[Bàn về chế độ dân chủ] Chương 10: Đa dạng II: Hiến pháp

[Bàn về chế độ dân chủ] Chương 10: Đa dạng II: Hiến pháp

HIẾN PHÁP

Chế độ dân chủ có qui mô khác nhau, hiến pháp dân chủ cũng có phong cách và hình thức khác nhau. Nhưng bạn cũng có thể hỏi sự khác biệt trong các bản hiến pháp của các nước dân chủ có phải là vấn đề quan trọng hay không? Câu trả lời có thể là không, có và có thể có.

Để giải thích lí do, tôi xin bắt đầu bằng cách lưu ý đến hiến pháp của những nền dân chủ lâu đời, tức là những nước, nơi mà các định chế dân chủ cơ bản đã tồn tại liên tục từ khoảng năm 1950 – có 22 nước tất cả (Australia, Áo, Bỉ, Canada, Costa Rica, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Iceland, Ireland, Israel, Italy, Nhật, Luxembourg, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh, Mĩ)1.

Sự khác nhau giữa những bản hiến pháp này đủ lớn đến mức có thể tạo ra ý tưởng về một loạt khả năng khác nhau. Nhưng sự giàn xếp về mặt hiến pháp của những đất nước mới dân chủ hóa cũng không kém phần quan trọng. Thực ra, những giàn xếp đó có thể còn quan trọng hơn vì đấy có thể là những yếu tố quyết định đối với quá trình dân chủ hóa.

Trong khi miêu tả các bản hiến pháp và những giàn xếp về mặt hiến pháp, tôi muốn sử dụng những thuật ngữ này một cách đại khái để có thể bao quát được cả những hoạt động thực tiễn có thể không được ghi trong hiến pháp, thí dụ như hệ thống bầu cử và hệ thống đảng phái. Lí do của sẽ được làm rõ trong chương sau.

Các bản hiến pháp khác nhau như thế nào và sự khác nhau đó có tầm quan trọng đến mức nào?

SỰ KHÁC NHAU GIỮA CÁC BẢN HIẾN PHÁP

Hiến pháp thành văn hay bất thành văn? Hiến pháp bất thành văn dường như là khái niệm mâu thuẫn ngay trong thuật ngữ, nhưng trong một vài nước các định chế và thực tiễn vững chắc được coi là hệ thống hiến định, mặc dù đấy không phải là văn bản duy nhất được thông qua như là hiến pháp của đất nước. Trong những chế độ dân chủ tương đối lâu đời (và tất nhiên là cả trong những nền dân chủ mới nữa) hiến pháp bất thành văn là kết quả của những hoàn cảnh lịch sử cực kì khác thường, đấy là ba trường hợp ngoại lệ: Anh, Israel và New Zealand. Nhưng hiện nay việc thông qua hiến pháp thành văn đã trở thành hoạt động bình thường.

Tuyên ngôn nhân quyền? Hiến pháp có bao gồm một bản tuyên ngôn nhân quyền rõ ràng hay không? Mặc dù các nền dân chủ tương đối lâu đời thường không có bản tuyên ngôn nhân quyền rõ ràng, nhưng bây giò, đây là hoạt động bình thường. Vì những nguyên nhân lịch sử và vì không có một bản hiến pháp thành văn, Anh là trường hợp ngoại lệ đáng chú ý (nhưng hiện đã có nhiều người ủng hộ cho ý tưởng này).

Các quyền kinh tế và xã hội? Mặc dù hiến pháp Mĩ cũng như những bản hiến pháp có từ thế kỉ XIX trong những nước có nền dân chủ tương đối lâu đời ít nói một cách thẳng thừng về các quyền kinh tế và xã hội 3, những bản hiến pháp được thông qua sau Thế chiến II thường có những quyền này. Nhưng đôi khi các quyền kinh tế và xã hội được kê ra (có khi rất dài) như là biểu tượng mà thôi.

Liên bang hay tập quyền? Trong hệ thống liên bang chính quyền của một số đơn vị lãnh thổ nhỏ hơn – bang, tỉnh, khu vực - là cố định và được dành cho một mức độ quyền lực rộng lớn, trong hệ thống tập quyền sự tồn tại và quyền lực của chính quyền địa phương phụ thuộc vào quyết định của chính quyền quốc gia. Trong 22 nước dân chủ lâu đời chỉ có 6 nước (Australia, Áo, Canada, Đức, Thụy Sĩ và Mĩ) là có thể chế liên bang thực sự. Thể chế liên bang trong cả 6 nước này là kết quả của những hoàn cảnh lịch sử đặc thù4.

Quốc hội nhất viện hay lưỡng viện? Mặc dù chế độ lưỡng việc giữ thế thượng phong, nhưng Israel chưa bao giờ có viện thứ hai và từ năm 1950 bốn nước vùng Scadinavia, Phần Lan và New Zealand cũng đã hủy bỏ thượng viện.

Quyền bác bỏ dự luật đã được thông qua? Tòa án tối cao có quyền tuyên bố rằng luật pháp do cơ quan lập pháp quốc gia ban hành theo đúng thủ tục là vi hiến hay không? Thụ tục này, được gọi là quyền bác bỏ dự luật đã được thông qua, là đặc điểm được chấp nhận rộng rãi trong các nước dân chủ theo thể chế liên bang, đấy là những nước mà người ta cho thủ tục này là cần thiết nếu muốn cho hiến pháp quốc gia giữ thế thượng phong so với những điều luật do các bang, các tỉnh hay các tổng ban hành. Nhưng vấn đề còn đáng bàn hơn là liệu tòa án có thể tuyên bố rằng điều luật do cơ quan lập pháp quốc gia ban hành là vi hiến hay không. Trên thực tế, Thụy Sĩ chỉ cho quyền bác bỏ dự luật đối với những điều luật do các tổng ban hành mà thôi. Nhưng, như chúng ta đã thấy, đa số các nước dân chủ không theo hệ thống liên bang và chỉ có một nửa trong số các nước theo thể chế tập quyền có một hình thức nào đó của quyền bác bỏ dự luật. Hơn nữa, ngay cả những nước có quyền bác bỏ dự luật, quyền lực này cũng thay đổi, từ cực đoan như Mĩ – nơi toà án tối cao đôi khi có quyền lực khác thường – đến những nước, nơi bộ máy tư pháp phải tôn trọng các quyết định của quốc hội. Canada là một trường hợp đáng quan tâm. Với hệ thống liên bang, tòa án tối cao Canada có quyền tuyên bố cả luật pháp các tỉnh lẫn luật pháp liên bang là vi hiến. Nhưng cơ quan lập pháp tỉnh và quốc hội liên bang có thể không cần đếm xỉa đến quyết định của tòa bằng cách bỏ phiều thông qua lần thứ hai dự luật còn đang tranh cãi.

Bổ nhiệm thẩm phán suốt đời hay có kì hạn? Ở Mĩ, thẩm phán tòa án liên bang (cũng có nghĩa là quốc gia), theo hiến pháp, được bổ nhiệm suốt đời. Lợi thế của việc bổ nhiệm suốt đời là bảo đảm cho các thẩm phán sự độc lập cao hơn trước các áp lực chính trị. Nhưng nếu các vị này còn có quyền hủy án thì sự phán xét của họ có thể phản ánh ảnh hưởng của những hệ tư tưởng cũ kĩ, không còn được đa số quần chúng và những người làm luật ủng hộ nữa. Hậu quả là, họ có thể dùng quyền hủy án nhằm ngăn cản cải cách, như họ đôi khi đã làm ở Mĩ, nổi bật nhất là trong giai đoạn cải cách lớn từ năm 1933 đến 1937, dưới trào tổng thống Franklin D. Roosevelt. Sau khi rút tỉa kinh nghiệm của Mĩ, một số nước dân chủ với quyền hủy án được ghi rõ trong hiến pháp thành văn sau Thế chiến II như Đức, Italy và Nhật đã bác bỏ phương án bổ nhiệm suốt đời, thay vào đó, họ chọn phương án bổ nhiệm có thời hạn, mặc dù là thời hạn khá dài.

Trưng cầu dân ý? Trung cầu dân ý có khả thi, còn trong trường hợp sửa lại hiến pháp thì có phải là bắt buộc hay không? Thụy Sĩ là trường hợp ngoại lệ: ở đây có thể thực hiện các cuộc trưng cầu dân ý về những vấn đề có tính quốc gia, còn thay đổi hiến pháp thì bắt buộc, mà lại được tiến hành thường xuyên nữa. Cực kia là Mĩ, hiến pháp nước này không có điều khoản trưng cầu dân ý (và chưa có cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc nào), mặc dù các bang tường xuyên tiến hành trưng cầu dân ý. Khác với Mĩ, trong hơn một nửa các nước có nền dân chủ lâu đời trưng cầu dân ý được tiến hành ít nhất là một lần.

Chế độ tổng thống hay đại nghị? Trong hệ thống tổng thống, người đứng đầu ngành hành pháp được bầu một cách độc lập với cơ quan lập pháp và được hiến pháp trao cho quyền lực to lớn. Trong hệ thống đại nghị hay nội các, người đứng đầu ngành hành pháp do quốc hội bầu và có thể bị quốc hội bãi nhiệm. Thí dụ điển hình về thể chế tổng thống là Mĩ, còn thí dụ điển hình về thể chế đại nghị là nước Anh.

Thể chế tổng thống đã được các đại biểu tham dự Hội nghị Lập hiến của Mĩ phát minh ra vào năm 1787. Đa số các đại biểu đều ngưỡng mộ hiến pháp (bất thành văn) của Anh vì sự “phân chia quyền lực” thành tư pháp độc lập với cả lập pháp lẫn hành pháp, lập pháp (quốc hội) độc lập với hành pháp và hành pháp (nhà vua) độc lập với lập pháp. Mặc dù các đại biểu tìm cách sao chép những ưu điểm của hiến pháp Anh, nhưng nhà vua rõ ràng là nằm ngoài chương trình nghị sự rồi, cho nên vấn đề hành pháp đã làm họ bối rối. Không có mô hình lịch sử thích đáng nào, họ phải đánh vật với vấn đề này suốt gần hai tháng trời trước khi tìm được giải pháp của mình.

Mặc dù hội nghị là cuộc họp của những người tài năng trong lĩnh vực lập hiến, khoảng thời gian đó đã cung cấp cho các đại biểu khả năng nhìn ra trông rộng lớn hơn là những tài liệu lịch sử có thể thể hiện hay những lầm lẫn của con người có thể cho phép xảy ra. Cũng như nhiều phát minh khác, những người sáng tạo ra thể chế tổng thống Mĩ (đúng hơn phải gọi là hệ thống tổng thống-quốc hội) không thể tiên đoán được phát minh của họ sẽ tiến hóa như thế nào trong hai thế kỉ sau đó. Họ cũng không thể tiên đoán được rằng thể chế nghị viện cũng sắp hình thành như là một phương án thay thế và là giải pháp được áp dụng rộng rãi hơn.

Mặc dù hiện nay không người Mĩ nào nghĩ tới thể chế đại nghị, nhưng nếu Hội nghị Lập hiến được triệu tập sau đó chừng 30 năm thì hoàn toàn có khả năng là các đại biểu đã đề xuất hệ thống nghị viện rồi. Vì họ không hiểu (về vấn đề này, những người quan sát ở Anh cũng thế) rằng chính hệ thống hiến định ở Anh cũng đang thay đổi rất nhanh. Nói ngắn, lúc đó nó đang tiến hóa thành hệ thống đại nghị với quyền hành pháp nằm trong tay thủ tướng và nội các chứ không còn nằm trong tay nhà vua nữa. Mặc dù về mặt hình thức thì do nhà vua bổ nhiệm, nhưng trên thực tế thủ tướng lại do đa số trong quốc hội bầu chọn (Viện thứ dân) và chỉ có thể tại vị khi được đa số trong quốc hội ủng hộ. Thủ tướng được bầu sẽ chọn những thành viên khác trong nội các. Hệ thống này được áp dụng vào khỏang năm 1810.

Kết quả là, trong phần lớn các nước dân chủ lâu đời, còn ổn định cho đến ngày nay, tức là những nước mà các định chế dân chủ đã phát triển và đứng vững trong thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX, chính thể đại nghị chứ không phải tổng thống đã trở thành dàn xếp được chấp nhận về mặt hiến định.

Hệ thống bầu cử? Số ghế trong cơ quan lập pháp quốc gia được phân chia theo tỉ lệ như thế nào nhằm đáp ứng được sự lựa chọn của cử tri trong các cuộc bầu cử? Thí dụ, đảng có số ứng viên nhận được 30% phiếu bầu có được khoảng 30% số ghế hay không? Hay họ chỉ được 15% hoặc gần như thế mà thôi? Mặc dù “hiến pháp” không cần ghi chi tiết hệ thống bầu cử, nhưng như tôi đã đề nghị trước đây, sẽ là có ích nếu coi nó là một phần của hệ thống hiến định vì hệ thống bầu cử tương tác với những phần khác của hiến pháp. Chúng ta sẽ xem xét vấn đề này một cách kĩ lưỡng hơn trong chương sau.

Mặc dù danh sách các phương án lựa chọn có thể kéo dài thêm nữa, nhưng như thế cũng để để chứng tỏ rằng hiến pháp của các nước dân chủ lâu đời khác nhau rất xa. Hơn nữa, những điều tôi vừa trình bày chỉ là khác biệt ở tầm mức chung nhất, đi sâu vào mức độ cụ thể chúng ta sẽ phát hiện được những khác biệt còn quan trọng hơn.

Như vậy là chúng ta có thể rút ra kết luận rằng hiến pháp của các nước dân chủ khác nhau ở những phương diện quan trọng. Nhưng những khác biệt đó có làm cho một số bản hiến pháp trở thành tốt hơn hay dân chủ hơn hay không? Có một kiểu hiến pháp dân chủ tốt nhất hay không?

Những câu hỏi này lại làm xuất hiện câu hỏi khác: Làm sao chúng ta đánh giá được mức độ đáng mong ước tương đối giữa những bản hiến pháp khác nhau? Rõ ràng là chúng ta cần có một số tiêu chí.

NHỮNG BẢN HIẾN PHÁP TẠO RA KHÁC BIỆT NHƯ THẾ NÀO

Hiến pháp có thể có ảnh hưởng quan trọng đối với chế độ dân chủ trong một nước bằng nhiều cách khác nhau.

Sự ổn định. Hiến pháp có thể giúp tạo ra sự ổn định cho những định chế chính trị cơ bản được trình bày trong chương 8. Nó không chỉ xác nhận khuôn khổ dân chủ của chính quyền mà còn khẳng định tất cả những quyền cần thiết và bảo đảm tất cả những điều mà các định chế chính trị cơ bản đòi hỏi.

Những quyền cơ bản. Hiến pháp có thể bảo vệ các quyền của đa số cũng như thiểu số. Dù là tiêu chí này đã bao hàm trong tiêu chí đầu tiên nhưng vì có những sự khác biệt trong hiến pháp của các chế độ dân chủ cần phải đặc biệt chú ý đến những quyền căn bản và trách nhiệm bảo đảm những quyền này cho cả đa số cũng như thiểu số.

Tính trung lập. Hiến pháp có thể giữ tính trung lập giữa các công dân. Sau khi đã bảo đảm những quyền và trách nhiệm căn bản, hiến pháp còn có thể bảo đảm rằng quá trình làm luật được thiết kế sao cho không thiên vị cũng như không đối xử bất công với những quan điểm hay quyền lợi hợp pháp của bất kì công dân hay nhóm công dân nào.

Trách nhiệm giải trình. Hiến pháp có thể được thiết kế sao cho công dân có thể buộc các nhà lãnh đạo chính trị phải có trách nhiệm giải trình về quyết định, hành động và tư cách của họ trong một khoảng thời gian “hợp lí” nào đó.

Đại diện một cách công bằng. Thế nào là “đại diện công bằng” trong chế độ dân chủ là vấn đề tranh cãi không bao giờ dứt, một phần là vì nó liên quan tới hai tiêu chí dưới đây.

Đồng thuận có hiều biết. Hiến pháp có thể giúp các công dân và những người lãnh đạo gia tăng sự đồng thuận có hiểu biết về pháp luật và chính sách. Nó có thể làm điều đó bằng cách tạo ra những cơ hội và khuyến khích các nhà lãnh đạo chính trị tham gia vào những cuộc đàm phán, điều chỉnh và thành lập liên minh để có thể hóa giải những quyền lợi khác nhau. Ta sẽ bàn thêm vấn đề này trong chương sau.

Chính phủ hiệu quả. Tôi dùng từ hiệu quả để nói rằng chính phủ hành động nhằm xử lí những việc mà công dân coi là những vấn đề nghiêm trọng và vì thế mà họ tin rằng hành động của chính phủ là phù hợp. Chính phủ hiệu quả có tầm quan trọng đặc biệt trong những giai đoạn khẩn cấp như chiến tranh, đe dọa chiến tranh, căng thẳng quốc tế gay gắt, khó khăn kinh tế nghiêm trọng và những cuộc khủng hoảng tương tự như thế. Nhưng chính phủ hiệu quả còn liên quan tới những giai đoạn bình thường hơn, đấy là khi những vấn đề lớn đứng đầu chương trình nghị sự của các công dân và lãnh đạo. Chắc chắn là trong ngắn hạn chính phủ phi dân chủ đôi khi có thể đáp ứng tiêu chí này tốt hơn là chính phủ dân chủ, nhưng việc nó có thể làm được như thế trong dài hạn là điều đáng ngờ hơn. Dù sao mặc lòng, chúng ta chỉ quan tâm tới hoạt động của chính phủ trong những giới hạn của chế độ dân chủ mà thôi. Trong những giới hạn đó, ước muốn có một hệ thống hiến pháp với những thủ tục đủ sức ngăn chặn tình trạng đình trệ, chậm trễ kéo dài, thậm chí là thoái thác khi trực diện với những vấn đề nghiêm trọng và khuyến khích những hành động nhằm giải quyết chúng là ước muốn hợp lẽ vậy.

Quyết định thích hợp. Chính phủ hiệu quả có thể là điều đáng mong ước, nhưng chúng ta khó có thể hâm mộ một bản hiến pháp tạo điều kiện cho những giải pháp có tính dứt khoát và quyết liệt nhưng lại gây khó khăn cho chính phủ trong việc dựa vào kiến thức tốt nhất hiện có nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách trong chương trình nghị sự của đất nước. Hành động dứt khoát không thể thay thế cho chính sách khôn ngoan.

Minh bạch và có thể hiểu được. Tôi sử dụng hai tiêu chí này để nói rằng hoạt động của chính phủ phải cởi mở đến mức xã hội có thể theo dõi và những điểm mấu chốt của nó phải đơn giản đến mức công dân có thể hiểu chính phủ đang làm gì và làm như thế nào. Như vậy là hành động không được quá phức tạp đến mức công dân không thể hiểu đang diễn ra chuyện gì và vì vậy mà không hiểu được chính phủ, không thể buộc các nhà lãnh đạo phải có trách nhiệm giải trình, đặc biệt là trong các cuộc bầu cử.

Sự mềm dẻo. Không được thiết kế hệ thống hiến pháp một cách quá cứng nhắc hoặc cố định đến mức không thể thay đổi được trong cả lời văn lẫn truyền thống đến mức không thể thích ứng được với hoàn cảnh mới.

Tính chính danh. Đáp ứng được 10 tiêu chí nói trên là đã đi được một đoạn đường dài trong việc tạo ra một bản hiến pháp khá chính danh và giành được lòng trung thành của các công dân cũng như giới tinh hoa chính trị nhằm bảo đảm cho sự tồn tại của nó. Trong một số nước một số điều trong hiến pháp có thể tương thích với những tiêu chuẩn truyền thống của tính chính danh hơn là một số hiến pháp khác. Thí dụ, việc để nhà vua làm người đứng đầu quốc gia, nhưng cải biến chế độ quân chủ, cho nó thích ứng với những đòi hỏi của nền dân chủ tản quyền tạo cho hiến pháp dân chủ trong những nước vùng Scandinavia, Hà Lan, Bỉ, Nhật Bản, Tây Ban Nha và Anh có thêm tính chính danh, có thể bị nhiều người cộng hòa coi là kì quặc. Ngược lại, trong phần lớn các nước dân chủ, cố gắng nhằm đưa nhà vua thành người đứng đầu nhà nước sẽ xung đột với niềm tin về chế độ công hòa đã lan truyền rộng rãi trong công chúng. Đề nghị của Alexander Haminton tại Hội nghị Lập hiến vào năm 1787 về người đứng đầu nhà nước suốt đời – “chế độ quân chủ được bầu” – đã bị bác bỏ mà hầu như không cần thảo luận. Một đại biểu khác, ông Elbrigde Gerry, nhận xét: “Không được 1/1000 đồng bào của chúng ta không chống lại đề nghị về chế độ quân chủ5”.

NHỮNG KHÁC BIỆT NÀY TẠO RA BAO NHIÊU KHÁC BIỆT NỮA?

Những sự khác biệt trong hiến pháp như vậy có thật sự quan trọng hay không?

Để trả lời câu hỏi này chúng ta cần dẫn ra thêm hai nhóm bằng chứng so với 22 nước dân chủ lâu đời. Một là tập hợp những kinh nghiệm được rút ra từ những nền dân chủ “trẻ hơn”, tức là từ những nước với những định chế dân chủ cơ bản mới được thiết lập và củng cố trong nửa sau thế kỉ XX. Thứ hai là lịch sử đầy bi kịch nhưng có khả năng soi rọi của những nước, trong đó các định chế dân chủ đã từng được thiết lập trong thế kỉ XX nhưng đã bị đập tan và chịu thua chế độ độc tài, ít nhất là trong một thời gian.

Mặc dù ba nguồn bằng chứng rộng lớn này chắc chắn là chưa được thu thập và phân tích đầy đủ, nhưng tôi tin rằng chúng sẽ giúp ta rút ra một số kết luận quan trọng.

Để bắt đầu xin nhận xét rằng mỗi một phương án lựa chọn mang tính hiến định được liệt kê bên trên ít nhất là cũng hiện diện trong một chế độ dân chủ ổn định. Kết quả là, có đầy đủ lí do, thực ra là về mặt logic cần phải kết luận rằng nhiều sự giàn xếp mang tính hiến định khác nhau là tương thích với các định chế chính trị cơ bản của chế độ dân chủ tản quyền được trình bày trong chương 8. Như vậy là, các định chế chính trị của chế độ dân chủ tản quyền có thể có nhiều hình thức đặc thù khác nhau.

Tại sao lại như vậy? Chắc chắn là những điều kiện nền tảng rất thuận lợi cho sự ổn định của các định chế dân chủ cơ bản (được thảo luận trong chương 12) ở tất cả các nước dân chủ lâu đời và ổn định đã thắng thế. Với những điều kiện thuận lợi như thế, những sự đa dạng về mặt hiến định như tôi vừa trình bày không có ảnh hưởng quá lớn đối với sự ổn định của các định chế dân chủ cơ bản. Chỉ sử dụng tiêu chí này để phán xét, ta thấy rằng những khác biệt mà tôi vừa trình bày dường như là không quan trọng. Như vậy là các nước dân chủ có thể lựa chọn những bản hiến pháp khác nhau, giới hạn lựa chọn là khá rộng rãi.

Ngược lại, ở những nơi mà điều kiện nền tảng rất không thuận lợi, dù thiết kế về mặt hiến định có như thế nào chăng nữa thì cũng khó có khả năng là chế độ dân chủ sẽ đứng vững.

Ta có thể phóng đại một chút mà đưa ra hai kết luận như sau:

Nếu điều kiện căn bản cực kì thuận lợi thì sẽ có ổn định dù đất nước có thông qua bất kì bản hiến pháp nào. Nếu điều kiện căn bản rất không thuận lợi thì không một bản hiến pháp nào có thể cứu được nền dân chủ.

Nhưng còn khả năng thứ ba, đáng quan tâm hơn nữa: đất nước, nơi mà điều kiện không quá thuận lợi cũng không quá bất lợi mà có tính “da báo”, chế độ dân chủ là khá bấp bênh nhưng không phải là bất khả thi, việc lựa chọn bản phác thảo hiến pháp có thể có vai trò quan trọng. Nói ngắn: nếu điều kiện căn bản của đất nước mang tính “da báo”, một số mặt thuận lợi nhưng cũng có những mặt bất lợi thì một bản hiến pháp tốt có thể giúp những định chế dân chủ sống sót, trong khi đó một bản hiến pháp tồi có thể đóng góp vào việc làm sụp đổ các định chế dân chủ.

Cuối cùng, cực kì quan trọng là ổn định không phải là tiêu chí liên quan duy nhất. Nếu chúng ta đánh giá các điều khoản của bản hiến pháp theo những tiêu chí pháp lí thì những tiêu chí này có thể có hậu quả to lớn ngay cả đối với những đất nước có những điều kiện thuận lợi cho sự ổn định dân chủ. Và quả thật như thế. Chúng định hình cho những định chế chính trị cụ thể của đất nước dân chủ: hành pháp, lập pháp, tòa án, hệ thống đảng phái, chính quyền địa phương..v.v.. Đến lượt nó, hình thù của những định chế đó lại có hậu quả to lớn đối với tính công bằng của cơ chế đại diện trong cơ quan lập pháp, hay tính hiệu quả của chính phủ và kết quả là thậm chí nó còn ành hưởng đến tính chính danh của chính phủ. Trong những nước, nơi mà điều kiện căn bản có tính “da báo” và triển vọng của sự ổn định dân chủ là tương đối bấp bênh thì những sự khác biệt này có thể là cực kì quan trọng.

Thực vậy, đây là có thể là trường hợp đáng quan tâm, chúng ta sẽ khảo sát lí do trong chương sau.

Chú thích: 

(1) Xem Arendt Lijphart, Democracies: Patern of Majoritarian and Consensus Government in Twenty-One Countries (New Haven and London: Yale University Press, 1984), table 3.1, 38. Tôi đưa thêm Costa Rica vào bảng này.

(2) Sau một loạt đạo luật do quốc hội, lúc đó hoạt động như cơ quan lập hiến, ban hành, Israel đã chuyển những dàn xếp mang tính hiến định thành hiến pháp thành văn.

(3) Một số quyền kinh tế và xã hội được gián tiếp đưa thêm vào hiến pháp Mĩ, thí dụ như Tu chính thứ Mười ba bãi bỏ chế độ nô lệ hay hay qua cách giải thích của quốc hội và tòa án Tu chính thứ Năm và Tu chính thứ Mười bốn.

(4) Lijphart, Democracies, tables 10.1 and 10.2, 174, 178. Do mức độ phi tập trung hóa, Bỉ cũng có thể được đưa vào danh sách này. Cũng như nhiều dàn xếp mang tính hiến định khác, phạm trù “liên bang” và “trung ương tập quyền” cũng có nhiều biến thái.

(5) Theo ghi chú của Madison, trong bài diễn văn dài ngày 18 tháng 6 năm 1787 Hamilton nói: “Nói về cơ quan hành pháp, có thể thừa nhận rằng không thể lập được cơ quan tốt trên cơ sở những nguyên tắ của chế độ cộng hòa… Mô hình của Anh là mô hình tốt độc nhất cho đối tượng này… Hãy để cho một nhánh hành pháp tồn tại suốt đời hay ít nhất cũng trong suốt giai đoạn nó còn có hành vi tốt. Hãy để cho hành pháp cũng tồn tại suốt đời”. Xem Max Farrand, ed., The Records of the Federal Convention of 1787, vol. 1 (New Haven:Yale University Press, 1966), 289. Bình luận của Gerry ngày 26 tháng 6 trên trang 425.

Nguồn: Bàn về chế độ dân chủ: Robert Alan Dahl, 2000. 

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường