[Bàn về chế độ dân chủ] Chương 1: Chúng ta có thực sự cần một bản hướng dẫn hay không?

[Bàn về chế độ dân chủ] Chương 1: Chúng ta có thực sự cần một bản hướng dẫn hay không?

Trong suốt nửa sau của thế kỉ 20 thế giới đã từng chứng kiến một sự thay đổi chính trị phi thường và chưa từng có. Tất cả những hình thức cai trị chủ chốt nhằm thay thế cho chế độ dân chủ đều hoặc là biến mất, hoặc biến thành những chế độ quái dị, hay là rút khỏi vũ đài để thu mình vào những cứ điểm cố thủ cuối cùng. Vào khoảng đầu thế kỉ này, những kẻ thù tiền hiện đại của chế độ dân chủ – như các chế độ quân chủ trung ương tập quyền, quý tộc thế tập, quả đầu chế 1, dựa vào quyền bỏ phiếu hạn hẹp và chỉ dành riêng cho một số nhóm người nhất định – đã đánh mất tính chính danh trước con mắt của đa phần nhân loại. Những chế độ phản dân chủ chủ yếu trong thế kỉ XX – cộng sản, phát xít, quốc xã – biến mất trong những đống gạch vụn của chiến tranh, thảm hoạ, hoặc như Liên Xô, sụp đổ từ bên trong. Các chế độ độc tài quân sự, do những thất bại mà chúng gây ra, đã mất hết uy tín; nhất là ở châu Mĩ Latinh; còn ở những nơi mà chúng có thể xoay xở và sống sót được thì chúng cũng thường phải khoác bộ mặt dân chủ giả hiệu.

Có nghĩa là chế độ dân chủ cuối cùng đã thắng trong cuộc cạnh tranh nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của người dân khắp thế giới? Không hẳn là như thế. Niềm tin và những phong trào phản dân chủ vẫn tiếp tục tồn tại, chúng lại thường kết hợp với chủ nghĩa quốc gia cuồng tín hoặc phong trào chính thống của các tôn giáo khác nhau. Các chính phủ dân chủ (với những mức độ “dân chủ” khác nhau) hiện có mặt ở gần một nửa số nước trên thế giới, với gần một nửa dân số thế giới. Một phần năm dân số thế giới sống ở Trung Quốc; suốt bốn ngàn năm lịch sử lẫy lừng của mình, nước này chưa từng biết chính phủ dân chủ là gì. Ở nước Nga, mãi cho đến thập niên cuối cùng của thế kỉ XX nước này mới tiến hành công cuộc chuyển hóa sang chế độ dân chủ, dân chủ còn mong manh và chưa được nhiều người ủng hộ. Một số nhà quan sát còn khẳng định rằng ngay trong những nước mà nền dân chủ đã được thiết lập từ lâu và có vẻ ổn định thì chế độ dân chủ cũng đang bị khủng hoảng; hoặc ít nhất là cũng bị căng thẳng một cách trầm trọng, đấy là do sự giảm sút niềm tin của người dân, người ta không còn tin rằng những nhà lãnh đạo dân cử, các chính đảng và các viên chức chính phủ đủ sức giải quyết hoặc giải quyết thành công những vấn đề như là nạn thất nghiệp kéo dài, tình trạng nghèo đói, tội phạm hình sự, các chương trình phúc lợi, tình trạng nhập cư, thuế khoá và tham nhũng.

Giả sử chúng ta chia gần hai trăm nước trên thế giới ra thành (1) những nước với chính phủ phi dân chủ, (2) những nước với chính phủ dân chủ mới được thiết lập, và (3) những nước với những chính phủ dân chủ đã được thiết lập từ lâu và tương đối vững chắc. Phải thừa nhận là, mỗi nhóm đều bao gồm một loạt nước rất khác nhau. Nhưng chia thành ba nhóm đơn giản như thế sẽ giúp chúng ta thấy rằng từ quan điểm dân chủ, mỗi nhóm đều phải đương đầu với những thách thức khác nhau. Những nước phi dân chủ đối mặt với thách thức là liệu họ có thể tiến hành công cuộc chuyển hóa sang chế độ dân chủ và chuyển hóa như thế nào. Những nước mới dân chủ hoá đối mặt với thách thức là liệu có thể, như các nhà chính trị học thường nói, củng cố được các thủ tục và định chế dân chủ và củng cố bằng cách nào, để chúng có thể đứng vững được trước thách thức của thời gian, trước các xung đột chính trị và khủng hoảng. Những nền dân chủ lâu đời hơn đối mặt với thách thức là hoàn thiện và làm cho chế độ dân chủ ngày càng sâu sắc thêm.

Tuy nhiên, tại điểm này, độc giả vẫn có thể hỏi: Đối với chúng ta, dân chủ có nghĩa là gì? Cái gì làm cho chính phủ dân chủ khác với chính phủ phi dân chủ? Nếu một nước phi dân chủ thực hiện công cuộc chuyển hóa tới dân chủ, thì là chuyển hóa tới cái gì? Khi nào thì chúng ta có thể nói rằng họ đã và đang tiến hành công cuộc chuyển hóa hay không làm như thế? Còn về củng cố dân chủ, chính xác là củng cố cái gì? Và, làm cho chế độ dân chủ trong những nước ngày càng sâu sắc thêm có nghĩa là gì? Nếu một nước đã có dân chủ thì làm thế nào để nó ngày càng dân chủ hơn? ..v.v..

Chế độ dân chủ đã được người ta bàn thảo - khi sôi nổi, lúc ngập ngừng – trong suốt hai ngàn năm trăm năm qua; thời gian đủ dài, đủ sức cung cấp cho chúng ta một tập hợp kha khá những ý tưởng về dân chủ mà mọi người hay hầu như tất cả mọi người đều có thể đống ý. Hay dở chưa biết, nhưng đây không phải là trường hợp như thế.

Qua hai ngàn năm trăm năm thảo luận, tranh cãi, ủng hộ, tấn công, lờ đi, thiết lập, thực hành, phá hủy, và rồi đôi khi tái lập lại nền dân chủ, nhưng dường như người ta vẫn chưa thỏa thận được về một số câu hỏi quan trọng nhất về chế độ dân chủ.

Mỉa mai thay, chính sự kiện là chế độ dân chủ có một lịch sử lâu dài như vậy  thực ra lại góp phần gây ra lầm lẫn và bất đồng, vì “dân chủ” có ý nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau ở những thời điểm và địa điểm khác nhau. Nói cho ngay, một thời gian dài trong lịch sử loài người, nền dân chủ đã không còn trên thực tế, nó chỉ còn là một ý tưởng hoặc kí ức của một số người cao quí mà thôi. Cho tới hai thế kỉ trước đây – tạm gọi là mười thế hệ – lịch sử không có nhiều thí dụ thực tế về các chế độ dân chủ. Dân chủ là một chủ đề để cho các triết gia lập thuyết hơn là một hệ thống chính trị có thực để người ta áp dụng và thực hành. Và ngay cả trong những trường hợp hiếm hoi, khi mà chế độ “dân chủ” và nhà nước “cộng hoà” quả thật có tồn tại, thì hầu hết những người trưởng thành cũng không có quyền tham gia vào đời sống chính trị.

Mặc dù, trong nghĩa tổng quát nhất của từ này, dân chủ đã có từ thời cổ đại, nhưng hình thức dân chủ mà tôi sẽ tập trung thảo luận trong tác phẩm này lại là sản phẩm của thế kỉ XX. Ngày nay chúng ta cho rằng chế độ dân chủ là chế độ phải bảo đảm cho hầu như tất cả các công dân trưởng thành quyền bầu cử. Nhưng, cách đây chỉ bốn thế hệ – khoảng năm 1918 hoặc khi Thế chiến I kết thúc – trong tất cả các nền dân chủ hoặc nhà nước cộng hoà độc lập đã từng tồn tại cho tới lúc đó, hơn một nửa người trưởng thành không được hưởng tất cả các quyền công dân. Đấy đương nhiên là phụ nữ rồi.

Ở đây, có một ý nghĩ đáng quan tâm: nếu chúng ta chấp nhận quyền phổ thông đầu phiếu cho người trưởng thành như một đòi hỏi của chế độ dân chủ; thì hẳn là trên thực tế, tại tất cả các nước dân chủ đều có những người lớn tuổi hơn hệ thống chính phủ dân chủ của họ. Dân chủ, theo nghĩa hiện đại mà chúng ta hiểu, có thể không phải là mới, nhưng cũng chẳng phải là quá xưa cũ vậy.

Độc giả có thể phản ứng ngay lập tức: Từ cuộc Cách mạng Mĩ [1776] trở đi, Hoa Kì chẳng phải là nước dân chủ – “chế độ dân chủ trong một nước cộng hoà” như Abraham Lincoln đã gọi - hay sao? Chẳng phải là Alexis de Tocqueville, một tác gia lừng danh người Pháp, sau khi thăm Hoa Kì vào thập niên 1830, đã đặt tên cho tác phẩm nổi tiếng của mình là Nền dân trị Mĩ [De la démocratie en Amérique] đấy ư? Và chẳng phải là trong thế kỉ thứ V trước công nguyên, người dân Athens đã gọi hệ thống của họ là chế độ dân chủ hay sao? Nếu từ “dân chủ” có nhiều nghĩa khác nhau tại những thời điểm khác nhau, thì làm sao hôm nay chúng ta có thể tìm được đồng thuận về ý nghĩa của nó?

Một khi đã bắt đầu, nhất định bạn sẽ tiếp tục: Vì sao người ta lại thích chế độ dân chủ? Và chế độ “dân chủ” trong những nước mà hôm nay chúng ta gọi là dân chủ: Hoa Kì, Anh, Pháp, Na Uy, Austalia và nhiều nước khác nữa, dân chủ đến mức nào? Tiếp theo, có thể lí giải vì sao những nước này là “dân chủ”, còn nhiều nước khác thì không? Các câu hỏi có thể cứ thế tiếp tục mãi.

Câu trả lời cho nhan đề của chương này, như vậy là đã khá rõ ràng. Nếu độc giả muốn tìm câu trả lời cho những câu hỏi căn bản nhất về chế độ dân chủ thì một bản hướng dẫn có thể là hữu ích.

Dĩ nhiên, trong cuộc du hành ngắn ngủi này độc giả sẽ không thể tìm được đáp án cho tất cả những vấn đề mà bạn có thể muốn hỏi. Để có thể quản lí được cuộc hành trình và bảo đảm là nó tương đối ngắn, chúng ta sẽ phải bỏ qua vô số đoạn đường mà độc giả có thể cảm thấy cần phải khám phá. Có thể là như thế, và tôi hi vọng rằng khi kết thúc cuộc du ngoạn này, các bạn sẽ tự mình khám phá lấy. Để giúp các bạn làm điều đó, ở cuối sách tôi sẽ cung cấp một danh sách ngắn những tác phẩm liên quan đến đề tài này.

Chuyến du hành của chúng ta bắt đầu ở phần khởi đầu: nguồn gốc của chế độ dân chủ.


Chú thích:

(1) Dịch từ oligarchy - quả đầu chế – quả là ít – chế độ do một số ít thường là vài ba người nắm quyền hành tối thượng - ND

Nguồn: Robert Alan Dahl (1998), On Democrary. Yale University Press.

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường