì không là cấu phần của chủ thể mà chúng ta đang quan tâm. Tình huống không thay đổi khi có ai đó cung cấp thông tin cho chúng ta vì anh ta thường đã lí thuyết hóa giúp chúng ta; khi báo cáo mô tả các sự thực, người đó sẽ sử dụng những thuật ngữ như “nhà nước” hay “thành phố”, những khái niệm không thể được định nghĩa dưới góc độ vật lí, nhưng lại nói cho chúng ta biết một loạt các mối quan hệ, mà nếu giả sử được thể hiện một cách rõ ràng, sẽ tạo thành “lí thuyết” về chủ thể đó.
Xét trên khía cạnh logic, lí thuyết xã hội, theo nghĩa tôi sử dụng thuật ngữ này, là có trước lịch sử. Nó giải thích những thuật ngữ mà lịch sử phải sử dụng. Nhưng, dĩ nhiên, nó không mâu thuẫn với thực tế là nghiên cứu lịch sử thường xuyên buộc các lí thuyết gia phải xem xét lại cách giải thích của mình hoặc đưa ra những cách giải thích mới, nhờ đó, họ có thể xếp đặt được các thông tin mới được phát hiện. Nhưng khi nhà sử học nói về những thứ, mà theo một nghĩa nào đó, chúng ta có thể gọi là hiện tượng xã hội (chứ không phải đơn thuần về những hành động của các cá nhân cụ thể), thì các sự thực của ông ta có thể được coi như là những sự thực thuộc một loại nào đó chỉ từ góc độ của một lí thuyết thể hiện cách thức mà những phần tử của loại đó liên kết với nhau. Khác với những cấu trúc bền vững của thế giới hữu cơ (động vật hoặc thực vật), các hệ thống xã hội, các cơ cấu xã hội mà những nhà sử học thảo luận không bao giờ có sẵn. Chúng được nhà sử học tạo ra bằng cách xây dựng mô hình hoặc đưa ra lời giải thích - một kiến dựng mà đa phần được làm một cách tự phát và không dựa trên bất kỳ một khung phân tích phức tạp nào. Nhưng, trong một số trường hợp, ví dụ, khi xử lí những đối tượng như các ngôn ngữ, các hệ thống kinh tế, hoặc các bộ luật, vì những cấu trúc này quá phức tạp nên nếu không có sự trợ giúp của kỹ thuật phân tích chuyên sâu thì chúng ta sẽ không thể tái dựng được chúng và có nhiều khả năng là sẽ lầm lẫn và sẽ gặp đủ thứ mâu thuẫn khác nhau.
Đây là mục đích của tất cả các lí thuyết của nhóm ngành khoa học xã hội. Chúng không bàn về các tổng thể xã hội như là các tổng thể; chúng không giả đò là khám phá được những quy luật về hành vi hoặc sự thay đổi của các tổng thể bằng quan sát thực nghiệm. Nhiệm vụ của chúng, nếu tôi có thể nói như thế, thực ra là tạo dựng những tổng thể này, đưa ra các sơ đồ những mối quan hệ mang tính cấu trúc mà các nhà sử học có thể sử dụng khi họ tìm cách lắp ghép những phần tử mà họ tìm được trên thực tế vào cấu trúc có sự hiện diện của trí khôn đó. Các nhà sử học thường xuyên sử dụng các lí thuyết xã hội theo nghĩa này. Họ có thể làm như vậy một cách vô tình, và trong các lĩnh vực với những mối quan hệ không quá phức tạp, bản năng có thể đưa họ đi đúng hướng. Nhưng khi nhà sử học quan tâm tới những hiện tượng phức tạp hơn, ví dụ như ngôn ngữ, pháp luật, hay kinh tế học, mà vẫn giữ thái độ coi thường, không chịu sử dụng các mô hình mà các lí thuyết gia đã dựng sẵn cho họ thì gần như chắc chắn là họ sẽ gặp thất bại. Và “thất bại” sẽ thể hiện rõ ràng khi lí thuyết gia chứng minh cho họ thấy rằng họ đã vướng vào những mâu thuẫn hay chỉ ra cho họ thấy rằng họ đã đưa ra một chuỗi các “nhân quả” trong lời giải thích của mình, mà ngay khi những giả định của họ được làm rõ thì họ buộc phải thừa nhận là [chuỗi nhân quả đó] không được rút ra từ các giả định của mình.
Từ đây có thể rút ra hai hệ quả quan trọng, và tôi xin được trình bày một cách ngắn gọn. Thứ nhất, các lí thuyết của các môn khoa học xã hội không bao gồm các “quy luật” theo nghĩa là những quy tắc thực nghiệm về hành vi của những đối tượng được xác định dưới góc độ vật lí. Mục đích của lí thuyết trong nhóm ngành khoa học xã hội chỉ nhằm cung cấp kỹ thuật tư duy, giúp chúng ta liên kết các sự kiện riêng lẻ, nhưng, tương tự như logic học hay toán học, không bàn về các sự kiện riêng lẻ đó. Do vậy, và đây là hệ quả thứ hai, ta không thể kiểm chứng hoặc phủ nghiệm (falsify) những lí thuyết đó bằng cách tham chiếu đến các sự thực. Tất cả những việc chúng ta có thể và cần phải kiểm chứng là sự hiện diện của các giả định của mình trong từng trường hợp cụ thể. Chúng ta đã nói đến những vấn đề và khó khăn đặc biệt mà công việc này gặp phải. Ở đây “câu hỏi sự thực” thực chất là gì lại xuất hiện - dù đó là câu hỏi không thể trả lời một cách chắc chắn như trong nhóm ngành khoa học tự nhiên. Nhưng chính bản thân lí thuyết, tức giản đồ tâm thức dùng để giải thích, lại là thứ không bao giờ “kiểm chứng” được, mà chỉ có thể kiểm tra xem nó có nhất quán hay không mà thôi. Lí thuyết có thể không thích hợp vì những điều kiện mà nó tham chiếu tới không bao giờ xảy ra; hoặc lí thuyết có thể không đầy đủ vì bỏ qua nhiều điều kiện. Nhưng cũng như logic học hay toán học, không thể dùng sự kiện để bác bỏ nó.
Tuy nhiên, vẫn còn câu hỏi là liệu lí thuyết “compozit” (compositive), theo cách gọi của tôi, tức là lí thuyết “tạo dựng” “tổng thể” xã hội bằng cách xây dựng các mô hình từ những phần tử có sự hiện hữu của trí khôn, có phải là kiểu lí thuyết xã hội duy nhất, hay liệu chúng ta có lẽ không nên đâm đầu vào việc khái quát hóa mang tính thực nghiệm về hành vi của các tổng thể này như thể chúng là các tổng thể, và cũng không nên tìm kiếm những quy luật về việc thay đổi của các ngôn ngữ hoặc các thể chế - tức là những loại quy luật được coi là mục đích tìm kiếm của “phương pháp lịch sử”.
Tôi sẽ không nói đến mâu thuẫn lạ lùng mà những người bảo vệ phương pháp này thường rơi vào khi họ, ban đầu, nhấn mạnh rằng tất cả các hiện tượng lịch sử là đơn biệt hoặc duy nhất rồi chuyển sang tuyên bố rằng công trình nghiên cứu của họ có thể đạt đến mức độ tổng quát hóa. Luận điểm tôi muốn bảo vệ là như sau: từ sự đa dạng vô cùng vô tận của những hiện tượng mà chúng ta có thể thấy trong bất kỳ tình huống cụ thể nào, chỉ có những hiện tượng mà chúng ta có thể liên kết bằng các mô hình tâm thức của chúng ta mới có thể coi như là một cấu phần của đối tượng; như vậy, đối tượng không có những thuộc tính nằm ngoài những thuộc tính có thể được rút ra từ mô hình tâm thức của chúng ta. Tất nhiên, chúng ta có thể xây dựng mô hình ngày càng phù hợp hơn và gần gũi hơn với những tình huống cụ thể - những khái niệm về nhà nước hay ngôn ngữ với ý nghĩa ngày càng phong phú hơn. Nhưng những mô hình này, với tư cách là các thành viên của một nhóm nào đó, là các đơn vị giống nhau để chúng ta có thể tổng quát hóa, không bao giờ chứa đựng bất kỳ thuộc tính nào mà chúng ta không gán trước cho chúng hay không được suy ra từ những giả định mà chúng ta dùng để xây dựng mô hình. Kinh nghiệm không bao giờ có thể chỉ cho chúng ta thấy một cấu trúc cụ thể nào đó có những thuộc tính không được suy ra từ định nghĩa (hay từ cách thức chúng ta xây dựng) cấu trúc đó. Lý do đơn giản là những tổng thể hay cấu trúc xã hội đó không phải là những đơn vị tự nhiên, không phải là đối tượng xác định, có sẵn để quan sát; do vậy, chúng ta không bao giờ phải làm việc với cái hiện thực tổng thể, mà bao giờ cũng chỉ làm việc với một phần của hiện thực mà chúng ta lựa chọn ra nhờ sự giúp đỡ của các mô hình của chúng ta4.
Không có chỗ để thảo luận một cách đầy đủ hơn nữa về bản chất của “sự thực lịch sử” hay những đối tượng của lịch sử, nhưng tôi muốn bàn luận thêm một chút về một câu hỏi, mặc dù không liên quan mật thiết với chủ đề của tôi, nhưng cũng không phải hoàn toàn không liên quan. Đó là học thuyết “tương đối về lịch sử” đang được nhiều người ưa chuộng, thuyết này nói rằng các thế hệ khác nhau hay những thời đại khác nhau cần phải có những quan điểm khác nhau về cùng một sự thực lịch sử. Tôi cho rằng thuyết này là kết quả của cùng một ảo tưởng cho rằng sự thực lịch sử là cái gì đó hoàn toàn có sẵn đối với chúng ta chứ không phải là kết quả của sự lựa chọn có chủ ý những thứ mà chúng ta coi là một tập hợp những sự thực có liên kết với nhau để trả lời câu hỏi cụ thể nào đó; đó là ảo tưởng mà tôi cho là bắt nguồn từ niềm tin, rằng chúng ta có thể xác định sự thực lịch sử dưới góc độ vật lí, trong hệ tọa độ không-thời gian. Nhưng một thứ được định nghĩa, chẳng hạn, là “Nước Đức trong giai đoạn giữa năm 1618 và năm 1648”, hoàn toàn không phải là một đối tượng lịch sử. Trong một khoảng không-thời gian liên tục được xác định theo cách đó, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều hiện tượng xã hội thú vị mà đối với các nhà sử học là những đối tượng hoàn toàn khác nhau: lịch sử của Dòng họ X, sự phát triển của ngành in, sự thay đổi của các định chế pháp lí v.v. có thể có mà cũng có thể không liên quan với nhau, nhưng chúng hoàn toàn là những phần của sự thực xã hội, tương tự như bất kỳ hai sự kiện nào khác trong lịch sử nhân loại. Thời kỳ này, hoặc bất kỳ giai đoạn cụ thể nào kiểu như thế, đều không phải là “sự thực lịch sử” xác định, không phải là đối tượng lịch sử đơn biệt. Tuỳ theo mối quan tâm của mình, chúng ta có thể nêu ra rất nhiều câu hỏi khác nhau liên quan đến giai đoạn này, và tương ứng, sẽ đưa ra các câu trả lời khác nhau cũng như phải xây dựng những mô hình khác nhau cho các sự kiện liên kết với nhau. Và đây là công việc các sử gia làm trong những thời điểm khác nhau, vì họ quan tâm đến những câu hỏi khác nhau. Nhưng liên quan đến câu hỏi duy nhất còn lại mà chúng ta đặt ra, đó là từ sự đa dạng bất tận của những sự kiện xã hội mà chúng ta có thể tìm được ở bất kỳ thời điểm và địa điểm nào, tồn tại một tập hợp xác định các sự kiện liên kết với nhau mà có thể được gọi là một sự thực lịch sử, thì kinh nghiệm cho thấy, việc người ta đưa ra các câu trả lời khác nhau cho những câu hỏi khác nhau, tất nhiên, không phải là minh chứng cho việc họ có quan niệm khác nhau về cùng sự thực lịch sử đó. Mặt khác, chẳng có lí do gì khiến cho các nhà sử học ở những thời điểm khác nhau, nhưng có các thông tin như nhau, lại phải trả lời cùng một câu hỏi theo những cách khác nhau. Như vậy, chỉ điều này không thôi đã đủ biện minh cho lập luận về tính tương đối không thể tránh được của kiến thức lịch sử.
Tôi nhắc đến chuyện này bởi vì thuyết tương đối về lịch sử này là sản phẩm tiêu biểu của cái gọi là “chủ nghĩa duy lịch sử” (historicism), mà trên thực tế, đấy là sản phẩm của việc sử dụng sai định kiến khoa học vào các hiện tượng lịch sử - đó là niềm tin rằng những hiện tượng xã hội luôn sẵn có cho chúng ta cũng giống như những sự thực tự nhiên mà thôi. Chúng ta hiểu được những hiện tượng đó vì chúng ta có thể hiểu những điều người khác nói với chúng ta, và đấy là những điều chỉ có thể được hiểu bằng cách giải thích các ý định và kế hoạch hành động của những người đó. Chúng không phải là những sự thực vật lí, thay vào đó, các phần tử giúp chúng ta tái dựng chúng bao giờ cũng là những phạm trù quen thuộc với tâm trí của chúng ta. Khi không còn lí giải được những điều chúng ta biết về những người khác bằng phép loại suy từ tâm trí của chính mình thì lịch sử sẽ không còn là lịch sử của nhân loại nữa; lúc đó lịch sử sẽ phải diễn đạt dưới góc độ thuần túy mang tính hành vi, theo cách mà chúng ta dùng để viết về lịch sử của một bầy kiến hay một sinh vật quan sát từ sao Hỏa có thể viết về lịch sử của nhân loại.
Nếu nội dung mà tôi vừa trình bày về hoạt động thực sự của nhóm ngành khoa học xã hội đối với bạn lại là một đoạn mô tả về thế giới lộn ngược, tại đó tất cả mọi thứ đều không còn đứng đúng vị trí của mình, thì tôi cũng xin bạn nhớ rằng những môn học này xử lí thế giới mà ở đó, từ vị thế của chúng ta, nhất định chúng ta phải nhìn theo cách khác với cách chúng ta nhìn thế giới tự nhiên. Để dễ hiểu, tôi xin sử dụng ẩn dụ sau đây: trong khi chúng ta nhìn thế giới tự nhiên từ bên ngoài, thì chúng ta lại nhìn thế giới xã hội từ bên trong; khi nói về thế giới tự nhiên, các khái niệm của chúng ta là về sự thực và phải tương thích với sự thực, còn trong thế giới xã hội, thì chí ít một số trong những khái niệm quen thuộc nhất lại là những “chất liệu” tạo ra thế giới đó. Vì chính sự tồn tại của cấu trúc chung về tư duy là điều kiện cho khả năng giao tiếp giữa người với người, là điều kiện để bạn hiểu những điều tôi nói, nên nó cũng chính là cơ sở để cho tất cả chúng ta giải thích các cấu trúc xã hội phức tạp như những cấu trúc mà chúng ta tìm thấy trong đời sống kinh tế hay pháp luật, ngôn ngữ, và phong tục tập quán.
Chú thích:
(1) Cours, IV, 258.
(2) Xem, ví dụ L. S. Stebbing, A Modern Introduction to Logic (2d ed., 1933), tr. 383.
(3) Ai đó có thể hiểu sai những điều tôi nói về mối quan hệ giữa lịch sử và lí thuyết theo nghĩa làm giảm tầm quan trọng của lịch sử. Nhưng tôi tin là mình không cần thiết phải bảo vệ luận điểm của mình ở đây. Thậm chí tôi còn muốn nhấn mạnh rằng toàn bộ mục đích của lí thuyết là để giúp chúng ta hiểu những hiện tượng lịch sử, và rằng nếu thiếu kiến thức về lịch sử thì một bộ óc am hiểu nhất về lí thuyết cũng hầu như vô tác dụng. Nhưng điều này hoàn toàn không liên quan tới chủ đề của tôi ở đây, bàn về bản chất của các “sự kiện lịch sử” và vai trò của lịch sử và của lí thuyết trong việc giải thích chúng.
(4) Tiện đây tôi muốn nói rằng tôi không cảm thấy hoàn toàn thuyết phục rằng điểm cuối cùng này thực sự tạo ra sự khác biệt giữa khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Nhưng nếu không phải như thế thì tôi nghĩ rằng các nhà khoa học tự nhiên đã lầm khi tin rằng họ luôn xử lí cái hiện thực tổng thể chứ không phải một số “khía cạnh” được lựa chọn của nó mà thôi. Nhưng toàn bộ vấn đề ở đây là liệu chúng ta có thể bàn luận được hoặc nhận thức được về đối tượng mà chúng ta chỉ thấy theo cách thuần tuý chỉ định (demonstrative), và theo nghĩa này là đối tượng riêng biệt, nằm ngoài “nhóm đơn vị” (đối tượng cụ thể thực sự chứ không phải là khái niệm trừu tượng). Tuy nhiên, bàn luận thêm về vấn đề này sẽ đi quá xa chủ đề tôi đang bàn đến ở đây.
Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 3, NXB Tri thức, 2016
(Bản dịch này đã được Đinh Tuấn Minh chỉnh sửa ngày 18/01/2022 theo hướng thay cách dịch từ "fact" sang tiếng Việt là "sự kiện" bằng "sự thực").