[Hệ luân lý tự do] Các mối quan hệ liên cá nhân: trao đổi tự nguyện
Đây là bài trích đăng từ "Phần II: Một lý thuyết về tự do" trong cuốn The Ethics of Liberty (Luân lý học tự do) của Murray Rothbard.
- Thị trường Tự do Academy
(Tiếp theo Phần 6: Triết học xã hội Crusoe)
Đã đến lúc đưa những người khác vào câu chuyện của Robinson – nhằm mở rộng khung phân tích của chúng ta đến các mối quan hệ liên cá nhân. Vấn đề trong phân tích của chúng ta không đơn giản chỉ là có nhiều người hơn: sau cùng, chúng ta vẫn có thể thiết lập một thế giới trong đó hàng triệu Crusoe sống tách biệt trên hàng triệu hòn đảo khác nhau, và phân tích của chúng ta sẽ chẳng được mảy may mở rộng được thêm tí nào. Vấn đề ở đây là nhằm phân tích sự tương tác giữa những con người này. Thí dụ, Friday có thể sống trên một phần khác của hòn đảo và liên lạc được với Crusoe, hoặc anh ta có thể sống trên một hòn đảo riêng biệt rồi sau đó đóng một chiếc xuồng để đi đến những đảo khác.
Kinh tế học đã và đang tìm ra một chân lí vĩ đại về luật tự nhiên trong tương tác giữa con người: rằng không chỉ sản xuất mới là thiết yếu cho sự thịnh vượng và sinh tồn của con người, mà còn là trao đổi. Tóm lại, trên hòn đảo của anh ta hay một phần của nó, Crusoe có thể đánh bắt cá, trong khi đó Friday có thể trồng lúa mì, thay vì cả hai cùng sản xuất nhu yếu phẩm. Bằng cách trao đổi một phần cá của Crusoe lấy một ít lúa mì mà Friday có, cả hai đều có thể tận hưởng một lượng cá và bánh mì lớn hơn1. Lợi ích thu được cho cả hai là hoàn toàn khả thi bởi hai sự thực cơ bản của tự nhiên – tức luật tự nhiên – mà dựa trên đó tất cả các lí thuyết kinh tế học được xây dựng: (a) sự đa dạng về kĩ năng và sở thích của các cá nhân đơn lẻ; và (b) sự đa dạng của tài nguyên thiên nhiên trải theo các khu vực địa lí. Sẽ không thể có chỗ cho trao đổi nếu tất cả mọi người đều sở hữu các kĩ năng và sở thích như nhau trong mọi vấn đề, và nếu tất cả mọi khu vực địa lí đều đồng nhất. Tuy nhiên, trong thế giới như nó vốn là, cơ hội của sự chuyên môn hóa việc sử dụng tối ưu đất đai và con người cho phép sự trao đổi diễn ra ở quy mô lớn và rộng khắp, giúp nâng cao năng suất cũng như tiêu chuẩn sống (sự thỏa mãn nhu cầu) của tất cả các bên tham gia trao đổi.
Nếu bất cứ ai muốn lãnh hội việc chúng ta hàm ơn quá trình trao đổi biết nhường nào, hãy nghĩ về kịch bản sẽ xảy ra trong thế giới hiện đại nếu tất cả mọi người bất thình lình bị cấm trao đổi với những người khác. Theo đó, mỗi người đều sẽ bị buộc phải sản xuất tất cả hàng hóa và dịch vụ cho chính mình. Có thể mường tượng ra ngay một mớ hỗn độn theo sau, tình trạng đói kém cho đại đa số nhân loại, và phần còn lại phải quay về các sinh kế nguyên sơ.
Một sự thực rõ ràng khác về hành vi con người là A và B có thể chuyên môn hóa và trao đổi kể cả khi một trong hai tài giỏi hơn người còn lại trong cả hai hoạt động sản xuất. Theo đó, giả định rằng Crusoe thành thạo hơn Friday trong cả việc đánh bắt cá lẫn sản xuất lúa mì. Crusoe vẫn sẽ hưởng lợi từ việc tập trung vào cái mà anh ta chỉ tương đối khá hơn. Thí dụ, nếu như anh ta là một chài phu khá hơn Friday nhưng chỉ là một nông dân tầm thường, anh ta vẫn có thể thu được nhiều hơn cả hai thứ bằng cách tập trung vào đánh bắt, rồi sau đó trao đổi cá của anh ta lấy lúa mì của Friday. Hoặc sử dụng một ví dụ từ một nền kinh tế trao đổi tiên tiến, một thầy thuốc vẫn sẽ mướn một thư ký cho việc đánh máy, sắp xếp hồ sơ thậm chí khi ông ta giỏi hơn trong những việc đó. Nhận thức này về lợi ích của trao đổi, vốn được phát hiện ra bởi David Ricardo trong Định luật về lợi thế tương đối của ông ta, hàm nghĩa rằng trong một nền kinh tế thị trường tự do, “kẻ mạnh” không ăn tươi nuốt sống hay đè bẹp kẻ yếu, đối lập với những nhận định phổ biến về bản chất của nền kinh tế thị trường tự do. Ngược lại, rõ ràng là trong một thị trường tự do “kẻ yếu” luôn thu về lợi thế về năng suất vì kẻ yếu bao giờ cũng được hưởng lợi từ “kẻ mạnh” nhờ việc trao đổi với họ.
Quá trình trao đổi cho phép một người tiệm tiến đến văn minh từ trạng thái cô lập nguyên thủy: nó mở ra vô cùng tận cơ hội cho cá nhân và thị trường cho hàng hóa của anh ta; nó cho phép anh ta đầu tư vào máy móc và những “tư liệu sản xuất giai đoạn trên” khác; nó hình thành các mẫu hình cho trao đổi – tức thị trường tự do – cho phép anh ta tính toán một cách kinh tế lợi ích và chi phí cho những phương pháp phức tạp và toàn thể quá trình sản xuất.
Nhưng trong khi đánh giá tầm quan trọng và hào quang của thị trường tự do, các kinh tế gia thường luôn quên rằng cái gì mới thực sự được trao đổi. Táo không đơn thuần được trao đổi lấy bơ, hay đổi vàng lấy ngựa. Cái thực chất được đem ra trao đổi ở đây không phải là bản thân các hàng hóa, mà là quyền sở hữu chúng. Khi Smith đem một rổ táo đổi lấy một pound bơ của Jones, anh ta thực chất đang chuyển nhượng quyền sở hữu táo lấy quyền sở hữu bơ và ngược lại. Bây giờ chính Smith chứ không phải Jones mới là người kiểm soát tuyệt đối bơ, Smith có thể ăn hay không tùy ý anh ta; Jones bây giờ chẳng nói được gì về quyền sử dụng bơ nữa, thay vào đó anh ta sở hữu tuyệt đối số táo từ Smith.
Quay trở lại Crusoe và Friday, giả như ta có thêm C, D, E, v.v. trên hòn đảo cùng với họ. Mỗi người chuyên môn hóa vào các sản phẩm riêng biệt, dần dần sẽ hiện ra một sản phẩm – với những đặc tính như giá trị cao, cầu bền vững, dễ chia nhỏ – để trở thành phương tiện trao đổi. Người ta khám phá ra rằng việc sử dụng phương tiện [trao đổi] mở rộng bao la phạm vi trao đổi và nhu cầu cần được thỏa mãn trên thị trường. Một nhà văn hay một giáo viên kinh tế khó mà trao đổi dịch vụ của mình lấy vài ổ bánh mì, các bộ phận của chiếc đài radio, một bộ y phục, v.v. Một phương tiện trao đổi được chấp nhận phổ quát là thiết yếu cho bất cứ mạng lưới trao đổi có quy mô nào và do đó cũng cho bất cứ nền kinh tế của xã hội văn minh nào.
Một phương tiện trao đổi được chấp nhận phổ quát như thế được gọi là tiền. Trên thị trường tự do, người ta thường thấy rằng các kim loại quý giá như vàng và bạc thường là những hàng hóa được sử dụng như tiền. Bây giờ chuỗi trao đổi được thực hiện như sau: A sở hữu thân thể và lao động của mình, tìm thấy đất đai, cải tạo chúng, đánh bắt và sau đó sở hữu cá; B sử dụng một cách tương tự lao động của anh ta để sản xuất và sau đó sở hữu lúa mì; C tìm thấy đất đai trong đó có vàng, cải tạo chúng, khai thác và vì thế sở hữu vàng. Sau đó C sẽ trao đổi vàng lấy những dịch vụ khác, thí dụ như cá của A. A dùng vàng để đổi lấy lúa mì từ B, v.v. Tóm lại, vàng đã được đưa vào lưu thông, tức là quyền sở hữu chúng được chuyển từ người này sang người khác, khi nó được dùng như một phương tiện trao đổi. Trong mỗi trường hợp, người trao đổi chuyển nhượng quyền sở hữu, và trong mỗi trường hợp, quyền sở hữu chỉ có thể đạt được bằng và chỉ bằng hai cách: (a) bằng cách tìm kiếm và cải tạo nguồn lực (tức “sản xuất”), và b) bằng cách trao đổi thứ người này sản xuất lấy sản phẩm của người kia – bao gồm cả phương tiện trao đổi, tức “tiền”. Một cách logic, rõ ràng là phương thức (b) có thể được quy giản về (a), rằng cách duy nhất để một người có được cái gì đó bằng trao đổi chính là từ bỏ đi sản phẩm của mình. Nói ngắn gọn, chỉ có duy một lộ trình cho quyền sở hữu hàng hóa: sản xuất–và–trao đổi. Nếu như Smith hy sinh một sản phẩm bằng cách trao đổi với một thứ của Jones mà anh ta đã có được nhờ một trao đổi khác trước đó, thì một ai đó, bất luận là người đã bán sản phẩm đó cho Jones hay ai đó ở đầu tuyến trao đổi, phải là người khởi phát tìm kiếm–và–cải tạo nguồn lực.
Như thế, một người có thể có được “tài sản” – một khối các tư liệu sản xuất và hàng hóa tiêu dùng hữu ích – hoặc bằng cách tự mình “sản xuất”, hoặc bằng cách trao đổi với người sản xuất chúng các sản phẩm khác. Quá trình trao đổi lại quy một cách logic về hoạt động sản xuất khởi phát. Sự sản xuất như vậy là một quá trình mà nhờ đó một người “hòa công lao động của anh ta vào đất đai” – bằng cách tìm kiếm và cải tạo tài nguyên đất đai hoặc bằng cách sản xuất và bán trực tiếp dịch vụ của mình trong trường hợp với giáo viên hay nhà văn. Nói cách khác: vì mọi quá trình sản xuất của tư liệu sản xuất luôn quy giản về các yếu tố cơ bản như đất đai hay lao động, tất cả mọi quá trình sản xuất đều quy giản về dịch vụ lao động hay tìm kiếm những vùng đất mới, chưa khai phá và đưa chúng vào quá trình sản xuất với phương tiện là sức lao động2.
Một người cũng có thể có được tài sản một cách tự nguyện qua một cách khác: tặng phẩm. Biết đâu đấy Crusoe lại có khi được tặng ít đồ ăn thức uống khi tình cờ gặp Friday ở đầu kia của hòn đảo. Ở trường hợp này, người tặng nhận được không phải một hàng hóa hay dịch vụ khác được nhượng lại từ phía bên kia, mà là một sự thỏa mãn tâm lí khi đã làm một cái gì đấy cho người nhận. Cũng như trường hợp của tặng phẩm, quá trình thụ hưởng được quy giản về sản xuất và trao đổi – và lại về chính quá trình sản xuất, vì quá trình sản xuất phải đi trước quà tặng, nếu không trực tiếp như trong trường hợp này, thì phải ở đâu đó trong tuyến sản xuất.
Đến đây chúng ta đã phân tích quá trình trao đổi cho một tập các trao đổi hàng hóa tiêu dùng. Bây giờ đã đến lúc phải hoàn thiện bức tranh của chúng ta cho thế giới thực bằng cách phân tích các trao đổi dọc theo cấu trúc sản xuất. Các trao đổi trong một nền kinh tế tiên tiến không chỉ chạy theo “chiều ngang” (với hàng hóa tiêu dùng), mà còn chạy theo “chiều dọc”: nó diễn ra xuôi chiều, khởi nguyên từ quá trình cải tạo đất đai, qua nhiều giai đoạn sản xuất các loại tư liệu sản xuất riêng lẻ, và cuối cùng tiến tới trạng thái tiêu dùng.
Hãy xem xét một mô thức chiều dọc đơn giản tìm thấy ở một nền kinh tế trao đổi. Smith cải tạo tài nguyên đất đai và làm ra một cái rìu; thay vì dùng rìu để sản xuất các sản phẩm khác, Smith, một người đã chuyên môn hóa trong nền kinh tế trao đổi rộng lớn, bán rìu lấy vàng (tức tiền). Smith, người sản xuất rìu, chuyển nhượng quyền sở hữu cái rìu cho Jones để đổi lấy một số lượng vàng nhất định từ Jones – đúng số lượng mà cả hai bên tự nguyện đồng ý. Bây giờ Jones có rìu trong tay để chặt cây lấy gỗ rồi bán số gỗ thu được cho Robbins, một nhà thầu để lấy vàng, rồi đến lượt Robbins dựng lên một cái chòi rồi đổi chòi lấy vàng từ khách hàng của anh ta, Benton. (Hiển nhiên rằng mạng lưới trao đổi theo chiều dọc này không thể diễn ra nếu thiếu đi một phương tiện trao đổi bằng tiền tệ).
Để hoàn thiện bức tranh của chúng ta về nền kinh tế thị trường, giả định rằng Jones đã chặt cây lấy gỗ, nhưng phải giao chúng qua sông để đến tay Johnson; khi đó Jones phải bán gỗ cho một bên trung gian khác, Polk. Polk đến lượt anh ta lại thuê dịch vụ của X, Y, và Z để vận chuyển khúc gỗ tới Johnson. Điều gì đã xảy ra? Và vì sao việc sử dụng lao động của X, Y, Z nhằm cải tạo và vận chuyển khúc gỗ tới một nơi hữu ích hơn không trao họ quyền sở hữu khúc gỗ?
Quá trình trên diễn ra như sau: Polk giao một ít vàng cho X, Y và Z, đổi lại họ bán cho anh ta công vận chuyển khúc gỗ. Polk không bán khúc gỗ này cho họ để đổi lấy tiền, thay vào đó, anh ta “bán” tiền để đổi lấy việc sử dụng dịch vụ vận chuyển khúc gỗ của họ. Tóm lại, Polk có thể đã mua khúc gỗ kia từ Jones với giá 40 ounces vàng, sau đó trả cho X, Y, Z mỗi người 20 ounces vàng để vận chuyển khúc gỗ, và cuối cùng bán khúc gỗ cho Johnson với giá 110 ounces vàng. Do đó, thu nhập thực của Polk là 10 ounces vàng cho toàn bộ quá trình giao dịch. Nếu X, Y, và Z muốn, họ có thể tậu khúc gỗ từ Jones với giá 40 ounces vàng, và sau đó tự tay chuyển khúc gỗ rồi bán cho Johnson với giá 110 và bỏ túi thêm 10 ounces. Tại sao họ không làm vậy? Bởi vì (a) Họ không có đủ vốn; tức là họ chưa tiết kiệm đủ lượng tiền cần thiết, bằng cách cắt giảm đủ các khoản tiêu dùng trước đó dưới mức thu nhập nhằm tích lũy đủ 40 ounces; và/hoặc (b) họ muốn được thanh toán trong khi làm việc, và không sẵn lòng chờ hàng tháng từ lúc khúc gỗ được chuyển đi cho tới lúc nó được bán; và/hoặc (c) họ không sẵn lòng gánh chịu rủi ro khi khúc gỗ có khi lại không thể bán được với giá 110 ounces. Thế nên, trong ví dụ của chúng ta về về nền kinh tế thị trường, Polk, với vai trò to lớn và thiết yếu của một nhà tư bản, đã giúp những người lao động tránh phải cắt giảm tiêu dùng do đó tránh tự phải tích lũy tư bản, cũng như tránh phải chờ đợi được thanh toán cho đến khi sản phẩm (hy vọng là) được bán với mức lợi nhuận ở phía dưới chuỗi sản xuất. Vì thế, nhà tư bản, thay vì tước đoạt theo cách nào đó quyền sở hữu chính đáng sản phẩm của người lao động, đã chi trả cho họ trước khi bán được sản phẩm. Xa hơn, với phẩm chất của một người có viễn kiến hay của một nghiệp chủ kinh doanh (entrepreneur), nhà tư bản giúp những người lao động tránh khỏi rủi ro khi sản phẩm được bán không thu đủ lợi nhuận, hay thậm chí là phải gánh chịu thua lỗ.
Như thế, nhà tư bản là người đã lao động và đã tích lũy được lao động của mình (tức là anh ta đã cắt giảm tiêu dùng), và trong chuỗi các giao kèo tự nguyện đã (a) mua được quyền sở hữu của tư liệu sản xuất, và (b) trả cho người lao động dựa trên lao động của họ để cải tạo tư liệu sản xuất thành các hàng hóa mà ở gần hơn với giai đoạn tiêu dùng cuối cùng. Lưu ý rằng không ai ngăn cản bản thân những người lao động tiết kiệm, mua tư liệu sản xuất, sau đó làm việc với tư liệu sản xuất của họ, và cuối cùng bán sản phẩm và thu về lợi nhuận. Thực chất, các nhà tư bản đang mang lại lợi ích to lớn cho những người lao động này, làm cho mạng lưới phức hợp theo chiều dọc các trao đổi trong một nền kinh tế hiện đại trở nên khả thi. Hàng hóa được tiếp tục sản xuất “nhiều hơn nữa” vì họ tiết kiệm số tiền cần thiết để mua tư liệu sản xuất và thanh toán cho người lao động trước khi bán được hàng3.
Như vậy, ở mỗi bước của quá trình, mọi người đều tham gia vào hoạt động sản xuất bằng cách sử dụng lao động của mình tác động lên các hàng hóa hữu hình. Nếu hàng hóa này chưa được sở hữu và sử dụng trước đó, anh ta ngay tức thì kiểm soát hàng hóa này bằng lao động của mình, tức là có “quyền sở hữu”. Nếu hàng hóa này vốn trước đó được sở hữu và sử dụng bởi một người khác, thì chủ sở hữu của nó có thể hoặc bán nó (tư liệu sản xuất) cho người lao động của chúng ta ở đây để lấy tiền, và sau đó người lao động sử dụng lao động của anh ta tác động lên hàng hóa đó; hoặc chủ sở hữu trước đó có thể dùng tiền thanh toán dịch vụ lao động nhằm tiếp tục gia công thêm hàng hóa và sau đó bán nó cho người mua tiếp theo. Như thế, quá trình này cũng được quy về hoạt động sản xuất các nguồn lực chưa được sử dụng và về lao động, bởi vì nhà tư bản – như trường hợp người chủ sở hữu trước đó trong ví dụ của chúng ta – xét đến cùng đều lấy được quyền sở hữu từ: hoạt động sản xuất ban đầu; trao đổi tự nguyện; và tiết kiệm tiền. Do đó, tất cả quyền sở hữu trên thị trường tự do cuối cùng đều quy về: (a) quyền sở hữu bản thân và lao động của mỗi cá nhân; (b) quyền sở hữu đất đai chưa sử dụng của mỗi cá nhân mà từ đó anh ta cải tạo bằng lao động của mình; và (c) hoạt động trao đổi những sản phẩm được hoà trộn từ (a) và (b) với những sản phẩm được sản xuất tương tự bởi những người khác trên thị trường.
Quy luật tương tự cũng áp dụng cho mọi quyền sở hữu trên thị trường và với tiền tệ. Như ta đã thấy, tiền hoặc (1) được sản xuất bởi lao động riêng của một người bằng cách cải tạo tài nguyên ban đầu (thí dụ như khai thác vàng); hoặc (2) có được từ việc đổi lấy vàng sở hữu bởi một người khác bằng cách bán đi sản phẩm của mình hoặc sản phẩm đã mua trước đó từ một người khác. Tương tự như (c) ở phần trước quy về (a) và (b), sản xuất luôn đi trước trao đổi, ở đây (2) cuối cùng cũng quy một cách logic về (1).
Trong một xã hội tự do mà chúng ta đã mô tả, thì mọi quyền sở hữu đều rốt cuộc quy về quyền sở hữu bản thân mà tự nhiên ban cho của mỗi cá nhân, cũng như quyền sở hữu tài nguyên đất đai mà con người cải tạo và đặt vào trong quá trình sản xuất. Thị trường tự do là một xã hội của các trao đổi quyền sở hữu mang tính tự nguyện và mang lại lợi ích tương hỗ giữa các nhà sản xuất được chuyên môn hóa. Người ta thường lên án rằng thị trường tự do vận động dựa trên một học thuyết đồi bại mà ở đó “nhân công bị đối xử như những món hàng”. Nhưng quả thực dịch vụ lao động đúng là một món hàng, bởi vì, giống như trong trường hợp tài sản hữu hình, dịch vụ lao động của một người có thể được trao đổi và chuyển nhượng lấy các hàng hóa và dịch vụ khác. Mặc dù ta có thể chuyển nhượng dịch vụ lao động của một cá nhân, nhưng không thể chuyển nhượng ý chí của họ. Ơn thay, may cho loài người là nó lại như thế; khả năng chuyển nhượng được này hàm ý rằng (1) một nhà giáo hay bác sĩ hay bất cứ ai đều có thể bán dịch vụ lao động của họ lấy tiền; và (2) công nhân có thể bán dịch vụ lao động của anh ta cho nhà tư bản để lấy tiền. Nếu những điều này không thể thực hiện, cấu trúc tư bản thiết yếu cho nền văn minh không thể được phát triển, và không một dịch vụ lao động tối cần nào của một ai đó có thể đến được đồng bào của mình.
Sự tách biệt giữa khả năng chuyển nhượng dịch vụ lao động của một người và sự bất khả chuyển nhượng ý chí của anh ta có thể được giải thích rõ hơn: một người có thể chuyển nhượng dịch vụ lao động, nhưng không thể vốn hóa giá trị tương lai của dịch vụ đó rồi đem đi bán. Tóm lại, về bản chất, anh ta không thể tự nô lệ hóa mình và đảm bảo việc mua bán này được thực thi – bởi điều này hàm ý rằng ý chí trong tương lai của anh ta đối với bản thân mình đã bị chi phối từ trước. Nói ngắn gọn, một cách tự nhiên một người có thể dùng lao động của mình phục vụ lợi ích của người khác ở thời hiện tại, nhưng dù anh ta có muốn, anh ta cũng không thể biến bản thân mình thành hàng hóa tư bản của một người khác. Cái quan niệm về “nô lệ tự nguyện” thực chất là một khái niệm tự mâu thuẫn, vì chừng nào một người lao động còn hoàn toàn chủ động phụng sự ý nguyện của chủ nhân, anh là vẫn không phải là nô lệ vì sự quy phục đó là hoàn toàn tự nguyện. Trong khi đó, nếu sau này anh ta thay đổi suy nghĩ và người chủ nô lệ hóa anh ta bằng bạo lực, thì sự nô lệ này không còn là tự nguyện nữa. Tuy vậy, chúng ta sẽ thảo luận về sự áp bức này nhiều hơn ở phần sau cuốn sách.
Cái xã hội được miêu tả trong chương này – cái xã hội của trao đổi tự do và tự nguyện – có thể được gọi là “xã hội tự do” hay xã hội của “tự do thuần khiết”. Phần lớn tác phẩm này sẽ được dành để giải mã các hệ quả một hệ thống như vậy. Định nghĩa “thị trường tự do”, dù biểu thị chính xác tầm quan trọng của cái mạng lưới trao đổi tự nguyện và tự do, trở nên vô hiệu khi ta nhìn rộng hơn khỏi phạm vị logic hạn hẹp của kinh tế học hay pha-xô học. Điều này thực sự quan trọng để nhận ra rằng vì thị trường tự do là các trao đổi quyền sở hữu tài sản, và do đó thị trường tự do có thể gắn với cả một xã hội tự do lớn hơn – với một số mô thức nhất định về quyền tài sản và các quyền sở hữu (title). Chúng ta đã và đang miêu tả một xã hội tự do như một nơi mà trong đó các quyền sở hữu tài sản được phát hiện dựa trên các sự thực tự nhiên căn bản của con người: quyền sở hữu của mỗi cá nhân đối với thân thể và lao động dựa trên bản ngã riêng, và quyền sở hữu các tài nguyên đất đai mà anh ta tìm thấy và cải tạo. Khả năng chuyển nhượng tự nhiên tài sản hữu hình cũng như dịch vụ lao động của con người làm cho cái mạng lưới của các trao đổi tự do quyền sở hữu tài sản trở nên khả thi.
Một chế độ tự do thuần khiết – xã hội tự do cá nhân – có thể được miêu tả như một xã hội trong đó không có bất cứ quyền sở hữu tài sản nào được “phân phối”, nói tóm lại, một nơi mà không có tài sản nào dù là hữu hình hay tài sản thân thể có thể bị quấy nhiễu, can thiệp, hay xâm phạm bởi bất cứ ai khác. Nhưng điều này cũng hàm ý rằng tự do tuyệt đối, theo nghĩa xã hội, có thể có được không chỉ bởi mỗi mình Crusoe bị cô lập, mà còn bởi bất cứ ai trong bất cứ xã hội nào, bất kể xã hội đó phức tạp hay tiến bộ như thế nào. Con người có thể tận hưởng tự do tuyệt đối – tức sự tự do thuần khiết – nếu tài sản mà “tự nhiên” họ có được (thân thể hay tài sản hữu hình) tránh khỏi sự xâm phạm hay quấy nhiễu của người khác như Crusoe. Và tất nhiên, trong một xã hội của trao đổi tự do và tự nguyện, mỗi một người có thể được hưởng tự do tuyệt đối không chỉ trong hoàn cảnh cô lập của Crusoe, mà còn trong môi trường văn minh, hòa hợp, quảng giao, và năng suất hơn nhờ trao đổi tài sản với đồng bào mình. Tự do tuyệt đối, vì thế, phải không bị đánh mất như một cái giá chúng ta phải trả để đi đến văn minh; con người được sinh ra tự do, và không bao giờ cần phải sống trong gông cùm. Con người có thể vừa có được quyền tự do và thịnh vượng, có được sự tự do và văn minh.
Chân lí này sẽ còn bị che khuất nếu chúng ta vẫn cứ mơ hồ giữa “quyền tự do” hay “sự tự do” với quyền năng. Thật nhăng cuội khi khi nói con người không có ý chí tự do vì anh ta không có năng lực để làm trái những quy luật của bản tính con người – vì anh ta không thể băng qua đại dương chỉ với một cú vọt. Cũng lố bịch không kém khi nói rằng con người không thể thực sự tự do trong một xã hội như thế vì ở đó chẳng ai có thể “tự do” gây hấn với người khác hay xâm phạm tài sản của họ. Ở đây, lời chỉ trích lại một lần nữa không nhằm vào tự do mà là vào quyền năng; trong một xã hội tự do, không ai được phép (hoặc tự cho phép mình quyền) xâm phạm tài sản của người khác. Điều này hàm nghĩa rằng quyền năng hành động của anh ta sẽ bị giới hạn; như quyền năng của con người luôn bị giới hạn bởi tự nhiên; và không hàm ý tước xén sự tự do của anh ta. Nếu chúng ta định nghĩa lại tự do lần nữa, là trạng thái không có bất cứ xâm phạm thân thể hoặc tài sản của một người bởi một người khác, thì sự mơ hồ tai hại giữa tự do và quyền năng phải bị triệt tiêu4. Chúng ta sẽ thấy rõ ràng rằng thứ “tự do để trộm cắp hay bạo hành” (tức gây hấn) trong tưởng tượng hoàn toàn không không phải là một tính chất của tự do, vì nó đồng ý để ai đó bị tước đoạt đi quyền với bản thân và tài sản, trở thành nạn nhân của sự bạo hành – nói tóm lại, bị chà đạp lên tự do5. Vì thế, quyền năng của mỗi người luôn cần phải bị ràng buộc bởi hoàn cảnh thực tế của con người, bởi bản tính con người và đặc tính thế giới nơi anh ta sống, nhưng đó cũng chính là cõi tiên cảnh của con người nơi mỗi người có thể hoàn toàn được tự do, ngay cả trong một thế giới với những tương tác và trao đổi phức hợp. Và nhận định sau đây cũng vẫn đúng, rằng trong một thế giới với những tương tác và trao đổi phức hợp hơn là trong xã hội nguyên thủy hoặc xã hội của Crusoe, thì quyền năng hành động hay tiêu thụ cũng sẽ được mở rộng hơn nhiều.
Có một điểm cốt yếu cần phải chỉ ra, rằng nếu chúng ta cố gắng thiết lập luân lí cho một người (trong trường hợp của chúng ta là một tập con các luân lí đối phó với bạo lực), thì để hợp lẽ, luân lý đề xuất đó phải hoàn toàn đúng với tất cả mọi người bất kể ở thời gian hay nơi chốn nào6. Đây là một trong những thuộc tính đáng chú ý của luật tự nhiên – áp dụng cho tất cả mọi người bất kể thời gian hay nơi chốn. Vì lẽ đó, quy luật luân lí tự nhiên luôn đi cùng với các quy luật vật lí hay “khoa học” tự nhiên. Nhưng duy nhất chỉ có xã hội tự do [thuần khiết] mới là nơi có thể áp dụng một quy tắc căn bản đồng nhất cho tất cả mọi người, bất kể thời gian hay nơi chốn. Đây là một trong những cách lí tính có thể chọn lọc một lí thuyết dựa trên luật tự nhiên hơn là một lí thuyết đối địch – cũng như lí tính có thể lựa chọn giữa bao nhiêu lí thuyết kinh tế hay giữa các lý thuyết cạnh tranh khác. Vì thế, nếu ai đó cho rằng nhà Hohenzollern hay Bourbon có “quyền tự nhiên” để cai trị những người khác, thì thứ học thuyết này có thể dễ dàng bị bác bỏ, đơn giản chỉ bằng cách chỉ ra rằng không có một luân lí đồng nhất nào cho tất cả mọi người: thứ bậc trên trật tự luân lí của một người phải độc lập với việc có thuộc nhà Hohenzollern hay không. Tương tự, nếu ai đó nói rằng ai cũng có “quyền tự nhiên” để ăn ba bữa no một ngày, rõ rành rành đây là một ngụy biện cho thuyết về quyền tự nhiên hay luật tự nhiên; có vô số nơi và thời điểm mà hoàn toàn bất khả để cung cấp ba bữa no một ngày cho tất cả, hay thậm chí cho đa số dân cư. Thế nên, đây không thể được coi là một dạng “quyền tự nhiên”. Trái lại, hãy xem xét trạng thái phổ quát của luân lí tự do, và của quyền tự nhiên đối với thân thể và tài sản suy ra được từ một nền luân lí như vậy. Ở bất cứ thời điểm hay nơi chốn nào, tất cả mọi người đều có thể được bảo vệ bởi những quy tắc căn bản: quyền sở hữu bản thân, quyền sở hữu những tài nguyên trước đó chưa được sử dụng mà ta đã chiếm lĩnh và cải tạo; và quyền sở hữu tất cả những quyền (title) phái sinh từ quyền sở hữu căn bản đó – hoặc qua trao đổi tự nguyện hoặc qua tặng phẩm tự nguyện. Những quy tắc này, có thể coi là “quy tắc sở hữu tự nhiên”, có thể rõ ràng được áp dụng, và quyền sở hữu này được bảo vệ, bất kể thời gian và nơi chốn, và bất kể thành tựu kinh tế của xã hội. Việc chứng minh bất cứ hệ thống xã hội nào khác thỏa mãn luật tự nhiên phổ quát là hoàn toàn bất khả; bởi nếu trong đó hiện hữu bất cứ quy tắc mang tính cưỡng bức nào của một người hay một nhóm áp đặt lên phần còn lại (và tất cả các quy tắc dự phần vào sự bạo quyền đó), thì việc áp dụng một quy tắc duy nhất cho tất cả là bất khả; chỉ có trong một thế giới không có kẻ thống trị thì tự do cá nhân thuần khiết mới có thể thỏa mãn những phẩm chất của quyền tự nhiên và luật tự nhiên, và quan trọng hơn, có thể thỏa mãn các điều kiện của một luân lí phổ quát cho toàn thể nhân loại.
Chú thích:
(1) Nếu muốn tham khảo một phân tích kinh tế chi tiết hơn cho vấn đề này, xem Murray N. Rothbard, Man, Economy, and State, (Princeton, N. J.: D. Van Nostrand, 1962), chương 2.
(2) Việc tư liệu sản xuất quy về đất và lao động như là những yếu tố khởi nguyên (original factors) chính là một phát kiến nền tảng của Trường phái Kinh tế học Áo. Cụ thể, xem Eugen von Bohm- Bawerk, The Positive Theory of Capital, tập 2 trong Capital and Interest (South Holland, Ill.: Libertarian Press, 1959).
(3) Sử dụng thuật ngữ kinh tế kĩ thuật, bằng cách nhận tiền trước khi bán được hàng, những người lao động được hưởng “giá trị sản phẩm cận biên chiết khấu” cho công lao động – giá trị chiết khấu mà những người lao động có được bằng cách nhận tiền bây giờ thay vì trong tương lai. Bằng cách chịu bỏ tiền ra ở hiện tại và giảm đi gánh nặng cho người lao động đỡ phải chờ đợi cho tới khi bán được hàng, nhà tư bản hưởng được phần chiết khấu cho “sự ưu tiên tiêu dùng ở hiện tại”; những nhà tư bản có khả năng viễn kiến cũng nhận được phần thưởng dưới dạng “lợi nhuận thuần khiết” cho việc dự đoán được tương lai bất trắc. Những nghiệp chủ kinh doanh viễn kiến kém hơn phải hứng chịu thua lỗ cho việc đưa quyết định tồi cùng bất trắc. Xem Rothbard, Man, Economy, and State.
(4) Về sau chúng ta sẽ thấy rằng định nghĩa cho “sự tự do” hay “quyền tự do” phải được làm rõ là “trạng thái không có bất cứ sự quấy nhiễu nào lên tài sản chính đáng của con người”, với việc bao hàm sự chính đáng ở đây, quyền sở hữu gắn với bản thân mỗi cá nhân, với tài sản được cải tạo, và với thành quả của những trao đổi tự nguyện từ đó.
(5) Về một phê bình cho “tự do để bóc lột hay bạo hành”, thứ lý lẽ chống lại chủ nghĩa tự do cá nhân, xem Murray N. Rothbard, Power and Market, 2nd ed. (Kansas City: Sheed Andrews and McMeel, 1977), trang 242.
(6) Về đòi hỏi bắt buộc phải có một hệ thống luân lý phổ quát, xem R. M. Hare, The Language of Morals (Oxford: Clarendon Press, 1952), trang 162; Marcus Singer, Generalization in Ethics (New York: Knopf, 1961), các trang 13-33.
Nguồn: Murray N. Rothbard, 1998, The Ethics of Liberty, New York University Press