Quả bóng trong chân các trường đại học
Để giải quyết các vướng mắc hiện nay của kỳ thi trung học phổ thông, việc đầu tiên là chấm dứt cách nhìn đây là kỳ thi “2 trong 1” vì thi cử chứ đâu phải bán hàng mà cứ rao “2 trong 1”! Nhưng như thế thì các trường đại học phải làm gì để thoát tình trạng hụt hẫng khi không thể dựa vào điểm thi?
Trả kỳ thi THPT quốc gia về đúng vai trò của nó là dùng để xét tốt nghiệp, ngay lập tức hàng loạt vấn đề sẽ được giải quyết. Đề thi không còn bị chê là quá khó, không phải khoác lên mình nó cả chức năng vừa kiểm tra kiến thức vừa đánh giá năng lực. Động cơ tiêu cực tìm mọi cách để sửa điểm, nâng điểm cũng bị triệt tiêu khi điểm thi không còn là yếu tố dùng để chạy đua vào các trường đại học hàng đầu nữa. Bộ Giáo dục có thể tính toán để mức điểm thi cao hơn mọi năm và nhờ đó giảm tỷ trọng điểm học bạ trong cơ cấu điểm xét tốt nghiệp. Vấn đề còn lại là gánh nặng bây giờ rơi vào các trường đại học, làm sao để tuyển sinh khi không còn dựa hoàn toàn vào kết quả kỳ thi THPT?
Thật ra, Luật Giáo dục đại học đã quy định khá rõ từ mấy năm nay: trường đại học có quyền quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh trong đó Luật cũng nói: Phương thức tuyển sinh gồm thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Không ai bắt trường đại học phải lấy điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển thí sinh đủ tiêu chuẩn vào trường mình.
Chúng ta thường nhìn từ góc cạnh thí sinh chen nhau vào cổng trường đại học chứ ít ai nhìn từ góc cạnh các trường đại học cạnh tranh nhau hút học sinh tốt nghiệp vào trường mình. Đó là bởi quán tính suy nghĩ trường tốt chọn học sinh có điểm cao trong khi đúng ra việc tuyển sinh đại học phải là sự cân nhắc từ cả hai phía để mục đích cuối cùng là tìm sự “hòa hợp”, học sinh vào đúng trường phù hợp với con người của mình nhất và trường chọn đúng học sinh có tiềm năng đóng góp xây dựng nền tảng danh tiếng của nhà trường nhất.
Nhìn từ góc độ đó mới thấy hầu hết các trường đại học đã lãng tránh trách nhiệm khi chỉ dùng duy nhất điểm thi THPT hay điểm học bạ để xét tuyển; chỉ một ít trường tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng cho mình và hầu như không ai nghĩ đến chuyện xét tuyển bằng các phương thức trực tiếp như phỏng vấn. Giả thử đề thi THPT sang năm dễ hơn nhiều vì chỉ để xét tốt nghiệp, các trường đại học làm sao dựa vào điểm thi để tuyển đúng sinh viên cho mình? Với các trường nổi tiếng luôn thu hút học sinh, nếu ai cũng điểm cao như nhau, làm sao biết thực học của các em để chọn đúng; làm sao tránh tình trạng chỉ tuyển được các em điểm cao nhờ được cộng nhiều loại điểm ưu tiên? Với các trường bình thường, dựa vào điểm tức đã bỏ qua thế mạnh của mình, không có những phương thức chiêu dụ học sinh, không tạo ra được sự cạnh tranh để hút học sinh về cho mình.
Tuyển sinh bằng điểm thi THPT sẽ dẫn tới những bất hợp lý khó lòng giải tỏa. Đăng ký học ngành kinh tế nhưng điểm xét tuyển là Toán, Lý, Hóa thì xem như hỏng việc vì những kỹ năng làm nền tảng cho một người học tốt kinh tế học lại là ngoại ngữ, đọc hiểu, viết lách, thuyết trình, suy luận lô-gich, kể cả hiểu biết về văn hóa. Sinh viên tương lai của một trường đại học sư phạm phải có lòng yêu trẻ, say mê truyền thụ kiến thức nhưng đồng thời phải có kỹ năng giao tiếp. Những đặc điểm nói lên cá tính từng con người làm sao bộc lộ được qua các con số điểm thi vô hồn. Chính vì thế mặc dù vẫn còn dựa vào các kỳ thi chuẩn hóa kiến thức nhưng các trường đại học ở nước ngoài đấu tranh nhau lấy theo thứ tự từ điểm cao nhất lấy xuống? Có những em điểm thi cao vẫn bị từ chối trong khi cũng trường đó lại nhận em điểm thi thấp hơn nhiều.
Thực tế dù còn ít nhưng một số trường sử dụng một kỳ thi đánh giá năng lực riêng của mình rồi vừa dựa một phần vào điểm thi THPT và một phần vào điểm thi của kỳ thi riêng đã tạo ra những chuyển biến bất ngờ. Các trường này trước đây vất vả lắm vẫn không tuyển đủ sinh viên theo mức điểm chuẩn trường đưa ra nay lại dễ dàng đạt con số chỉ tiêu tuyển sinh. Có lẽ khi đặt học sinh trước một thử thách là kỳ thi gắn liền với tên tuổi của trường các em sẽ có động lực mạnh hơn khi chọn lựa. Có lẽ học sinh muốn được đánh giá đúng đắn, chứ không còn tin vào điểm thi tốt nghiệp bị tác động bởi nhiều yếu tố khác.
Một trong những lý do các trường đại học đưa ra để lãng tránh tổ chức tuyển sinh theo con đường riêng của mình là thiếu nguồn lực, hay nói thẳng ra là không có tiền để làm. Một việc rất dễ mà hầu như tuyển sinh đại học hay sau đại học nào ở nước ngoài đều làm là bắt thí sinh nộp kèm hồ sơ một bài luận về một đề tài nào đó. Cái này đâu tốn kém nhiều trong khi hiệu quả đo lường năng lực, cá tính, sở thích, năng khiếu của thí sinh là rất cao. Một thí sinh điểm thi cao nhưng bài luận viết cẩu thả, sai chính tả, diễn đạt ý không rõ ràng, tuyển vào cũng khó trở thành sinh viên giỏi. Một thí sinh với bài luận dí dỏm, có óc hài hước, có tầm nhìn bao quát nhiều lúc chính là nhân vật trường đang cần. Một em nhờ người lớn viết theo kiểu văn mẫu bay bổng sẽ bị phát hiện ngay.
Để khỏi ngồi than thở về trình độ đầu vào của các khóa đào tạo, các trường phải chủ động tìm cách tuyển sinh riêng cho mình, nhất là trong bối cảnh sẽ có những thay đổi về quan điểm kỳ thi THPT. Có bài thi năng lực riêng, yêu cầu viết bài luận, kể về các hoạt động xã hội hay trực tiếp phỏng vấn – chọn các nào là tùy theo điều kiện của từng trường nhưng tự chủ đại học phải bắt đầu từ chuyện tuyển sinh.
Nguồn: Nguyễn Vạn Phú, Quả bóng trong chân các trường đại học, NVP Blogspot, 25/9/2018