[Bàn về chế độ dân chủ] Chương 7: Tại sao lại cần bình đẳng chính trị (2)? Tư cách công dân 

[Bàn về chế độ dân chủ] Chương 7: Tại sao lại cần bình đẳng chính trị (2)? Tư cách công dân 

Có người có thể lấy làm khó chịu khi biết rằng mặc dù đã chấp nhận tính bình đẳng nội tại và xem xét một cách bình đẳng quyền lợi như là những đánh giá mang tính đạo đức có đầy đủ cơ sở, chúng ta không nhất thiết phải ủng hộ chế độ dân chủ như là tiến trình cai trị quốc gia tốt đẹp nhất.

PHẢN ĐỐI CHẾ ĐỘ GIÁM HỘ

Muốn biết tại sao lại như thế, xin hãy tưởng tượng rằng thành viên của một nhóm nhỏ công dân đồng bào của bạn nói với bạn và những người khác như sau: “Giống như các bạn, chúng tôi cũng tin tưởng mạnh mẽ vào tính bình đẳng nội tại. Nhưng chúng tôi không chỉ hết lòng vì lợi ích chung mà chúng tôi còn biết rõ hơn hầu hết mọi người cách làm để đạt được điều ấy. Kết quả là so với tuyệt đại đa số người dân, chúng tôi là những người cai trị phù hợp hơn cả. Cho nên chỉ cần các bạn trao cho chúng tôi quyền lực tuyệt đối đối với chính phủ thì chúng tôi sẽ dành hết trí tuệ và sức lực của chúng tôi để phục vụ lợi ích chung của mọi người, và trong khi làm như thế chúng tôi sẽ xem xét một cách bình đẳng lợi ích và quyền lợi của tất cả mọi người’.

Tuyên bố cho rằng cần trao chính quyền cho các chuyên gia sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm cai trị vì lợi ích chung và có ưu thế hơn người khác về mặt hiểu biết những phương tiện đưa đến mục đích đó – Plato gọi đấy là những người Giám hộ – luôn luôn đã và vẫn là đối thủ chính của các tư tưởng dân chủ. Những người ủng hộ chế độ Giám hộ tấn công chế độ dân chủ ở một điểm dường như dễ bị tổn thương: họ chỉ đơn giản phủ nhận khả năng tự cai trị của người dân bình thường. Họ không cần phủ nhận tính bình đẳng nội tại của con người theo nghĩa mà chúng ta đã khảo sát. Trong nước Cộng hoà lí tưởng của Plato, những người Giám hộ có thể cam kết phục vụ lợi ích của tất cả mọi người và, ít nhất họ cũng ngụ ý rằng mọi người dưới sự giám hộ của họ thực chất là đều bình đẳng về lợi ích hoặc quyền lợi. Những người ủng hộ chế độ Giám hộ, theo nghĩa mà Plato hiểu, không tuyên bố rằng quyền lợi của những người được chọn làm giám hộ thực chất là ưu việt hơn quyền lợi của những người khác. Họ cho rằng những Giám hộ là chuyên gia cai trị, đấy là những người nhận thức rõ hơn những người khác về lợi ích chung và phương tiện tốt nhất để đạt được lợi ích như thế.

Lí lẽ ủng hộ chế độ giám hộ về mặt chính trị sử dụng phép loại suy khá thuyết phục, đặc biệt là loại suy về tri thức chuyên môn và năng lực: thí dụ như kiến thức cao hơn hẳn của thày thuốc về vấn đề bệnh tật và sức khoẻ, hoặc năng lực vượt trội của ngươi hoa tiêu trong việc đưa chúng ta tới đích an toàn. Vậy thì tại sao lại không để cho những người có năng lực vượt trội hơn về cai trị đưa ra những quyết định quan trọng nhất về sức khỏe của quốc gia? Để họ lèo lái chính quyền tới điểm đến thích hợp của nó, tức là lợi ích chung? Chắc chắn là chúng ta không nghĩ rằng mọi người bao giờ cũng đều là những người hiều biết rõ nhất quyền lợi của chính họ. Trẻ em rõ ràng là không rồi; những người khác, thường là mẹ cha, phải làm giám hộ cho chúng cho đến khi chúng đủ năng lực để tự chăm sóc cho bản thân. Kinh nghiệm thông thường còn cho thấy là người lớn cũng có thể lầm lẫn về quyền lợi của mình, lầm lẫn về phương tiện tốt nhất để đạt đến mục tiêu của mình: đa số chúng ta đều có lúc cảm thấy hối tiếc về một số quyết định trong quá khứ. Chúng ta thừa nhận là mình đã lầm. Hơn thế nữa, hầu như tất cả chúng ta đều tham vấn các chuyên gia khi cần đưa ra những quyết định quan trọng nhất, tức là những quyết định có ảnh hưởng mạnh mẽ và trực tiếp đối với sự thịnh vượng, hạnh phúc, sức khoẻ, tương lai, thậm chí cả sự sống còn của chúng ta, đấy không chỉ là y bác sĩ và hoa tiêu mà còn là vô vàn người khác trong cái xã hội ngày càng phức tạp hơn của chúng ta. Nếu chúng ta để các chuyên gia đưa ra quyết định về những vấn đề quan trọng như vậy, thế thì tại sao chúng ta lại không giao chính phủ cho các chuyên gia?

Dù đôi khi dường như có vẻ hấp dẫn, nhưng lí lẽ ủng hộ chế độ Giám hộ chứ không phải lí lẽ ủng hộ chế độ dân chủ chưa xem xét hết một số khiếm khuyết quan trọng nhất của phép loại suy đó.

Uỷ thác một số quyết định không quan trọng cho các chuyên gia không đồng nghĩa với việc từ bỏ quyền kiểm soát tối hậu những quyết định quan trọng. Như một câu ngạn ngữ cổ đã nói, các chuyên gia phải luôn sẵn sàng, nhưng không được đặt họ lên trên đầu. Trong một số lĩnh vực quan trọng, các chuyên gia có thể có kiến thức sâu hơn bạn. Một thày thuốc giỏi có thể biết cách chẩn đoán căn bệnh của bạn hơn bạn, bệnh có khả năng tiến triển như thế nào, mức độ trầm trọng ra sao, cách điều trị tốt nhất, và trên thực tế có điều trị được không, đấy là những điều ông ta biết rõ hơn bạn. Bạn có thể có lí khi làm theo lời khuyên của thày thuốc. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên nhường lại cho thày thuốc của mình quyền quyết định việc bạn có nên theo theo cách điều trị mà người đó đề nghị hay không. Tương tự như thế, các quan chức chính quyền tìm sự giúp đỡ của các chuyên gia là một việc; nhưng giới tinh hoa chính trị có quyền quyết định các luật lệ và chính sách mà bạn sẽ bị buộc phải theo là việc hoàn toàn khác.

Những quyết định mang tính cá nhân của mỗi người không nằm trên cùng bình diện với những quyết định do chính phủ quốc gia đưa ra và buộc phải thi hành. Vấn đề căn bản trong cuộc tranh luận giữa những người ủng hộ chế độ giám hộ và những người ủng hộ chế độ dân chủ không phải là liệu mỗi người chúng ta đôi khi có phải tin tưởng vào các chuyên gia hay là không. Vấn đề ở đây là ai hoặc nhóm nào phải có tiếng nói chung cuộc trong những quyết định do chính phủ đưa ra. Bạn có thể có lí khi muốn giao một số quyết định cá nhân của mình cho một ai đó có kiến thức chuyên môn về những vấn đề này hơn là bạn, thí dụ như thày thuốc, kế toán viên, luật sư, hoa tiêu hay phi công của bạn, hoặc những người khác nữa. Nhưng điều này không tự động kéo theo là bạn sẽ có lí khi giao cho giới tinh hoa chính trị quyền kiểm soát những quyết định chủ chốt của chính phủ, những quyết định mà trong trường hợp cần thiết sẽ bị cưỡng bức thi hành bằng vũ lực, nhà tù, thậm chí là án tử hình nữa.

Cai trị quốc gia đòi hỏi nhiều hơn là kiến thức khoa học thuần túy. Cai trị không phải là khoa học theo nghĩa vật lí học hoặc hoá học hoặc, theo một số khía cạnh nào đó, ngay cả y khoa. Đấy là sự thật, có mấy lí do. Thứ nhất, hầu như tất cả các quyết định quan trọng về đường lối dù là của cá nhân hay của chính quyền đều đòi hỏi những đánh giá về mặt đạo đức. Quyết định về những mục đích mà các chính sách của chính quyền phải nhắm tới (công lí, công bằng, không thiên vị, hạnh phúc, sức khoẻ, sống còn, an ninh, thịnh vượng, bình đẳng..v.v..) là đưa ra đánh giá mang tính đạo đức. Đánh giá mang tính đạo đức không phải là đánh giá mang tính “khoa học” theo nghĩa thông thường của từ này[1].

Hơn nữa, những mục đích tốt đẹp lại thường xung đột với nhau mà nguồn lực thì có hạn. Do đó, những quyết định về đường lối hành động, dù là của cá nhân hay của chính quyền hầu như bao giờ cũng đòi hỏi những đánh giá về thoả hiệp, cân nhắc giữa các mục đích khác nhau. Thí dụ, bình đẳng về kinh tế có thể gây tác hại đối với khuyến khích trong hoạt động kinh tế; chi phí cho người lớn tuổi có thể trở thành gánh nặng cho thanh niên; chi tiêu cho các thế hệ hiện nay có thể là gánh nặng cho các thế hệ tương lai; bảo tồn khu vực hoang dã có thể phải trả giá bằng công ăn việc làm của những người thợ mỏ và công nhân lâm nghiệp. Những đánh giá về thoả hiệp giữa các mục đích khác nhau không phải là đánh giá “khoa học”. Bắng chứng mang tính kinh nghiệm chủ nghĩa là quan trọng và cần thiết, nhưng không bao giờ đủ. Trong khi quyết định chúng ta nên hi sinh bao nhiêu phần của mục đích này, lợi ích này, hoặc một mục tiêu này để đạt được một phần nào đó mục đích khác, lợi ích khác, mục tiêu khác, chúng ta nhất thiết phải vượt lên trên những kết luận mà tri thức khoa học thuần tuý có thể cung cấp.

Có một lí do nữa giải thích vì sao những quyết định về đường lối đòi hỏi những đánh giá không mang tính thuần tuý “khoa học”. Ngay cả khi những mục tiêu của chính sách có thể đã được mọi người đồng ý về đại thề thì hầu như bao giờ cũng vẫn có sự bất định và xung đột đáng kể về phương tiện: làm thế nào để đạt được mục đích ấy một cách tốt đẹp nhất, những phương tiện có thể lựa chọn đáng mong muốn đến mức nào, có khả thi không, có được mọi người chấp nhận không và có những hậu quả như thế nào, đều là những vấn đề mà ta phải đối mặt. Đâu là phương tiện tốt nhất trong việc chăm sóc người nghèo, người thất nghiệp, người vô gia cư? Quyền lợi của trẻ em có thể được bảo vệ và thúc đẩy như thế nào? Cần bao nhiêu ngân sách cho quốc phòng và nhằm mục đích gì? Tôi tin rằng không thể chứng minh được rằng nhóm đang tồn tại hay có thể tạo ra lại có đủ kiến thức “khoa học” hoặc “chuyên môn” đủ sức đưa ra những câu trả lời khẳng định cho những câu hỏi tương tự như những câu hỏi vừa nêu. Chúng ta nên giao việc sửa chiếc xe ô tô của chúng ta cho một nhà vật lí lí thuyết – hay cho một thợ sửa chữa xe lành nghề?

Cai trị quốc gia hữu hiệu đòi hỏi không chỉ tri thức. Nó cũng đòi hỏi tính thanh liêm, sức đề kháng chống lại mọi cám dỗ của quyền lực, sự tận tâm liên tục và không thể lay chuyển đối với lợi ích của xã hội chứ không phải là đối với lợi ích của bản thân hoặc của phe nhóm của mình.

Các chuyên gia có thể được công nhận đủ trình độ làm những người phục vụ bạn, điều đó không có nghĩa là họ được công nhận họ đủ tư vách làm những người cai trị của bạn. Những người ủng hộ chế độ giám hộ không chỉ đưa ra một mà là hai tuyên bố. Họ nói rằng có thể tạo ra được giới cầm quyền ưu tú, thành viên của giới này dứt khoát có kiến thức vượt trội so với những người khác về những mục đích mà một chính phủ tốt nên tìm kiếm và kiến thức về những biện pháp tốt nhất nhằm đạt được những mục đích đó; họ là những người cục kì tận tuỵ trong việc theo đuổi lợi ích chung đến mức có thể giao cho họ quyền uy tối thượng trong việc cai trị quốc gia mà vẫn an toàn.

Như chúng ta vừa thấy, lời tuyên bố thứ nhất là rất đáng ngờ. Nhưng ngay cả khi có thể chứng tỏ rằng đấy là lời tuyên bố hợp lí thì tự nó cũng không chứng minh được lời bố thứ hai. Tri thức là một chuyện, quyền lực là chuyện khác. Nam tước Lord Acton, người Anh, đã tóm tắt một cách súc tích ảnh hưởng của quyền lực đối với những người nắm quyền bằng một câu nổi tiếng như sau: “Quyền lực dẫn tới băng hoại, quyền lực tuyệt đối dẫn tới băng hoại một cách tuyệt đối.” Một thế kỉ trước đó, William Pitt, một chính khách người Anh, một người có kinh nghiệm rất lớn về sinh hoạt chính trị, cũng đã có một nhận xét tương tự: “Quyền lực không giới hạn”, ông nói trong bài diễn văn đọc trước quốc hội, “có xu hướng làm băng hoại đầu óc những người nắm giữ nó”.

Đây cũng là quan điểm chung của các thành viên của Hội nghị Lập hiến Hoa Kỳ  vào năm 1787, họ cũng là những người có kinh nghiệm về vấn đề này. “Thưa ngài, hai niềm đam mê có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với công việc của người ta”, Benjamin Franklin, vi đại biểu nhiều tuổi nhất nói. “Đấy là tham vọng và thói hám lợi; là ham mê quyền lực và ham mê tiền bạc.” Một trong những đại biểu trẻ tuổi nhất, Alexander Hamilton, phụ hoạ thêm: “Người ta ai cũng ham mê quyền lực cả”. Ông George Mason, một trong những đại biểu dày dạn kinh nghiệm và có ảnh hưởng nhất nói thêm: “Từ bản chất của con người, chúng ta có thể tin chắc rằng những người nắm quyền lực trong tay… sẽ luôn luôn, khi họ có thể,… gia tăng nó”[2].

 Dù cho những thành viên của tầng lớp tinh hoa nắm quyền được giao phó quyền cai trị nhà nước khôn ngoan và xứng đáng đến đâu khi họ bắt đầu cầm quyền thì chỉ trong một vài năm hoặc một vài thế hệ là họ sẽ có khả năng lạm dụng nó. Nếu lịch sử loài người có thể cung cấp được bất kì những bài học nào thì chắc chắn có một bài học là thông qua tham nhũng, gia đình trị, thúc đẩy những quyền lợi của cá nhân và phe nhóm và sự lạm dụng sự độc quyền của họ đối với lực lượng chuyên chính của nhà nước nhằm bóp nghẹt những lời chỉ trích bình, bòn rút của cải của thần dân, và bảo đảm sự thuần phục của họ bằng áp bức, những kẻ Giám hộ nhà nước có khả năng biến thành những nhà độc tài.

Cuối cùng, vẽ ra chế độ không tưởng là một chuyện, biến nó thành hiện thực là chuyện hoàn toàn khác. Người ủng hộ chế độ Giám hộ phải đối diện với một loạt những vấn đề thực tiễn khó có thể vượt qua: Chế độ Giám hộ được hình thành như thế nào? Ai sẽ chấp bút hiến pháp, nói thí dụ thế, và ai sẽ thi hành nó? Những người Giám hộ đầu tiên được chọn như thế nào? Nếu chế độ Giám hộ phụ thuộc như thế nào đó vào sự chấp thuận của những người bị trị chứ không phải sự cưỡng bức trắng trợn thì làm sao có được sự chấp thuận như thế? Dù lúc đầu có tuyển những Giám hộ theo cách nào đó thì sau này họ sẽ chọn những người kế vị tương tự như những thành viên của một câu lạc bộ ư? Nếu thế, có phải là hệ thống sẽ có nhiều nguy cơ là sẽ thoái hoá từ một giới quý tộc có tài năng thành một chế độ quả đầu cha truyền con nối ư? Còn nếu những Giám hộ đang cầm quyền không chọn những người kế vị, thì ai sẽ làm việc ấy? Những Giám hộ lạm quyền và bóc lột sẽ bị bãi chức bằng cách nào? ..v.v..

KHẢ NĂNG CAI TRỊ CỦA CÁC CÔNG DÂN

Nếu những người ủng hộ chế độ Giám hộ không thể đưa ra được những giải pháp thuyết phục cho những vấn đề mà tôi vừa mô tả, thái độ khôn ngoan và lí trí đòi hỏi, đấy là theo phán đoán của tôi, rằng chúng ta phải bác bỏ chế độ của họ. Khi bác bỏ chế độ Giám hộ, trên thực tế chúng ta rút ra kết luận: Không có những người trưởng nào có đủ phẩm chất cai trị hơn hẳn những người khác đến mức cần phải giao cho họ thẩm quyền tối hậu và trọn vẹn đối với chính phủ quốc gia.

Nhưng nếu không nên để các Giám hộ cai trị chúng ta thì chúng ta phải do ai cai trị? Do chính chúng ta.

Đối với hầu hết các vấn đề, chúng ta thường tin rằng nếu không có lí lẽ có tính thuyết phục cao nhằm phản bác lại thì mọi người trưởng thành phải được phép đánh giá đâu là điều phù hợp nhất cho lợi ích và quyền lợi của ông ta hay bà ta. Nhưng chúng ta chỉ áp dụng điều giả định này nhằm bênh vực cho quyền tự chủ cá nhân của những người trưởng thành, chứ không phải cho trẻ em. Từ kinh nghiệm thực tế, chúng ta cho rằng cha mẹ phải hành động như những người giám hộ nhằm bảo vệ quyền lợi của con cái. Nếu cha mẹ không làm được thì người khác, có thể là chính quyền, cần phải can thiệp.

Đôi khi chúng ta cũng không chấp nhận áp dụng giả định này đối với những người đã trưởng thành nhưng bị cho là không đủ khả năng tự chăm sóc lấy mình. Tương tự như trẻ con, họ cũng có thể cần người giám hộ. Tuy nhiên, khác với trẻ con, là những người mà giả định này bị pháp luật và tục lệ bác bỏ, đối với những người trưởng thành việc bác bỏ giả định này phải được cân nhắc một cách thận trọng. Khả năng lạm dụng là rất rõ ràng. Do đó, chúng ta đòi hỏi phải có kết quả điều tra độc lập, đói hỏi quá trình xem xét về mặt pháp lí nào đó.

Nếu chúng ta cho rằng, trừ một vài ngoại lệ, người trưởng thành phải được quyền tự mình quyết định quyền lợi tối thượng của họ là gì thì tại sao chúng ta lại bác bỏ quan điểm này trong việc trị nước? Câu hỏi quan trọng nhất ở đây không còn là liệu những người trưởng thành nói chung có đủ năng lực để đưa ra những quyết định mang tính cá nhân mà họ phải đối diện mỗi ngày hay là không. Câu hỏi bây giờ là liệu hầu hết những người trưởng thành có đủ năng lực để tham gia vào việc trị nước hay không. Họ có đủ năng lực không?

Để có câu trả lời, chúng ta xem xét lại một số kết luận mà chúng ta rút ra trong vài chương trước:

Chế độ dân chủ tạo cho các công dân nhiều thuận lợi. Nhà nước có những biện pháp mạnh mẽ nhằm bảo vệ các công dân trước những người cai trị độc tài, công dân có những quyền chính trị căn bản; ngoài ra, họ còn được hưởng những quyền tự do rộng lớn hơn; là những người công dân, họ có những phương tiện để bảo vệ và thúc đẩy những quyền lợi cá nhân quan trọng nhất của mình; họ cũng có thể tham gia vào việc quyết định những đạo luật mà họ sẽ phải thi hành; họ có sự tự chủ đạo đức khá lớn; và họ có những cơ hội đáng chú ý cho sự phát triển bản thân.

Nếu chúng ta kết luận rằng so với chính quyền phi dân chủ, chế độ dân chủ có những điều kiện thuận lợi như thế thì sẽ nảy sinh một vài câu hỏi căn bản: Tại sao chỉ có một số người này chứ không phải những người khác được hưởng những lợi ích của chế độ dân chủ? Tại sao tất cả mọi người trưởng thành lại không được hưởng?

Nếu chính phủ phải xem xét một cách công bằng lợi ích của mỗi người thì chẳng lẽ tất cả những người trưởng thành lại không được quyền tham gia vào việc quyết định xem những đạo luật và chính sách nào là tốt nhất nhằm đưa tới những mục đích mà họ tìm kiếm, dù đấy là những mục đích hạn hẹp liên quan đến lợi ích của chính họ hay bao gồm lợi ích của tất cả mọi người?

Nếu không có người nào chắc chắc là đủ tư cách hơn những người khác đến mức nên giao cho họ uy quyền tuyệt đối và toàn vẹn đối với chính phủ quốc gia thì ai là người xứng đáng tham gia hơn là tất cả mọi người trưởng thành, tức là tất cả những người bị những bộ luật đó điều tiết?

Từ những kết luận mà câu hỏi này ngụ ý, sẽ xuất hiện một kết luận khác, xin được viết như sau: Ngoại trừ những trường trường hợp hiếm hoi với biểu hiện hoàn toàn ngược lại, đấy là những trường hợp đã được pháp luật bảo vệ; tất cả những người trưởng thành, bị luật pháp của nhà nước điều tiết, đều phải được coi là những người có đầy đủ tư cách để tham gia vào quá trình cai trị một cách dân chủ nhà nước đó.

TIÊU CHUẨN DÂN CHỦ THỨ NĂM: BAO GỒM TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI ĐÃ TRƯỞNG THÀNH

Kết luận mà lí lẽ của chương này bây giờ nhắm đến là nếu bạn không có tiếng nói bình đẳng trong việc trị quốc thì nhiều khả năng là quyền lợi của bạn sẽ được quan tâm ít hơn là quyền lợi của những người thực sự có một tiếng nói. Nếu bạn không có tiếng nói thì ai sẽ nói hộ bạn? Nếu bạn không thể bảo vệ được quyền lợi của mình thì ai sẽ bảo vệ? Và đấy không chỉ là quyền lợi cá nhân của bạn. Nếu vô tình mà bạn là thành viên của một nhóm không được tham gia thì quyền lợi căn bản của nhóm đó được bảo vệ như thế nào?

Câu trả lời là rõ ràng. Quyền lợi của những người trưởng thành mà bị tước mất cơ hội tham gia vào việc trị nước sẽ không được những người cai trị bảo vệ và thúc đẩy một cách thích đáng. Bằng chứng lịch sử thì quá nhiều. Như chúng ta đã thấy trong phần khái quát về quá trình tiến hoá của chế độ dân chủ, các nhà quý tộc và thị dân ở Anh - do bất mãn với những biện pháp độc đoán của các ông vua trong việc áp đặt sưu thuế mà không có sự chấp thuận của họ - đã đòi và giành được quyền tham gia vào việc trị nước. Mấy thế kỉ sau, đến lượt những giai cấp trung lưu – những người này tin rằng quyền lợi căn bản của họ bị lờ đi - lại đứng lên đòi và giành được quyền đó. Ở đây, cũng như ở những nơi khác, về mặt pháp lí hoặc trên thực tế, phụ nữ, người nô lệ, người nghèo và người lao động chân tay nằm trong số những người tiếp tục bị loại ra ngoài; những nhóm người này thường không được bảo vệ một cách thích đáng trong việc chống lại sự bóc lột và lạm dụng, thậm chí ngay cả trong những nước như Anh quốc hay Hoa Kỳ, tức là những nước mà chính quyền tỏ ra là khá dân chủ về nhiều mặt.

Năm 1861 John Stuart Mill cho rằng vì những giai cấp cần lao động không có quyền phổ thông đầu phiếu cho nên không có ai trong chính quyền lên tiếng bảo vệ quyền lợi của họ. Ông nói rằng mặc dù ông không tin là những người tham gia chính quyền cố tình hi sinh quyền lợi của các giai cấp cần lao để làm lợi cho mình, nhưng ông vẫn hỏi: “Bây giờ có nghị viện nào hay hầu như mỗi thành viên nào của nó để mắt tới bất kì vấn đề gì bằng cặp mắt của người lao động? Mỗi khi có vấn đề nào nổi lên, mà trong đó giới lao động có mối quan tâm, thì chẳng phải là nó sẽ được xem xét dưới quan điểm bất kì nào đó, chỉ trừ quan điểm của những người làm thuê đó hay sao?”[3] Có thể hỏi cùng câu hỏi như thế về người nô lệ trong những nước cộng hoà cổ đại và hiện đại, về phụ nữ cho mãi đến thế kỉ XX, về những người trên danh nghĩa là người tự do nhưng trong thực tế lại không được hưởng các quyền dân chủ, như người da đen ở miền Nam của Hoa Kỳ trước thập niên 1960 và ở Nam Phi trước thập niên 1990, và ở những nơi khác nữa.

Vâng, cá nhân và các nhóm người đôi khi có thể lầm lẫn về lợi ích của chính họ. Chắc chắn là đôi khi họ có thể hiểu sai về lợi ích tốt đẹp nhất của chính mình. Nhưng quá nhiều kinh nghiệm mà nhân loại đã trải qua nói với chúng ta rằng không nhóm người trưởng thành nào có thể trao toàn bộ quyền cai trị mình cho nhóm người khác. Điều này dẫn chúng ta tới một kết luận có tầm quan trọng đặc biệt.

Độc giả có thể nhớ rằng khi thảo luận về những tiêu chí của chế độ dân chủ trong chương 4, tôi đã hoãn việc thảo luận tiêu chí thứ năm: bao gồm tất cả những người trưởng thành (xem hình 4 trang 38). Tôi tin là chương này và chương trước đã cung cấp cho chúng ta những lí do đủ để kết luận rằng để có thể trở thành chính quyền dân chủ, chính phủ quốc gia phải thoả mãn tiêu chuẩn đó. Cho phép tôi diễn tả tiêu chuẩn đó theo cách sau: Bao gồm tất cả mọi người. Danh sách công dân trong một nhà nước được cai trị một cách dân chủ phải bao gồm tất cả những người bị pháp luật của nhà nước đó điều tiết, trừ những người vãng lai và những người được chứng minh là không có khả năng tự chăm sóc.

 NHỮNG VẤN ĐỀ CHƯA ĐƯỢC GIẢI QUYẾT

Muốn bác bỏ lí lẽ về chế độ giám hộ và áp dụng chế độ bình đẳng về chính trị như là một lí tưởng, ta cần giải quyết một vài vấn đề khó khăn nữa.

Công dân và quan chức chính quyền có cần sự trợ của các chuyên gia không? Chắc chắn là cần! Muốn cho chính phủ dân chủ hoạt động hữu hiệu thì tầm quan trọng của các chuyên gia và tri thức chuyên ngành là không thể phủ nhận.

Chính sách công thường là những vấn đề quá phức tạp (và có thể ngày càng trở thành phức tạp hơn), không chính quyền nào có thể đề ra được những quyết định chấp nhận được nếu không có sự trợ giúp của những chuyên gia có kiến thức cao. Hệt như mỗi người chúng ta, đôi khi chúng ta phải nhờ các chuyên gia hướng dẫn và phải giao cho họ quyết những việc quan trọng, các chính quyền – kể cả chính quyền dân chủ - cũng phải làm như thế. Làm sao thoả mãn được một cách tốt nhất những tiêu chí của chế độ dân chủ, duy trì quyền bình đẳng chính trị ở mức chấp nhận được, nhưng việc dựa vào các chuyên gia và tri thức chuyên môn trong việc thông qua những quyết định công cộng tạo ra một vấn đề nghiêm trọng, một vấn đề mà nếu những người ủng hộ chính quyền dân chủ bỏ qua thì họ sẽ là những người ngớ ngẩn. Nhưng ở đây tôi sẽ phải bỏ qua.

Nếu các công dân phải trở thành những người có năng lực, liệu họ có cần những định chế chính trị và xã hội để giúp họ trở thành những người như thế hay không? Khỏi phải hỏi. Cơ hội để có được một sự hiểu biết thấu đáo về những vấn đề công cộng không chỉ là một phần của định nghĩa về chế độ dân chủ. Đấy là đòi hỏi của chế độ dân chủ.

Không có điều nào trong tất cả những gì tôi đã nói lại ngụ ý là đa số công dân không thể phạm sai lầm. Họ có thể và chắc chắn là đã phạm. Đây chính là lí do vì sao những người ủng hộ chế độ dân chủ luôn luôn đánh giá rất cao lĩnh vực giáo dục. Và giáo dục công dân đòi hỏi không phải chỉ việc đi học ở trường theo lối chính quy mà còn cần những cuộc thảo luận công cộng, bàn cãi, tranh luận, luận chiến, có thông tin tin cậy được và những định chế khác của xã hội tự do.

Nhưng giả sử là những định chế dành cho sự thúc đẩy sự tiến bộ của công dân có năng lực là những định chế yếu kém và nhiều công dân không biết những điều cần thiết nhằm bảo vệ những giá trị và quyền lợi căn bản của họ thì sao? Chúng ta cần phải làm gì? Trong khi tìm kiếm câu trả lời ta rất nên xem xét lại những kết luận mà chúng ta đã rút ra được, cho đến thời điểm này

Chúng ta đã chấp nhận nguyên lí về bình đẳng nội tại: Chúng ta phải coi lợi ích của mỗi người về bản chất là bình đẳng với lợi ích của tất cả những người khác.

Chúng ta đã áp dụng nguyên lí đó cho chính phủ quốc gia: Khi đưa ra quyết định, chính quyền phải xem xét lợi ích và quyền lợi của tất cả những người có liên quan tới quyết định đó một cách bình đẳng.

Chúng ta đã bác bỏ chế độ Giám hộ, không coi nó là biện pháp áp dụng phù hợp với nguyên lí trên: Không một người trưởng thành nào có tư cách hơn hẳn những người khác trong việc cai trị đến mức nên uỷ thác cho họ uy quyền tối hậu và trọn vẹn đối với chính phủ quốc gia.

Thay vào đó, chúng ta đã chấp nhận nguyên tắc bao gồm tất cả mọi người. Danh sách công dân trong một nhà nước được cai trị một cách dân chủ phải bao gồm tất cả những người bị pháp luật của nhà nước đó điều tiết, trừ những người vãng lai và những người được chứng minh là không có khả năng tự chăm sóc.

Vì vậy, nếu những định chế giáo dục công dân còn yếu kém thì chỉ có một giải pháp duy nhất chấp nhận được mà thôi. Phải củng cố những định chế đó. Chúng ta, những người tin vào các mục đích dân chủ có bổn phận tìm kiếm những biện pháp nhằm giúp các công dân đạt được năng lực mà họ cần.

Có thể là những định chế giáo dục công dân đã được xây dựng trong những nước dân chủ trong suốt thế kỉ XIX và XX không còn phù hợp nữa. Nếu đúng như thế thì các nước dân chủ sẽ cần tạo ra những định chế mới để bổ sung cho những định chế cũ.

NHẬN XÉT KẾT LUẬN VÀ DỰ KIỀN

Cho đến lúc này, chúng ta đã khảo sát khoảng một nửa nội dung trong hình 3 (trang 29). Nhưng chúng ta cũng đã liếc qua một nửa kia rồi: những định chế cơ bản cần cho việc thúc đẩy các mục tiêu của chế độ dân chủ, và những điều kiện xã hội, kinh tế, và những điều kiện khác, thuận lợi cho sự phát triển và giữ vững những định chế chính trị dân chủ này. Chúng ta sẽ khảo sát những vấn đề này trong các chương sau.

Như vậy là chúng ta đã chuyển từ mục đích sang thực tế.

 

[1] Ý nghĩa triết học của những tuyên bố mang tính đạo đức và sự khác biệt của chúng so với những tuyên bố trong các môn khoa học thực nghiệm như vật lí, hóa học..v.v.. là đề tài của những cuộc thảo luận lớn. Tôi không hi vọng là sẽ giải quyết thấu đáo vấn đề ở đây. Độc giả muốn tìm hiểu thêm, xin đọc Amy Guttmann and Dennis Thompson, Democracy and Disagreement (Cambridge: Belknap Press of Harvard University Press. 1996).

[2] Muốn xem những bài phát biểu tại Hội nghị lập hiến, xin đọc Max Farrand, ed., The Records of the Federal Convention of 1787, 4 vols. (New Haven: Yale University Press, 1996), 1:82, 284, 578.

[3] John Stuart Mill, Consideration on Repsetative Government [1861] (New York: Liberal Arts Press, 1958), 44. [John Stuart Mill, Chính thể đại diện, Nguyễn Văn Trọng dịch, Nhà xuất bản tri thức, 2008, trang 112]

 

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường