[Bàn về chế độ dân chủ] Chương 3: Những vấn đề sẽ được thảo luận

[Bàn về chế độ dân chủ] Chương 3: Những vấn đề sẽ được thảo luận

Khi chúng ta thảo luận về chế độ dân chủ có lẽ điều làm chúng ta lúng túng nhất là “dân chủ” hàm ý cả lí tưởng và thực tế. Chúng ta thường không phân biệt rõ sự kiện đơn giản này. Thí dụ:

Alan nói: “Tôi nghĩ rằng chế độ dân chủ là hình thức chính quyền khả dĩ nhất”

Beth trả lời: “Bạn phải khùng điên mới tin rằng cái gọi là chính quyền dân chủ ở nước này là chính quyền tốt nhất mà chúng ta có thể có! Tại sao ư, tôi thậm chí không nghĩ là nó có nhiều dân chủ nữa kia”

Ở đây, dĩ nhiên là Alan đang nói đến chế độ dân chủ như một lí tưởng, trong khi Beth thì nghĩ về chính quyền mà trên thực tế thường được gọi là chế độ dân chủ. Trước khi Alan và Beth giải thích rõ ý nghĩa mà họ giữ trong đầu, họ có thể chệch hướng, “ông nói gà bà nói vịt” nữa. Từ kinh nghiệm phong phú của mình, tôi biết rằng chuyện này rất hay xảy ra – tôi lấy làm tiếc phải nói thêm rằng ở các học giả có hiểu biết sâu sắc về tư tưởng và thực hành dân chủ cũng thường xảy ra hiện tượng như thế.

Chúng ta có thể tránh được sự lẫn như thế sau khi làm rõ ý nghĩa mà chúng ta muốn nói:

Alan tiếp tục: “Vâng, tôi không muốn nói chính quyền hiện nay của chúng ta. Về chuyện này, tôi xin đồng ý với bạn”

Beth đáp: “Ừ, nếu bạn nói về chính quyền lí tưởng, thì tôi nghĩ rằng bạn đúng chắc rồi. Tôi thực sự tin rằng như một lí tưởng thì chế độ dân chủ là chính phủ tốt nhất. Đấy là lí do vì sao tôi muốn chính phủ ta phải dân chủ nhiều hơn là bây giờ”.

Các nhà triết học đã tham gia vào những cuộc tranh luận bất tận về những sự khác biệt giữa cách đánh giá của chúng ta về mục tiêu, mục đích, giá trị..v.v.. và những đánh giá của chúng ta về hiện thực, thực tế..v.v.. Chúng ta đưa ra những đánh giá loại thứ nhất để trả lời cho những câu hỏi như: “Tôi phải làm gì?” Chúng ta đưa ra những đánh giá loại thứ hai để trả lời cho những câu hỏi như: “Tôi có thể làm gì? Tôi có những chọn lựa nào? Nếu tôi làm X chứ không làm Y thì hậu quả sẽ như thế nào?” Người ta thường gọi đánh giá loại thứ nhất là đánh giá về giá trị hay xét đoán về đạo đức, còn đánh giá loại thứ hai là đánh giá mang tính kinh nghiệm chủ nghĩa.

Vài lời về từ ngữ

Mặc dù các nhà triết học đã tham gia vào những cuộc tranh luận bất tận về tính chất của những đánh giá về giá trị và những đánh giá mang tính kinh nghiệm chủ nghĩa cũng như những khác biệt giữa những kiểu đánh giá này, nhưng ở đây chúng ta không cần quan tâm tới những vấn đề triết học đó, bởi vì trong đời sống hằng ngày chúng ta đã quen phân biệt giữa lí tưởng và thực tế rồi. Song, chúng ta cũng cần nhớ rằng phân biệt giữa những đánh giá về giá trị và đánh giá mang tính kinh nghiệm chủ nghĩa là cần thiết, với điều kiện là không được đi quá xa. Nếu chúng ta khẳng định “Chính quyền cần phải quan tâm một cách vô tư tới lợi ích và quyền lợi của những người liên quan với những quyết định của nó,” hoặc “Hạnh phúc là lợi ích lớn nhất,” thì chúng ta đang ở rất gần với việc đưa những đánh giá giá trị “thuần tuý” nhất mà chúng ta có thể làm. Định luật nổi tiếng của Newton về lực hấp dẫn, khẳng định rằng lực hút giữa hai vật bất kì tỉ lệ thuận với tích của khối lượng và tỉ lệ nghịch với bình phương của khoảng cách giữa chúng với nhau là thí dụ trái ngược hẳn, đây là một đề xuất hoàn toàn mang tính kinh nghiệm chủ nghĩa. Nhưng trên thực tế, nhiều điều khẳng định chứa đựng hoặc ngụ ý những thành tố của cả hai loại đánh giá. Hầu như tất cả những đánh giá về chính sách công đều như thế cả. Thí dụ, có người nói: “Chính quyền nên có chương trình bảo hiểm sức khoẻ cho tất cả mọi người” là khẳng định trên thực tế rằng (1) sức khoẻ là mục đích tốt, (2) chính quyền nên cố gắng để thực hiện mục đích này, và (3) để đạt tới mục đích ấy thì bảo hiểm sức khoẻ cho mọi người là biện pháp tốt nhất. Hơn thế nữa, chúng ta thường đưa ra rất nhiều đánh giá mang tính kinh nghiệm chủ nghĩa, giống như điều (3) bên trên, nó cũng là đánh giá tốt nhất mà chúng ta có thể làm khi đối diện những hoàn cảnh hoàn toàn không xác định. Đây không phải là những kết luận mang tính “khoa học” theo nghĩa chính xác của từ này. Những đánh giá như thế thường được đưa ra trên cơ sở của một sự pha trộn giữa chứng cứ rõ ràng, chứng cứ không rõ ràng lắm, chẳng có chứng cứ nào và không xác định. Những đánh giá kiểu đó thường được gọi là “mang tính thực tế” hoặc “khôn ngoan”. Cuối cùng, có một kiểu đánh giá mang tính thực tiễn thường gặp là đánh giá nhằm cân bằng giữa lợi ích của một giá trị, một người, hoặc một nhóm và tổn thất của một giá trị, một người hoặc một nhóm người khác. Để mô tả những tình huống như thế, đôi khi tôi sẽ mượn cách nói thường được các nhà kinh tế học sử dụng và bảo rằng chúng ta phải chọn giải pháp “thỏa hiệp” chấp nhận được giữa các mục tiêu của chúng ta. Trong quá trình thảo luận chúng ta sẽ gặp tất cả những biến thể của những đánh giá về giá trị và đánh giá mang tính kinh nghiệm chủ nghĩa. 

 

NHỮNG MỤC TIÊU VÀ THỰC TIỄN CỦA CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ

Mặc dầu phân biệt giữa lí tưởng và thực tiễn của chế độ dân chủ là việc làm có ích, nhưng chúng ta cũng cần hiểu rõ lí tưởng hay mục tiêu và thực tiễn của chế độ dân chủ liên kết với nhau như thế nào. Tôi sẽ trình bày kĩ những mối liên kết này trong những chương sau. Bây giờ, xin sử dụng sơ đồ sau đây làm bản hướng dẫn sơ lược về những vấn đề sẽ được thảo luận trong tác phẩm này.

HÌNH 3. Những thành tố chủ yếu

LÍ TƯỞNG    THỰC TIỄN
Mục tiêu và Lí tưởng Những Chính quyền Dân chủ trên thực tế
Dân chủ là gì Tại sao lại dân chủ Dân chủ đòi hỏi những định chế chính trị nào? Những điều kiện thuận lợi cho chế độ Dân chủ?
Chương 4 Chương 5-7 Phần 3 Phần 4

 

Cả bốn hạng mục nằm dưới hai cột Lí tưởng và Thực tiễn đều là vấn đề có tính nền tảng:

Chế độ dân chủ là gì? Chế độ dân chủ có nghĩa gì? Nói một cách khác, chúng ta cần sử dụng những tiêu chuẩn nào để xác định xem một chính quyền có phải là dân chủ hay không, và dân chủ tới mức độ nào?

Tôi tin rằng một hệ thống như thế sẽ phải đáp ứng năm tiêu chí và hệ thống đáp ứng được những chỉ tiêu này sẽ là chế độ hoàn toàn dân chủ. Trong chương 4, tôi sẽ trình bày bốn tiêu chí, Chương 6 và 7 sẽ chỉ ra rằng vì sao chúng ta cần tiêu chí thứ năm. Nhưng, xin nhớ đây là những tiêu chí của hệ thống dân chủ lí tưởng hoặc hoàn hảo. Tôi ngờ rằng không ai trong chúng ta lại tin là chúng ta có thể xây dựng được hệ thống dân chủ hoàn hảo trên thực tế, bởi vì thế giới vốn có rất nhiều hạn chế mà chúng ta phải chấp nhận. Mặc dù vậy, những tiêu chí này cung cấp cho chúng ta những tiêu chuẩn, giúp chúng ta so sánh những thành tựu đã đạt được đạt cũng như những khuyết tật của những hệ thống chính trị và những định chế hiện nay, đồng thời chúng có thể là kim chỉ nam, hướng dẫn chúng ta trong quá trình tìm tòi những giải pháp làm cho chúng ta tiến gần tới lí tưởng hơn.

Tại sao lại dân chủ? Vì sao chúng ta tin rằng chế độ dân chủ là hệ thống chính trị tốt nhất? Những giá trị nào sẽ giữ thế thượng phong trong chế độ dân chủ?

Muốn trả lời những câu hỏi này thì điều quan trọng là phải nhớ rằng chúng ta không chỉ hỏi tại sao hiện nay người ta lại ủng hộ chế độ dân chủ, hoặc tại sao trong quá khứ người ta đã ủng hộ nó, hoặc những hệ thống dân chủ đã xuất hiện như thế nào. Người ta có thể chuộng chế độ dân chủ vì nhiều lí do. Thí dụ, một số người có thể chuộng chế độ dân chủ mà không cần nghĩ nhiều về lí do; trong thời đại và nơi chốn mà họ sống, ủng hộ chế độ dân chủ bằng đầu môi chót lưỡi có thể chỉ là thói quen hoặc truyền thống mà thôi. Một số người có thể ủng hộ chế độ dân chủ bởi vì họ tin rằng với chính quyền dân chủ họ sẽ có cơ hội làm giàu thuận lợi hơn, hoặc họ nghĩ rằng nền chính trị dân chủ sẽ mở ra cho họ sự nghiệp chính trị đầy hứa hẹn, hoặc người mà mà họ thán phục bảo họ như thế..v.v..

Có những lí do để ủng hộ chế độ dân chủ chung cho nhiều người hơn hay thậm chí là cho tất cả mọi người hay không? Tôi tin là có. Chúng ta sẽ thảo luận những lí do này trong các chương 5, 6 và 7.

Trong những giới hạn và khả năng trong thế giới hiện thực, muốn đáp ứng được một cách tốt nhất các tiêu chuẩn lí tưởng thì cần phải có những định chế chính trị như thế nào?

 Như chúng ta sẽ thấy trong chương sau, trong những giai đoạn khác nhau và tại những địa phương khác nhau, những hệ thống chính trị với những định chế chính trị khác hẳn nhau đã được người ta gọi là chế độ dân chủ hoặc nước cộng hoà. Trong chương trước, chúng ta đã thấy một lí do vì sao các định chế dân chủ lại khác nhau: chúng đã được áp dụng cho những thực thể chính trị khác nhau một trời một vực về mức độ và kich cỡ – dân số, lãnh thổ, hoặc cả hai. Một số thực thể chính trị, thí dụ như một làng ở Anh, nhỏ bé về diện tích và dân số; số khác, thí dụ như Trung quốc, Brasil, hoặc Hoa kì, là những thực thể khổng lồ về cả về diện tích lẫn dân số. Một thị trấn hay thành phố nhỏ, không cần một số định chế, vẫn có thể đáp ứng khá đầy đủ những tiêu chí của chế độ dân chủ mà, thí dụ, một nước lớn đòi hỏi.

Nhưng, kể từ thế kỉ XVII, tư tưởng dân chủ đã được áp dụng cho cả nước: đấy là Hoa Kì, Pháp, Anh, Na Uy, Nhật Bản, Ấn Độ…. Những định chế chính trị dường như là cần thiết hay hấp dẫn đối với chế độ dân chủ trên quy mô nhỏ của thị trấn hay thành phố, đã chứng tỏ là hoàn toàn không thích hợp đối với một đất nước có qui mô lớn hơn nhiều. Những định chế chính trị thích hợp cho một thị trấn lại hoàn toàn không phù hợp với ngay cả những nước nhỏ như Đan Mạch hoặc Hà Lan. Kết quả là, trong thế kỉ XIX và XX một loạt các định chế đã hình thành có phần giống như những định chế chính trị trong những chế độ dân chủ và nước cộng hoà trước đây; nhưng nhìn tổng thể, đấy là thành phần của một hệ thống chính trị hoàn toàn mới.

Chương 2 đã trình bày một cách ngắn gọn quá trình phát triển mang tính lịch sử của nó. Ở phần 3, tôi sẽ mô tả một cách đầy đủ hơn những định chế chính trị của những chế độ dân chủ hiện nay và trình bày những thay đổi quan trọng từng xảy ra trong những định chế này.

Xin lưu ý: nói rằng một số định chế nhất định là cần thiết không có nghĩa là bảo rằng chỉ cần như thế là đã có thể đạt được một nền dân chủ hoàn hảo rồi. Trong mỗi quốc gia dân chủ vẫn còn một khoảng cách khá lớn giữa chế độ dân chủ trên thực tế và nền dân chủ lí tưởng. Khoảng cách là thách thức đối với chúng ta: liệu chúng ta có thể tìm được những biện pháp làm cho những nước “dân chủ” càng dân chủ thêm hay không?

Nếu ngay cả những nước gọi là “dân chủ” cũng không hoàn toàn dân chủ thì làm sao chúng ta có thể nói những nước còn thiếu một số hoặc thiếu tất cả những định chế chính yếu của nền dân chủ hiện đại là những nước phi dân chủ? Làm sao để những nước này trở thành dân chủ hơn và có làm được không? Thực ra, chính xác thì vì sao mà một số nước lại trở thành tương đối dân chủ hơn các nước khác? Những câu hỏi này lại dẫn chúng ta lại đến những câu hỏi khác. Những điều kiện nào (trong một nước hay trong bất cứ thực thể chính trị nào khác) góp phần thúc đẩy và giữ vững sự ổn định cho các định chế dân chủ? Và, ngược lại, những điều kiện nào có thể ngăn chặn hay gây trở ngại cho sự phát triển và ổn định của chúng?

Trong thế giới ngày nay đây là những câu hỏi cực kì quan trọng. May là, cuối thế kỉ XX chúng ta có những câu trả lời rõ ràng hơn nhiều so với chỉ mấy thế hệ trước đây và tốt hẳn so với bất cứ thời điểm nào trước đó trong lịch sử thành văn. Trong phần 4, tôi sẽ chỉ ra những câu trả lời mà chúng ta đã biết ngay khi thế kỉ XX chuẩn bị kết thúc.

Chắc chắn là, những câu trả lời mà chúng ta đang có không phải là đã hoàn toàn xác định. Nhưng chúng vẫn tạo cho chúng ta một khởi đầu vững chắc hơn trong quá trình tìm kiếm giải pháp hơn là trước đây.

TỪ ĐÁNH GIÁ VỀ GIÁ TRỊ ĐẾN ĐÁNH GIÁ MANG TÍNH KINH NGHIỆM CHỦ NGHĨA

Trước khi rời bỏ sơ đồ này (trang …) tôi muốn độc giả lưu ý tới sự thay đổi quan trọng khi chúng ta di chuyển từ trái qua phải. Để trả lời “Dân chủ là gì?” chúng ta đưa  những đánh giá gần như phụ thuộc hoàn toàn vào những giá trị của chúng ta hoặc những điều chúng ta tin là tốt, là đúng hay là một mục tiêu hấp dẫn. Khi chúng ta chuyển đến câu hỏi “Tại sao lại dân chủ?”, đánh giá của chúng ta vẫn còn phụ thuộc nhiều vào những giá trị mang tính lí tưởng, nhưng chúng cũng phụ thuộc vào niềm tin của chúng ta về quan hệ nhân quả, hạn chế và cơ hội trong thế giới hiện thực xung quanh ta – tức là, phụ thuộc vào những đánh giá mang tính kinh nghiệm chủ nghĩa. Ở đây chúng ta bắt đầu dựa nhiều hơn vào những lời giải thích chứng cứ, sự kiện và những sự kiện mang tính mục đích. Khi chúng ta tìm cách xác định xem chế độ dân chủ thực sự đòi hỏi những định chế chính trị nào, chúng ta còn dựa nhiều hơn nữa vào chứng cứ và đánh giá mang tính kinh nghiệm chủ nghĩa. Cả ở đây, điều quan trọng đối với chúng ta còn phụ thuộc một phần vào những đánh giá trước đây của chúng ta về ý nghĩa và giá trị của dân chủ. Nói cho ngay, chúng ta quan tâm tới hình thức của những định chế dân chủ trong thế giới ngày nay là vì giá trị của chế độ dân chủ và những tiêu chí của nó là những vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với chúng ta.

Khi chúng ta chuyển sang phần bên phải của sơ đồ và tìm cách xác định những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và giữ ổn định cho những định chế dân chủ, đánh giá của chúng ta chỉ còn mang tính kinh nghiệm chủ nghĩa; nó hoàn toàn phụ thuộc vào cách chúng ta giải thích chứng cứ mà chúng ta có. Thí dụ, niềm tin vào chế độ dân chủ có góp phần đáng kể vào sự tồn tại của những định chế chính trị dân chủ hay là không? Nhưng ở đây, một lần nữa, những đánh giá mang tính kinh nghiệm chủ nghĩa này có ý nghĩa quan trọng và có liên quan đến chúng ta vì chúng ta quan tâm đến chế độ dân chủ và những giá trị của nó.

Vậy thì, con đường sẽ đưa chúng ta từ việc khảo sát những lí tưởng, mục tiêu và giá trị trong phần 2 tới việc mô tả những định chế chính trị dân chủ mang tính kinh nghiệm chủ nghĩa trong phần 3. Lúc đó chúng ta sẽ có thể chuyển sang phần 4, trình bày những điều kiện thuận lợi hoặc không thuận lợi đối với các định chế dân chủ, đây là nơi mà đánh giá của chúng ta hầu như sẽ chỉ có tính chất kinh nghiệm chủ nghĩa mà thôi. Cuối cùng, trong chương kết thúc, tôi sẽ trình bày một số thách thức mà chế độ dân chủ phải đối diện trong tương lai.

Nguồn: Robert Alan Dahl (1998), On Democrary. Yale University Press.

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường