[Bàn về chế độ dân chủ] Chương 15: Cuộc du hành chưa kết thúc

[Bàn về chế độ dân chủ] Chương 15: Cuộc du hành chưa kết thúc

Tương lai sẽ như thế nào? Như chúng ta đã thấy, có những lúc mà nhiều người đương thời trong thế kỉ XX dường như cảm thấy rằng nó đang bước vào giai đoạn bi thảm và đầy tăm tối đối với chế độ dân chủ, nhưng hóa ra đấy lại là thời đại của chiến thắng vô tiền khoáng hậu của chế độ dân chủ. Mặc dù chúng ta có thể cảm thấy an tâm khi nghĩ rằng thế kỉ XXI cũng sẽ có thái độ trìu mến đối với dân chủ như thế kỉ XX, nhưng lịch sử lại nói với chúng ta rằng dân chủ là trải nghiệm hiếm có. Liệu một lần nữa nó có bị phủ nhận và được thay bằng những hệ thống phi dân chủ, có thể sẽ xuất hiện trong thế kỉ XXI dưới dạng chủ nghĩa giám hộ (Guardianship) của giới tinh hoa chính trị và quan liêu hay không? Hay nó sẽ tiếp tục bành trướng ra trên phạm vi toàn cầu? Hay sẽ xảy ra một cuộc chuyển hóa khác, cái gọi là “dân chủ” có thể trở thành rộng hơn về mặt phạm vi nhưng lại nông hơn – mở rộng ra nhiều nước hơn trong khi chất lượng của nền dân chủ thì lại yếu hơn bao giờ hết?

Tôi nghĩ, tương lai là rất không rõ ràng, chưa thể đưa ra những câu trả lời chắc chắn được. Sau khi đã khảo sát xong những vấn đề đặt ra trong chương 3, bây giờ là lúc chúng ta khảo sát những khu vực nằm ngoài bản đồ của chúng ta. Thế giới được lập bản đồ theo kinh nghiệm của quá khứ phải chỉ dẫn cho ta đường tới tương lai, nơi những tấm bản đồ, trong trường hợp tốt nhất, cũng còn chưa đáng tin – đấy là những bản phác thảo do các chuyên viên vẽ bản đồ làm ra khi chưa có những bản báo cáo đáng tin cậy về những vùng đất ở đằng xa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể dự đoán với một sự tự tin tương đối cao. Tôi tin rằng một số vấn đề mà những nước dân chủ hiện nay đang gặp sẽ vẫn còn đó, và thậm chí còn làm người ta nản lòng hơn nữa.

Trong chương cuối cùng này tôi sẽ phác họa một vài thách thức. Tôi sẽ chủ yếu tập trung vào những nền dân chủ lâu đời, một phần là để làm cho nhiệm vụ của tôi nằm trong tầm kiểm soát, nhưng phần nữa là tôi tin rằng sớm muộn gì – có nhiều khả năng là sớm chứ không muộn – những nước vừa mới dân chủ hóa hay những nước còn trong quá trình chuyển đổi cũng sẽ phải đối mặt với những vấn đề tương tự như những vấn đề đang đứng trước các nền dân chủ lâu đời.

Với những điều đã trình bày bên trên, không có vấn đề nào trong số những vấn đề mà tôi sẽ nói tới ở đây là quá bất ngờ. Tôi nghĩ đây là tất cả những vấn đề có thể được nêu ra. Nhưng đáng tiếc là tôi không thể đưa ra được giải pháp ở đây vì nhiệm vụ này đòi hỏi phải viết một cuốn sách nữa – hay đúng hơn là phải nhiều cuốn sách nữa. Tuy nhiên, chúng ta có thể tin chắc một điều: bản chất và chất lượng của chế độ dân chủ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách thức mà các nhà lãnh đạo cũng như công dân của chế độ dân chủ giải quyết những thách thức mà tôi sắp trình bày ở đây.

THÁCH THỨC 1: TRẬT TỰ KINH TẾ

Có vẻ như trong các nước dân chủ người ta sẽ không bãi bỏ chủ nghĩa tư bản thị trường. Hậu quả là sự cộng sinh đầy mâu thuẫn được trình bày trong các chương 13 và 14 chắc chắn sẽ tiếp tục tồn tại dưới hình thức này hay hình thức khác.

Dù bất cứ ở đâu, chúng ta cũng không nhìn thấy lựa chọn nào khác ưu việt rõ ràng hơn hẳn nền kinh tế thị trường đang giữ thế thượng phong hiện nay. Trong quan điểm của người dân đã xảy ra một sự biến động chẳng khác gì một con địa chấn, cuối thế kỉ XX chẳng có mấy người trong các nước dân chủ còn tin vào khả năng tìm ra và áp dụng một hệ thống phi thị trường vừa thuận lợi hơn đối với chế độ dân chủ và quyền bình đẳng chính trị đồng thời lại hiệu quả trong việc sản xuất hàng hóa và dịch vụ ở mức có thể chấp nhận được. Trong suốt hai thế kỉ qua những người xã hội chủ nghĩa, những người ủng hộ kế hoạch hóa, những người kĩ trị và những người khác đã từng ủng hộ quan điểm, theo đó thị trường có thể được thay thế một cách vĩnh viễn và trên diện rộng bằng – đấy là theo cách nghĩ của họ - những quá trình ra quyết định về sản xuất, giá cả và phân phối sản phẩm cũng như dịch vụ một cách công bằng hơn, trật tự hơn và có kế hoạch hơn. Những quan niệm như thế đã rơi vào quên lãng. Dù nền kinh tế thị trường đang thịnh hành hiện nay có khiếm khuyết như thế nào chăng nữa, dường như đấy vẫn là lựa chọn duy nhất của các nước dân chủ trong thế kỉ mới.

Nhưng ngược lại, nền kinh tế thị trường có đòi hỏi rằng các doanh nghiệp phải được sở hữu và kiểm soát theo lối tư bản chủ nghĩa hay không còn là vấn đề chưa có câu trả lời chắc chắn. “Chính quyền” nội bộ của các công ty tư bản thường là phi dân chủ, thực ra, đôi khi còn là bộ máy độc tài nữa. Hơn thế nữa, quyền sở hữu công ty và lợi nhuận cũng như những lợi ích khác thu được từ quyền sở hữu được phân phối một cách rất không công bằng. Việc sở hữu và kiểm soát một cách không công bằng những doanh nghiệp lớn, đến lượt nó lại góp phần tạo ra bất công rất lớn về nguồn lực chính trị được trình bày trong chương 14 và như thế nghĩa là phá hoại quyền bình đẳng chính trị của các công dân trong chế độ dân chủ.

Mặc dù có những khiếm khuyết như thế, nhưng cuối thế kỉ XX tất cả các phương án thay thế cho quyền sở hữu và kiểm soát theo lối tư bản chủ nghĩa đều đã đánh mất phần lớn sự ủng hộ. Các đảng Lao động, Xã hội và xã hội-dân chủ từ lâu đều đã không coi việc quốc hữu hóa lĩnh vực công nghiệp là mục tiêu nữa. Các chính phủ được các đảng đó lãnh đạo hay ít nhất là bao gồm cả những đảng có những đối tác nhiệt tình đã nhanh chóng tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước. Kinh nghiệm đáng kể duy nhất về nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, trong đó các doanh nghiệp “do xã hội sở hữu” hoạt động trong bối cảnh thị trường, do những đại diện của công nhân quản lí (ít nhất là trên nguyên tắc), đã chết khi Nam Tư và chính phủ do cộng sản lãnh đạo bị giải tán. Chắc chắn là trong các nước dân chủ lâu đời một số công ty do người lao động tự làm chủ không những sẽ tồn tại mà trên thực tế còn phát đạt nữa. Nhưng phong trào công đoàn, các đảng lao động và công nhân nói chung sẽ không ủng hộ một cách quyết liệt trật tự kinh tế bao gồm chủ yếu là các doanh nghiệp được sở hữu và quản lí bởi những người lao động và công nhân.

Như vậy là: mâu thuẫn giữa các mục tiêu dân chủ và nền kinh tế tư bản thị trường gần như chắc chắn là sẽ tiếp tục tồn tại vĩnh viễn. Có những biện pháp tốt hơn nhằm giữ được tính ưu việt của chủ nghĩa tư bản thị trường mà vẫn hạn chế được mặt tiêu cực đối với quyền bình đẳng chính trị giữa các công dân hay không? Câu trả lời do các nhà lãnh đạo và công dân các nước dân chủ đưa ra sẽ góp phần quyết định một cách đáng kể bản chất và chất lượng của chế độ dân chủ trong thế kỉ mới.

THÁCH THỨC 2: QUỐC TẾ HÓA

Chúng ta đã thấy vì sao quá trình quốc tế hóa lại dường như đang làm gia tăng số lượng những quyết định được thông qua bởi giới tinh hoa chính trị và quan liêu, hạn chế việc kiểm soát theo lối dân chủ. Như tôi đã đề nghị trong chương 9, từ quan điểm của dân chủ, thách thức của quá trình quốc tế hóa là phải tính đến những mặt tiêu cực đối với chế độ dân chủ khi các quyết định được chuyển lên bình diện quốc tế và củng cố những biện pháp nhằm buộc giới tinh hoa chính trị và quan liêu phải giải trình về những quyết định của họ. Có thể làm được những việc này hay không và làm như thế nào, câu trả lời còn rất mù mờ.

THÁCH THỨC 3: ĐA DẠNG VĂN HÓA

Như chúng ta đã thấy trong chương 12, sự đồng nhất tương đối về mặt văn hóa là điều kiện thuận lợi đối với sự phát triển và ổn định của chế độ dân chủ trong nhiều nước dân chủ lâu đời. Nhưng trong hai thập niên cuối cùng của thế kỉ XX trong các nước này đã xuất hiện hai hiện tượng góp phần làm gia tăng sự đa dạng về mặt văn hóa. Cả hai hiện tượng dường như sẽ tiếp tục phát triển trong thế kỉ XXI.

Thứ nhất, một số công dân, tức là những người thường bị kì thị về mặt văn hóa, liên kết với những người có cùng hoàn cảnh như họ trong phong trào đi tìm bản sắc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của họ. Đây là những phong trào của người da màu, phụ nữ, người đồng tính luyến ái, những nhóm thiểu số về ngôn ngữ, những dân tộc thiểu số sống trong những khu vực quê cha đất tổ của họ như người Scot và Welsh ở Anh và người nói tiếng Pháp ở Quebec (Canada) và những người khác.

Thứ hai, sự khác biệt về văn hóa trong các nước dân chủ lâu đời gia tăng vì số người nhập cư tăng lên, những người này thường dễ nhận ra do những khác biệt về sắc tộc, ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa, làm cho họ khác với đa số người dân trong nước. Vì nhiều nguyên nhân, hiện tượng nhập cư, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp đều góp phần vào việc làm gia tăng một cách đáng kể sự đa dạng về văn hóa trong những nền dân chủ lâu đời. Thí dụ, sự khác biệt về kinh tế giữa những nước dân chủ giàu có và những nước nghèo hơn làm cho người dân trong những nước nghèo hi vọng rằng họ có thể thoát khỏi tình trạng nghèo khó bằng cách di cư sang những nước giàu hơn. Những người khác thì đơn giản là muốn cải thiện chất lượng sống bằng cách di cư sang những nước giàu vì ở đấy có nhiều cơ hội hơn. Do làn sóng của những người tị nạn chạy trốn một cách tuyệt vọng khỏi những vụ bạo hành, đàn áp, diệt chủng, “thanh lọc sắc tộc”, nạn đói và những nỗi kinh hoàng khác mà họ gặp phải ở quê hương, trong những năm cuối thế kỉ XX số người tìm cách di cư sang những nước dân chủ lâu đời càng tăng thêm.

Áp lực từ bên trong cộng thêm với áp lực từ bên ngoài. Người sử dụng lao động hi vọng có thể thuê người nhập cư với mức lương và điều kiện lao động không đủ sức hấp dẫn đồng bào của họ nữa. Những người mới nhập cư còn muốn họ hàng ở nước ngoài đoàn tụ với họ. Những người công dân có lòng nhân ái hay đơn giản là ao ước sự công bằng không muốn bắt những người tị nạn phải sống mãi trong trại tị nạn hay phải trực diện với cảnh khốn cùng, khủng bố và giết chóc ở quê hương của họ.

Trước những áp lực cả từ bên trong lẫn bên ngoài, các nước dân chủ mới phát hiện ra rằng những đường biên giới của họ hóa ra là có nhiều lỗ thủng hơn là họ nghĩ. Không thể ngăn chặn được những người xâm nhập bất hợp pháp bằng đường bộ hay đường thủy nếu không có những khoản chi phí lớn cho việc canh phòng biên giới; mà việc này, ngoài tiền bạc, còn có thể làm cho nhiều người cảm thấy kinh tởm hay không thể chấp nhận được vì vô nhân đạo.

Trong thế kỉ tới, tôi không nghĩ rằng sự khác biệt về văn hóa và những thách thức mà nó tạo ra sẽ giảm đi. Có lẽ sự khác biệt sẽ gia tăng.

Trong quá khứ các nước dân chủ không phải lúc nào cũng xử lí sự khác biệt về mặt văn hóa một cách phù hợp với những giá trị và thực tiễn dân chủ, họ có thể và sẽ xử lí một cách tốt hơn trong tương lai hay không? Những biện pháp khác nhau được trình bày trong chương 12 và phụ lục B đưa ra một số giải pháp khả dĩ, từ tốt nhất là đồng hóa cho tới xấu nhất là tách thành những nước độc lập với nhau. Có thể có cả những biện pháp khác nữa. Dù sao mặc lòng, một lần nữa, bản chất và chất lượng của chế độ dân chủ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những biện pháp mà đất nước dân chủ áp dụng trong việc giải quyết vấn đề khác biệt về mặt văn hóa của nhân dân nước mình.

THÁCH THỨC 4: GIÁO DỤC CÔNG DÂN

Mặc dù trong những trang trước tôi chưa nói nhiều về giáo dục, nhưng độc giả hẳn còn nhớ rằng một tiêu chí căn bản cho tiến trình dân chủ là sự hiểu biết thấu đáo: trong một khoảng thời gian hợp lí, mỗi thành viên (công dân) đều phải có cơ hội như nhau và hiệu quả trong việc tìm hiểu những chính sách có liên quan mà người ta có thể lựa chọn và hậu quả có thể có của chúng.

Trên thực tế, công dân tìm kiếm hiểu biết như thế nào? Các nước dân chủ lâu đời đã thiết lập được nhiều con đường tìm kiếm kiến thức chính trị. Trước hết là, đa phần các công dân đều có trình độ đủ để biết đọc biết viết. Kiến thức chính trị của họ sẽ tiếp tục gia tăng vì họ có thể thu thập thông tin liên quan được truyền bá một cách rộng rãi và với giá tương đối rẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sự cạnh tranh về mặt chính trị giữa những người nằm trong các đảng khác nhau đang tranh giành một chức vụ nào đó lại là một nguồn thông tin nữa, vì các đảng cũng như các ứng viên đều muốn cung cấp cho cử tri thông tin (đôi khi còn kèm theo cả thông tin sai) về thành tích và dự định của họ. Nhờ có các đảng phái chính trị và các nhóm lợi ích mà số lượng thông tin các cử tri cần để được thông tin một cách thỏa đáng và tham gia một cách tích cực vào hoạt động chính trị cũng như trở thành những người có hiệu quả về mặt chính trị đã giảm xuống đến mức người ta có thể dễ dàng tìm được. Cử tri nắm được một cách chung chung lịch sử của đảng, phương hướng hiện nay thường chỉ là sự kéo dài của quá khứ và tương lai là có thể dự đoán được. Kết quả là cử tri không cần phải nắm được tất cả những vấn đề công cộng quan trọng. Họ chỉ đơn giản là bầu cho ứng viên từ đảng mà họ lựa chọn với niềm tin rằng nếu được bầu thì những người đại diện cho họ sẽ tiếp tục chính sách phù hợp với quyền lợi của họ.

Nhiều công dân còn nằm trong những hiệp hội được tổ chức ra nhằm bảo vệ và thúc đẩy những mối quan tâm đặc thù của họ - đấy là các nhóm lợi ích, các tổ chức lobby, các nhóm gây áp lực. Nguồn lực, kĩ năng hoạt động chính trị và kiến thức chuyên môn của những nhóm lợi ích có tổ chức cung cấp cho công dân những hình thức đại diện đặc biệt, có hiệu quả cao trong đời sống chính trị của đất nước.

Do có sự cạnh tranh giữa các đảng phái, do ảnh hưởng của các nhóm lợi ích và những cuộc bầu cử mang tính cạnh tranh cho nên các nhà lãnh đạo chính trị chấp nhận rằng họ phải giải trình về việc thực hiện hay ít ra cũng cố gắng thực hiện cương lĩnh và những lời hứa hẹn của đảng trong chiến dịch tranh cử. Hơn thế nữa, mặc dù nhiều người tin là các đảng phái chỉ hứa hão; nhưng trên thực tế, trong các nước dân chủ lâu đời người ta thường làm đúng như thế 1.

Cuối cùng, những quyết định quan trọng của chính phủ thường được thực hiện từng bước một chứ không phải là một bước đại nhảy vọt vào vùng chưa biết. Vì các quyết định được thực hiện theo từng bước một, sự thay đổi dần dần sẽ tránh được những thảm họa có thể làm lụn bại cả một quốc gia. Công dân, các chuyên gia và lãnh đạo học được từ sai lầm, tìm được những biện pháp chỉnh lí cần thiết, thay đổi chính sách..v.v.. Quá trình có thể được lặp đi lặp lại, khi cần. Mặc dù mỗi bước đều có vẻ ngắn đến mức đáng thất vọng, nhưng sau một thời gian những bước ngắn đó có thể tạo ra những thay đổi sâu sắc, có thể nói là thay đổi mang tính cách mạng nữa. Những thay đổi này lại diễn ra một cách hòa bình và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân, vì vậy mà chúng sẽ còn tiếp tục.

Mặc dù đối với một số nhà quan sát những bước đi lúng túng, chậm chạp như thế có vẻ như là bất hợp lí đến mức đáng thất vọng, nhưng xem xét kĩ thì lại thấy rằng đấy là biện pháp hợp lí trong khi tiến hành những thay đổi trong cái thế giới rất bất định này 2. Những quyết định tai hại nhất trong thế kỉ XX hóa ra lại là những quyết định của những nhà lãnh đạo độc tài, tức là những người không bị những rào cản của chế độ dân chủ kiềm chế. Trong khi các chế độ dân chủ lúng túng thì các nhà lãnh đạo độc tài bị mắc kẹt trong quan niệm hạn hẹp của họ về thế giới, mù quáng thực hiện những chính sách tự hủy diệt.

Với tất cả những sự bất toàn của nó, giải pháp được mọi người chấp nhận nhằm đạt được khả năng ra quyết định và có hành động thỏa đáng có rất nhiều điều đáng nói 3. Và tôi sợ rằng trong tương lai nó sẽ không còn phù hợp nữa. Tôi cho rằng có ba vấn đề liên quan, làm cho giải pháp này trở thành khiếm khuyết nghiêm trọng.

Thay đổi về phạm vi. Vì quá trình quốc tế hóa gia tăng, những hành động có ảnh hưởng lớn tới đời sống của con người được thực hiện trên những vùng lãnh thổ ngày càng rộng hơn, nghĩa là số người nằm trong vùng biên giới của chúng cũng ngày một đông hơn.

Sự phức tạp. Mặc dù trình độ học vấn trung bình trong tất cả các nước đã được nâng lên và có khả năng là sẽ tiếp tục nâng lên nữa, nhưng những vấn đề công cộng cũng ngày càng khó hiểu hơn và mức độ khó hiểu có thể vượt xa hơn là kiến thức mà nền giáo dục cao hơn mang lại cho người dân. Trong suốt nửa thế kỉ trước, số lượng những vấn đề khác nhau liên quan tới chính trị, chính phủ và nhà nước trong tất cả các nước dân chủ đều gia tăng. Nói cho ngay, không người nào có thể tinh thông được tất cả - trên thực tế mỗi người chỉ tinh thông được trong vài lĩnh vực mà thôi. Cuối cùng, đánh giá về chính sách không chỉ có thể sai vì tình trạng không chắc chắn mà còn đòi hỏi phải biết đánh giá về thỏa hiệp, mà đây lại là việc rất khó.

Thông tin. Trong thế kỉ XX, trong các nước phát triển, cơ sở hạ tầng, cả về mặt kĩ thuật lẫn xã hội, để người dân có thể giao tiếp với nhau đã diễn ra sự thay đổi vô cùng to lớn: điện thoại, đài phát thanh, TV, máy fax, TV tương tác, internet, thăm dò ý kiến về các sự kiện được tiến hành hầu như ngay lập tức, nhóm quan tâm..v.v.. Vì chi phí phải trả cho việc trao đổi và thông tin là tương đối rẻ; tin tức về các vấn đề chính trị, từ những vấn đề đơn giản đến những vấn đề khó khăn nhất, đã gia một cách khủng khiếp 4. Nhưng khối lượng thông tin tăng lên có thể không làm cho người ta sáng suốt hơn hay có năng lực hơn: phạm vi, sự phức tạp và nhiều thông tin hơn tạo ra những yêu cầu chưa từng có đối với khả năng của các công dân.

Kết quả là, một trong những nhu cầu bức thiết của các nước dân chủ là phải cải thiện trình độ của các công dân để họ có thể tham gia một cách sáng suốt vào đời sống chính trị. Tôi không có ý nói rằng phải bỏ những định chế giáo dục công dân đã hình thành trong thế kỉ XIX và XX. Nhưng tôi thực sự tin rằng trong những năm tới những định chế cũ này cần phải được tăng cường bằng những phương tiện mới từ hàng loạt kĩ thuật và công nghệ của thế kỉ XXI cho việc giáo dục, tham gia hoạt động chính trị, thông tin và thảo luận của người dân. Chúng ta mới chỉ bắt đầu suy nghĩ về những khả năng này, những thử nghiệm trên diện hẹp thì còn ít hơn nữa.

Các nước dân chủ, dù là lâu đời, mới hay đang trong quá trình chuyển tiếp, có vươn lên đủ sức đáp ứng những thách thức đó và những thách thức khác mà nhất định họ sẽ gặp hay không? Nếu không làm được như thế, khoảng cách giữa lí tưởng và hiện thực dân chủ vốn đã rộng sẽ càng rộng ra và thời đại chiến thắng của dân chủ sẽ được thay thế bằng thời đại suy giảm và thụt lùi của chế độ dân chủ.

Trong suốt thế kỉ XX chưa bao giờ thiếu vắng những người phê phán các nước dân chủ, họ tuyên bố một cách tự tin rằng chế độ dân chủ đang gặp khủng hoảng, đang ở trong tình trạng nguy hiểm chết người, thậm chí là cáo chung. Có thể, có những lúc nó đã ở trong tình trạng nguy hiểm chết người. Nhưng rốt cuộc nó đã không chết. Tất cả những người bi quan đều không tin vào chế độ dân chủ nữa. Nhưng, trái với những điều dự đoán khủng khiếp của họ, kinh nghiệm cho thấy rằng, khi các định chế dân chủ đã được củng cố một cách vững chắc thì chúng sẽ sống một cách kiên cường và dẻo dai. Các chế độ dân chủ đã chứng tỏ khả năng bất ngờ trong việc giải quyết những vấn đề mà họ gặp phải – tuy không thật tốt và không hoàn thiện, nhưng có thể chấp nhận được.

Nếu những nền dân chủ lâu đời có thể đối đầu và vượt qua những thách thức trong thế kỉ XXI thì cuối cùng họ có thể chuyển hóa thành những chế độ dân chủ tiến bộ thực sự. Thành công của những chế độ dân chủ tiến bộ sẽ là nguồn cảm hứng cho tất cả những người tin vào chế độ dân chủ trên khắp thế giới.

Chú thích:

(1) Đây thực chất là kết quả mấy công trình nghiên cứu được tiến hành một cách cẩn thận. So sánh nghiên cứu 13 nước dân chủ do Hans-Dieter Klingemann, Richard I. Hofferbert, and Ian Budge at al., Parties, Policies and Democracy (Boulder: Westview, 1994). Công trình nghiên cứu 38 chính phủ trong 12 nước dân chủ còn phát hiện sự tương đồng đáng kể giữa quan điểm của các công dân và những người làm chính sách, mặc dù có sự tương đồng cao hơn trong những nước với hệ thống bầu cử PR so với những nước với hệ thống FTPT; John D. Huber and G. Bigham Powell, Jr., “Congruence Between Citizens and Policy Maker in Two Visions of Liberal Democracy”, World Politics 46, 3 (April 1994): 29ff.

(2) Charles E. Lindblom chứng tỏ tính hữu lí khi vượt qua khó khăn bằng những biện pháp tăng dần trong bài báo “The Science of Maddling through”, Public Administration Review 19 (1959): 78-88. Xem thêm Lindblom, “Still Maddling, Not Yet Through” in his Democracy and Market System (Oslo: Norwegian University Press, 1988), 237-262. Lindblom còn sử dụng thuật ngữ disjointed incrementalism (sự thay đổi dần dần rời rạc). Xem thêm tác phẩm của ông, The Intelligence of Democracy: Dicision Making Trough Mutual Adjustment (New York: Free Press, 1965).  

(3) Thí dụ, Benjamin I. Page đã có nhận định hữu hảo đối với cử tri Mĩ trong Choices and Echoes in Presidential Elections: Rational Man and Electoral Democracy (Chicago: University of Chicago Press, 1978). Nhưng Michael X. Delli Carpini and Scott Keeler kết luận rằng “một trong những phát hiện quan trọng nhất và làm người ta rối trí nhất là sự cách biệt khá lớn giữa kiến thức của những nhóm người bị thiệt thòi và những nhóm có lợi thế hơn” (What Americans Know About Politics and Why It matters [New Haven and London: Yale University Press, 1989], 287. Những lời phê phán nghiêm khắc hơn, cùng với những khuyến cáo về việc tạo ra những định chế mới nhằm giúp vượt qua sự thiếu hiểu biết, có thể tìm thấy trong James Fishkin, The Voice of the People, Public Opinion and Democracy (New Haven and London: Yale University Press, 1995).

(4) Năm 1930 cuộc điện thoại kéo dài 3 phút từ New York tới London có giá là 300 dollar (thời giá năm 1996); năm 1996 giá một cuộc điện thoại như thế chỉ còn 1 dollar (Economist, October 18, 1997, 79).

Nguồn: Bàn về chế độ dân chủ: Robert Alan Dahl, 2000. 

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường