[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 9: Bản chất của chính phủ quá lớn (Hết chương 9)

[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 9: Bản chất của chính phủ quá lớn (Hết chương 9)

Chính phủ và các trí thức cung đình

Dĩ nhiên là quyền lực của nhà nước luôn luôn dựa không chỉ vào luật pháp và sức mạnh. Thuyết phục người dân thì hiệu quả hơn là dùng vũ lực buộc người dân phải chấp nhận những kẻ cai trị họ. Những kẻ cai trị luôn luôn sử dụng các ông cố đạo, các vị pháp sư và những người trí thức nhằm đạt được sự đồng ý của dân chúng. Trong thời cổ đại, các vị cố đạo thuyết phục dân chúng rằng nhà vua là Thiên tử; đến tận Thế chiến II mà người Nhật còn nói rằng hoàng đế của họ là hậu duệ của Thần Mặt Trời.

Nhà cầm quyền thường ban phát tiền bạc và đặc quyền đặc lợi cho những trí thức góp phần củng cố quyền lực của họ. Đôi khi, những trí thức cung đình này sống ngay trong cung đình, được hưởng đời sống vương giả mà người dân thường không thể nào có được. Có người được đưa vào những chức vụ cao, có vị trí vững chắc trong các trường đại học của nhà nước hoặc được Quỹ nghiên cứu các ngành xã hội và nhân văn tài trợ.

Trong thế giới thời hậu-Khai sáng, các giai cấp cầm quyền đã nhận thức được rằng nguồn gốc thần thánh của chính quyền không còn đủ sức giữ lòng trung thành của dân chúng nữa. Do đó, họ tìm cách liên minh với các trí thức thế tục, đấy là các họa sĩ, nhà biên kịch, nhà sử học, nhà xã hội học, kiến trúc sư, nhà kinh tế học và các nhà kỹ trị. Đôi khi người ta phải mua chuộc trí thức; đôi khi họ lại tích cực tìm cách ca ngợi nhà nước, như các giáo sư tại Đại học Berlin – những người tự tuyên bố là “vệ sĩ về mặt trí tuệ của Triều đình Hohenzollern” (những người cai trị nước Phổ) - đã làm trong thế kỷ XIX.

Ở Mỹ thời hiện đại, chí ít là hai thế hệ gần đây, phần lớn các nhà trí thức đều nói với dân chúng rằng ngày càng phải mở rộng lĩnh vực hoạt động của nhà nước - để đối phó với sự phức tạp của cuộc sống hiện đại, để giúp đỡ người nghèo, để ổn định chu kỳ kinh doanh, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, để bài trừ nạn phân biệt chủng tộc, để bảo vệ môi trường và xây dựng mạng lưới giao thông công cộng và nhiều mục đích khác. Có sự trùng hợp là nhà nước ngày càng lớn nghĩa trí thức càng có nhiều việc làm hơn. Chính phủ tối thiểu, tức là chính phủ mà theo lời của Jefferson: “ngăn chặn người ta làm hại nhau {và} để cho họ tự do lựa chọn cách thức tổ chức và cải thiện đời sống của họ”, thì sẽ chẳng có mấy công việc cho những người lập kế hoạch và những người xây dựng mô hình; nhiều khả năng là xã hội tự do không cần nhiều nhà xã hội học và các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị. Vì vậy, khi tung ra những cuốn sách, những công trình nghiên cứu, những bộ phim và bài viết trên báo chí về nhu cầu mở rộng chính phủ, các nhà trí thức chỉ đơn giản là hành động vì lợi ích giai cấp của họ mà thôi.

Xin đừng để lập trường được cho là “bất kính” và “coi thường giới quyền uy” và thậm chí “chống chính phủ” của khá nhiều trí thức hiện nay - một số người thậm chí còn được nhà nước tài trợ - đánh lừa. Nhìn kỹ, bạn sẽ thấy rằng “giới quyền uy” mà họ phản đối là hệ thống kinh doanh tư bản chủ nghĩa đầy hiệu quả, chứ không phải là bộ máy nhà nước khổng lồ ở Washington. Và trong những lời chỉ trích chính phủ quyết liệt của họ, họ thường trách móc là nhà nước làm quá ít hoặc nhạo báng những quan chức dân cử là chưa làm hết sức mình nhằm đáp ứng đòi hỏi của xã hội về việc thu hẹp hoạt động của chính phủ. Bộ phim tài liệu có tính chất khiêu khích trên các kênh Frontline và P.O.V. thuộc Hệ thống phát thanh và truyền hình do nhà nước (xin lỗi, “xã hội”) quản lý thường xuyên lên án nhà nước Mỹ là không hành động. Giai cấp cầm quyền nào không vui vẻ trợ cấp cho những nhà trí thức bất đồng chính kiến luôn luôn đòi hỏi giai cấp cầm quyền mở rộng phạm vi hoạt động và quyền lực của mình?

Tất nhiên, không phải tất cả các trí thức cung đình đều là những kẻ thối nát. Nhiều người thực sự tin rằng nhà nước ngày càng phình to ra là phù hợp với lợi ích công cộng. Tại sao vậy? Tại sao các trí thức châu Âu và châu Mỹ phản bội lại chủ nghĩa tự do đầy dũng khí và có tầm nhìn xa trông rộng của Milton và Locke, của Smith và Mill để quay sang ôm ấp chủ nghĩa quốc gia (statism) lằng nhằng và phản động, trước hết, dĩ nhiên là của Marx, rồi T. H. Green, John Maynard Keynes, John Rawls, và Catharine MacKinnon? Chúng ta đã xem xét một câu trả lời: Nhà nước đã lôi kéo được họ và biến họ thành đầy tớ của nó, với một ít bổng lộc mà quyền lực ban phát cho. Nhưng đấy không phải là toàn bộ câu trả lời. Nhiều học giả lỗi lạc đã cố gắng tìm hiểu sức hấp dẫn của chủ nghĩa quốc gia và kế hoạch hóa đối với những người trí thức.

Xin được đưa ra một vài lý do. Trước hết, ý tưởng về kế hoạch hóa có sức hấp dẫn cực kỳ lớn đối với những người trí thức vì họ muốn phân tích và sắp xếp mọi thứ theo thứ tự. Họ là những người nhiệt tình xây dựng các hệ thống và các mô hình, những mô hình mà người xây dựng có thể so sánh hiện thực với hệ thống lý tưởng. Và nếu một cá nhân hoặc một doanh nghiệp thu được lợi nhuận bằng cách lập kế hoạch cho hành động của mình, chả lẽ điều đó lại không đúng cho cả xã hội? Các nhà trí thức tin tưởng rằng, lập kế hoạch là ứng dụng trí tuệ của con người và phương pháp duy lý vào các hệ thống xã hội. Còn cái gì có thể hấp dẫn hơn với một người trí thức, khi mà toàn bộ hành trang của anh ta chính là trí tuệ và phương pháp duy lý?

Những người trí thức đã nghĩ ra tất cả các hệ thống lập kế hoạch cho nhà nước, đặc biệt là trong thế kỷ XX, với sự bùng nổ của kiến thức và nhu cầu về trí thức. Chủ nghĩa Marx là kế hoạch vĩ đại bao trùm lên toàn bộ xã hội, nhưng sự bao trùm của nó lại làm cho nhiều người sợ hãi. Họ hàng gần gũi của nó là chủ nghĩa phát xít - hệ thống để các nguồn lực sản xuất trong tay tư nhân, nhưng việc sử dụng những nguồn lực này lại được thực hiện theo kế hoạch tập trung. Trong cuốn sách Chủ nghĩa phát xít: Học thuyết và các thiết chế (Fascism: Doctrine and Institutions), Benito Mussolini, nắm quyền ở Ý từ năm 1922 đến năm 1943, đã trình bày chủ nghĩa phát xít như là phản ứng trực tiếp đối với chủ nghĩa tự do cá nhân:

Nó chống lại chủ nghĩa tự do cổ điển, tức là chủ nghĩa đã xuất hiện như là phản ứng trước chế độ chuyên chế và đã hết vai trò lịch sử khi nhà nước đã trở thành biểu hiện của lương tâm và ý chí của nhân dân. Chủ nghĩa tự do phủ nhận nhà nước nhân danh cá nhân; chủ nghĩa phát xít tái khẳng định quyền lực của nhà nước, coi nhà nước là biểu hiện bản chất thực sự của mỗi cá nhân.

Trong những năm 1930, một số trí thức ở Mỹ đã ngưỡng mộ chủ nghĩa phát xít, họ cảm thấy tuyệt vọng vì không thể áp dụng hệ thống duy lý như thế vào một đất nước mang nặng tinh thần cá nhân chủ nghĩa như nước Mỹ. Tờ Nation, lúc đó là tờ tạp chí theo hướng xã hội chủ nghĩa phát hiện ra rằng “Chính sách kinh tế mới (New Deal) ở Mỹ - hình thức mới của tổ chức kinh tế ở Đức và Ý, và nền kinh tế kế hoạch hóa của Liên Xô” - có tất cả các dấu hiệu của một xu hướng là “các quốc gia và các nhóm người, tư bản cũng như lao động, ngày càng đòi hỏi phải có nhiều biện pháp bảo đảm an toàn hơn là hệ thống cạnh tranh tự do có thể cung cấp”. Sau khi chủ nghĩa phát xít đã mất uy tín vì gắn bó với Hitler và Mussolini, những người trí thức sùng bái nhà nước liền nghĩ ra những cái tên mới để đặt cho kế hoạch tập trung trong hệ thống mà về danh nghĩa vẫn là sở hữu tư nhân: ở Pháp trong những năm 1960 là “kế hoạch hóa danh nghĩa” (indicative planning); trong những năm 1970 nhà kinh tế học Wassily Leontief và lãnh tụ công đoàn Leonard Woodcock đề xuất tên gọi “kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân” (national economic planning), Tom Hayden và Derek Shearer thì đề xuất tên gọi “chế độ dân chủ trong kinh tế” (economic democracy), còn Felix Rohatyn và Robert Reich thì đưa ra chính sách tái công nghiệp hóa, Reich còn ca ngợi chính sách “cạnh tranh”. Khi một phương án nào đó mất tín nhiệm, các nhà trí thức liền chuyển sang một tên mới và một kế hoạch mới, khác nhau chỉ ở mẽ ngoài. Nhưng kế hoạch nào thì nhà nước cũng cần các nhà trí thức, những người sẽ quyết định theo lối duy lý những thứ xã hội cần và hướng hoạt động kinh tế của tất cả mọi người cho phù hợp với nhu cầu của xã hội.

Mặc dù chính phủ lớn ngày càng làm nhiều người vỡ mộng, huyền thoại về kế hoạch hóa vẫn còn lưu hành trong giới trí thức. Đề nghị của tổng thống Clinton về chăm sóc sức khỏe không phải là kế hoạch tập trung cho 1/17 nền kinh tế Mỹ thì là gì? Và đấy không phải là ví dụ duy nhất về sự say mê kế hoạch hóa của Tổng thống Clinton. Trong một nhận xét không được nhiều người để ý - trong chiến dịch tranh cử năm 1992 - Clinton đã đề xuất quan điểm làm người ta phải ngạc nhiên về khả năng và trách nhiệm của chính phủ trong việc kế hoạch hóa nền kinh tế:

Chúng tôi phải nói ngay rằng, chúng ta cần tiến hành kiểm kê năng lực của tất cả… các nhà máy ở Mỹ: tất cả các nhà máy sản xuất máy bay, tất cả các nhà thầu phụ nhỏ, tất cả các cơ sở làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng.

Chúng ta phải biết năng lực sản xuất mà chúng ta có, kỹ năng của lực lượng lao động ra sao và so sánh nó với cái mà chúng ta phải sản xuất trong 20 năm tới và quyết định những biện pháp để đi từ đây đến đó. Từ những cái chúng ta có tới những cái chúng ta cần phải làm. 

Sau bầu cử, một trợ lí của Tổng thống, Ira Magaziner, cụ thể hóa quan điểm tổng quát này như sau: Việc chuyển đổi nền công nghiệp quốc phòng đòi hỏi phải có kế hoạch hai mươi năm, do các ủy ban của chính phủ lập, “một kế hoạch tổ chức chi tiết... chỉ rõ ra, xem đề xuất như thế có thể được thực hiện như thế nào”. Như độc giả đã thấy, kế hoạch năm năm ở Liên Xô đã thất bại, có lẽ kế hoạch hai mươi năm sẽ đủ sức hoàn thành nhiệm vụ.

Nguyên nhân thứ hai làm cho trí thức gắn bó với quyền lực nhà nước là cái mà Thomas Sowell gọi là quan niệm về khả năng vô tận của con người, quan niệm này cho rằng không có giới hạn tự nhiên nào có thể cản trở được người ta xây dựng địa đàng trên trần gian. Cuối thế kỷ XX, sau hai thế kỷ với những tiến bộ vượt bậc về kiến thức, về tuổi thọ và mức sống mà người ta từng thấy trên trái đất, đây là quan điểm có thể hiểu được. Nó được thể hiện trong câu nói thịnh hành thời đó: “Nếu chúng ta có thể đưa con người lên mặt trăng, tại sao chúng ta không thể .. chữa bệnh ung thư, chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc, trả lương cho giáo viên cao hơn các ngôi sao điện ảnh, chấm dứt nạn ô nhiễm?”. Nói cho cùng, tài khéo của con người trong hai trăm năm qua đã đưa chúng ta từ cuộc sống “cay đắng, tàn bạo và chết yểu” đến xã hội đã chinh phục được nhiều bệnh tật của tuổi già, giảm đáng kể các rào cản đối với du lịch, và thu thập được lượng kiến thức khổng lồ. Nhưng những thành tựu này không phải muốn là có; cần phải nỗ lực, cả về thể chất lẫn trí tuệ; ngoài ra, những thành tự này đạt được trong hệ thống xã hội chủ yếu dựa trên nguyên tắc pháp quyền, sở hữu tư nhân và quyền tự do cá nhân.

Phiên bản thô thiển về khả năng vô hạn của con người được thể hiện trên một tờ giấy mà tôi đã nhìn trong vùng ngoại ô  Washington: “Cần thuốc chữa bệnh AIDS”. Vâng, dĩ nhiên là các tập đoàn, xã hội hay chính phủ hay một ai đó đã nhẫn tâm đến mức nào vì cho đến nay họ vẫn không cung cấp cho chúng ta thuốc chữa bệnh AIDS. Xin cùng nhau đòi hỏi điều đó. Nếu chúng ta có thể đưa người trên mặt trăng thì nhất định chúng ta có thể tìm được thuốc chữa bệnh AIDS.

Những người có học hơn bên phe ủng hộ quan niệm về khả năng vô hạn của con người sẽ cười khẩy trước quan niệm ngây thơ như thế; nói cho cùng, họ là những người trí thức cơ mà. Nhưng họ cũng không hiểu được rằng kiến thức của con người là có hạn, không cho chúng ta giải quyết tất cả các vấn đề cùng một lúc, những kế hoạch to lớn mà họ đưa ra đã lờ đi mọi sự thỏa hiệp.

Cuối cùng, đối với nhiều người, quan niệm về xã hội tự do của những người theo trường phái tự do cá nhân dường như là không hợp lý, vì họ cho rằng xã hội không thể tự điều tiết được. Karl Marx, một học giả lỗi lạc nhưng cũng mắc sai lầm nghiêm trọng, đã từng phàn nàn về “tình trạng vô chính phủ của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa”. Dường như đúng là như vậy. Trong xã hội cực kỳ to lớn, hàng triệu người làm những công việc hàng ngày của họ mà chẳng có bất cứ kế hoạch nào. Ngày nào cũng có một số doanh nghiệp bắt đầu hoạt động, còn một số khác thì đóng cửa, ngày nào cũng có một số người được nhận vào làm việc, còn một số người khác thì mất việc. Cùng một lúc có thể có mấy công ty khác nhau đang phát triển các sản phẩm tương tự nhau hoặc thậm chí là giống hệt nhau để cung cấp cho người tiêu dùng: trình duyệt Internet hay nhà hàng gà rán hoặc các loại thuốc chữa đau tim. Chính quyền trung ương chọn mỗi công ty làm một dự án và theo dõi để tất cả các công ty đều đưa các nguồn lực vào những nhiệm vụ thực sự quan trọng chứ không phải để sản xuất ra những con búp bê Barbie hay màu mới cho xe Chevrolet thì chẳng tốt hơn hay sao? Không, không tốt hơn - và đấy là điều khó hiểu đối với các nhà trí thức. Các tiến trình trên thị trường phối hợp các hoạt động kinh tế tốt hơn hẳn bất kỳ kế hoạch nào. Trên thực tế, nói thế vẫn còn nhẹ. Không bản kế hoạch nào có thể cung cấp cho chúng ta mức sống mà chúng ta đang có trong ngày hôm nay. Chỉ có quá trình thị trường, dường như hỗn loạn, mới có thể phối hợp được những mong muốn và khả năng của hàng ngàn, hàng triệu, hàng tỷ con người để tạo mức sống ngày càng cao hơn cho toàn thể xã hội.

Không có khả năng nhìn thấy kết quả của cái mà F. A. Hayek gọi là sự kiêu ngạo chết người – tức là cái ý tưởng cho rằng những người thông minh có thể lập được hệ thống kinh tế tốt hơn là thị trường vô chính phủ, không có kế hoạch. Quan niệm này có sức sống đúng là dẻo dai.

Nhà nước và chiến tranh

Đỉnh cao nhất của quyền lực nhà nước là chiến tranh. Trong chiến tranh, sức mạnh của nhà nước không còn bị che đậy hay giấu giếm nữa, nó hiện ra một cách sống động ngay trước mắt tất cả mọi người. Chiến tranh là địa ngục trần gian, là một cơn ác mộng của sự tàn phá ở quy mô không thể nào tưởng tượng nổi. Dù đôi khi nhóm người này có thể cảm thấy thù ghét nhóm người khác đến mức nào, thì cũng khó mà hiểu được tại sao các quốc gia lại hay gây chiến với nhau đến như thế. Nhưng, tính toán của giai cấp thống trị có thể khác với tính toán của người bình thường. Chiến tranh thường mang lại cho nhà nước nhiều quyền lực hơn vì nó có thể lôi kéo thêm nhiều người vào vòng kiểm soát của mình. Nhưng chiến tranh có thể tăng cường quyền lực của nhà nước ngay cả khi nó không chinh phục được vùng đất mới nào. (Dĩ nhiên, thất bại trong chiến tranh có thể làm cho tầng lớp thống trị bị lật đổ, vì vậy, chiến tranh là một canh bạc, nhưng phần thưởng lớn đến nỗi có thể thu hút được các con bạc.)

Từ lâu rồi, những người theo trường phái tự do cổ điển đã hiểu được mối liên hệ giữa chiến tranh và quyền lực nhà nước. Thomas Paine viết rằng, người quan sát hoạt động của chính phủ Anh sẽ đưa ra kết luận: “không phải tăng thuế để gây chiến chiến tranh, mà chiến tranh được khởi động nhằm tăng thuế”. Nghĩa là, chính phủ Anh và chính phủ các nước châu Âu khác đã tạo cho người ta ấn tượng là họ đang tranh cãi với nhau nhằm “vét nhẵn túi các thần dân bằng các loại thuế”. Một người theo phái tự do hồi đầu thế kỷ XX, Randolph Bourne, viết đơn giản như sau: “Chiến tranh là sức khỏe của Nhà nước” – đây là cách duy nhất nhằm tạo ra bản năng bầy đàn trong những con người tự do và là cách tốt nhất nhằm mở rộng quyền lực của chính phủ.

Lịch sử nước Mỹ cung cấp cho ta nhiều bằng chứng về sự kiện này. Trong giai đoạn chiến tranh, trước hết là Nội chiến, sau đó là Thế chiến I và Thế chiến II, đã có sự gia tăng đột biến về chi tiêu của chính phủ liên bang, thuế khóa và luật lệ. Chiến tranh đe dọa sự sống còn của xã hội, vì vậy, ngay cả người Mỹ, tức là những người về bản chất là người theo phái tự do, cũng sẵn sàng chấp nhận các đòi hỏi của nhà nước trong thời gian đó – còn tòa án thì chấp nhận gia tăng quyền lực của liên bang, dù trái với hiến pháp. Sau đó, khi tình trạng khẩn trương đã đi qua, chính quyền không chịu từ bỏ quyền lực mà họ đã nắm được, các tòa án thì chấp nhận rằng tiền lệ đã được thiết lập, và nhà nước thoải mái tự tung tự tác trong khu vực mới, rộng rãi hơn. Trong những cuộc chiến lớn mà Mỹ tham gia, ngân sách liên bang thường tăng lên gấp 10 hay 20 lần, sau chiến tranh có giảm xuống, nhưng không bao giờ xuống thấp như trước chiến tranh. Ví dụ, Thế chiến I: năm 1918 chi tiêu của liên bang là 713 triệu USD đã tăng lên gần 19 tỷ trong 1919. Và chưa bao giờ xuống thấp hơn 2,9 tỷ USD.

Tất nhiên, vấn đề không chỉ là tiền. Thời chiến đã tạo điều kiện khuếch trương quyền lực nhà nước trong các lĩnh như nghĩa vụ quân sự, thuế thu nhập, thuế thu nhập doanh nghiệp, kiểm soát tiền lương và giá cả, kiểm soát tiền thuê nhà, kiểm duyệt, đàn áp bất đồng chính kiến và Luật cấm rượu,  thực sự bắt đầu vào năm 1917. Thế chiến I là một trong những tai họa lớn nhất của lịch sử: Ở châu Âu, nó đặt dấu chấm hết cho 99 năm tương đối hòa bình và tiến bộ kinh tế chưa từng có và dẫn đến sự ngóc đầu dậy của chủ nghĩa cộng sản ở Nga và chủ nghĩa phát xít ở Đức và thậm chí là vụ hủy diệt còn lớn hơn: Thế chiến II. Ở Mỹ, hậu quả có phần ít kịch tính hơn nhưng vẫn đáng chú ý; trong hai năm tham chiến ngắn ngủi, Tổng thống Woodrow Wilson và Quốc hội đã kịp lập ra Hội đồng Quốc phòng, Cục Quản lý Thực phẩm Mỹ, Cục Quản lý nhiên liệu Mỹ, Hội đồng Công nghiệp Quốc phòng, Tổng công ty Hàng hải Khẩn cấp, Tổng công ty Lương Thực, Tổng công ty Nhà ở Mỹ, và Tổng công ty Tài chính Quốc phòng. Wilson còn quốc hữu các tuyến đường sắt. Đó là một bước tiến vượt bậc về phía nhà nước siêu quyền lực mà bây giờ chúng ta đang bị nó đè đầu cưỡi cổ, không có chiến tranh thì chuyện đó không thể nào xảy ra được.

Những người sùng bái nhà nước bao giờ cũng bị mê hoặc bởi viễn cảnh của chiến tranh và những cơ hội mà nó tạo ra, ngay cả khi họ không dám phát động cuộc chiến. Những kẻ cai trị và các trí thức cung đình hiểu rằng những người tự do có mối quan tâm riêng của mình - gia đình, công việc và giải trí - và không dễ lôi kéo họ tham gia một cách tự nguyện vào những cuộc thập tự chinh và kế hoạch của nhà cầm quyền. Các trí thức cung đình thường xuyên kêu gọi “tăng cường nỗ lực của quốc gia” nhằm thực hiện nhiệm vụ này hay nhiệm vụ khác, nhưng đa số dân chúng thường lờ đi và tiếp tục làm việc vì gia đình của mình và tìm cách làm ra những sản phẩm có chất lượng tốt hơn. Nhưng trong thời chiến – đấy là lúc có thể tổ chức xã hội và buộc tất cả mọi người phải nhảy theo cùng một điệu nhạc. Ngay từ năm 1910, William James đã đưa ra ý tưởng về “Thay thế về mặt đạo đức cho chiến tranh”, trong một bài tiểu luận với đề xuất nói rằng các thanh niên Mỹ phải ra nhập “đội quân chống tự nhiên”, để có thể “rũ bỏ tính trẻ con ra khỏi con người họ và quay lại với xã hội với những tình cảm lành mạnh hơn và những tư tưởng tỉnh táo hơn”.

Chiến tranh và thay thế về mặt đạo đức cho chiến tranh vẫn còn là niềm đam mê của những người theo chủ nghĩa tập thể. Năm 1977, Tổng thống Carter đã làm sống lại câu nói của James nhằm mô tả chính sách năng lượng của mình, nhấn mạnh sự quản lý của chính phủ và hạ thấp mức sống. Trong thời bình, đấy là thứ thay thế cho những hy sinh và chế độ chuyên chế của chiến tranh. Năm 1988, Hội đồng Lãnh đạo Dân chủ đề xuất một Chương trình Phục vụ Quốc gia, gần như là bắt buộc, đòi hỏi “sự hy sinh” và “tiết dục”, làm sống lại “truyền thống trách nhiệm công dân của nước Mỹ”. Không có văn bản nào bàn về đề tài này của Hội đồng Lãnh đạo Dân chủ nói tới truyền thống nhân quyền của nước Mỹ. Đề xuất này được mô tả như là biện pháp nhằm “mở rộng cơ sở chính trị cho việc hỗ trợ những sáng kiến mới của nhà nước, nếu không, trong giai đoạn ngân sách hạn chế như hiện nay, những sáng kiến như thế sẽ trở thành bất khả thi”. Nói cách khác, đấy sẽ là biện pháp để chính phủ chia chác lợi ích từ lực lượng lao động giá rẻ. Chương cuối cùng của tài liệu này, dĩ nhiên là có tựa đề “Thay thế về mặt đạo đức cho chiến tranh”.

Sau này, năm 1993, Chủ tịch Hội đồng Lãnh đạo Dân chủ, Bill Clinton, trở thành tổng thống và ông liền đề xuất kế hoạch phục vụ quốc gia của mình, và xin thề là nó hao hao như “Thay thế về mặt đạo đức cho chiến tranh”. Clinton muốn “khơi lại niềm phấn khởi vì được là người Mỹ” và “liên kết tất cả đàn ông và đàn bà, ở mọi lứa tuổi và mọi sắc tộc và nâng cao tinh thần của dân tộc” để “chiến đấu với những vấn đề của thời đại chúng ta”. Cuối cùng, có lẽ, tất cả các thanh niên đều sẽ được động viên. Còn hiện giờ, Tổng thống cho rằng “chỉ cần một đội quân gồm 100.000 thanh niên… phục vụ ở đây, ở trong nước… phục vụ đất nước chúng ta”.

Năm 1982, người ta đề nghị nhà lãnh đạo Đảng Lao động Anh - Michael Foot, một nhà trí thức cánh tả lỗi lạc - đưa ra ví dụ về chủ nghĩa xã hội trên thực tế mà “ông cho là có thể trở thành mô hình của nước Anh” và ông trả lời: “Ví dụ tốt nhất mà tôi từng thấy về chủ nghĩa xã hội dân chủ là chế độ đã từng hiện diện ở đất nước này trong Thế chiến II. Lúc đó, chúng ta quản lý nước Anh rất hiệu quả, mọi người đều có việc làm… Lao động bắt buộc chỉ là thành tố rất nhỏ. Đó là xã hội dân chủ với một mục đích chung”.

Một người theo trường phái xã hội chủ nghĩa ở Mỹ, Michael Harrington, viết: “Thế chiến I chỉ ra rằng, mặc cho những lời tuyên bố của các nhà tư tưởng ủng hộ tự do kinh doanh, chính phủ đã có thể tổ chức nền kinh tế một cách hiệu quả”. Ông ca ngợi Thế chiến II vì “đã biện minh cho công tác động viên sức người, sức của thực sự to lớn, nếu không thế thì những nguồn lực này đã bị lãng phí” và phàn nàn rằng Hội đồng Công nghiệp Quốc phòng, “một thành công của Mỹ đã bị người ta quên ngay lập tức”. Ông còn viết như sau: “Trong Thế chiến II, ở nước ta, công bằng xã hội đã gia tăng nhanh chóng hơn bất cứ giai đoạn nào [khác] trong lịch sử nước Mỹ. Kiểm soát tiền lương và kiểm soát giá cả được sử dụng nhằm xóa bỏ chênh lệch giữa các giai cấp xã hội… Ngoài ra, còn có một động lực tinh thần mạnh mẽ để động viên công nhân: đấy là lòng yêu nước”.

Những người theo phái tập thể như Foot và Harrington không thích những vụ giết chóc đi kèm với chiến tranh, nhưng họ thích ảnh hưởng của nó đối với công tác đối nội: tập quyền hóa, gia tăng quyền lực của chính phủ, và, không phải vô tình, gia tăng vai trò của các trí thức cung đình và các nhà lập kế hoạch có bằng tiến sĩ. Những mối nguy hiểm của chiến tranh hiện đại đã khuyến khích nhà nước và những đồng minh trí tuệ của nhà nước tìm kiếm thêm những trường hợp khẩn cấp do họ bịa ra và “những thay thế về mặt đạo đức cho chiến tranh” nhằm tập hợp công dân và thuyết phục họ cống hiến thêm quyền tự do và tài sản của mình cho các kế hoạch của nhà nước. Từ đó mới có cuộc Chiến chống đói nghèo và cuộc Chiến chống ma túy và nhiều cuộc khủng hoảng và trường hợp khẩn cấp trên bình quốc gia hơn là những nhà lập kế hoạch có thể lập ra trên một siêu máy tính. Tính ưu việt của “những thay thế về mặt đạo đức cho chiến tranh” là chiến tranh thực sự cuối cùng nhất định phải chấm dứt, trong khi cuộc Chiến chống đói nghèo và cuộc Chiến chống ma túy thì có thể diễn ra suốt nhiều thế hệ. Và thế là nhà nước và những trí thức cung đình đoàn kết, gắn bó với nhau nhất khi có chiến tranh hay khi tìm được “những thay thế về mặt đạo đức cho chiến tranh”.

Vì vậy, chiến tranh rõ ràng là lý thuyết về lựa chọn công: xấu đối với nhân dân, nhưng tốt đối với giai cấp cai trị. Không có gì ngạc nhiên là tất cả mọi người muốn chiến tranh chấm dứt, nhưng không ai có thể ngăn chặn được nó.

(Hết chương 9)

Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường

Tác phẩm liên quan